THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU | Thư viện Học viện Công giáo Việt Nam

THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU




Joseph Quang Bình STB-K2

Thánh Gioan định nghĩa về Thiên Chúa của Ki-tô giáo rất đặc biệt: “Ο θεὸς ἀγάπη ἐστίν – Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Jn. 4:16 NA28). Đây quả thật là một định nghĩa có một không hai về Thiên Chúa: “God Is - Thiên Chúa Là” đi sâu vào thẳng bản thể hay yếu tính của Ngài. Nghĩa là Yếu Tính (Essentia) của Ngài như thế nào thì Hiện Hữu (Esse) của Ngài như thế ấy[1]: “I AM WHO I AM” (x. Xh 3, 14; Ga 8, 58). Thiên Chúa là tình yêu thì hiện hữu của Ngài là tình yêu, nghĩa là: cái “Là” bằng cái “Có”. Thiên Chúa, tự Ngài biểu lộ hay thông ban[2] (mặc khải) chính mình là tình yêu qua công trình tạo dựng và đặc biệt qua “Lời” của Ngài cho con người: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (x. Ga 1, 9). Theo Karl Barth[3], Thiên Chúa Cha là Đấng mặc khải (Revealer), Đấng sai Con, Chúa Con là sự mặc khải (Revelation), Đấng được Cha sai, và Chúa Thánh Thần (Revealedness) là sự được hay đón nhận mặc khải[4]. Đức Giêsu Ki-tô, Lời đến từ Cha đã mặc khải và xác nhận cho chúng ta “Một Thiên Chúa Duy Nhất” (x. Mc 12, 29-30), là “Cha, Con, và Thánh Thần” (x. Mt 28, 19). Thiên Chúa Duy Nhất - De Deo uno: Đức Giêsu Ki-tô nói Ngài và Chúa Cha là một (x. Ga 8, 30), và mọi sự Chúa Cha có đều là của Ngài.Quả thật, Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào, thì cũng ban cho người Con được có sự sống nơi mình như vậy” (x. Ga 5, 26), Chúa Cha ở trong Chúa Con và Chúa Con ở trong Chúa Cha (x. Ga 10,38). Sau này thánh Thomas Aquinas vận dụng hạn từ triết học “đồng bản thể” để giải thích tính duy nhất “Cha, Con, Thánh Thần đồng bản thể với nhau”. Lý giải về Thiên Chúa Ba Ngôi - De Deo Trino: Ba Ngôi có mối tương quan (Related) yêu thương mật thiết với nhau. Ba Ngôi Hiện Hữu với nhau (Being with), trong nhau (within), và cho nhau (for) “Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa” (x. Ga 1,1), cho nên Hiện Hữu là Tình Yêu (Being is love): “Ta là Đấng Tự Hữu – Ta là Đấng Tình Yêu”.

Khi nói Thiên Chúa Ba Ngôi là tình yêu thì tự trong nội tại sẽ có người yêu và đối tượng được yêu. Theo thánh Augustino[5]:  Cha là Người yêu (Lover), nguồn tình yêu, Ngôi vị chủ động yêu (The I); Con là người được yêu (Beloved), lãnh nhận tình yêu, đáp trả trao ban tình yêu, Ngôi vị chủ động yêu (The You); tình yêu của Cha và Con mối dây ràng buộc tình yêu (communio, the bond of love) là Thánh Thần (The We)[6]. “Tình yêu thì cho đi chính nó, cho tất cả, và sinh hoa trái tốt lành”[7]. Như vậy, từ trong nội tại Ba ngôi trào tràn cách viên mãn: Cha yêu người Con (x. Ga 5,20; 17,24) sinh ra Con, và Con biết Cha, bởi vì Con xuất phát từ nơi Cha (x. Ga 6, 29). Con là hình ảnh trung thực của bản thể Cha: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (x. Ga 14, 9), Con đồng bản thể với Cha (x. Ga 8, 30). Tình yêu mãnh liệt giữa Cha và Con trào tràn sự sống, vinh quang, sức mạnh, quyền năng “Nhiệm xuất ra Thánh Thần”. Thánh Thần là tình yêu viên mãn của Cha và Con “Thiên Chúa là Thần Khí” (Ga 4,24). Tình yêu ngoại tại của Ba Ngôi trào tràn chính mình ra ngoài Mình qua công trình tạo dựng vũ trụ này, diễn tả sự tốt lành của Thiên Chúa “mọi sự đều tốt đẹp” (x. St 1&2), và đặc biệt Ba Ngôi biểu lộ tình yêu của mình với con người bằng ngôn ngữ văn phạm của con người. Ngài biểu lộ yêu con người rất nhiều: “Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa” (x. Ga 1,1).

Đức Giêsu Ki-tô, Ngôi Lời nhập thể hay “Lời diễn tả” ra của Cha[8] (expressed Word) “tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.” (x. Ga 15,15). Ngài là Lời diễn tả ý muốn, hành động của Cha “người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy.” Ngài là Lời (giống âm phát ra) của Cha “không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì”. Ngài là Lời tự trời xuống, từ trong Cha không tìm cách làm theo ý riêng, nhưng theo ý (suy nghĩ) Đấng đã sai mình là Cha (x. Ga 6, 38). “Thầy nghe biết nơi Cha” là một quá trình đối thoại, thinh lặng, sắp xếp giữa suy nghĩ (Cha) và lời phát âm ra (Con). Theo Tertulian, “mặc dù Thiên Chúa đã chưa nói Lời của Ngài ra, thì Ngài luôn có Lời trong chính mình cùng với và trong Rationem của Ngài, trong khi Ngài nghĩ ra trong thinh lặng và sắp xếp với chính Ngài những điều Ngài sẽ nói ra bởi sự môi giới của Lời. Ngài đã biến suy nghĩ và sắp xếp thành Lời mà Ngài thảo luận trong đối thoại. [9]” vì thế Đức Giêsu Ki-tô là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa và cả hai là một “Ta và Chúa Cha là một.” Và để con người hiểu được “Lời” biểu lộ của Thiên Chúa không gì hơn chính là dòng chảy tình yêu của Cha và Con đó chính là Thánh Thần: giờ các con không lãnh nhận hết được, Thần Chân lý đến sẽ dạy các con mọi điều. Ngài là Đấng Bảo Trợ, là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em (x. Ga 14, 26).

Hans Urs Von Balthasar nói: “Thiên Chúa Ba Ngôi là một, tốt lành, sự thật và xinh đẹp, vì chính Ngài chủ yếu là tình yêu vừa thiết lập Ngôi Vị Khác (nội tại) vừa thiết lập sự Hiệp Nhất.” Ba nhưng là Một, như Đức Giêsu Ki-tô đã mạc khải: Thầy nghe biết nơi Cha, Thầy không tự mình nói hay làm. Tất cả là ý (suy nghĩ) của Cha và Thánh Thần sẽ làm cho các con hiểu những gì Thầy đã nói ý của Cha. Từ suy nghĩ, ý muốn (điều muốn biểu lộ “Thiên Chúa là tình yêu”) – Lời nói ra (điều suy nghĩ “Thiên Chúa là tình yêu”) – Giúp hiểu được (điều muốn biểu lộ đã được nói ra “Thiên Chúa là tình yêu”), tuy ba hành động nhưng chỉ chuyển tải một nội dung ý nghĩa “Thiên Chúa là tình yêu”.

Thiên Chúa là tình yêu” soi sáng giúp chúng ta không phải đoán mò về Ngài nữa. Còn gì hạnh phúc cho bằng khi chúng ta biết mình có một người Cha là Tạo Hoá, là Ba Ngôi Tình Yêu, và mình đang được sống trong tương quan tình yêu với Ba Ngôi Thiên Chúa và với anh em. Một khi chúng ta càng sống yêu thì càng giống Thiên Chúa và càng ở gần Ngài “ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy.” (1Ga 4, 8. 16). Tình yêu thì luôn tuôn trào ra với Thiên Chúa và tha nhân. Con người có khả năng đón nhận tình yêu và trao ban tình yêu. Đức Giêsu Ki-tô là mẫu gương cho mỗi người chúng ta về đón nhận và đáp trả tình yêu dành cho Thiên Chúa. Mở đường cho chúng ta đi theo. Tình yêu thì sống với, sống trong và sống cho nhau. Con người sống tình yêu thì thuận với bản thể tự nhiên của mình vì được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Sống thuận với Thiên Chúa là sống thuận với tự nhiên làm cho mọi sự trở nên “thật tốt đẹp”, hài hoà. Thiên Chúa là tình yêu phục vụ hiến dâng tất cả cho con người, đem lại hạnh phúc sự sống đời đời cho con người, chúng ta cũng hãy sống yêu thương nhau, sống cho nhau và phục vụ lẫn nhau.



[1] Thomas Aquinas

[2] Karl Rahner: Thiên Chúa Cha thông ban chính mình trọn vẹn và tất cả qua Chúa Con (Lời nội tại của Thiên Chúa). Nay Thiên Chúa nói bằng ngôn ngữ văn phạm của con người nhờ Lời thành xác phàm. Đức Giêsu Ki-tô vừa là Word và là Hearer, còn chúng ta là hearers of the Word. (Lưu Quang Bảo Vinh, Giáo trình Chúa Ba Ngôi.)

[3] Lưu Quang Bảo Vinh, Giáo trình Chúa Ba Ngôi.

[4]Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.” (Ga 13, 26)

[5] Lưu Quang Bảo Vinh, Giáo trình Chúa Ba Ngôi.

[6] Thomas Aquinas: Thánh Thần là lưu chuyển sự sống giữa Đấng thở ra (Spirator) đối với Đấng được thở ra (Spirated) -Thánh Thần – Đấng Spirated đối với Đấng Spirator. (Lưu Quang Bảo Vinh, Giáo trình Chúa Ba Ngôi.)

[7] Bonaventure.

[8] Lời nội tại (immanent Word)

[9] Lưu Quang Bảo Vinh, Giáo trình Chúa Ba Ngôi.


Thiên Chúa, Chúa Ba Ngôi, Tình yêu

Labels:
Thư viện Học viện Công giáo Việt Nam