Thư viện Học viện Công giáo Việt Nam: Thần học

Bài viết về "Thần học"

Hiển thị các bài đăng có nhãn Thần học. Hiển thị tất cả bài đăng




Joseph Quang Bình STB-K2

Thánh Gioan định nghĩa về Thiên Chúa của Ki-tô giáo rất đặc biệt: “Ο θεὸς ἀγάπη ἐστίν – Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Jn. 4:16 NA28). Đây quả thật là một định nghĩa có một không hai về Thiên Chúa: “God Is - Thiên Chúa Là” đi sâu vào thẳng bản thể hay yếu tính của Ngài. Nghĩa là Yếu Tính (Essentia) của Ngài như thế nào thì Hiện Hữu (Esse) của Ngài như thế ấy[1]: “I AM WHO I AM” (x. Xh 3, 14; Ga 8, 58). Thiên Chúa là tình yêu thì hiện hữu của Ngài là tình yêu, nghĩa là: cái “Là” bằng cái “Có”. Thiên Chúa, tự Ngài biểu lộ hay thông ban[2] (mặc khải) chính mình là tình yêu qua công trình tạo dựng và đặc biệt qua “Lời” của Ngài cho con người: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (x. Ga 1, 9). Theo Karl Barth[3], Thiên Chúa Cha là Đấng mặc khải (Revealer), Đấng sai Con, Chúa Con là sự mặc khải (Revelation), Đấng được Cha sai, và Chúa Thánh Thần (Revealedness) là sự được hay đón nhận mặc khải[4]. Đức Giêsu Ki-tô, Lời đến từ Cha đã mặc khải và xác nhận cho chúng ta “Một Thiên Chúa Duy Nhất” (x. Mc 12, 29-30), là “Cha, Con, và Thánh Thần” (x. Mt 28, 19). Thiên Chúa Duy Nhất - De Deo uno: Đức Giêsu Ki-tô nói Ngài và Chúa Cha là một (x. Ga 8, 30), và mọi sự Chúa Cha có đều là của Ngài.Quả thật, Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào, thì cũng ban cho người Con được có sự sống nơi mình như vậy” (x. Ga 5, 26), Chúa Cha ở trong Chúa Con và Chúa Con ở trong Chúa Cha (x. Ga 10,38). Sau này thánh Thomas Aquinas vận dụng hạn từ triết học “đồng bản thể” để giải thích tính duy nhất “Cha, Con, Thánh Thần đồng bản thể với nhau”. Lý giải về Thiên Chúa Ba Ngôi - De Deo Trino: Ba Ngôi có mối tương quan (Related) yêu thương mật thiết với nhau. Ba Ngôi Hiện Hữu với nhau (Being with), trong nhau (within), và cho nhau (for) “Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa” (x. Ga 1,1), cho nên Hiện Hữu là Tình Yêu (Being is love): “Ta là Đấng Tự Hữu – Ta là Đấng Tình Yêu”.

Khi nói Thiên Chúa Ba Ngôi là tình yêu thì tự trong nội tại sẽ có người yêu và đối tượng được yêu. Theo thánh Augustino[5]:  Cha là Người yêu (Lover), nguồn tình yêu, Ngôi vị chủ động yêu (The I); Con là người được yêu (Beloved), lãnh nhận tình yêu, đáp trả trao ban tình yêu, Ngôi vị chủ động yêu (The You); tình yêu của Cha và Con mối dây ràng buộc tình yêu (communio, the bond of love) là Thánh Thần (The We)[6]. “Tình yêu thì cho đi chính nó, cho tất cả, và sinh hoa trái tốt lành”[7]. Như vậy, từ trong nội tại Ba ngôi trào tràn cách viên mãn: Cha yêu người Con (x. Ga 5,20; 17,24) sinh ra Con, và Con biết Cha, bởi vì Con xuất phát từ nơi Cha (x. Ga 6, 29). Con là hình ảnh trung thực của bản thể Cha: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (x. Ga 14, 9), Con đồng bản thể với Cha (x. Ga 8, 30). Tình yêu mãnh liệt giữa Cha và Con trào tràn sự sống, vinh quang, sức mạnh, quyền năng “Nhiệm xuất ra Thánh Thần”. Thánh Thần là tình yêu viên mãn của Cha và Con “Thiên Chúa là Thần Khí” (Ga 4,24). Tình yêu ngoại tại của Ba Ngôi trào tràn chính mình ra ngoài Mình qua công trình tạo dựng vũ trụ này, diễn tả sự tốt lành của Thiên Chúa “mọi sự đều tốt đẹp” (x. St 1&2), và đặc biệt Ba Ngôi biểu lộ tình yêu của mình với con người bằng ngôn ngữ văn phạm của con người. Ngài biểu lộ yêu con người rất nhiều: “Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa” (x. Ga 1,1).

Đức Giêsu Ki-tô, Ngôi Lời nhập thể hay “Lời diễn tả” ra của Cha[8] (expressed Word) “tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.” (x. Ga 15,15). Ngài là Lời diễn tả ý muốn, hành động của Cha “người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy.” Ngài là Lời (giống âm phát ra) của Cha “không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì”. Ngài là Lời tự trời xuống, từ trong Cha không tìm cách làm theo ý riêng, nhưng theo ý (suy nghĩ) Đấng đã sai mình là Cha (x. Ga 6, 38). “Thầy nghe biết nơi Cha” là một quá trình đối thoại, thinh lặng, sắp xếp giữa suy nghĩ (Cha) và lời phát âm ra (Con). Theo Tertulian, “mặc dù Thiên Chúa đã chưa nói Lời của Ngài ra, thì Ngài luôn có Lời trong chính mình cùng với và trong Rationem của Ngài, trong khi Ngài nghĩ ra trong thinh lặng và sắp xếp với chính Ngài những điều Ngài sẽ nói ra bởi sự môi giới của Lời. Ngài đã biến suy nghĩ và sắp xếp thành Lời mà Ngài thảo luận trong đối thoại. [9]” vì thế Đức Giêsu Ki-tô là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa và cả hai là một “Ta và Chúa Cha là một.” Và để con người hiểu được “Lời” biểu lộ của Thiên Chúa không gì hơn chính là dòng chảy tình yêu của Cha và Con đó chính là Thánh Thần: giờ các con không lãnh nhận hết được, Thần Chân lý đến sẽ dạy các con mọi điều. Ngài là Đấng Bảo Trợ, là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em (x. Ga 14, 26).

Hans Urs Von Balthasar nói: “Thiên Chúa Ba Ngôi là một, tốt lành, sự thật và xinh đẹp, vì chính Ngài chủ yếu là tình yêu vừa thiết lập Ngôi Vị Khác (nội tại) vừa thiết lập sự Hiệp Nhất.” Ba nhưng là Một, như Đức Giêsu Ki-tô đã mạc khải: Thầy nghe biết nơi Cha, Thầy không tự mình nói hay làm. Tất cả là ý (suy nghĩ) của Cha và Thánh Thần sẽ làm cho các con hiểu những gì Thầy đã nói ý của Cha. Từ suy nghĩ, ý muốn (điều muốn biểu lộ “Thiên Chúa là tình yêu”) – Lời nói ra (điều suy nghĩ “Thiên Chúa là tình yêu”) – Giúp hiểu được (điều muốn biểu lộ đã được nói ra “Thiên Chúa là tình yêu”), tuy ba hành động nhưng chỉ chuyển tải một nội dung ý nghĩa “Thiên Chúa là tình yêu”.

Thiên Chúa là tình yêu” soi sáng giúp chúng ta không phải đoán mò về Ngài nữa. Còn gì hạnh phúc cho bằng khi chúng ta biết mình có một người Cha là Tạo Hoá, là Ba Ngôi Tình Yêu, và mình đang được sống trong tương quan tình yêu với Ba Ngôi Thiên Chúa và với anh em. Một khi chúng ta càng sống yêu thì càng giống Thiên Chúa và càng ở gần Ngài “ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy.” (1Ga 4, 8. 16). Tình yêu thì luôn tuôn trào ra với Thiên Chúa và tha nhân. Con người có khả năng đón nhận tình yêu và trao ban tình yêu. Đức Giêsu Ki-tô là mẫu gương cho mỗi người chúng ta về đón nhận và đáp trả tình yêu dành cho Thiên Chúa. Mở đường cho chúng ta đi theo. Tình yêu thì sống với, sống trong và sống cho nhau. Con người sống tình yêu thì thuận với bản thể tự nhiên của mình vì được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Sống thuận với Thiên Chúa là sống thuận với tự nhiên làm cho mọi sự trở nên “thật tốt đẹp”, hài hoà. Thiên Chúa là tình yêu phục vụ hiến dâng tất cả cho con người, đem lại hạnh phúc sự sống đời đời cho con người, chúng ta cũng hãy sống yêu thương nhau, sống cho nhau và phục vụ lẫn nhau.



[1] Thomas Aquinas

[2] Karl Rahner: Thiên Chúa Cha thông ban chính mình trọn vẹn và tất cả qua Chúa Con (Lời nội tại của Thiên Chúa). Nay Thiên Chúa nói bằng ngôn ngữ văn phạm của con người nhờ Lời thành xác phàm. Đức Giêsu Ki-tô vừa là Word và là Hearer, còn chúng ta là hearers of the Word. (Lưu Quang Bảo Vinh, Giáo trình Chúa Ba Ngôi.)

[3] Lưu Quang Bảo Vinh, Giáo trình Chúa Ba Ngôi.

[4]Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.” (Ga 13, 26)

[5] Lưu Quang Bảo Vinh, Giáo trình Chúa Ba Ngôi.

[6] Thomas Aquinas: Thánh Thần là lưu chuyển sự sống giữa Đấng thở ra (Spirator) đối với Đấng được thở ra (Spirated) -Thánh Thần – Đấng Spirated đối với Đấng Spirator. (Lưu Quang Bảo Vinh, Giáo trình Chúa Ba Ngôi.)

[7] Bonaventure.

[8] Lời nội tại (immanent Word)

[9] Lưu Quang Bảo Vinh, Giáo trình Chúa Ba Ngôi.




Maria Cao Thị Oanh STB-K3


Suốt dòng lịch sử Công Giáo có nhiều bí tích ban ơn tha thứ và hòa giải. Trong đó, Thánh Tẩy là một bí tích đầu tiên có liên quan rõ ràng tới việc tha thứ tội lỗi. Bí tích này không chỉ nhìn nhận tội đã phạm, việc ăn năn sám hối mà còn cho thấy lòng thương xót của Thiên Chúa, Ngài đến để cho con người được cứu độ, được sống một đời sống mới, được phục sinh với Ngài (Rm 6, 4-11). Vào thời các giáo phụ, bí tích này do Đức Giám mục chủ sự công khai, chỉ những người tội lỗi khét tiếng mới phải lãnh nhận và chỉ được nhận lãnh một lần. Thời trung cổ, giáo dân có thể ban ơn tha thứ…. Nhưng dù có những khác biệt, yếu tố chung của bí tích này bao gồm việc xưng thú tội lỗi, ăn năn sám hối, việc tha tội, được gọi là giải tội[1]. Ở đây, người viết xin trình bày đôi nét về lịch sử thần học của bí tích Hòa Giải qua các giai đoạn, sau cùng là lời nhận xét.

Trước hết, hạn từ Bí tích: dấu vết kín ẩn; hòa: thuận thảo; giải: cởi bỏ. Bí tích Hòa Giải là bí tích làm cho hối nhân nối lại mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa và với Hội Thánh[2]. Trong sách Giáo lý Công Giáo, Bí tích Hòa Giải được gọi là bí tích: Hoán Cải, Thú Tội, Tha Tội, Giao Hòa[3]. Qua các thế kỷ, bí tích Hòa Giải có nhiều biến chuyển và thay đổi khác nhau:

Trong Kinh Thánh, bí tích Hòa Giải thể hiện qua “lòng nhân từ của Thiên Chúa” (Lc 6, 36). Dẫu cho con người có cắt đứt tình nghĩa với Thiên Chúa (x. St 3). Thế nhưng Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi dân Ngài (x. Ez 16, 59-63). Ngang qua cái chết, phục sinh của Đức Kitô, Thiên Chúa đã tha thứ, phục hồi địa vị cho con người (x. Hs 2, 16-25), Ngài mong muốn chúng ta cũng phải thứ tha cho nhau, tha đến“bảy mươi lần bảy” (Mt 18, 22). Trong Hội Thánh tiên khởi, nghi lễ tha tội duy nhất là bí tích Thánh Tẩy[4]. Chính Đức Kitô và Hội Thánh mà Ngài thiết lập là bí tích của sự tha thứ của Thiên Chúa cho những ai gặp được Ngài và sống theo sứ điệp của Hội Thánh[5]. Đức Kitô đến để ở giữa tội nhân, quy tụ họ, để Ngài biến đổi họ (2Cr 5, 21). Nhờ Ngài mà từ nay không còn ai bị kết án, bởi nơi Ngài đã có ơn xá giải, tâm hồn con người “nên công chính để được sống đời đời” (Rm 5, 21). Thiết nghĩ, lòng thương xót của Thiên Chúa như mặt trời lúc nào cũng có, nhưng chỉ những ai sám hối (Lc 18, 13), thì mới được Thiên Chúa thứ tha.

Tiếp đến vào thời Giáo Phụ, việc giao hòa các Kitô hữu phạm các tội như thờ ngẫu tượng, giết người, ngoại tình kỉ luật khắc khe: hối nhân phải làm việc đền tội công khai[6]. Theo Hermas, một Kitô hữu tội nhân được nhận lãnh nghi thức hòa giải một lần duy nhất trong đời[7]. Việc sám hối công khai cho thấy Thiên Chúa là Ðấng hiện diện, gần gũi, quan phòng, thương xót[8] đối với những tâm hồn tan nát và Hội Thánh là nơi ta tìm được ơn giải thoát khỏi tội lỗi. Thế nhưng, ai được quyền tha tội? Đối với thánh Ambrôxiô, Augustinô, Chrysostom, Lêô I đều có những khẳng định khác nhau. Cụ thể như thánh Ambrôxiô nói: thừa tác viên tha tội là do nhân danh Thiên Chúa, nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần (Cl 3, 17). Theo thánh Augustinô, người ta được sạch tội là nhờ việc thống hối ăn năn, nhiều việc đền tội khác… Mục đích của việc sám hối là tẩy trừ tội lỗi, giải thoát khỏi cuộc sống phóng túng, nô lệ tư lợi, đưa tới cuộc sống yêu mến Thiên Chúa, phục vụ tha nhân. Tuy nhiên, vì không hiểu nên họ đã tránh tình trạng sám hối này[9].

Đến thời Trung Cổ, các thừa sai Ai Nhĩ Lan và Tô Cách Lan đưa ra hình thức xưng tội riêng[10], việc đền tội công khai không còn, bí tích được thực hiện kín đáo, các vị giải tội cầu xin Thiên Chúa ban ơn tha thứ và Linh mục mới có quyền tha tội. Công đồng Trentô chấp nhận lối xưng tội này. Yếu tố làm phát sinh hiệu quả của bí tích này là “lòng ăn năn” chứ không phải là lời xá giải[11]. Peter Lombard nhấn mạnh đến lòng sám hối ăn năn. Theo Thánh Tôma Aquinô, Bí tích thống hối vừa là của linh mục, vừa là của hối nhân. Phía hối nhân thì ăn năn sám hối, làm việc đền tội. Còn linh mục đọc lời xá giải. Thật vậy, Đức Kitô thiết lập bí tích này để giúp tội nhân từ bỏ tội lỗi, giao hòa với Thiên Chúa và hướng tới một cuộc sống công chính, thánh thiện.

 Thời Cải Cách, Luther cho rằng chỉ có sám hối mới đem lại ơn tha thứ. Sự tin tưởng, phó thác sống động của Kitô hữu là phương thế để bí tích có kết quả (Rm 10, 10). Công đồng Trentô cho việc xưng tội riêng là một bí tích, liên quan đến việc đền tội hơn là sám hối. Ơn tha thứ hệ tại những lời xá giải, vì lời xá giải tuyên bố việc tha tội của Thiên Chúa. Tuy nhiên, công đồng Trentô vẫn giữ một thái độ vụ luật đối với tội lỗi và ơn tha thứ, đã sai lầm khi giải thiết việc xưng tội thường xuyên có từ thời các tông đồ[12]. Sau công đồng Trentô, Bí tích Hòa Giải là cánh cửa của sự công bình, nhân ái; đòi hỏi con người phải tự vấn lương tâm; công bố sự tha thứ của Thiên Chúa; tha thứ cho chính mình và tha nhân, đụng chạm được cùng đích sự trưởng thành.

Đến thời Công đồng Vatican II đã đưa ra ba công thức giải tội như sau: sám hối và xưng tội riêng; bán công khai, nghĩa là xưng tội riêng, xá tội chung; ba là xưng tội tập thể và xá tội chung. Sau Vatican II, người ta không lãnh nhận bí tích như một tác động bên ngoài nhưng sống thực bí tích, nó trở thành kinh nghiệm sống. Với thời đại hiện nay, Giáo hội đề cao động cơ hơn: động cơ nào khiến cho người ta hành động như thế. Giáo hội đã sửa đổi nghi thức Hòa Giải ít tính cá nhân, nhiều tính cộng đoàn hơn, ít quan tâm đến việc kê khai các tội mà quan tâm hơn tới việc thay đổi tâm hồn. Thiết nghĩ, cái tốt hôm nay phải được xây dựng trên nền tảng là Đức Giêsu mới đem lại giá trị đích thực và chỉ những ai đi trên con đường mang tên Giêsu, mặc lấy lối sống của Ngài sẽ được cứu độ (Ga 14, 6). Trong tương lai, các nhà thần học nhấn mạnh tầm quan trọng của trách nhiệm cá nhân trong những quyết định luân lý, công đồng cho người ta sống theo lương tâm. Trong nền văn hóa ít tiên tiến, bí tích Hòa Giải truyền thống vẫn còn thích hợp, các hình thức Hòa Giải truyền thống nói lên lòng nhân hậu, sự tha thứ, đến việc hoán cải, ăn năn[13].

Nhận xét

Qua phần trình bày trên đây, có thể nhận thấy bí tích Hòa Giải đã trải qua những biến đổi quan trọng về nhận thức và cách thức cử hành. Trước hết, bí tích Hòa Giải là một phương thế để canh tân đời sống mặt thiêng liêng, Hoà Giải để được sống trong lòng Giáo Hội. Trong Kinh Thánh, bí tích Hòa Giải biểu hiện qua lòng nhân từ của Thiên Chúa”. Vào thời các Giáo phụ chỉ có đền tội công khai”, không có sám hối. Đến thời Trung Cổ thì nhấn mạnh tới “xưng tội” như cuộc gặp gỡ riêng tư giữa linh mục với hối nhân. Từ sau Công Đồng Trentô tới nay, nhấn mạnh tới “lời xá giải” như một cuộc trao đổi pháp lý giữa hối nhân và linh mục. Người ta tin rằng chỉ cần với chút ít sám hối, cộng với lời xá giải của linh mục, họ sẽ được tha tội, cả những tội trọng[14]. Hòa Giải không phải là một hành vi chỉ được phép làm một lần trong đời, nhưng là một tiến trình kéo dài suốt đời[15]. Dưới sự hướng dẫn của công đồng Vatican II, bí tích Hòa Giải đang trên đường đi tìm một cách diễn tả gần gũi hơn với nhận thức của con người hôm nay.

Tóm lại, bí tích Hòa Giải là nhịp cầu Lòng Thương xót của Thiên Chúa. Ngang qua đó, ta được giao hòa với Thiên Chúa, với Hội Thánh, với chính mình, tái tạo sự hiệp thông huynh đệ, được hưởng mọi gia sản thiêng liêng của một chi thể sống động của Thân Thể Chúa Kitô[16]. Các nhà thần học nhấn tới việc tái hoán cải và hòa giải. Điều đó cho thấy, Chúa Giêsu chính là bí tích hằng sống để chữa lành cho những ai biết Ngài, cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi là một dấu chỉ sống động của ơn tha thứ tội lỗi, của tình yêu thương huynh đệ, việc đích thân quan tâm đến lợi ích của tha nhân[17]. Như Đức Giêsu đã loan báo sứ điệp hòa giải bằng chính cuộc sống của Ngài, mỗi người được mời gọi dùng chính cuộc sống của mình để loan báo ơn hòa giải ấy cho con người hôm nay. Chứng tá của cuộc sống sẽ là dấu chỉ mạnh mẽ nhất của ơn cứu độ Thiên Chúa: “Con hãy về bình an. Lòng tin của con đã cứu con.” (Lc 7, 50).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1.     HĐGMVN - Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin - Ban Từ vựng Công giáo. Từ Điển Công Giáo. Hà Nội: Tôn Giáo, 2019.

2.     Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin. Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo. Hà Nội: Tôn Giáo, 2012.

3.     Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Tông sắc Dung Mạo Lòng Thương Xót. 11.4.2015.

4.     Công Đồng Vatican II. Hiến chế Lumen Gentium. 21-11-1964.

5.     Đaminh Nguyễn Đức Thông. Bí Tích Hòa Giải và Bí Tích Xức Dầu. CSsR, 2021.

6.     Joseph Martos. Cửa Vào Thánh Thiêng. Đaminh Nguyễn Đức Thông dịch. Hà Nội: Tôn Giáo, 2015.

7.     William J.Bausch. Một Lối Nhìn mới về Bí tích. Đaminh Nguyễn Đức Thông dịch. Phương Đông, 2009.

8.     Shopp. John B. et al. The HarperCollins Encyclopedia of Catholicism. Harper CollinsPublishers Inc, 1995. Osborne. Kenan.

 

 



[1] Joseph Martos, Cửa Vào Thánh Thiêng, Đaminh Nguyễn Đức Thông dịch, Nxb Tôn Giáo, 2015, 307.

[2] HĐGMVN - Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin - Ban Từ vựng Công giáo, Từ Điển Công Giáo, Hà Nội: Tôn Giáo, 2019, 400.

[3] Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo, Hà Nội: Tôn Giáo, 2012, số 1423, 1424.

[4] Đaminh Nguyễn Đức Thông, Bí Tích Hòa Giải và Bí Tích Xức Dầu, 2021, 8.

[5] Đaminh Nguyễn Đức Thông, Bí Tích Hòa Giải và Bí Tích Xức Dầu, 9.

[6] Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo, số 1447.

[7] Shopp, John B, et al., The HarperCollins Encyclopedia of Catholicism, Harper CollinsPublishers Inc, 1995. Osborne, Kenan, item Reconciliation.

[8] x. ĐGH Phanxicô, Tông sắc “Dung Mạo Lòng Thương Xót”, 2015, số 6.

[9] Đaminh Nguyễn Đức Thông, Bí Tích Hòa Giải và Bí Tích Xức Dầu,15-16.

[10] Đaminh Nguyễn Đức Thông, Bí Tích Hòa Giải và Bí Tích Xức Dầu, 20.

[11] Đaminh Nguyễn Đức Thông, Bí Tích Hòa Giải và Bí Tích Xức Dầu, 26.

[12] Đaminh Nguyễn Đức Thông, Bí Tích Hòa Giải và Bí Tích Xức Dầu, 2021, 36-37.

[13] Joseph Martos, Cửa Vào Thánh Thiêng, Đaminh Nguyễn Đức Thông dịch, Nxb Tôn Giáo, 2015, 361.

[14] William J.Bausch, Một Lối Nhìn mới về Bí tích, Đaminh Nguyễn Đức Thông dịch, Nxb Phương Đông, 2009, 268.

[15] William J.Bausch, Một Lối Nhìn mới về Bí tích, Đaminh Nguyễn Đức Thông dịch, 274.

[16] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, 1964, số 48-50.

[17] Joseph Martos, Cửa Vào Thánh Thiêng, Đaminh Nguyễn Đức Thông dịch, 362. 



Maria Cao Thị Oanh STB-K3


I.                Dẫn nhập

Đã làm người, ai cũng phải chết (Dt 9, 27). Cái chết đụng chạm đến tất cả mọi người, thật gần gũi nhưng cũng thật huyền nhiệm. Thế nhưng, sự chết là gì? Tại sao tôi phải chết? Chết có ý nghĩa gì không? Điều gì sẽ xảy ra sau khi tôi chết? Tôi sẽ hy vọng vào ai, vào điều gì khi phải đối diện với sự chết? Thật vậy, khi đứng trước sinh lão bệnh tử của kiếp người, đã có nhiều người cảm thấy đau khổ, sợ hãi vì nghĩ rằng chết là hết, là chấm dứt tất cả. Thế nhưng trong niềm tin Kitô giáo, chết không phải là hết nhưng là một cách để phát sinh sự sống mới, như Đức Giêsu đã nói: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24). Như thế, sự chết là điều kiện nhất thiết để triển nở và thay đổi cách thái hiện hữu. Dựa trên niềm hy vọng ấy, người viết xin trình bày chủ đề: “Niềm hy vọng cánh chung trong mầu nhiệm sự chết theo nhãn quan Kitô giáo” qua bốn điểm chính: Thứ nhất, sự chết là gì?. Thứ hai, quan niệm sự chết qua các tư tưởng triết học. Thứ ba, quan niệm sự chết trong nhãn quan Kitô giáo. Sau cùng, niềm hy vọng Kitô giáo trong mầu nhiệm sự chết.

II.              Nội dung

1.    Chết là gì?

        Theo Kinh Thánh, chết là hậu quả của tội: sự chết phần xác và sự chết phần hồn (x. Rm 5, 12; 8, 5-6). Theo sách Giáo Lý Công Giáo, sự chết là kết thúc cuộc lữ hành trần thế của con người, kết thúc thời gian của ân sủng, của lòng thương xót mà Thiên Chúa ban cho con người.[1] Thật vậy, cuộc đời của mỗi người được tính bằng thời gian. Trong khoảng thời gian đó, con người thay đổi, già đi rồi chết. Thực tại này cho chúng ta một cái nhìn bức thiết và hiện sinh hơn về cuộc sống.

        Theo nghĩa phổ thông, sự chết xảy ra khi thân xác con người mất khả năng sống và mất khả năng hoạt động[2], chấm dứt cuộc sống trần gian.

2.    Tư tưởng triết học về sự chết

2.1.        Tư tưởng Đông Phương về sự chết

      Tư tưởng Đông Phương diễn đạt rằng chết không phải là hết, nhưng sau cái chết, còn có một đời sống mới nơi thế giới bên kia.[3] Những tư tưởng này được thể hiện qua hai điểm:

      Thứ nhất, quan niệm sự chết trong văn hóa - tín ngưỡng Việt Nam: Người Việt thường bảo rằng: “Sinh thuận tử an”, “hùm chết để da, người ta chết để tiếng”. Vì thế, trong thâm tâm họ tin rằng chết không phải là hết nhưng là quy thiên[4], với họ sinh ký tử quy - sống gửi thác về.

      Thứ hai, trong Ấn Giáo và Phật Giáo: có nhiều quan điểm tư tưởng khác biệt về vận mạng con người, về tâm thân, tâm thức và linh hồn. Nhưng cả hai quan niệm rằng chết không hết, nhưng con người bị ràng buộc bởi vòng luân hồi sinh tử. Sau khi trải qua cái chết, con người bước vào kiếp sống khác: linh hồn nhận được một thân xác mới trong mỗi lần tái sinh; kiếp sống mới tốt đẹp hay tồi tệ hơn kiếp trước thì tùy thuộc vào cách sống của người đó. Thuyết luân hồi mở ra cho con người cánh cửa hy vọng, nếu người đó trót lỗi lầm hay làm điều ác ở đời này thì đời sau còn có cơ hội để chuộc lại tội lỗi đó[5].

2.2.        Tư tưởng triết học Tây Phương về sự chết

    Với tư tưởng Hy Lạp Cổ Đại: có ba quan điểm khác nhau. Trước tiên, tư tưởng của Epicurus (341-270 BC) cho rằng, chết thì không quan trọng, ông nói: “Khi nào tôi còn hiện hữu, cái chết không có và bất cứ lúc nào nó có, thì chúng ta không hiện hữu”[6]. Với Pythagoras (570-415 BC), linh hồn là yếu tố linh thiêng, bất tử không lệ thuộc vào thân xác phải chết; cái chết chỉ đụng chạm đến thân xác mà thôi, nên không cần phải lo ngại về cái chết. Sau cùng, Platon (428-348 BC) quan niệm, khi còn ở trong thân xác hay hư hoại, con người không bất tử, chỉ khi chết, linh hồn con người mới đạt tới tình trạng bất tử.[7]

    Theo tư tưởng Tây Phương hiện đại: Khác với Thời Trung Cổ, Triết học Tây Phương hiện đại có khuynh hướng tách khỏi ảnh hưởng của Kitô giáo. Cụ thể với Jean Paul Sartre, ông cho rằng cuộc sống con người là một hành trình từ hư vô đến hư vô. Con người bị ném vào cuộc đời, bị đe dọa bởi những thực tại. Còn đối với Martin Heidegger và Karl Jaspers thì cho rằng, mỗi ngày con người ý thức mình sẽ chết nên con người sống tròn đầy trong từng giây phút. Chính khi sống trọn ý nghĩa cuộc sống, con người mới bước tới huyền nhiệm của cái vô hạn mở ra trước mắt họ sau ngưỡng cửa sự chết.[8]

3.      Quan niệm sự chết trong nhãn quan Kitô giáo

Trước tiên, sự chết dưới ánh sáng của Cựu Ước

    Chúng ta thấy rằng, cái chết không chỉ đơn thuần là một quy luật tự nhiên nhưng còn là “hệ quả” của tội lỗi, do sự ghen tương của ma quỷ đã đưa cái chết vào trần gian (x. Kn 2, 23-24), gây ra sự đổ vỡ trong tương quan giữa con người với Thiên Chúa và với tha nhân. Thật vậy, trong công trình sáng tạo, Thiên Chúa không muốn con người phải chết nhưng muốn con người được “sống, hiện hữu và hoạt động” trong ân nghĩa với Người. Thế nhưng vì con người bất tuân, không vâng phục, vi phạm lệnh truyền của Thiên Chúa (St 2,17), cho nên con người bị kết án “tử hình”, phải chết, phải xa cách Thiên Chúa. Thật vậy, cái chết là một cái gì đó bất thường, không thuộc về bản chất sáng tạo của Thiên Chúa. Cái chết không do Chúa làm ra, Ngài không vui thích gì khi thấy sinh vật phải chết (x. Kn 1, 13-14) vì Ngài đã tạo dựng để chúng tồn tại. Như vậy, cái chết chính là hình phạt của tội.

Tiếp theo, sự chết dưới ánh sáng của Tân Ước

      Tân Ước cũng diễn tả cách rõ ràng nguồn gốc của cái chết là do hậu quả của tội và hình phạt đối với tội, đặc biệt là tội nguyên tổ (x.Rm 5, 12-14). Tuy nhiên, qua cái chết trong sự vâng phục trọn vẹn của Đức Kitô theo thánh ý Thiên Chúa (Pl 2, 8), Ngài đã đem đến cho nhân loại nguồn ơn cứu độ, đem lại ơn giao hòa giữa con người với Thiên Chúa, đồng thời tạo cho cái chết một giá trị chính đáng và ý nghĩa mới, ý nghĩa Cánh Chung: chết không còn là bản án của tội lỗi nhưng trở thành hành vi của một tình yêu tự hiến: “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người hiến mạng sống mình vì bạn hữu mình” (Ga 15, 13).

    Giáo hội quả quyết rằng[9]: cái chết thể xác, điều mà con người có thể tránh nếu như không phạm tội, sẽ bị đánh bại khi Đấng Cứu Thế toàn năng, nhân ái mang lại ơn cứu độ, ơn đã bị đánh mất vì tội lỗi (Rm 5, 21). Nếu như Ađam xưa đã làm cho cái chết thống trị, thì nay hành vi vâng phục của Đức Kitô như Adam mới, “Đấng Cánh Chung” đem lại sự sống vĩnh hằng cho nhân loại. Ngài đã tước bỏ quyền lực của sự chết (x. 2 Tm 1, 10), và Ngài cai trị cả người sống cũng như kẻ chết (Dt 14, 9). Thánh Augustino nói rằng: “Nhờ cuộc khổ nạn của Người, Chúa chúng ta đã đi từ cõi chết tới sự sống, đã mở một con đường cho chúng ta những người tin vào sự sống lại của Người rằng chúng ta cũng có thể vượt qua cái chết tới sự sống”.[10] Như vậy, với cái chết của Đức Kitô, cái chết không còn là tận cùng của đời người nữa, nhưng trở thành ngưỡng cửa dẫn đưa con người vào cõi sống đời đời và cõi sống đó chính là niềm hy vọng, ngõ hầu làm cho con người sống ý nghĩa và tròn đầy hơn.[11]

4.      Niềm hy vọng Kitô giáo trong mầu nhiệm sự chết của con người

    Đối với Kitô giáo, cái chết không còn là niềm đau thương, nhưng là niềm hy vọng để bước vào đời sống mới, sống cùng và sống với Đức Giêsu.

4.1.        Cái chết – một sự gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa

    Sự sung mãn của cuộc gặp gỡ này được sách Sáng Thế tường thuật lại: “như thể chiều chiều Thiên Chúa tản bộ trong vườn để gặp gỡ hàn huyên với con người” (St 3, 8). Thế nhưng, chính tội lỗi đã gây ra sự chia cắt mối tương quan này. Dù vậy, Thiên Chúa vẫn yêu thương muốn nối lại cuộc gặp gỡ với con người. Ngài đến gặp ta qua mỗi giai đoạn của cuộc sống, với ân huệ đức tin và phép rửa tội mà ta lãnh nhận (Rm 6, 3), cách riêng trong Bí tích Thánh Thể là lời tiên báo giúp ta thông dự vào cái chết và phục sinh. Ngài còn đến từng ngày qua Thánh Lễ, để giúp chúng ta thực hiện cuộc Vượt qua từ xác thịt đến Thần Khí[12]. Trong các cuộc gặp gỡ ấy, giờ chết là cao điểm của cuộc gặp gỡ và đó không thể là giờ cô đơn đối với người Kitô hữu, vì Chúa Kitô đang đến, Ngài đứng ngoài và gõ cửa (Kh 3, 20).

    Hơn nữa, Công Đồng Vatican II nêu rõ: “Đức Kitô, Đấng phục sinh của ngày chung thẩm, đứng trên bờ của lằn ranh cõi vĩnh hằng để đón chờ, cho họ ăn và để nhận họ trước mặt Thiên Chúa”[13]. Có thể nói, chính Thiên Chúa đã chuẩn bị để con người có cuộc gặp gỡ này. Do vậy, bắt đầu cuộc sống này là con người bắt đầu một cuộc hành trình. Niềm tin Kitô giáo cho ta biết rằng cuộc sống đời này chỉ là tạm bợ, quê hương đích thật của chúng ta ở trên trời (Pl 3, 20). Như vậy, đối với người Kitô hữu, cái chết không còn là một sự kết thúc vô nghĩa, không còn mang dáng dấp đáng sợ của tử thần, nhưng đó là nơi hội ngộ với Đức Kitô và là nơi đầy mơ ước như thánh Phaolô: “Ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Kitô”.[14]

4.2.        Chết với Chúa Kitô, trong Chúa Kitô và cho Chúa Kitô

      Điều này được Phaolô nêu rõ: “Nếu chúng ta cùng chết với Chúa Kitô, chúng ta sẽ cùng được sống lại với Người” (2 Tm 2, 11). Nơi cái chết của mình, Đức Kitô ôm ấp sự chết của con người: “Ngài ban cho họ được cùng chết vào Chúa Cha với Ngài”.[15] Cuộc sống của Kitô hữu sẽ có kết cục thế nào đó là tùy vào sự chọn lựa và đáp ứng của ta đối với Đức Kitô và Tin Mừng của Ngài. Nếu ta sống cho Chúa, vì Chúa, trong Chúa thì cũng sẽ chết cho Ngài, vì Ngài và trong Ngài. Và phần thưởng của những ai đã sống-chết cho Chúa, vì Chúa, đó là sự sống đời đời, “Thật, tôi bảo thật các ông: ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 8, 51). Thánh Phaolô cũng khẳng định: “Thật vậy, không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa” (Rm 14, 7-8). Vì vậy, đời sống người tín hữu không còn sống cho chính mình, mà là sống đời sống mới của Đức Kitô (Rm 14, 8). Vậy khi ta chết với Chúa, trong Chúa, cho Chúa, thì ta sẽ được hiệp nhất với Ngài.

4.3.        Cái chết - mầu nhiệm hiệp nhất và là ngưỡng cửa đời sống vĩnh cửu

     Cái chết không chỉ là kinh nghiệm đau khổ của người tin vào Thiên Chúa nhưng ngang qua cái chết, người tin được nên giống Đức Kitô và hiệp nhất với Ngài (Rm 8, 17; Pl 3, 10-11). Nhờ đó, ta được hưởng đời sống vĩnh cửu cùng Ngài.

    Thánh Phaolô diễn tả đời sống trong thân xác này như một cuộc lưu lạc xa Chúa (1 Cr 5, 6). Vì thế, Ngài ước ao được gặp gỡ Thiên Chúa, được “ra đi” để tham dự “cuộc hội ngộ của con cái Thiên Chúa” (Hr 12, 22-23). Đối với Ngài, cái chết là ngưỡng cửa, là điều kiện cần để người tín hữu bước vào cuộc vượt qua này mà đi vào bàn tiệc cánh chung Nước Trời (Mt 26, 29). Giáo lý Công Giáo cũng khẳng định, chết là kết thúc cuộc hành trình lữ khách trần thế, kết thúc thời gian Thiên Chúa gia ân và thương xót để con người sống cuộc đời trần thế theo ý Chúa[16] và khi đó tôi không chết nhưng tôi bước vào cõi sống. Vì thế, cái chết trở nên điều kiện bất khả phân ly đối với con người trên đường đi vào sự sống vĩnh cửu. Con người chỉ bước vào đời sống mới sau khi đã qua cái chết, một cái chết không chỉ là định mệnh, nhưng còn là sự hoàn tất Bí tích cứu độ nơi mỗi người.

4.4.        Cái chết là sự hoàn tất bí tích cứu độ nơi người tín hữu

        Chính nhờ đức tin và các bí tích mà con người được tham dự vào cuộc khổ nạn, sự chết và phục sinh của Đức Kitô. Qua Bí tích Thánh Tẩy, “ta được dìm vào trong cái chết của Đức Kitô” (Rm 6, 3), cùng chết và sống lại với Người. Nhờ Bí tích Rửa Tội, ta được tái sinh, thanh tẩy trở thành con người mới, sống nhờ ân sủng và ân huệ của Thần Khí[17]. Với Bí tích Thánh Thể, ta loan truyền cái chết của Đức Kitô là sự chết với sự sống của ta. Nếu ta loan truyền Đức Kitô là “Đấng bị trao nộp vì ta” thì Bí tích Thánh Thể phải thực hiện nơi ta cái chết của Người[18]. Nhờ Bí tích Giao Hòa làm cho người Kitô hữu sống trong ân sủng này[19].

        Người Kitô hữu còn tập chết mỗi ngày khi bước vào đời sống gia đình do Bí tích Hôn Phối đem lại (Gl 12, 25). Nhờ Bí tích Xức Dầu, trong giờ lâm tử, ta có đủ sức mạnh để đối phó với thử thách cuối cùng của cuộc đời, và ta có thể hành động nơi mình cách hoàn toàn tự do đó chính là chết trong sự hiệp thông với Thiên Chúa[20]. Đặc biệt đối với một số người, khi lãnh nhận Bí tích Truyền Chức, họ mặc nơi chính con người mình Đức Kitô Linh mục thượng phẩm và như Đức Kitô, họ tập chết đi mỗi ngày trong con người mình để hoàn tất nơi mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô[21]. Như vậy “đối với Kitô hữu, chết là kết thúc đời sống Bí tích, là khởi đầu sự viên mãn của cuộc tái sinh nhờ Thánh Thần xức dầu và nhờ tham dự Bàn Tiệc Nước Trời đã được tiền dự trong Bí tích Thánh Thể”[22].

III.            Kết luận

        Tóm lại, chết là hậu quả của tội. Mỗi tư tưởng triết học, tôn giáo đều có quan niệm khác nhau về cái chết, tuy nhiên chết không phải là hết, sau cái chết còn có một đời sống mới mẻ mà con người sẽ bước vào. Với Kitô giáo, cái chết không là tận cùng nhưng nó trở thành ngưỡng cửa bước vào cõi trường sinh, là sự gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa, là chết với Chúa, trong Chúa và cho Chúa. Khi đó, người Kitô hữu được hiệp nhất với Chúa, được đi vào đời sống vĩnh cửu và hoàn tất Bí tích cứu độ. Nơi Chúa Giêsu tử nạn và phục sinh, đã thành hình một chân lý sự sống cho chúng ta: hy sinh và từ bỏ là điều kiện để nhận lãnh; đau thương và chia lìa là cách thức để tinh luyện; tan biến hay mất đi là nhân tố của sự đổi mới; chết là nguyên nhân xúc tác để làm thành sự sống mới.

Thật vậy, sống là chấp nhận chết đi để triển nở và phát sinh. Mỗi một hành vi khiêm tốn là chết đi một phần tính kiêu ngạo của mình. Mỗi một hành vi can đảm là chết đi một phần tính hèn nhát của mình. Mỗi một hành vi dịu dàng là chết đi một phần tính hung bạo của mình. Mỗi một hành vi yêu thương là chết đi một phần tính ích kỷ của mình. Con người tội lỗi chết dần đi thì con người đích thực được dựng nên giống hình ảnh Chúa mới xuất hiện và lớn mạnh. Thiết nghĩ, mỗi kitô hữu cần luôn biết đọc và nhận ra sứ điệp Chúa gửi tới trong cuộc đời, biết đón nhận tất cả những đau khổ trong cuộc đời trong tinh thần vâng phục và phó thác, luôn sống tinh thần tỉnh thức, sẵn sàng. Sống trọn vẹn trong từng phút giây trong cuộc đời như thể hôm nay là ngày cuối cùng của đời tôi. Ngõ hầu, khi cái chết đến, ta không sợ, không hối tiếc vì biết chắc rằng, ở bên kia cái chết, chúng ta sẽ có sự sống mới - sự sống vĩnh cửu với Đức Kitô.

 

TÀI LIU THAM KHẢO

1.  Nhóm Phiên Dch Các Gi Kinh Phụng Vụ. Kinh Thánh. Hà Ni: Tôn Giáo, 2011.

2.  Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Sách Giáo Lý ca Hi Thánh Công Giáo. Hà Nội: Tôn Giáo, 2016.

3.  Lm. Phaolô Vũ Chí H, SSS. Cánh Chung Hc - Đo v nim Hy Vọng Kitô Giáo. Lưu hành nội bộ, 2022.

4.  Phan Tt Thành. Nim Hy Vng Hng Phúc - Đi sống tâm linh XIV. Hà Ni: Tôn Giáo, 2016.

5.  Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Gaudium Et Spes (GS).

6.  Durrwell. Đức Kitô Con Ngưi Và Cái Chết. Médiapaul & Paulines.

7. Epicurus. Letter to Menoeceus”. Trans. George K.Stodach.New York: Penguin Books, 2012.

8.  Phaolô Nguyễn Thái Hp. Chút Này Làm Tin. Dấn ThânHouston, 2003.

9. Antôn Nguyễn Văn Dũng, C.Ss.R. Cánh Chung Học. Học Viện Thánh Anphongsô, 2017.

10. Ranifro Cantalamessa. Chúa Thánh Thần - Ánh Sáng và Sự Sống của Giáo Hội. Phêrô Nguyễn Văn Hương chuyển ngữ. Hà Nội: Tôn Giáo, 2017.

11. Bộ Giáo Dục và Đào Tạo Trung Tâm Ngôn Ngữ và Văn Hóa Việt Nam. Đại từ điển Tiếng Việt. Chủ biên Nguyễn Như Ý. Tp.Hồ Chí Minh: Tôn Giáo, 1999.

  

MỤC LỤC

I.                DẪN NHẬP

II.              NỘI DUNG

1.    Chết là gì?

2.    Tư tưởng triết học về sự chết

2.1.        Tư tưởng Đông Phương về sự chết

2.2.        Tư tưởng triết học Tây Phương về sự chết

3.    Quan niệm sự chết trong nhãn quan Ki-tô giáo

4.    Niềm hy vọng Ki-tô giáo trong mầu nhiệm sự chết của con người

4.1.        Cái chết – một sự gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa

4.2.        Chết với Chúa Ki-tô, trong Ki-tô và cho Ki-tô

4.3.        Cái chết – mầu nhiệm hiệp nhất và là ngưỡng cửa đời sống vĩnh cửu

4.4.        Cái chết là sự hoàn tất bí tích cứu độ nơi người tín hữu

III.            KẾT LUẬN

 



[1] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, (Hà Nội: Tôn Giáo, 2016), số 1013.

[2] Bộ Giáo Dục và Đào Tạo Trung Tâm Ngôn Ngữ và Văn Hóa Việt Nam, Đại từ điển Tiếng Việt, chủ biên Nguyễn Như Ý, (Tp.Hồ Chí Minh: Tôn Giáo, 1999), 344.

[3] Antôn Nguyễn Văn Dũng, C.Ss.R, Cánh Chung Học, (Học Viện Thánh Anphongsô, 2017), 110.

[4] Lm. Phaolô Vũ Chí Hỷ, Cánh Chung Học - Đạo Lý về niềm Hy Vọng Kitô Giáo, (Lưu hành nội bộ, 2022), 196.

[5] Lm. Phaolô Vũ Chí Hỷ, SSS, Cánh Chung Học, (Lưu hành nội bộ, 2022), 194-195.

[6] Epicurus, “Letter to Menoeceus,” trans. George K.Stodach (New York: Penguin Books, 2012), p.157.

[7] Lm. Phaolô Vũ Chí Hỷ, SSS, Cánh Chung Học,191.

[8] Lm. Phaolô Vũ Chí Hỷ, SSS, Cánh Chung Học,192-193.

[9] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Mục Vụ Giáo Hội trong thế giới ngày nay - Gaudium Et Spes (GS), số 18.

[10] Ranifro Cantalamessa, Chúa Thánh Thần-Ánh Sáng và Sự Sống của Giáo Hội, Phêrô Nguyễn Văn Hương   chuyển ngữ, (Hà Nội: Tôn Giáo, 2017), 125

[11] Lm. Phaolô Vũ Chí Hỷ, SSS, Cánh Chung Học, (Lưu hành nội bộ, 2022), 205.

[12] Durrwell, Đức Kitô – Con Người Và Cái Chết, Nxb. Médiapaul & Paulines, tr. 14-16.

[13] GS số 15.

[14] Hội Dồng Giám Mục Việt Nam, Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, (Hà Nội: Tôn Giáo, 2016), 1011.

[15] Durrwell, Đức Kitô – Con Người Và Cái Chết, Nxb. Médiapaul & Paulines, tr. 20.

[16] Hội Dồng Giám Mục Việt Nam, Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 1013.

[17] Hội Dồng Giám Mục Việt Nam, Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, (Hà Nội: Tôn Giáo, 2016), số 1214.

[18] Sách GLHTCG, Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 1404.

[19] Sách GLHTCG, Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 1425.

[20] Sách GLHTCG, Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 1523.

[21] Sách GLHTCG, Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 1581.

[22] Sách GLHTCG, Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 1682.



Thư viện Học viện Công giáo Việt Nam