SỰ XUẤT HIỆN CỦA KITÔ GIÁO LÀM XOAY CHUYỂN ĐƯỜNG HƯỚNG LỊCH SỬ TRIẾT HỌC QUA TÁC PHẨM TỰ THUẬT CỦA THÁNH AUGUSTINO | Thư viện Học viện Công giáo Việt Nam

SỰ XUẤT HIỆN CỦA KITÔ GIÁO LÀM XOAY CHUYỂN ĐƯỜNG HƯỚNG LỊCH SỬ TRIẾT HỌC QUA TÁC PHẨM TỰ THUẬT CỦA THÁNH AUGUSTINO


Gioan Baotixita Nguyễn Duy Thái STL-K9

Cuộc đời của thánh Augustino là một cuộc đời tìm kiếm, tìm kiếm bằng chính kinh nghiệm bản thân với một thái độ cởi mở và chân thành. Điều đó đã giúp cho ngài đến được với nguồn chân lý đích thực là chính Thiên Chúa. Có thể nói, toàn bộ tư tưởng của ngài được tóm tắt trong cuốn Tự Thuật với những suy tư sâu sắc và sự cảm nghiệm sâu xa trong từng biến cố. Tư tưởng của ngài đã củng cố và phát triển nền triết học Kitô giáo, từ đó nó đã ảnh hưởng sâu rộng tới những nền triết học khác. Sự xuất hiện của Kitô giáo đánh dấu một bước ngoặt triệt để trong tư duy, làm xoay chuyển đường hướng lịch sử triết học. Theo đó, Thiên Chúa đã sáng tạo thế giới này từ hư vô. Người không giống như các vị thần trong thần thoại Hy-Lạp, nhưng Người có một nhân cách đặc biệt và có mối tương quan mật thiết, cá vị với từng cá nhân. Mối tương quan này không làm mất đi cái riêng của mỗi người, nhưng lại làm cho cá nhân thêm phong phú hơn khi mà trong cái riêng luôn có cái chung. Tất cả điều đó sẽ được cảm nhận bằng một đời sống nội tâm sâu sắc khi con người sống một đời sống cởi mở và chân thành, với tha nhân, với Thiên Chúa.

1.   Thế giới được Thiên Chúa sáng tạo từ hư vô

Ý tưởng Thiên Chúa sáng tạo từ hư vô là một nét căn bản trong triết học Kitô giáo.  Plato cho rằng thế giới này không đơn thuần là sản phẩm trí tuệ của con người; thế giới các ý tưởng là thực tại có thật, trường tồn, vĩnh cửu.[1] Cho nên, theo Plato thế giới là kết quả của việc Thượng Đế phối hợp các hình thức và các khoảng chứa vốn tồn tại độc lập. Plotínus cho thế giới là sự mở rộng của chính Thiên Chúa, nhưng Augustine khẳng định: Thế giới được tạo dựng bởi Thiên Chúa từ hư vô[2], đây là nguồn chân lý vĩnh cửu, tất yếu và con người có thể nhận thức được nguồn chân lý tối cao này.

Augustino căn cứ trên quan niệm Thiên Chúa Yếu Tính để tìm hiểu vấn đề sáng thế.[3] Bởi vì mọi vật trong thế giới luôn biến đổi nên nó không thể tự hữu. Chính Thiên Chúa đã từ hư vô tác tạo mọi vật. Thiên Chúa tạo ra thế giới, nên Thiên Chúa là nguồn chân lý cao nhất tất yếu và vĩnh cửu, nhưng Thiên Chúa không đồng nhất với thế giới mà siêu việt, vượt ra ngoài thế giới. Quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa được Augustino trình bày trong cuốn tự thuật như sau:

Chúa yêu con là gì? Con đã hỏi trái đất và nó đã thưa: tôi không phải là Chúa của anh; và tất cả những gì sống trên trái đất đều thú nhận như vậy. Con đã hỏi biển cả và các vực sâu; và các động vật bò lan trong đó, và chúng đã trả lời: “Chúng tôi không phải là Chúa của anh, anh hãy tìm bên trên chúng tôi”. Con đã hỏi các luồng gió, thì cả bầu không khí với các dân cư của nó đã trả lời con: “Anaximenes lầm, tôi không phải là Chúa”. Con đã hỏi trời, mặt trời, mặt trăng, các tinh tú, chúng đã trả lời con: “Chúng tôi cũng không phải là Chúa, mà anh tìm kiếm”. Và con đã nói với các sự vật ở chung quanh các cửa giác quan của con rằng: “Hãy nói cho tôi về Chúa tôi; vì các ngươi không phải là Chúa, các ngươi hãy nói cho tôi biết một chút về Người”. Và chúng đã lớn tiếng kêu rằng: “Chính Người đã tạo dựng chúng tôi”.[4]

Augustine quan tâm tới bản chất và cách hiện hữu của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Chân Lý nên phần nào Thiên Chúa ở trong con người. Nhưng vì Thiên Chúa là vĩnh cửu nên Người cũng siêu vượt con người. Vũ trụ là phản ánh cái hiện hữu và hoạt động của Thiên Chúa. Tất cả sự hiện hữu của sự vật đều đến từ Chúa, vì Ngài là nguồn mạch mọi sự hiện hữu. Thiên Chúa không ở trong không gian và thời gian, là cái hiện hữu thuần túy cao nhất, là chân lý tuyệt đối và thực tại vĩnh cửu.

Do đó, Augustino khẳng định: Thiên Chúa là đấng tạo dựng thế giới và là thực tại tối cao con người cần hướng đến. Chỉ một mình Thiên Chúa là hằng hữu. Mọi vật là sản phẩm của hành vi tự do của Thiên Chúa. Mỗi tạo vật thể hiện một nét đẹp riêng của Thiên Chúa, vì vậy trong mỗi sự vật đều ẩn tàng sự hiện diện của Chúa, đó là những dấu chỉ, là những ký hiệu để con người nhận biết Thiên Chúa. Con người có thể nhận thức được nguồn chân lý vĩnh cửu này thông qua sự mạc khải, nguồn ánh sáng của Thiên Chúa, đây là sự soi sáng phán đoán của chúng ta, nhờ đó chúng ta có thể nhận ra rằng những ý niệm nào chứa đựng chân lý tất yếu và vĩnh cửu.

2. Quan niệm Thiên Chúa như một nhân cách

Thời cổ đại chưa hề biết tới một thần linh duy nhất và có nhân cách theo đúng nghĩa của từ này. Các thần linh của thần thoại Hy-Lạp không phải là thần linh có nhân cách vì đặc điểm thần thánh duy nhất của những vị thần này là sự bất tử; ra đời, chiến đấu với nhau, sinh đẻ, thù hằn nhau, v.v. giống như những con người bình thường nhất. Chỉ có Kinh Thánh mới đưa ra được quan niệm về Thiên Chúa như một thần linh duy nhất và độc đáo, nhờ có tính thần thánh của mình mà vượt hoàn toàn lên trên con người và tự nhiên.

Thiên Chúa, theo quan niệm của người Sê-mít, có tính cách cá vị sống động, có quyết định, có tự do và có mối tương quan với con người một cách cá vị.[5] Do đó, con người là thụ tạo của Thiên Chúa và được kêu gọi sống trong những mối tương quan ngôi vị. Con người sống trong thế giới không phải đi tìm hiểu quy luật của thần minh biểu lộ qua các định luật thiên nhiên, nhưng là hướng mở với một tha thể. Vì thế, yếu tố quan trọng nhất để sống khôn ngoan và công chính trong đời sống con người không phải là sự khôn ngoan của lý trí, mà chính là mối tương quan có tính cách ngôi vị, đặc biệt, giữa con người với Thiên Chúa.

Thiên Chúa mà Augustino cảm nhận được đó là một Thiên Chúa hiện diện cách cụ thể, hữu hình trong Đức Giê-su Kitô, vị Thiên Chúa làm người, và Ngài vẫn luôn hiện diện rất gần gũi trong Giáo Hội của Đức Kitô.[6] Thiên Chúa siêu việt đồng thời cũng là một Thiên Chúa can dự vào lịch sử nhân loại. Ngài không phải là một Thiên Chúa xa lạ như tinh thần Rô-ma, hay một Thiên Chúa thống trị theo tinh thần Hy-Lạp. Thiên Chúa theo tinh thần Sê-mít sống chung, sống cùng với con người, chìm ngập trong cái bản chất người.

Nét riêng biệt của niềm tin Ki-tô giáo là vai trò của Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho những chân lý mạc khải của Thiên Chúa trở thành chân lý của cuộc sống thực. Vai trò của Chúa Thánh Thần trong dòng lịch sử ơn Cứu Độ làm cho “Thiên Chúa trọn vẹn là Thiên Chúa” và “con người trọn vẹn là con người”; làm cho chân lý vừa luôn vĩnh cửu, vừa luôn có một “sử tính”; làm cho sự sống của Thiên Chúa “nhập thể” trọn vẹn vào cuộc sống con người, và nỗ lực của con người trọn vẹn có thể trở nên siêu nhiên.[7]

Thiên Chúa nhập thể để chia sẻ với thân phận người với nhân loại, để nâng con người lên. Ngài đồng hành với mỗi người, với từng người một để trong cái riêng của cá nhân, nó triển nở những cái chung. Cái chung đó chính là cái bản chất người. Để mỗi người đều thực sự là người theo đúng ý định sáng tạo của Thiên Chúa.

3. Phát triển cái chung trong cái riêng

Cái xương sống của lịch sử triết Tây là vấn đề biến chuyển và trường tồn; cá nhân và tập thể. Trước đây, mỗi khi đề cao cái tập thể thì loại bỏ cái cá nhân, đề cao cái cá nhân thì loại bỏ cái tập thể. Tuy nhiên, mỗi người đều có “chất người” bên trong và đòi hỏi những người khác tôn trọng như cái phổ quát. Cho nên, điều cần thiết là phải hòa hợp với nhau trong cái riêng. Cá nhân vẫn trọn vẹn khi nó triển khai tập thể tính trong cái độc đáo của riêng nó. Để trong cái riêng tư của mỗi người có thể triển nở những cái chung. Như trong Nho Giáo, Đức Khổng Tử nói rằng: “Quân tử hòa nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa”.[8] Nghĩa là người quân tử hòa với mọi người mà không về hùa với ai, tiểu nhân thì về hùa với mọi người mà không hòa với ai. Quan điểm của Kinh Thánh nhìn con người như một toàn thể, thể hiện ra trong từng khía cạnh, nhưng vẫn thuộc về một toàn thể. Cái cá nhân phải được phát triển, nhất là phát triển những cái chung trong đường nét của cái riêng.

Vấn đề con người làm cho Augustino quan tâm không phải từ góc độ “con người nói chung”, mà từ góc độ “cái tôi” con người, cá nhân cụ thể trong tính riêng biệt và độc đáo của nó. Theo Augustino, chính bản thân tôi trở thành vấn đề lớn nhất và quan tâm nhất. Việc nhận thức “cái tôi” của mình được đặc trưng bởi tính cởi mở và tính chân thực, càng sống thật con người càng dễ nhận ra cái tôi.[9]

Augustino coi việc đi sâu vào bản thân mình là tiến tới Chúa.[10] Nói cách khác, con người nhận thức mình càng rõ thì càng tiến đến Chúa gần hơn. Suy gẫm về những gì đã trải qua, nói ra những cảm giác và cảm xúc của mình, dù là trong ý nghĩ, đó là con đường tự nhận thức cơ bản. Từ đây, triết học Tây Phương chuyển sang một hướng khác với tư tưởng mang tính vũ trụ trung tâm luận của triết học Hy-Lạp.

4. Siêu hình học về thế giới nội tâm

Con người chỉ là một bộ phận của vũ trụ bên cạnh những bộ phận khác nhau của vũ trụ. Do đó, sự kiện có tính cách quyết định trong nền tảng triết học Tây Phương là việc con người ý thức về mình, ý thức về sự hiện diện của mình trong vũ trụ một cách đặc biệt; con người tách biệt khỏi sự duy nhất của vũ trụ. Chính sự ý thức này đã giúp cho con người có trong mình một khát vọng tự do mãnh liệt. Điều này đã tạo nên một bước tiến vượt bậc và có tính cách quyết định trong tư tưởng triết học Tây Phương. Augustino nói trong cuốn Tự Thuật: “Phần đông người ta thường hướng ngoại đi tìm thưởng lãm những đồi núi cao, những làn sóng vỗ mạnh của đại dương, hay dòng sông bao la, bát ngát của biển cả và sự xoay vần của các tinh tú; còn về chính họ, thì họ lại không màng chi tới”.[11]

Triết học là một giá trị “nhân bản” mà đời sống Đức tin đích thực phải giúp cho tăng triển hơn chứ không phải xóa bỏ đi cách dễ dàng.[12] Bởi đó, đóng góp to lớn của Kitô giáo qua thánh Augustino là cái siêu hình học về thế giới nội tâm mà Hy-Lạp còn thiếu.

Qua kinh nghiệm của mình, Augustino cho thấy trong con người mình có sự đối nghịch giữa ý muốn tốt và khuynh hướng xấu chống lại nó. Hơn thế nữa, ngài còn cảm thấy hai thứ đó giằng xé trong tâm hồn, ngài viết trong cuốn Tự Thuật: “Tại sao lại có sự xâu xé đến mức này? Tinh thần ra lệnh cho thể xác thì lập tức nó được tuân lệnh ngay; nhưng có khi tinh thần ra lệnh, nó lại gặp sức kháng cự… Muốn một nửa, rồi không muốn một nửa, đó không phải là một sự kiện kỳ quái, mà đã là một căn bệnh của linh hồn rồi”.[13] Chính khi cảm thấy  bất lực như vậy, Augustino đã tìm thấy một nguồn ánh sáng khác, nguồn ánh sáng đó đến từ Thiên Chúa, soi tỏ và giải thoát con người khỏi xiềng xích của nhục dục.[14] Nhờ đó, Thiên Chúa ban cho con người một sự bình an và hạnh phúc mà chỉ những ai yêu mến Chúa với một đời sống nội tâm sâu sắc thì mới cảm nhận được. Ngài miêu tả điều này trong cuốn Tự Thuật như sau:

Khi yêu Chúa, con cũng yêu một ánh sáng, một âm thanh, một mùi thơm, một của ăn, và một sự ôm ấp: đó là ánh sáng, âm thanh, mùi thơm, của ăn và sự ôm ấp của con người nội tâm trong con; tại nơi đây, có một ánh sáng chiếu soi linh hồn con, mà không bị không gian nào giới hạn; tại nơi đây, có những âm điệu vang lên, mà không bị thời gian nào cướp lấy; tại nơi đây, có những mùi thơm xông tỏa, mà không bị luồng gió nào đánh tan; tại nơi đây, người ta thưởng thức một của ăn mà không tính ham mê nào làm suy giảm; tại nơi đây, có những ôm ấp mà không sự chán nản nào muốn thôi. Đó là những cái con yêu, khi con yêu Chúa.[15]

Việc phát hiện ra tính thực tại, tính được đem lại của “cái tôi” hoàn toàn ở bên trong kinh nghiệm nội tâm trực tiếp là cái phân biệt triệt để quan niệm của Augustino về con người với quan niệm triết học cổ đại. Nó chỉ ra rằng, nếu chỉ nghiên cứu con người từ bên ngoài tất yếu sẽ làm chết cứng những quá trình tinh thần và tâm hồn. Mà chính chúng lại là cái chủ yếu tạo thành con người, bản chất con người. Augustino gọi tổng thể những quá trình ấy là “con người bên trong”.[16] Con người bên trong bộc lộ ra ở những phút giây hồi tâm hay tâm trí sáng láng gắn liền với những hoàn cảnh sống nào đó làm cho ta bị chấn động đến tận cùng tâm hồn, đụng chạm tới những lợi ích quan trọng nhất, khi chúng ta dũng cảm và trung thực xem xét mình đã xử sự như thế nào trong cảnh khủng hoảng.

5. Kết luận

Những tư tưởng từ kinh nghiệm phong phú của thánh Augustino trong quá trình đi tìm chân lý, đặc biệt là sự tinh tế và chân thật nơi hành trình nội tâm của ngài đã có một ảnh hưởng rất lớn trong nền triết học Kitô giáo cũng như đường hướng lịch sử của nhân loại. Tư tưởng Kitô giáo khẳng định chỉ có ân huệ của Thiên Chúa mới làm cho vũ trụ hiện hữu và làm cho con người được nên chính mình, nghĩa là được cứu độ. Nếu như Aristotle cho rằng người ta được hạnh phúc khi họ hoàn thành chức năng của mình bằng sự trung dung[17], thì Agustine cho rằng hạnh phúc đòi người ta vượt lên khỏi tự nhiên để đạt tới siêu nhiên. Agustine viết: “lạy Chúa, Chúa đã dựng chúng con nên cho Chúa, vì thế tâm hồn chúng con sẽ không được nghỉ ngơi cho tới khi nó tìm được sự nghỉ ngơi trong Ngài”[18]. Như vậy Thiên Chúa là nguồn chân lý vĩnh cửu, nguồn thực tại tối cao tạo dựng nên con người với mục đích lôi cuốn con người trở về với nguồn hạnh phúc vĩnh cửu, đó chính là Thiên Chúa.

Tư tưởng của Augustino đã ảnh hưởng trên hầu hết các vấn đề thần học trong Giáo Hội, ngay cả đối với Alberto và Thomas.[19] Đặc biệt, ngài đã tạo nên một tầm ảnh hưởng đến lịch sử triết học với một đường hướng riêng biệt: về sự can dự trực tiếp của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại, về một Thiên Chúa có nhân cách, và Ngài tương quan một cách cá vị với từng người. Từ đó, Ngài giúp con người vượt qua những trở ngại của đam mê, của xác thịt để hướng tới “đô thị của Thiên Chúa”. Đô thị này vững bền, trường cửu và vượt lên trên “đô thị trần thế”.



[1] Vĩnh An, Hỏi Đáp Triết Học, Tập III, Triết Học Tây Phương, (NXB Trẻ: TP. HCM, 2006), Tr. 26.

[2] Nguyễn Trọng Viễn, Lịch Sử Triết Học Tây Phương, Tập II, Thời Trung Cổ, Tr. 19.

[3] Nguyễn Trọng Viễn, Sđd, Tr. 52.

[4] Tự Thuật, Quyển X, 9.

[5] Đỗ Minh Hợp – Nguyễn Thanh – Nguyễn Đắc Lý – Lê Kim Bình, Triết Học Đại Cương, (NXB Thời Đại: TP. HCM, 2013), Tr. 217.

[6] Nguyễn Trọng Viễn, Sđd, Tr. 50.

[7] Nguyễn Trọng Viễn, Sđd, Phần dẫn nhập, Tr. viii.

[8] Khổng Tử, Luận Ngữ, (NXB Thuận Hóa Huế: Huế, 1995), Dịch giả Đoàn Trung Còn, Tử Lộ, 23.

[9] X. Trần Thị Giồng, Tôi Không Đi Qua Tôi Để Lại Gì, (NXB Phương Đông: TP. HCM, 2013), Tr. 79-85.

[10] Đỗ Minh Hợp – Nguyễn Thanh – Nguyễn Đắc Lý – Lê Kim Bình, Sđd, Tr. 232.

[11] Tự Thuật, Quyển X.

[12] x. Xc Vatican II, MV s.21c; s.34 c, được trích dẫn trong Nguyễn Trọng Viễn, Sđd, Phần dẫn nhập, Tr. vii.

[13] Tự Thuật, Quyển VIII, 9.

[14] x. Tự Thuật, Quyển VIII, 13.

[15] Tự Thuật, Quyển X.

[16] Đỗ Minh Hợp – Nguyễn Thanh – Nguyễn Đắc Lý – Lê Kim Bình, Sđd, Tr. 234.

[17] Samuel Enoch Stumpf, Lịch Sử Triết Học và Các Luận Đề, (NXB Lao Động: Hà Nội, 2004), Đỗ Văn Thuấn – Lưu Văn Hy dịch, Tr. 87.

[18] Tự Thuật, Quyển I, 1.

[19] Nguyễn Trọng Viễn, Sđd, Tr. 43.


Tự thuật, Augustino, Lịch sử triết học, Kitô giáo

Labels:
Thư viện Học viện Công giáo Việt Nam