Thư viện Học viện Công giáo Việt Nam: Thần học

Bài viết về "Thần học"

Hiển thị các bài đăng có nhãn Thần học. Hiển thị tất cả bài đăng



Maria Cao Thị Oanh STB-K3

Mục Lục

I. Dẫn nhập

II. Nội dung

1. Ngôn sứ Giôna là ai?

2. Tác phẩm

3. Phân tích bản văn

3.1.  Giôna – ngôn sứ bướng bỉnh chống lại lệnh của Thiên Chúa (Gn 1, 1-2)

3.2.  Giôna được cứu và cầu nguyện (Gn 2, 1-11)

3.3.                Ninivê – một dân biết vâng lời, sám hối và được tha thứ (Gn 3, 4-10)

3.4.                Giôna – ngôn sứ ích kỉ, bực mình khi Chúa tha tội cho người tội lỗi

III. Chút suy tư: Dung mạo Giôna ngày xưa và hôm nay

IV. Kết luận

 

 


I. Dẫn nhập

Mỗi ngôn sứ đều có vai trò quan trọng, là trung tâm và giữ nhịp cho những truyền thống tốt đẹp của Israel, cho Kitô giáo và cho cả nhân loại. Chính trong những giờ phút khó khăn nhất của Israel, các ngôn sứ đã khẳng khái lèo lái con thuyền dân tộc trên một dòng nước ngày càng tinh ròng hơn. Quả thật, sẽ không khoa trương khi có học giả đã từng coi các ngôn sứ như những bậc vĩ nhân đã gầy dựng một trong ba “nền văn minh thiên mệnh” của thế giới: Nếu Hy Lạp hãnh diện vì biết đề cao lý trí, Rôma tự hào vì đã sáng tạo nên nền pháp trị, thì Israel với các ngôn sứ đã khai nguyên ra ý thức về công lý.[1] Sự hấp dẫn đó càng khiến ngươi viết tìm hiểu sâu hơn về các ngôn sứ. Tuy nhiên, trong phạm vi của bài viết, người viết xin tìm hiểu chân dung vị ngôn sứ Giôna cứng đầu, bất tuân phục, ích kỷ và dễ giận dỗi. Để đi sâu vào chân dung vị ngôn sứ này, trước hết bài viết tìm hiểu đôi nét về tác giả, tác phẩm. Thứ đến, bài viết sẽ phân tích, chú giải một số câu trong bản văn. Sau cùng là một chút suy tư với phần áp dụng thần học trong đời sống Kitô giáo hiện nay.

II. Nội dung

1. Ngôn sứ Giôna là ai?

Trước tiên, người viết xin trình bày đôi nét về hạn từ “ngôn sứ.” Trong nguyên bản Thánh Kinh, danh xưng này được gọi là Nabi. Theo Lm. Inhaxiô Nguyễn Ngọc Rao, từ Nabi có nhiều nghĩa như: người phát ngôn, người được đề cử để nói, người được Chúa gọi,  “người nói thay Thiên Chúa” hay “người được nghe Thiên Chúa nói”. Danh từ nabi dịch sang tiếng Hy Lạp trong bản LXX là prophetes (προφήτης), nghĩa là người nói thay Thiên Chúa.[2] Trong Cựu ước, ngoài danh từ “nabi” còn các từ khác để chỉ những người như: người minh kiến, nghĩa là thông suốt bằng giác quan và linh cảm; người của Thiên Chúa.[3] Thật vậy, Ngôn sứ là một người nói, làm hay viết dưới tác động đặc biệt của Thiên Chúa, để mặc khải cho mọi người biết những ý định của Ngài.[4]

Giôna là tên một ngôn sứ con ông Amíttai, quê ở Gát Khêphe, quãng 5 cây số về phía Đông Bắc Nadarét, vùng ranh giới phía đông chi tộc Dơvulun (Gs 18,13). Ông sống vào thời vua Giarópam II (783-743 tCn) của vương quốc Israel[5], ông phụ giúp vua trong việc làm cho vương quốc miền Bắc trở nên hùng mạnh, thịnh vượng (2V 14,25). Giôna là một chính khách danh tiếng.

2. Tác phẩm

         Sách Giôna được xếp vào bộ “12 ngôn sứ nhỏ”.[6] Lời rao giảng của vị ngôn sứ được kể lại trong sách được xem là ngắn gọn nhất “Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá đổ” (Gn 3,4).[7] Ấy vậy, từ vua cho đến dân thành Ninivê đều hoán cải và Chúa đã tha thứ. Sách cũng cho thấy những tình tiết lạ thường, không có vị ngôn sứ nào lại cố tình đi “trốn khỏi nhan Đức Chúa” (Gn 1,3), cũng chẳng có vị ngôn sứ nào lại nổi giận khi Chúa tha thứ cho người tội lỗi (Gn 4,1) như ngôn sứ Giôna. Chính điều này làm nên nét độc đáo, thú vị và hấp dẫn cho tác phẩm.

         Giôna là một trình thuật thuộc ngôn sứ. Tất cả các trình thuật trong Kinh Thánh đều mang tính giáo huấn ở một mức độ nào đó, nhưng trong trường hợp của sách Giôna, tác giả đã cẩn thận định hình lại câu chuyện bằng cách chọn lọc, tóm tắt và thậm chí sắp xếp lại theo trình tự thời gian[8]. Truyện Giôna gồm bốn chương, được chia thành hai phần, mỗi phần đều bắt đầu bằng lệnh truyền của Thiên Chúa cho Giôna: (Gn 1, 1-3) và (Gn 3,1-4)[9].

         Chương 1: Thiên Chúa truyền cho Giôna đi đến Ninivê, báo cho dân chúng biết họ sắp bị tiêu diệt: “còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá đổ” (Gn 3,4). Giôna chỗi dậy, thay vì đi Ninivê, ông trốn đi Tácsít. Ngay khi Giôna bỏ trốn, Chúa liền tung ra một cơn gió và một trận bão lớn ngoài khơi. Sau khi đã kêu cầu Đức Chúa, người ta ném Giôna xuống biển tức thì sóng gió liền yên.

         Chương 2: Đức Chúa khiến một con cá voi nuốt sống ông, và ông nằm trong bụng cá ba ngày đêm, không ngớt cầu nguyện cùng Chúa. Vì thế ông được cá thả vào bờ bình an[10].

         Chương 3: Thiên Chúa nhắc lại lệnh truyền đi giảng tại Ninivê. Lần này ông vâng lời và thi hành lệnh của Chúa. Dân Ninivê nghe lời, sám hối, cải tà quy chính và được Thiên Chúa tha phạt.

         Chương 4: Giôna không vui vì sự việc này. Ông còn bực mình vì cây thầu dầu rợp bóng mát cho ông nghỉ ngơi bị héo đi. Thiên Chúa nhân dịp này đã giáo huấn ông, làm cho ông hiểu về lòng lân tuất của Chúa đối với mọi người nhất là người tội lỗi.

3. Phân tích bản văn

3.1. Giôna – ngôn sứ bướng bỉnh chống lại lệnh của Thiên Chúa (Gn 1, 1-2)

         Cuốn sách mở ra với lời trao sứ mạng của Thiên Chúa cho Giôna: “Hãy đứng dậy, đi đến Ninivê” (1,2), một thành đầy tội lỗi, gian ác (Gn 1,2b). Điều này cho thấy Giôna thực sự là một ngôn sứ.[11] Tại sao Thiên Chúa chọn thành này, bản văn không cho biết lí do cách minh nhiên, nhưng Átsua không chỉ là dân ngoại, mà còn là kẻ thù của Israen. Theo lẽ thường, Ninivê không thể được hưởng ơn cứu độ. Vậy mà Giôna được gởi đến thành này để kêu gọi người ta sám hối, hưởng ơn tha thứ, thật là một nghịch lí.[12] Thiên Chúa rất rõ ràng trong mệnh lệnh của Ngài. Ngài bảo Giôna đứng dậy và đi. Ông đứng dậy nhưng là để trốn đi Tácsít, tránh nhan Đức Chúa (1,3). Quyết định này cho thấy sự bất tuân, ngang bướng, cứng đầu của Giôna trước lệnh Chúa. “Tránh nhan Đức Chúa” có sự mâu thuẫn giữa lời tuyên xưng đức tin (x. c.9) và hành động của Giôna: ông kính sợ Đức Chúa nhưng lại tránh nhan Ngài; ông biết Thiên Chúa là Đấng làm ra biển khơi, đất liền mà ông lại trốn đi bằng đường biển. Nhưng hiệu quả gián tiếp ở đây là nhờ ông mà các thủy thủ biết về Đức Chúa. Họ trở nên sợ hãi hơn khi biết rõ nguồn gốc của cơn bão (c.10a). Lòng tin của họ tiến thêm một bước khi chứng kiến việc ném Giôna xuống biển (c.15), tức thì biển lặng yên (c.15b). Họ dâng hy lễ, khấn hứa với Người (c.16). Thật vậy, chỉ có Thiên Chúa mới cứu con người khỏi cơn nguy khốn, khỏi cái chết như Giôna đã hát lên: “Đức Chúa mới là Đấng ban ơn cứu độ” (Gn 2,10).

3.2.          Giôna được cứu và cầu nguyện (Gn 2, 1-11)

         Câu chuyện không kết thúc với cái chết của vị ngôn sứ. Thiên Chúa sai gió cản đường ông, bây giờ Ngài lại sai một con cá đến cứu ông: “Ông Giôna ở trong bụng cá ba ngày ba đêm” (Gn 2,1) rồi sau đó “Đức Chúa bảo con cá mửa ông ra trên đất liền” (Gn 2,11). Ba ngày ba đêm có nghĩa gì? Gn 3,3 cho biết ba ngày là khoảng thời gian cần để đi ngang qua thành phố Ninivê. Giuse giam giữ các anh mình ba ngày (x. St 42,17). Ba ngày là mô hình về cái chết, táng xác và sống lại của Chúa Giêsu (x. Mt 12,40). Vì thế “ba ngày ba đêm” được xem như khoảng thời gian cần thiết để làm một điều gì đó.[13] Tại sao Giôna lại được Chúa cứu?. Thật vậy, chỉ khi bị “vực thẳm bao bọc”, con người mới nhớ đến Đấng Tạo Hóa. Giôna lúc này cũng vậy, chỉ khi nằm trong cảnh ngặt nghèo, “mạng sống con nay hầu tàn”, ông mới nhớ đến Chúa. Ông van xin, cầu nguyện liên lỉ và Chúa đã đáp lời, lúc này ta mới thấy ông cầu nguyện (Gn 2,2). Quả thật, phận người thì hữu hạn, chỉ có Chúa mới làm chủ sự sống (Gn 2,7), là “Đấng ban ơn cứu độ” cho con người (Gn 2,10).

3.3.          Ninivê – một dân biết vâng lời, sám hối và được tha thứ (Gn 3, 4-10)

         Trái với lần trước, lần này Giôna vâng lời Chúa (Gn 3,1-2) và đi Ninivê. Có phải ông hoàn toàn hối cải và hết lòng với sứ vụ không? Chắc hẳn là không. Bởi vì ông biết rằng, ông không thể trốn khỏi nhan Chúa. Vì thế ông đã đi rao giảng,“Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá đổ”(c.4). Sứ điệp Chúa trao cho Giôna thật ngắn gọn, cho biết “kỳ hạn” là “bốn mươi ngày” và hình phạt là “phá đổ”, gợi lại chuyện Xơđôm và Gômôra (x.St 18,16-33; 19,24-25), tuy nhiên thái độ của ông không giống thái độ của Ápraham[14]. Giôna chỉ “hô” một lần duy nhất: Ninivê sẽ bị phá đổ trong bốn mươi ngày nữa. “Con người hối cải bỏ điều gian ác thì Thiên Chúa cũng hối tiếc về tai họa người đã ngăm đe” (c.10). Điều mà Ge 2,12-14 rao giảng như một niềm hy vọng thì ở đây thành sự thật, Thiên Chúa muốn phá đổ sự ác chứ không muốn phá đổ thành phố hay tiêu diệt con người[15]. Thật vậy, chính nhờ “đức tin” mà dân Ninivê được Chúa tha thứ. Thiết nghĩ, sống gian ác và nhận tai họa luôn đi liền với nhau. Nếu người ta từ bỏ sự gian ác thì tai họa sẽ không còn.

3.4.          Giôna – ngôn sứ ích kỉ, bực mình khi Chúa tha tội cho người tội lỗi

Thật là một nghịch lý, một vị ngôn sứ hoàn thành sứ mạng lẽ ra phải vui mừng, đàng này khi thấy dân Ninivê hối cải và được Chúa tha thứ thì ông lại bực tức: “Giôna bực mình, bực lắm và ông nổi giận” (c.1), muốn chết đi cho rồi (Gn 4,3), lời này của Giôna khiến chúng ta nhớ đến lời của Êlia đã thưa với Chúa (x.1V 18,20-40); Giôna còn giận dỗi, thanh minh cho việc ông bỏ trốn đi Tácsít (Gn 4,2). Chính vì lý do muốn kẻ tội lỗi hối cải để được sống mà Thiên Chúa mời gọi Giôna suy nghĩ về thái độ của ông: “Ngươi nổi giận như thế có lý không:”(c.4). Như thế, đối lập với thái độ “bực mình, nổi giận” của Giôna (c.1), Thiên Chúa tỏ ra nhẹ nhàng để giúp Giôna hối cải, bỏ ý riêng mà theo ý Chúa vì lúc này ông mang trong mình nhiều điều ngược với ý muốn và bản chất của Thiên Chúa[16]. Nếu Giôna biện hộ cho sự nổi giận là vì ông thương hại cây thầu dầu bị chết, tại sao ông không nhận ra Thiên Chúa, Đấng từ bi và nhân hậu và không phá hủy Ninivê, trong đó có bao nhiêu là người lớn, trẻ nhỏ và cả súc vật? Thực chất, sâu xa hơn, điều tác giả muốn nói đến chính là lòng thương xót và ơn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa được dành cho cả dân ngoại. Thiên Chúa muốn họ hối cải để được sống.

III. Chút suy tư: Dung mạo Giôna ngày xưa và hôm nay

  Câu chuyện về Giôna khi xưa tuy đã khép lại nhưng những bài học mà Giôna để lại vẫn luôn sống động trong tâm thức của con người thời nay. Tác giả sách Giôna mời gọi mỗi tín hữu nhìn lại vai trò ngôn sứ của mình. Bởi lẽ có nguy cơ chúng ta cũng đang là ngôn sứ giống như Giôna. Như Giôna hãnh diện vì là người Hípri khi giới thiệu với các thủy thủ (x.Gn 1,9), nhiều người cũng hãnh diện vì là Kitô hữu. Như Giôna biết rõ về Thiên Chúa (x.Gn 4,2), nhiều người cũng hãnh diện vì được học hỏi và biết nhiều về Ngài. Nhưng như Giôna ích kỉ, hẹp hòi, không mở lòng ra với dân ngoại, với kẻ thù; thì vẫn còn đó bóng dáng người Kitô hữu có nguy cơ sống khép kín, thiếu đối thoại, thiếu cảm thông với người xung quanh. Nếu chỉ cầu mong và lo sao cho bản thân mình được yên ổn mà không bận tâm đến việc truyền giáo, ra đi loan truyền lòng thương xót của Thiên Chúa, thì có lẽ người ta đang giống Giôna trốn tránh trách nhiệm Chúa trao. Bởi vì hôm nay cũng còn rất nhiều “thành Ninivê” đang cần được nghe Lời Chúa, được Chúa xót thương.

IV. Kết luận

Khi đọc sách Giôna, ai cũng nhận ra rằng, Thiên Chúa mong Giôna tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa, hoán cải, từ bỏ ý riêng mà theo ý Chúa. Là người Kitô hữu, tôi cũng mang sứ mạng trở thành ngôn sứ của Thiên Chúa cho thế giới hôm nay. Nhưng muốn đem Tin Mừng đến cho mọi người, trước hết tôi cần có lòng trắc ẩn, biết chạnh lòng thương, đồng cảm với anh chị em mình, đặc biệt là đối với những anh chị em ngoại giáo, biết nói lời đem lại niềm hy vọng. Bên cạnh đó, tôi cũng cần học sự khiêm nhường, tín thác, cậy dựa vào Chúa, vì chỉ có Chúa mới là chủ sự sống, là chân lý, là niềm hy vọng cho con người. Chắc hẳn ngày hôm nay, Đức Giêsu cũng luôn mong mỏi người Kitô hữu, tin và theo Ngài, cùng thực hiện sứ vụ của Ngài (Mt 9,13). Noi gương Chúa Giêsu, tôi cũng học theo Ngài, mang lấy bận tâm và nỗi ưu tư của Ngài. Hơn thế nữa, với Tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng”, Đức Thánh Cha mời gọi tôi cũng như mọi Kitô hữu, hãy “đi ra vùng ngoại biên”.  Những nơi đó, có thể sự gian ác chưa bằng dân Ninivê, nhưng chắc chắn, nơi đó không thiếu những con người đau khổ, nghèo đói, bất hạnh… đang rất cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa.

Những nơi đó, biết đâu dân ngoại cũng đang sẵn sàng hối cải và tin vào Chúa như dân thành Ninivê xưa, nếu Lời Chúa được đến với họ. Ước mong sao mỗi Kitô hữu biết can đảm ra khỏi sự quen thuộc, an toàn hằng ngày để đến những vùng ngoại biên để cho dung mạo Đức Kitô được tỏ lộ.



[1] x. Lm. Inhaxiô Nguyễn Ngọc Rao, O.P, Các sách ngôn sứ, (TPHCM: 2006), 6.

[2] x. Lm. Inhaxiô Nguyễn Ngọc Rao, O.P, Các sách ngôn sứ, 9-10.

[3] Trần Phúc Nhân, Tìm Hiểu Cựu ước ( 1995), tr.160.

[4] x. John A. Hardon, S.J, Từ điển Công giáo phổ thông (TPHCM: Phương Đông, 2008), 409.

[5] Lm. Inhaxiô Nguyễn Ngọc Rao, O.P, Các sách ngôn sứ, 307.

[6] Fx Vũ Phan Long OFM,  Các sách Ngôn sứ, (Đồng Nai: 2021), 203.

[7] Nguyễn Văn Hội, Giôna – vị Ngôn sứ khác người, (Tôn giáo: Hà Nội, 2021), 11.

[8] David A.Hubbard, Glenn W. barker, World Biblical Commentary, Hosea-Joanh, Publisher, Waco, Texas, p.583.

[9] Kinh Thánh, Bản dịch và chú thích do nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Hà Nội: Tôn Giáo, 2011.

[10] Theo sách GKPV, có hai xu hướng giải thích nguồn gốc ở chương này. Một xu hướng cho rằng một người khác đã góp nhặt lời các thánh vịnh đặt vào đây. Một xu hướng cho là của cùng một tác giả vì bản văn thật sự có giá trị thi ca và phù hợp với tình huống và với diễn biến của câu chuyện.

[11] Nguyễn Văn Hội, Giôna - Vị Ngôn Sứ Khác Người, (Hà Nội: Tôn Giáo, 2021), 35.

[12] Nguyễn Văn Hội, Giôna - Vị Ngôn Sứ Khác Người, 38.

[13] Nguyễn Văn Hội, Giôna - Vị Ngôn Sứ Khác Người, 63.

[14] Kinh Thánh, Bản dịch của CGKPV, (Hà Nội: Tôn Giáo, 2011).

[15] Kinh Thánh, Bản dịch của CGKPV, (Hà Nội: Tôn Giáo, 2011).

[16] Kinh Thánh, Bản dịch của CGKPV, (Hà Nội: Tôn Giáo, 2011).


SÁCH THAM KHẢO

 

1.     Kinh Thánh. Bản dịch và chú thích do nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Hà Nội: Tôn Giáo, 2011.

2.     Tông Huấn “Niềm Vui Tin Mừng” – Evangelii Gaudium (EG), 2013.

3.      World Biblical Commentary, Hosea-Joanh, David A.Hubbard, Glenn W. barker, p.431, 1987, Word Books, Publisher, Waco, Texas.

4.     Lm. Inhaxiô Nguyễn Ngọc Rao, O.P. Các sách ngôn sứ. Thành Phố Hồ Chí Minh, 2006.

5.     John A. Hardon, S.J. Từ điển Công giáo phổ thông. Tp. HCM: phương Đông, 2008.

6.     Fx Vũ Phan Long OFM. Các sách Ngôn sứ. Đồng Nai: 2021.

7.     Phạm Hữu Quang. Dẫn Nhập Thánh Kinh-Văn Bản, Địa Lý, Khảo Cổ, Thần Học. Hà Nội: Tôn Giáo, 2018.

8.     Nguyễn Văn Hội. Giôna – vị Ngôn sứ khác người. Tôn giáo: Hà Nội, 2021), 11.

9.     Trần Phúc Nhân. Tìm Hiểu Cựu ước. Lưu hành nội bộ: 1995.

10.  https://www.nguoitinhuu.org/chiase/NgHongGiao/gionabuongbinh.html. Truy cập ngày 28/4/2023.



Maria Đỗ Thị Tố Hà STB-K3


MỤC LỤC 

DẪN NHẬP. 1

NỘI DUNG.. 1

I.        Tổng quan. 1

1.       Bối cảnh dụ ngôn. 1

2.       Các lớp nhân vật 2

3.       Cấu trúc bản văn. 2

II.       Dụ ngôn (c.11– c.13) 3

1.       Người Pharisêu cầu nguyện (cc.11 – c.12) 3

2.       Người làm nghề thu thuế cầu nguyện (c.13) 5

III.      Đúc kết và nhận định. 6

1.       Chúa Giêsu kết luận (c.14) 6

2.       Suy tư nhận định cá nhân. 7

KẾT LUẬN.. 9

TÀI LIỆU THAM KHẢO.. 10

 

DẪN NHẬP

Tin Mừng Luca là Tin Mừng của lòng thương xót. Thánh sử nhắm đến những người bị cho là tội lỗi, xã hội gạt ra bên lề, tách biệt khỏi cộng đồng... để họ tìm thấy được niềm an ủi nơi Thiên Chúa chạnh lòng. Với hình thái văn chương tiêu biểu là dụ ngôn, Luca từng bước trình bày giáo huấn của Chúa Giêsu trong mọi khía cạnh của cuộc sống đời thường và thiêng liêng. Một trong số đó là đề tài về cầu nguyện và hoán cải, phần nào được diễn giải qua dụ ngôn về người Pharisêu và người thu thuế cùng nhau lên đền thờ cầu nguyện ở Lc 18,9-14.

Bài viết này xin được phân tích những nét chính yếu của bản văn và đưa ra những nhận định, suy tư cá nhân về vấn đề này.

NỘI DUNG

I.                Tổng quan

1.     Bối cảnh dụ ngôn

Bản văn Lc 18,9-14 là hai dụ ngôn nói về những vấn đề liên quan đến cầu nguyện. Ở phân đoạn Lc 18,1-8, người đàn bà góa nài xin quan tòa bất chính xử kiện cho bà: điều đó muốn nói lên việc Thiên Chúa đáp lại lời khẩn cầu của những người được tuyển chọn.[1] Còn bản văn Lc 18,9-14 lại đề cập đến việc đáp trả của Thiên Chúa trước hai lớp nhân vật biểu trưng qua hình ảnh người Pharisêu (tự thấy mình công chính) và nhân vật thu thuế (người tội lỗi).

Người Do Thái quan niệm công chính ( צְדָקָה  / δικαιοσύνη)  là những người sống lẽ công bằng, chính trực, ngay thẳng, thực thi lề luật, sống nhân đức.[2] Đề tài về công chính được thánh sử Luca đề cập ngay từ đầu Tin Mừng: Dacaria và Elisabet là “những người công chính vì sống theo Lề Luật một cách không ai chê trách được.”[3] Ở đây, Chúa Giêsu kể dụ ngôn này “với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác.” (c.9) Rõ ràng, Người muốn nhấn mạnh đến những ai “tự phong danh công chính” cho bản thân.

Khung cảnh dụ ngôn: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế.” (c.10)

Luca sử dụng danh từ “đền thờ - (τὸ) ἱερὸν” là từ chỉ toàn bộ khu vực đền thờ Gierusalem.

Giờ kinh nguyện chung diễn ra vào 9 giờ sáng và 3 giờ chiều.[4] Thông thường đọc trong hội đường, cũng có người đọc công khai nơi công cộng.[5] Có thể cả hai nhân vật này đang cùng nhau tham dự buổi cầu nguyện chung với cộng đoàn, cùng lúc “cả hai cùng lên đền thờ cầu nguyện.” Tuy nhiên, có thể thấy ở đây ám chỉ sự tự tách biệt của người Pharisêu, mặc dù cả hai cùng đến với một Thiên Chúa, trong cùng một nơi, ở cùng một giờ. Một sự tách biệt cả về hình thức lẫn tâm trí.

2.     Các lớp nhân vật

Trong cộng đồng Do thái, người Pharisêu là nhóm người thuộc tổ chức mang tính tôn giáo, sống cách biệt với nhóm tôn giáo khác. Đặc điểm nổi bật của họ là nhiệt thành giữ luật [Mose] rất tỉ mỉ, nghiêm ngặt.[6] Phần đông thì chỉ sống hình thức bề ngoài, xét đoán người khác để bắt lỗi, loại bỏ thực hành bác ái, tham lam...[7] nhưng cũng có những người đạo đức, tốt lành thật sự.[8]

Nhân vật thứ hai là người thu thuế. Họ là những người bản xứ, cũng thuộc nhiều giai cấp khác nhau trong xã hội Do Thái. Những người này bị xem là kẻ tiếp tay cho đế quốc Roma trong việc cai trị dân chúng, hiện thân của ngoại bang nên thường bị khinh ghét. Cũng có thể vì tính chất công việc, thuế viên bòn rút của công để bù lúc thiếu hụt, hay lấy phần nào tiền thuế dân đóng dành làm của riêng. Vì lẽ đó, người thu thuế luôn bị xếp chung với quân tội lỗi, theo kiểu tội nhân công khai![9]

3.     Cấu trúc bản văn

Bản văn được trình bày dưới hình thức dụ ngôn παραβολὴν. Đây là thể văn Chúa Giêsu hay dùng để giảng dạy cho mọi người. Đó là những câu chuyện của cuộc sống thường nhật, hành văn bình dân, sự kiện thân quen, mà qua đó người nghe có thể tìm thấy ý nghĩa liên hệ đời sống thiêng liêng.

Bố cục bản văn có thể chia như sau:

c.9: Nhập đề

c.10: Khung cảnh dụ ngôn:

+ Trong đền thờ

+ Giờ cầu nguyện

+ gGới thiệu nhân vật:

a. Một người Pharisêu

b. Một người thu thuế

c.11: Người Pharisêu cầu nguyện

a. Tư thế đứng thẳng, nguyện thầm

b. Lời nguyện: tạ ơn Chúa vì công chính hơn người khác [người thu thuế kia]

c.12: kể công chứng minh mình công chính

c.13: Người thu thuế cầu nguyện

a. Tư thế: đứng đằng xa, chẳng muốn ngước mắt, đấm ngực, thưa thành lời

b. Lời nguyện: xin thương xót vì [con] là kẻ tội lỗi

c.14: Đúc kết:

a. Công bố người công chính đích thực [người thu thuế]

b. Biện luận và kết luận

II.               Dụ ngôn (c.11– c.13)

1.     Người Pharisêu cầu nguyện (cc.11 – c.12)

Theo phong tục Do thái, đứng là thái độ của người cầu nguyện và người Pharisêu trong dụ ngôn này được miêu tả với tư thế đứng thẳng. Nhưng ở đây cách sắp xếp thứ tự từ ngữ: tiếng từ πρὸς ἑαυτὸν (chính mình) có thể đi chung với cả động từ σταθεὶς [ἵστημι] (đứng) và động từ προσηύχετο [προσεύχομαι] (cầu nguyện). Do đó, hiểu sự kiện được miêu tả như việc người Pharisêu này đứng tách riêng một mình, cầu nguyện trong tư thế mà để ai cũng phải thấy: một kiểu nghiêm túc, đầy tự tin và can đảm đứng trước cộng đoàn. Hay có chăng vì ông ta cũng tự cảm thấy mình cao trọng hơn và không thể chung hàng với những người tầm thường!

Chẳng những vậy, người này “cầu nguyện với chính mình” [âm thầm] chứ không phải với Thiên Chúa, trong khi đó lời nguyện cầu đích thực phải là lời nguyện được thưa lên [thành tiếng] và chỉ dâng lên cho một mình Thiên Chúa mà thôi. “πρὸς ἑαυτὸν προσηύχετο” cách nào đó là đang tự kể công trạng hơn là lời cầu nguyện. Thưa lên với Chúa, nhưng kỳ thực ông lại nói về chính mình.

“Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia.” Tâm tình của người Pharisêu là εὐχαριστῶ σοι [Θεός] (tạ ơn Thiên Chúa) nhưng ông tạ ơn Chúa vì những gì mình làm được. Ông ta không cần gì từ Thiên Chúa: con đã chu toàn tất cả những gì Chúa dạy. Nơi con, mọi sự đã hoàn hảo rồi!

Hơn thế nữa, người Pharisêu này tự đưa mình lên làm thước đo giá trị công chính khi so sánh mình với “bao kẻ khác - οἱ λοιποὶ τῶν ἀνθρώπων ” hay cụ thể hơn là với “tên thu thuế kia - οὗτος ὁ τελώνης.” Khi thấy người thu thuế “đứng đằng xa”, “đấm ngực” mà xưng thú tội lỗi với Chúa, ông đã khinh miệt kẻ đang sầu khổ ấy mà lấy làm tự hào cho những gì bản thân đã làm được.

Người Pharisêu tiếp tục chứng minh sự công chính của mình (c.12): ăn chay (νηστεύω) mỗi tuần hai lần [thứ hai và thứ năm] đang khi luật định chỉ cần mỗi năm một lần vào ngày lễ xá tội.[10] Ông tự nguyện ăn chay thêm được xem như công đức thêm vào bên cạnh việc chu toàn lề luật. Cũng có thể hiểu đây là hành vi đạo đức: ăn chay “thêm” để đền tội thay cho người khác chăng?[11]

Trong vấn đề đóng thuế, luật buộc nộp lợi tức một phần mười trên từng loại sản phẩm[12] chứ không phải trên tất cả tài sản sở hữu (κτῶμαι) như người Pharisêu này đã làm. Ông muốn nói rằng ông đã dâng cả những gì luật không buộc nữa.

Tuy nhiên, phía sau tất cả những gì người Pharisêu này làm, cuối cùng thì ông cũng chỉ quy về mình mà thôi. Cho rằng bản thân đã thi hành luật thật trọn hảo, xem thường và đánh giá thấp người khác. Có lẽ đối với ông, Thiên Chúa cũng không cần thiết. Vì ông đã quá tốt rồi!

2.     Người làm nghề thu thuế cầu nguyện (c.13)

Trái ngược với việc cầu nguyện của người Pharisêu, người thu thuế trong dụ ngôn đến với Thiên Chúa bằng tâm thế kẻ biết nhận mình tội lỗi. Chúng ta có thể thấy rõ qua bốn hành vi sau:  

Trước hết, khi người Pharisêu đứng thẳng giữa đám đông, thì người thu thuế lại μακρόθεν ἑστὼς (đứng ở đàng xa). Ông tự nhận thấy bất xứng đáng trước nhan Chúa, xấu hổ với cộng đoàn, nên chọn lựa một nơi xa cách. “Ai là người được lên núi Chúa?[13] Không phải tôi, không phải một kẻ tội lỗi như tôi, tôi không xứng đáng.” Cả hai người trong dụ ngôn cùng đứng tách biệt, nhưng người Pharisêu tách biệt vì kiêu hãnh, còn người thu thuế tách biệt vì khiêm nhường.

Thậm chí ông còn không ἤθελεν (muốn) τοὺς ὀφθαλμοὺς ἐπᾶραι (ngước mắt) lên trời, đang khi đây vốn là kiểu cách cầu nguyện rất thông thường của người Do thái.[14] Tự trong thâm tâm, ông biết tội lỗi mình nặng nề đến nỗi không thể đối diện với Thiên Chúa.

Thái độ sám hối còn được thể hiện qua hành động tự mình ἔτυπτεν τὸ στῆθος (đấm ngực). Khi tâm hồn bị tác động mạnh mẽ bởi cảm xúc bên trong, cách nào đó sẽ tự nhiên bộc lộ ra bên ngoài bằng những hành vi thân xác.[15] Người thu thuế đứng trước sự thánh thiện cao cả của Thiên Chúa, đối diện với tha nhân, trong sự phán xét của lương tâm đã bộc lộ lòng sám hối chân thành.

Ông công khai λέγων (nói thành tiếng) lời nguyện của mình, rất ngắn gọn (không như người Pharisêu kể lể công trạng), nhưng bộc lộ tâm lòng của ông. Người thu thuế nài xin bằng động từ ἱλάσθητί (be merciful, be propitious) mang hàm nghĩa chuộc tội, tha thứ đem lại sự giao hòa[16] và sẵn lòng đối xử tử tế, động từ này cũng được hiểu là lời xin thương xót vì nỗi đau khổ thiêng liêng trong tâm hồn. Người thu thuế đã khiêm nhường nhận mình là τῷ ἁμαρτωλῷ (kẻ tội lỗi) và quan trọng là ông đã biết chạy đến cùng Thiên Chúa,[17] trông cậy vào lòng thương xót: nài xin đến một Đấng chỉ biết yêu thương và thứ tha. Ông không tuyệt vọng vì thân phận thấp kém, nhưng tràn trề hy vọng vì tình yêu của Thiên Chúa thì cao cả và bao trùm cả tội lỗi của con người.

Người thu thuế này có vẻ như một tội nhân “xuất sắc” trong việc biết mình, nhìn nhận tội lỗi và trông cậy vào Thiên Chúa nhân lành.

III.             Đúc kết và nhận định

1.     Chúa Giêsu kết luận (c.14)

Đúc kết dụ ngôn, Chúa Giêsu đưa ra lời bàn làm sửng sốt người nghe: Pharisêu chu toàn tỉ mỉ lề luật, xem ra công chính trong từng hành động lại “thua đậm” người lý lịch không điểm sáng nào.

Ngay khi khiêm nhường hối lỗi, Thiên Chúa đã cho người thu thuế nên công chính, ông trở về nhà với tâm hồn bình an vì được tha thứ và đón nhận. Động từ δεδικαιωμένος chia ở dạng perfect participial passive ngụ ý [được nên] công chính có tính lâu dài. Rõ ràng ở đây, sự công chính là ân ban đến từ Thiên Chúa chứ không do công trạng con người.[18] Còn nhân vật Pharisêu đã đáng mất ân sủng Chúa khi đi tìm công chính nơi Lề luật.[19] Thay vì tìm kiếm Thiên Chúa, ông lại tạo cho mình một vầng hào quang sáng chói của lòng tự tôn. Đồng thời, để nâng bản thân lên, ông đã không ngần ngại hạ thấp giá trị người khác, và cũng giành luôn quyền thẩm phán của Thiên Chúa.[20]

Cặp từ được sử dụng duy nhất ở câu này là ταπεινόω (khiêm nhường) và ὑψόω (nâng lên) mang tính đối lập, tương phản. Không những vậy, tình huống trong dụ ngôn cuối cùng lại đảo ngược: người tự cao trở nên thấp kém, người khiêm hạ lại được nâng lên. Một lần nữa, Chúa Giêsu lặp lại lời giáo huấn lúc Người dùng bữa ở nhà một thủ lãnh Pharisêu khi thấy khách dự tiệc cứ chọn chỗ nhất (Lc 14,7-11). Quả thực, thái độ tự tôn xóa đi vẻ đẹp khiêm nhường của Thiên Chúa nơi con người. Dụ ngôn này đóng khung trong c.9 và c.14, nhân vật nhắm đến trực tiếp là người Pharisêu, lớp người được mệnh danh thông biết và chu toàn lề luật rất tỉ mỉ, hoàn hảo nhưng lại đầy sự gian dối, giả hình. Chúng ta có thể mở rộng ra: lời bàn kết cuối cùng, Chúa Giêsu nói với tất cả mọi người: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên,” vì “Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.”[21]

2.     Suy tư nhận định cá nhân

Về vấn đề cầu nguyện:

Tâm tình cầu nguyện được diễn tả qua sự tinh tế của cách thức, thái độ cầu nguyện. Người Pharisêu đã thi hành rất đúng với truyền thống,[22] nhưng thay vì cầu nguyện với Thiên Chúa, ông lại kể lể công trạng, khoe khoang công đức mà xem thường người khác. Trong khi đó, người thu thuế thật sự khiêm nhường nài xin lòng thương xót từ Thiên Chúa.

Cầu nguyện là sống tương quan với Thiên Chúa. Thiên Chúa hiện diện ngay trong tâm hồn mỗi người và cầu nguyện là chính bản thân đến gặp gỡ Thiên Chúa. Đó phải là sự gặp gỡ với một tâm hồn khiêm nhường,[23] chân thành,[24] trong thinh lặng của nội tâm,[25] đến với Chúa trong niềm tin tưởng,[26] để được Thiên Chúa thánh hóa, biến đổi [như người thu nên công chính sau khi gặp gỡ Thiên Chúa].

Cầu nguyện cũng là sống tương quan với tha nhân. Khi nên một với Chúa rồi, hệ quả tất yếu giúp chúng ta hiệp nhất với nhau. Càng cầu nguyện, chúng ta càng đi vào sự hiệp thông. Người Pharisêu “dùng” người khác làm nền cho hào nhoáng bản thân, thì tự ông cũng đã loại trừ Thiên Chúa khỏi đường đời mình. Học nơi người thu thuế, đến với Chúa để có được Chúa, và rồi đến với Chúa để khi ra về chúng ta có thể đến với anh chị em xung quanh.

Người Pharisêu nhìn người khác mà cầu nguyện. Còn người thu thuế nhìn vào chính mình. Cầu nguyện là trở về với lòng mình, tìm xem trong đó Chúa ở đâu và tôi ở đâu.

Về vấn đề công chính và đời sống luân lý:

Công chính của người Pharisêu là tự ông tạo ra, còn của người thu thuế là ân ban từ Thiên Chúa. Chính sự khiêm nhường cầu nguyện và lòng thống hối ăn năn làm cho người thu thuế nên công chính. Chúa Giêsu không quy kết những hành vi đạo đức của người Pharisêu, nhưng người phê bình thái độ kiêu ngạo của ông trong tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân. Những việc làm phúc đức tự bản chất tốt lành, nhưng sẽ trở nên nguy hại nếu thực hành nó với ý hướng phô trương, khoe khoang bản thân.[27] Mọi hành động của con phải đi trong đường lối và thánh ý Thiên Chúa.[28]

Nhờ cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Kitô đã tẩy rửa chúng ta sạch muôn vàn tội lỗi, cho con người được nên công chính trong ơn cứu độ của Người. Lời Chúa đem lại cho con người sức sống thiêng liêng mãnh liệt, đón nhận lời là đón nhận sự công chính đích thực.[29]

Công chính còn hệ tại ở việc hoán cải: Kiêu ngạo làm con người tách mình ra khỏi Thiên Chúa. [30] Ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người, ngay cả những người dường như bị xem là bất xứng. Điều quan trọng ở chỗ mỗi người có mở lòng đón nhận hay không.

Trong đời sống luân lý nhân đức, giá trị mọi hành động phải đặt nền trên mục đích tốt. Khi con người chu toàn lề luật, thực hành bác ái, quảng đại dấn thân... liệu rằng những hành vi vốn tự bản chất là tốt ấy có phát xuất và hướng đến tình yêu Thiên Chúa và lòng mến tha nhân không? Hay chúng ta chỉ tô vẽ cho vẻ đẹp bên ngoài của một tâm hồn đã hư nát. Nhưng cũng không viện vào lẽ này mà bỏ qua luật lệ, những việc tốt lành [đã hẳn những việc làm của người Pharisêu chẳng đẹp lòng Thiên Chúa sao! Ông chu toàn lề luật thật tốt rồi kia mà]. Lề luật duy trì trật tự cộng đoàn, khuôn mẫu cho từng cá nhân rèn luyện phát triển. Nên thánh là tôi làm cái Chúa muốn, mỗi người hãy sống luật bằng lòng mến để mọi hành động trở nên ích lợi cho bản thân và tha nhân.[31]

Điều kiện để vào Nước trời: khiêm nhường trước Thiên Chúa. Mà kỳ thực, chính Chúa Giêsu cũng mời gọi mọi người “hãy mang lấy ách của tội và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.”[32] Người thu thuế biết mình tội lỗi và nhận mình là người tội lỗi. Chính sự khiêm nhường chân thực ấy là cầu nối giúp ông đến được với Thiên Chúa. Nếu con người chỉ cậy dựa vào những việc phúc đức của bản thân không thôi thì không đủ để có được tấm vé vào của Thiên Đàng. Thay vào đó, Chúa Giêsu mời gọi mỗi người hãy đặt niềm trông cậy vào Thiên Chúa mà tin tưởng, phó thác.

Về thực tại Nước Trời:

Người Pharisêu biểu trưng cho dân Do thái – được Thiên Chúa tuyển chọn nhưng lại quay lưng với Người. Còn người thu thuế là hình ảnh của dân ngoại được ơn hoán cải. Lời giảng đầu tiên cho sứ vụ công khai của Chúa Giêsu là lời rao giảng Tin Mừng công bố cho kẻ nghèo hèn, cho kẻ tội lỗi được ơn cứu độ:[33] Nước Trời ngay chính trong lòng mỗi người biết mở lòng đón nhận Thiên Chúa.

KẾT LUẬN

Kyrie eleison!” Mỗi ngày phụng vụ Giáo hội đều cất lên lời nguyện xin Thiên Chúa ghé mắt đoái trông thế giới nhân loại còn đang trên hành trình dương thế. Dù con người có tội lỗi, bất toàn đến đâu, hãy cứ thật tâm tìm về cung lòng yêu thương vô bờ bến của Đấng tác sinh ra mình, vì Người là một chuyên gia chữa lành và tài sản không giới hạn của Người là lòng thương xót. Cầu nguyện là hơi thở, là sự sống của linh hồn, mà trong đó, thái độ khiêm nhường là bảo chứng chắc chắn cho ước muốn tìm đến với Thiên Chúa nhân lành.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

·       Kinh Thánh. Bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Thành phố Hồ Chí Minh, 2011.

·       Bock, Darrell L. Luke - Volume 2: 9:51-24:53. Baker Academic, 1994.

·       Brown, Raymond E., S.S. The New Jerome Biblical Commentary. Prentice Hall, 1988.

·       Edwards, James R. The Gospel According to Luke. Wm. B. Eerdmans Publishing Co. 2015.

·       Gadenz, Pablo T. The Gospel of Luke. Baker Publishing Group, 2018.

·       Garland, David E. Exegetical Commentary on The New Testament. Zondervan Academic, 2011.

·       Harrington, Daniel J., S.J. The Gospel of Luke. Liturgical Press, 2006.

·       Keck, Leander E. The New Interpreter’s Bible Commentary Volume VIII – Luke John. Abingdon Press. 2015



[1] Lc 18, 6-8.

[2] Tv 15,2-5. 24,3-6; Ed 18,5-9; Đnl 24,13...

[3] Lc 1,6: ἦσαν δὲ δίκαιοι ἀμφότεροι ἐναντίον τοῦ Θεοῦ, πορευόμενοι ἐν πάσαις ταῖς ἐντολαῖς καὶ δικαιώμασιν τοῦ Κυρίου ἄμεμπτοι.

[4] Xh 29,40-42; Ds 28,4; Cv 3,1.

[5] Mt 6,5

[6] Lc 5,21. 6,2. 11,38.

[7] Lc 7,36-50. 11,39-43. 12,1. 16,14.

[8] Lc 13,31; Ga 3,1-21. 7,51. 19,39-40; Cv 5,34. 26,5.

[9] Lc 5,30. 7,34. 18,11.

[10] Lv 23,26-32; Ds, 29,7

[11] Về việc ăn chay: theo truyền thống Do thái, ăn chay là nhịn đói, nhịn khát từ khi mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn.

Nhân vật Cựu ước cũng ăn chay như Mose (Xh 24,18. 34,28; Đnl 9,9), ngôn sứ Dacaria (Dcr 7,5). Trước khi hoạt động công khai, Chúa Giêsu cũng ăn chay 40 đêm ngày, Người sống lại kinh nghiệm xưa của Dân trên núi Sinai. (Mt 4,1-11; Mc 1,12-13; Lc 4,1-13)

[12] Lv 27, 30-33; Đnl 14,22; Mt 23,23.

[13] Tv 24,3-6

[14] Tv 25,15. 123,1. 141,8; Mt 14,19; Mc 6,41. 7,34; Lc 9,16; Ga 11,41. 17,1.

[15] 1Sm 1,10. 11,4. 20,41. 30,4; 2Sm 19,1; 2Mcb 4,37; G 2,12; Mt 2,18. 26,75; Mc5,38; Lc 7,38. 23,27.48; Ga 11,33.

[16] Rm 3,25; Dt 2,17. 9,5; 1Ga 2,2. 4,10

[17] 1Sm 2,8; Tv 34,19. 51,19. 107,41. 113,7-8. 146,8. 147,3.

[18] Mt 5,6; Rm 2,13. 3,21-24. 4,6; Gl 6,12.Pl 3,9.

[19] Gl 5,4.

[20] Mt 7,1; Lc 6,37.

[21] Lc 1,51-52.

[22] Tv 1,1-2. 15,1-5. 17,3-4. 18,21-25. 26,3-12.

[23] Lc 18,13; Rm 8,26.

[24] Mt 6,7; Ep 6,18.

[25] 2V 4,33; Mt 6,6. 14,23.

[26] Mt 21,22; Ga 14,13-14.

[27] Mt 6,1-6.16-18; Gc 4,3.

[28] Tv 118,2; Mt 7,21. 12,50; Mc 3,35; Ga 4,34. 6,38.

[29] Rm 10,1-13.

[30] Lc 5,32. 13,1-5. 15,7

[31] Rm 8,28.

[32] Mt 11,29.

[33] Lc 4,16.

Thư viện Học viện Công giáo Việt Nam