ARISTOTLE VÀ TRIẾT PHẨM CHÍNH TRỊ LUẬN
Gioan
Baotixita Nguyễn Duy Thái STL-K9
Ngay
trang đầu của tác phẩm Chính Trị Luận, Aristotle đã đưa ra một câu nói bất hủ:
“Con người, từ bản chất, là một sinh vật chính trị”.[1] Điều này có nghĩa là con người khác với con vật
ở chỗ có thể ý thức được vai trò của mình trong cộng đồng. Đó chính là tính
chính trị của con người. Tác phẩm Chính trị luận gồm có tám quyển. Trong đó,
Aristotle đi từ đơn vị xã hội nhỏ nhất là gia đình tới làng xã và cuối cùng là
quốc gia, từ đó tìm ra những đặc tính thiết yếu của một nhà nước lý tưởng và
đưa ra những nguyên lý xây dựng một nền chính trị mang lại “điều tốt nhất” cho
con người.
1.
Lý thuyết về gia đình
Trước
hết, gia đình tồn tại là để duy trì sự sống của con người, nhưng gia đình và
làng xã không thể tự đáp ứng đủ như cầu cho chính mình, vì vậy mà nhà nước xuất
hiện để duy trì sự sống cho các gia đình và làng xã.[2]
Từ
sự mở rộng và phát triển, nhà nước ra đời một cách tự nhiên, như một bước tiếp
theo của gia đình, làng mạc. Theo Aristotle thì mỗi một cộng đồng được thiết lập
nhằm đạt tới một cái tốt nào đó, cái tốt cao nhất. Do đó, nhà nước hay cộng đồng
chính trị cũng phải nhắm tới cái tốt ở mức độ cao nhất. Aristotle nói rằng: nếu
các hình thức ban đầu của xã hội là tự nhiên, thì nhà nước cũng vậy, vì nhà nước
là kết quả cuối cùng của mọi xã hội, và tính tự nhiên của sự vật chính là chung
cục của nó.[3] Vậy nên, nhà nước như là một điều tất yếu
trong bước phát triển nhân loại. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy rằng có nhiều
mô hình nhà nước khác nhau, vậy thì mô hình nhà nước nào là mô hình lý tưởng?
2.
Các mô hình nhà nước
Khác
với Plato, Aristotle không đưa ra một mô hình nhà nước lý tưởng. Ông cho rằng mỗi
loại chính quyền phù hợp với loại nhà nước đặc thù. Ông phân loại các loại chính quyền theo số người
cai trị: Quân chủ (một người), Quý tộc (vài người) và “chính quyền” Aristotle
dùng để chỉ chế độ do Đa số cai trị.[4] Tuy nhiên, dù dưới hình thức nào, ông cũng
cho thấy rằng một chính quyền được gọi là tốt khi nó cai trị vì lợi ích chung của
toàn dân; là xấu khi người cai trị chỉ tìm lợi ích hay sở thích riêng của mình.[5]
Lý
tưởng của Aristotle là một cá nhân xuất sắc cai trị thì tốt nhất, nhưng người
thật sự xuất sắc như thế thì khó mà kiếm được. Ông nói rằng người như vậy là “thần
thánh chứ không phải là con người”.[6] Cho nên, Tư tưởng của ông thiên về chế độ Quý
tộc hơn.[7] Trong
đó, việc cai trị sẽ do một nhóm người có trình độ, có tài năng và của cải khiến
họ có trách nhiệm và có năng lực lãnh đạo hơn.
Aristotle cho rằng vấn đề cốt lõi của quản trị
nhà nước chính là mức độ công – tư giữa công dân và nhà nước, tức là: “Công dân
của một nước hoặc có chung mọi thứ, hoặc không có chung thứ gì hết, hoặc là chỉ
có chung một số điều nào đó thôi.”[8] Aristotle khẳng định rằng: nhiệm vụ của chính
trị là đem lại phúc lợi cho quốc gia chứ không phải biến tất cả mọi người thành
đồng nhất. Hơn nữa, vấn đề quan trọng khiến sở hữu chung làm lụn bại quốc gia,
đó là, khi tài sản là của chung thì sẽ không ai bảo quản, và một khi tất cả là
của chung, thì mối quan hệ gia đình, thân nhân sẽ đổ vỡ, tạo điều kiện cho cái
ác và bạo lực hoành hành.[9] Do đó, một quốc gia không nên và chắc chắn
không thể là một tập hợp đồng nhất với ý tưởng rằng tất cả đều là của chung.
Một
số mô hình nhà nước mà Aristotle nghĩ rằng đã gần tiến đến lý tưởng như Sparta,
Crete và Carthage. Tuy nhiên, ông cũng cho thấy rằng các nhà nước này cũng
không thể tránh khỏi những khuyết điểm trong thể chế của mình.[10] Những khuyết điểm đó là nguyên nhân dẫn đến
những cuộc nổi loạn, các cuộc cách mạng và cuối cùng là sự sụp đổ của
các nước đó.
3.
Mô hình hiến pháp thực tế và nguyên nhân các
cuộc cách mạng
Aristotle
đã phân tích tỉ mỉ các chế độ khác nhau, gồm ba mô hình đúng đắn: quân chủ, quý
tộc và chính quyền theo hiến pháp, và ba mô hình hủ bại: bạo chúa, quả đầu, và
dân chủ.[11] Ông đưa ra nhận định là chẳng
khi nào con người có thể đạt được một nhà nước lý tưởng, nhưng con người có thể
xây dựng được cho mình một chế độ tốt nhất có thể. Chế độ xây dựng chính quyền
đó sẽ là một chế độ trung dung, ở giữa chế độ Dân chủ và chế độ Quả đầu.[12]
Mô
hình này phát triển từ quan niệm của Aristotle rằng trong một tập thể, cái tốt
nhất bao giờ cũng là số trung bình cộng, không thái quá mà cũng không bất cập. Và
trong một xã hội, tầng lớp trung lưu chính là số trung bình cộng đó. Aristotle
viết: “Những kẻ ở hai cực - cực đẹp, cực khoẻ, cực sang, cực giàu và những kẻ ở
cực đối nghịch, cực nghèo, cực yếu, cực hà tiện - là những kẻ khó lòng hành động
theo lý trí”.[13] Và ông nói rằng “mọi người, như một quy luật,
đều là những quan toà không ngay thẳng khi phán đoán những gì có liên quan đến
quyền lợi riêng tư của mình”.[14] Bởi đó, một đường lối chính trị “trung dung”
sẽ giúp tránh được các tranh chấp, giảm được sự chênh lệch giàu nghèo như là nguyên
nhân các cuộc cách mạng.
Thêm
vào đó, Aristotle nhấn mạnh luật pháp phải tương ứng với hiến pháp, chứ không
phải ngược lại. Theo ông, hiến pháp là “cách thức tổ chức cơ cấu chính quyền
trong một nước, cách thức phân bố quyền lực được ấn định, chủ quyền tối thượng
được xác định, và mục tiêu tối hậu của quốc gia mà mọi cơ quan và toàn thể dân
chúng nhắm tới”. Nói một cách khác, hiến pháp là cơ sở, trên đó, mọi luật pháp
của quốc gia được ban hành.[15]
Aristotle
khát vọng muốn xây dựng một mô hình chính quyền công lý và bình đẳng. Tuy nhiên,
khát vọng này vẫn không thể đạt được bởi vì những sự khác biệt và bất bình đẳng
và đó là nguyên nhân của những cuộc cách mạng. Cho nên, để bảo vệ một chế độ,
Aristotle đề nghị phải giáo dục quần chúng sao cho người dân sống và hành động
theo đúng tinh thần của hiến pháp. Ông khuyến cáo là việc giáo dục công dân
không chỉ nhằm giáo dục họ để thi hành những cái hay, cái đẹp của chế độ, mà
còn là giáo dục để họ biết và tránh làm những điều khiến chế độ suy vong.[16]
4.
Giáo dục
Ông khẳng định rằng để có một đời sống tốt đẹp,
con người cần có ba “cái tốt”: vật chất, thể chất và tinh thần.[17] Tương tự, một quốc gia hạnh phúc là một nước
tự nó đã có một nền đạo đức tốt nhất và có những hành động đúng đắn. Cả cá nhân
và quốc gia cũng vậy, không thể có những hành vi đúng đắn mà lại thiếu đức hạnh
và sự khôn ngoan.[18] Vậy thì, một xã hội được gọi là tốt
đẹp một cách lý tưởng là xã hội đạt tới các đức hạnh tinh thần
và người dân có đầy đủ thể chất, vật chất để thực hiện những đức
hạnh đó. Cho nên, giáo dục chính là nhiệm vụ của quốc gia và nhà nước phải
xây dựng một hệ thống giáo dục đồng nhất cho mọi công dân.
Ông
đề nghị bốn môn học cho chương trình giáo dục: đọc-viết, thể dục, âm nhạc, và hội
hoạ.[19] Trong
đó, âm nhạc, theo Aristotle là một môn học quan trọng, không phải chỉ là môn học
để giải trí, mà là môn học để sử dụng thì giờ nhàn rỗi một cách đúng đắn. Hơn
thế nữa, bản chất của âm nhạc là sự hoà hợp âm thanh, và do đó sẽ khiến cho tâm
hồn dễ đạt được sự cân bằng giữa tình cảm và lý trí. Ông lập luận rằng “nhà nước,
hay cộng đồng chính trị là cái tốt cao nhất” và lý do để nhà nước hiện hữu là để
giúp cho công dân sống một đời sống “tốt”. Do đó, việc giáo dục công dân trở
thành những người dân vừa có học thức lại vừa có đức hạnh thì chắc chắn đất nước
đó phải trở nên tốt hơn.
5.
Một vài nhận định để kết
Aristotle
không đưa ra một nhà nước lý tưởng giống như Plato là nhà nước lý tưởng theo thể
chế Quý tộc. Mặc dù Aristotle quan niệm nhà nước là cơ quan giúp cho dân chúng
đạt được một đời sống tốt, nhưng ông hiểu rằng mỗi loại chính quyền cần phải
phù hợp với loại nhà nước đặc thù đó. Do đó, một nhà nước lý tưởng sẽ không thể
đạt tới được. Điều này cho thấy một cái nhìn rất thực tế của Aristotle bởi vì
trong chính quyền, dù là chính quyền được cho là lý tưởng đi nữa thì cũng không
tránh khỏi yếu tố “con người”. Đây chính là yếu tố căn bản khiến cho các loại
chính quyền bị “suy đồi” và là nguyên nhân dẫn đến các cuộc bạo động.
Từ
đó, một quan điểm rất tiến bộ của Aristotle khi ông kết luận rằng một chính quyền
chỉ là tốt khi chính quyền đó cai trị vì lợi ích chung của toàn dân, và chính
quyền là xấu khi người cai trị chỉ tìm lợi ích hay sở thích riêng của mình. Đây
thực sự là một quan điểm về nhà nước đúng theo chức năng của nó đó: “Mọi quốc
gia là một loại cộng đồng, và mọi cộng đồng được thiết lập là nhằm một lợi ích
nào đó”[20].
Tức là nhà nước xuất hiện để duy trì sự sống cho các gia đình và làng xã.[21]
Mặc dù quan niệm của Aristotle về nô lệ và vai
trò của phụ nữ trong gia đình chỉ có lý trong xã hội đương thời, còn với thời đại
hôm nay thì nó đã không còn phù hợp nữa. Tuy nhiên, tư tưởng của ông trong Chính trị luận vẫn được xem là căn bản cho Chính trị học Tây phương và có ảnh hưởng sâu
rộng tới tư tưởng của các triết gia sau này.
[1] Aristotle, Chính Trị Luận, bản dịch của Nông Duy Trường (Hà Nội: NXB Thế Giới,
2018), 47.
[2] X. Samuel Enoch Stumpf, Lịch Sử Triết Học và Các Luận Đề, Biên dịch:
Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Hy (Hà Nội: NXB Lao Động, 2004), 89.
[3] Aristotle, Chính Trị Luận, 46.
[4] Ibid., 168.
[5] X. Samuel Enoch Stumpf, Lịch Sử Triết Học và Các Luận Đề, 90.
[6] Aristotle, Chính Trị Luận, 188.
[7] Will Durant, Câu Chuyện Triết Học, Bản dịch: Trí Hải và Bửu Đích (TP.HCM: NXB Trẻ,
2008), 69.
[8] Ibid., 85.
[9] X. Aristotle, Chính Trị Luận, 90-92.
[10] X. Aristotle, Chính Trị Luận, 139-140.
[11] X. Aristotle, Chính Trị Luận, 213.
[12] Ibid., 25.
[13] Aristotle, Chính Trị Luận, 238.
[14] Aristotle, Chính Trị Luận, 171.
[15] Aristotle, Chính Trị Luận, 212.
[16] X. Aristotle, Chính Trị Luận, 300.
[17] Ibid., 354.
[18] Ibid., 356.
[19] Ibid., 417.
[20]
Samuel Enoch Stumpf và Donald
C.Abel, Nhập Môn Triết Học Tây Phương,
Biên dịch: Lưu Văn Hy ( TP.HCM: NXB Tổng Hợp TP.HCM, 2004), 364.
[21] X. Samuel Enoch Stumpf, Lịch Sử Triết Học và Các Luận Đề, Biên dịch:
Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Hy (Hà Nội: NXB Lao Động, 2004), 89.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.
Aristotle,
Chính Trị Luận, bản dịch của Nông Duy
Trường. Hà Nội: NXB Thế Giới, 2018.
2.
Samuel
Enoch Stumpf, Lịch Sử Triết Học và Các Luận
Đề, Biên dịch: Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Hy. Hà Nội: NXB Lao Động, 2004.
3.
Samuel
Enoch Stumpf và Donald C.Abel, Nhập Môn
Triết Học Tây Phương, Biên dịch: Lưu Văn Hy. TP.HCM: NXB Tổng Hợp TP.HCM,
2004.
4.
Will
Durant, Câu Chuyện Triết Học, Bản dịch:
Trí Hải và Bửu Đích. TP.HCM: NXB Trẻ, 2008.