NIỀM HY VỌNG CÁNH CHUNG TRONG MẦU NHIỆM SỰ CHẾT THEO NHÃN QUAN KITÔ GIÁO | Thư viện Học viện Công giáo Việt Nam

NIỀM HY VỌNG CÁNH CHUNG TRONG MẦU NHIỆM SỰ CHẾT THEO NHÃN QUAN KITÔ GIÁO



Maria Cao Thị Oanh STB-K3


I.                Dẫn nhập

Đã làm người, ai cũng phải chết (Dt 9, 27). Cái chết đụng chạm đến tất cả mọi người, thật gần gũi nhưng cũng thật huyền nhiệm. Thế nhưng, sự chết là gì? Tại sao tôi phải chết? Chết có ý nghĩa gì không? Điều gì sẽ xảy ra sau khi tôi chết? Tôi sẽ hy vọng vào ai, vào điều gì khi phải đối diện với sự chết? Thật vậy, khi đứng trước sinh lão bệnh tử của kiếp người, đã có nhiều người cảm thấy đau khổ, sợ hãi vì nghĩ rằng chết là hết, là chấm dứt tất cả. Thế nhưng trong niềm tin Kitô giáo, chết không phải là hết nhưng là một cách để phát sinh sự sống mới, như Đức Giêsu đã nói: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24). Như thế, sự chết là điều kiện nhất thiết để triển nở và thay đổi cách thái hiện hữu. Dựa trên niềm hy vọng ấy, người viết xin trình bày chủ đề: “Niềm hy vọng cánh chung trong mầu nhiệm sự chết theo nhãn quan Kitô giáo” qua bốn điểm chính: Thứ nhất, sự chết là gì?. Thứ hai, quan niệm sự chết qua các tư tưởng triết học. Thứ ba, quan niệm sự chết trong nhãn quan Kitô giáo. Sau cùng, niềm hy vọng Kitô giáo trong mầu nhiệm sự chết.

II.              Nội dung

1.    Chết là gì?

        Theo Kinh Thánh, chết là hậu quả của tội: sự chết phần xác và sự chết phần hồn (x. Rm 5, 12; 8, 5-6). Theo sách Giáo Lý Công Giáo, sự chết là kết thúc cuộc lữ hành trần thế của con người, kết thúc thời gian của ân sủng, của lòng thương xót mà Thiên Chúa ban cho con người.[1] Thật vậy, cuộc đời của mỗi người được tính bằng thời gian. Trong khoảng thời gian đó, con người thay đổi, già đi rồi chết. Thực tại này cho chúng ta một cái nhìn bức thiết và hiện sinh hơn về cuộc sống.

        Theo nghĩa phổ thông, sự chết xảy ra khi thân xác con người mất khả năng sống và mất khả năng hoạt động[2], chấm dứt cuộc sống trần gian.

2.    Tư tưởng triết học về sự chết

2.1.        Tư tưởng Đông Phương về sự chết

      Tư tưởng Đông Phương diễn đạt rằng chết không phải là hết, nhưng sau cái chết, còn có một đời sống mới nơi thế giới bên kia.[3] Những tư tưởng này được thể hiện qua hai điểm:

      Thứ nhất, quan niệm sự chết trong văn hóa - tín ngưỡng Việt Nam: Người Việt thường bảo rằng: “Sinh thuận tử an”, “hùm chết để da, người ta chết để tiếng”. Vì thế, trong thâm tâm họ tin rằng chết không phải là hết nhưng là quy thiên[4], với họ sinh ký tử quy - sống gửi thác về.

      Thứ hai, trong Ấn Giáo và Phật Giáo: có nhiều quan điểm tư tưởng khác biệt về vận mạng con người, về tâm thân, tâm thức và linh hồn. Nhưng cả hai quan niệm rằng chết không hết, nhưng con người bị ràng buộc bởi vòng luân hồi sinh tử. Sau khi trải qua cái chết, con người bước vào kiếp sống khác: linh hồn nhận được một thân xác mới trong mỗi lần tái sinh; kiếp sống mới tốt đẹp hay tồi tệ hơn kiếp trước thì tùy thuộc vào cách sống của người đó. Thuyết luân hồi mở ra cho con người cánh cửa hy vọng, nếu người đó trót lỗi lầm hay làm điều ác ở đời này thì đời sau còn có cơ hội để chuộc lại tội lỗi đó[5].

2.2.        Tư tưởng triết học Tây Phương về sự chết

    Với tư tưởng Hy Lạp Cổ Đại: có ba quan điểm khác nhau. Trước tiên, tư tưởng của Epicurus (341-270 BC) cho rằng, chết thì không quan trọng, ông nói: “Khi nào tôi còn hiện hữu, cái chết không có và bất cứ lúc nào nó có, thì chúng ta không hiện hữu”[6]. Với Pythagoras (570-415 BC), linh hồn là yếu tố linh thiêng, bất tử không lệ thuộc vào thân xác phải chết; cái chết chỉ đụng chạm đến thân xác mà thôi, nên không cần phải lo ngại về cái chết. Sau cùng, Platon (428-348 BC) quan niệm, khi còn ở trong thân xác hay hư hoại, con người không bất tử, chỉ khi chết, linh hồn con người mới đạt tới tình trạng bất tử.[7]

    Theo tư tưởng Tây Phương hiện đại: Khác với Thời Trung Cổ, Triết học Tây Phương hiện đại có khuynh hướng tách khỏi ảnh hưởng của Kitô giáo. Cụ thể với Jean Paul Sartre, ông cho rằng cuộc sống con người là một hành trình từ hư vô đến hư vô. Con người bị ném vào cuộc đời, bị đe dọa bởi những thực tại. Còn đối với Martin Heidegger và Karl Jaspers thì cho rằng, mỗi ngày con người ý thức mình sẽ chết nên con người sống tròn đầy trong từng giây phút. Chính khi sống trọn ý nghĩa cuộc sống, con người mới bước tới huyền nhiệm của cái vô hạn mở ra trước mắt họ sau ngưỡng cửa sự chết.[8]

3.      Quan niệm sự chết trong nhãn quan Kitô giáo

Trước tiên, sự chết dưới ánh sáng của Cựu Ước

    Chúng ta thấy rằng, cái chết không chỉ đơn thuần là một quy luật tự nhiên nhưng còn là “hệ quả” của tội lỗi, do sự ghen tương của ma quỷ đã đưa cái chết vào trần gian (x. Kn 2, 23-24), gây ra sự đổ vỡ trong tương quan giữa con người với Thiên Chúa và với tha nhân. Thật vậy, trong công trình sáng tạo, Thiên Chúa không muốn con người phải chết nhưng muốn con người được “sống, hiện hữu và hoạt động” trong ân nghĩa với Người. Thế nhưng vì con người bất tuân, không vâng phục, vi phạm lệnh truyền của Thiên Chúa (St 2,17), cho nên con người bị kết án “tử hình”, phải chết, phải xa cách Thiên Chúa. Thật vậy, cái chết là một cái gì đó bất thường, không thuộc về bản chất sáng tạo của Thiên Chúa. Cái chết không do Chúa làm ra, Ngài không vui thích gì khi thấy sinh vật phải chết (x. Kn 1, 13-14) vì Ngài đã tạo dựng để chúng tồn tại. Như vậy, cái chết chính là hình phạt của tội.

Tiếp theo, sự chết dưới ánh sáng của Tân Ước

      Tân Ước cũng diễn tả cách rõ ràng nguồn gốc của cái chết là do hậu quả của tội và hình phạt đối với tội, đặc biệt là tội nguyên tổ (x.Rm 5, 12-14). Tuy nhiên, qua cái chết trong sự vâng phục trọn vẹn của Đức Kitô theo thánh ý Thiên Chúa (Pl 2, 8), Ngài đã đem đến cho nhân loại nguồn ơn cứu độ, đem lại ơn giao hòa giữa con người với Thiên Chúa, đồng thời tạo cho cái chết một giá trị chính đáng và ý nghĩa mới, ý nghĩa Cánh Chung: chết không còn là bản án của tội lỗi nhưng trở thành hành vi của một tình yêu tự hiến: “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người hiến mạng sống mình vì bạn hữu mình” (Ga 15, 13).

    Giáo hội quả quyết rằng[9]: cái chết thể xác, điều mà con người có thể tránh nếu như không phạm tội, sẽ bị đánh bại khi Đấng Cứu Thế toàn năng, nhân ái mang lại ơn cứu độ, ơn đã bị đánh mất vì tội lỗi (Rm 5, 21). Nếu như Ađam xưa đã làm cho cái chết thống trị, thì nay hành vi vâng phục của Đức Kitô như Adam mới, “Đấng Cánh Chung” đem lại sự sống vĩnh hằng cho nhân loại. Ngài đã tước bỏ quyền lực của sự chết (x. 2 Tm 1, 10), và Ngài cai trị cả người sống cũng như kẻ chết (Dt 14, 9). Thánh Augustino nói rằng: “Nhờ cuộc khổ nạn của Người, Chúa chúng ta đã đi từ cõi chết tới sự sống, đã mở một con đường cho chúng ta những người tin vào sự sống lại của Người rằng chúng ta cũng có thể vượt qua cái chết tới sự sống”.[10] Như vậy, với cái chết của Đức Kitô, cái chết không còn là tận cùng của đời người nữa, nhưng trở thành ngưỡng cửa dẫn đưa con người vào cõi sống đời đời và cõi sống đó chính là niềm hy vọng, ngõ hầu làm cho con người sống ý nghĩa và tròn đầy hơn.[11]

4.      Niềm hy vọng Kitô giáo trong mầu nhiệm sự chết của con người

    Đối với Kitô giáo, cái chết không còn là niềm đau thương, nhưng là niềm hy vọng để bước vào đời sống mới, sống cùng và sống với Đức Giêsu.

4.1.        Cái chết – một sự gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa

    Sự sung mãn của cuộc gặp gỡ này được sách Sáng Thế tường thuật lại: “như thể chiều chiều Thiên Chúa tản bộ trong vườn để gặp gỡ hàn huyên với con người” (St 3, 8). Thế nhưng, chính tội lỗi đã gây ra sự chia cắt mối tương quan này. Dù vậy, Thiên Chúa vẫn yêu thương muốn nối lại cuộc gặp gỡ với con người. Ngài đến gặp ta qua mỗi giai đoạn của cuộc sống, với ân huệ đức tin và phép rửa tội mà ta lãnh nhận (Rm 6, 3), cách riêng trong Bí tích Thánh Thể là lời tiên báo giúp ta thông dự vào cái chết và phục sinh. Ngài còn đến từng ngày qua Thánh Lễ, để giúp chúng ta thực hiện cuộc Vượt qua từ xác thịt đến Thần Khí[12]. Trong các cuộc gặp gỡ ấy, giờ chết là cao điểm của cuộc gặp gỡ và đó không thể là giờ cô đơn đối với người Kitô hữu, vì Chúa Kitô đang đến, Ngài đứng ngoài và gõ cửa (Kh 3, 20).

    Hơn nữa, Công Đồng Vatican II nêu rõ: “Đức Kitô, Đấng phục sinh của ngày chung thẩm, đứng trên bờ của lằn ranh cõi vĩnh hằng để đón chờ, cho họ ăn và để nhận họ trước mặt Thiên Chúa”[13]. Có thể nói, chính Thiên Chúa đã chuẩn bị để con người có cuộc gặp gỡ này. Do vậy, bắt đầu cuộc sống này là con người bắt đầu một cuộc hành trình. Niềm tin Kitô giáo cho ta biết rằng cuộc sống đời này chỉ là tạm bợ, quê hương đích thật của chúng ta ở trên trời (Pl 3, 20). Như vậy, đối với người Kitô hữu, cái chết không còn là một sự kết thúc vô nghĩa, không còn mang dáng dấp đáng sợ của tử thần, nhưng đó là nơi hội ngộ với Đức Kitô và là nơi đầy mơ ước như thánh Phaolô: “Ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Kitô”.[14]

4.2.        Chết với Chúa Kitô, trong Chúa Kitô và cho Chúa Kitô

      Điều này được Phaolô nêu rõ: “Nếu chúng ta cùng chết với Chúa Kitô, chúng ta sẽ cùng được sống lại với Người” (2 Tm 2, 11). Nơi cái chết của mình, Đức Kitô ôm ấp sự chết của con người: “Ngài ban cho họ được cùng chết vào Chúa Cha với Ngài”.[15] Cuộc sống của Kitô hữu sẽ có kết cục thế nào đó là tùy vào sự chọn lựa và đáp ứng của ta đối với Đức Kitô và Tin Mừng của Ngài. Nếu ta sống cho Chúa, vì Chúa, trong Chúa thì cũng sẽ chết cho Ngài, vì Ngài và trong Ngài. Và phần thưởng của những ai đã sống-chết cho Chúa, vì Chúa, đó là sự sống đời đời, “Thật, tôi bảo thật các ông: ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 8, 51). Thánh Phaolô cũng khẳng định: “Thật vậy, không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa” (Rm 14, 7-8). Vì vậy, đời sống người tín hữu không còn sống cho chính mình, mà là sống đời sống mới của Đức Kitô (Rm 14, 8). Vậy khi ta chết với Chúa, trong Chúa, cho Chúa, thì ta sẽ được hiệp nhất với Ngài.

4.3.        Cái chết - mầu nhiệm hiệp nhất và là ngưỡng cửa đời sống vĩnh cửu

     Cái chết không chỉ là kinh nghiệm đau khổ của người tin vào Thiên Chúa nhưng ngang qua cái chết, người tin được nên giống Đức Kitô và hiệp nhất với Ngài (Rm 8, 17; Pl 3, 10-11). Nhờ đó, ta được hưởng đời sống vĩnh cửu cùng Ngài.

    Thánh Phaolô diễn tả đời sống trong thân xác này như một cuộc lưu lạc xa Chúa (1 Cr 5, 6). Vì thế, Ngài ước ao được gặp gỡ Thiên Chúa, được “ra đi” để tham dự “cuộc hội ngộ của con cái Thiên Chúa” (Hr 12, 22-23). Đối với Ngài, cái chết là ngưỡng cửa, là điều kiện cần để người tín hữu bước vào cuộc vượt qua này mà đi vào bàn tiệc cánh chung Nước Trời (Mt 26, 29). Giáo lý Công Giáo cũng khẳng định, chết là kết thúc cuộc hành trình lữ khách trần thế, kết thúc thời gian Thiên Chúa gia ân và thương xót để con người sống cuộc đời trần thế theo ý Chúa[16] và khi đó tôi không chết nhưng tôi bước vào cõi sống. Vì thế, cái chết trở nên điều kiện bất khả phân ly đối với con người trên đường đi vào sự sống vĩnh cửu. Con người chỉ bước vào đời sống mới sau khi đã qua cái chết, một cái chết không chỉ là định mệnh, nhưng còn là sự hoàn tất Bí tích cứu độ nơi mỗi người.

4.4.        Cái chết là sự hoàn tất bí tích cứu độ nơi người tín hữu

        Chính nhờ đức tin và các bí tích mà con người được tham dự vào cuộc khổ nạn, sự chết và phục sinh của Đức Kitô. Qua Bí tích Thánh Tẩy, “ta được dìm vào trong cái chết của Đức Kitô” (Rm 6, 3), cùng chết và sống lại với Người. Nhờ Bí tích Rửa Tội, ta được tái sinh, thanh tẩy trở thành con người mới, sống nhờ ân sủng và ân huệ của Thần Khí[17]. Với Bí tích Thánh Thể, ta loan truyền cái chết của Đức Kitô là sự chết với sự sống của ta. Nếu ta loan truyền Đức Kitô là “Đấng bị trao nộp vì ta” thì Bí tích Thánh Thể phải thực hiện nơi ta cái chết của Người[18]. Nhờ Bí tích Giao Hòa làm cho người Kitô hữu sống trong ân sủng này[19].

        Người Kitô hữu còn tập chết mỗi ngày khi bước vào đời sống gia đình do Bí tích Hôn Phối đem lại (Gl 12, 25). Nhờ Bí tích Xức Dầu, trong giờ lâm tử, ta có đủ sức mạnh để đối phó với thử thách cuối cùng của cuộc đời, và ta có thể hành động nơi mình cách hoàn toàn tự do đó chính là chết trong sự hiệp thông với Thiên Chúa[20]. Đặc biệt đối với một số người, khi lãnh nhận Bí tích Truyền Chức, họ mặc nơi chính con người mình Đức Kitô Linh mục thượng phẩm và như Đức Kitô, họ tập chết đi mỗi ngày trong con người mình để hoàn tất nơi mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô[21]. Như vậy “đối với Kitô hữu, chết là kết thúc đời sống Bí tích, là khởi đầu sự viên mãn của cuộc tái sinh nhờ Thánh Thần xức dầu và nhờ tham dự Bàn Tiệc Nước Trời đã được tiền dự trong Bí tích Thánh Thể”[22].

III.            Kết luận

        Tóm lại, chết là hậu quả của tội. Mỗi tư tưởng triết học, tôn giáo đều có quan niệm khác nhau về cái chết, tuy nhiên chết không phải là hết, sau cái chết còn có một đời sống mới mẻ mà con người sẽ bước vào. Với Kitô giáo, cái chết không là tận cùng nhưng nó trở thành ngưỡng cửa bước vào cõi trường sinh, là sự gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa, là chết với Chúa, trong Chúa và cho Chúa. Khi đó, người Kitô hữu được hiệp nhất với Chúa, được đi vào đời sống vĩnh cửu và hoàn tất Bí tích cứu độ. Nơi Chúa Giêsu tử nạn và phục sinh, đã thành hình một chân lý sự sống cho chúng ta: hy sinh và từ bỏ là điều kiện để nhận lãnh; đau thương và chia lìa là cách thức để tinh luyện; tan biến hay mất đi là nhân tố của sự đổi mới; chết là nguyên nhân xúc tác để làm thành sự sống mới.

Thật vậy, sống là chấp nhận chết đi để triển nở và phát sinh. Mỗi một hành vi khiêm tốn là chết đi một phần tính kiêu ngạo của mình. Mỗi một hành vi can đảm là chết đi một phần tính hèn nhát của mình. Mỗi một hành vi dịu dàng là chết đi một phần tính hung bạo của mình. Mỗi một hành vi yêu thương là chết đi một phần tính ích kỷ của mình. Con người tội lỗi chết dần đi thì con người đích thực được dựng nên giống hình ảnh Chúa mới xuất hiện và lớn mạnh. Thiết nghĩ, mỗi kitô hữu cần luôn biết đọc và nhận ra sứ điệp Chúa gửi tới trong cuộc đời, biết đón nhận tất cả những đau khổ trong cuộc đời trong tinh thần vâng phục và phó thác, luôn sống tinh thần tỉnh thức, sẵn sàng. Sống trọn vẹn trong từng phút giây trong cuộc đời như thể hôm nay là ngày cuối cùng của đời tôi. Ngõ hầu, khi cái chết đến, ta không sợ, không hối tiếc vì biết chắc rằng, ở bên kia cái chết, chúng ta sẽ có sự sống mới - sự sống vĩnh cửu với Đức Kitô.

 

TÀI LIU THAM KHẢO

1.  Nhóm Phiên Dch Các Gi Kinh Phụng Vụ. Kinh Thánh. Hà Ni: Tôn Giáo, 2011.

2.  Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Sách Giáo Lý ca Hi Thánh Công Giáo. Hà Nội: Tôn Giáo, 2016.

3.  Lm. Phaolô Vũ Chí H, SSS. Cánh Chung Hc - Đo v nim Hy Vọng Kitô Giáo. Lưu hành nội bộ, 2022.

4.  Phan Tt Thành. Nim Hy Vng Hng Phúc - Đi sống tâm linh XIV. Hà Ni: Tôn Giáo, 2016.

5.  Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Gaudium Et Spes (GS).

6.  Durrwell. Đức Kitô Con Ngưi Và Cái Chết. Médiapaul & Paulines.

7. Epicurus. Letter to Menoeceus”. Trans. George K.Stodach.New York: Penguin Books, 2012.

8.  Phaolô Nguyễn Thái Hp. Chút Này Làm Tin. Dấn ThânHouston, 2003.

9. Antôn Nguyễn Văn Dũng, C.Ss.R. Cánh Chung Học. Học Viện Thánh Anphongsô, 2017.

10. Ranifro Cantalamessa. Chúa Thánh Thần - Ánh Sáng và Sự Sống của Giáo Hội. Phêrô Nguyễn Văn Hương chuyển ngữ. Hà Nội: Tôn Giáo, 2017.

11. Bộ Giáo Dục và Đào Tạo Trung Tâm Ngôn Ngữ và Văn Hóa Việt Nam. Đại từ điển Tiếng Việt. Chủ biên Nguyễn Như Ý. Tp.Hồ Chí Minh: Tôn Giáo, 1999.

  

MỤC LỤC

I.                DẪN NHẬP

II.              NỘI DUNG

1.    Chết là gì?

2.    Tư tưởng triết học về sự chết

2.1.        Tư tưởng Đông Phương về sự chết

2.2.        Tư tưởng triết học Tây Phương về sự chết

3.    Quan niệm sự chết trong nhãn quan Ki-tô giáo

4.    Niềm hy vọng Ki-tô giáo trong mầu nhiệm sự chết của con người

4.1.        Cái chết – một sự gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa

4.2.        Chết với Chúa Ki-tô, trong Ki-tô và cho Ki-tô

4.3.        Cái chết – mầu nhiệm hiệp nhất và là ngưỡng cửa đời sống vĩnh cửu

4.4.        Cái chết là sự hoàn tất bí tích cứu độ nơi người tín hữu

III.            KẾT LUẬN

 



[1] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, (Hà Nội: Tôn Giáo, 2016), số 1013.

[2] Bộ Giáo Dục và Đào Tạo Trung Tâm Ngôn Ngữ và Văn Hóa Việt Nam, Đại từ điển Tiếng Việt, chủ biên Nguyễn Như Ý, (Tp.Hồ Chí Minh: Tôn Giáo, 1999), 344.

[3] Antôn Nguyễn Văn Dũng, C.Ss.R, Cánh Chung Học, (Học Viện Thánh Anphongsô, 2017), 110.

[4] Lm. Phaolô Vũ Chí Hỷ, Cánh Chung Học - Đạo Lý về niềm Hy Vọng Kitô Giáo, (Lưu hành nội bộ, 2022), 196.

[5] Lm. Phaolô Vũ Chí Hỷ, SSS, Cánh Chung Học, (Lưu hành nội bộ, 2022), 194-195.

[6] Epicurus, “Letter to Menoeceus,” trans. George K.Stodach (New York: Penguin Books, 2012), p.157.

[7] Lm. Phaolô Vũ Chí Hỷ, SSS, Cánh Chung Học,191.

[8] Lm. Phaolô Vũ Chí Hỷ, SSS, Cánh Chung Học,192-193.

[9] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Mục Vụ Giáo Hội trong thế giới ngày nay - Gaudium Et Spes (GS), số 18.

[10] Ranifro Cantalamessa, Chúa Thánh Thần-Ánh Sáng và Sự Sống của Giáo Hội, Phêrô Nguyễn Văn Hương   chuyển ngữ, (Hà Nội: Tôn Giáo, 2017), 125

[11] Lm. Phaolô Vũ Chí Hỷ, SSS, Cánh Chung Học, (Lưu hành nội bộ, 2022), 205.

[12] Durrwell, Đức Kitô – Con Người Và Cái Chết, Nxb. Médiapaul & Paulines, tr. 14-16.

[13] GS số 15.

[14] Hội Dồng Giám Mục Việt Nam, Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, (Hà Nội: Tôn Giáo, 2016), 1011.

[15] Durrwell, Đức Kitô – Con Người Và Cái Chết, Nxb. Médiapaul & Paulines, tr. 20.

[16] Hội Dồng Giám Mục Việt Nam, Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 1013.

[17] Hội Dồng Giám Mục Việt Nam, Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, (Hà Nội: Tôn Giáo, 2016), số 1214.

[18] Sách GLHTCG, Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 1404.

[19] Sách GLHTCG, Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 1425.

[20] Sách GLHTCG, Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 1523.

[21] Sách GLHTCG, Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 1581.

[22] Sách GLHTCG, Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 1682.



Cánh chung, sự chết, Kitô giáo

Labels:
Thư viện Học viện Công giáo Việt Nam