TÓM SÁCH: “TÔI KHÔNG ĐI QUA TÔI ĐỂ LẠI GÌ?”/TRẦN THỊ GIỒNG
Gioan
Baotixita Nguyễn Duy Thái STL-K9
I.
Lý do chọn sách
Là con người, ai cũng muốn sống một cuộc đời hạnh phúc và thành công. Thế
nhưng, chỉ khi nào có một sự nhận thức
đúng đắn về mình, chúng ta mới thực sự cảm nhận được một cuộc đời như thế.[1] Hạnh
phúc và thành công chỉ có ý nghĩa khi chủ thể thực sự biết mình, thực sự cảm nhận
được hạnh phúc và nhận ra giá trị của những thành công mà mình đạt được. Tuy
nhiên, việc nhận thức chính mình không phải là chuyện dễ dàng. Trong cuộc sống,
con người đi tìm cho mình rất nhiều kiến thức về vạn vật, về những vấn đề của
thế giới, về những người xung quanh… thế nhưng việc nhận thức chính mình thì lại
rất yếu kém, mù mờ và gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, khi đã nhận thức được
chính mình, nhận thức được “cái tôi” của mình sẽ khám phá được biết bao điều tốt
đẹp, bao nhiêu điều quý giá, đồng thời cũng nhận ra không thiếu những “rác rưởi”
ẩn khuất trong đó.[2]
Bởi đó, nhận thức chính mình để rồi vượt qua chính mình thực sự là một quá
trình khó khăn và đầy thách đố mà không phải ai cũng dám làm và có thể làm được.
Vượt qua chính
mình không gì khác hơn là vượt qua “cái tôi” của mình. Nó vừa là sức mạnh nhưng
đồng thời cũng là vật cản làm cản trở con người trên hành trình cuộc đời. Nó ở
ngay trong con người chúng ta nhưng chúng ta lại rất khó nắm bắt nó, rất khó điều
khiển nó. Trong cuộc sống, Sự thành bại của mỗi người tùy thuộc vào việc chúng
ta sử dụng, điều khiển “cái tôi” như thế nào. Nó như là cái thẻ căn cước xác định
chúng ta với những người xung quanh. Tôi là tôi chứ không phải một ai khác.
Đức Đạt Lai Lạt
Ma đã từng nói: Tất cả chúng ta là giống nhau. Mọi người đều muốn hạnh phúc và
không ai mong đợi khổ đau. Cho nên cần phải học cách đối diện với cảm xúc của
chính mình. Đó là lúc chúng ta cho phép bản thân mình thật sự dám vui, dám buồn,
dám tin, dám thất vọng và dám sống là chính mình.
Cuốn
sách Tôi không đi qua tôi để lại gì? chỉ
là “một vài nét chấm phá” như lời của tác giả nhưng cũng đã phần nào cho người
đọc khám phá được con người sâu thẳm của mình; biết được đâu là động lực, đâu
là “vật cản” để rồi dám chấp nhận, dám đối diện và có khả năng vượt qua chính
mình. Hơn nữa, trong một xã hội với vô vàn sự lựa chọn, đầy những quyến rũ và sự
lôi kéo của đam mê, việc nhận biết để vượt qua những cám dỗ là điều hết sức cần
thiết và vô cùng khó khăn. Chỉ có sức mạnh của con người dám vượt qua chính
mình thì mới có thể chiến thắng được nó. Bởi đó, Tôi không đi qua tôi để lại gì? như là một cuốn “binh pháp” để giúp
cho mỗi người có được một cái nhìn thấu suốt về bản thân, có những phương cách
rèn luyện để “đối đầu” với muôn vàn khó khăn trong cuộc đời.
II.
Tóm tắt nội dung
Mỗi
người chúng ta có lẽ không ít thì nhiều cũng đã từng nuối tiếc một điều gì đó. Đó
có thể là những sai lầm trong đời, những cơ hội đã bị vuột mất… Thế nhưng, thời
gian đã qua không thể lấy lại được. Tất cả những thứ đó được tạo nên hay phá hủy
là bởi tôi chứ không phải một ai khác. Vậy, làm sao để tận dụng hết tiềm năng
và làm sao để thoát khỏi sự chi phối của nó? Tôi không đi qua tôi để lại gì? của tác giả Trần Thị Giồng sẽ giúp
ta tìm hiểu về con người, cách riêng là “cái tôi” của mình đồng thời giúp trả lời
nó.
Phần
một cho ta những khái niệm cơ bản về “cái tôi”. Tác giả cho thấy “cái tôi” được
tích lũy trong quá trình sống của mỗi người: qua giáo dục; qua gia đình, xã hội;
qua tình thương, kinh nghiệm sống… từ đó hình thành nên những quan điểm; cái
nhìn của chúng ta về cuộc sống, về những người khác và về chính mình.
“Cái
tôi” chính là cái bản ngã. Nơi xuất phát mọi hành vi, suy nghĩ và cảm xúc của
chúng ta.[3]
Cho nên, “cái tôi” không phải là cái mà chúng ta có thể bỏ đi bởi nó chính là
cái nét riêng, cái đáng quý, là kho báu của mỗi người. Tuy nhiên, thay vì chiều
chuộng, bỏ mặc cho nó lớn lên một cách tự nhiên mà không có sự “uốn nắn” hay điều
khiển nó thì sẽ có nguy cơ làm lệch lạc các mối tương quan, gây không biết bao
nhiêu đau khổ để rồi ân hận và nuối tiếc.
Do
đó, “cái tôi” thực sự tốt và cần thiết. Nó là nguyên nhân và là lý do cho sự tồn
tại của mỗi người.[4]
Nếu không thể vượt qua được chính mình, không thể đứng vững trên chính đôi chân
của mình thì cũng không có khả năng sáng tạo, không thể thể hiện được bản sắc
riêng của chính mình được. Muốn vậy, chúng ta phải biết được mình thực sự là
ai; mình có những ưu điểm, khuyết điểm nào; mình có những sở trường, sở đoản
nào… Đó là những vấn đề mà Phần II của cuốn sách sẽ giúp ta tìm hiểu.
Phần
II cho ta nhận ra rằng cái biết của chúng ta về mình chỉ là phiếm diện, chủ
quan. Điều này làm cho ta dễ có những kết luận, những cái nhìn lệch lạc về các
vấn đề và làm cho cuộc sống của ta khó tránh khỏi những tai hại, những thất bại
không đáng có. Bởi đó, khám phá bản thân là một việc làm cần thiết để giúp ta
biết mình. Muốn vậy, điều cần làm trước hết đó là có một thái độ cởi mở. Cởi mở
với chính mình để rồi nhận thấy rõ những cảm xúc của mình, từ đó biết chấp nhận
mình; đồng thời cởi mở với người khác để họ có thể giúp chúng ta nhận ra một số
nét về bản thân. Nét mặt hay những cử chỉ của họ có thể cho ta biết họ đánh giá
ta như thế nào, hài lòng hay không hài lòng; được yêu thích, chấp nhận hay bị từ
khước.
Những
phương cách trên có thể cho ta nhận thức được về mình, biết mình như thế nào? Tại
sao mình lại có những thái độ, cảm xúc đó? Đôi khi những xúc cảm, những xung
năng được che giấu dưới lớp vỏ của cái tôi lý tưởng để dễ được chấp nhận hơn mà
chúng ta không nhận ra. Chính nhờ sự thấu hiểu chính mình mà chúng ta biết rằng
ta là duy nhất. Tôi là tôi, tôi không phải là một ai khác. Tôi là duy nhất.
Biết
mình để làm gì nếu không phải là để gặt hái được nhiều thành công, để phát triển
tối đa những tiềm năng, tạo nên những nét độc đáo cho bản thân. Cuộc đời của mỗi
người không phải là mô phỏng của người khác nhưng hãy là chính mình. Điều này
thật không dễ chút nào. Phần III của cuốn sách đưa ra những lời mời gọi, những
thách đố mà chỉ khi vượt qua và dám thực hiện nó chúng ta mới được thực sự là
chính mình.
Trong
cuộc sống thường ngày, nhiều khi chúng ta che giấu hay tránh né thể hiện mình,
và ít khi để lộ ra sự thật về mình, vì khi dám thể hiện mình ta phải đối diện với
nhiều cái “liều”.[5]
Tuy nhiên, cần phải sẵn sàng “liều” để thể hiện bản thân, “liều” để lựa chọn một
định luật sống cho riêng mình và vượt thắng mọi trở ngại. Thái độ đối với những
điểm yếu của mình chính là chìa khóa để chúng ta thay đổi bản thân. Thái độ
lành mạnh nhất là hãy cứ cười vào những điểm yếu của mình và tìm cách thay đổi.
Một thái độ lạc quan và khôi hài sẽ giúp cho cuộc sống chúng ta nhẹ nhàng, vui
vẻ và triển nở hơn.[6]
Tinh thần, ý chí và quyết tâm cao là sức mạnh
để chúng ta vượt qua những khó khăn, thử thách trên đường đời. Thế nhưng, đôi
khi chúng ta lại để cho những tư tưởng tiêu cực, lệch lạc, những thói quen xấu,
những nỗi lòng day dứt hay tâm tình đau buồn làm tan nát con tim, cạn kiệt sinh
lực và nhận chìm cuộc sống.[7]
Điểm
khác biệt giữa ta với người khác là cách sống, cách nghĩ, cách làm của mỗi người.
Nó là cá tính, nhân cách, năng lực và tư duy, cách chúng ta phản ứng, tương
quan,… Bởi đó, sống với những gì mình có, với những gì mình là đó chính là biết,
hiểu mình là ai; thừa nhận những việc mình đã làm dù đúng hay sai. Nhiều người
đã đánh mất luôn cả bản thân vì lo tìm kiếm sự hài lòng, sự ủng hộ của người
khác.
Tuy
nhiên, sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố về môi trường, về tư tưởng có thể sẽ làm
cho chúng ta khó mà sống thật. Do đó, cần nhận biết và làm chủ những hành động
giả tạo của bản thân để giúp chúng ta trở nên chân thật hơn; để chiến thắng “cái
tâm biến thái” bị che khuất bởi những cái mặt nạ bên ngoài, những cái mặt nạ mà
người khác gán cho mình.
Bằng
thái độ cởi mở, sẵn sàng chấp nhận những sự thật khi dối diện với chính mình.
Có thể điều đó sẽ rất đau đớn, sẽ gây ra những giằng co trong con người mình
nhưng chỉ khi đó chúng ta mới biết trân trọng những gì mình đang có, đang là và
nhận biết rõ con người thật của mình hơn. Nhờ đó, chúng ta biết được những gì cần
phải vượt thắng để có thể hoàn thiện bản thân, hoàn thiện chính mình. Đức Phật
đã dạy: “Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình”. Do đó, “vượt qua chính
mình” là điều mà tác giả muốn gửi gắm trong phần IV cũng là phần cuối của cuốn
sách.
Vượt
qua bản thân trước hết đó là thay đổi cái nhìn, một cái nhìn hướng về trách nhiệm
của mỗi người trên chính cuộc đời mình; chứ không phải là đổ lỗi cho người
khác, cho hoàn cảnh xã hội. Việc hay đổ lỗi này khiến cho chúng ta tránh né đối
diện với chính mình hay những gì cẩn phải thay đổi. Đôi khi dùng nó để biện hộ,
làm chỗ ẩn núp cho sự thất bại hay những sai lầm. Thay vào đó, chúng ta hãy tận
dụng hết mọi năng lực để vượt qua bản thân, để nâng cao giá trị con người mình
lên. Bởi trong cuộc sống, có rất nhiều thứ đòi hỏi chúng ta phải chọn lựa:
chúng ta chọn cái gì hay hành động thế nào sẽ dần dần làm nên con người chúng
ta. Cho nên, chọn lựa thế nào, chọn lựa cái gì đó thực sự là một cuộc đấu tranh
với chính mình. Vượt qua bản thân là luôn tỉnh thức để có thể phân định được những
gì đem lại lợi ích thật cho mình bây giờ và cho cả tương lai gần, xa của chúng
ta.
Tác
phẩm cho ta một lối suy tư bắt đầu từ việc nhận biết mình để rồi vượt qua chính
mình. Tác giả cho rằng: cái tôi hình thành và phát triển theo thời gian, là kết
tinh của những yếu tố khách quan và chủ quan, là sự chọn lựa của chính bản
thân. Nhưng không một ai có thể biết chính xác về chính mình. Vì thế ta cần phải
khám phá và nhận biết chính mình. Qua đó, ta vượt qua chính mình là làm chủ bản
thân, là sống thật bản thân mình, trở nên một con người như nó vốn là. Nhận biết
mình đã khó, chiến thắng bản thân còn gian nan gấp bội. Nhưng nếu ta không biết
vượt qua bản thân, không đứng vững trên đôi chân của mình thì ta sẽ là gì?
III.
Nhận định
Quả
thực, người thân cận chúng ta nhất và cũng là kẻ thù đáng sợ nhất chính là
mình. Đó chính là “cái tôi” của mỗi người. “Cái tôi” này không phải vượt qua một
lần là xong nhưng là suốt cả cuộc đời. Bởi vì cuộc sống luôn đầy những biến cố
và bất ngờ. Do đó, nhận thức chính mình, nhận thức “cái tôi” là điều cần thiết
để làm cho cuộc sống của mỗi người thực sự có ý nghĩa.
Tôi không đi qua tôi để lại gì? khiến cho người đọc phải thực sự soi chiếu lại
bản thân về sự tự “nhận thức chính mình”. Sự tự nhận thức này đôi khi đã bị người
ta bỏ quên hay không mấy quan tâm. Điều này dẫn tới những hành động thiếu suy
nghĩ hay thiếu nhất quán khi xử lý, thực hiện một công việc hay trong các mối
quan hệ. Cuốn sách như một lời nhắc nhở mỗi người: chỉ có vượt qua chính mình
thì cuộc đời của chúng ta mới thực sự có ý nghĩa. Chiến thắng kẻ thù bên ngoài
đã khó, chiến thắng được bản thân còn gian nan gấp bội vì nó gắn chặt, dường
như là một phần trong con người mình. Bởi đó, cuốn sách cho thấy mỗi người cần
phải luôn chú ý đến cảm xúc của mình, về những quan niệm, cách suy nghĩ, cách
đánh giá của mình trước mỗi vấn đề. Điều này nghe thật đơn giản nhưng không phải
lúc nào chúng ta cũng nhận ra.
Tuy
nhiên, tác giả chỉ mới đề cập tới sự tác động của các yếu tố tâm lý và cố gắng
nhận ra hoạt động của nó trong con người mình. Có một yếu tố cũng tác động
không kém tới nhân cách, cách ứng xử của các nhân đó là yếu tố sinh học. Đó có
thể là những yếu tố đặc trưng phát xuất từ di truyền, ngoại hình của họ mập hay
ốm, sức khỏe tốt hay yếu, họ tàn tật hay lành lặn… Đây là những điều kiện ảnh
hưởng ít nhiều đến quá trình hình thành nhân cách cá nhân mà tác giả chưa đề cập
tới.
IV.
Ứng dụng trong cuộc sống
Trong
xã hội toàn cầu hóa như hiện nay, sự tương quan, tiếp xúc với những người khác
là điều thường xuyên và vô cùng cần thiết. Một khi thấy và hiểu được giá trị thật
về cái tôi của bản thân, chúng ta sẽ không ngại “là chính mình”, dám sống thật
với mình hơn, và sẽ không dễ gì bị môi trường chung quanh chi phối tới cách
nhìn về “cái tôi” của mình, không mặc cảm tự ti, không dễ bị tổn thương hay “chạm
tự ái” với những câu nói, hành vi và thái độ dù vô hình hay cố ý của người
khác. Nhờ vậy mà ta sẽ không bị người khác chi phối, hay có những tác động tiêu
cực lên chúng ta, cho ta thực sự được làm chủ cuộc đời của mình.
Khi
chúng ta tương quan với tha nhân, sự nhận thức mình sẽ giúp “cái tôi” hòa quyện
vào cái “chúng ta”; hòa mà không tan, tôi vẫn là tôi trong những cái tôi khác để
thanh luyện nhau, làm đẹp và thăng tiến cho nhau chứ không tiêu diệt hay lấn át
nhau. Tha nhân sẽ là tấm gương phản chiếu để chúng ta khám phá chính mình. Vì
thế, cần có thái độ cởi mở để đến với anh chị em. Từ đó, sự biết mình sẽ cho ta
ý thức được điều gì đang xâm chiếm ý nghĩ, đang chi phối hành vi của mình, và tại
sao lại có nó, nó từ đâu đến và hậu quả sẽ ra sao. Quan trọng là nhìn thẳng vào
mục đích mình muốn hướng đến và cố không để định kiến hay dư luận xã hội cuốn
trôi đời mình, cố gắng vượt qua những định kiến để hoàn thành những mục tiêu cuộc
đời.
Đồng
thời, cuộc sống cũng đòi hỏi chúng ta phải chọn lựa mỗi ngày. Hằng ngày chúng
ta đối diện với nhiều quyết định lớn nhỏ, mỗi chọn lựa là một cuộc đấu tranh với
chính mình. Nhờ nhận thức được “cái tôi” và có khả năng vượt qua chính mình,
chúng ta sẽ có được một thái độ luôn tỉnh thức để
có thể phân định được những gì đem lại lợi ích thật cho đời mình, cho hiện tại
và cả trong tương lai.
Bên
cạnh đó, nhận thức “cái tôi” còn cho ta xác định những đam mê để sống hết mình
trong mọi việc mà mình đã chọn hoặc đang làm. Vì đam mê, chúng ta dám từ bỏ những
tiện nghi, những gì là dễ dãi để chăm chú vào điều quan trọng hay cần thiết nhất.
Nhờ đam mê, chúng ta dám đi con đường của mình, không rập khuôn theo đám đông
và suy nghĩ của người khác mà xuất phát từ sự ý thức của mình và từ sự rung động
sâu thẳm của con tim mình để sống và sống sung mãn cuộc đời của chính mình.
Tóm
lại, nhận thức chính mình là biết mình là ai? Cái cốt lõi cuộc đời mình là gì? Để
rồi biết sửa đổi bản thân, phát huy những cái mạnh và kiềm chế những thói xấu.
Nhờ việc biết mình, chúng ta sẽ biết người để biết đối xử tốt với người khác, cảm
thông với những bất toàn của họ; không vội vàng “quy chụp” hành động của người
khác, bắt họ phải theo tiêu chuẩn của ta. Hơn nữa, ta biết được rằng tất cả mọi
người đều khác nhau nên chúng ta biết đón nhận những khác biệt của người khác,
nâng đỡ và khuyến khích họ. Đồng thời, chúng ta cũng biết học hỏi những cái tốt
nơi tha nhân để bản thân ngày một hoàn thiện hơn.
[1] Yu Dan, Trang Tử Tâm Đắc, (NXB Trẻ: TP. HCM, 2014), 76.
[2] Trần Thị Giồng, Tôi không đi qua tôi để lại gì?, (Đồng Nai:
Đồng nai, 2024), 11.
[3] Trần Thị Giồng, Tôi không đi qua tôi để lại gì?, 54.
[4] Trần Thị Giồng, Tôi không đi qua tôi để lại gì?, 54.
[5] Trần Thị Giồng, Tôi không đi qua tôi để lại gì?, 118.
[6] Trần Thị Giồng, Tôi không đi qua tôi để lại gì?, 155.
[7] Trần Thị Giồng, Tôi không đi qua tôi để lại gì?, 160.