BÀN TAY ĐỨC GIÊSU TRONG TIN MỪNG MÁC-CÔ
Mục lục
I. Dẫn nhập
II. Bàn tay Đức Giêsu trong Tin Mừng
Mác-cô
1. Tác giả sách Tin Mừng Mác-cô
2. Biểu trưng
các hoạt động của bàn tay Đức Giêsu
2.1 Bàn tay Đức Giê-su
cho thấy triều đại Thiên Chúa đã đến
2.2 Bàn tay Đức Giê-su, bàn tay của Đấng
Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng có uy quyền
2.3 Bàn tay Đức Giê-su, bàn tay của vị Thượng Tế Tối Cao
2.4 Bàn
tay thanh sạch để bước vào Nước Thiên Chúa
III. Kết luận
I.
Dẫn nhập
Bàn tay (יָד,
hand, χείρ) là một bộ phận trong cơ thể con người. Danh từ này xuất hiện trong Tin
Mừng Mác-cô là 37 lần, và 1600 lần xuất hiện trong toàn bộ Kinh Thánh. Chức
năng “cầm lấy” (κρατέω) của bàn tay là một công
cụ hỗ trợ đắc lực cho các sinh hoạt thể lý trong đời sống thường ngày của con
người. Và nó được điều khiển bởi “cái bên trong”, cái từ con người xuất ra. Như
Đức Giêsu nói trong Tin Mừng Mác-cô, “không có cái gì từ bên ngoài vào trong
con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người
xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế” (7,15).
Chính vì thế, có thể
nói mọi cử chỉ và hành động của bàn tay đều gắn liền và mang ý nghĩa biểu trưng
tương ứng cho các hành vi bên trong. Ví dụ như trường hợp “vị thượng tế xé áo
mình ra” muốn biểu lộ cho mọi người biết ông và nhóm của ông bị xúc phạm, bị
báng bổ cực độ khi Đức Giêsu tự nhận mình là Con Thiên Chúa, ngang hàng với
Thiên Chúa (14,63). Hay như bàn tay của bà góa nghèo, bà đã bỏ “hai đồng tiền kẽm”
cuối cùng của mình để nuôi sống bản thân dâng cúng cho đền thờ (dâng cho Chúa).
Hành động cho đi hết những gì mình có có thể thấy được lòng quảng đại của bà và
đồng thời một cách nào đó bày tỏ một tình yêu đáp trả, một niềm tín thác
(12,41-44).
Ngoài ra, bàn tay
cũng biểu trưng cho quyền lực của cá nhân hay của một tập thể nào đó[1].
Ý nghĩa đó cũng được Đức Giêsu sử dụng khi Ngài nói, Ngài sẽ bị nộp vào tay,
vào một thế lực thế gian tội lỗi “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, vào
tay phường tội lỗi” (9,31; 14,41). Bàn tay cũng mang ý nghĩa “sở hữu” [2],
như trường hợp bọn tá điền bảo nhau giết đứa thừa tự đi để chiếm đoạt những sở
hữu của anh ấy:
Ông chỉ còn một người
nữa là người con yêu dấu: người này là người cuối cùng ông sai đến gặp họ; ông
nói: “Chúng sẽ nể con ta.” Nhưng bọn tá điền ấy bảo nhau: “Đứa thừa tự đây
rồi! Nào ta giết quách nó đi, và gia tài sẽ về tay ta.” Thế là họ bắt cậu,
giết chết rồi quăng ra bên ngoài vườn nho. (12,6-8)
Chiếm hữu là cùng đích của thế gian, nhằm tạo
ra sức mạnh, tạo ra quyền lực. Vì vậy, để tranh giành chiếm hữu cho có nhiều
tài sản nhằm thoả mãn được Danh-Lợi-Thú thì con người phải phát động chiến
tranh để cướp lấy tài sản của người khác, hay của các quốc gia khác. Riêng với bàn
tay của Đức Giêsu trong Tin Mừng Mác-cô, vừa là bàn tay của con người cũng có
chức năng “cầm lấy” như bao người khác, nhưng bàn tay của Ngài siêu vượt lên trên
mọi bàn tay, bàn tay của Ngài còn là bàn tay của Thiên Chúa. Qua các hoạt động nơi
bàn tay Đức Giêsu trong Tin Mừng Mác-cô cho thấy:
· Triều Đại Thiên Chúa đã đến.
· Đức Giêsu là Đấng có uy quyền,
là Con Thiên Chúa.
· Đức Giê-su là Tư Tế Tối Cao luôn
cầu bầu cho chúng ta.
· Giữ cho tay sạch để vào Nước
Thiên Chúa
II.
Bàn tay Đức Giêsu trong Tin Mừng Mác-cô
1.
Tác giả sách Tin Mừng Mác-cô
Bằng chứng nội tại để xác thực về tác giả chúng ta không thể biết
rõ ai là tác giả viết quyển Tin Mừng thứ hai này vì không thấy đề cập đến trong
bản văn Tin Mừng. Nhưng với các bằng chứng ngoại tại, chúng ta có thể biết tác
giả chính là Mác-cô. Sử gia nổi tiếng vào thời Giáo Hội sơ khai Eusebius cho biết
Mác-cô là người thông diễn của Thánh Phê-rô (ἑρμηνευτής / hermēneutēs) [3],
Mác-cô đi theo thánh Phê-rô, và ngài đã ghi chép chính xác tất cả những gì ngài
nhớ từ lời rao giảng của thánh Phê-rô. Sau này, người ta cũng tìm thấy trong những
bản manuscripts xuất hiện sớm nhất với tiêu đề Tin Mừng theo Mác-cô “kata
Markon”.
The
heading "according to Mark" (kata Markon) appears in the earliest
manuscripts we have of the second Gospel, which date back to the third century.
According to ancient tradition, Mark was a disciple of Simon Peter who wrote
his Gospel based on Peter's preaching in Rome. This tradition is attested by
Papias (ca. AD 60-140), a third-generation Christian[4].
Vậy, tác giả Mác-cô là ai? Công vụ Tông đồ 12,12 viết “ông
Phê-rô đi đến nhà bà Ma-ri-a, mẹ của ông Gio-an, cũng gọi là Mác-cô”. Điều đó
cho thấy, ông rất gần gũi với Phê-rô, gần đến độ Phê-rô xem ông như là con của
mình “Hội Thánh ở Ba-by-lon, cũng được chọn như anh em, và Mác-cô, con tôi, gửi
lời chào anh em” (1 Pr 5,13). Ngoài ra, Mác-cô là người đã từng theo Phao-lô và
Barnaba trong những hành trình truyền giáo “Còn ông Ba-na-ba và ông Sao-lô, sau
khi đã chu toàn công việc phục vụ tại Giê-ru-sa-lem thì trở về, đem theo ông
Gio-an, cũng gọi là Mác-cô” (Cv 12,25; 13,5). Mác-cô nguyên quán ở Giê-ru-sa-lem.
Như đã trình bày, Mác-cô đi theo sát Phê-rô, và ông đã ghi
chép chính xác những lời giảng dạy của Phê-rô về Đức Giêsu. Vì thế, Tin Mừng
theo Mác-cô (kata Markon) là Tin Mừng về Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa. Nguồn
Tin Mừng Mác-cô được viết từ lời rao giảng của tông đồ trưởng Phê-rô (ἑρμηνευτής),
và có thể thêm nguồn từ những chuyến truyền giáo chung với hai tông đồ Phao-lô
và Ba-na-ba (Cv 12,25; 13,5).
2.
Biểu
trưng các hoạt động của bàn tay Đức Giêsu
Như đã trình bày ở trên, hành động của bàn tay (cánh
tay) mang tính biểu trưng cho “cái bên trong” bày tỏ tâm tư tình cảm, biểu lộ uy
quyền, vị thế … của một ai đó. Mở đầu trang Tin Mừng của mình, Thánh Mác-cô viết:
“Ἀρχὴ τοῦ εὐαγγελίου Ἰησοῦ Χριστοῦ[5] [υἱοῦ θεοῦ]” (1:1). Ngài viết Tin Mừng về Đức Giê-su, Con Thiên Chúa. Như thế, qua bàn tay (việc làm)
của Đức Giêsu chúng ta sẽ thấy một Đức Giê-su rất “người”, Ngài cũng có đôi bàn
tay như mọi người. Nhưng, bàn tay của Ngài vượt lên trên bàn tay của mọi người,
bàn tay của Ngài là bàn tay độc nhất vô nhị (unique), bàn tay của Ngài là bàn
tay của Con Thiên Chúa [υἱοῦ θεοῦ], bàn
tay của Thiên Chúa.
2.1 Bàn tay Đức
Giê-su cho thấy triều đại Thiên Chúa đã đến
Bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên
giường. Đức Giêsu tiến lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy, cơn sốt dứt ngay và
bà phục vụ các ngài:
Vừa
ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê.
Có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo. Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-môn
đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của
bà. Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các
ngài. (1,29-31)
Quan sát các hành động
từ bản văn trên, ta thấy Đức Giêsu tới (προσελθὼν[6]), một cách nào đó cho thấy Triều
Đại Thiên Chúa đã tới “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”
(1,15a). Thế gian đang bệnh hoạn, đang nằm im là biểu trưng cho quyền lực thống
trị của quỷ. Quỷ[7] ám, quỷ nhập làm cho con
người sống không đúng với phẩm giá cao quý của mình, gây đau khổ cho cá nhân,
gia đình và xã hội, đưa đến sự chết, và không một ai, một thế lực nào có thể
tiêu diệt được chúng:
Một người trong đám đông trả
lời: “Thưa Thầy, tôi đã đem con trai tôi lại cùng Thầy; cháu bị quỷ câm
ám. Bất cứ ở đâu, hễ quỷ nhập vào là vật cháu xuống. Cháu sùi bọt mép,
nghiến răng, cứng đờ người ra. Tôi đã nói với các môn đệ Thầy để họ trừ tên quỷ
đó, nhưng các ông không làm nổi.”
(9,17-18).
Triều đại của chúng vẫn
ngang nhiên tồn tại và gây ra bao đau khổ, gây ra sự chết. Triều đại của chúng
làm cho con người nằm im, khép kín, làm cho con người phải chết. Triều đại của
chúng nay đã mãn khi bàn tay uy quyền của Đức Giêsu đã đến, đã trục xuất chúng,
tiêu diệt vương quyền của chúng:
Thật vậy, Đức Giê-su đã bảo nó: “Thần ô uế kia, xuất khỏi người
này!” Người hỏi nó: “Tên ngươi là gì?” Nó thưa: “Tên tôi là đạo binh, vì
chúng tôi đông lắm.” Nó khẩn khoản nài xin Người đừng đuổi chúng ra khỏi
vùng ấy. Ở đó có một bầy heo rất đông đang ăn bên sườn núi. Đám thần
ô uế nài xin Người rằng: “Xin sai chúng tôi đến nhập vào những con heo
kia.” Người cho phép. Chúng xuất khỏi người đó và nhập vào bầy heo. Cả bầy
heo -chừng hai ngàn con- từ trên sườn núi lao xuống biển và chết ngộp dưới đó.
(5,8-13)[8].
Triều Đại Thiên Chúa
cụ thể hơn đã tiến lại cầm lấy tay bà mẹ vợ Simon, tay người đang bệnh, đang bị
nhiễm uế, đang nằm không làm gì được, không phục vụ được ai. Ngài cầm lấy (κρατήσας[9]), động từ “κρατήσας” được Tin Mừng Mác-cô diễn tả hành động cầm lấy của
Đức Giê-su: Ngài cầm lấy tay người bệnh về mặt thể lý như cầm tay mẹ vợ Simon
(1,29-31); Ngài cầm
lấy tay đứa trẻ đã chết
và nói: “Ta-li-tha kum”, nghĩa là: “Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi!” (5,41);
và Ngài cầm lấy tay đứa trẻ bị quỷ ám và nâng em dậy (9,27). Nghĩa thiêng liêng cho thấy,
Triều đại Đức Giêsu đã “tới” và “cầm lấy” bàn tay con người, để “nâng” con người
đang bất động hoặc đã chết đứng “lên” (ἤγειρεν[10]).
Triều đại Đức Giê-su đến, cầm lấy tay, nâng con người lên để
họ phục vụ Thiên Chúa và phục vụ tha nhân (1,11). Triều đại Thiên Chúa giải
thoát con người, muốn con người trỗi dậy “giơ bàn tay (mình) ra” giống như Ngài
chạm đến với nhau (ἔκτεινον τὴν χεῖρα), để làm điều lành tránh điều dữ, để cứu mạng sống chứ không phải để giết
đi (3,1-5).
Thật vậy, nếu con người tin và để cho Đức Giêsu cầm nắm lấy
tay mình hoặc mình nắm lấy tay Ngài thì họ được biến đổi, được trỗi dậy, được sống
lại trong một đời sống mới. Ngoài ra, chúng ta nếu có những người thân là những
người đang bị sự tội làm cho tê liệt làm cho chết. Nếu chúng ta tin vào Đức
Giêsu, chạy đến cầu xin Người thì người thân của chúng ta cũng sẽ được cứu,
cũng sẽ được trỗi dậy và được sống như trường hợp con gái ông Gia-ia trưởng hội
đường. Cô bé được trỗi dậy với niềm tin của người cha vào Đức Giêsu và cái nắm
tay nâng dậy của Ngài, cô bé đã hoàn toàn được “trỗi dậy”:
Có
một ông trưởng hội đường tên là Gia-ia đi tới. Vừa thấy Đức Giê-su, ông ta sụp
xuống dưới chân Người, và khẩn khoản nài xin: “Con bé nhà tôi gần chết
rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được
sống.” Người liền ra đi với ông. Một đám rất đông đi theo và chen lấn
Người. Đức Giê-su còn đang nói, thì có mấy người từ nhà ông trưởng hội
đường đến bảo: “Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?” Nhưng Đức
Giê-su nghe được câu nói đó, liền bảo ông trưởng hội đường: “Ông đừng sợ, chỉ
cần tin thôi.” Rồi Người không cho ai đi theo mình, trừ ông Phê-rô, ông
Gia-cô-bê và em ông này là ông Gio-an. Các ngài đến nhà ông trưởng hội
đường. Đức Giê-su thấy người ta khóc lóc, kêu la ầm ĩ. Người bước vào nhà
và bảo họ: “Sao lại náo động và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ
đấy!” Họ chế nhạo Người. Nhưng Người bắt họ ra ngoài hết, rồi dẫn cha mẹ
đứa trẻ và những kẻ cùng đi với Người, vào nơi nó đang nằm. Người cầm lấy
tay nó và nói: “Ta-li-tha kum”, nghĩa là: “Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi
dậy đi!” Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi.
Và lập tức, người ta kinh ngạc sững sờ. Đức Giê-su nghiêm cấm họ không
được để một ai biết việc ấy, và bảo họ cho con bé ăn. (5,22-24.35-43).
Hành động nơi bàn tay của Đức Giê-su loan báo: “triều đại
Thiên Chúa đã đến” (1,15). Đức Giê-su đến để nâng con người đứng lên, phục vụ
cho Triều Đại Nước Thiên Chúa, dấn thân phục vụ cho tha nhân, họ không còn làm
nô lệ cho triều đại của quỷ nữa (1,11; 9,27). Triều đại Nước Thiên Chúa chính
là Đức Giêsu đã đến và ở giữa thế gian. Điều kiện như đã trình bày ở trên là cần
phải tin vào Đức Giêsu, tin vào bàn tay uy quyền của Ngài, chỉ cần “sờ” lấy tay
Ngài là được cứu, được chữa lành: “Đức Giê-su và các môn đệ đến Bết-xai-đa. Người
ta dẫn một người mù đến và nài xin Đức Giê-su sờ (ἅψηται[11]) vào anh ta.” (8,22). Như anh mù, chỉ cần sờ lấy, nghĩa là tin
vào Đức Giêsu, cộng tác với Ngài là được cứu, còn nếu không tin thì Ngài cũng
không thể cứu giúp chúng ta: “Đức Giêsu đã không thể làm được phép lạ nào tại
đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. Người lấy
làm lạ vì họ không tin” (6,5-6). Tin vào bàn tay quyền năng của Thiên Chúa qua
Đức Giê-su ta được biến đổi, được nên sạch, và đó cũng là điều kiện để chúng ta
bước vào Nước của Ngài, Nước của Thiên Chúa.
2.2 Bàn
tay Đức Giê-su, bàn tay của Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng có uy quyền
2.2.1 Đấng có uy quyền
Trong
Kinh Thánh Cựu Ước, danh từ bàn tay cũng được ngụ ý, biểu thị cho cái bên trong
con người, một quyền lực hay sức mạnh tự nơi người đó, hay tổ chức đó. Đệ Nhi
Luật 2,15 viết: “bàn tay ĐỨC CHÚA cũng đè trên họ
để loại họ ra khỏi trại, cho đến khi họ biến hết”. Nghĩa văn chương của câu này
muốn nói “bàn tay Đức Chúa chống lại họ”. Bàn tay của Thiên Chúa trong Cựu Ước biểu trưng cho uy
quyền, cho sức mạnh của Thiên Chúa, và đồng thời cũng biểu lộ sự bao bọc chở
che, để bảo vệ “Trong
tay Ngài, con xin phó thác hồn con” בְּיָדְךָ֘ אַפְקִ֪יד
ר֫וּחִ֥י פָּדִ֖יתָה אוֹתִ֥י יְהוָ֗ה אֵ֣ל אֱמֶֽת׃ (Tv 31,6).
Tin
Mừng Mác-cô loan báo Đức Giêsu là Đấng có uy quyền vì Ngài là Con Thiên Chúa,
Con Đấng Đáng Chúc Tụng. Đức Giê-su được đưa lên
trời và ngự bên hữu (tay phải) của Thiên Chúa (16,19), và sau này đến ngày tận
thế “các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu
(tay phải) Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến.” (14,61-62). Đức Giêsu ngự
bên hữu Đấng Toàn Năng cho thấy vị trí của “tay phải” trong Kinh Thánh muốn diễn
tả chổ danh dự cao quý, vị trí của quyền lực: “Bên hữu (tay phải) Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân
con.” (Tv 110,1; Mc 12,35). Vị trí quyền lực
này cũng từng được hai con ông Dê-bê-đê đến xin Đức Giêsu bổ nhiệm cho “người
ngồi bên tay phải, người ngồi bên tay trái khi Thầy được vinh quang”
(10,35-40). Vị trí ngự bên hữu Thiên Chúa cho thấy, Đức Giêsu được xếp ngang bằng
với Thiên Chúa với tư cách là Con Đấng Toàn Năng, và Ngài được Chúa Cha ban cho
quyền năng để xét xử thế gian (12,35).
Như
thế, bàn tay của Đức Giê-su là bàn tay của Đấng có uy quyền vì được nhận lãnh
nhận từ Chúa Cha[12].
Đức Giê-su, “Tay Hữu của Thiên Chúa” đã đến thế gian, đã ra oai thần lực, tay hữu
Chúa giơ cao dẹp tan mọi tội lỗi xấu xa, xóa bỏ thời kỳ thống trị của sự chết
(Tv 117,16).
2.2.2
Là Con Thiên Chúa qua việc đặt tay
Biểu tượng của bàn tay phải, của bàn tay trái, hay của cả
hai tay trong Kinh Thánh sẽ mang ý nghĩa thần học khác nhau. Biểu tượng rất quen thuộc thường
thấy trong Kinh Thánh Cựu Ước là đặt tay trên đầu con vật để dâng lễ xá tội.
Tội nhân sẽ đặt tay trên đầu con vật để chuyển tội lỗi của mình đáng lẽ phải
chết qua con vật[13], và để con vật gánh thay, chết
thay cho mình :
Ðức Chúa gọi ông Mô-sê, và từ Lều Hội Ngộ, Người phán với
ông rằng : “Hãy nói với con cái Ít-ra-en và bảo chúng : Khi một người trong các
ngươi dâng lễ tiến lên Ðức Chúa, nếu là gia súc thì các ngươi phải dâng bò hay
chiên dê làm lễ tiến. Nếu người ấy tiến dâng một con bò làm lễ toàn thiêu,
thì phải tiến dâng một con đực toàn vẹn ; người ấy sẽ tiến dâng nó ở cửa Lều
Hội Ngộ, để được Ðức Chúa đoái nhận. Người ấy sẽ đặt tay trên đầu con vật
dâng làm lễ toàn thiêu, và nó sẽ được đoái nhận để cử hành nghi thức xá tội cho
người ấy (Lv 1,4).
Ngoài ra, đặt tay cũng mang ý nghĩa chúc phúc
(blessing). Đặt tay trong lễ nghi tấn phong (rites
of ordination[14]), trao
quyền, trao trách nhiệm cho ai đó. Như Đức Chúa đã chỉ thị cho Mô-sê:
“Ngươi hãy đem theo Giô-suê, con của Nun, là người có thần
khí nơi mình, và ngươi sẽ đặt tay trên nó. Ngươi sẽ cho nó đứng trước mặt
tư tế E-la-da và trước mặt toàn thể cộng đồng. Ngươi sẽ truyền lệnh cho nó trước
mắt chúng” (Ds 27,18-20).
Truyền thống đặt tay vẫn tiếp tục diễn ra vào thời Tân
Ước, và cũng mang nội dung ý nghĩa như trong Cựu Ước. Trong Tin Mừng Mác-cô có
tổng cộng 6 lần nói đến hành động Đức Giêsu đặt tay.
·
Trường
hợp thứ nhất, Bàn tay Đức Giêsu mang ý nghĩa cứu sống: Ngài đặt tay hồi sinh
con gái ông Gia-ia (5,23).
·
Kế
đến, Bàn tay chữa lành của Đức Giêsu: Ngài đặt tay trên một vài bệnh nhân và
chữa lành ở quê nhà (6,5). Sau đó, đặt tay chữa lành một người vừa điếc vừa
ngọng khi đi qua ngã Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê (7,32). Ngài đặt tay chữa
lành người mù ở Bết-xai-đa (8,22-26).
·
Bàn
tay Đức Giêsu, bàn tay chúc lành: Ngài đặt tay chúc lành trẻ em (10,13-16).
· Cuối cùng, Bàn Tay các môn đệ là bàn tay của Đức Giêsu:
Ngài đã trao quyền đặt tay của Ngài lại cho các tông đồ: “Và nếu họ đặt tay trên những
người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.” (16,14-18).
Cựu Ước và Tân Ước đều quan niệm cho rằng bệnh tật là do tội[15]
hoặc do Thiên Chúa phạt: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã
bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?” (Ga 9,2). Cho nên, để được xá tội họ phải cần
phải có một con vật để nhận tội thay, phải cần đến tư tế lẫn nghi lễ với lời cầu
xin lên Thiên Chúa Đấng duy nhất có quyền tha tội “Sao ông này lại dám nói như
vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?”
(2,7). Nay tất cả các loại bệnh và tật nguyền trong dân biểu trưng cho tất cả
các tội, các loại ô uế, và do quỷ nhập đều được Đức Giêsu đặt tay cứu chữa và
nâng họ lên mà không cần đến hy lễ, nghi lễ, tư tế và lời cầu xin. Điều đó cho
thấy, Đức Giêsu là Con Thiên Chúa[16]
có thẩm quyền ngang bằng với Thiên Chúa cho nên Ngài không cần lời cầu xin
(2,10). Ngài là Chiên Thiên Chúa gánh tội thay cho mọi người (Ga 1,29). Ngài là
Tư Tế Tối Cao (x. mục 2.5). Ngài có đủ thẩm quyền trao ban và ủy thác lại cho
các tông đồ quyền của mình trước khi về trời. Nay, cánh tay của các tông đồ và
của các đấng kế vị các ngài (bàn tay của Giáo Hội), cũng chính là cánh tay của Đức
Giê-su tiếp tục ban muôn ơn lành, và cứu chữa thế gian (16,14-18).
2.3 Bàn tay Đức Giê-su, bàn tay của vị Thượng Tế Tối Cao
Hai tay giang rộng và đưa lên cao là một hành động thờ
phượng, thành tâm dâng lên Thiên Chúa: “Khi con hướng về nơi cực thánh giơ đôi tay cầu cứu van nài,
xin Ngài nghe tiếng con khấn nguyện.” (Tv 28,2), và truyền thống này cũng được
tiếp tục duy trì trong Tân Ước “Vậy tôi muốn rằng người đàn ông hãy cầu nguyện ở
bất cứ nơi nào, tay giơ lên trời, tâm hồn thánh thiện, không giận hờn, không
xung khắc.” (1 Tm 2,8). Bàn tay của Đức Giêsu đã “cầm lấy” bánh, ngước mắt lên
trời, dâng lời “chúc tụng”, rồi “bẻ ra”, “trao cho” các môn đệ, để các ông dọn
ra cho dân chúng:
Người đáp: “Thì chính anh em
hãy cho họ ăn đi!” Các ông nói với Người: “Chúng con phải đi mua tới hai trăm
quan tiền bánh mà cho họ ăn sao?” Người bảo các ông: “Anh em có mấy chiếc
bánh? Đi coi xem!” Khi biết rồi, các ông thưa: “Có năm chiếc bánh và hai con
cá.” Người ra lệnh cho các ông bảo mọi người ngồi thành từng nhóm trên cỏ
xanh. Họ ngồi xuống thành từng đám, chỗ thì một trăm, chỗ thì năm
mươi. Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng
lời chúc tụng, rồi bẻ bánh ra, trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng.
Người cũng chia hai con cá cho mọi người. Ai nấy đều ăn và được no
nê. Người ta thu lại những mẩu bánh được mười hai thúng đầy, cùng với cá
còn dư. Số người ăn bánh là năm ngàn người đàn ông. (6,37-44)[17].
Đức Giê-su là Đấng được chọn (cầm
lấy) từ đời đời, Ngài được Chúa Cha chúc phúc (chúc tụng) xác nhận ngay ở sông
Jordan, Ngài đã bị bẻ ra trên thập giá, và đã trao hiến thân mình cho nhân loại[18].
Đôi bàn tay của Đức Giê-su đã dang rộng trên thập giá làm Con Chiên gánh tội trần
gian (Ga 1,29. 36), là bánh trường sinh, là thần lương nuôi dưỡng mọi tín hữu
(Ga 6,35). Chúng ta có Đức Giêsu vừa là Con Chiên Thiên Chúa, và vừa là vị Thượng
Tế Đời Đời luôn giang tay chúc phúc và cầu khẩn cho chúng ta.
2.4
Bàn tay thanh sạch để bước vào Nước Thiên Chúa
Trong Kinh Thánh Cựu Ước, bàn tay thanh sạch
biểu trưng cho sự chính trực về mặt luân lý của con người: “Lạy CHÚA, con rửa tay nói lên lòng vô tội và đi vòng
quanh bàn thờ Chúa” (Tv 26,6), và chỉ có những kẻ “tay sạch” lòng thanh,
chẳng mê theo ngẫu tượng, không thề gian thề dối mới được lên núi CHÚA, mới được
ở trong đền thánh của Người:
Ai được lên núi CHÚA? Ai được ở
trong đền thánh của Người?
Đó là kẻ tay sạch lòng thanh,
chẳng mê theo ngẫu tượng, không thề gian thề dối.
Người
ấy sẽ được CHÚA ban phúc lành, được Thiên Chúa cứu độ thưởng công xứng đáng.
(Tv 24,3-4).
Vào thời Tân Ước, những người Pha-ri-sêu cũng như mọi người Do-thái đều tuân giữ truyền thống
của tiền nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận, và họ thường bắt lỗi
Đức Giê-su và các môn đệ của Ngài về việc giữ luật thanh sạch này. Họ bắt bẻ Đức
Giêsu và các các môn đệ của Ngài đã không tuân giữ theo truyền thống của tiền
nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa:
Có những người Pha-ri-sêu và
một số kinh sư tụ họp quanh Đức Giê-su. Họ là những người từ Giê-ru-sa-lem đến. Họ
thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa. Thật
vậy, người Pha-ri-sêu cũng như mọi người Do-thái đều nắm giữ truyền thống của
tiền nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; thức gì mua ngoài chợ
về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa
chén bát, bình lọ và các đồ đồng. Vậy, người Pha-ri-sêu và kinh sư hỏi Đức
Giê-su: “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để
tay ô uế mà dùng bữa?” (7,1-6).
Đức Giêsu đã trả lại (kiện
toàn) đúng chức năng của “cái tay”, nó chỉ là khí cụ được điều khiển bởi “cái
bên trong”, và ô uế không thể phát sinh từ những “cái bên ngoài” được:
Sau
đó, Đức Giê-su lại gọi đám đông tới mà bảo: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và
hiểu cho rõ: Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể
làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái
làm cho con người ra ô uế. Ai có tai nghe thì nghe!” Khi Đức Giê-su
đã rời đám đông mà vào nhà, các môn đệ hỏi Người về dụ ngôn ấy. Người nói
với các ông: “Cả anh em nữa, anh em cũng ngu tối như thế sao? Anh em không hiểu
sao? Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con
người ra ô uế, bởi vì nó không đi vào lòng, nhưng vào bụng người ta, rồi
bị thải ra ngoài?” Như vậy là Người tuyên bố mọi thức ăn đều thanh
sạch. Người nói: “Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho
con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định
xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá,
trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều
xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.” (7,14-23).
Cho nên, một người có tâm hồn
thanh sạch (cái bên trong, lòng thanh) thì sẽ hành động tốt, và sẽ làm những việc
tốt đẹp. Nhưng ngược lại, những người tuy luôn tỏ ra sạch sẽ bên ngoài, nhưng
tâm hồn thì chưa chắc sạch: nào là xấu xa, ác độc thì chỉ là những người đạo đức
giả “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (7,6).
Chính vì thế, Đức Giêsu cũng xác quyết điều kiện để được vào Nước Thiên Chúa chỉ dành cho những
ai có “tay sạch”, đúng nghĩa là “những ai có lòng thanh” mà thôi, và
Ngài khuyên các môn đệ giữ tâm hồn trong sạch, tránh làm gương mù gương xấu cho
anh em sa ngã để vào cõi sống, vào vương quốc của Ngài:
Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang
tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn
hơn. Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà
được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hỏa ngục, phải vào lửa
không hề tắt. (9,42-43)
Chúng ta muốn trở nên sạch phải
cậy nhờ đến “Đấng thuần khiết thanh sạch” là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Chỉ cần
“Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào chúng ta và bảo: “Tôi muốn, anh sạch
đi!” là chúng ta được sạch” (1,40-41).
III.
Kết luận
Tin Mừng Mác-cô loan báo triều
đại Thiên Chúa đã đến gần “ἤγγικεν” (The kingdom of God is at hand)[19].
Những ai tin và chạm đến bàn tay uy quyền của Đức Giêsu Ki-tô, Con Thiên Chúa
thì sẽ được cứu chữa, được trỗi dậy và sống trong đời sống mới trong Đức Giêsu
Ki-tô. Đời sống mới trong Đức Giê-su Ki-tô là phục vụ Thiên Chúa và phục vụ tha
nhân.
Chúng ta thật hạnh phúc vì có
Con Thiên Chúa làm người và luôn đồng hành với chúng ta, nắm lấy tay chúng tay.
Ngài cũng là vị Thượng Tế Tối Cao biết cảm thương với những yếu hèn của chúng
ta, và luôn ngự bên hữu Thiên Chúa, luôn giang tay cầu bầu cho chúng ta (Hr 2,
17; 3, 1; 4, 14-15; 5, 1-10; 7).
Bàn tay uy quyền của Đức
Giê-su vẫn hiện diện với chúng ta qua bàn tay của Giáo Hội. Thiên Chúa vẫn tiếp
tục ban phát ân sủng, luôn giang tay để chúng ta có thể chạm lấy, chạm lấy để
chúng ta được chữa lành. Ngài cũng mời gọi mỗi người chúng ta hãy nhớ đến Ngài mỗi
khi tay của chúng ta “cầm lấy” bánh là cầm lấy chính “Thân Thể Ngài – Body of
Christ”, và sống như những người được chọn (được cầm lấy), như những người được
chúc phúc, những người được bẻ ra, và được trao ban cho thế gian, để chữa lành
và cứu chữa thế gian (3,1-5).
DANH MỤC THAM KHẢO
Arthur, Buttrick George. The Interpreter’s
Dictionary of the Bible. New York: Abingdon Press, Volume II, 1962.
Cranfield C.E.B. The Gospel According to
Saint Mark. United Kingdom: Cambridge, 2005.
Donahue, John R. SJ, Daniel J. Harrington SJ. The
Gospel of Mark. Collegeville Minnesota: Sacra Pagina Series, Volume 2,
2022.
Mary, Healy. The Gospel of Mark.
Michigan: Baker Academic, 2008.
Stein, Robert H. Mark. Michigan: Baker
Academic, 2008.
[1] Ông bà xưa có câu “cờ đến tay ai người ấy phất”.
[2] George Arthur Buttrick, The
Interpreter’s Dictionary of the Bible (New York: Abingdon Press, Volume II,
1962), 520.
[3] Ibid, 3.
“- The Anti-Marcionite Prologue (ca. 150–180). “Mark related, who was
called ‘Stumpfinger’. He was the interpreter of Peter. After Peter’s death the
same man wrote this gospel in the regions of Italy” (Grant 1946: 92).
- Irenaeus (ca. 170). “But after their
departure [ἔξοδον, exodon] Mark, the disciple and interpreter [ἑρμηνευτής,
hermēneutēs] of Peter, himself also handed over to us, in writing, the things
preached by Peter” (Haer. 3.1.1; C. Black 1994: 99–100).
- Clement of Alexandria (ca. 180). “When Peter
had publicly preached the word at Rome, and by the Spirit had proclaimed the
Gospel, that those present, who were many, exhorted Mark, as one who had
followed him for a long time and remembered what had been spoken, to make a
record of what was said; and that he did this, and distributed the Gospel.”
[4] Mary Healy. The Gospel of Mark
(Michigan: Baker Academic, 2008), 18.
[5] Mary Healy. The
Gospel of Mark (Michigan: Baker Academic, 2008), 30. “Messiah comes from
Hebrew mashiah, "anointed:' which in Greek is christos, Christ. In ancient
Israel, priests, prophets, and kings were installed in office by being anointed
with oil (Exod 29:7; 1 Sam 10:1; 1 Kings 19:16). and the king was often
referred to as "the Lord's anointed" (1 Sam 24:7; see Ps 2:2), When
the kingship came to an end and Israel was conquered by a succession of foreign
rulers, a prophetic expectation grew that God would send a new "anointed
one" descended from King David, who would revive the royal dynasty and
restore freedom, justice, peace, and prosperity to Israel (see Ps 89:21 - 38;
Isa 61 :1-3).”
[6] προσελθὼν verb participle
aorist active nominative masculine singular from προσέρχομαι.
[7][7] Mary Healy. The Gospel of Mark
(Michigan: Baker Academic, 2008), 47. "Demon" hay "unclean
spirit" là thụ tạo vô hình (invisible), siêu nhiên (supernatural beings)
tàn phá sự sống con người và đôi khi có thể kiểm soát được hành vi và chiếm hữu
con người (5,2-5).
[8]
Xem
thêm ở: 3, 15; 6,7.13; 7,24-30; 9,14-29
[9] κρατήσας verb participle
aorist active nominative masculine singular from κρατέω.
[10] ἤγειρεν verb indicative
aorist active 3rd person singular from ἐγείρω.
[11] “ἅψηται” He might touch.
[12] “Bên hữu
Cha, Con lên ngự trị, và mọi loài Cha đặt làm dưới bệ chân Con”
[13] Robert H. Stein, Mark
(Michigan: Baker Academic, 2008), 521.
[14] Ibid, 521
[15] Robert H. Stein, Mark
(Michigan: Baker Academic, 2008), 105. “Since leprosy
was often regarded as a punishment for sin (Num. 12:1–15; 2 Kings 5:25–27; 2
Chron 26:16–21), such social ostracism was seen as having both prophylactic and
moral grounds.”
[16] Robert H. Stein, Mark
(Michigan: Baker Academic, 2008), 41. “In Mark the title “Son of God” reveals
Jesus’s unique and unparalleled relationship with God. It is the favorite title
of Mark for identifying Jesus (1:11, 24; 3:11 [cf. 1:34]; 5:7; 9:7; 12:6;
13:32; 14:61–62; 15:39), and when Mark was written, it conveyed to the
Christian community the idea of both preexistence and deity (cf. Phil. 2:6–8;
Col. 1:15–20).”
[17] (xem
thêm 8,6; 14,22-23).
[18] Henri Nouwen, Becoming Food for
The World, (henrinouwen.org).