Suốt
dòng lịch sử Công Giáo có nhiều bí tích ban ơn tha thứ và hòa giải. Trong đó, Thánh
Tẩy là một bí tích đầu tiên có liên quan rõ ràng tới việc tha thứ tội lỗi. Bí
tích này không chỉ nhìn nhận tội đã phạm, việc ăn năn sám hối mà còn cho thấy
lòng thương xót của Thiên Chúa, Ngài đến để cho con người được cứu độ, được
sống một đời sống mới, được phục sinh với Ngài (Rm 6, 4-11). Vào thời các giáo phụ, bí
tích này do Đức Giám mục chủ sự công khai, chỉ những người tội lỗi khét tiếng
mới phải lãnh nhận và chỉ được nhận lãnh một lần. Thời trung cổ, giáo dân có
thể ban ơn tha thứ…. Nhưng dù có những khác biệt, yếu tố chung của bí tích này
bao gồm việc xưng thú tội lỗi, ăn năn sám hối, việc tha tội, được gọi là giải
tội[1]. Ở
đây, người viết xin trình bày đôi nét về lịch sử thần học của bí tích Hòa Giải qua
các giai đoạn, sau cùng là lời nhận xét.
Trước
hết, hạn từ Bí tích: dấu vết kín ẩn; hòa: thuận
thảo; giải: cởi bỏ. Bí tích Hòa Giải là bí tích làm
cho hối nhân nối lại mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa và với Hội Thánh[2]. Trong
sách Giáo lý Công Giáo, Bí tích Hòa Giải được gọi là bí tích: Hoán Cải, Thú
Tội, Tha Tội, Giao Hòa[3]. Qua
các thế kỷ, bí tích Hòa Giải có nhiều biến chuyển và thay đổi khác nhau:
Trong
Kinh Thánh, bí
tích Hòa Giải thể hiện qua “lòng nhân từ của Thiên Chúa” (Lc 6,
36). Dẫu cho con người có cắt đứt tình nghĩa với Thiên Chúa (x. St 3).
Thế nhưng Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi dân Ngài (x. Ez
16, 59-63). Ngang
qua cái chết, phục sinh của Đức Kitô, Thiên Chúa đã tha thứ, phục hồi địa vị
cho con người (x. Hs 2, 16-25), Ngài mong muốn chúng ta cũng
phải thứ tha cho nhau, tha
đến“bảy mươi lần bảy” (Mt 18, 22). Trong Hội Thánh tiên khởi, nghi lễ tha tội
duy nhất là bí tích Thánh Tẩy[4]. Chính
Đức Kitô và Hội Thánh mà Ngài thiết lập là bí tích của sự tha thứ của Thiên
Chúa cho những ai gặp được Ngài và sống theo sứ điệp của Hội Thánh[5]. Đức
Kitô đến để ở giữa tội nhân, quy tụ họ, để Ngài biến đổi họ (2Cr 5, 21). Nhờ Ngài
mà từ nay không còn ai bị kết án, bởi nơi Ngài đã có ơn xá giải, tâm hồn con
người “nên công chính để được sống đời đời” (Rm 5, 21). Thiết nghĩ, lòng
thương xót của Thiên Chúa như mặt trời lúc nào cũng có, nhưng chỉ những ai sám
hối (Lc 18, 13), thì mới được Thiên Chúa thứ tha.
Tiếp đến vào thời Giáo Phụ, việc giao hòa các Kitô hữu
phạm các tội như thờ ngẫu tượng, giết người, ngoại tình kỉ luật khắc khe: hối
nhân phải làm việc đền tội công khai[6]. Theo
Hermas, một Kitô hữu tội nhân được nhận lãnh nghi thức hòa giải một lần duy
nhất trong đời[7].
Việc sám hối công khai cho thấy Thiên Chúa là Ðấng hiện diện, gần gũi,
quan phòng, thương xót[8] đối
với những tâm hồn tan nát và Hội Thánh là nơi ta tìm được ơn giải thoát khỏi
tội lỗi. Thế nhưng, ai được quyền tha tội? Đối với thánh Ambrôxiô,
Augustinô, Chrysostom, Lêô I đều có những khẳng định khác nhau. Cụ thể như
thánh Ambrôxiô nói: thừa tác viên tha tội là do nhân danh Thiên Chúa, nhờ quyền
năng Chúa Thánh Thần (Cl 3, 17). Theo thánh Augustinô, người ta được sạch tội
là nhờ việc thống hối ăn năn, nhiều việc đền tội khác… Mục đích của việc sám
hối là tẩy trừ tội lỗi, giải thoát khỏi cuộc sống phóng túng, nô lệ tư lợi, đưa
tới cuộc sống yêu mến Thiên Chúa, phục vụ tha nhân. Tuy nhiên, vì không hiểu nên
họ đã tránh tình trạng sám hối này[9].
Đến thời Trung Cổ, các thừa sai Ai Nhĩ Lan và
Tô Cách Lan đưa ra hình thức xưng tội riêng[10], việc
đền tội công khai không còn, bí tích được thực hiện kín đáo, các vị giải tội cầu
xin Thiên Chúa ban ơn tha thứ và Linh mục mới có quyền tha tội. Công đồng
Trentô chấp nhận lối xưng tội này. Yếu tố làm phát sinh hiệu quả của bí tích này
là “lòng ăn năn” chứ không phải là lời xá giải[11]. Peter
Lombard nhấn mạnh đến lòng sám hối ăn năn. Theo Thánh Tôma Aquinô, Bí tích thống
hối vừa là của linh mục, vừa là của hối nhân. Phía hối nhân thì ăn năn sám hối,
làm việc đền tội. Còn linh mục đọc lời xá giải. Thật
vậy, Đức Kitô thiết lập bí tích
này để giúp tội nhân từ bỏ tội lỗi, giao hòa với Thiên Chúa và hướng tới một
cuộc sống công chính, thánh thiện.
Thời Cải Cách, Luther cho rằng chỉ có sám
hối mới đem lại ơn tha thứ. Sự tin tưởng, phó thác sống động của Kitô hữu là
phương thế để bí tích có kết quả (Rm 10, 10). Công đồng Trentô cho việc xưng
tội riêng là một bí tích, liên quan đến việc đền tội hơn là sám hối. Ơn tha thứ
hệ tại những lời xá giải, vì lời xá giải tuyên bố việc tha tội của Thiên Chúa. Tuy
nhiên, công đồng Trentô vẫn giữ một thái độ vụ luật đối với tội lỗi và ơn tha
thứ, đã sai lầm khi giải thiết việc xưng tội thường xuyên có từ thời các tông
đồ[12]. Sau
công đồng Trentô, Bí tích Hòa Giải là cánh cửa của sự công bình, nhân ái; đòi
hỏi con người phải tự vấn lương tâm; công bố sự tha thứ của Thiên Chúa; tha thứ
cho chính mình và tha nhân, đụng chạm được cùng đích sự trưởng thành.
Đến thời Công đồng Vatican
II đã
đưa ra ba công thức giải tội như sau: sám hối và xưng tội riêng; bán công khai,
nghĩa là xưng tội riêng, xá tội chung; ba là xưng tội tập thể và xá tội chung. Sau
Vatican II, người ta không lãnh nhận bí tích như một tác động bên ngoài nhưng
sống thực bí tích, nó trở thành kinh nghiệm sống. Với thời đại hiện nay, Giáo
hội đề cao động cơ hơn: động cơ nào khiến cho người ta hành động như thế. Giáo
hội đã sửa đổi nghi thức Hòa Giải ít tính cá nhân, nhiều tính cộng đoàn hơn, ít
quan tâm đến việc kê khai các tội mà quan tâm hơn tới việc thay đổi tâm hồn.
Thiết nghĩ, cái tốt hôm nay phải được xây dựng trên nền tảng là Đức Giêsu mới
đem lại giá trị đích thực và chỉ những ai đi trên con đường mang tên Giêsu, mặc
lấy lối sống của Ngài sẽ được cứu độ (Ga 14, 6). Trong tương lai, các
nhà thần học nhấn mạnh tầm quan trọng của trách nhiệm cá nhân trong những quyết
định luân lý, công đồng cho người ta sống theo lương tâm. Trong nền văn hóa ít tiên tiến, bí tích Hòa Giải truyền
thống vẫn còn thích hợp, các hình thức Hòa Giải truyền thống nói lên lòng nhân
hậu, sự tha thứ, đến việc hoán cải, ăn năn[13].
Nhận
xét
Qua phần trình bày trên
đây, có thể nhận thấy bí tích Hòa Giải đã trải qua những biến đổi quan trọng về
nhận thức và cách thức cử hành. Trước hết, bí tích Hòa Giải là một phương thế
để canh tân đời sống mặt thiêng liêng, Hoà Giải để được sống trong lòng Giáo
Hội. Trong Kinh Thánh, bí tích Hòa Giải biểu hiện qua “lòng nhân từ của
Thiên Chúa”. Vào thời các Giáo phụ chỉ có “đền tội công khai”,
không có sám hối. Đến thời Trung Cổ thì nhấn mạnh tới “xưng tội”
như cuộc gặp gỡ riêng tư giữa linh mục với hối nhân. Từ sau Công Đồng
Trentô tới nay, nhấn mạnh tới “lời xá giải” như một cuộc trao đổi
pháp lý giữa hối nhân và linh mục. Người ta tin rằng chỉ cần với chút ít sám
hối, cộng với lời xá giải của linh mục, họ sẽ được tha tội, cả những tội trọng[14]. Hòa
Giải không phải là một hành vi chỉ được phép làm một lần trong đời, nhưng là
một tiến trình kéo dài suốt đời[15]. Dưới
sự hướng dẫn của công đồng Vatican II, bí tích Hòa Giải đang trên đường đi tìm
một cách diễn tả gần gũi hơn với nhận thức của con người hôm nay.
Tóm lại, bí tích Hòa Giải là nhịp
cầu Lòng Thương xót của Thiên Chúa. Ngang qua đó, ta được giao hòa với Thiên
Chúa, với Hội Thánh, với chính mình, tái tạo sự hiệp thông huynh đệ, được hưởng
mọi gia sản thiêng liêng của một chi thể sống động của Thân Thể Chúa Kitô[16]. Các
nhà thần học nhấn tới việc tái hoán cải và hòa giải. Điều đó cho thấy, Chúa
Giêsu chính là bí tích hằng sống để chữa lành cho những ai biết Ngài, cộng đoàn
Kitô hữu tiên khởi là một dấu chỉ sống động của ơn tha thứ tội lỗi, của tình
yêu thương huynh đệ, việc đích thân quan tâm đến lợi ích của tha nhân[17].
Như Đức Giêsu đã loan báo sứ điệp hòa giải bằng chính cuộc sống của Ngài, mỗi
người được mời gọi dùng chính cuộc sống của mình để loan báo ơn hòa giải ấy cho
con người hôm nay. Chứng tá của cuộc sống sẽ là dấu chỉ mạnh mẽ nhất của ơn cứu
độ Thiên Chúa: “Con hãy về bình an. Lòng tin của con đã cứu con.” (Lc 7, 50).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.
HĐGMVN - Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin - Ban Từ vựng
Công giáo. Từ Điển Công Giáo. Hà Nội: Tôn Giáo, 2019.
2.
Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin. Sách Giáo Lý Của
Hội Thánh Công Giáo. Hà Nội: Tôn Giáo, 2012.
3.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Tông sắc Dung Mạo
Lòng Thương Xót. 11.4.2015.
4.
Công Đồng Vatican II. Hiến chế Lumen
Gentium. 21-11-1964.
5.
Đaminh Nguyễn Đức Thông. Bí Tích Hòa Giải
và Bí Tích Xức Dầu. CSsR, 2021.
6.
Joseph Martos. Cửa Vào Thánh Thiêng.
Đaminh Nguyễn Đức Thông dịch. Hà Nội: Tôn Giáo, 2015.
7.
William J.Bausch. Một Lối Nhìn mới về Bí
tích. Đaminh Nguyễn Đức Thông dịch. Phương Đông, 2009.
8.
Shopp. John B. et al. The HarperCollins
Encyclopedia of Catholicism. Harper CollinsPublishers Inc, 1995. Osborne.
Kenan.
[1] Joseph Martos, Cửa Vào Thánh Thiêng, Đaminh
Nguyễn Đức Thông dịch, Nxb Tôn Giáo, 2015, 307.
[2] HĐGMVN
- Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin - Ban Từ vựng Công giáo, Từ Điển Công Giáo, Hà
Nội: Tôn Giáo, 2019, 400.
[3] Ủy
Ban Giáo Lý Đức Tin, Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo, Hà Nội: Tôn
Giáo, 2012, số 1423, 1424.
[4] Đaminh
Nguyễn Đức Thông, Bí Tích Hòa Giải và Bí
Tích Xức Dầu, 2021, 8.
[5]
Đaminh Nguyễn Đức Thông, Bí Tích Hòa Giải
và Bí Tích Xức Dầu, 9.
[6] Ủy
Ban Giáo Lý Đức Tin, Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo, số 1447.
[7]
Shopp, John B, et al., The HarperCollins Encyclopedia of Catholicism,
Harper CollinsPublishers Inc, 1995. Osborne, Kenan, item Reconciliation.
[8] x.
ĐGH Phanxicô, Tông sắc “Dung Mạo Lòng Thương
Xót”, 2015, số 6.
[9] Đaminh
Nguyễn Đức Thông, Bí Tích Hòa Giải và Bí
Tích Xức Dầu,15-16.
[10] Đaminh
Nguyễn Đức Thông, Bí Tích Hòa Giải và Bí
Tích Xức Dầu, 20.
[11] Đaminh
Nguyễn Đức Thông, Bí Tích Hòa Giải và Bí
Tích Xức Dầu, 26.
[12] Đaminh Nguyễn Đức Thông, Bí Tích Hòa Giải và Bí Tích Xức Dầu, 2021, 36-37.
[13] Joseph Martos, Cửa Vào Thánh Thiêng, Đaminh Nguyễn Đức
Thông dịch, Nxb Tôn Giáo, 2015, 361.
[14] William J.Bausch, Một Lối Nhìn mới về Bí tích, Đaminh Nguyễn
Đức Thông dịch, Nxb Phương Đông, 2009, 268.
[15] William J.Bausch, Một Lối Nhìn mới về Bí tích, Đaminh Nguyễn
Đức Thông dịch, 274.
[16] Công Đồng Vatican II, Hiến chế
Lumen Gentium, 1964, số 48-50.