SỰ CẦN THIẾT PHẢI TÁI KHẲNG ĐỊNH CON NGƯỜI LÀ HÌNH ẢNH THIÊN CHÚA CHO THẾ GIỚI HÔM NAY
MỤC LỤC
DẪN NHẬP
CHƯƠNG I:
CON NGƯỜI - HÌNH ẢNH CỦA THIÊN CHÚA DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA MẠC KHẢI
1. Mạc khải Cựu Ước về con người là hình ảnh của Thiên Chúa
2. Mạc khải Tân Ước về con người là hình ảnh của Thiên Chúa
2.1. Hình ảnh Thiên Chúa được phản ánh trung thực nơi Chúa
Giêsu Kitô
2.2. Người tin sống và gìn giữ hình ảnh Thiên Chúa nơi mình
2.3. Hình ảnh Thiên Chúa trong viễn tượng cánh chung
CHƯƠNG
II: TRUYỀN THỐNG SUY TƯ THẦN HỌC VỀ CON NGƯỜI - HÌNH ẢNH CỦA THIÊN
CHÚA
1. Suy tư của các Giáo Phụ về “hình ảnh
Thiên Chúa”
2. Suy tư của các thần học gia Kinh viện về “hình ảnh Thiên
Chúa”
3. Suy tư của các thần học gia Cận-hiện đại về “hình ảnh Thiên
Chúa”
CHƯƠNG III: NHỮNG THÁCH ĐỐ CỦA THỜI ĐẠI HÔM
NAY VÀ GIÁO HUẤN CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II
VỀ “HÌNH ẢNH THIÊN CHÚA” NƠI CON NGƯỜI
1. “Hình ảnh Thiên Chúa”
trước những thách đố của thời đại ngày nay
1.1. Một thời đại con người
đang lấy mình làm trung tâm
1.2. Một thời đại công kỹ
nghệ khoa học không có hy vọng
2. Giáo Huấn của Công Đồng
Vatican II về “Hình ảnh Thiên Chúa”
2.1. Con người trong tương quan với Thiên Chúa
2.2. Những tài năng cao quý của con người
2.3. Con người lý tưởng trong Đức Kitô
KẾT LUẬN
TÀI LIỆU
THAM KHẢO
DẪN NHẬP
Trong nhãn giới đức tin Kitô giáo, “con người có một địa vị
độc tôn trong công trình tạo dựng: con người là hình ảnh Thiên Chúa”[1]. Thật vậy, Giáo Lý Giáo Hội
Công Giáo xác quyết: “Mỗi cá nhân con người, bởi vì được dựng nên theo hình ảnh
của Thiên Chúa, nên có phẩm giá của một ngôi vị: không chỉ là một sự vật nào
đó, nhưng là một ai đó. Con người có khả năng nhận thức về bản thân mình, làm
chủ mình, tự hiến mình cách tự do và đi vào sự hiệp thông với ngôi vị khác; nhờ
ân sủng, mỗi người được kêu gọi vào Giao ước với Đấng Tạo Hoá của mình…”[2].
Phẩm giá con người, trong nhãn giới Kitô giáo, cao cả là
vậy; ấy thế, có những lúc trong lịch sử nhân loại, con người chỉ được nhận biết
là động vật bậc cao có lý tính và người ta chỉ dừng lại ở đời sống vật chất,
nhân thế mà thôi. Đặc biệt, thời đại ngày nay, một thời đại như Đức Giáo Hoàng
Phanxicô đã từng nhận xét là thời đại công kỹ nghệ khoa học không có hy vọng,
người ta chú trọng đến những tiện nghi vật chất và hưởng thụ mà nhiều khi lãng
quên chiều kích thánh thiêng của mình vốn là hình ảnh Thiên Chúa và được dựng
nên để hướng về Thiên Chúa, hướng về tương quan hiệp thông sự sống thần linh với
Thiên Chúa.[3]
Luận văn này nhấn mạnh đến hình ảnh Thiên Chúa nơi con
người dựa trên nền tảng Mạc Khải và giáo lý đức tin Kitô giáo; theo đó, người
viết muốn tìm về căn cốt đích thực phẩm giá con người để chính bản thân cố gắng
sống xứng đáng với ơn Chúa kêu gọi, đồng thời cũng gợi nhắc cho người khác về
phẩm vị cao cả của họ trước những thách đố của thời đại hôm nay, một thời đại
chú trọng nhiều đến chiều kích xác thể, vật chất trần gian mà dễ làm méo mó
hình ảnh Thiên Chúa nơi con người.
Về phương pháp, người viết
sẽ diễn giải, phân tích và nhận định những dữ kiện Kinh Thánh và Truyền thống
các Giáo Phụ, các nhà thần học và Huấn quyền để làm sáng tỏ hình ảnh Thiên Chúa
nơi con người là gì, qua đó nhấn mạnh địa vị cao cả của họ trong thế giới.
Về bố cục tổng thể, luận văn gồm có những chương chính
sau đây:
Chương I: Con người - Hình ảnh của Thiên Chúa dưới ánh
sáng của mạc khải;
Chương II: Truyền thống suy tư thần học về con người - Hình
ảnh của Thiên Chúa;
Chương III: Những thách đố của thời đại ngày nay và giáo huấn của Công đồng Vaticanô II về “Hình ảnh Thiên Chúa” nơi con người.
CHƯƠNG I: CON NGƯỜI - HÌNH ẢNH CỦA THIÊN CHÚA DƯỚI ÁNH
SÁNG CỦA MẠC KHẢI
Trước hết,
có thể nói, chúng ta không thể biết đầy đủ mầu nhiệm con người, nếu chúng ta
không tìm về Mạc Khải của Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu. Ngài muốn chia sẻ
tình yêu của Ngài qua việc tạo dựng các thụ tạo, nhất là qua việc sáng tạo con
người. Ngài đã tạo dựng con người giống hình ảnh của Ngài và ban cho họ sự sống
của Ngài. Con người chính là đỉnh cao trong chương trình sáng tạo của Thiên
Chúa. Thánh nữ tiến sĩ Catarina Siêna đã từng thốt lên: “Chính tình yêu khôn tả
đã khiến Chúa nhìn đến thụ tạo của Chúa nơi chính Chúa, Chúa đã say mê [con người];
vì tình yêu Chúa đã dựng nên nó, vì tình yêu Chúa đã cho nó hiện hữu để nó nếm
được sự tốt lành vĩnh cửu của Chúa”[4].
Vậy Chúa
nhìn đến thụ tạo của Chúa nơi chính Chúa nghĩa là gì? Nói cách khác, việc Chúa tạo
dựng con người giống hình của Ngài nghĩa là gì?
1. Mạc khải
Cựu Ước về con người là hình ảnh của Thiên Chúa
Có hai trình
thuật nổi bật trong Kinh Thánh Cựu Ước mô tả việc Thiên Chúa tạo dựng con người.
Trong trình thuật thứ nhất, bằng Lời quyền năng, Thiên Chúa dựng nên con người
theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa. Đây là kết quả của một quyết định chưa từng
có của Thiên Chúa đối với các thụ tạo. Sách Sáng thế thuật lại rằng Thiên Chúa
tạo dựng người nam, người nữ theo hình ảnh của Ngài và ban cho họ quyền cai quản
vạn vật:
Thiên Chúa phán: “Chúng
ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người
làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật
bò dưới đất”. Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng
tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có
nữ Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: Hãy sinh sôi nảy
nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển,
chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất (St 1, 26-28).
Thông điệp
căn bản ở đây chính là con người là thụ tạo ưu tuyển của Thiên Chúa. Hình ảnh
Thiên Chúa nơi con người chính là yếu tố định tính và phân biệt con người với
các thụ tạo hữu hình khác: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình,
Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa; Ngài sáng tạo con người
có nam có nữ” (St 1, 27). Thiên Chúa đặt con người vào trung tâm và chóp đỉnh của
trật tự sáng tạo. Con người theo tiếng Hipri là “adam” được tạo dựng từ bụi đất
– “adamah”[5] và Thiên Chúa thổi hơi sự sống vào
mũi Adam (x. St 2, 7). Tuy thân xác con người chỉ là bụi đất, nhưng bụi đất này
lại có “hơi thở” của chính Thiên Chúa và có tương quan đặc biệt với Thiên Chúa.
Bởi đó, Mathews A. Kenneth, một học giả Kinh Thánh, đã nhắc lại giáo lý đức tin
chính thống của Giáo Hội về hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người:
Được tạo dựng theo hình ảnh
Thiên Chúa, con người có phẩm giá của một ngôi vị, không phải chỉ là một cái gì
đó mà là một ai đó. Con người có khả năng biết mình, làm chủ mình, tự do hiến
mình và tự nguyện hiệp thông với người khác. Hơn thế nữa, con người được ơn
Chúa mời gọi ký kết giao ước với Đấng Tạo Hoá của mình, lấy đức tin và tình yêu
đáp trả Ngài, một sự đáp trả mà không thụ tạo nào có thể làm thay con người.[6]
Dựa vào những
yếu tố văn hoá của vùng Lưỡng Hà Địa, một số nhà chú giải Kinh Thánh khác đã giải
thích rằng lối nói “hình ảnh Thiên Chúa” được hiểu như là đại diện của Thiên
Chúa. Lối nói này được áp dụng cho nhà vua, là kẻ ‘thay trời trị dân’, hành động
nhân danh Thiên Chúa. Vì thế, khi đưa lối nói này vào trong tác phẩm của mình,
các thánh ký muốn khẳng định rằng mọi người đều bình đẳng, vì mọi người đều là
hình ảnh của Thiên Chúa, nhà vua cũng như bao người khác đều là thụ tạo trong
các thụ tạo của Thiên Chúa.[7]
G. Von Rad thêm
rằng “chủ quyền cai quản thế giới” là nguyên do chủ yếu khiến con người nhận được
tư cách “hình ảnh của Thiên Chúa”[8]. Chính theo nghĩa này, con người được
xem như là đại diện của Thiên Chúa. Một số nhà chú giải khác thì nhấn mạnh: “Con
người là hình ảnh của Thiên Chúa khi con người có mối tương quan với Thiên
Chúa”[9].
Như vậy,
tương quan đặc biệt giữa Thiên Chúa với con người làm nên giá trị ưu việt của
con người trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Nói cách khác, mỗi con người
đã được dựng nên để hiện hữu trong tương quan với Thiên Chúa. Vị thế hình ảnh Thiên
Chúa nơi con người hệ tại chính ở mối tương quan đặc biệt này.[10]
Trình thuật
thứ hai mô tả Thiên Chúa như người thợ gốm nặn nên con người bằng đất sét, rồi
thổi sinh khí vào đó. Việc con người được nặn nên từ đất sét – biểu hiện yếu tố vật chất nơi con người – nói
lên sự mỏng giòn, yếu đuối của họ, nhưng cũng nói lên sự gần gũi của con người với
các loài thụ tạo hữu hình mà Thiên Chúa cũng đã dựng nên. Nét đặc biệt nơi con
người đó là nó được Thiên Chúa hà hơi vào lỗ mũi nó. Hơi thở là biểu hiện của yếu
tố thần linh; qua đó, con người gần gũi với Thiên Chúa hơn các sinh vật khác và
con người có sự sống hướng về Thiên Chúa: “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất
nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật”
(St 2, 7).
Nhờ quyền
năng Thiên Chúa, con người được hiện diện trên trần gian này. Sinh khí của
Thiên Chúa “Ζωτικότητα”[11] nghĩa là gió, hơi thở được xem là
thực tại tinh túy nhất của con người. Nhiều khi sinh khí cũng được hiểu như là
linh hồn hay thần khí “ψυχή”[12] của con người. Nói cách khác, dưới
nhãn quan Cựu Ước, sinh khí, thần khí hay linh hồn là nền tảng của sự sống,
giúp con người hiện diện và trưởng thành (Is 32, 15-17; Is 44, 3). Sinh khí
luôn vận động để đem lại sự sống cho con người, trong khi đó máu của con người
được xem là phương tiện vận chuyển sinh khí khắp cơ thể. Dưới nhãn quan của Cựu
Ước, “linh hồn và thân xác nên một, không thể chia cắt”[13].
Tóm lại, với
Kinh Thánh Cựu Ước, lối nói “con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên
Chúa” diễn tả vị thế ưu việt của con người trong chương trình sáng tạo của
Thiên Chúa. Thật vậy, con người có một phẩm giá riêng biệt, cao cả hơn mọi loài
thụ tạo hữu hình khác, vì ơn gọi của họ là sống Giao Ước với Thiên Chúa. Nhân
loại là hình ảnh của Thiên Chúa có nghĩa là nhân tính là đại diện hữu hình của
Thiên Chúa vô hình. Ngoài ra, Kinh Thánh Cựu Ước còn nhấn mạnh rằng nơi thân
xác con người được nắn nên từ đất sét có hơi thở thần linh của Thiên Chúa. “Con
người trong cái tổng thể của nó là hình ảnh của Thiên Chúa, không phân biệt
tinh thần và thể xác. Toàn thể nhân loại, không loại trừ bất kỳ ai, đều là hình
ảnh của Thiên Chúa.”[14] Con người có phẩm vị
cao quý giữa các thụ tạo hữu hình Thiên Chúa dựng nên nhờ bởi họ là hình ảnh của
Thiên Chúa và có hơi thở thần linh của Ngài nơi họ.
Cho dẫu mạc
khải Cựu Ước đã gợi mở giá trị ưu việt của con người trong chương trình sáng tạo
của Thiên Chúa khi nói rằng con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa,
nhưng hình ảnh Thiên Chúa nơi con người chỉ được làm sáng tỏ cách trọn vẹn
trong mạc khải Tân Ước qua khuôn mặt Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa Nhập thể.
2. Mạc khải
Tân Ước về con người là hình ảnh của Thiên Chúa
Mầu nhiệm con
người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa không chỉ được gợi nhắc trong
Cựu Ước, mà mầu nhiệm đó còn được biểu lộ cách tỏ tường trong Tân Ước.
2.1. Hình ảnh Thiên Chúa được phản
ánh trung thực nơi Chúa Giêsu Kitô
Trước hết, hình
ảnh Thiên Chúa được phản ánh cách trung thực nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng là hình ảnh
đích thực của Thiên Chúa vô hình ở giữa chúng ta. Ngài là Ađam mới, cũng là
Ađam cuối cùng. Trong các thư của mình, thánh Phaolô thường xác quyết với các
tín hữu rằng Chúa Giêsu chính là Đấng đến để hoàn thiện hình ảnh của Thiên Chúa
nơi con người. Ngài là Con Thiên Chúa, Ngài ‘giống như Thiên Chúa’ và chiếu toả
hình ảnh ánh quang của Thiên Chúa vốn bị che giấu đối với những người không tin,
nhưng những người tin vào Thiên Chúa lại được nhìn thấy hình ảnh vinh quang của
Thiên Chúa nơi dung nhan của Đức Kitô’ (2 Cr 4, 4-6). Ngài là “hình ảnh của
Thiên Chúa vô hình” (Cl 1, 15); Ngài cũng là Con Đầu lòng của mọi loài thọ tạo,
tức là hình ảnh của Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa, là “Con Một yêu dấu” (Cl 1,
13) và là Đấng được trao quyền trên mọi tạo vật.
Với tư cách
là Ađam mới, Chúa Kitô là đầu của nhân loại mới. Như Ađam cũ đã chia sẻ hình ảnh
với con cháu của mình, thì Đức Kitô cũng chia sẻ hình ảnh đó với con cháu của
Ngài, tức là những người ở trong Ngài: “Vì những ai Người đã biết từ trước, thì
Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của
Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8, 29).
Đặc biệt, trong
1Cr 15, 46-49, thánh Phaolô đề cập trực tiếp đến hình ảnh của Thiên Chúa nơi
con người trong mối liên hệ với Đức Kitô, vị Adam mới:
Loài xuất hiện trước
không phải là loài có thần khí, nhưng là loài có sinh khí; loài có thần khí chỉ
xuất hiện sau đó. Người thứ nhất bởi đất mà ra thì thuộc về đất; còn người thứ
hai thì từ trời mà đến. Những kẻ thuộc về đất thì giống như kẻ bởi đất mà ra;
còn những kẻ thuộc về trời thì giống như Đấng từ trời mà đến. Vì thế, cũng như
chúng ta đã mang hình ảnh người bởi đất mà ra, thì chúng ta cũng sẽ được mang
hình ảnh Đấng từ trời mà đến. (1Cr 15, 46-49)
Trong đoạn
thánh thư nêu trên, thánh Phaolô đã đưa ra một quan điểm nhân học và đưa ra sự
khác biệt giữa “con người đầu tiên” Adam cũ và “con người thứ hai” là Adam mới
là Chúa Kitô, dựa trên Sách Sáng Thế chương II. Mark Taylor nhận xét rằng việc
sử dụng kiểu chữ Adam-Kitô bắt nguồn từ (1Cr 15, 21-22) và việc Ađam cũ là người
đại diện cho tạo vật cũ, dẫn đến cái chết, thì Chúa Kitô là người đại diện cho
tạo vật mới, nhờ Ngài mà con người được sống lại.[15] Trong nhân học của thánh Phaolô, điều
trở nên rõ ràng là con người đã mang hình ảnh của con người trần thế và chỉ sau
khi sống lại, nhân loại mới hoàn toàn mang hình ảnh của Con Người trên trời. Sự
so sánh giữa Ađam và Đấng Kitô tiếp tục trong 1Cr 15, 47-49 với một sự thay đổi
nhỏ trong thuật ngữ “Ađam thứ nhất với Ađam cuối cùng” thành “người thứ nhất với
người thứ hai” và “người đến từ đất - người đến từ trời”.
Như vậy, dựa
trên xác tín của thánh Phaolô, chúng ta biết rằng trong Đức Kitô và được nên đồng
hình đồng dạng với Ngài, nhân loại có được hình ảnh Thiên Chúa trung thực nhất
nơi mình. Tuy nhiên, với ân huệ cao quý này, người ta được mời gọi phải sống và
gìn giữ hình ảnh ấy cách triệt để và toàn vẹn trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô.
2.2. Người tin sống và gìn giữ
hình ảnh Thiên Chúa nơi mình
Như đã được
trình bày ở trên, trọng tâm con người là hình ảnh của Thiên Chúa trong Tân Ước
nằm trong tương quan hình ảnh Chúa Kitô, hình ảnh đích thực của Thiên Chúa. Tân
Ước không chỉ nói về hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người, mà các tác giả Tân
Ước còn nhấn mạnh đến việc phải sống và gìn giữ hình ảnh ấy như thế nào.
Tin Mừng
thánh Matthêu chương XII đã đề cập đến một số cuộc tranh luận giữa Đức Chúa
Giêsu và những người Pharisêu liên quan đến “hình ảnh” của Thiên Chúa:
Xin Thầy cho biết ý kiến:
‘có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không?’ Nhưng
Đức Giê-su biết họ có ác ý, nên Người nói: ‘Tại sao các người lại thử tôi, hỡi
những kẻ giả hình! Cho tôi xem đồng tiền nộp thuế!’ Họ liền đưa cho Người một
quan tiền. Người hỏi họ: ‘Hình và danh hiệu này là của ai đây?’ Họ đáp: ‘của Xê-da’. Bấy giờ, Người bảo họ:
‘Thế thì của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa (Mt 22,
20-21).
Nguyên ngữ ‘εικόνα’ trong tiếng
Hy Lạp có thể được dịch theo nghĩa hẹp là “hình ảnh”, tương đương với từ
“zelem”[16] trong tiếng Do Thái được đề cập trong St 1, 26-27, có
nghĩa là một vật thể có hình dạng giống với hình hoặc bề ngoài của một vật thể
khác.[17] Sau khi hỏi những người Pharisêu về “hình ảnh” (εικόνα)
có trên đồng tiền Denarius, Chúa Giêsu khuyên họ “hãy trả cho Caesar những gì của
Caesar và những gì của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa” (Mt 22, 21). Một số
nhà chú giải coi đoạn văn này như một sự ám chỉ rõ ràng về việc con người được
tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Việc liên tưởng đến hình ảnh của Caesar
kéo theo nghĩa vụ đối với Caesar; do đó, việc liên kết với hình ảnh của Thiên
Chúa cũng phải kéo theo một nghĩa vụ đối với Thiên Chúa.[18] Chẳng hạn, nhà thần học John Nolland gợi ý rằng Caesar có quyền đối
với số tiền thuế được đóng dấu hình ảnh và dòng chữ của ông trên đồng tiền
Denarius, thì Thiên Chúa cũng có quyền đóng dấu “hình ảnh” và dòng chữ của Ngài
trên tất cả mọi người.[19] Chúa Giêsu tạo nên một sự tương phản tinh tế nhưng mạnh
mẽ. Do hình ảnh của Caesar được in ở trên đồng xu, nên ông có thể đòi tiền
thông qua việc đánh thuế; cũng thế, Đức Chúa đã đóng dấu hình ảnh của mình trên
từng con người được sinh ra trên đời này, nên Ngài có quyền đưa ra yêu sách đối
với từng người mang hình ảnh của Ngài. Chính những dòng chữ như vậy mà Thiên
Chúa đã in dấu hình ảnh của Ngài vào nhân loại bằng một một điều hết sức ấn tượng
không phải do búa, đục hay khuôn mẫu, mà là do sự khôn ngoan và quyền năng của
Ngài. Giống như Caesar yêu cầu hình ảnh của ông phải được in trên mỗi đồng xu,
Thiên Chúa cũng in dấu hình ảnh của Ngài trên từng con người.
Ở chỗ khác trong Tin mừng thánh Matthêu (Mt 19, 2-6), Chúa Giêsu khẳng định người nam và người nữ là hình ảnh của Thiên
Chúa. Trước câu hỏi của người Pharisêu về việc ly dị, Chúa Giêsu đã nhắc đến việc Thiên Chúa tạo dựng nên người nam và người nữ đều là hình ảnh của Thiên Chúa: “Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam
có nữ, và Người đã phán: ‘Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình,
và cả hai sẽ thành một xương một thịt” (Mt 19, 2-6). Chúa Giêsu từ chối làm
theo luật Môsê cho phép ly dị và hướng người Pharisêu trở về nguồn gốc trung thành
của hôn nhân lúc khởi đầu chương trình sáng tạo của Thiên Chúa. Thiên Chúa có
thể tạo dựng ra loài người theo nhiều cách khác nhau, nhưng Ngài đã không làm vậy, Ngài đã tạo dựng nên người
nam và nữ (St 1, 27).[20] Thánh John Chrysostom nhận xét rằng, Chúa Giêsu đưa ra một lập
luận mạnh mẽ không chỉ từ góc độ tạo dựng mà còn từ góc độ cứu chuộc. Trong quá
trình tạo dựng Ađam và Eva, Đức Chúa chỉ tạo ra một người nam và một người nữ,
đây là ý muốn của Ngài; nếu không thì Ngài đã tạo dựng nhiều phụ nữ. Hơn nữa,
Thiên Chúa cũng truyền lệnh một người nam phải kết hợp với một người nữ. Việc
sinh sản của vợ chồng là nghĩa vụ thiêng liêng và chỉ được thi hành trong mối
quan hệ một vợ một chồng. Do đó, có thể kết luận rằng Chúa Giêsu coi Sách Sáng Thế là nguồn gốc đích thực của công trình sáng tạo và là nền
tảng vững chắc cho kế hoạch của Thiên Chúa dành cho người nam và người nữ. Khi
tuân theo quy định của Thiên Chúa ngay từ lúc khởi đầu của chương trình
sáng tạo con người, con người phản ánh đúng nhất hình ảnh của Chúa trên thế
gian.
Không chỉ Tin Mừng Matthêu gợi nhắc những
việc thực hành cụ thể để biểu lộ hình ảnh Thiên Chúa nơi con người, mà thư của thánh Giacôbê Tông đồ còn nhấn mạnh đến ơn thánh Chúa, nhờ đó người ta cần
đón nhận để sống xứng đáng với tư cách của những người mang hình ảnh Thiên
Chúa. Thật vậy, Thư Gc 3, 8-12 cách nào đó đề cập đến con người là hình ảnh thánh
thiêng của Thiên Chúa. Đoạn thư này có mối liên hệ rõ ràng với St 1, 26. Bất chấp
có sự sa ngã của con người từ hành vi bên trong cũng như bên ngoài (St 6, 5), Thiên
Chúa vẫn tiếp tục làm cho sự sống con người trở nên thiêng liêng và có giá trị
hơn nhiều so với bất kỳ loài vật nào (St 9, 5-6; Gc 3, 9):
Nhưng cái lưỡi thì không
ai chế ngự được: nó là một sự dữ không bao giờ ở yên, vì nó chứa đầy nọc độc giết
người. Ta dùng lưỡi mà chúc tụng Chúa là Cha chúng ta, ta cũng dùng lưỡi mà
nguyền rủa những con người đã được làm ra theo hình ảnh Thiên Chúa. Từ cùng một
cái miệng, phát xuất lời chúc tụng và lời nguyền rủa. Thưa anh em, như vậy thì
không được. Chẳng lẽ một mạch nước lại có thể phun ra, từ một nguồn, cả nước ngọt
lẫn nước chua sao? Thưa anh em, làm sao cây vả lại có thể sinh ra trái ôliu, hoặc
cây nho sinh trái vả? Nước mặn cũng không thể sinh ra nước ngọt (Gc 3, 9).
Ở đây, thánh
Giacôbê nói về sự khó khăn trong việc thuần hóa cái lưỡi, từ đó nhìn nhận cái
lưỡi là một ‘kẻ ác không ngừng nghỉ’, cái lưỡi vừa nguyền rủa vừa chúc phúc những
người được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa. Mặc dù đoạn văn này không
nói rõ ràng về con người giống hình ảnh Thiên Chúa, nhưng thánh Giacôbê khẳng định
con người chính là hình ảnh của Thiên Chúa. Bất chấp có sự sa ngã của con người
gây nên đau khổ, mọi sự sống của con người đều thiêng liêng. Quả vậy, Thiên
Chúa đã tạo dựng con người “theo hình ảnh Ngài” (St 1, 27); vì lý do này, nếu
ai dám “nguyền rủa con người là cũng nguyền rủa Thiên Chúa”.[21] Hình ảnh Thiên Chúa có thể bị méo
mó do tội lỗi nhưng hình ảnh đó không bao giờ có thể bị xoá nhoà nơi con người.
Cũng đề cập
đến việc thực hành đức tin trong tư cách của những người mang lấy hình ảnh
Thiên Chúa nơi mình, thánh Phaolô đã căn dặn những người tin rằng: “Anh em đừng
nói dối nhau, vì anh em đã cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó rồi và
anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng
Tạo Hoá, để được ơn thông hiểu” (Cl 3, 9-10). Nguyên ngữ ‘hình ảnh Đấng Tạo
Hoá’ mà thánh Phaolô sử dụng có liên hệ đến đoạn (St 1, 26-27). Thánh Phaolô
cho rằng quá trình biến đổi thành “hình ảnh - εικόνα” của Đức
Kitô được thực hiện thông qua việc cởi bỏ con người cũ, cởi bỏ con người tội lỗi.
Con người cũ hoàn toàn khác với con người mới; nhân loại được đổi mới trong
Chúa Kitô. Tất cả những người có bản chất ‘mới’ này có thể được gọi chung là
con người mới.[22] John F. Kilner chỉ ra
rằng “đặc điểm nổi bật của nhân loại mới đó là quyền lực của tội lỗi đã bị phá
vỡ trong Đức Kitô.”[23] Thánh Phaolô nhắc nhở các kitô hữu
ý thức về những điều có thể ngăn cản họ trở thành con người mà Thiên Chúa đã dự
định cho họ khi sáng tạo. Ngài nhấn mạnh rằng họ phải trở nên con người mới trong
Chúa Kitô. Tất cả điều đó được thực hiện nhờ Chúa Kitô. Nói cách khác, công việc
của Chúa Kitô thay thế quyền lực của tội lỗi và cho phép nhân loại được biến đổi
thành hình ảnh hoàn hảo của Thiên Chúa.
Trong thư gửi
tín hữu Êphêsô, thánh Phaolô còn nhấn mạnh: “Vì thế, anh em phải cởi bỏ con người
cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh
em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em và phải mặc lấy con người mới, là
con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính
và thánh thiện” (Ep 4, 22-24). Diễn
giải đoạn thư này, John F. Kilner đã nhận định rằng: “Như trong thư Côlôsê,
thánh Phaolô đối chiếu hình ảnh mới với hình ảnh con người cũ “hư nát và những
ham muốn lừa dối”. Thiên Chúa đã quyết định thiết lập hình ảnh của Ngài trong
con người ngay từ thủa đời đời và ý định ấy đã được hoàn thành trong Đức Giêsu
Kitô. Cả hai đoạn văn ở Êphêsô và Côlôsê đều diễn tả hình ảnh sự Cứu Chuộc của
Chúa Giêsu làm cho con người giống hình ảnh Thiên Chúa hơn, chính xác hơn, giống
Đức Kitô hơn”[24].
Cũng diễn giải
tư tưởng nêu trên của thánh Phaolô, Harold Hoehner nhấn mạnh rằng hình ảnh
thánh thiêng trong nhân loại mới thay thế cho nhân loại cũ đã bị lột bỏ; Đức
Kitô là nguyên mẫu của nhân loại mới, là nguồn gốc của sự công chính và thánh
thiện.[25] Ông cũng thêm rằng:
“Con người mới được xác định là con người có sự công chính và thánh thiện. Con
người mới hoàn toàn khác với con người cũ, vì con người cũ với những ham muốn
và lối sống của họ bắt nguồn từ sự lừa dối.”[26] Con người mới là tạo vật giống hình
ảnh của Thiên Chúa, những người tin Chúa phải sống trong sự công chính như Ngài
là Đấng công chính và thánh thiện.
Không chỉ
thánh Phaolô đề cập đến con người mới trong Đức Kitô, mà tác giả thư gửi tín hữu
Hipri cũng có cùng một xác quyết này. Thật vậy, tác giả viết: “Người [Đức Kitô] là phản ánh vẻ huy
hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng lời
quyền năng của mình mà duy trì vạn vật. Sau khi đã tẩy trừ tội lỗi, Người lên
ngự bên hữu Đấng Cao Cả trên trời” (Dt 1, 3). Ở đây tác giả trình trình bày
khái niệm về hình ảnh của con người giống Thiên Chúa qua sự cứu chuộc của Đức
Giêsu. Nhờ ơn cứu chuộc này mà người ta được tẩy trừ tội lỗi và được trở nên giống
hình ảnh Đức Giêsu, Đấng là hình ảnh đích thực của Thiên Chúa. Michael Heiser
nhận xét tác giả sách Hebrews sử dụng lối diễn đạt chính xác khi gọi Chúa Giêsu
là “hình ảnh trung thực (χαρακτήρ) của Thiên Chúa”[27].
2.3. Hình ảnh Thiên Chúa trong viễn
tượng cánh chung
Tân Ước
không chỉ nêu lên những thực hành đức tin cụ thể trong hiện tại liên quan hình ảnh
Thiên Chúa nơi con người, mà một số các tác giả Tân Ước còn đề cập đến hình ảnh
Thiên Chúa trong mầu nhiệm cánh chung.
Chẳng hạn,
trong thư thứ nhất của mình, thánh Gioan viết: “Anh em thân mến, hiện giờ chúng
ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ.
Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì
Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.” (1Ga 3, 2). Đoạn trích này liên
quan đến hình ảnh con người được tái tạo giống hình ảnh Thiên Chúa khi Ngài được
mặc khải cho chúng ta. Ý tưởng ấy cũng dựa trên ý tưởng của (St 1, 26). I.
Howard Marshall đã khám phá rằng, tác dụng của việc “nhìn thấy Chúa Giêsu là
làm cho chúng ta giống Ngài”, giống như một tấm gương phản chiếu hình ảnh của
người đứng trước nó.[28]
Cũng nêu lên
hình ảnh Thiên Chúa nơi con người trong viễn tượng cánh chung, thánh Phaolô bảo
rằng: “Vì thế, cũng như chúng ta đã mang hình ảnh người bởi đất mà ra, thì
chúng ta cũng sẽ được mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến” (1Cr 15, 49). Nhờ Chúa
Thánh Thần mà con người hoàn toàn trở nên hình ảnh của Thiên Chúa: “Tất cả
chúng ta, mặt không che màn, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một bức
gương; như vậy, chúng ta được biến đổi nên giống cũng một hình ảnh đó, ngày
càng trở nên rực rỡ hơn, như do bởi tác động của Chúa là Thần Khí” (2 Cr 3,
18).
Dẫu hình ảnh
Thiên Chúa nơi con người sẽ được hoàn tất trong ngày cánh chung, nhưng các tác
giả Tân Ước luôn nhắc đến khía cạnh hiện sinh về mầu nhiệm cánh chung này. Chẳng
hạn, thánh Gioan lưu ý: “Phàm ai đặt hy vọng như thế vào Đức Kitô thì làm cho
mình nên thanh sạch như Người là Đấng thanh sạch” (1Ga 3, 3).
Riêng với
thánh Phaolô, ngài đi xa hơn nữa khi nhắc nhở các Kitô hữu: “Anh em đã mặc lấy
con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá, để được
ơn thông hiểu. Vậy không còn phải phân biệt Hy Lạp hay Do thái, cắt bì hay
không cắt bì, man di, mọi rợ, nô lệ, tự do, nhưng chỉ có Đức Kitô là tất cả và ở
trong mọi người” (Cl 3, 10-11; Gl 3, 28). Quả thật, nhân loại là đại diện của Thiên Chúa
trên trái đất. Trong một ý nghĩa xa hơn, Chúa Kitô là đại diện ‘duy nhất’ của
Thiên Chúa trên trái đất và cộng đồng các tín hữu trở thành nơi cư trú của
Thiên Chúa trên mặt đất này. Giống như sự sáng tạo nên loài người là hình ảnh của
Thiên Chúa nói lên sự bình đẳng của tất cả mọi người trước Thiên Chúa, thì cũng
vậy trong cộng đồng nhân loại mới không thể có sự phân chia về chủng tộc hay
giai cấp. Có thể nói, chương đầu của Sách Sáng Thế trình bày toàn thể nhân loại
là hình ảnh của Thiên Chúa, thì nơi Thánh Phaolô, Chúa Kitô là hình ảnh đích thực
duy nhất và nhân loại là hình ảnh của Thiên Chúa xét theo mức độ giống Chúa
Kitô. Đối với ngài, đây là cách mà nhân loại, vốn đã là hình ảnh của Thiên
Chúa, có thể trở thành con người trọn vẹn, mang hình ảnh của Thiên Chúa.
Tóm lại, Kinh thánh Tân Ước trình bày ý tưởng về con người là hình ảnh Thiên Chúa qua chính Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã Nhập thể và trở thành hình ảnh hoàn hảo của Thiên Chúa trong thân phận con người. Ngài là Thiên Chúa thật và là người thật. Quan niệm về “hình ảnh Thiên Chúa” tuy được hiểu khác nhau trong Tân Ước nhưng đều quy về một điểm duy nhất con người chính là hình ảnh của Thiên Chúa. Con người là hình ảnh của Thiên Chúa được Thánh Phaolô và nhiều tác giả Tân Ước giải thích rất sâu sắc trong (St 1, 26-28). Thánh Phaolô xác định Chúa Giêsu là hình ảnh của Thiên Chúa (Cl 1,15; 2 Cr 4,4). Tuy nhiên, Đức Kitô vượt xa Ađam cũ và toàn thể nhân loại trong vinh quang, vì Ngài là hình ảnh vĩnh cửu và hoàn mỹ của Thiên Chúa và là Đấng Tạo hóa của muôn loài muôn vật. Trong Đức Kitô, với Đức Kitô và nhờ Đức Kitô, các tín hữu được mặc lấy con người mới và phải sống tư cách của con người mới trong hiện tại để đạt tới sự viên mãn của mình trong ngày cánh chung.
CHƯƠNG II: TRUYỀN THỐNG SUY TƯ THẦN
HỌC VỀ CON NGƯỜI - HÌNH ẢNH CỦA THIÊN CHÚA
Ngay từ thời kỳ đầu của truyền thống Kitô giáo, các Giáo
Phụ là những người đầu tiên có nhiều suy tư về chủ đề ‘con người là hình ảnh của
Thiên Chúa’. Các Giáo Phụ cũng dựa vào Mạc khải Kinh Thánh để khám phá ý nghĩa
sâu xa của chủ đề này. Không những vậy, qua các giai đoạn lịch sử từ thời Kinh
viện cho đến nay, truyền thống suy tư thần học Kitô giáo cũng vẫn không ngừng
đào sâu chủ đề này. Cách tiếp cận và quan điểm của mỗi thời kỳ và của mỗi tác
giả có có khi khác biệt nhau, nhưng điều đó cho thấy sự phong phú và đa dạng
trong suy tư thần học về chủ đề này. Dưới đây, người viết lần lượt tìm hiểu
truyền thống suy tư thần học về “hình ảnh Thiên Chúa” qua các giai đoạn khác
nhau.
1. Suy tư của các Giáo Phụ về “hình ảnh
Thiên Chúa”
Trước tiên, người
viết đề cập tư tưởng của thánh Clêmentê thành Alexandria. Giáo Phụ này khẳng định:“Con
người không phải là hình ảnh, nhưng được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa.
Hình ảnh ở đây chính là Logos vĩnh cửu, Ngôi Lời tiền hữu của Thiên Chúa”.[29]
Ở đây, thánh Clêmentê nhấn mạnh đến Ngôi Lời – hình ảnh thật của Thiên Chúa mà
con người được mang lấy. Thánh Giáo Phụ này còn nhận định rằng con người nhờ khả
năng trí tuệ mà có khả năng suy tư và thông dự vào lý tính thần linh của Thiên
Chúa. Hình ảnh Thiên Chúa thể hiện ở phần tinh hoa nhất của con người, tức là
linh hồn - trí năng - tinh thần. Do đó, linh hồn cao trọng hơn thân xác, mặc dù
thân xác không phải là điều xấu và cùng với muôn loài thụ tạo khác thân xác được
tạo dựng với ý định tốt lành. Thánh Giáo Phụ lập luận:
Hình ảnh của
Thiên Chúa chính là Ngôi Lời Thiên Chúa và hình ảnh của Ngôi Lời được phản ánh
nơi con người, đặc biệt qua khả năng lý trí. Sở dĩ người ta nói con người được
dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa và giống với Thiên Chúa là cũng vì lẽ đó;
nghĩa là, nhờ trí năng của linh hồn mà con người trở nên giống Lý Tính tối thượng
của Thiên Chúa, là chính Ngôi Lời; và nhờ đó, con người trở thành hữu thể biết
lý luận.[30]
Thánh Clêmentê còn
khẳng định thêm rằng con người thần thiêng hiện hữu trong hình dạng con người hạ
giới (St 2,7) và phải cố gắng tự giải thoát bằng việc chế ngự các giới hạn của
cuộc sống trần gian để đạt đến mức “giống như” Thiên Chúa. “Hình ảnh Thiên
Chúa” và sự “giống như Thiên Chúa” đã được thấy nơi hình ảnh của Đức Kitô; do
đó, Ngài là khuôn mẫu và thầy dạy của các Kitô hữu, hướng dẫn họ trên con đường
phải đi để tìm lại sự “giống như” Ngài.
Giáo Phụ Origen
cùng đồng quan điểm với thánh Clêmentê khi ông đọc thấy trong đoạn Sách Thế mô
tả “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa” (St 1,27). Theo
Origen, chỉ Đấng Cứu Thế mới xứng là hình ảnh trọn vẹn nhất, còn con người thì
được dựng nên theo hình ảnh đó. Nhãn quan của Origen rất năng động. Thật vậy,
ông nhấn mạnh rằng con người phải đi từ “hình ảnh” tới sự “giống như”; “giống
như” đồng nghĩa với việc họ được cứu độ, còn “hình ảnh” là dấu chứng của lời mời
gọi đó. Giáo Phụ này diễn giải:
Cũng như kẻ
thấy hình ảnh của một ai đó thì cũng thấy cái mà nó là hình ảnh; nhờ Ngôi Lời
Thiên Chúa vốn là hình ảnh Thiên Chúa, kẻ ấy thấy được Thiên Chúa. Như vậy, “ai thấy Ta là
thấy Cha Ta” quả là đúng. Chính là để giống như hình ảnh Thiên Chúa mà con người
được dựng nên. Đấng Cứu Thế là hình ảnh Thiên Chúa, do động lòng trắc ẩn thương
xót con người khi thấy họ, vốn được dựng nên giống như Người, lại khước từ hình
ảnh của Người để mặc lấy hình ảnh ma quỷ; cho nên chính Người đã mặc lấy hình ảnh
con người và đến với họ, như thánh Tông đồ đã xác nhận khi nói: “dù là Thiên
Chúa Người đã không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng
đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mang lấy thân phận nô lệ, trở nên giống phàm
nhân và sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình cho đến chết.[31]
Ngoài tư tưởng của
thánh Clêmentê thành Alexandria và Giáo Phụ Origen, chúng ta còn bắt gặp những
suy tư sâu sắc của thành thánh Athanasiô về “hình ảnh
Thiên Chúa”. Thánh Athanasiô là người đã hăng say bảo vệ Công Đồng Nicêa, chống
lại bè rối Ariô khi ngài khẳng định rằng: “Ngôi Lời là Thiên Chúa, đồng bản thể
với Thiên Chúa Cha; vì thế, con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa
thì cũng được tạo tác dựa trên khuôn mẫu Ngôi Lời Nhập Thể, Ngài là hình ảnh của
Thiên Chúa Cha”.[32] Theo vị
Giáo Phụ này, chính trong tư cách là hữu thể có lý trí mà con người được dựng
nên theo hình ảnh của Ngôi Lời và chính Ngôi Lời Nhập Thể cho phép con người
sau khi sa ngã tìm lại được tương quan đích thực giữa họ với Người và qua đó
tìm lại được đặc tính “hình ảnh”.
Khác với tư tưởng
thánh Athanasiô, thánh Grêgôriô Nyssa quả quyết: “Con người là hình ảnh của
Thiên Chúa, vì con người có sự tự do”[33]. Ngài giải
thích rằng Thiên Chúa đã dựng nên muôn loài thụ tạo do lòng nhân hậu của Người;
Người trao ban cho con người mọi sự và chẳng hề giữ lại gì cho mình; Người ban
cho con người sự tự do một cách trọn vẹn và nhưng không; trong mọi điều thiện hảo,‘tự
do’ là món quà cao quý nhất; vì thế, con người giống hình ảnh Thiên Chúa nơi sự
tự do. Thánh nhân lý giải:
Bởi lẽ, nếu
Thiên Chúa là nguồn viên mãn của mọi điều thiện hảo và con người được dựng nên theo
hình ảnh của Ngài, thì chính trong sự thiện hảo này mà hình ảnh ấy được mời gọi
đạt đến sự trọn lành. Như vậy, nơi chúng ta, có đủ mọi điều tốt lành, cũng như
đủ mọi nhân đức, sự khôn ngoan và tất cả những phẩm chất cao quý. Một trong những
đặc ân cao quý nhất là tự do, tự do không bị ràng buộc và không khuất phục trước
bất kỳ điều gì, nhưng con người có khả năng tự quyết định cách tự do. Thực vậy,
nhân đức không thể tồn tai nếu khi thực hiện một cách miễn cưỡng hoặc ép buộc.[34]
Giáo Phụ Taxianô
thì suy diễn rằng con người với toàn thể thân xác và linh hồn là hình ảnh của
Thiên Chúa. Ông đã giải thích điều ấy bằng một sự tách biệt con người là một hợp
thể gồm một linh hồn và một thân xác. Ông quả quyết:
Chỉ mình con
người mới là hình ảnh Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa và tôi gọi là “người”
chứ không phải kẻ sống như loài vật; con người được dựng nên để hướng về Thiên
Chúa. Linh hồn là nơi ở của thân xác và thân xác cũng là nơi chứa đựng linh hồn.
Nếu như một hợp thể như thế trở nên đền thờ, thì Thiên Chúa muốn cư ngụ ở đó, bằng
chính thần trí cao cả; nhưng nếu hợp thể này không trở nên đền thờ thì con người
chỉ hơn con vật ở chỗ có tiếng nói và cũng giống y như chúng, chứ chẳng giống
như Thiên Chúa.[35]
Một trong số các
Giáo Phụ nổi bật nhất chúng ta cần nhắc đến đó là thánh Irênê thành Lyon. Thánh
Irênê khẳng định: “Nơi Ađam, chúng ta được
dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa và do tội lỗi con người
đã đánh mất cả hai, nhưng không mất đi mãi mãi, vì con người sẽ lấy lại được
chúng nhờ Đức Kitô”[36]. Thánh nhân
nhận ra rằng ơn gọi của con người là trở nên hình ảnh và giống như Thiên Chúa.
Con người được Thiên Chúa dựng nên theo mẫu thức là phải trở nên ‘cái họ là’,
theo ơn gọi của họ. Lúc khởi đầu, hình ảnh chỉ là cái manh nha của sự hoàn hảo.
Nhưng nhờ vào đời sống đạo đức và kết hợp với Thiên Chúa mà hình ảnh nơi con
người được tăng triển.[37] Thánh nhân
cũng phân biệt rõ giữa “hình ảnh” và “giống như”. “Hình ảnh” nói lên một sự
thông dự về hữu thể, còn “giống như” ám chỉ tính cách luân lý. Con người tội lỗi
vẫn là “hình ảnh” Thiên Chúa, nhưng không còn “giống” Thiên Chúa nữa. Tiến
trình cứu độ và thánh hóa nhằm giúp cho con người được trở thành “giống” Thiên
Chúa hơn.[38]
Đồng quan điểm với thánh
Irênê, Giáo Phụ Tertulianô cũng tin rằng con người vẫn là hình ảnh Thiên Chúa
dù sau khi họ đã phạm tội và hình ảnh ấy được phục hồi lại như trước nhờ vào Ân
sủng của Chúa Thánh Thần. Ông viết: “Nhờ Ân sủng của Thánh Thần, những người vốn
không quen sửa chữa những khuyết điểm trên thân thể mình, giờ đây đã được chữa
lành cả về tinh thần. Tội lỗi cũng được xóa bỏ. Do đó, con người sẽ được phục hồi
lại hình ảnh của Thiên Chúa.”[39] Ngoài ra, Giáo Phụ Tertulianô còn suy luận thêm rằng: ‘Ý chí tự do và
việc làm chủ bản thân’, là hai khía cạnh làm cho con người giống hình ảnh của
Thiên Chúa nhất: “Con người là hình ảnh và giống Thiên Chúa phải được hình
thành với ý chí tự do và sự làm chủ bản thân”.[40]
Riêng với
Tertulianô, Giáo Phụ này đưa ra một công thức diễn tả rất minh bạch về hình ảnh
con người mà sau này Công Đồng Vaticanô II sẽ lấy lại trong (GS 22): “Vì vậy, bất
cứ điều gì mà bụi đất đã diễn đạt thì đều hướng về Đức Kitô, Đấng sẽ đến”. Theo
ông, bụi đất được mặc lấy hình ảnh Đức Kitô, Đấng phải đến trong thân phận xác
phàm, Ngài không chỉ là công trình của Thiên Chúa, mà còn là bảo chứng cho lời
hứa của Thiên Chúa; nhờ vậy, con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa
nơi cả linh hồn lẫn thân xác.[41] Tertulianô
còn thêm rằng: “Việc Ngôi Lời Nhập Thể không nhất thiết liên hệ đến tội Ađam.
Ngôi Lời đến trần gian là để tỏ lộ cho thấy sự hoàn hảo của con người, được dựng
nên theo hình ảnh Thiên Chúa”[42].
Còn thánh Hippôlytô
viết trong khảo luận chống lạc thuyết
phái Ngộ Đạo đã khẳng định, con người được Thiên Chúa thần hoá trở nên “bất tử”
và con người là “hình ảnh” của Thiên Chúa. Thánh nhân diễn giải: “Những đau khổ
mà bạn chịu trong thân phận làm người, tất cả đều do Thiên Chúa gửi đến, vì bạn
là con người; còn những gì thuộc về Thiên Chúa, thì Người đã hứa ban cho bạn
khi bạn được thần hoá và trở nên bất tử. Ngay từ đầu, Người đã gọi con người là
hình ảnh của Người và khi cho họ nên giống hình ảnh Người, Người tỏ lòng yêu
quý bạn biết chừng nào.[43]
Khác với các Giáo
Phụ khác, thánh Augustinô thì tin rằng “con người được dựng nên theo hình ảnh
Thiên Chúa Ba Ngôi. Hình ảnh chủ yếu nằm trong linh hồn, mà linh hồn lại có một
cơ cấu tam phân: ký ức, lý trí và ý muốn.”[44] Ngài viết:
Bộ ba này
không thể tách rời nhau, cũng như Ba Ngôi Thiên Chúa vậy. Ký ức là hình ảnh của
Chúa Cha; lý trí là hình ảnh của Chúa Con - Ngôi Lời; ý muốn là hình ảnh của
Chúa Thánh Thần, tức Tình yêu. Nếu ba khả năng tinh thần này luôn hòa nhập với
nhau cùng trong một con người thì Ba Ngôi cũng đều bằng nhau, luôn ở trong nhau
và liên kết với nhau trong cùng một bản tính duy nhất. Như thế, nếu Ba Ngôi là
ký ức về mình, nhận thức về mình và yêu lấy mình thì linh hồn chính là hình ảnh
của Ba Ngôi. Chính trong sự gắn bó mật thiết giữa ký ức về mình, nhận thức về
mình và việc yêu lấy mình (tương tự như sự gắn bó của Ba Ngôi Thiên Chúa) mà con
người là hình ảnh Thiên Chúa cách trọn vẹn nhất. Linh hồn không phải là hình ảnh
riêng của một Ngôi Vị nào, nhưng là hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi.[45]
Tuy nhiên, cũng giống
như luận điểm về hình ảnh của Tertulianô, Augustinô khẳng định rằng hình ảnh
con người không mất đi, dù họ đang mang trong mình những khía cạnh tội lỗi.
Hình ảnh ấy có thể bị phai mờ, không xuất hiện rõ ràng, hoặc nó có thể bị chìm
trong bóng tối hay bị biến dạng… nhưng hình ảnh ấy vẫn rực rỡ, đẹp đẽ và luôn tồn
tại.
Tóm lại, các Giáo
Phụ có những suy tư và quan điểm phong phú về “con người là hình ảnh của Thiên
Chúa”. Thánh Clêmentê thành Alexandria cho rằng con người là hình ảnh Thiên
Chúa qua Ngôi Lời Vĩnh Cửu và con người với lý trí có thể tham dự vào lý tính
thần linh. Origen nhấn mạnh sự tiến trình từ “hình ảnh” đến “giống như” Thiên
Chúa, trong đó chỉ Đấng Cứu Thế là hình ảnh trọn vẹn. Thánh Athanasiô xác định
con người được dựng nên theo hình ảnh Ngôi Lời Nhập Thể. Thánh Grêgôriô Nyssa
coi sự tự do là yếu tố cốt yếu để con người mang hình ảnh Thiên Chúa. Thánh
Irênê và Tertulianô đồng ý rằng con người vẫn giữ được hình ảnh ấy dù họ đã sa
ngã phạm tội. Tertulianô còn nhấn mạnh “ý chí tự do” là yếu tố quan trọng.
Thánh Hippôlytô coi con người là hình ảnh Thiên Chúa khi họ được thần hóa.
Thánh Augustinô tin rằng hình ảnh Thiên Chúa nằm trong cấu trúc tam phân của
linh hồn: ký ức, lý trí và ý chí, tương ứng với Ba Ngôi Thiên Chúa, dù họ bị tội
lỗi che phủ nhưng hình ảnh ấy vẫn tồn tại nơi con người.
2. Suy tư của các thần học gia Kinh
viện về “hình ảnh Thiên Chúa”
Tiếp nối nền thần học của các Giáo Phụ, các học giả thời
Kinh viện cũng suy tư theo chiều hướng ‘con người là hình ảnh của Thiên Chúa’
và những sự suy luận ấy đã tạo nên một nền nhân học Kitô giáo độc đáo. Khi suy
tư về “hình ảnh Thiên Chúa” nơi con người, đa số các thần học gia giai đoạn này
chú trọng nhiều đến khả năng về lý trí, ý chí tự do. Nói cách khác, đa số các
thần học gia Kinh viện thường nhấn mạnh đến lý trí, ý chí tự do như là sự thể
hiện của hình ảnh Thiên Chúa nơi con người.
Trước tiên, Hugo
Saint Victor, người ảnh hưởng tư tưởng của Platon, đã lập luận rằng linh hồn
thì cao trọng hơn thân xác và linh hồn chính là toàn thể con người.[46] Ngược lại,
Guillaume d’Auxerre thì đề cao sự “tự do, ý chí” của con người là hình ảnh tiêu
biểu nhất của Thiên Chúa. Đối với ông, tự do là cái gì đó sâu thẳm không thể dò
thấu; bởi lẽ, mọi sự phát xuất từ nó và chính nhờ tự do mà con người hướng về
Thiên Chúa.[47]
Khác với quan điểm
với Guillaume, thánh Bênađô thì tin rằng con người là hình ảnh Thiên Chúa qua
các tài năng lý trí và ý chí của con người. Khi Thiên Chúa dựng nên con người,
Ngài đã ban cho họ khả năng nhận biết và quyết định, để từ đó con người trở nên
giống Thiên Chúa hơn.[48]
Khác với tất cả các học giả khác, thánh
Tôma Aquinô tin rằng: “Con người được dựng nên theo hình ảnh của Ba Ngôi Thiên
Chúa, vì Ba Ngôi đều có cùng một bản tính thần linh, nên linh hồn con người là
sự phản ảnh Ba Ngôi cách trọn vẹn”.[49] Thánh nhân
suy tư rằng, tất cả Ba Ngôi cùng dựng nên con người giống hình ảnh mình. Con
người có khả năng nhận biết và yêu mến Thiên Chúa, bởi vì con người phản ánh
Thiên Chúa nơi chính bản thân qua những nét đặc thù của Thiên Chúa như lý trí,
tự do và bản tính hướng về thần linh. Sau khi giải thích rằng cốt yếu của “hình
ảnh Thiên Chúa” ở chỗ biết và mến Chúa, tác giả phân biệt ba cấp độ: Cấp I (imago
creationis, naturae) có thể áp dụng cho tất cả mọi người, bởi vì bất cứ
người nào cũng có khả năng hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa; cấp II (imago
recreationis, gratiae) chỉ có ở nơi những người sống trong tình trạng ân
sủng, nghĩa là khi họ thực sự hiểu biết và yêu mến Chúa (sự khác biệt giữa hai
cấp nằm ở chỗ là ở cấp I, hết mọi người đều có khả năng hiểu biết và yêu mến
Chúa, còn cấp II nói đến những người thực hiện sự hiểu biết và yêu mến Chúa); cấp
III (imago similitudinis, gloriae) dành cho các thánh nhân trên trời,
bởi vì họ hiểu biết và yêu mến Chúa cách trọn hảo.[50]
3. Suy tư của các thần học gia Cận-hiện
đại về “hình ảnh Thiên Chúa”
Trên đây, người viết
đã trình bày và phân tích tư tưởng của các thần học gia tiêu biểu thời Kinh viện
về “hình ảnh Thiên Chúa”. Tiếp đến, người viết đề cập đến những suy tư thần học
thời Cận-hiện đại về chủ đề này.
Trong hai thiên
niên kỷ qua, các nhà thần học và các học giả đã nỗ lực tìm kiếm một sự đồng thuận
về ý nghĩa của việc con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa,
dựa trên đoạn Sách Sáng thế (St 1, 26-27). Cần phải xác định rằng con người
không phải là Thiên Chúa, mà là hình ảnh của Ngài. Sách Sáng Thế không cho
chúng ta biết Thiên Chúa đã ban hay truyền đạt cách cụ thể về hình ảnh của Ngài
cho con người như thế nào, nhưng các tác giả khẳng định rõ ràng rằng: “Thiên
Chúa đã tạo nên con người theo hình ảnh Ngài” (St 1,27). Việc giải thích về con
người được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa là một trong những nỗ lực suy
tư thần học khá sôi nổi giai đoạn này. Đa số các thần học gia giai đoạn này nhấn
mạnh đến “hình ảnh Thiên Chúa” như là yếu tố quan trọng làm nên “bản thể”, bản
chất con người và phân biệt con người với các thụ tạo hữu hình khác mà Thiên
Chúa đã dựng nên. Theo đa số các nhà thần học cận-hiện đại, hình ảnh của Thiên
Chúa trong con người phải liên quan đến một số khía cạnh, trong đó con người giống
với Thiên Chúa nhưng không giống như các loài động vật khác. Con người và các
loài động vật khác đều là những thọ tạo được Thiên Chúa dựng lên, nên những
khía cạnh chung mà con người chia sẻ với động vật không thể tạo nên sự khác biệt
giữa con người với chúng. Vì con người được tạo ra theo hình ảnh của Thiên Chúa
nên phải có một số nét “giống” với Thiên Chúa mà các loài động vật khác không
có được. Phải có một số khía cạnh nào đó trong cấu trúc hoặc bản chất của con
người cho thấy, họ được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa.
Đầu tiên, nhà thần
học Gregory Boyd nhận định quan điểm nêu trên. Và dĩ nhiên, quan điểm đó cũng
đã được nhiều nhà thần học vĩ đại trước đây ủng hộ như thánh Augustinô, thánh
Tôma Aquinô và ngay cả nhà thần học cải cách như John Calvin cũng đồng ý. Họ
xác định quan điểm về ‘bản chất’ của hình ảnh con người làm sáng tỏ vị trí của
hình ảnh Thiên Chúa trong con người chính là linh hồn.[51]
Kế đến, thần học
gia John Hammett cũng đồng ý quan điểm trên, nhưng ông thêm rằng hình ảnh con
người qua bản chất ấy [linh hồn] phải kết hợp với những tài năng khác góp phần
làm sáng tỏ về hình ảnh con người giống Thiên Chúa cách vẹn toàn hơn, nhờ vào cảm
xúc, ý chí, lý trí và lương tâm.[52]
Bản chất về hình ảnh
con người cũng được Boyd phát triển thêm, “vì con người gồm linh hồn và thân
xác, nên con người có khả năng luôn hướng về điều thiện”[53]; vì thế, những
hành động về bản năng của con người thì khác với các loài động vật khác. Vì vậy,
con người luôn hướng về khả năng yêu thương, sự thánh thiện, ghét điều ác và chọn
điều lành (2Sb 7, 14; 2Tm 2, 19-22; Mt 22, 36-40) là những món quà cao quý nhất
mà Thiên Chúa đã phú vào tâm hồn con người.[54] Còn Louis
Berkhof thì lập luận: “Hình ảnh của Thiên Chúa bao gồm những thuộc tính cụ thể
chỉ có ở con người, chẳng hạn như sức mạnh trí tuệ, tình cảm tự nhiên và tự do
đạo đức”[55].
Các học giả khác
như Brunner ủng hộ quan điểm tính toàn vẹn của hình ảnh của Thiên Chúa được ban
cho tất cả mọi người và không ai có nhiều phẩm tính hình ảnh hơn những người
khác. Do đó, ngay cả những người không theo đạo Công giáo họ vẫn hoàn toàn là
con người, giống như những tín hữu tận tụy của Chúa Giêsu Kitô. Họ là những con
người thật sự và mang trong mình hình ảnh của Thiên Chúa. Họ đều được ban cho
khả năng nhận biết chân lý, khả năng suy luận, đánh giá và phân biệt được điều
tốt cũng như điều xấu… mặc dù họ chưa được nhận biết về Thiên Chúa, về Thánh
Kinh và những giáo lý của Ngài. Vì vậy, Brunner nhận định rằng dù chưa nhận biết
Thiên Chúa cách trọn vẹn, nhưng họ có thể đạt được một phần chân lý về Ngài qua
những hành động hướng thiện và những việc làm tốt lành ngoài ân sủng.[56]
Mặc dù cách giải
thích này đã được một số bộ óc thần học vĩ đại nhất trong lịch sử Giáo hội
phương Tây ủng hộ, nhưng chắc chắn là chưa đủ. Thần học gia Joel Beeke không đồng
ý với quan điểm của Brunner, vì ông cho rằng nếu hình ảnh của Thiên Chúa không
gì khác hơn là sự phản chiếu trong gương như Brunner đã gợi ý, thì khi tấm
gương quay đi, hình ảnh đó sẽ biến mất. Vì vậy, hình ảnh Thiên Chúa phải vượt
lên trên những điều ấy và đó chính là mối tương quan giữa con người với Thiên
Chúa.[57]
Cũng đồng quan điểm
với Joel Beeke, Ron Highfield nhận đình rằng hình ảnh Thiên Chúa trong con người
giống như sự phản ánh mối tương quan giữa các ngôi trong Ba Ngôi Thiên Chúa.
Ông giải thích: “Bản chất của Thiên Chúa là mối tương quan, vì Thiên Chúa là
Cha, Con và Thánh Thần. Chúng ta phải phản ánh hình ảnh của Thiên Chúa đến mức
chúng ta duy trì mối quan hệ giữa Thiên Chúa và đồng loại.”[58]
Ngược lại, triết
gia Immanuel Kant đã bác bỏ quan điểm về ‘mối tương quan hình ảnh Thiên Chúa
nơi con người’. Ông coi bản chất con người là hình ảnh Thiên Chúa. Theo Kant,
“quyền tự chủ là nền tảng của phẩm giá con người và mọi sinh vật có lý trí”.
Ông lập luận thêm: “Bản chất của sự vật không bị thay đổi bởi các mối quan hệ
bên ngoài của chúng”. Nói cách khác, con người giống hình ảnh Thiên Chúa vì một
điều gì đó nội tại trong bản chất của họ chứ không phải vì họ có tương quan với
Thiên Chúa.[59]
Không cùng quan điểm
với các thần học gia trên, Berkouwer dựa vào đoạn Kinh Thánh (St 1,26-28), ông
cho rằng quyền thống trị mà Thiên Chúa đã ban cho con người làm cho con người
là hình ảnh của Thiên Chúa nhất; dù quyền này được ban sau khi con người được dựng
nên.[60] Gerhard von
Rad cũng đồng ý như thế khi khẳng định rằng con người là hình ảnh Thiên Chúa
khi con người thực hiện quyền thống trị và ông diễn giải qua một ví dụ: “Một vị
vua trần thế đầy quyền lực, để thể hiện quyền thống trị của mình, đã dựng tượng
của mình ở các vùng trong đế quốc của mình, nơi ông không đích thân xuất hiện.
Tương tự như vậy, con người được đặt trên trái đất theo hình ảnh của Thiên Chúa
như biểu tượng tối cao của Ngài.”[61] Berkhof thì
bác bỏ lập luận trên của Berkouwer và Gerhard von Rad, ông khẳng định rằng quyền
thống trị là một nhiệm vụ được Thiên Chúa trao cho con người chứ không phải là
bản chất của hình ảnh con người giống Thiên Chúa.[62] Karl Barth thì đề cao đến khía cạnh giới tính của nhân loại, người nam
và người nữ là hình ảnh của Thiên Chúa,[63] vì ông đã dựa
vào trình thuật trong Sáng Thế chương một: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo
hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên
Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1, 27).
Thần học gia Ronald
Allen có cái nhìn tổng quát hơn Karl Barth khi ông cho rằng hình ảnh của Thiên
Chúa nơi con người được nhận biết trong toàn bộ hữu thể của họ, bao gồm cả thân
xác và linh hồn và với tư cách là người nam - người nữ trong mối tương quan với
Thiên Chúa và họ có quyền thống trị vũ trụ mà Thiên Chúa đã ban cho họ.[64]
Như vậy, nỗ lực tìm hiểu ý nghĩa của việc con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa (St 1, 26-27) luôn được duy trì từ thời các Giáo Phụ đến thời Kinh viện và cho đến thời hiện đại. Nếu các nhà thần học như Irenaeus, Augustinô, Tôma Aquinô, và John Calvin đã cố gắng trình bày linh hồn con người là hình ảnh Thiên Chúa được thể hiện qua việc liên kết với Thiên Chúa, đồng thời nhấn mạnh con người có lý trí, cảm xúc, ý chí và lương tâm, thì các thần học gia cận-hiện đại cũng vẫn tiếp tục đào sâu những khía cạnh đó khi suy tư về “hình ảnh Thiên Chúa” nơi con người. Một số học giả như Berkhof và Highfield trình bày con người được Thiên Chúa ban quyền thống trị và mối tương quan với Thiên Chúa phản ánh họ là hình ảnh Thiên Chúa. Immanuel Kant thì nhấn mạnh phẩm giá nội tại của con người. Berkouwer và Von Rad thì xác định quyền thống trị của con người là biểu tượng của hình ảnh Thiên Chúa trên mặt đất. Karl Barth thì đề cao đến khía cạnh giới tính của nhân loại, người nam và người nữ. Ronald Allen thì có cái nhìn rộng hơn khi cho rằng hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người được nhận biết trong toàn bộ hữu thể của họ bao gồm thân xác, linh hồn, mối tương quan với Thiên Chúa, quyền thống trị và giới tính nam nữ.
CHƯƠNG III: NHỮNG THÁCH ĐỐ CỦA THỜI
ĐẠI HÔM NAY VÀ GIÁO HUẤN CÔNG ĐỒNG
VATICANÔ II VỀ “HÌNH ẢNH THIÊN CHÚA” NƠI CON NGƯỜI
Con người là
thụ tạo duy nhất ở trần gian được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh của Ngài và
hình ảnh ấy rực sáng trong sự hiệp thông ngôi vị, giống sự hiệp nhất của Ba
Ngôi Thiên Chúa.[65] Hình ảnh Thiên Chúa được
biểu hiện qua việc con người sở hữu ý chí tự do và lý trí để nhận biết Thiên
Chúa, tha nhân, chính mình và vũ trụ. Tuy nhiên, nhiều khi con người lại dùng
chính các tài năng Thiên Chúa ban để làm lu mờ hình ảnh Thiên Chúa nơi chính
mình. Đối diện những thách đố đó, Giáo huấn của Công đồng Vaticanô II làm sáng
tỏ giá trị cao quý về phẩm giá và hình ảnh đích thực của con người qua mẫu
gương của Đức Kitô; gắn kết với Ngài, con người sẽ sống trọn vẹn căn tính và mối
tương quan với Thiên Chúa.
1. “Hình ảnh Thiên Chúa” trước những
thách đố của thời đại ngày nay
1.1. Một thời đại con người đang lấy mình làm trung tâm
Trong thời đại
hôm nay, dường như con người đang đặt mình vào vị trí trung tâm của vũ trụ mà không
còn cần đến sự hiện diện của Thiên Chúa. Nói cách khác, lối sống vô thần thực tiễn
trong xã hội ngày nay đang là mối nguy hại đáng phải lưu tâm:
Mối nguy lớn của xã hội ngày nay lại không phải là những
chủ thuyết vô thần lý thuyết mà chính là thái độ vô thần thực tiễn. Vô thần thực
tiễn là thái độ không cần biết Thượng Đế có hay không, hoặc cũng có thể người
ta tự xưng mình là hữu thần, nhưng cách sống lại không dính dáng gì tới Thiên
Chúa cả.
Nếu như chủ thuyết vô thần lý thuyết muốn chối bỏ Thượng
Đế nhân danh con người, nhân danh tự do hoặc nhân danh một thứ khoa học thực
nghiệm nào đó; thì chính chủ nghĩa vô thần thực tiễn mới tạo nên và nuôi dưỡng
những bóng ma ghê gớm hơn trong cuộc chiến chống lại Thiên Chúa và chống lại
con người: hưởng thụ, dửng dưng với tha nhân, lấy mình làm trung tâm của vũ trụ,
tàn ác, bất công…[66]
Thái độ sống
ấy không chỉ là sự thờ ơ, không quan tâm đến sự hiện hữu của Thiên Chúa, mà còn
là một kiểu sống dửng dưng với các giá trị tôn giáo, mặc dù con người có thể tự
xưng là hữu thần. Đây là mối nguy hiểm lớn hơn cả vô thần lý thuyết, vì nó dẫn
con người đến sự hưởng thụ ích kỷ, dửng dưng với người khác và lấy mình làm
trung tâm, từ khước tha nhân và trên hết là nó loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc
sống con người.
Thực ra,
khuynh hướng loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống nhân thế đã manh nha từ lâu.
Đã có một thời người ta cho rằng nếu Thiên Chúa có mặt, thì con người không có
tự do. Chẳng hạn, triết gia Jean Paul Sartre đã lý luận: “Nếu Thượng Đế vắng mặt,
thì mọi thứ đều được phép và con người tự do sáng tạo theo bản chất của mình”[67]. Theo Sartre, sự vắng mặt của Thượng
Đế không chỉ giúp giải thoát con người khỏi các ràng buộc siêu nhiên, mà còn
mang lại cho họ sự tự do để tự quyết định mọi khía cạnh của cuộc sống.
Dưới ánh
sáng Mạc Khải, chúng ta biết rằng Thiên Chúa là trung tâm của vũ trụ và là nguồn
gốc của mọi sự sống (St 1,1). Mọi giá trị đức tin, quy tắc đạo đức và chuẩn mực
của con người đều xoay quanh niềm tin vào sự hiện diện và uy quyền của Thiên
Chúa (Tv 115,3). Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, hình như con người bắt đầu
tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời từ chính mình, từ những trải nghiệm cá nhân đến sự
thành công vật chất mà họ đạt được. Những thành quả vật chất đã đem lại cho con
người sự sung túc mà trước đây chỉ có thể được gán cho Thiên Chúa. Có vẻ như
con người thời nay có thể tự mình làm ra mọi thứ, thay đổi và kiểm soát cuộc sống
của mình mà không cần sự trợ giúp của Thiên Chúa. “Vấn đề Thiên Chúa không quan
trọng đối với tôi. Tôi có thể sống mà chẳng cần đến Thiên Chúa”.[68]
Việc lấy con
người làm trung tâm cuộc sống cũng đồng nghĩa với việc loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi
vị trí vốn có của Ngài. Sở dĩ người ta có chủ trương loại trừ Thiên Chúa ra khỏi
cuộc sống vì người ta thấy sự hiện diện của Thiên Chúa là yếu tố cản trở khiến
con người không thể hoàn toàn tự do. Do đó, việc loại bỏ Thiên Chúa không chỉ
là một xu hướng, mà còn trở thành một nhiệm vụ đối với những ai tin rằng nhân
loại phải được giải phóng khỏi mọi ràng buộc siêu nhiên.
Trong bối cảnh
này, không có gì đáng ngạc nhiên khi người ta chấp nhận và thậm chí cổ võ việc
sống cho chính mình, cho tự do cá nhân mà không phải tuân theo bất kỳ giới luật
hay đạo đức nào có nguồn gốc từ niềm tin vào Thiên Chúa. Từ đó, những giá trị
như hưởng thụ, thỏa mãn dục vọng cá nhân, quyền lực và theo đuổi hạnh phúc vật
chất trở thành mục tiêu hàng đầu. Thật vậy, “người ta không chỉ có những ước vọng
được thỏa mãn phần thể xác như ăn uống, ngủ nghỉ, tình dục… mà còn luôn nuôi trong mình thứ
đam mê được sở hữu vật chất lẫn tinh thần”[69]. Chủ nghĩa tiêu thụ và chủ nghĩa thế tục lên ngôi, trong
khi những nguyên tắc đạo đức truyền thống Kitô giáo bị coi là lỗi thời và không
còn phù hợp với cuộc sống hiện đại.
Với sự phát triển của các triết
lý đề cao tự do cá nhân quá mức như Frank Herbert phát biểu, “hãy tìm kiếm tự do và trở thành tù nhân của dục vọng”[70], thì việc loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi trung tâm cuộc đời
đã trở thành một điều không thể tránh khỏi. Người ta tin rằng chỉ khi nào sự tự
do thoát khỏi mọi ràng buộc siêu nhiên, con người mới có thể thực sự sống theo
cách mình muốn và đạt được hạnh phúc.[71] Họ không còn coi Thiên Chúa là nguồn gốc của sự sống hay
là trung tâm của vũ trụ nữa, mà thay vào đó, bản thân con người với lý trí và
khả năng tự quyết đã trở thành tiêu chuẩn cho mọi hành vi và quyết định.
Như vậy, xem ra con người thời đại ngày nay đang có khuynh hướng biến mình thành trung tâm của vũ trụ, mọi thứ phải tập
trung và xoay quanh vào họ. Con người
không cần đến Thiên Chúa và giáo huấn của Người để hướng dẫn cuộc sống (cf.
Tv14,1). Thay vào đó, con người tự tạo ra ý nghĩa và giá trị cho cuộc sống của
mình. Với chủ trươn này, dường như con người không chỉ tự do trong hành động,
mà còn tự do trong suy nghĩ, không còn bị ràng buộc bởi bất kỳ quy tắc đạo đức
nào do tôn giáo nào áp đặt.
1.2. Một thời đại công kỹ nghệ khoa học không có hy vọng
Con người
ngày nay đang sống trong một thời đại được xem là thịnh vượng và phát triển nhất
trong lịch sử. Những tiến bộ vượt bậc của khoa học và kỹ thuật đã mang lại cho
nhân loại nhiều thành tựu vật chất đáng kể, cải thiện chất lượng cuộc sống trên
nhiều phương diện. Những phát minh mang tính đột phá lớn như trí tuệ nhân tạo
(AI), y học, khoa học vũ trụ… giúp cho con người có thể dễ dàng tận hưởng những
tiện ích trong cuộc sống.
Tuy nhiên, nếu
con người chỉ đề cao những thành tựu khoa học nhờ sức mạnh của lý trí mà lãng quên
Đấng Tạo Hóa, thì nguy hại lớn lao sẽ xảy đến. Sự đề cao quá mức lý trí và khoa
học có thể dẫn đến việc gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi nội tâm, biến Ngài thành một
thực tại xa vời và không cần thiết trong cuộc sống đức tin.
Điều này
không phải là điều mới mẻ, vì khi nhìn lại lịch sử, ta thấy sự thất bại của chủ
thuyết Thiên quang luận đã một thời đề cao lý trí con người đến mức loại bỏ
hoàn toàn sự hiện diện và vai trò của Thiên Chúa.[72] Họ cho rằng tôn giáo sẽ dần biến mất
để nhường chỗ cho thời đại lý trí tự do, sáng tạo và điều khiển bởi con người.
Những người theo chủ thuyết này tin rằng lý trí con người đủ khả năng để giải
quyết mọi vấn đề và không cần đến một Thiên Chúa Siêu Việt nào. Con người sẽ
hoàn toàn tự lập, không còn bị ràng buộc bởi những giáo điều tôn giáo và từ đó
sẽ đạt được tự do, phẩm giá và sự độc lập mà họ mong muốn. Quan điểm này cho rằng
khi Thiên Chúa bị gạt ra một bên, con người sẽ thoát khỏi những gò bó của tín
điều và lý trí sẽ trở thành công cụ duy nhất để điều hành thế giới.
Tuy nhiên,
điều mà chủ thuyết nói trên không lường trước được là sự thiếu hụt của một đời
sống tâm linh sẽ dẫn đến sự khô cằn và cô đơn của tâm hồn. Khi lý trí trở thành
thước đo duy nhất của mọi giá trị, con người dễ rơi vào tình trạng đánh mất ý
nghĩa sâu xa của cuộc sống đức tin, lạc hướng trong cuộc tìm kiếm hạnh phúc thật
sự. Như thế, điều này không chỉ thay đổi nhận thức về cách đối xử với người
khác, mà nó còn ảnh hưởng sâu rộng đến cách con người phản tỉnh bản thân về ý
nghĩa cuộc hiện sinh của chính họ. Đây là một xu hướng nguy hiểm, vì nó không
chỉ làm mất đi sự cân bằng trong đời sống tâm linh mà còn làm suy yếu nền tảng
đạo đức và luân lý của con người.
Thật vậy,
khi lý trí trở thành tiêu chuẩn duy nhất cho mọi hành động, con người không còn
cần đến sự soi sáng của Thiên Chúa để phân định đúng sai. Lý trí, lúc này được
coi là công cụ tối thượng để đạt được sự hiểu biết và kiểm soát thế giới, giờ
đây được dùng để biện minh cho mọi hành động, kể cả những hành vi đi ngược lại
các giá trị đạo đức. Trong bối cảnh này, tiếng nói của lương tâm dần dần mất đi
sức mạnh, con người không còn ý thức về những việc làm sai trái và tội lỗi. Hậu
quả là họ ngày càng xa rời bản chất tốt lành của mình, rơi vào sự tha hóa tinh
thần và đánh mất ý nghĩa sâu xa của đời sống đức tin.
Sự thiếu vắng
của chiều kích Siêu Việt trong đời sống con người không chỉ làm suy yếu nền tảng
đạo đức, mà điều đó còn làm mất đi sự hài hòa giữa các yếu tố làm nên con người
toàn diện. Truyền thống Kitô giáo từ lâu đã khẳng định rằng con người không chỉ
là một thực thể có lý trí, mà nó còn là một tạo vật được tạo dựng theo hình ảnh
Thiên Chúa, mang trong mình một chiều kích siêu việt. Sự cao quý của con người
không chỉ nằm ở lý trí và ý chí, mà còn ở mối tương quan mật thiết với Thiên
Chúa, Đấng Siêu Việt trên tất cả mọi sự. Khi con người đánh mất mối tương quan
này, họ cũng đánh mất một phần bản chất của mình, trở thành những thực thể chỉ
biết sống cho cái hữu hạn mà quên đi cái vô hạn, chỉ biết chăm lo cho cuộc sống
trần thế mà quên đi cõi đời sau.
2. Giáo Huấn của Công Đồng Vatican
II về “Hình ảnh Thiên Chúa”
Giáo huấn của
Công đồng Vatican II về “Hình ảnh Thiên Chúa” tập trung vào ba khía cạnh quan
trọng để làm sáng tỏ phẩm giá và thiên chức cao cả của con người.[73] Trước tiên, con người được tạo dựng
theo hình ảnh Thiên Chúa với khả năng hiểu biết và yêu mến Đấng Tạo Hóa. Điều
này không chỉ khẳng định phẩm giá con người mà còn giải thích sự khắc khoải nội
tâm do cuộc đấu tranh giữa thiện và ác. Hơn nữa, Công đồng nhấn mạnh đến những
tài năng tinh thần cao quý của con người như lý trí, lương tâm và tự do, giúp họ
nhận biết sự thật, thực thi điều thiện, và hành động theo tiếng gọi của Thiên
Chúa, hướng đến hạnh phúc vĩnh cửu.
Cuối cùng,
Công đồng khẳng định rằng qua Đức Kitô, con người tìm thấy mẫu gương hoàn hảo.
Đức Kitô không chỉ mặc khải Thiên Chúa cho con người, mà Ngài còn tỏ cho con
người biết về chính họ, từ đó con người nhận ra thiên chức và mục đích cao cả
trong cuộc sống, đạt đến sự hoàn thiện qua mối tương quan với Ngài.[74]
2.1. Con người trong tương quan với
Thiên Chúa
Theo Hiến chế
Vui mừng và Hy vọng, con người không
chỉ là một thực thể thuần túy vật chất, mà nó còn mang trong mình một chiều
kích siêu nhiên sâu sắc, được Thiên Chúa tạo dựng nên theo hình ảnh và họa ảnh
của Ngài.[75] Ngay từ những trang đầu tiên của
Sách Thánh, chúng ta đã được dẫn vào chân lý căn bản này: “Thiên Chúa sáng tạo
con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên
Chúa; Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,27). Qua việc tạo dựng
này, Thiên Chúa đã ban cho con người một phẩm giá cao quý, không chỉ vì con người
được dựng nên để cai quản vạn vật, mà quan trọng hơn, con người có khả năng hiểu
biết và yêu mến Đấng Tạo Hóa. Điều này đặt con người vào một vị trí độc đáo
trong trật tự tạo dựng, vượt trên mọi thụ tạo khác.
Phẩm giá của
con người được đề cao bởi khả năng đặc biệt của lý trí. Lý trí giúp con người
không chỉ nhận biết những điều thuộc thế giới hữu hình, mà nó còn giúp con người
mở lòng đón nhận những chân lý siêu việt về Thiên Chúa. Nhờ lý trí, con người
có thể suy tư về nguồn gốc của mình, về Đấng đã tạo dựng vũ trụ trời đất và
muôn loài. Thánh Tôma Aquinô đã từng khẳng định rằng sự hiểu biết là một hành
vi của linh hồn, nơi mà con người có thể gặp gỡ Thiên Chúa qua sự chiêm niệm và
suy tư.[76] Được tạo dựng theo hình ảnh Thiên
Chúa, con người có khả năng thấu hiểu phần nào bản tính của Thiên Chúa và tham
gia vào đời sống của Ngài. Khả năng này không chỉ dừng lại ở việc biết mà còn dẫn
đến yêu mến, bởi lẽ hiểu biết chân lý sẽ dẫn đến tình yêu. Khi con người nhận
ra rằng chính Thiên Chúa là nguồn cội của mọi sự sống, là Đấng Toàn Thiện, Toàn
Mỹ, con người sẽ được thúc đẩy để yêu mến Ngài bằng tất cả tâm hồn, trí khôn và
sức lực.
Tuy nhiên, với
sự tự do được ban tặng, con người phải thể hiện một vai trò quyết định trong cuộc
giao tranh nội tâm giữa thiện và ác. Đây là một cuộc chiến không chỉ tồn tại
trên bình diện đạo đức mà còn phản ánh một thực tại siêu nhiên sâu xa hơn. Kinh
Thánh và Truyền thống Kitô giáo đã nhắc nhở chúng ta về sự sa ngã của con người
đầu tiên, từ đó mọi hậu duệ của họ phải chịu hậu quả là đau khổ, dễ hướng chiều
về tội lỗi và sự chết. Chính tội lỗi đã làm phai nhạt hình ảnh Thiên Chúa trong
con người, làm suy yếu khả năng yêu mến và nhận biết Ngài. Dầu vậy, điều này
không có nghĩa là hình ảnh Thiên Chúa hoàn toàn bị phá hủy trong con người.
Đúng hơn, hình ảnh ấy chỉ bị lu mờ và cần được phục hồi qua ân sủng Đức Kitô.
Chính trong
tương quan với Thiên Chúa, con người mới có thể tìm thấy sự giải đáp cho những
khắc khoải nội tâm sâu xa nhất của mình. Những lo âu, băn khoăn về số phận sau
cái chết, về ý nghĩa cuộc đời và về cuộc giao tranh giữa thiện và ác chỉ có thể
được giải thích trọn vẹn khi con người quay về với Đấng Tạo Hóa. Thánh
Augustinô đã từng nói: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, nên tâm
hồn chúng con khắc khoải cho đến khi được an nghỉ trong Chúa”[77]. Chỉ khi nào con người hướng về
Thiên Chúa, con người mới có thể tìm thấy sự an bình và hạnh phúc trọn vẹn.
Thật vậy,
theo giáo huấn của Công đồng Vatican II, khi con người nhận ra rằng mình được dựng
nên theo hình ảnh Thiên Chúa, họ sẽ hiểu rằng cuộc sống của mình không thể chỉ
xoay quanh những giá trị trần thế, những ham muốn nhất thời, mà phải được định
hướng bởi những giá trị vĩnh cửu, những điều thuộc về Thiên Chúa.[78] Chỉ khi quy hướng về Thiên Chúa,
con người mới có thể tìm lại được sự hòa hợp nguyên thủy đã bị đánh mất do tội
lỗi. Điều này không chỉ đòi hỏi một sự hoán cải cá nhân, mà còn cần một sự thay
đổi toàn diện trong cách chúng ta nhìn nhận bản thân và thế giới xung quanh dưới
ánh sáng của đức tin.
Ngoài ra,
cũng theo giáo huấn của Công đồng Vatican II, trong mối tương quan với Thiên
Chúa, con người không chỉ nhận ra phẩm giá cao quý của mình mà còn hiểu được lý
do tại sao họ luôn cảm thấy bất an, lo âu về số phận của mình sau cái chết.[79] Câu hỏi về sự sống sau cái chết là
một trong những câu hỏi lớn nhất mà con người luôn trăn trở. Từ ngàn xưa, con
người đã tìm đủ mọi cách để giải đáp cho câu hỏi này, nhưng mọi nỗ lực của con
người đều dẫn đến bế tắc khi không có sự hiện diện của Thiên Chúa. Chỉ khi con
người nhận ra rằng mình được dựng nên không chỉ để sống một cuộc đời tạm bợ
trên trần gian, mà còn để hướng tới một cuộc sống vĩnh cửu với Thiên Chúa, họ mới
có thể tìm thấy sự bình an thật sự.
Chính Đức
Kitô, qua mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh, đã mở ra cho con người con đường dẫn đến
sự sống đời đời.[80] Khi nhìn lên thập giá, con người
không chỉ thấy sự đau khổ, mà còn thấy được tình yêu vô biên của Thiên Chúa
dành cho họ. Chính tình yêu này đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, đem lại cho
con người niềm hy vọng vào sự sống đời đời. Vì thế, chỉ khi quy chiếu về Thiên
Chúa, con người mới có thể vượt qua được những lo âu về số phận sau cái chết và
đạt tới sự sống bất diệt. Sự sống bất diệt này không chỉ là một sự kéo dài vô tận
của cuộc sống trần gian, mà là một sự biến đổi hoàn toàn, nơi con người được
thông hiệp trọn vẹn với Thiên Chúa trong vinh quang. Đây là mục tiêu cuối cùng
của cuộc sống con người, là đích đến mà mọi người Kitô hữu phải hướng tới. Khi
con người sống với ý thức rằng mình được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, họ
sẽ biết trân trọng cuộc sống hiện tại, nhưng đồng thời cũng không quên hướng tới
cuộc sống mai sau, nơi mà mọi khắc khoải, lo âu sẽ được thay thế bằng niềm vui
và hạnh phúc vĩnh cửu trong Thiên Chúa.
Như vậy, con
người chỉ có thể hiểu được bản thân mình và cuộc sống của mình khi họ nhìn vào
mối tương quan với Thiên Chúa. Được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, con người
mang trong mình một phẩm giá cao quý và một khả năng đặc biệt để hiểu biết và
yêu mến Đấng Tạo Hóa. Tuy nhiên, cuộc sống của con người không tránh khỏi những
khắc khoải, lo âu do hậu quả của tội lỗi. Công đồng nhấn mạnh rằng chỉ khi quay
về với Thiên Chúa, con người mới có thể tìm thấy sự bình an thật sự và đạt tới
sự sống đời đời, điều mà mọi người Kitô hữu đều hằng mong đợi.[81]
2.2. Những tài năng cao quý của
con người
Công đồng
Vatican II đã mang đến một cái nhìn sâu sắc và phong phú về con người, nhấn mạnh
đặc biệt đến phẩm giá cao quý của con người thông qua các tài năng tinh thần
như lý trí, tự do và lương tâm.[82] Những yếu tố này không chỉ là những
phẩm chất tự nhiên mà còn phản ánh chiều kích siêu việt của con người, mời gọi
họ sống theo hình ảnh của Thiên Chúa và hướng đến hạnh phúc vĩnh cửu.
Trước hết,
lý trí là một tài năng cao quý mà Thiên Chúa đã ban tặng cho con người. Theo
Công đồng Vatican II, lý trí không chỉ giúp con người nhận biết các hiện tượng
bên ngoài mà còn cho phép họ hiểu sâu xa về bản chất của mọi thực tại.[83] Lý trí là cánh cửa mở ra chân lý,
cho phép con người khám phá ra ý nghĩa sâu xa của cuộc sống đời mình và vũ trụ.
Khi sử dụng lý trí một cách đúng đắn, con người có thể nhận biết và hiểu biết về
Đấng Tạo Hóa, Đấng là nguồn gốc của mọi sự hiện hữu. Lý trí còn giúp con người
phân biệt giữa điều thiện và điều ác, giữa sự thật và sự giả dối, từ đó giúp
con người biết chọn lựa những giá trị chân chính. Điều này không chỉ là một
hành động lý trí mà còn là một hành động đức tin, bởi lẽ lý trí giúp con người
hiểu rằng mọi chân lý đều bắt nguồn từ Thiên Chúa và Ngài chính là Chân Lý tuyệt
đối. Khi con người tìm kiếm và khám phá ra chân lý, họ thực sự đang tiến gần
hơn đến Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch của mọi chân lý.
Tuy nhiên,
lý trí không phải là yếu tố duy nhất làm nên phẩm giá hay hình ảnh của con người
nhưng còn có lương tâm. Lương tâm, như Công đồng Vatican II nhấn mạnh, là một
khía cạnh cốt yếu khác của con người, phản ánh tiếng nói của Thiên Chúa trong
sâu thẳm lòng người. Lương tâm không chỉ là một khả năng nội tâm giúp con người
phân biệt đúng sai, mà đó còn là nơi gặp gỡ riêng tư giữa con người và Thiên
Chúa.[84] Lương tâm là tiếng nói thầm kín mà
Thiên Chúa đã khắc ghi trong lòng mỗi người, hướng dẫn họ đi theo con đường
chân lý và thiện mỹ. Lương tâm có nguồn gốc thiêng liêng, nên nó không thể bị
can thiệp hay ép buộc bởi bất kỳ ai. Dưới ánh sáng của mặc khải, lương tâm được
coi là một trong những tài năng của con người, bởi vì nó thúc đẩy con người
hành động theo các giá trị chân thật, mà đỉnh cao là tình yêu và sự công bình.
Lương tâm không chỉ đơn thuần là một sự tự nhận thức về đúng sai, mà nó còn là
sự phản ánh tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người, mời gọi họ sống xứng
đáng với hình ảnh của Thiên Chúa nơi mình và hướng họ về mục đích cuối cùng là đạt
được hạnh phúc vĩnh cửu.
Tiếp đến, tự
do là yếu tố quan trọng làm nên phẩm giá của con người. Công đồng Vatican II đã
nhấn mạnh rằng tự do không chỉ đơn thuần là khả năng chọn lựa chọn, mà còn là
khả năng hành động theo những giá trị chân lý đã được lương tâm và lý trí hướng
dẫn.[85] Tự do đích thực không phải là muốn
làm gì thì làm, hay làm theo ý muốn cá nhân và không quan tâm đến hậu quả. Tự
do đích thực là “tự do luôn hướng về điều chân, thiện, mỹ”[86], và làm theo ý muốn của Thiên Chúa.
Khi con người hành động theo tự do, họ thực sự trở nên giống hình ảnh của Thiên
Chúa, Đấng là nguồn gốc của mọi tự do và là Đấng tuyệt đối tự do trong tình
yêu. Nhờ tự do, con người có thể tham gia vào sự sống của Thiên Chúa và trong sự
hiệp nhất với Ngài.
Tuy nhiên, tự
do không phải là một đặc quyền mà con người có thể sử dụng một cách tùy tiện.
Công đồng Vatican II đã cảnh báo về nguy cơ của việc lạm dụng tự do dẫn đến
tình trạng mất phương hướng và rơi vào tội lỗi.[87] Tự do phải được đào luyện và phát
triển theo sự hướng dẫn của lý trí và lương tâm. Khi con người chọn lựa hành động
theo những giá trị của chân lý, tự do của họ càng được củng cố và tăng triển.
Ngược lại, khi con người chọn lựa hành động đi ngược lại với ý muốn của Chúa, họ
đang tự đánh mất sự tự do của mình và trở nên nô lệ cho tội lỗi và đam mê.
Tóm lại, trong ánh sáng của Công đồng Vatican II, hình ảnh và phẩm giá của con người được chiếu sáng rực rỡ qua ba tài năng cao quý: lý trí, lương tâm và tự do. Những tài năng này không chỉ giúp con người sống xứng đáng với phẩm giá của mình mà còn mở ra con đường dẫn đến hạnh phúc vĩnh cửu trong Thiên Chúa. Khi con người sử dụng lý trí để nhận biết sự thật, lắng nghe lương tâm để phân định đúng sai và hành động tự do theo ý muốn của Thiên Chúa, họ thực sự đang sống và phác hoạ hình ảnh của Thiên Chúa trong họ, Đấng đã tạo dựng nên họ.
2.3. Con người lý tưởng trong Đức
Kitô
Trong quá khứ,
khi giải thích từ ngữ “con người là hình ảnh của Thiên Chúa”, thần học thường
chỉ chú trọng tới hình ảnh xét theo chương trình tạo dựng. Tuy nhiên, khi
nghiên cứu sâu về Tân Ước và những suy tư của các giáo phụ, người ta đã bắt đầu
khám phá và nhận ra rằng để có thể hiểu một cách đúng đắn về hình ảnh Thiên
Chúa nơi con người, cần phải quy chiếu về Đức Kitô. Đức Kitô, Đấng Cứu Thế không
chỉ là sự mạc khải trọn vẹn của Thiên Chúa, mà Ngài còn là sự mặc khải ‘con Người
cho con người’. Ngài là Đấng mà qua đó con người nhận ra giá trị của bản thân
mình, khám phá ra phẩm giá, thiên chức và mục đích mà Thiên Chúa đã định sẵn.
Công đồng Vaticano II đã nhấn mạnh rằng: “Qua Đức Kitô con người không chỉ thấy
được hình ảnh của Thiên Chúa, mà Ngài đã tỏ cho nhân loại thấy mẫu gương của một
con người có trí tuệ, ý chí, tự do và tình yêu.”[88]
Trước tiên,
Đức Kitô là sự mạc khải trọn vẹn về Thiên Chúa, vì trong Ngài, Thiên Chúa đã
làm người và ở giữa nhân loại. Qua Đức Kitô, con người có thể nhận biết Thiên
Chúa và đi vào mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa. Không những vậy, Đức
Kitô cũng mạc khải cho con người biết về thân phận của họ. Trong Ngài, con người
thấy rõ phẩm giá của mình không nằm ở những thành tựu thế gian, mà nó hệ tại ở
chỗ con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Là Con Thiên Chúa và là
người con hoàn hảo của nhân loại, Đức Kitô đã cho thấy con người không phải là
một thực thể đơn độc mà là một hữu thể được Thiên Chúa dựng nên với mục đích rõ
ràng: để sống trong tình yêu với Thiên Chúa và với tha nhân. Con người chỉ có
thể hiểu rõ về bản thân khi họ nhìn về Đức Kitô. Qua Đức Kitô, mầu nhiệm về con
người được vén mở với phẩm giá và hình ảnh cao quý của họ: “Thực vậy, mầu nhiệm
về con người chỉ thực sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể. Bởi vì
Adam, con người đầu tiên, đã là hình bóng của Adam sẽ đến.”[89]
Hơn nữa,
theo Công đồng Vatican II, khi hướng về
Đức Kitô, con người không chỉ được kêu mời sống theo những giá trị luân lý cao
đẹp, mà họ còn được mời gọi đạt tới sự hoàn thiện toàn diện, sự viên mãn trọn vẹn
trong tình yêu. Điều này đòi hỏi một sự dấn thân trọn vẹn vào đời sống Kitô
giáo và một lòng trung thành với những giá trị Tin Mừng. Qua Đức Kitô, con người
nhận ra được con đường dẫn tới sự hoàn thiện. Ngài không chỉ là Đấng Cứu Chuộc,
mà Ngài còn là người thầy, người bạn và mẫu gương lý tưởng cho mỗi người Kitô hữu.[90]
Đức Kitô đã
mang trong mình bản tính Thiên Chúa và bản tính nhân loại; nhờ vậy, con người
được mời gọi sống cuộc sống tràn đầy ý nghĩa, không phải theo những chuẩn mực của
thế gian, nhưng theo chuẩn mực của Thiên Chúa qua Đức Kitô. Khi sống theo gương
Đức Kitô, con người không chỉ sống cho riêng mình, mà còn sống cho tha nhân và
qua đó họ góp phần vào việc xây dựng Nước Trời. Đây là thiên chức cao cả mà mỗi
người Kitô hữu được mời gọi thực hiện, một thiên chức không chỉ giới hạn trong
cuộc sống trần gian, mà còn mở ra cho họ sự sống đời đời.
Đức Kitô
không chỉ mạc khải con người cho con người bằng lời nói hay giáo huấn, mà bằng
chính đời sống và hành động của Ngài. Ngài đã sống một cuộc đời hoàn hảo, yêu
thương đến cùng, sẵn sàng hiến mạng sống vì nhân loại. Qua việc chịu chết trên
thập giá và Phục sinh, Ngài đã mở ra cho con người con đường dẫn đến sự sống
vĩnh cửu. Con người, khi nhìn vào Đức Kitô, sẽ thấy rằng cuộc sống không chỉ dừng
lại những thực tại vật chất chóng qua của trần thế, mà họ còn hướng về một thực
tại cao cả hơn, đó là sự sống đời đời trong Thiên Chúa.
Như vậy, trước những thách đố của thời đại hiện đại, Công đồng Vaticanô II không chỉ nhấn mạnh đến con người là hình ảnh của Thiên Chúa mà còn đề cao vai trò của Đức Kitô trong việc phục hồi hình ảnh Thiên Chúa nơi con người. Qua mầu nhiệm Nhập thể, Đức Kitô là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15) và là nguyên mẫu hoàn hảo mà con người được mời gọi hướng đến. Công Đồng Vaticano II cũng khẳng định rằng chỉ qua Đức Kitô, hình ảnh Thiên Chúa nơi con người mới được chiếu sáng và thể hiện trọn vẹn trong thế giới hiện đại quá đề cao lý trí và tự do cá nhân. Đức Kitô là mẫu gương đích thực để con người khám phá lại hình ảnh và sứ mệnh của mình, không chỉ trong chiều kích nhân loại mà còn trong sự hiệp thông với Thiên Chúa, để nhờ đó họ sống trọn vẹn ơn gọi làm con cái Thiên Chúa.
KẾT LUẬN
Trong ánh
sáng mạc khải Kinh thánh, con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa.
Qua sự giải thích của Truyền thống các Giáo phụ, các nhà thần học và Giáo huấn
Giáo hội, chúng ta biết rằng hình ảnh Thiên Chúa nơi con người được phản ánh
qua lý trí và ý chí tự do, qua chiều kích siêu việt và mối tương quan sống động
của họ với Đấng Tạo Hóa. Điều này không
chỉ khẳng định phẩm giá cao quý của con người so với các loài thụ tạo khác, mà
còn nhấn mạnh khả năng nhận thức, tự chủ của con người trong việc đi vào giao ước
với Thiên Chúa. Những yếu tố này giúp con người hướng tới sự sống vĩnh cửu và
thể hiện trọn vẹn bản tính ngôi vị. Một cách đặc biệt, phẩm vị con người được
làm sáng tỏ trọn vẹn trong mạc khải Tân Ước qua Đức Giêsu Kitô. Ngài chính là
hình ảnh hoàn hảo của Thiên Chúa vô hình, đồng thời là mẫu gương giúp con người
nhận ra và sống đúng căn tính và sứ mệnh cao cả mà họ được mời gọi.
Tuy nhiên,
trong thời đại hôm nay, hình ảnh Thiên Chúa nơi con người đã và đang bị làm lu
mờ trước những áp lực và cám dỗ của một thế giới quá chú trọng vào lý trí và vật
chất. Thật vậy, nhiều khi chính công nghệ và khoa học kỹ thuật hiện đại lại có
thể làm con người dễ dàng rơi vào trạng thái quên lãng chiều kích siêu việt của
mình. Dường như con người bị cám dỗ chìm đắm trong các tiện nghi vật chất, sự
hưởng thụ đời này mà quên đi sứ mệnh cao cả của mình. Hệ quả là hình ảnh Thiên
Chúa nơi con người, vốn được tạo dựng để sống hiệp thông với Thiên Chúa, dần bị
phai nhạt trong một xã hội đề cao lý trí và quyền tự do cá nhân quá mức. Đây là
một thách thức lớn đối với đức tin Kitô giáo trong việc bảo vệ và khôi phục
hình ảnh Thiên Chúa nơi con người trong bối cảnh văn hóa hiện đại.
Đáp lại những
thách đố của thời đại, dưới ánh sáng của Lời Chúa, Công đồng Vatican II đã nhấn
mạnh tầm quan trọng của việc làm sáng tỏ hình ảnh Thiên Chúa nơi con người, đặc
biệt qua Đức Giêsu Kitô. Đức Kitô không chỉ là mẫu gương hoàn hảo của hình ảnh
Thiên Chúa, mà Ngài còn là con đường dẫn con người trở về với căn tính đích thực
của mình. Công đồng cũng khẳng định rằng chỉ qua Đức Kitô, con người mới có thể
tái khám phá và sống trọn vẹn ơn gọi làm con cái Thiên Chúa, đồng thời tìm được
giải pháp cho những thách đố của thế giới hiện đại. Như vậy, con người chỉ thực
sự đạt tới sự viên mãn của mình khi sống trong mối tương quan hiệp thông với
Thiên Chúa, qua việc mặc lấy con người mới trong Đức Kitô và qua đó con người
không chỉ tìm lại phẩm giá thiêng liêng của mình mà còn sống trọn vẹn ơn gọi
làm con cái Thiên Chúa, hướng về sự sống vĩnh cửu và hiệp thông với Đấng Tạo
Hoá.
TÀI LIỆU
THAM KHẢO
1. Kinh
Thánh và Huấn Quyền
Kinh Thánh
trọn bộ Cựu Ước và Tân Ước của Nhóm Phiên
dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Tp.HCM:
Thành Phố Hồ Chí Minh, 1998.
Công Đồng
Vaticanô II, bản dịch của
Hội Đồng Giám mục Việt Nam, Uỷ Ban Giáo lý Đức Tin. Hà Nội: Tôn Giáo, 2012.
Sách Giáo Lý
Của Hội Thánh Công Giáo, bản dịch của Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin - Hội Đồng Giám Mục
Việt Nam. Hà Nội: Tôn Giáo, 2012.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
Tông Huấn Gaudete Et Exsultate
(19/03/2018) người dịch Võ Văn Ngân. Hà Nội: Tôn Giáo, 2018.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô,
Thông Điệp Laudato Si’. Hội Đồng GM
Việt Nam – Bản dịch của Ủy ban Bác ái xã hội, 2015.
2. Sách và Tạp Chí
Allen, Ronald B. The Majesty of Man: The Dignity of Being Human. Portland:
Multnomah, 1984.
Arndt, William and Walter Bauer. A Greek-English Lexicon of the New Testament and other Early Christian
Literature, 3rd ed. Chicago: University of Chicago Press, 2000.
Beeke, Joel R. and Paul M. Smalley. Reformed Systematic Theology, Volume 2: Man and Chris. Wheaton,
Illinois: Crossway, 2020.
Berkhof, Louis. Systematic Theology. Grand Rapids: W. B. Eerdmans, 1996.
Berkouwer, G. C.. Man:
The Image of God, Studies in Dogmatics. Grand Rapids: Eerdmans, 1962.
Boyd, Gregory A. and Paul R. Eddy. Across the Spectrum. Grand Rapids: Baker Academic, 2002.
Brien, Peter O’. The
Letter to the Ephesians. PNTC; Grand Rapids: Eerdmans,1999.
Cảnh Tuyết. Tôi
gánh tội Adam hay tôi đang là Adam. Đồng Nai: Đồng Nai, 2022.
Erickson, Millard J. Christian
Theology, Second Edition. Grand Rapids: Baker Academic, 1998.
Gabriel, Peter, Đọc Giáo Phụ. Sài Gòn: Học Viện Đaminh, 2023.
Graham, Glenn. An Exegetical Summary of Ephesians. Dallas, TX: SIL International,
2008.
Halfmann, Janet. The
New Catholic Encyclopedia, 2nd Edition. Washington D.C: Gale, 2003.
Hammett, John S.. “Human
Nature” in A Theology for the Church. ed. Daniel L. Akin; Nashville:
B&H Academic, 2007.
Herzfeld, Noreen. “Creating in our own Image: Artificial Intelligence and The Image of
God.” Zygon 37, no. 2 June 2002.
Highfield, Ron. Beyond
the Image of God Conundrum: A Relational View of Human Dignity.”Christian
Studies no 24. January 1, 2010
Hoehner, Harold. Ephesians:
An Exegetical Commentary. Grand Rapids: Baker Academic, 2002.
Hoekema, Anthony A.. Created
in God’s Image. Grand Rapids: Eerdmans, 1986.
Kant, Immanuel. Grounding
for the Metaphysics of Morals. trans. James W. Ellington; 3 ed;
Indianapolis: Hackett, 1981.
Kilner, John F.. Dignity
and Destiny: Humanity in the Image of God. Grand Rapids: Eerdmans, 2015.
King, Martha. An Exegetical Summary of Colossians. Dallas, TX:
SIL International, 2008.
Mai Quốc Phong. Nhân Học Thần Luận. Hà Nội: Tôn Giáo, 2023.
Marshall, I. Howard. The
Gospel of Luke. New International Greek Testament Commentary. Grand Rapids,
MI: Eerdmans, 1978.
Marshall, I. Howard.. The
Epistles of John. NICNT; Grand Rapids: Eerdmans, 1978.
Mathews, Kenneth A.. Genesis. Nashville: Broadman & Holman, 1996.
McKenzie, Mary D.. The
Image Of God: A Reflection Of Order And Suitability In Design. Virginia: Liberty University School Of Divinity, 2022.
Morris, Leon. The
Gospel according to Matthew, The Pillar New Testament Commentary. Grand
Rapids: Leicester, England: W.B. Eerdmans; Inter-Varsity Press, 1992.
Ngô Tường Dzũng. Tự
Thuật. Hà Nội: Tôn Giáo, 1990.
Nolland, John. The Gospel of Matthew: A Commentary on the Greek Text, New
International Greek Testament Commentary. Grand Rapids, MI; Carlisle: W.B.
Eerdmans; Paternoster Press, 2005.
Taylor, Mark. 1
Corinthians, ed. E. Ray Clendenen, vol. 28, The New American Commentary.
Nashville, TN: B&H, 2014.
Thánh Catarina Siêna. II dialogo della Divina provvindenza, 13. Roma, 1995.
Thomas Aquinas, Summa Theologica I, q.93,
a.4.
Trần
Ngọc Anh. Nhân Học Kitô Giáo. Đồng
Nai: Đồng Nai, 2018.
Trần Ngọc Châu. Tổng
Luận Thần Học Ia q. 14; a. 1. Tp.HCM: Phương Đông, 2017.
Vũ Ngọc Tứ. Mầu Nhiệm Sáng Tạo. Hà Nội:
Tôn Giáo, 2023.
3. Tài Liệu Internet
Kim Hương, “Câu nói hay về sự tự do đáng suy ngẫm.” https://voh.com.vn/song-dep/stt-tu-do-500972.html
(truy cập 24/08/2024).
Linh Tiến Khải. “Chỉ nơi Thiên Chúa
con người mọi thời đại mới tìm ra ý nghĩa cuộc sống của mình.”
https://www.songtinmungtinhyeu.org/?open=contents&display=2&id=127 2
(truy cập 22/08/2024).
Nguyễn Bảo. “Tự Do Và Đam Mê Dục Vọng.”
Thời sự Thần học - Số 42. https://www.thoisuthanhoc.net/2022/07/tu-do-va-am-me-duc-vong.html
(truy cập 24/08/2024).
Phan Tấn Thành. “Giáo Hội Với Những
Người Vô Thần, Vô Tín Ngưỡng.” Thời sự Thần học - Số 62. https://www.thoisuthanhoc.net/2019/07/giao-hoi-voi-nhung-nguoi-vo-than-vo-tin.html (truy cập
24/08/2024).
Tư Cù. “Con Người Với Các Loại ‘Văn
Hóa’ Mới Trong Xã Hội Chúng Ta.” Thời sự Thần học. https://www.thoisuthanhoc.net/2013/02/con-nguoi-voi-cac-loai-van-hoa-moi.html (truy cập
24/08/2024).
[1] Sách Giáo Lý Của
Hội Thánh Công Giáo, bản dịch của Uỷ Ban Giáo Lý Đức
Tin - Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. (Hà Nội: Tôn Giáo, 2012), số
355.
[2] Ibid., số 357.
[3] Đức
Giáo Hoàng Phanxicô, Tông Huấn Gaudete Et
Exsultate (19/03/2018), người dịch Võ Văn Ngân (Hà Nội: Tôn Giáo, 2018),
76.
[4] Thánh
Catarina Siêna, II dialogo della Divina provvindenza, 13 (Roma, 1995),
43.
[5] Mai
Quốc Phong, Nhân Học Thần Luận (Hà Nội:
Tôn Giáo, 2023), 236.
[6]
Mathews A. Kenneth, Genesis 1–11:26
(Nashville: Broadman & Holman, 1996), 145.
[7] Cf. Cảnh
Tuyết, Tôi gánh tội Adam hay tôi đang là
Adam (Đồng Nai: Đồng Nai, 2022), 56.
[8] Trần
Ngọc Anh, Nhân Học Kitô Giáo (Đồng
Nai: Đồng Nai, 2018), 260.
[9] Trần
Ngọc Anh, Nhân Học Kitô Giáo, 261.
[10] Ibid., 261.
[11] Mai
Quốc Phong, Nhân Học Thần Luận, 237.
[12] Ibid., 243.
[13] Vũ Ngọc
Tứ, Mầu Nhiệm Sáng Tạo (Hà Nội: Tôn
Giáo, 2023), 148.
[14] Cảnh
Tuyết, Tôi gánh tội Adam hay tôi đang là
Adam, 50.
[15] Cf. Mark Taylor, 1 Corinthians, ed. E. Ray Clendenen, vol.
28, The New American Commentary (Nashville, TN: B&H, 2014), 408.
[16]
Mai Quốc Phong, Nhân Học Thần Luận,
262.
[17] Cf. William Arndt and Walter
Bauer, A Greek-English Lexicon of the New
Testament and other Early Christian Literature, 3rd ed (Chicago: University
of Chicago Press, 2000), 281.
[18] John F. Kilner, Dignity and Destiny: Humanity in the Image
of God (Grand Rapids: Eerdmans, 2015), 98-99.
[19] Cf. John Nolland, The Gospel of Matthew: A Commentary on the
Greek Text, New International Greek Testament Commentary (Grand Rapids, MI;
Carlisle: W.B. Eerdmans; Paternoster Press, 2005), 898.
[20] Cf. Leon Morris, The Gospel according to Matthew, The Pillar
New Testament Commentary (Grand Rapids: Leicester, England: W.B. Eerdmans;
Inter-Varsity Press, 1992), 480-481.
[21] Anthony A. Hoekema, Created in God’s Image (Grand Rapids:
Eerdmans, 1986).
[22] Cf. Martha King, An Exegetical Summary of Colossians
(Dallas, TX: SIL International, 2008), 245.
[23] John F. Kilner, Dignity and Destiny: Humanity in the Image
of God, 253.
[24] Cf. John F. Kilner, Dignity and Destiny: Humanity in the Image
of God, 253.
[25] Cf. Glenn Graham, An Exegetical Summary of Ephesians
(Dallas, TX: SIL International, 2008), 374.
[26] Harold Hoehner, Ephesians: An Exegetical Commentary
(Grand Rapids: Baker Academic, 2002), 613.
[27] Peter O’Brien, The Letter to the Ephesians (PNTC; Grand
Rapids: Eerdmans,1999), 332.
[28] Cf. I. Howard Marshall, The Epistles of John (NICNT; Grand
Rapids: Eerdmans, 1978), 173.
[29] Trần Ngọc Anh, Nhân Học Kitô Giáo, 267.
[30] Trần Ngọc Anh, Nhân Học Kitô Giáo, 267.
[31] Ibid., 270-271.
[32] Trần Ngọc Anh, Nhân Học Kitô Giáo, 271.
[33] Ibid., 273.
[34] Ibid., 274.
[35] Trần Ngọc Anh, Nhân Học Kitô Giáo, 279.
[36] Gabriel Peter, Đọc Giáo Phụ (Tp.HCM: Học Viện Đaminh,
2023), 274.
[37] Ibid., 279.
[38] Ibid., 254.
[39] Mary D. McKenzie, The Image of God: A Reflection of Order and
Suitability in
Design (Virginia: Liberty University School
Of Divinity, 2022), 30.
[40] Mary D. McKenzie, The Image of God: A Reflection of Order and
Suitability in
Design , 30.
[41] Cf. Trần Ngọc Anh, Nhân Học Kitô Giáo, 285.
[42] Ibid.
[43] Gabriel Peter, Đọc Giáo Phụ, 310.
[44] Mary D. McKenzie, The Image of God: A Reflection of Order and
Suitability in
Design, 32.
[45] Trần Ngọc Anh, Nhân Học Kitô Giáo, 290.
[46] Cf. Trần Ngọc Anh, Nhân Học Kitô Giáo, 290.
[47] Ibid.
[48] Ibid., 292-293.
[49] Ibid., 296.
[50] Cf. Thomas Aquinas, Summa
Theologica I, q.93, a.4
[51] Cf. Gregory A. Boyd and Paul R.
Eddy, Across the Spectrum (Grand
Rapids: Baker Academic, 2002), 76.
[52] Cf. John S. Hammett, “Human Nature” in A Theology for the Church, ed. Daniel L. Akin (Nashville: B&H Academic, 2007),
387.
[53] Gregory A. Boyd and Paul R. Eddy, Across the Spectrum, 76.
[54] Gregory A. Boyd and Paul R. Eddy, Across the Spectrum, 76.
[55] Louis Berkhof, Systematic Theology (Grand Rapids: W. B.
Eerdmans, 1996), 202.
[56] Cf. Millard J. Erickson, Christian Theology, Second Edition, 521.
[57] Cf. Joel R. Beeke and Paul M.
Smalley, Reformed Systematic Theology,
Volume 2: Man and Christ
(Wheaton,
Illinois: Crossway, 2020), 238.
[58] Ron Highfield, “Beyond the "Image of God"
Conundrum: A Relational View of Human Dignity,” Christian Studies no 24 (January 1, 2010): 21-32.
[59] Cf. Immanuel Kant, Grounding for the Metaphysics of Morals, trans. James W. Ellington; 3 ed. (Indianapolis: Hackett, 1981).
[60] Cf. G. C. Berkouwer, Man: The Image of God, Studies in Dogmatics
(Grand Rapids: Eerdmans, 1962), 236.
[61] Noreen Herzfeld, “Creating in our
own Image: Artificial Intelligence and The Image of God,” Zygon 37, no. 2 (June 2002): 303-316.
[62] Cf. Louis
Berkhof, Systematic Theology, 207.
[63] Cf. Trần Ngọc Anh, Nhân Học Kitô Giáo, 262.
[64] Cf. Ronald B.
Allen, The Majesty of Man: The Dignity of
Being Human (Portland: Multnomah, 1984), 84.
[65] Cf. Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo, bản dịch của Uỷ Ban Giáo Lý Đức
Tin - Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (Hà
Nội: Tôn Giáo, 2012), số 357; 1702-1703.
[66] Tư Cù, “Con Người Với Các Loại
‘Văn Hóa’ Mới Trong Xã Hội Chúng Ta”, Thời sự Thần học, https://www.thoisuthanhoc.net/2013/02/con-nguoi-voi-cac-loai-van-hoa-moi.html (truy cập 24/08/2024).
[67] Janet Halfmann, The New Catholic Encyclopedia, 2nd Edition
(Washington D.C: Gale, 2003), 182.
[68] Phan Tấn Thành, “Giáo Hội Với Những
Người Vô Thần, Vô Tín Ngưỡng” Thời sự Thần học - Số 62,
https://www.thoisuthanhoc.net/2019/07/giao-hoi-voi-nhung-nguoi-vo-than-vo-tin.html (truy cập 24/08/2024).
[69] Nguyễn
Bảo, “Tự Do Và Đam Mê Dục Vọng” Thời sự Thần học - Số 42, https://www.thoisuthanhoc.net/2022/07/tu-do-va-am-me-duc-vong.html (truy
cập 24/08/2024).
[70] Kim
Hương, “Câu nói hay về sự tự do đáng suy ngẫm”, https://voh.com.vn/song-dep/stt-tu-do-500972.html (truy
cập 24/08/2024).
[71] Cf. Janet Halfmann, The New Catholic Encyclopedia, 2nd Edition,
182.
[72] Linh Tiến Khải “Chỉ nơi Thiên Chúa
con người mọi thời đại mới tìm ra ý nghĩa cuộc sống của mình”,
https://www.songtinmungtinhyeu.org/?open=contents&display=2&id=1272
(truy cập
22/08/2024).
[73] Cf. Công Đồng Vaticanô II, Gaudium et Spes, bản
dịch của Hội Đồng Giám mục Việt Nam, Ủy
Ban Giáo lý Đức Tin (Hà Nội: Tôn
Giáo, 2012), số 22.
[74] Cf. Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số
1701.
[75] Cf. Công Đồng Vaticanô II, Gaudium et Spes, số
12-13 và Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công
Giáo, số 355.
[76] Cf.
Trần Ngọc Châu, Tổng Luận Thần Học Ia q.
14; a. 1 (Tp.HCM: Phương Đông, 2017).
[77] Ngô
Tường Dzũng, Tự Thuật (Hà Nội: Tôn
Giáo, 1990), 80.
[78] Cf. Công Đồng Vaticanô II, Gaudium et Spes, số
12-22.
[79] Ibid., số 21.
[80] Ibid., số 18.
[81] Cf. Công Đồng Vaticanô II, Gaudium et Spes, số
18.
[82] Ibid., số 14-17.
[83] Cf. Công Đồng Vaticanô II,
Gaudium et Spes, số 15.
[84] Ibid., số 16-17.
[85] Cf. Công Đồng Vaticanô II,
Gaudium et Spes, số 17, 26.
[86] Ibid., số 16, 17.
[87] Ibid., số 17.
[88] Cf. Công Đồng Vaticanô II, Gaudium et Spes,
số 22.
[89] Ibid.
[90] Cf. Công Đồng Vaticanô II, Gaudium et Spes, số 22.