Thư viện Học viện Công giáo Việt Nam: Thần học

Bài viết về "Thần học"

Hiển thị các bài đăng có nhãn Thần học. Hiển thị tất cả bài đăng


Micae Hoàng Tâm STB-K1


Bản văn: 2Sm 7,1-29[1]

1 Khi vua được yên cửa yên nhà và ĐỨC CHÚA đã cho vua được thảnh thơi mọi bề, không còn thù địch nào nữa,2 thì vua nói với ngôn sứ Na-than: “Ông xem, tôi được ở nhà bằng gỗ bá hương, còn Hòm Bia Thiên Chúa thì ở trong lều vải.”3 Ông Na-than thưa với vua: “Tất cả những gì ngài ấp ủ trong lòng, xin ngài cứ đi mà thực hiện, vì ĐỨC CHÚA ở với ngài.”

4 Nhưng ngay đêm ấy, có lời ĐỨC CHÚA phán với ông Na-than rằng:

5 “Hãy đi nói với tôi tớ của Ta là Đa-vít: ĐỨC CHÚA phán thế này: Ngươi mà xây nhà cho Ta ở sao?6 Thật vậy, từ ngày Ta đưa con cái Ít-ra-en lên từ Ai-cập cho tới ngày hôm nay, Ta không hề ở trong một ngôi nhà, nhưng Ta đã nay đây mai đó trong một cái lều và trong một nhà tạm.7 Trong suốt thời gian rày đây mai đó với toàn thể con cái Ít-ra-en, có bao giờ Ta đã lên tiếng hỏi một trong các thủ lãnh Ít-ra-en mà Ta đã đặt lên chăn dắt dân Ta là Ít-ra-en: “Sao các ngươi không xây cho Ta một ngôi nhà bằng gỗ bá hương?8 Bây giờ ngươi hãy nói với tôi tớ Ta là Đa-vít như sau: ĐỨC CHÚA các đạo binh phán thế này: Chính Ta đã cất nhắc ngươi, từ một kẻ lùa chiên ngoài đồng cỏ, lên làm người lãnh đạo dân Ta là Ít-ra-en.9 Ngươi đi đâu, Ta cũng đã ở với ngươi; mọi thù địch ngươi, Ta đã diệt trừ cho khuất mắt ngươi. Ta sẽ làm cho tên tuổi ngươi lẫy lừng, như tên tuổi những bậc vĩ nhân trên mặt đất.10 Ta sẽ cho dân Ta là Ít-ra-en một chỗ ở, Ta sẽ định cư chúng, và chúng sẽ ở luôn tại đó, chúng sẽ không còn run sợ, và quân gian ác cũng không còn tiếp tục áp bức chúng như thuở ban đầu,11 kể từ thời Ta đặt các thủ lãnh cai quản dân Ta là Ít-ra-en. Ta sẽ cho ngươi được thảnh thơi, không còn thù địch nào nữa, ĐỨC CHÚA báo cho ngươi biết là ĐỨC CHÚA lập cho ngươi một nhà.12 Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi -một người do chính ngươi sinh ra-, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền.13 Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi.14 Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con. Khi nó phạm lỗi, Ta sẽ sửa phạt nó bằng roi của người phàm, bằng đòn của con người.15 Tình thương của Ta sẽ không rời khỏi nó, như Ta đã cho rời khỏi Sa-un, kẻ Ta đã bắt rời khỏi mặt ngươi.16 Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi.”

17 Ông Na-than đã nói lại với vua Đa-vít, đúng y như tất cả những lời ấy và tất cả thị kiến ấy.

18 Vua Đa-vít vào ngồi chầu trước nhan ĐỨC CHÚA và thưa: “Lạy ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng, con là ai và nhà của con là gì, mà Ngài đã đưa con tới địa vị này?19 Nhưng lạy ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng, Ngài còn coi đó là quá ít; Ngài lại hứa cho nhà của tôi tớ Ngài một tương lai lâu dài. Phải chăng đó là luật chung cho con người, lạy ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng?20 Đa-vít còn nói được gì thêm với Ngài? Ngài biết tôi tớ Ngài, lạy ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng!21 Vì lời Ngài đã phán và theo như lòng Ngài muốn, Ngài đã thực hiện tất cả công trình vĩ đại này, để làm cho tôi tớ Ngài được biết.22 Vì thế, lạy ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng, Ngài thật vĩ đại: không ai sánh được như Ngài; và không có Thiên Chúa nào khác ngoại trừ Ngài, theo như mọi điều tai chúng con đã từng được nghe.23 Dưới đất có một dân tộc nào được như dân Ngài là Ít-ra-en? Thiên Chúa đã đến cứu chuộc dân này để làm thành dân của Ngài, đặt tên cho nó, thực hiện cho nó những điều vĩ đại và khủng khiếp, hầu xua đuổi các dân tộc và các thần của chúng cho khuất mắt dân mà Ngài đã cứu chuộc từ Ai-cập về cho mình.24 Ngài đã lập Ít-ra-en, dân Ngài, để nó thành dân Ngài mãi mãi; còn Ngài, lạy ĐỨC CHÚA, Ngài đã trở thành Thiên Chúa của chúng.25 Giờ đây, lạy ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa, lời Ngài đã phán về tôi tớ Ngài và nhà của nó, xin Ngài giữ mãi mãi, và xin hành động như Ngài đã phán.26 Danh Ngài sẽ vĩ đại mãi mãi và người ta sẽ nói: “ĐỨC CHÚA các đạo binh là Thiên Chúa thống trị Ít-ra-en. Nhà của tôi tớ Ngài là Đa-vít sẽ vững bền trước nhan Ngài.27 Thật vậy, lạy ĐỨC CHÚA các đạo binh, Thiên Chúa của Ít-ra-en, chính Ngài đã mặc khải cho tôi tớ Ngài rằng: Ta sẽ xây cho ngươi một nhà. Vì thế tôi tớ Ngài đủ can đảm dâng lên Ngài lời cầu nguyện ấy.28 Giờ đây, lạy ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng, chính Ngài là Thiên Chúa, những lời Ngài phán là chân lý, và Ngài đã hứa ban cho tôi tớ Ngài điều tốt đẹp ấy.29 Vậy giờ đây, cúi xin Ngài giáng phúc cho nhà của tôi tớ Ngài, để nhà ấy được tồn tại mãi trước nhan Ngài. Bởi vì, lạy ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng, chính Ngài đã phán, và nhờ Ngài giáng phúc mà nhà của tôi tớ Ngài sẽ được chúc lành mãi mãi.”

 

Dẫn nhập

2Samuel 7 là chương quan trọng nhất của sách Samuel. Chương này nói về đỉnh điểm của cuộc đời David. Mặc dù ở đoạn 2Sm 1-6, bản văn đã cho biết David làm được nhiều việc lớn lao như: dẹp yên nội chiến, đẩy lùi ngoại xâm, ổn định tình hình chính trị, và rước hòm bia Thiên Chúa về, nhưng các việc đó không làm cho ông trở nên vĩ đại. Theo bản văn điều làm cho David trở nên vĩ đại là Thiên Chúa mạc khải cho ông và nhân loại biết về vương triều vĩnh cửu, vương triều mang lại ơn cứu độ cho mọi người. Cụ thể, nổi bật nơi bản văn 2Sm 7,1-29 là lời hứa vương triều vĩnh cửu, điều này ảnh hưởng đến toàn bộ sách Samuel, ảnh hưởng đến Cựu Ước, và Tân Ước. Hơn nữa, bản văn 2Sm 7,1-29 còn gợi lên cho người tin qua mọi thời đại bài học về niềm hy vọng để sống đức tin, tăng thêm sức mạnh để vượt qua các cơn khủng hoảng và cơn gian nan thử thách.

            I.    Bối cảnh và Cấu trúc bản văn

Khung cảnh gần của đoạn 2Sm 7,1-29 thuộc một trong mười hoạt động chính của David sau khi lên ngôi (2Sm 2-8). Các hoạt động bao gồm: David trị vì Giu-đa (2Sm 2,1-7), dẹp yên nội chiến (2Sm 2,8-3,5), thống nhất đất nước (2Sm 3,6-5,5), làm vua toàn cõi Israel (2Sm 5,1-5), đánh chiếm Giêrusalem và thành lập thủ đô mới của Israel (2Sm 5,6-16), chiến thắng quân Philitinh (2Sm 5,17-25), và đưa hòm bia giao ước về Giêrusalem (2Sm 6), lời hứa về triều đại vĩnh cửu cho David (2Sm 7), những cuộc chiến trong thời vua David (2Sm 8). Khung cảnh xa của bản văn 2Sm 7,1-29 thuộc phần III của sách Samuel (2Sm 6-20). Sách Samuel được chia thành bốn phần chính: phần I nói về Samuel và Saul (1Sm 1-15), phần II nói về David lên ngôi (1Sm 16- 2Sm 5), phần III nói về kế vị ngai vàng của David (2Sm 6-20), phần IV là phụ chương (2Sm 21-24).[2]

Như vậy từ khung cảnh bản văn đã cho thấy sự thay đổi sâu sắc trong tư tưởng của David. Cụ thể, ở đoạn văn liền trước 2Sm 6, 1-23 David vui mừng hớn hở vì rước được hòm bia về, ông tưởng rằng mọi điều mình làm tiếp theo sẽ đẹp lòng Đức Chúa. Nhưng ở đoạn văn liền sau 2Sm 7,18-29 ông đã ăn năn hối lỗi và nhận ra lỗi lầm của mình khi đưa ý định của mình đi trước ý định của Thiên Chúa.

Bản văn 2Sm 7,1-29 được chia thành hai phần chính, cách chia chủ yếu theo nội dung và diễn biến câu chuyện, nên số lượng câu sẽ có sự chênh lệch nhau giữa các phân đoạn.

Phần một: 7,1-3 với nội dung: David đề nghị xây nhà cho hòm bia Thiên Chúa.

Phần hai: 7, 4-17 với nội dung: lời hứa của Thiên Chúa về một vương triều vững bền cho David và dòng dõi ông.

Phần ba: 7,18-29 với nội dung: lời cầu xin của David. [3]

 

          II.     Chú Giải và Ý Nghĩa của Bản Văn 2Sm 7,1-29

Phần này sẽ trình bày ba ý chính dựa theo nội dung của bản văn tức là ba phân đoạn 2Sm 7,1-3; 2Sm 7,4-17; và 2Sm 18-29, với mục đích tìm hiểu và khảo sát một số điểm nhấn và ý nghĩa trong đoạn 2Sm 7,1-29.

2.1               David Đề Nghị Xây Nhà Cho Hòm Bia Thiên Chúa

Phân đoạn đầu tiên có hai nhân vật chính là David và Nathan với nội dung “David đề nghị xây nhà cho hòm bia Thiên Chúa các câu 1-3”. Đoạn này nổi lên hai điểm nhấn: kế hoạch xây nhà của David, và thái độ mau mắn của Nathan.

2.1.1 Kế Hoạch Xây Nhà của David

Việc David đưa ra kế hoạch xây nhà, dựa trên bối cảnh thuận lợi: “Khi vua được yên cửa yên nhà và ĐỨC CHÚA đã cho vua được thảnh thơi mọi bề, không còn thù địch nào nữa, thì vua nói với ngôn sứ Nathan: “Ông xem, tôi được ở nhà bằng gỗ bá hương, còn Hòm Bia Thiên Chúa thì ở trong lều vải.”” (2Sm 7,1-2). Việc vua muốn xây “nhà” cho Thiên Chúa có nhiều lý do. Lý do đầu tiên mang yếu tố chính trị, điều này được lộ rõ nơi lời trăng trối của David với Solomon: “Này con, giờ đây xin ĐỨC CHÚA ở với con, cho con hoàn thành tốt đẹp công trình xây dựng nhà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của con, như Người đã phán về con.” (1 Sb 22,11). Lý do thứ hai ông xây đền thờ để xây tên tuổi: “Vua Đa-vít nói: “Solomon con ta còn trẻ người non dạ, và ngôi nhà sắp xây kính ĐỨC CHÚA phải được cả thiên hạ coi là thật nguy nga, lẫy lừng và tráng lệ. Nào ta hãy chuẩn bị cho nó!” Thế là vua Đa-vít chuẩn bị hết sức chu đáo trước khi qua đời.” (1 Sb 22,5)

Ý định xây đền thờ được tỏ lộ, vì ý định xây nhà bắt đầu xuất hiện sau khi vua đã dẹp yên mọi sự chống đối và thống nhất đất nước. Điểm này giống nhiều người khi lên làm vua đều có khuynh hướng xây thành, cung điện, hoặc đền thờ để thị uy dân chúng, mua chuộc thần linh, tạo uy thế với các nước lân bang.[4] Hơn nữa, vua David xây đền thờ còn có mục đích để xây tên tuổi nhà vua: “Vua David nói: “ngôi nhà sắp xây kính ĐỨC CHÚA phải được cả thiên hạ coi là thật nguy nga, lẫy lừng và tráng lệ” (x. 1Sbn 22,5). Ngoài ra, ý định xây nhà của David có sự đồng thuận cao từ ngôn sứ Nathan, và sự đồng thuận này được xem như là dấu chỉ của thần linh, là sự bảo đảm của Thiên Chúa cho ngai vàng của ông.

2.1.2 Thái Độ của Nathan

Thái độ của Nathan được thể hiện qua lời của ông: “Ông Nathan thưa với vua : “Tất cả những gì ngài ấp ủ trong lòng, xin ngài cứ đi mà thực hiện, vì ĐỨC CHÚA ở với ngài.”” Lần đầu tiên Nathan xuất hiện với danh hiệu ngôn sứ và không có tài liệu nào nói về nguồn gốc của ông. Điều này khác với toàn bộ các ngôn sứ khác trong cựu ước vì họ đều được giới thiệu về nguồn gốc và xuất thân của họ. Cụ thể, ngôn sứ Amos được giới thiệu là một người chăn cừu (x. Am 1,1; 2V 3,4), quê ở Teqôa (x. 2Sbn 11,6). Ngôn sứ Isaiah ngay từ đầu sách cũng đã giới thiệu tên tuổi, quê quán và thuộc thời đại vua nào (x. Is 1,1).

Sự xuất hiện đột ngột của Nathan đi kèm thái độ đồng ý mau mắn với kế hoạch của David. Cho thấy vai trò của ông như là cố vấn trong triều đình. Hơn nữa, sự đồng ý nhanh nhạy này còn cho thấy ông đã hiểu được ý định xây đền thờ của David, mặc dù không nói trực tiếp nhưng sự hiểu đó được biểu lộ ra qua việc lập tức đồng ý. Điều này nhấn mạnh đến vai trò cố vấn của ông. Thái độ này cho thấy ông đang làm việc cho vừa lòng David chứ không phải theo ý Thiên Chúa. Điều này đi khác với sự xuất hiện của các ngôn sứ khác. Cụ thể, nơi các ngôn sứ khác họ sẽ nhận lệnh Chúa, sau đó đi loan truyền. Điều này có thể đọc thấy nơi Hôsê. Khi ông trình bày sứ điệp của ông một cách đặc biệt sau khi nhân lệnh Chúa, ông cưới lấy bà Gomer, có lẽ là một người phụ nữ đã bán mình nơi đền thờ Cananeo (x. Hs 4,13-14). Điệp khúc này được lặp lại nơi Giô-na. Sau khi ông nhận lệnh từ Thiên Chúa là đi đến Ni-ni-vê, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết về sự gian ác của chúng. (x. Gn 1,1). Chính việc Nathan làm vừa lòng David dẫn đến nguy cơ. Kế hoạch của David đi trước kế hoạch của Thiên Chúa, đưa đến việc tiếm quyền Thiên Chúa, và đặt Thiên Chúa ở dưới quyền của David.

2.2               Lời của Thiên Chúa Nói Qua Ngôn Sứ Na-Than

Phần hai: Thiên Chúa hứa về một vương triều vững bền cho David và dòng dõi ông. Phần này nổi lên hai điểm chính là Thiên Chúa từ chối kế hoạch của David, và lời hứa về vương triều vĩnh cửu.

2.2.1                 Thiên Chúa Từ Chối Kế Hoạch của David

Thiên Chúa từ chối kế hoạch của David: “Hãy đi nói với tôi tớ của Ta là David: ĐỨC CHÚA phán thế này: Ngươi mà xây nhà cho Ta ở sao?”. Một câu đầy tính mỉa mai, nhưng là cảnh tỉnh cho David và Nathan biết rằng ai mới là người có quyền thực sự. Hơn nữa, việc Thiên Chúa thể hiện quyền tối thượng của Ngài gợi về các câu chuyện khác trong Thánh Kinh như: câu chuyện của Moses (Xh 32) khi ông xuống núi và ra tay với những người thờ bò vàng, mặc dù trước đó Moses đã xin Thiên Chúa đã tha cho họ. Sau đó Thiên Chúa đã sai thiên sứ đi trước mặt ông, kẻo ông lại đi trước Chúa, rồi lại gây ra hậu quả nghiêm trọng khác. Tân Ước cũng có câu chuyện tương tự khi Phê-rô ngăn cản Đức Giê-su lên Giêrusalem, Ngài đã mắng ông là Sa-tan và bảo ông lui lại phía sau Thầy (x. Mc 8, 33; Mt 16, 23). Vì đi trước Thầy, đi trước Thiên Chúa chỉ có gây nên đổ vỡ và hư hoại và đó là việc làm của quỷ, của Sa-tan, là phá đám, là chết chóc như các câu chuyện khác từng xảy ra.

Việc Thiên Chúa can thiệp làm cho Nathan và David thay đổi. “Ông Na-than đã nói lại với vua David, đúng y như tất cả những lời ấy và tất cả thị kiến ấy.” (2Sm 7, 17). Nathan đã dám nói, và nói hết những điều Thiên Chúa muốn ông nói cho vua. Điều này cho thấy ông đã ý thức được vai trò của ngôn sứ, là để nói lên tiếng nói của Thiên Chúa chứ không phải ngôn sứ là để làm vừa lòng vua.[5] Về phần David sau khi nghe lời Thiên Chúa từ ngôn sứ Nathan ông đã thay đổi lập trường và dâng lời khẩn xin lên Thiên Chúa “Lạy ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng, con là ai và nhà của con là gì, mà Ngài đã đưa con tới địa vị này?” (2Sm 7,18). David nhận ra rằng quyền lực thực sự không nằm trong tay ông, và ông đã chân nhận, tin tưởng vào lời hứa của Thiên Chúa. Nhưng cho dù ý định của David là gì Thiên Chúa vẫn muốn qua ông để ban lời hứa.

2.2.2  Lời hứa Của Thiên Chúa

Sau khi Thiên Chúa nhắc nhở cho David và Nathan ý thức được vai trò và vị trí của mình. Thiên Chúa đã tỏ lộ lời hứa của Ngài là sẽ làm cho ngai vàng David được vững bền (x. 2Sm 7, 13). Việc làm này cho thấy Thiên Chúa mới là chủ thể của mọi hành động, và là nhân vật chính khởi xướng việc xây nhà chứ không phải ai khác. Mà Thiên Chúa không chỉ đơn thuần xây một ngôi nhà vật lý, việc Ngài làm còn cao cả hơn nhiều là: “Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi”. Nhưng triều đại của David đã chấm dứt sau thời vua Salomon năm 587 TCN.[6] Vậy lời hứa này có được ứng nghiệm không? Thật vậy, để hiểu được lời hứa long trọng này cần nhìn trong tổng thể dòng chảy của lịch sử cứu độ. Điều này có thể tìm thấy trong Sáng Thế khi Jacop trao vương quyền cho chi tộc Judah: Vương trượng sẽ không rời khỏi Judah, gậy chỉ huy sẽ không lìa đầu gối nó, cho tới khi người làm chủ vương trượng đến, người mà muôn dân phải vâng phục. (St 49:10). Ngoài ra lời hứa này còn được long trọng nhắc lại trong Thánh Vịnh 89 và Jeremiah 33. Lời hứa này đem đến tư tưởng mong đợi Đấng Cứu Thế, là nền tảng để các ngôn sứ loan báo về triều đại của Thiên Chúa, ngày Israel được giải thoát.

2.3               Lời Thỉnh Cầu của David

Sau khi David nghe ngôn sứ Nathan nói cho biết ý định của Thiên Chúa về kế hoạch xây đền thờ. Ông đã dâng lời thỉnh cầu lên Thiên Chúa. Trong đoạn này nổi lên điệp khúc “Lạy ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng” mà David dùng để kêu cầu Thiên Chúa. Điệp khúc này xuất hiện bảy lần trong đoạn văn. Tuy nhiên, ở đây không phải là lần đầu tiên lời kêu van lạy Đức Chúa là Chúa Thượng xuất hiện trong Kinh Thánh. Lần đầu lời này xuất hiện ở sách Sáng Thế trong bối cảnh Thiên Chúa thiết lập giao ước với Abraham (St 15,2-8) khi ông đứng trước cơn khủng hoảng vì chờ mãi lời Thiên Chúa hứa sẽ làm cho ông một dòng dõi vẫn chưa thành hiện thực, nhưng sau đó Chúa đã thiết lập giao ước với ông và lời hứa về dòng dõi đã ứng nghiệm.[7] Như vậy, lời khẩn cầu này của David được cất lên sau lời Thiên Chúa hứa về vương triều vĩnh cửu, muốn nói lên rằng lời hứa này chắc chắn sẽ thành hiện thực. Mặc dù, triều đại trần thế David đã sụp đổ nhanh chóng sau đó. Và lời hứa này muốn nói đến vương triều của Đức Giê-su, Đấng sẽ đến như lời đã hứa.

Ngoài ra, lời khẩn cầu này còn xuất hiện ở Đnl 9,26; Gs 7,7; Tl 16,28; 1Sm 23,10 khi Mô-sê, Gio-sua, Sam-sôn dâng lời khẩn cầu xin Thiên Chúa giúp cho qua khỏi cơn nguy khốn, hoặc xin tha thứ các lỗi lầm. Không những vậy, điệp khúc “Lạy ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng” còn được sử dụng trong các lời ca tụng Thiên Chúa: Nkm 1,5; Tv 59,5; Ed 36,3; Kh 11,3; 15,7. Những lời của những người tôi tớ dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì đã được tha tội, và họ tạ ơn vì mọi ơn lành đã được nhận. Như vậy, khi David kêu cầu Thiên Chúa bằng điệp khúc “Lạy ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng” đã bao hàm trong trong đó lời thỉnh cầu trong cơn khủng hoảng, cụ thể ở đây là kế hoạch xây đền thờ bị bác bỏ, ít nhiều ông mang tâm lý chán nản và thất vọng (x. 2Sm 7,19). Hơn nữa, lời này của ông, còn đi theo nội dung ca tụng Thiên Chúa vì ông nhận thấy biết bao ơn lành mà ông đã nhận được trong thời gian qua (x. 2Sm 7, 22). Không những vậy, David còn tỏ lộ sự ăn năn thống hối, khi nhân thấy sai lầm của bản thân dám đặt ý mình trước ý Thiên Chúa. Từ đó ông nhận ra được bản thân mình là một tôi tớ thấp hèn, đâu là vị trí của mình.

Ngoài ra, trong đoạn văn còn xuất hiện điệp khúc: “lạy ĐỨC CHÚA”, và “lạy ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa” mặc dù hai điệp khúc này xuất hiện một lần, nhưng đóng vai trò như là cầu nối để dẫn tới một danh xưng khác. Danh xưng: “ĐỨC CHÚA các đạo binh” danh xưng này lần đầu xuất hiện ở 1Sm 1,3 trong bối cảnh dân đòi có một vị vua, sau đó danh này liên tục xuất hiện trong toàn bộ sách Sm. Nhưng điều đặc biệt là, hiện tại David đang là vua. Và chính ông cũng kêu xin như vậy điều này chứng tỏ vị vua thật sự là Thiên Chúa, từ đó bản văn cho phép hiểu rằng David đã thừa nhận quyền làm chủ của Thiên Chúa. Câu tiếp theo David đã khẳng định Thiên Chúa là Đấng thống trị Ít-ra-en và xưng mình là tôi tớ (x. 2Sm 7, 26 ). Điều này càng nhấn mạnh đến người nắm quyền thật sự là Thiên Chúa, và David đã nhận ra điều đó. David còn dùng một danh xưng khác “lạy ĐỨC CHÚA các đạo binh, Thiên Chúa của Ít-ra-en” (x. 2Sm 7, 27) khi nói danh xưng này tức là nói đến quyền của một vị vua được tỏ lộ nơi quân đội, bây giờ ông xưng tụng Thiên Chúa các đạo binh, mà không phải là đạo binh của một dân nào khác của chính dân ông đang làm vua. Điều này nói đến việc thừa nhận toàn quyền thuộc về Thiên Chúa.

2.4               Ý Nghĩa

Như vậy, đoạn 2Sm 7,1-29 nói về kế hoạch xây nhà của David nhưng kế hoạch này đã bị Thiên Chúa thay đổi và ban cho lời hứa vương triều vĩnh cửu. Mặc dù kế hoạch của David ẩn tàng nhiều vấn đề và mưu đồ chính trị. Nhưng Thiên Chúa đã can thiệp vào kế hoạch này và nói rõ ý của Ngài. Ngài cho biết việc xây nhà là chuyện nhỏ, vì trước kia không có cũng đâu có sao (x. 2Sm 7,6-7). Nhưng quan trọng nhất là ý định của Thiên Chúa được tỏ lộ. Từ đó David và Nathan ý thức được vai trò, vị trí và thân phận của mình trước mặt Thiên Chúa là tôi tớ. Điều này được Thiên Chúa cho biết cách minh nhiên ở phân đoạn sau. Không những thế, đoạn Kinh Thánh này còn có có ảnh hưởng quan trọng đến toàn bộ sách Samuel, và Kinh Thánh nói chung.

  III.          Tầm quan trọng của đoạn văn

Đoạn này có ý nghĩa đặc biệt trong toàn bộ sách Samuel và trong Cựu Ước. Vì nhấn mạnh đến lời hứa về vương triều vĩnh cửu Thiên Chúa ban cho David và dòng dõi. Lời hứa này mang đến niềm hy vọng lớn cho dân Israel, đặc biệt trong thời lưu đày. Chính lời hứa này là nguồn sức mạnh nâng đỡ đời sống tinh thần của dân tộc và niềm hy vọng khôi phục lại triều đại của David trong tương lai.

Với Tân Ước đoạn 2Sm 7, 1- 29 mang ý nghĩa lớn, là điểm quy chiếu nền tảng để chứng minh Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a. Cụ thể, ngay câu đầu tiên của Tin Mừng Mát-thêu đã cho thấy điều này: “Đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua David, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham” (Mt 1,1). Khi Phao-lô giảng cho người Do-thái tại An-ti-ô-khi-a miền Pi-xi-đi-a cũng đã dùng dữ liệu của 2Sm 7, 1-17 để khẳng định rằng: “Ta đã tìm được David, con của Gie-sê, một người đẹp lòng Ta và sẽ thi hành mọi ý muốn của Ta. Từ dòng dõi vua này, theo lời hứa, Thiên Chúa đã đưa đến cho Ít-ra-en một Đấng Cứu Độ là Đức Giê-su.” (x. Cv 13,22-23). Ngay cả điệp khúc “Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con” trong 2Sm 7,14 được lặp lại trong thư Híp-ri và 2Cô-rin-tô (x. Hr 1,5; 2Cr 6,16-18). Ngai vàng David đã được thiên thần Gabriel khẳng định thuộc về Đức Giê-su (x. Lc 1,32).

Như vậy, đoạn 2Sm 7,1-29 mang ý nghĩa sâu sắc trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Vì nếu thiếu đoạn này thì toàn bộ sách Samuel sẽ đánh mất đi niềm hy vọng, bởi lẽ một dân tộc mới thay đổi thể chế chính trị còn quá non trẻ để đương đầu với các dân xung quanh. Và thực tế triều đại David đã bị tắt ngấm trong bóng đêm lịch sử. Thiếu đoạn này các ngôn sứ sẽ mất đi căn cứ, hay nền tảng để loan báo về Ngày Của Thiên Chúa là ngày mang đến bình an và giải thoát cho dân, để kêu gọi dân quay về sau khi phạm tội. Nếu thiếu đoạn này Tân Ước thiếu điểm quy chiếu để chứng minh Đức Giê-su là Đấng được ban theo lời hứa để giải thoát muôn dân.

           IV.    Bản Văn Nói Gì Với Độc Giả Ngày Nay

Bản văn mời gọi độc giả ngày nay trên hành trình đức tin, luôn biết đặt kế hoạch của mình vào trong và ở vị trí phía sau ý của Thiên Chúa, bởi lẽ chỉ khi con người để cho Thiên Chúa dẫn dắt mình theo kế hoạch của Ngài, thì con người mới tìm được cho mình cùng đích và ý nghĩa thực sự cho cuộc đời. Còn khi con người đi trước Thiên Chúa dẫn đến nhiều nguy cơ đỗ vỡ và sai lệch, điều này đã được Kinh Thánh chứng minh rất rõ. Hơn nữa, việc con người đặt ý mình trước ý Thiên Chúa tiếm quyền của Ngài và đang đi vào ảo tưởng dẫn Thiên Chúa theo ý riêng của mình.

Bản văn còn nói đến vai trò của tiếng nói ngôn sứ trong cuộc sống. Thật vậy, ở bất kỳ thời đại nào, luôn có những bất công, tội lỗi, đặc biệt là xâm phạm đến quyền tối thượng của Thiên Chúa. Bản văn cho biết người có vai trò ngôn sứ phải luôn đứng về phía Thiên Chúa, nói lời của Thiên Chúa nhờ đó mà thánh ý Thiên Chúa được tỏ lộ. Để nhiều người đang ở trong tình trạng sai trái biết nhận ra tiếng Chúa, thay đổi đường lối của mình mà đi theo ý Thiên Chúa. Từ đó mời gọi độc giả là những người tin ngày nay cất cao tiếng nói ngôn sứ để lời của Thiên Chúa được lan rộng khắp nơi. Để cho muôn dân được cảnh tỉnh mà thay đổi nếp sống cho hợp với ý Thiên Chúa. Bản văn cũng nói cách gián tiếp đến lòng nhân từ của Thiên Chúa, khi Ngài đã biết rõ tôi tớ ngài là David và Nathan đã làm sai ý của Ngài nhưng vẫn không trách phạt, trái lại Ngài nhắc điều phải lẽ để thi hành. Hơn nữa Thiên Chúa còn dùng luôn sai lỗi của tôi tớ Ngài để ban lời hứa cứu độ cho nhân loại. Từ đó người tin ngày nay có quyền hy vọng về lòng thương xót, hy vọng về ơn tha thứ sau khi đã gặp thất bại sa ngã.

Kết luận

Như vậy, việc David dự định xây nhà cho Thiên Chúa mặc dù khởi đi từ ý định cá nhân mang màu sắc chính trị nhưng lại được Thiên Chúa uốn nắn sự lầm tưởng và sai trái đó, để chương trình cứu độ được tỏ lộ. Nhờ đó, người tin ngày nay rút ra cho mình các bài học thiêng liêng để sống đời sống đức tin. Thật vậy, lời hứa ở trong 2Sm 7,1-29 được xuất hiện để khai mở thời đại mới, thời đại của những con người sống tình yêu tác sinh của Thiên Chúa. Những người này chăm chỉ cầu nguyện và gặp các vị hữu trách trong Giáo Hội để nghe được lời giảng dạy của Thiên Chúa. Nhờ đó, họ biết này biết đặt mình dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa trong thời đại họ đang sống. Từ đó, họ không lấy ý riêng làm trung tâm quyết định cuộc sống, nhưng là mở ra cho thánh ý Thiên Chúa được thực hiện cách hoàn hảo trong đời sống mình. Đồng thời, họ cũng biết mở ra sự bảo thủ, kiêu ngạo, bon chen của cuộc đời, để Thiên Chúa bước vào và đổi mới tất cả. Nhờ lời hứa của Thiên Chúa, nhân loại được ơn cứu độ, được hy vọng, và được đổi mới. Từ đó, người tin biết sống yêu thương và tác phúc cho mọi người.

Thư Mục Tham Khảo

1.    PVGK., Kinh Thánh. Cựu Ước và Tân Ước (Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, Hà Nội 2011) [dẫn nhập, bản văn và chú thích].

2.    Arnold B. T., 2 Samuel 7,1-29 (The NIV application commentary), Michigan 2003.

3.    Giu-se Nguyễn Ngọc Vinh, SDB, Các Sách Sử Trong Kinh Thánh, Đại Học Giáo Hoàng Salêđiêng Học Viện Thần Học Philip Rinaldi, giáo trình dành cho sinh viên, 2020-2021.

4.    Vincent M. Phạm Cao Quý, CSsR, Các Sách Ngôn Sứ, Hồ Sơ 1: dẫn nhập tổng quát, giáo trình của lớp thần học 2, Học Viện Công Giáo Việt Nam, 2020-2021.



[1] Đoạn Việt ngữ này được lấy từ bản dịch của nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ, ấn bản 2011.

[2] Cf, Giu-se Nguyễn Ngọc Vinh, SDB, Các Sách Sử Trong Kinh Thánh, Đại Học Giáo Hoàng Salêđiêng Học Viện Thần Học Philip Rinaldi, giáo trình dành cho sinh viên, 2020-2021, 126.

[3] Ibid, Giu-se Nguyễn Ngọc Vinh, SDB, 275.

[4] Ibid, Giu-se Nguyễn Ngọc Vinh, SDB, 283.

[5] Cf. Vincent M. Phạm Cao Quý, CSsR, Các Sách Ngôn Sứ, Hồ Sơ 1: dẫn nhập tổng quát, giáo trình của lớp thần học 2, Học Viện Công Giáo Việt Nam, 2020-2021, 10.

[6] Ibid, Giu-se Nguyễn Ngọc Vinh, SBD, 127.

[7] Arnold B. T., 2 Samuel 7,1-29 (The NIV application commentary), Michigan 2003, 481.




Micae Hoàng Tâm STB-K1

THIÊN CHÚA ĐỒNG HÀNH VỚI GIA-CÓP TRONG CHUYẾN ĐI TỪ CANAAN TỚI AI CẬP 
(St 46, 1-7)


Nội Dung Bản Văn

Chương 46: 1-7.

Ông Gia-cóp lên đường đi Ai-cập

“Ông Ít-ra-en lên đường, đem theo tất cả những gì ông có. Ông đến Bơ-e Se-va và ông dâng những lễ tế lên Thiên Chúa của cha ông là I-xa-ác. Thiên Chúa phán với ông Ít-ra-en trong thị kiến ban đêm, Người phán: “Gia-cóp! Gia-cóp!” Ông thưa: “Dạ, con đây!” Người phán: “Ta là En, Thiên Chúa của cha ngươi. Đừng sợ xuống Ai-cập, vì ở đó Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn. Chính Ta sẽ xuống Ai-cập với ngươi và chính Ta cũng sẽ đưa ngươi lên. Giu-se sẽ vuốt mắt cho ngươi.” Ông Gia-cóp rời Bơ-e Se-va. Các con trai ông Ít-ra-en đã chở ông Gia-cóp, cha họ, và đàn bà con trẻ của họ trên những chiếc xe Pha-ra-ô đã gửi đến để rước ông đi. Họ đem theo các đàn vật của họ và các tài sản họ đã gây được ở đất Ca-na-an, và họ đến Ai-cập, ông Gia-cóp và tất cả dòng dõi ông cùng với ông: các con trai, cháu nội trai, con gái, cháu nội gái của ông. Ông đưa tất cả dòng dõi ông vào Ai-cập với ông.”

A. Dẫn Nhập

1.  Tổng quan về sách Sáng Thế

Sách Sáng Thế được đặt ở vị trí đầu tiên trong toàn bộ Kinh Thánh. Cuốn sách này được chia thành hai phần chính: lịch sử khởi nguyên gồm 11 chương đầu (St 1-11), và lịch sử các Tổ phụ 38 chương còn lại (St 12–50). Chính xác hơn, phần một: lịch sử khởi nguyên từ chương 1 câu 1 cho đến chương 11 câu 26; phần hai: lịch sử các Tổ phụ: từ chương 11 câu 27 đến hết. Ngoài ra khi xét về văn chương và cốt truyện, Sáng Thế được chia thành bốn phần trình thuật chính gồm: trình thuật khởi nguyên (St 1‒11), trình thuật Abraham (St 12‒25), trình thuật Gia-cóp (St: 25‒36), và trình thuật Giu-se (St 37‒50).

Tư tưởng thần học chủ đạo của Sáng Thế diễn tả một Thiên Chúa toàn năng và có tương quan sâu sắc với thụ tạo của Ngài. Tư tưởng đó được khai triển qua ba chiều kích: Đấng Tạo Hóa, Thiên Chúa của phúc lành và lời hứa, và Thiên Chúa của giao ước. Chiều kích đầu tiên: Thiên Chúa xuất hiện trong tư cách là vị Thiên Chúa Sáng Tạo. Sáng Thế  không nói gì về nguồn gốc, lẫn quá khứ và lịch sử của Thiên Chúa, nhưng tập trung trình bày đến hoạt động tác tạo của Ngài. Ở trình thuật này, Thiên Chúa bộc lộ quyền năng vô hạn của mình khi gọi mọi sự từ hư vô bước ra hiện hữu. Sau khi mỗi giống loài được tạo thành, Ngài đều chúc lành cho chúng.

Chiều kích thứ hai: Thiên Chúa của phúc lành và lời hứa. Bởi vì, mọi sự xuất phát từ Thiên Chúa đều tốt đẹp, hạnh phúc và viên mãn trong cái được ban. Chủ đề phúc lành và lời hứa, là chủ đề thần học xuyên suốt toàn bộ cuốn sách. Lời chúc lành của Thiên Chúa cho các sinh vật lúc nhúc đến cặp con người đầu tiên (x. St 1, 20-28) đã đem lại phước lành cho toàn thế giới. Lời hứa được đưa ra sau khi con người phạm tội, Thiên Chúa đã tỏ lòng thương xót của mình khi nói đến ơn cứu thoát từ dòng dõi người đàn bà. Chiều kích thứ ba: Thiên Chúa của giao ước. Đầu tiên là giao ước của Thiên Chúa với ông Nô-ê (x. St 9,8-17), sau đó giao ước với ông Abraham. Chính vì muốn thực thi ơn cứu độ mà Thiên Chúa cần đến sự cộng tác của con người, nhưng tự bản chất con người mỏng giòn, yếu đuối và hay thay đổi, nên Thiên Chúa phải lập giao ước để theo sát và nâng đỡ con người.

Những chương cuối của Sáng Thế là trình thuật về Giu-se, trong đó có đề cập đến gia đình ông Gia-cóp đã phải chịu thiếu thốn do nạn đói nên ông sai các con đến Ai-cập để mua lúa mì, từ đó Giu-se và các anh em được gặp nhau. Sau khi gặp các anh em, Giu-se đã mời cha mình là Gia-cóp cùng toàn bộ gia đình xuống Ai-cập để tiện bề cấp dưỡng. Ông Ít-ra-en lên đường, đem theo tất cả những gì ông có (St 46:1). Qua cuộc khởi hành của gia đình ông Gia-cóp trong St 46:1-7, Thiên Chúa đã biểu lộ sự quan phòng và thực hiện lời hứa của Ngài về một dân riêng, hầu ban ơn cứu độ cho nhân loại. Phân đoạn di cư của gia đình Gia-cóp từ Canaan sang Ai-cập (St 46: 1-7), nằm gọn trong trình thuật về Giu-se. Đây chỉ là một biến cố nhỏ, nhưng kỳ thực lại chứa đựng vai trò lớn lao trong việc thực hiện lời hứa cứu độ của Thiên Chúa.

2.    Khung cảnh của bản văn St 46: 1-7

Khung cảnh gần của đoạn St 46: 1-7 là phần đầu trong bốn phần tường thuật hành trình xuống Ai-cập của Gia-cóp, với các hoạt động đầu tiên của chuyến đi. Phần hai liệt kê danh sách những thành viên gia đình Gia-cóp (St 46: 8-27). Phần ba (St 46: 28-30), Gia-cóp gặp gỡ Giu-se. Phần bốn (St 46: 31- 47:12), Gia-cóp gặp gỡ vua Pha-ra-ô.[1] Khung cảnh xa, của đoạn St 46: 1-7 thuộc trình thuật về Giu-se. Câu chuyện về Giu-se là phần chính của Sáng thế. Nội dung chính của trình thuật Giu-se nói về các biến cố ông trải qua và sự quan phòng của Thiên Chúa đối với ông. Như vậy, từ khung cảnh xa và gần giúp người đọc hiểu hơn về lý do, mục đích và sứ vụ của chuyến đi từ Canaan xuống Ai-cập của Gia-cóp và gia đình. Đoạn văn đang nghiên cứu như là lời mở đầu cho toàn bộ chuyến đi, đồng thời mở ra một giai đoạn lịch sử kéo dài suốt 430 năm (x. Xh 12: 40)[2] dân Israel đã sinh sôi nảy nở thành một dân tộc.

3.    Cấu trúc của bản văn

Từ khung cảnh trình bày ở trên, đoạn Kinh Thánh St 46: 1-7 có thể chia thành hai phần. Phần một từ câu 1-4, phần này mang nội dung chính là lời phán và hứa của Thiên Chúa với Gia-cóp, nội dung lời phán bao gồm: trấn an, nhắc lại lời hứa về dòng dõi, và ban lời hứa đồng hành. Vì vậy, tên của phân đoạn là: “Chúa truyền cho Gia-cóp xuống Ai-cập”. Phần hai, câu 5-7 diễn tả việc di chuyển cách triệt để của gia đình Gia-cóp từ Canaan tới Ai-cập. Vì vậy tên của phân đoạn là:  Gia đình Gia-cóp rời Bơ-e Se-ba xuống Ai-cập”.[3]

4.    Dẫn vào phần nghiên cứu

Trước khi đi vào bản văn, người viết xác định rằng nội dung và văn phong của đoạn Kinh Thánh (St 46:1-7) có nhiều hướng phân tích. Tuy nhiên, vì giới hạn người viết chỉ nhấn mạnh tới Lời Hứa và Danh Xưng Của Thiên Chúa, được tỏ lộ trong dòng lịch sử nhân loại qua các Tổ phụ. Phạm vi bài viết không thể giải quyết vấn đề này một cách rốt ráo, nhưng một câu hỏi cần phải đề cập trước khi đi vào phân tích bản văn là: tại sao Thiên Chúa luôn giới thiệu mình trong mỗi cuộc thần hiện. Kể từ sau khi tổ tông của con người sa ngã, các mối tương quan của con người với Thiên Chúa bị đổ vỡ, và sự thánh thiện để được gặp và được ở bên Thiên Chúa cũng mất đi. Từ đó, con người không còn nhận ra tiếng Thiên Chúa nữa. Nhưng, xuyên suốt lịch sử cứu độ, Thiên Chúa vẫn yêu thương và nói cho con người biết về mình. Cách cụ thể, Thiên Chúa đã gọi các Tổ phụ để thành lập một dân riêng hầu ban ơn cứu độ cho toàn nhân loại.

B. Phân tích bản văn St 46, 1-7

1.  Phân đoạn một: Chúa truyền cho Gia-cóp xuống Ai-cập (câu 1-4)

Dọc đường sang Ai-cập, Gia-cóp đã dâng lễ tế cho Thiên Chúa tại Bơ-e Se-va. Khi trước, cũng tại nơi đây, Abraham đã lập giao ước với vua của A-vi-me-léc, sau đó ông kêu cầu danh Đức Chúa (x. St 21:32-34). Abraham sống ở Bơ-e Se-va và được Chúa che chở cho ông sống lâu dài (x. St 22:19). Tiếp theo, I-sa-ác lập giao ước (lời thề) với vua của A-vi-me-léc tại Bơ-e Se-va, sau đó Chúa hiện ra với ông tại đây (x. St 26: 23-31). Vì vậy, Bơ-e Se-va như là một biểu tượng cho thấy các lời thề, lời hứa, cam kết được tạo nên. Chính vì yếu tố đó mà sự hiện diện thường xuyên của Thiên Chúa với các Tổ phụ được đánh dấu bằng những lần gặp gỡ cách trực tiếp. Hơn nữa, nơi đây các Tổ phụ đã dựng bàn thờ kính Chúa, đã có kinh nghiệm sâu đậm về Ngài. Chính Sau đó, chính Thiên Chúa đã bảo vệ họ, cũng như nhiều lệnh truyền từ Thiên Chúa được ban ra từ đây. Có lẽ từ kinh nghiệm đó nên khi đi qua đây Gia-cóp đã dựng bàn thờ dâng lễ tế lên Thiên Chúa, như là một cử chỉ để nhớ đến các bậc tổ tiên, xin phước lành từ Thiên Chúa.[4] Và Thiên Chúa đã lắng nghe ông, sau đó ban lệnh truyền cho ông, để ông biết được ý nghĩa đích thực của chuyến đi còn cao cả hơn dự định ban đầu của ông.

Trong thị kiến Chúa phán: “Ta là En,” cho Gia-cóp biết danh này, Ngài cũng đã giới thiệu với Gia-cóp ở lần nguy hiểm trước (x. St 31:13). Lần đó Chúa tỏ lộ danh En cho Gia-cóp, là lúc ông đang chạy khỏi vùng Ha-ran, trốn truy đuổi của cha vợ, trong nguy nan Chúa đã đến và giới thiệu với ông, lần tỏ hiện đó Thiên Chúa nhắc lại biến cố lần trước tại Bết Ên (St 28: 13). Như vậy, điệp khúc mỗi khi Thiên Chúa giới thiệu mình như thế, nhằm mục đích cho Gia-cóp biết Ngài là ai, và sau nguy hiểm rình rập, ông được an toàn. Việc Thiên Chúa tỏ lộ danh xưng cho Gia-cóp để ông nhận ra rằng: Đấng mà đang phán với ông cũng chính là Đấng đã phán với ông trong các lần ông gặp nguy hiểm trước, và sau đó ông được an toàn, không những thế còn nhận được nhiều lợi ích nữa. Bây giờ chính Đấng đó sai ông xuống Ai-cập thì chắc chắn ông sẽ an toàn, mà dù có bao nhiêu mối nguy hại tiềm ẩn. Vì vậy, Đấng đang sai Gia-cóp, muốn ông thực thi điều gì đó.

Sau khi giới thiệu mình là En, Thiên Chúa tiếp tục giới thiệu: “Thiên Chúa của cha ngươi” (St 46,3b). Việc giới thiệu xảy ra khi tâm trạng Gia-cóp ở trong sự lo sợ, bất an, từ đó làm ông nhớ lại các biến cố nguy hiểm mà Abraham, I-sa-ác đã trải qua, và các biến cố của mình trước đây như: lần chạy trốn E-xau (x. St 28: 13-16), lần chạy trốn La-ban cha vợ ông (St 31:3), và lần khi ông quay về chạm trán với E-xau (St 32:10). Từ đó, nói lên mối tương quan trực tiếp giữa Thiên Chúa với các tổ phụ và chính ông. Như vậy, việc Thiên Chúa giới thiệu mình trên đường Gia-cóp xuống Ai-cập làm giúp ông tăng niềm tin về vị Thiên Chúa quan phòng. Việc giới thiệu đó cũng giúp ông xác tín rằng chính Thiên Chúa đang phán đây là người đã giúp tổ tiên ông khỏi nhiều tai họa, đồng thời giúp ông hòa giải với người anh và cha vợ. Và giờ đây chính Đấng đó bảo ông xuống Ai-cập, ông sẽ vững tin hơn, và mau mắn hơn khi thực thi lệnh truyền. Như vậy, danh xưng “Thiên Chúa của cha ông” biểu hiện một chiều kích thần học quan trọng, hàm chứa một mối tương quan cá nhân đặc thù giữa Thiên Chúa và các Tổ phụ. Hơn nữa lối xưng hô “Thiên Chúa của cha ngươi” mà Thiên Chúa giới thiệu cho Gia-cóp, sau này chính Ngài đã dùng để giới thiệu cho Mô-sê, tạo cơ sở cho mối tương quan qua giao ước giữa Thiên Chúa và dân Israel sau này.[5] Đồng thời, cũng nói lên sự hiện diện siêu việt của Thiên Chúa ở khắp nơi chứ không riêng một địa điểm cụ thể nào.

Ngoài ra việc khẳng định “Thiên Chúa của cha ngươi” sau danh En, nhằm giải thích cho Gia-cóp khỏi nhầm lẫn với những vị thần khác trong xứ Canaan. Thật vậy, danh xưng En cũng được các dân tộc cùng thời với các Tổ phụ dùng để gọi tên vị thần của họ. Trước cả khi các Tổ phụ tới Canaan, thì dân bản xứ đã thờ phượng thần En/ El tại nhiều đền thánh, dưới nhiều tước phẩm khác nhau. Chẳng hạn như thần El Elyon (Thiên Chúa Tối Cao) được vua của thành Salem là Menkixêđê tôn thờ (x. St 14:19-20). Hay thần El Olam (Thiên Chúa Vĩnh Cửu) được tôn thờ tại Bơ-e Se-va và thần El Berit (Thiên Chúa của Giao ước) được tôn thờ tại Sikem.[6]

Vì vậy, danh xưng “Thiên Chúa của cha ngươi”, được tỏ cho các tổ phụ nhằm với việc phân định rõ Thiên Chúa của các tổ phụ không phải bất kỳ vị thần nào mà dân Canaan biết đến. Vì vậy, danh hiệu này có ý nghĩa riêng biệt đối với các Tổ phụ; bởi Thiên Chúa là Đấng đã đi vào cuộc sống các Tổ phụ và từng bước dẫn dắt các ngài hướng tới mối tương giao ngày một gần gũi và thân mật hơn.[7] Như thế, danh Thiên Chúa qua các danh hiệu “Thiên Chúa của cha ngươi” thời các Tổ phụ vừa mang sắc thái Ngài là Thiên Chúa của lịch sử (Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của I-sa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp) lại vừa mang sắc thái Ngài là Thiên Chúa của trời đất (Thiên Chúa Toàn Năng, Thiên Chúa Tối Cao, Thiên Chúa Vĩnh Cửu …). Thiên Chúa sẽ tiếp tục mạc khải cách rõ ràng và thâm sâu hơn về chính Ngài cũng như danh Ngài qua các giai đoạn kế tiếp của lịch sử cứu độ.

Sau lời giới thiệu, là lời trấn an Thiên Chúa dành cho Gia-cóp: “Đừng sợ”. Có lẽ Gia-cóp lo sợ dọc đường đi ông bị tấn công, hoặc tại Ai-cập đang ẩn tàng nguy hiểm nào đó. Vì từ trước, I-sa-ác muốn xuống Ai-cập khi có nạn đói nhưng Thiên Chúa đã can ngăn (x. St 26: 2). Nhưng điểm đặc biệt lần này khi Chúa phán đừng sợ, ngoài việc Thiên Chúa trấn an, Ngài còn ban lời hứa điều này vượt trên nỗi sợ của ông. Và ông tin chắc lời hứa sẽ thành hiện thực, cụ thể đã xảy ra với Abraham sau chiến thắng cuộc viễn chinh bốn vua, và Thiên Chúa ban lời hứa (x St 15:1). Sự việc tương tự cũng xảy ra với I-xa-ác, sau khi ông đào được giếng cho đàn súc vật uống (x. 26:24). Bây giờ, Thiên Chúa lặp lại điệp khúc này với Gia-cóp, chứng tỏ rằng Thiên Chúa đang có dự định gì đó đối với ông.[8] Vì vậy, khi phán đừng sợ ngoài việc cổ vũ tinh thần người tôi tớ. Đừng sợ, còn đi kèm với lời hứa sau đó, nhằm nhắn nhủ sứ vụ mà Thiên Chúa ủy thác. Hơn nữa, đừng sợ còn mang nghĩa hãy hy vọng, và tiếp tục vững tin vào Thiên Chúa và quyền năng của Ngài. Do đó, sau khi phán với Gia-cóp đừng sợ, Thiên Chúa cũng đề cập tới tương lai, là lời hứa đồng hành.

Sau khi trấn an Gia-cóp, Thiên Chúa nhắc lại lời Ngài đã hứa với ông trước đây: “Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn”, và ban lời hứa đồng hành trong chuyến đi, đồng thời tiên báo cho ông về cái chết (x. St 46: 3-4). Như vậy, việc nhắc lại lời hứa và để ông biết rằng ngoài việc ông đến gặp Giu-se trước khi chết, thì biến cố ông ra đi còn mang sứ vụ thực hiện lời Thiên Chúa hứa, để một dân lớn được hình thành từ ông. Nhưng để Gia-cóp yên tâm hơn khi lên đường, sau khi nhắc lại lời hứa Thiên Chúa đã bảo đảm về việc sẽ ở cùng và đi cùng trên chuyến đi, Ngài sẽ làm cho mọi khó khăn của chuyến đi trở nên nhẹ nhàng, nhờ đó mà Gia-cóp vượt thắng được những nỗi chán chường hay mỏi mệt. Việc Thiên Chúa hứa ở cùng với người tôi tớ của Ngài, đã xảy ra với I-xa-ác khi đang phải đấu tranh với vua A-vi-me-lếch (x. St 26: 24). Sau đó, thì mọi hoạt động của I-xa-ác được thuận lợi và an toàn. Hơn nữa, Thiên Chúa đã hứa ở với Gia-cóp khi ông đang chạy trốn E-xau (x. St 28: 15). Sau lần hứa đó, Gia-cóp đã an toàn thoát mọi hiểm nguy và còn nhận được nhiều may mắn khác nữa (x. St 29: 1-30). Và bây giờ trên hành trình xuống Ai-cập, lòng nặng trĩu lo âu, Thiên Chúa hứa đồng hành với ông. Từ đây, ông vững tin vào Thiên Chúa, phó thác vào quyền năng của Ngài, và từ ông một dân tộc theo lời hứa được nảy sinh. Việc Chúa hứa ở cùng, xảy ra nhiều lần trong Tân Ước, một trong số đó chính là sau khi sai các tông đồ đi rao giảng Đức Giê-su đã hứa ở cùng các ông mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28: 20).

2.  Phân đoạn 2: Gia-cóp và gia đình xuống Ai-cập

Sau khi nghe Thiên Chúa phán bảo xuống Ai-cập, Gia-cóp đã trỗi dậy đem tất cả những gì ông có lên đường. “Họ đem theo các đàn vật của họ và các tài sản họ đã gây được ở đất Canaan” (St 46: 6). Dường như, khi nhận được lời hứa từ Thiên Chúa, Gia-cóp không còn sợ hãi hay lo âu nữa.[9] Việc ông đem theo mọi thứ ông có xuống Ai-cập, chứng tỏ sự vâng phục dứt khoát, đi không hẹn ngày về. Điều đó cũng chứng tỏ tâm trí ông quy hướng tất cả về Thiên Chúa, vâng theo thánh ý Thiên Chúa cách trọn vẹn, không lưu luyến, không hồ nghi bất cứ điều gì. Chẳng thế mà sau này, trong Tân Ước, chính Đức Giê-su cũng đã khuyên các môn đệ hãy tìm kiếm kho tàng trên trời, vì của ở đâu thì lòng ở đó (x. Lc 12: 34).

Như vậy, ngoài ý nghĩa vâng lệnh Thiên Chúa, cuộc hành trình của Gia-cóp còn mang tính đối lập với các cuộc hành trình của các con ông trong những lần xuống Ai-cập trước đó. Đối lập đầu tiên về tư tưởng, những người con trai của Gia-cóp đi với tâm thái của một “người tị nạn” đến để mong được đổi lấy lương thực nhằm giúp gia đình thoát đói, và các lần di chuyển này không hề có cuộc thần hiện nào của Thiên Chúa. Trong khi đó, Gia-cóp ra đi mang trên mình lời hứa của Thiên Chúa, và được Thiên Chúa đảm bảo về cuộc hành trình. Vì vậy, cuộc ra đi của Gia-cóp mang ý nghĩa đặc biệt về lời hứa cứu độ được thực hiện.

Hơn nữa, khi đặt song đối hành trình của Gia-cóp và gia đình xuống Ai-cập, với hành trình của Abraham đã rời Ha-ran của người Chaldea và đi đến Canaan (x. St 12: 4-5), cả hai người đàn ông đã rời khỏi vùng đất họ sinh ra để tuân theo ý muốn của Thiên Chúa. Điểm chung nổi bật của của hai người đàn ông là sự vâng lời triệt để, với vai trò quan trọng trong việc thực hiện lời hứa của Thiên Chúa. Hơn nữa, trình thuật nhấn mạnh hai ông “đem theo tất cả những gì mình có” và đi đến nơi mà Thiên Chúa muốn các ông đến. Phân đoạn này nhấn mạnh về “mọi hạt giống” trong gia đình mà Gia-cóp đem lên Ai-cập. Những dữ kiện đó đủ cho thấy sự ra đi của Gia-cóp, là chuyến đi thể hiện sự vâng phục triệt để.[10]

Việc Gia-cóp vâng phục và đi theo lời Chúa phán, chính là chân dung người tôi tớ trung tín của Thiên Chúa. Sau này trong Tân Ước, khuôn mẫu này là hình ảnh tiên trưng về người môn đệ. Điểm đặc biệt của việc người môn đệ chính là thái độ vâng phục một cách mau mắn, triệt để. Mặc dù chân dung người môn đệ ở Tân Ước thể hiện ra bằng sự bỏ hết tất cả mà theo Đức Ki-tô, còn Gia-cóp thì đem đi hết mọi thứ mà theo Thiên Chúa. Nhưng hai lối biểu hiện này không hề đối kháng nhau, trái lại còn bổ túc cho nhau, vì cùng đề cập đến sự ra đi cách triệt để không còn vương vấn điều gì trước đây, mà chỉ một lòng một dạ theo Chúa. Việc đã đi mà còn nhìn lại phía sau, nổi bật là hình ảnh quay đầu của vợ ông Lót khi chạy khỏi thành Xơ-đôm (x. St 19: 1-29). Hậu quả của việc quay đầu đã khiến bà bị biến thành cột muối, nhưng việc bà quay đầu nhìn lại không đơn giản chỉ là quay đầu nhìn lại các cột lửa, diêm sinh phía sau, nhưng ý nghĩa sâu xa ở chỗ đã đi theo Chúa mà quay đầu nhìn lại phía sau, tỏ vẻ sự luyến tiếc. Chính thái độ nửa vời đã khiến bà không thể tiếp tục hành trình theo Chúa, nhưng bị đứt gánh giữa đường.

 Hành trình của Gia-cóp còn minh chứng cho lòng trung tín của Thiên Chúa. Lòng trung tín được thể hiện qua việc thực hiện lời hứa đồng hành với Gia-cóp. Thiên Chúa không trao sứ vụ cho người tôi tớ rồi bỏ rơi, nhưng Ngài luôn quan tâm nâng đỡ và chở che. Vì trong kinh nghiệm đức tin và kinh nghiệm sống của Gia-cóp đã có nhiều lần Thiên Chúa phán và che chở ông. Lần này, Thiên Chúa tiếp tục chở che ông, không hề có ngoại lệ. Cụ thể khi gặp vua Pha-ra-ô, Gia-cóp đã nói về “Cuộc đời phiêu bạt của tôi mới được một trăm ba mươi năm, đó là những năm tháng ngắn ngủi và khổ cực.” (x. St 47: 9). Đằng sau những khổ cực mà ông nói đó, chính là sự an toàn và đảm bảo của Thiên Chúa. Dường như, Kinh Thánh đã nhiều lần đề cập đến việc Thiên Chúa đi bước trước, Ngài hiện ra với Gia-cóp trong những cơn nguy khốn, không đợi ông phải kêu cầu hay van xin.

Hơn nữa, hành trình xuống Ai-cập của Gia-cóp và toàn bộ gia đình tưởng như là điểm cuối của cuộc hành trình, nhưng thực ra là mở đầu mới. Điều này được Kinh Thánh tiếp tục trình thuật với các câu chuyện về mười hai chi tộc, nhằm tiếp tục minh định thế nào là lời hứa và lời chúc lành của Thiên Chúa. Những lời này được cụ thể hóa bằng hồng ân đất hứa. Bản văn nhắc lại điều này trong những dòng cuối các trình thuật về các Tổ phụ nhằm mở ra một trang mới hướng tới câu chuyện Xuất Hành.

3.    Mối Liên Hệ Giữa Bản Văn với Đức Kitô

Điểm sáng của việc di cư nơi đại gia đình Gia-cóp trong Cựu Ước có mối liên hệ chặt chẽ với Tân Ước, nhất là trong tương quan với Đức Ki-tô. Qua việc rời bỏ quê hương của gia đình Gia-cóp với mục đích gặp gỡ và có cuộc sống sung túc hơn, cho thấy hình ảnh tiên trưng của việc chạy trốn sang Ai-cập của gia đình Na-da-rét, nhằm tránh lưỡi gươm của vua Hê-rô-đê. Khi khởi hành chuyến đi, cả hai trường hợp đều được Thiên Chúa gọi tên người dẫn đoàn: đầu tiên là Gia-cóp và sau đó là Giu-se (trường hợp Giu-se – chồng bà Maria được thiên thần Gabrien đem lời Chúa xuống cho ông trong giấc mộng). Hành động vâng lời Thiên Chúa của Gia-cóp và Giu-se được biểu hiện bằng việc mau mắn thi hành, nhưng tâm trạng của hai người bị đè nặng bởi sự não nề, chán chường. Việc đem gia đình mình đi rời bỏ quê hương xứ sở là điều không ai mong muốn, bởi khi sống ở đâu, người ta quen với văn hóa, khí hậu, thực phẩm, chính trị… của vùng đó, nay phải cất bước ra đi là điều vô cùng đau xót. Nhưng nhờ sự tác động hoàn toàn và mạnh mẽ từ Thiên Chúa, những người tôi trung của Ngài đã mạnh mẽ ra đi. Từ đó cho thấy, Thiên Chúa không làm việc một mình, Ngài luôn muốn con người cộng tác vào công trình cứu độ của Ngài để đưa con người thoát khỏi vòng tội lỗi, tới hưởng vinh phúc với Ngài.

Trình thuật về chuyến đi rời bỏ quê hương xứ sở của Tổ phụ Gia cóp trong Cựu Ước được mọi thế hệ Kitô giáo coi như lời tiên báo về đấng Mê-si-a, về hành trình lưu lạc của Đức Ki-tô sang Ai-cập. Vì thế đoạn văn cũng được gọi “Tiền Tin mừng hay Tin mừng khởi thủy”. Điểm đặc biệt hơn, đoạn Kinh Thánh St 46:1-7 không bị đóng khung trong một bối cảnh duy nhất, nhưng được mở rộng từ những câu sau đó về dòng tộc nhà Gia-cóp, cho nên về sau đoạn này mới được chú thích dưới ánh sáng Tin mừng Kitô giáo. “Lời tiên báo” này được dành cho nhà Nazareth hệ tại ở sự dũng cảm, vâng phục và phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Ngoài ra chuyến đi này còn báo trước, hình ảnh một Giáo Hội được sinh ra. Thật vậy, từ sau chuyến đi của gia đình Gia-cóp, mười hai người con của ông mới chính thức hội ngộ, và được chính Gia-cóp chúc phúc cho từng người. Kể từ đây, một dân tộc đông đúc và mạnh mẽ được hình thành. Cũng thế, sau khi trở về từ Ai Cập, Đức Giêsu sống quãng thời gian yên bình và ẩn dật tại Nazareth, để sau này Ngài chọn nhóm mười hai và thành lập Giáo Hội trên nền tảng đó.

 

4.    Ý Nghĩa Thần Học của Bản Văn

Đặt song đối giữa lời hứa và chuyến đi của Gia-cóp, hầu như hai thực tại này không liên quan đến nhau, nhất là trong dự định của Gia-cóp. Liệu trong tâm trí ông có đang nghĩ rằng rời bỏ quê hương đến Ai-cập sẽ có điều kiện sống tốt hơn, nhờ đó, con cháu đông đúc, rồi thành một dân lớn, từ đó lời hứa của Thiên Chúa được thực hiện. Thực sự, Gia-cóp ra đi với mong muốn được gặp đứa con yêu quý đã thất lạc từ lâu, vì từ các lần sang Ai-cập trước đó các con ông đã về thuật lại cho ông những gì đã xảy ra, hơn hết chính là Giu-se con ông còn sống. Lúc đầu ông không tin, bởi theo lẽ thường việc Giu-se còn sống đã là một điều khó có thể chấp nhận, đằng này con ông còn làm tể tướng, lý trí thông thường làm sao mà dễ dàng chấp nhận được. Mãi cho đến khi các con ông đem xe và quần áo về cho ông nhìn thấy, thì tinh thần Gia-cóp mới hồi sinh, và ông mới thực sự tin là Giu-se còn sống. “Ông Ít-ra-en nói: “Thế là đủ! Giu-se, con cha, vẫn còn sống! Cha sẽ đi để nhìn thấy nó trước khi chết!”” (St 45: 28). Như vậy, mục đích chính của ông khi ra đi không chỉ để mưu sinh, để bảo toàn mạng sống, cũng không đi để bảo đảm an toàn cho cả nhà, nhưng ông đi vì một lý do lớn hơn, gặp đứa con bị thất lạc bấy lâu nay.

Xét về địa nhân văn của vùng Canaan và Ai-cập, chuyến đi của gia đình ông Gia-cóp không đáng để ghi chép vào lịch sử, như là một cuộc di dân vĩ mô. Bởi đây là việc di chuyển của một nhóm nhỏ với số lượng tổng cộng là bảy mươi người (St 46: 27).[11] Tuy nhiên, dưới nhãn quan chương trình cứu độ của Thiên Chúa, chuyến đi này thực sự mang tầm vóc lớn lao. Đầu tiên cần trở lại với lời Thiên Chúa phán với Abraham trong một thị kiến sau chiến thắng bốn vua (x. St 14). Người phán với ông: “Ngươi phải biết rằng: dòng dõi ngươi sẽ trú ngụ trong một đất không phải của chúng. Chúng sẽ làm tôi người ta và người ta sẽ hành hạ chúng bốn trăm năm (St 15: 13). Như vậy chuyến đi của gia đình Gia-cóp mang sứ mệnh đầu tiên là ứng nghiệm lời Thiên Chúa phán với Abraham - ông nội ông. Nếu Gia-cóp không đi thì lời Chúa đã phán xưa kia không thể ứng nghiệm. Nhưng tầm vóc của chuyến đi không chỉ đơn giản như vậy, cần nhớ rằng trước đó Thiên Chúa đã hứa với Abraham, sau đó hứa với Gia-cóp sẽ ban cho họ một dòng dõi đông đúc. Để có một dòng dõi đông đúc thì ở giai đoạn đầu cần có những yếu tố tích cực tác động vào. Chẳng hạn như: lương thực phải dồi dào trong một thời gian dài; đất đai canh tác phải đủ rộng để đảm bảo nghề nghiệp được duy trì lâu; khí hậu thuận lợi, không có biến động về chiến tranh. Điều này cho phép những đứa trẻ lớn lên nhanh và có một khởi đầu tốt đẹp… Như vậy, trong bối cảnh này Gia-cóp rời đi là một quyết định đúng đắn cho dòng dõi ông sau này, bởi đây đang là giai đoạn của nạn đói, nếu có những đứa trẻ nào sinh ra trong thời gian này thì không đảm bảo đủ điều kiện để chăm sóc tốt, khi những đứa trẻ bị suy nhược chính là một trong những nguyên nhân làm nòi giống bị suy thoái. Hơn nữa, vì có nạn đói, nên khó tránh khỏi xảy ra cướp bóc, tranh giành lương thực… Vậy, chuyến đi này mang chiều kích để thực hiện cách tốt hơn lời hứa của Thiên Chúa về một dân riêng, từ đó cho thấy Thiên Chúa luôn dùng những hoạt động của con người để cộng tác vào kế hoạch cứu độ của Ngài.

C. Phần Ứng Dụng: Bài Học Đức Tin Cho Người Trẻ từ Chuyến Đi của Gia Đình Gia-Cóp

Gia đình Gia-cóp đã vượt ranh, nghĩa là đi ra khỏi nơi mình sống, ra khỏi vùng an toàn của gia đình mình, để đến với vùng đất xa xôi theo lời mời gọi của Thiên Chúa, dầu trong lòng còn đầy những lo âu. Việc ra đi, dấn thân đó đã xảy ra từ những trang đầu của lịch sử cứu độ, nhưng đến hôm nay vẫn còn mang tính thời sự, nhất là đối với người trẻ. Ra đi, đặc biệt đến với vùng “ngoại biên” đang cần ánh sáng Tin mừng, nơi đang thiếu ánh sáng của sự thật, công bằng, bác ái Ki-tô giáo luôn là lời mời gọi tha thiết của Mẹ Giáo Hội. Chính Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô đã không ngừng mời gọi người trẻ hãy ra đi để loan báo Tin mừng.

Hơn nữa việc bước ra khỏi vùng ranh, không chỉ là đi những bước xa xôi về địa lý nhưng là đến với những mối tương quan đang mờ nhạt sự đối thoại chân thành, đến với những người xung quanh mình, mà do cuộc sống bộn bề đã làm người ta xa cách nhau. Việc hàn gắn tương quan đó, được diễn tả bằng việc Gia-cóp mong được gặp đứa con yếu dấu của mình biết mấy, sau bao năm lưu lạc. Việc đi ra đó đòi hỏi một sự quan tâm, sự lo lắng cho người thân cận mình.

Nhưng theo một góc nhìn khác, bước ra khỏi vùng ranh chính là đi ra khỏi quan niệm, định kiến cá nhân để đến với nhau, đến với sự khác biệt. Gia-cóp ra đi đến với Ai Cập – vùng đất mà người nơi đây đang khinh miệt và coi thường những người làm nghề du mục như ông. Dù cho bao thành kiến, loại trừ, nhưng Gia - cóp vẫn ra đi theo tiếng mời gọi của Thiên Chúa. Đây là tiền đề cho sự đối thoại với những người khác niềm tin, khác văn hóa… Nếu mỗi người đều đóng kín tâm hồn, khóa chặt bản thân trong vùng an toàn thì việc đến với nhau chẳng qua chỉ là hình thức vụ lợi, hay tranh thủ cơ hội nào đó. Đối với họ, tình thương và sự chân thành trở nên một thứ xa xỉ.

Vì vậy, Giáo Hội ngày nay mời gọi mọi Kitô hữu, đặc biệt người trẻ không ngừng ra đi. Sự ra đi ấy không chỉ giới hạn về không gian địa lý, nhưng còn về tư tưởng, và tình yêu. Nhờ đó, người trẻ có thể hiện diện để đồng hành, để chia sẻ, để an ủi và cảm thông với cộng đồng nhân loại đang đau khổ, bằng chính đời sống chứng tá thấm đẫm tinh thần Tin Mừng.

 

 

Thư Mục Tham Khảo

1.  CGKPV, Kinh Thánh - ấn bản 2011, Nxb. Tôn Giáo, 2011.

2.  Zondervan, NIV, Biblical Theology Study Bible, Follow God’s Redemptive Plan as It Unfolds throughout Scripture, Editor: D. A. Carson, T. Desmond Alexander, Richard Hess, Douglas J. Moo, publishing house Zondervan, 2018.

3.  Kenneth A. Mathews, The New American Commentary, Volume 1B, Genesis 11:27-50:26, Printed in the United States of America, 2005.

4.  John E. Hartley, Genesis (Understanding the Bible Commentary Series), Grand Rapids, 2000.

5.  Peter E. Enns, The NIV Application Commentary. Zondervan, Grand Rapids, Michigan, 2000.

6.  John Day, Yahweh and the Gods and Goddesses of Canaan, Printed in the New York, 2002.

7.  John H. Sailhamer, Genesis-Leviticus (The Expositor's Bible Commentary), Zondervan, 2008.

8.  John S. Barnett, Living Hope for the End of Days. 365 Daily Devotionals from the Book of Revelation, John Barnett, 2010.

9.  John H. Sailhamer, The Pentateuch as Narrative. Zondervan Publishing House, Grand Rapids, Michigan, 1992.

 



[1] Cf. Zondervan, NIV, Biblical Theology Study Bible. 300-301.

(Jacob Goes to Egypt. The accout of Jacob’s Journey to Egypt has four parts: (1) At Beersheba God permit Jacob to relocate to Egypt (vv. 1-7), (2) List of the name of those who went to Egypt (vv. 8-28), (3) Jacob encounters Joshep (vv 28-30), (4) Joshep prepares the way for hí father meet Pharapoh, conscious of Egyptians’strong antipathy towad shepherds (46: 31-47:12)).

[2] Số 430 năm của Xh 12: 40 khác với 400 năm tại St 15:13 sự khác nhau có thể là do quá trình sao chép bản văn nên dẫn đến sự chênh lệch đó.

[3] Kenneth A. Mathews, The New American Commentary, Volume 1B, Genesis 11:27-50:26. 663.

(Ở đoạn này tác giả chia theo cấu trúc tương tự nhưng gọi tên phân đoạn khác với người viết. Jacob’s Migration to Egypt (St 46: 1-27. (1) Jacob’s Decent into Egypt (St 46:1-7)- Sacrifice and Vision at Beersheba (St 46:1-4)- Journey to Egypt (St 46: 5-7).)

[4] Cf. John E. Hartley, Genesis (Understanding the Bible Commentary Series). §55 Jacop and His Family Move to Egypt (Gen: 46.1-47.12). (46: 1-7/ several elements common to the experience of the patriachs are present: God appears to Jacob, Jacob stops along the way to worship God, and the referance to God as the God of fathers (26:24; 28:13). Israel set out for Egypt, travling from Hebron by way of Beersheba, where both Abraham and Isaac had live for a time. This site marked the southern boundary of the promished land (2sam 24:2). Before leaving the land of promise, Israel offerd sactifices to the God of his father Isaac (26:3-24; 28:13))

[5] Peter E. Enns, The NIV Application Commentary, 99. (Yahweh is well aware of what the situation is and he will soon do something about it. Israel is “my people”. He has a special interest in their safety. He is, after all, the God of Abraham, Isaac, and Jacob. His relationship with them has a long history.)

[6] Cf. John Day, Yahweh and the Gods and Goddesses of Canaan, 13-15.

(… Were Yahweh and El originally the same Deity or not? … Yahweh was a form of the god El from the beginning or whether they were separate deities .. Rather, this is reminiscent of Baal… which explains the name Yahweh. I conclude, therefore, that El and Yahweh were originally distinct deities that became amalgamated… It is interesting that the Old Testament has no qualms in equating Yahweh with El…)

[7] Ibdi, John Day, 14.

[8] John H. Sailhamer, Genesis--Leviticus (The Expositor's Bible Commentary), 324.

(Such a change in attitude toward the patriarchs’ traveling to Egypt indicates that the Lord is following a specific plan with regard to the chosen people. Viewed alone, God’s instructions to Isaac in ch. 26 may leave the impression that he was opposed in principle to a sojourn in Egypt. This in turn might leave the impression that the whole story of Joseph, which results in Jacob’s going to Egypt, runs counter to God’s purposes. When the Lord speaks to Jacob, however, it becomes clear that a sojourn in Egypt can play a key role in God’s plan. Such a perspective is also consistent with a central theme of the narrative: God is working all things for the good of Jacob and his sons (50:20).)

[9] Cf. John S. Barnett, Living Hope for the End of Days. 365 Daily Devotionals from the Book of Revelation, 95.

(As parents, we like to say that to our children, don’t we? During storms in the night when my little ones have felt insecure, I have comforted them by saying, “Daddy’s here!” Oh, it has been so sweet! I remember a precious time when my youngest, Elizabeth, was troubled about something, so I went into her room and said, “I am here, Elizabeth!”… As a beloved child of God, when you afraid, cry out to Him, “Abba, Father!” (Romans 8:15)… )

[10] John H. Sailhamer, The Pentateuch as Narrative, 225.

(Special attention is given to the journey of Jacob and his household into Egypt. Just as Abraham had left Ur of the Chaldeans and journeyed to Canaan (12:4-5), so now Jacob leaves the land of Canaan and journeys to Egypt. Both men were leaving the land of their birth in obedience to the will of God…)

[11] Con số này có chút khác biệt, so với sách Công Vụ Tông Đồ, số người ra đi là 75 người (x. Cv 7:14), tuy nhiên theo tác giả Zondervan, sở dĩ có sự khác nhau đó là do cách tính khác nhau, và trong quá trình sao chép bản thảo có sự sai sót nên dẫn đến các con số khác nhau. (this total, which excludes Jacob’s son’ wives, who were not “his direct descendants,” does not tally exactly with the totals in vv. 8-25 (i.e., 33+16+14+7=70). Nothing obvious explains how this was calculated to give the total 66. The second total of “seventy” (v. 27) is probably based on 66 plus Jacob, Joseph, and Joseph’s two sons, Manasseh and Ephraim. To add to the complexitu of these figures, the earliest Greek translation of Genesis records the number of Joseph’s sons as nine (see first NIV text note on v.27), giving a total of 75 (see second NIV text note on v. 27; see also Acts 7:14) rather than 70. In the process of copying manuscripts, mistakes occasionally can arise with numbers. Something like this may have occurred at an early stage in the transmission of the text of Genesis. - Cf. Ibdi, Zondervan, 302.)


Thư viện Học viện Công giáo Việt Nam