NGÃ PHẬT
MỤC
LỤC
DẪN NHẬP
NỘI DUNG
I. Định nghĩa về Ngã
1. Định nghĩa chung
2. Định nghĩa Ngã theo các tôn giáo khác
II. Ngã theo quan
niệm Phật Giáo
1. Vô ngã
2. Ngũ uẩn giả hợp thành “ngã”
3. Sự chấp ngã đưa đến đau khổ
4. Nhận thức vô ngã hướng tới giải thoát
III. Đối chiếu với quan niệm của Ấn giáo và Kitô giáo về Cái ngã
KẾT LUẬN
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
DẪN
NHẬP
Đã là người không ai lại không quan tâm đến chính bản thân mình, không mong muốn khám phá chính mình với những nét đặc trưng, riêng biệt làm nên chính con người mình. Từ đó, những học thuyết, tư tưởng khác nhau về con người hay cụ thể hơn về bản ngã người xuất hiện. Trong mọi lãnh vực từ triết học, đạo đức đến tâm lý, tôn giáo, xã hội,… con người luôn là tâm điểm, đóng vai trò trung tâm của mọi suy tư và những khai phá mới mẻ. Đóng góp vào nền tư tưởng phong phú ấy, triết lý Phật giáo cho thấy một cái nhìn hết sức đặc biệt và sâu xa về bản ngã con người. Sự quan tâm của Phật giáo về cái ngã không theo hướng tìm kiếm nó, gọi tên nó hay xác định nó trong khía cạnh của sự hiện hữu một cái tôi cụ thể; Phật giáo làm sáng tỏ triết lý về cái tôi bởi sự phủ nhận nó. Cái tôi theo nhãn quan Phật giáo không phải không có nhưng cũng không phải là có, Có đó rồi lại Không có; Không nhưng lại là Có. Trong bài viết này, tác giả sẽ góp phần làm rõ tư tưởng Phật giáo về cái ngã con người, đồng thời có sự so sánh nhất định đối với Ấn giáo và Kitô giáo nhằm cung cấp cho người đọc cái nhìn đúng đắn, toàn diện và đầy khách quan về cái ngã trong mỗi người.
NỘI DUNG
I.
Định nghĩa về Ngã
1. Định nghĩa chung
Theo Đại từ điển Tiếng Việt,
Ngã:
Tôi, ta, là chính bản thân mình.
Bản
ngã: Cái làm nên tính cách riêng của từng người, cái tôi[1].
Theo
nghĩa Triết học, bản ngã (ego) là cái tôi căn bản nơi một chủ thể. Là
chính chủ thể tâm lý. Trung tâm phát sự kiện tâm linh. Trung tâm quy tụ sự kiện
tâm linh. Toàn thể sự kiện tâm linh tổ hợp một cách riêng biệt nơi mỗi cá nhân,
mỗi người có một bản ngã riêng. Chủ thể ý thức và tự do[2].
Theo Tâm lý học, bản ngã hay cái tôi
là một trong ba phần của nhân cách con người. Bản ngã là bộ phận điều hành của
nhân cách, làm trung gian giữa bản năng và siêu ngã. Bản ngã là phần tiếp xúc
với thực tại bên ngoài và hoạt động theo quy luật thực tế, có chức năng kiểm
soát, quản lý, điều chỉnh nhân cách.
2. Định
nghĩa Ngã theo các tôn giáo khác
Tư tưởng Ấn giáo quan niệm về
Tự ngã (Atman) và Đại ngã (Brahman). Atman là cái ẩn sâu trong
thân xác, vượt trên thân xác, tâm lý và tinh thần. Brahman là cái tôi siêu
việt, bao trùm vạn vật. Một người đạt đến cảnh giới cao nhất thì Atman và
Brahman hợp thành một.
Đối với Ấn giáo và Sikh giáo, Ngã/ Tiểu ngã
(Tiếng Sanskrit: Atman), cái ngã đích thực hiện diện trong hình tướng của
con người. Trong Vệ đà, ý nghĩa ấy không phát triển. Trong Rg Veda nó có nghĩa
là hơi thở, hay toàn cơ thể, tương phản với các phần khác của nó. Chỉ trong
thời của Aranyakas và Upanishad mới cố gắng xác định và mô tả bản chất của
“ngã” ngày chính xác hơn.
Đối với các tín đồ Sikh giáo, ngã bất tử là
phương tiện tương giao với Thượng đế-đúng là sự hợp nhất (cho những ai đạt được nó): ‘Thượng đế trú ngụ trong
atman và atman trú ngụ trong Thượng đế’ (Adi Granth 1153)[3].
Trong Kitô giáo, ngã của
một người được coi là linh hồn của người đó, linh hồn được Thiên Chúa ban tặng
ngay từ khi thành hình. Linh hồn con người luôn hướng về sự Thiện tức là hướng
về Thiên Chúa – Đấng là sự Thiện toàn hảo.
II.
Ngã theo quan niệm Phật Giáo
1. Vô ngã
Quan điểm hết sức rõ ràng của Phật giáo đó là
không tồn tại một cái Ngã riêng biệt nào theo nghĩa là một cái ngã thường hằng,
bất biến. Các pháp đều vô ngã, nghĩa là vạn vật hữu tình hay vô tình,
tất cả đều không có cái mà chúng ta có thể gọi là bản ngã hay thực thể. Trước
sự hiện hữu của một người, chúng ta có thể nắm bắt được những yếu tố hay tùy
thể bên ngoài như cao-thấp, vui-buồn, màu da, mái tóc,… nhưng cái thực hữu bên
trong thì ta không thể nắm bắt được. Theo Phật giáo, mọi hiện hữu ấy thật ra
chỉ là kết quả của một tràng nhân duyên, sự hội tụ những điều kiện thích hợp mà
thành. Mọi vật hiện hữu đều là vì nhân duyên, và nó sẽ tan biến khi những tác
dụng của tràng nhân duyên đó chấm dứt[4].
Với vạn vật cũng thế, những
hạt mưa quả là hiện hữu nhưng ta không thể gọi những hạt mưa là tự ngã vì mưa
chỉ có khi hội đủ các điều kiện về áp suất, nhiệt độ, lượng nước,... nghĩa là
tùy thuộc nhân duyên. Khi những tác dụng của những nhân duyên đó chấm dứt thì
sẽ không còn mưa nữa. Như thế, làm sao có thể có cái ngã nào biệt lập với nhân
duyên được.
Mọi vật hiện hữu đều tùy
thuộc nhân duyên, kể cả con người và do đó, không một hiện hữu nào trong vũ trụ
này tồn tại trường tồn, biệt lập. Đức Phật vì thế dạy rằng vô ngã là yếu
tính của vạn vật và vạn vật cũng là vô thường. Từ đó hình thành nên nhận thức nền tảng
trong Phật Giáo đó là không thể có ngã hay hồn tồn tại nơi vẻ bề ngoài của con
người vì không có thực tại tồn tại được tìm thấy trong hoặc dưới vẻ bề ngoài ấy[5]. Phật
còn cho rằng những gì chúng ta nghĩ là bản ngã hay “cái tôi” chỉ là một kinh
nghiệm tạm thời, chỉ là sự mê lầm, ảo tưởng và giả hiệu.
Sự phủ nhận của Phật giáo về cái ngã không có
nghĩa là không có nhưng cũng không phải là có, có mà không, không nhưng lại có;
nghĩa là cái ngã ấy có nhưng không thật, sự mê lầm khiến ta tưởng nó là thật.
Phật giáo nhìn nhận “cái tôi” thật chính là cái bạn đang là, bao gồm những gì
thuộc về bạn trong giây phút hiện tại, từ cảm xúc, ý nghĩ đến thái độ, hành vi.
Điều này cũng nói lên sự khác biệt giữa tư tưởng Phật giáo và Ấn giáo về ngã,
Phật không chủ trương một cuộc tìm kiếm “cái tôi” vĩnh cửu, bất biến nào bên
ngoài cơ thể tâm sinh lý đang biến đổi không ngừng. Chính từ đây Phật giáo quan
niệm rằng không thể tách biệt bản ngã ra khỏi thế giới, khỏi những điều kiện và
các mối quan hệ trong đó bản ngã được phát sinh. Thật vậy, con người chỉ hiện
hữu bao lâu còn có sự nối kết với thế giới vì mọi hiện hữu của con người đều
xuất phát từ cách tương quan với thế giới vật lý, xã hội và văn hóa[6].
2. Ngũ uẩn giả hợp thành “ngã”
Khi nói về ngã hay bản
ngã, Phật giáo cho rằng ngã là sự hợp thành của năm yếu tố thuộc Thân và Tâm
của mỗi người, gọi là ngũ uẩn (skandha; p. khandha). Học thuyết về Ngũ
uẩn chính là sự giải thích cho Vô ngã. Sắc uẩn là Thân, còn ba uẩn kia
là Tâm bao gồm Thọ uẩn, Tưởng uẩn, Hành uẩn. Thức uẩn thì
từ diễn tiến liên hợp giữa Thân và Tâm.
Sắc: những thứ có hình thù
và màu sắc, cụ thể là thân thể. Sắc tạo nên các giác quan và đối tượng của các
giác quan.
Thọ được phân thành 3 nhóm:
lạc, khổ và bất lạc bất khổ, bao gồm toàn bộ các cảm giác.
Tưởng: những tri giác, việc
tạo thành những hình ảnh tâm thức hay những biểu hiện tâm thức. Đó là sự nhận
biết các cảm giác.
Hành: tác lực tạo thành tâm
thức, đặc biệt là chức năng của ý chí.
Thức: chức năng của nhận thức
và phán đoán.
Như vậy, cái tôi trước
hết là một thực thể vật lý luôn ở trong sự biến đổi, lớn lên của thể xác. Một
thể xác tồn tại nhờ vào thế giới vật chất, cung cấp thực phẩm, nước uống,… Cái
tôi ấy cũng có những cảm xúc trong cuộc sống của mình với vui-buồn-sầu khổ hay
hoan lạc. Cái tôi ấy tiếp đến là sự nhận biết các cảm xúc của mình, đi đến
những hành động trong sự lựa chọn của mình. Sau cùng, như một kết quả của các uẩn
kia, ý thức bắt đầu hoạt động và cho ra những phán đoán.
Nói về Ngũ uẩn, trong
Kinh Tăng Nhất A-hàm có viết:
“Sắc như bọt nước tụ
lại,
Thụ như bong bóng nổi
phập phồng,
Tưởng như hơi bốc vật
vờ,
Hành như cây chuối,
Thức như huyễn pháp.”
Bài Kinh nói lên sự mau
qua, tạm bợ, nay còn mai mất của ngũ uẩn. Năm yếu tố hay năm uẩn này luôn biến
đổi tùy thuộc vào những hoàn cảnh, không gian – thời gian; do đó một người được
cấu thành bởi năm uẩn cũng luôn luôn thay đổi và ngã của họ là vô thường[7]. Triết lý Phật giáo gọi
cái ngã gắn với ngũ uẩn là ngã giả và đằng sau cái ngã giả này tồn tại
một cái ngã thật. Ngã thật chính là Phật tính không lệ thuộc vào ngũ uẩn
hay nói cách khác, không còn bị giới hạn bởi không gian-thời gian nữa. Một cái
ngã tinh tuyền, không khổ lụy nhưng an lạc, thư thái. Đó chính là đạt đến cảnh
giới Niết Bàn trong đạo Phật[8]. Song, khi nói về cái ngã
được hợp thành bởi ngũ uẩn bất tất này, Phật muốn dạy rằng Ngã là do ngũ uẩn
giả hợp mà thành; không nên ngộ nhận cái ngã giả hợp ấy, không nên mê lầm nhận
cái sắc tướng tạm bợ, không bền vững làm ngã chân thật của mình. Thường thấy
trong cuộc sống, mỗi người chúng ta đều xưng “tôi”, “ta” để ám chỉ tính chủ thể
của mình, để thể hiện quan điểm của riêng tôi về những gì tôi nghĩ, tôi muốn,
tôi làm nhưng thực chất theo Phật giáo, không có gì làm chủ cả, cái tôi đó là
kết quả của vô mình do người ta lầm lẫn, tưởng là thật. Phật nói với năm thầy
Sa-môn: sắc thân, cảm giác, tri giác hay tạo tác tinh thần đều không phải tự
ngã vì nếu tự ngã chúng sẽ không còn bị lệ thuộc bệnh tật và ta có thể bắt
chúng phải thế này hay thế khác cho ta.
Như vậy, con người rốt cuộc chỉ là một giả hợp
của ngũ uẩn, ngoài ra không có tự ngã cố định, trường tồn. Nếu nói theo luận lý
của Aristote, Phật chối từ phần mô thể và chỉ nhìn nhận phần chất thể của con
người mà thôi, tức là từ chối sự hiện diện thực hữu của ý niệm “người”[9].
3. Sự chấp ngã đưa
đến đau khổ
Điểm giáo lý nòng cốt của triết lý Phật giáo
là bàn về sự khổ và con đường thoát khổ, Đức Phật dạy rằng thế giới này là khổ
đau và ngài mở ra con đường giúp chúng sinh thoát khổ. Nhưng cái do đâu khiến
thế giới này toàn khổ đau?
Phật nói rằng Vô minh là nguồn gốc của mọi đau
khổ. Xét trên phương diện Ngã, chính sự mê lầm, vô minh về Ngã mà con người
phải chịu đau khổ. Vạn vật đều vô ngã, kể cả con người. Song, con người ta lại
không chấp nhận cái hữu hạn tất yếu ấy của mình, cả đời quằn quại, mưu tìm cái
ngã cho riêng mình, bám chấp vào đó mà sinh ra bao đau khổ.
Ngã của con người do ngũ uẩn hợp lại mà thành,
do đó ngã của người đó
là vô thường (anitya). Đau khổ phát xuất từ việc con người chấp thủ vào quan điểm sai
lầm về một cái ngã bất biến, thường hằng. Nếu tồn tại một cái ngã thường hằng
thì nó sẽ không phải là thứ chịu đau khổ hay dẫn tới đau khổ. Việc chấp ngã bao
gồm chấp sắc, chấp thọ, chấp tưởng, chấp hành, chấp thức. Chấp
sắc là thân ta, chấp thọ là tâm ta, chấp tưởng là tâm ta, chấp hành là tâm ta,
chấp thức là tâm ta. Cái “ta” riêng biệt ấy lại thành năm cái “ta” thì thật bất
hợp lý. Thêm nữa, sắc thân có đây nhưng rồi sẽ bị tan rã. Thọ, tưởng, hành,
thức cũng là pháp sanh diệt, có rồi lại không, không trường tồn mãi, nhưng con
người lại mê chấp cho thành thường, thành “ta”. Như trong bóng tối, ta trông
thấy sợi dây thừng, vì trông không rõ nên tưởng là con rắn. Nhưng khi thắp đèn
lên mới trông thấy rõ đó là sợi dây thừng. Chính cái u mê như đi trong tối tăm
ấy mà chúng sinh xoay vần trong vòng sinh tử mãi không thôi. Không thoát ra
khỏi sự bám chấp ấy không thể hết khổ đau. Hàng bao thế kỉ qua đi nhưng con
người vẫn không ngừng chấp ngã và khổ đau cứ thế phủ khắp nhân loại[10].
Con người tự bản chất là một động vật cao quý,
vượt trội hơn hết mọi loài nhưng từ đó lại nảy sinh tham vọng chiếm hữu, làm
chủ vũ trụ nơi tâm khảm mỗi người. Có những khẳng định vô cùng đanh thép hay
những tuyên bố rất hùng hồn như “cái này là của tôi” “tôi là như vậy” hay “cái
đó thuộc về tôi”. Chợt nghe, những điều đó dường như là bình thường, là lẽ
đương nhiên; nhưng với quan điểm Phật giáo thì những cái đó chỉ là giả tưởng, là không
có thật. Chính nó là nguồn gốc của các thứ mê lầm, làm phát sinh đau khổ.
“Tôi” ở đây là không chân thật và bản ngã rốt cuộc là do tâm tưởng con người vẽ
nên. Chính sự ngu muội, mải mê chạy theo những cái giả tưởng ấy con người đã
đánh mất niềm hạnh phúc đích thực cho đời mình[11].
4. Nhận thức vô ngã hướng tới giải
thoát
Sự giải thoát trong Phật
giáo hướng đến sự trở thành của một cái Tâm chân chính, thường trụ, bất biến.
Đó là Tâm đại bình đẳng, Tâm Bát Nhã, là Phật Tánh, chính là cái ngã thật mà Phật
thường gọi là cái TA không phải TA. Chúng sinh vì sự mê lầm, vô minh nên đã
không nhận ra cái ngã thật này mà chỉ toan tìm kiếm cái ngã giả chóng qua,
thiếu đảm bảo. Như thế, để thoát khổ cần phải diệt cái nhận thức mê lầm ấy,
thoát khỏi tình trạng vô minh[12]. Nói cách cụ thể, chúng
sinh phải nhận ra rằng cái sắc, thọ, tưởng, hành, thức là cái không thật, không
thường hằng, có đó rồi mất đó, là cái sanh diệt không thật là ta, là vô ngã.
Thấy biết rõ như vậy là giác ngộ. Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, Phật ví những cái
sanh diệt có rồi mất là khách, vì nó đến rồi đi, nên không phải là chủ. Nếu là
chủ thì không mất, lúc nào cũng hằng hữu. Chúng ta rơi vào trầm luân sanh tử vì
ngộ nhận những cái chợt đến chợt đi ấy làm đảm bảo cho đời mình[13].
Nhận thức được vô ngã là
khi chúng ta hiểu rằng không một vật nào là không biến chuyển ngay cả trong một
sat-na. Vạn vật đều bất ổn cả về không gian lẫn thời gian. Thế giới bị giới hạn
bởi không gian thời gian này như một ngục tù mà nhân loại không thể thoát ra
được. Con người chỉ được giải thoát trong một thế giới không còn bị giới hạn
bởi không gian và thời gian nữa, thế giới đó mới là thế giới thật, tức là Niết
Bàn (Nirvana). Lý tưởng Niết bàn mà Phật giáo đề xuất dẫn chúng ta tới tình
trạng giải thoát viên mãn, không còn đau khổ nữa. Lý tưởng Niết bàn thực hiện
theo nguyên tắc vô thường và vô ngã, có nghĩa là hủy diệt sinh tử, hủy diệt thế
giới dục vọng, hủy diệt những điều kiện thời-không, đạt tới Phật Tánh[14].
III.
Đối chiếu với quan niệm của Ấn giáo và Kitô giáo về Cái ngã
Mặc dù là một nhánh tách
ra khỏi Ấn giáo nhưng giáo lý Phật giáo có rất nhiều điểm khác biệt so với Ấn
giáo. Điển hình như trong bài viết này sẽ cho thấy sự khác biệt được coi như là
trái ngược giữa Phật giáo và Ấn giáo trong quan niệm về cái ngã. Cũng vậy,
quan niệm về cái ngã cũng là một trong những điểm giáo lý khác biệt căn
bản giữa Phật giáo và Kitô giáo.
Trong khi Ấn giáo tuyên
bố rằng mỗi người sở hữu một linh hồn vĩnh hằng, gọi là Tự ngã (Atman),
là một phần và cũng giống hệt với một cái tuyệt đối có tính chất siêu hình gọi
là Đại ngã (Brahman); Kitô giáo tin nhận con người có linh hồn tách biệt khỏi thân xác
và có tính bất tử thì giáo lý Phật giáo không đề cập đến một linh hồn
hay bản ngã đươc hiểu như một cốt tủy tinh thần vĩnh hằng và bất biến.
Theo quan điểm của Ấn
giáo, tự ngã Atman là thực thể nội-tại trong mỗi cá nhân. Nếu như hơi thở là
nguồn sống vật chất của thân xác thì Atman là hơi thở siêu nhiên, là nguồn sống
linh thiêng, là nền tảng của sự sống thân xác. Chính Atman là thực thể làm cho
con người vượt trên vạn vật. Atman không phải là lý trí, tình cảm, giác quan
nhưng Atman là nguồn cội của các sinh hoạt tinh thần ấy. Không có Atman, tất cả
sinh hoạt tinh thần và thể chất đều chấm dứt. Nhưng ngay cả khi sinh hoạt tinh
thần và thể chất chấm dứt thì Atman vẫn tồn tại, bất diệt. Atman là thành phần
của Brahman như không khí trong một cái bình là thành phần của không khí trong
bầu trời. Atman vĩnh hằng cũng như Brahman vĩnh hằng, không lệ thuộc vào
không-thời-gian. Chandogya Upanishad đã nói về Tự ngã Atman qua lời của Đấng
Sáng tạo Prajapati như sau: “Thân xác này chỉ là vật chất vô thường và là
nơi trú ngụ tạm thời của của Tự ngã vô hình, bất tử. Khi thân xác chết, Tự ngã
trở về hợp nhất với Đại ngã (Brahman) vô cùng”[15].
Theo
Kitô giáo, mỗi người có một nhân vị (persona) và nhân vị này chỉ có ở con
người, làm nên phẩm giá cao quý cho con người. Yếu tố cấu tại nên persona chính
là linh hồn. Persona còn là yếu tố phân biệt cá nhân này với cá nhân khác, làm
nên căn cước của mỗi người nhưng không vì thế mà tách biệt với người khác; trái
lại Kitô giáo nhấn mạnh đến những tương quan liên ngôi vị[16].
Tư
tưởng của thánh Tôma Aquinô (Summa Theologica I, q.118, a.2) cho thấy linh hồn
không hiện hữu từ muôn thuở nhưng được tạo dựng trong thời gian. Chính Thiên
Chúa tạo dựng con người và ban cho có một linh hồn lúc hình thành thân xác.
Linh hồn là một hữu thể thiêng liêng và bất tử. Linh hồn cũng chính là yếu tố
làm cho con người trổi vượt hơn mọi loài thụ tạo khác, diễn tả chủ thể nhận
thức, sự tự do và ước muốn nơi con người. Theo đó, bản tính linh hồn nằm ở cái
“tôi” làm chủ thể của các hành động nhận thức và ước muốn, đồng thời chịu trách
nhiệm về các hành vi của mình. Cái “tôi” của con người không chỉ là một bộ máy
thân thể, hoạt động kiểu như một cái máy tính dựa theo một lập trình, nhưng nó
có khả năng “phản tỉnh”, nghĩ về chính mình. Linh hồn là một chủ thể của các
quan năng lý trí và ý chí.
Sau khi
chết, linh hồn vẫn tồn tại và theo niềm tin Kitô giáo, những ai sống ngay lành
linh hồn sẽ được hưởng kiến tôn nhan Chúa trên thiên đàng hoặc sẽ phải chịu án
phạt nếu sống trong tội lỗi. Tuy nhiên, vào ngày tận thế, hồn và xác sẽ hợp lại
thành một và đón nhận tình trạng sống mới của mình tùy theo những việc đã làm
khi còn ở trần gian. Đức tin trả lời rằng các linh hồn về với Chúa, họ “ở trong
tay Chúa” (GLCG 997)[17].
Phần
Đức Phật nói rằng ngài không thể tìm thấy bằng chứng về sự tồn tại của một linh
hồn như quan điểm của Kitô giáo cũng không nhận thấy linh hồn cá nhân (atman)
hay linh hồn vũ trụ (brahman) theo Ấn giáo. Thay vào đó, ngài giải thích con
người được tạo thành bởi năm yếu tố (ngũ uẩn) để chỉ ra rằng bản chất con người
không thể cung cấp một nền tảng để có hạnh phúc thường hằng vì cá nhân không có
cốt lõi thực chất nào. Con người vì thế là Vô ngã, mọi hiện tượng trên thế
giới đều do duyên mà sinh ra, sinh diệt biến hóa, do đó phản đối Ta hoặc linh
hồn.
KẾT
LUẬN
Trong triết lý về cái ngã của Phật giáo có thể kết luận rằng Phật giáo chủ trương con người là vô ngã, sự hợp thành của ngũ uẩn là cái con người có thể nhận thấy được và lầm tưởng đó là chính cái ngã của mình. Phật giáo gọi đó là sự u mê của chúng sinh, chính ảo tưởng về sự tồn tại một cái ngã bất biến, vĩnh hằng đã sinh ra biết bao đau khổ cho con người. Cung cấp một giáo lý như thế không có ý tạo nên sự bi quan trong tâm tưởng mỗi người nhưng hơn hết, Đức Phật muốn giúp nhân loại thoát ra khỏi sự mê lầm của mình và đạt đến cảnh giới cao nhất, cảnh giới Niết bàn. Con người phải thôi chấp ngã, phải thoát khỏi trạng thái vô minh mới ra khỏi sự trầm luân trong kiếp nhân sinh.
DANH
MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.
NGUYỄN NHƯ Ý chủ biên. Đại từ điển
Tiếng Việt. Bộ GD và ĐT-Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa VN. NXB Văn hóa Thông
tin. 1999.
2.
PHAN TẤN THÀNH VIII. Đời sống tâm linh. Học viện Đa Minh 2011.
3.
TRẦN VĂN HIẾN MINH. Từ điển và danh từ Triết
học. NXB Phương Đông. 2014.
4.
JOHN BOWKER. DG: LƯU VĂN HY. Hiệu đính: CHƯƠNG
NGỌC. Từ điển Tôn giáo Thế giới giản yếu. NXB Từ điển Bách khoa.
2011.
5.
NGUYỄN ƯỚC. Đại cương Triết học Đông phương. NXB Tri thức.
Hà Nội. 2009.
6.
JUNJIRO TAKAKUSU. Dịch và chú: TUỆ SỸ. Tinh hoa Triết học Phật
giáo. NXB Hồng Đức. Hà Nội. 2019.
7.
PHỔ NGUYỆT. Quan Niệm VÔ NGÃ Trong Tư Tưởng Phật Giáo. https://thienphatgiao.wordpress.com/2013/02/26/quan-niem-vo-nga-trong-tu-tuong-phat-giao/#more-2868
8.
EDWARD CONZE-DG NGUYỄN MINH TIẾN. Lược sử Phật Giáo. NXB
Tôn Giáo. 2016.
9.
LÝ MINH TUẤN. Đông phương Triết học cương yếu. NXB Hồng Đức. Hà Nội. 2014.
10. THU
GIANG NGUYỄN DUY CẦN. Phật học tinh hoa. NXB Trẻ. Tp Hồ Chí Minh. 2017.
11. HIRAKAWA
AKIRA. THÍCH NGUYÊN HIỆP dịch. Lịch sử Phật Giáo Ấn Độ từ Đức Phật Thích Ca
đến Đại thừa sơ kỳ. NXB Văn hóa-Văn nghệ. 2018.
12. LÝ MINH TUẤN. Vào cửa Triết đông. NXB Trẻ. Tp Hồ Chí Minh. 2020.
[1] Nguyễn Như Ý chủ biên. Đại từ điển Tiếng Việt.
[2]
Trần Văn Hiến Minh. Từ điển và danh từ Triết học.
[3]
John Bowker. Dg: Lưu Văn Hy. Hiệu đính: Chương Ngọc. Từ điển Tôn giáo
Thế giới giản yếu.
[4]
Junjiro Takakusu. Dịch và chú: Tuệ Sỹ. Tinh hoa Triết học Phật giáo.
Trang 32-33.
[5]
John Bowker. Dg: Lưu Văn Hy. Hiệu đính: Chương Ngọc. Từ điển Tôn giáo
Thế giới giản yếu.
[6]
Nguyễn Ước. Đại cương Triết học Đông phương. Trang 121-122.
[7]
Hirakawa Akira. Thích Nguyên Hiệp dịch. Lịch sử Phật Giáo Ấn Độ từ Đức
Phật Thích Ca đến Đại thừa sơ kỳ. Trang 70-71.
[8]
Lý Minh Tuấn. Vào cửa Triết đông. 2020. Trang 188.
[9]
Đại chủng viện huế. Triết Ấn Độ. Lưu hành nội bộ. 2010.
[10]
Phổ Nguyệt. Quan Niệm VÔ NGÃ Trong Tư Tưởng Phật Giáo. https://thienphatgiao.wordpress.com/2013/02/26/quan-niem-vo-nga-trong-tu-tuong-phat-giao/#more-2868
[11]
Edward Conze-DG Nguyễn Minh Tiến. Lược sử Phật Giáo. Trang 40.
Thu Giang
Nguyễn Duy Cần. Phật học tinh hoa. Trang 82.
[12]
Sđd. Trang 82.
[13]
Phổ Nguyệt. Quan Niệm VÔ NGÃ Trong Tư Tưởng
Phật Giáo.
(https://thienphatgiao.wordpress.com/2013/02/26/quan-niem-vo-nga-trong-tu-tuong-phat-giao/#more-2868).
26/2/2013.
[14] Junjiro Takakusu. Dịch và chú: Tuệ Sỹ. Tinh hoa Triết học Phật giáo. NXB Hồng Đức.
Hà Nội. 2019
[15]
Lý Minh Tuấn. Đông phương Triết học
cương yếu. NXB Hồng Đức. Hà Nội. 2014. Tr. 439-442.
[16]
Phan Tấn Thành. Đời sống tâm linh. Trang
334.
[17]
Phan Tấn Thành. Đời sống tâm linh. Trang
354-356.