III. NHỮNG LỢI ÍCH KHẢ THỂ TRONG CÔNG TRÌNH
NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN TẾ
BÀO GỐC.
1. Những
lợi ích khả thể
2. Viêc sử
dụng tế bào gốc cho phương pháp trị liệu
IV. LẬP TRƯỜNG VÀ GIÁO HUẤN CỦA GIÁO HỘI CÔNG
GIÁO VỀ VIỆC NGHIÊN CỨU TẾ
BÀO GỐC.
KẾT LUẬN
------------------------
TIN LIÊN QUAN:
TẾ BÀO GỐC VÀ GIÁO HUẤN CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO DỰA VÀO
NHỮNG KHÁM PHÁ MỚI - Phần 1.
Linh Mục Tiến Sĩ Trần Mạnh Hùng
III. NHỮNG LỢI ÍCH KHẢ THỂ TRONG CÔNG TRÌNH
NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN TẾ BÀO GỐC (Tiếp theo phần 1).
Qua các kết
quả của các công trình nghiên cứu về việc sử dụng tế bào gốc trưởng thành
(adult stem cells) nơi con người cho thấy rằng các “Multipotent Stem Cells”
(tên của một loại tế bào gốc đa-năng), có tiềm năng rất lớn trong công việc
nghiên cứu lẫn việc phát triển phương pháp trị-liệu tế bào (cell therapies).
Một bằng chứng cụ thể, là ta có thể dùng các tế bào gốc trưởng thành trong việc
cấy, ghép. Nếu chúng ta có thể tách biệt những tế bào gốc trưởng thành từ bệnh
nhân, ví dụ như từ tuỷ xương, rồi tạo điều kiện thuận tiện để chúng từ từ phân
chia và sinh sản ra các tế bào có những chức năng chuyên-biệt. Sau đó, chúng ta
đem cấy chúng trở lại cho bệnh nhân. Làm như vậy thì sẽ tránh được tình trạng
các tế bào này bị từ chối hay bị phản kháng bởi cơ thể của bệnh nhân.
Cách thức sử dụng các tế
bào gốc trưởng thành cho các phương pháp trị-liệu, nhằm thay thế các tế bào đã
bị thoái hóa hay không còn khả năng thực hiện các chức năng riêng biệt của
chúng nữa, sẽ giảm thiểu hoặc tránh né được, ngay cả việc sử dụng đến các tế
bào gốc lấy được từ các phôi hoặc các mô từ bào thai người. Điều này đã và đang
gây nhiều sự phản đối, vì những yếu tố về mặt luân lý.
1. NHỮNG LỢI ÍCH KHẢ THỂ.
Những lợi ích khả thể mà
các chuyên gia nghiên cứu hiện nay đưa ra thì có lẽ nhiều vô số kể. Trong bài
viết về “The Benefits of Human Cloning – Lợi ích của việc nhân bản vô tính.”
(http://www.humancloning.org/benefits.htm.), thì tác giả đưa ra một số danh
sách các lợi ích thực tiễn về nhân bản vô tính (Human Cloning). Nói chung, hầu
như là bá bệnh đều có thể trị được, nếu bằng lòng áp dụng và cho phép phương
pháp nhân bản vô tính. Vì khuôn khổ của bài viết, nên tôi mạn phép chỉ đề cập
đến những gì có tính cách hiện-thực mà cộng-đồng thế giới đang mong mỏi nơi các
chuyên gia nghiên cứu, dựa trên những khám phá gần đây nhất.
2. VIỆC SỬ DỤNG CÁC TẾ BÀO GỐC CHO PHƯƠNG PHÁP TRỊ-LIỆU.
Phần đông các bệnh tật nơi
con người là kết quả do việc các tế bào của chúng ta ngưng hoạt động hay không
làm việc theo đúng như chức năng của chúng, hoặc do bởi các mô của thân thể bị
hủy hoại. Hiện nay, để thay thế cho các cơ phận hoặc ghép các bộ phận, cũng như
mô không còn hoạt động bình thường, các chuyên viên y khoa đã cần phải sử dụng
đến các bộ phận, tỷ dụ như tim, thận, tủy, mắt v.v.., được hiến tặng. Tuy
nhiên, không may cho chúng ta là số bệnh nhân càng ngày càng gia tăng và vượt
hẳn con số về các bộ phận mà chúng ta có được (do sự hiến tặng của các ân nhân)
để thay thế hay cấy, ghép. Tế bào gốc có thể cung ứng cho ta một nguồn
nguyên-liệu mới phong phú, hầu có thể thay thế các tế bào và mô đã bị hỏng,
nhằm chữa trị các chứng bệnh nan y, tỷ dụ như: bệnh tim, bệnh ung thư, bệnh
Parkinson, bệnh tiểu đường, bệnh mất trí nhớ, bệnh chấn thương cột sống, cơn
đột trụy (stroke), bệnh đau nhức thấp khớp kinh niên, bị phỏng nặng v.v... Có thể nói hầu như các căn bệnh thông thường hiện
nay, đều có nhiều cơ may được điều trị bởi việc sử dụng các tế bào gốc mà gần
đây các chuyên gia nghiên cứu mới khám phá ra.[1]
Ví dụ như bài viết sau đây: “Stem cells used to help cure sight loss.” (Tế Bào Gốc được sử dụng để giúp trị liệu nạn khiếm thị) By
Danny Rose -
AAP - ngày 28.05.2009.
http://www.news.com.au/story/0,27574,25549740-36398,00.html
Figure 1. Contact lense có chứa tế
bào gốc màng sững (giác mạc) mắt
Quý vị cũng có thể xem Video giới thiệu thành qủa của
các chuyên gia bác sĩ Úc tại Đại học New South Wales (Tp Sydney) sử dụng tế bào
gốc trưởng thành để chữa trị nạn khiếm thị. Video có phụ đề Việt Ngữ.
VIDEO: DÙNG TẾ BÀO GỐC CHỮA CHO NHỮNG NGƯỜI BỊ KHIẾM THỊ (Adult stem
cells cure blindness). https://www.youtube.com/watch?v=lqa8TrOezSo (Truy cập ngày 23/03/2025)
Song song với những thành qủa sử dụng tế bào gốc trưởng thành cho các
phương pháp điều trị cho các bệnh nhân đã được các bác sĩ chuyên khoa áp dụng,
thì vào ngày vào ngày
2 Tháng 6 năm 2008
tại Bệnh viện Barcelona.
Các nhà nghiên cứu từ Anh, Ý và Tây Ban Nha đã cùng nhau thực
hiện các bước thí nghiệm để phát triển mô từ người mẹ 30 tuổi; và cấy ghép một
phế quản mới - một nhánh của khí quản.
Cô Claudia Castillo, từ Barcelona, Tây Ban
Nha, đã bị nhiễm bệnh lao nặng, đường hô hấp bị suy suyễn tồi tệ, cô bị hụt hơi
và không thể làm được việc gì. Bệnh đã làm hư phần khí quản nơi tiếp giáp đưa
khí vào phổi trái.
Một phần cơ thể của Claudia
Castillo đã được phát triển từ tế bào gốc tách từ tủy
xương của chính cô ta. Thế là cô ta đã trở thành bệnh nhân phụ nữ đầu tiên trên
thế giới tiếp nhận một cơ quan được tạo ra trong phòng thí nghiệm. Các bác sĩ
cho biết, ca phẩu thuật tiên phong này có thể làm thay đổi phẫu thuật cấy ghép.
Giáo sư Anthony Hollander, một thành viên của nhóm, sau cú
đột phá đó, đã mô tả nó như là một bước tiến điển hình của khoa học tế bào gốc
thành tế bào gốc liệu pháp.
Sử dụng tế bào gốc trưởng thành lấy từ tuỷ xương của cô
Castillo để tạo ra một khí quản mới mà không bị hệ thống miễn dịch phản kháng –
đây là một vấn đề lớn trong phẫu thuật cấy ghép - thường thì người được cấy
ghép phải dùng thuốc kiềm hệ miễn dịch trong suốt cuộc đời còn lại. Bệnh nhân tiếp tục có chất
lượng sống tốt và không bị bất kỳ biến chứng hay thải ghép nào ở khí quản cấy
ghép, nghiên cứu đăng trên tạp chí The Lancet cho biết.[2]
Ảnh các bác sĩ giải phẫu và ghép khí quản được tạo nên bởi tế bào gốc
trưởng thành lấy từ tuỷ xương của bệnh nhân là cô Claudia Castillo. Photo from Internet.
Mời quý vị xem Video: Các bác sĩ đã thành công trong việc sử dụng tế bào gốc trưởng thành để
tạo nên khí quản. Phụ đề Việt Ngữ.
https://www.youtube.com/watch?v=TnvNMsPBpNA (Truy cập ngày
22/03/2025).
Đồng thời Giáo sư Martin Birchall, thành
viên thuộc nhóm nghiên cứu tại Đại học Bristol, cho biết: “Những gì chúng ta
đang thấy hôm nay chỉ là khởi đầu. Đây là lần đầu tiên một cơ quan nhân tạo đã
được cấy ghép cho bệnh nhân.”
Tôi cho rằng trong vòng 20 năm tới, các cuộc giải phẩu
tương tự sẽ được phổ biến rộng rãi. Và tôi nghĩ rằng nó sẽ làm thay đổi hoàn
toàn cách suy nghĩ của chúng ta về phẫu thuật, sức khỏe và bệnh tật.
Ông dự đoán kỹ thuật này có thể được áp dụng cho các cơ quan hình
ống khác có cấu trúc tương tự như ruột,
bàng quang và đường sinh sản.[3]
Mời quý vị xem Video: Sử dụng tế
bào gốc trưởng thành để tạo nên một trái tim. https://www.youtube.com/watch?v=FWZ1zWqBBQs (Truy cập ngày
22/03/2025).
Tuy nhiên, trước những dấu
hiệu khả quan và những thành công rực rỡ đã và đang gặt hái được nhiều thành
quả vượt bực đáng kể trong công việc điều trị các căn bệnh đương thời. Y học
ngay nay vẫn còn gặp phải một số vấn đề khó khăn trong công việc áp dụng và đưa
các khám phá mới mẻ ấy vào trong công việc thực hành cụ thể nơi các sở y tế.
Những khó khăn này tuy đáng kể, nhưng không phải là chúng ta không có khả năng
vượt qua.
Nói tóm lại, chúng ta cần
chờ đợi với thời gian để xem coi các phát minh mới ấy sẽ mang lại những lợi ích
cụ thể gì cho nhân loại.
IV. LẬP TRƯỜNG VÀ GIÁO HUẤN CỦA GIÁO HỘI CÔNG
GIÁO LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC NGHIÊN CỨU TẾ BÀO GỐC.
Đứng trước các phát minh
mới mẻ trong ngành y-sinh học, được thực hiện đầu thế kỷ thứ 21 này, cụ thể là
việc sử dụng các tế bào gốc trưởng thành (adult stem cells) trong các phương pháp trị liệu. Giáo Hội Công
Giáo luôn luôn tán thưởng và khuyến khích các nổ lực và sự thiện chí của các
chuyên gia nghiên cứu.[4]
Đức cố Giáo Hoàng Biển Đức 16 cổ võ việc nghiên cứu tế bào
gốc trưởng thành và ngài phê phán việc hủy hoại phôi thai người sau khi đã
thâu hoạch các tế bào gốc phôi và sử dụng vào việc nghiên cứu. Ngài đã bày tỏ
lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 12-11-2011, dành cho 250
tham dự viên Hội nghị quốc tế tại Vatican về đề tài: “Các tế bào gốc từ mô trưởng
thành: khoa học và tương lai của con người và văn hóa”.
Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC Biển Đức 16 phê bình não trạng thực
dụng ngày nay, sẵn sàng chấp nhận bất kỳ phương thế nào có thể, để đạt tới mục
tiêu mong muốn, mặc dù có những hậu quả thê thảm. Ngài nói: “Khi thấy mục tiêu
rất đáng mong ước là khám phá việc trị liệu các bệnh do sự thoái hóa gây ra,
thì nhiều nhà khoa học và chính trị gia thường gạt bỏ những vấn nạn về luân lý
đạo đức và tiến hành bất kỳ nghiên cứu nào có vẻ đạt được sự tiến bộ trong lãnh
vực này. Những ai cổ võ việc nghiên cứu tế bào gốc từ phôi thai người với hy
vọng đạt được những kết quả ấy, thì phạm lỗi lầm trầm trọng vì chối bỏ quyền
sống bất khả nhượng của mọi người từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết tự
nhiên. Sự hủy hoại nhân mạng không bao giờ là điều có thể biện minh được bằng
lợi ích mà nó có thể mang lại cho người khác.”
Cách đây nhiều năm tại
Rôma, Thánh đô của Giáo Hội đã tổ chức một Hội nghị chuyên đề, vào ngày 13-14,
tháng 11, 2001 tại Đại học giáo hoàng Ateneo Pontificio Regina Apostolorum -
Rôma. Hội nghị này đã được bảo trợ của 2 Đại học và 1 Học viện danh tiếng trên
thế giới: Đại học Francisco de Vitoria (Madrid - Tây Ban Nha), Pontifical
Athenaeum Regina Apostolorum (Rôma) và Guilé Foundation (European Institute for
Social Studies - Thụy Sĩ), nhằm thảo luận về những vấn đề nan giải và những
thiện ích cho con người trong công trình nghiên cứu TBG.
Tiến sĩ Esmail D. Zanjani, một trong những chuyên gia đang dẫn
đầu về việc nghiên cứu tế bào gốc, hiện là giảng sư tại Đại học Nevada, Hoa Kỳ,
đã đưa ra những nhận định phù hợp với quan điểm và chiều hướng lập luận hiện
thời của Giáo hội Công Giáo. Ông ta phát biểu rằng: “Hiện nay, có rất nhiều dữ
kiện cho thấy, chúng ta có thể thành công trong viêc sử dụng các tế bào gốc
trưởng thành để điều trị các chứng bệnh về tim, và các mô bị hư hại. Sau nhiều
lần thử-nghiệm thì kết quả cho thấy công việc này đã rất có hiệu nghiệm.”
(Phỏng theo bài thuyết trình của Dr. Zanjani tại hội nghị - Thứ tư 14 tháng 11,
2001). Tiến sĩ Zanjani còn cho biết thêm, theo như kết quả của những cuộc thử
nghiệm vừa qua, thì nó chứng minh cho ta thấy, việc dùng các tế bào gốc trưởng
thành, đạt được những kết quả khả quan như đã tiên đoán. Cho nên, “Tôi (Dr.
Zanjani) thiết nghĩ chúng ta không nhất thiết phải sử dụng đến các tế bào gốc
phôi (Embryonic Stem Cells), vì điều đó gặp phải nhiều sự chống đối xét về mặt
luân lý, mà đồng thời kết quả thì cũng chưa chắc gì đã trỗi vượt hơn, việc dùng
các tế bào gốc trưởng thành trong các phương pháp trị liệu.”
Với một lối suy tư tương
tự như thế, bà Monica Lopez Barahona,
giảng sư tại Đại học Francisco de Victoria (Tây Ban Nha), khi được phóng viên
nhà báo phỏng vấn tại Hội nghị đã phát biểu như sau: “Không thể chấp nhận được
sự việc tạo một phôi người, rồi sau đó chỉ lấy các tế bào gốc rồi thì hủy bỏ nó
đi.” Bà ta nhấn mạnh, theo quan điểm của các khoa học gia, thì hiển nhiên đã có
sự hiện diện của một “con người” ngay từ lúc khi trứng được thụ tinh. Vì lý do
đó, không thể chấp nhận được xét về mặt đạo đức, khi sử dụng sự sống con người
này (tức là các phôi bị sử dụng để lấy tế bào gốc) để cứu một người khác (để
cấy ghép hoặc thay thế các bộ phận bị hư hỏng). Quan điểm này, chúng ta có thể
tìm thấy trong giáo huấn của Giáo Hội:
“Con người phải được đối xử như một nhân vị kể từ khi
thụ tinh, và vì vậy cũng từ lúc đó nhân quyền của nó phải được thừa nhận, trước
hết là quyền sống bất khả xâm phạm của một con người vô tội.”
(Xem Huấn Thị
Donum Vitae, 1987)[5]
Thêm vào đó, Giáo hội Công Giáo, thông qua Bộ Giáo Lý Đức Tin đã khẳng quyết như sau:
Thân xác của một con người, từ những giai đoạn
đầu tiên của cuộc sống của nó, không bao giờ được giảm thiểu thành một tổng thể những tế bào. Thân xác phôi
thai này được phát triển dần dần theo một “chương trình” được xác định rõ ràng
và theo một cứu cánh riêng được biểu lộ lúc ra đời của mỗi đứa trẻ.
Bởi thế, thật quan trọng để nhắc lại tiêu chí luân lý
căn bản được Huấn thị Donum Vitae
trình bày để phán đoán tất cả những vấn đề luân lý liên quan đến những sự can
thiệp của phôi của con người: “Kết quả của việc hình thành con người từ khoảnh
khắc đầu tiên của cuộc sống của nó, tức là từ sự cấu thành của hợp tử, đòi hỏi
sự tôn trọng vô điều kiện về mặt luân lý đối với con người trong tính toàn vẹn
thể xác và thiêng liêng của nó. Con người phải được tôn trọng và đối xử như là một nhân
vị từ lúc thụ tinh, (that is at the moment of conception), và do
đó từ giây phút này, người ta cần phải nhìn nhận cho nó những quyền của con
người, trong đó trước tiên là quyền được sống bất khả xâm phạm của mọi hữu thể
nhân linh vô tội” [6]
Khẳng định có đặc tính luân lý này được nhìn
nhận là đúng đắn và phù hợp với luật luân lý bản nhiên nhờ chính lý trí; nó phải
là nền tảng của mọi hệ thống pháp lý. Trên thực tế, nó giả thiết một chân lý
có đặc tính hữu thể học, nhờ đó văn kiện này đã chứng mình tình liên tục
của sự phát triển của con người, trên nền tảng của những hiểu biết khao học
vững chắc.
Nếu Huấn thị Donum Vitae đã không định
nghĩa phôi như là nhân vị, để không dấn thân minh nhiên trong một khẳng định có
tính triết học, thế nhưng nó đã cho thấy rằng có một sự liên hệ nội tại giữa
chiều kích hữu
thể học và giá trị đặc thù của mỗi hữu thể nhân linh. Cho dù sự hiện diện của một linh hồn thiêng
liêng không thể được khám phá bởi bất cứ việc quan sát dữ kiện thực nghiệm nào,
nhưng chính những kết luận khoa học về vấn đề phôi người “cung cấp một chỉ dẫn
quý giá để phân định về mặt lý trí một
sự hiện diện nhân vị từ sự xuất hiện đầu tiên của một sự sống con người: làm thế nào mà một
cá thể người (individual human) lại không phải là một nhân vị (human
person)?”. Thực ra, thực tại của hữu thể nhân linh, trong suốt cuộc sống của
nó, trước và sau khi sinh, không cho phép khẳng định một sự thay đổi bản tính,
cũng không cho phép khẳng định sự giảm dần giá trị luân lý, vì nó sở hữu một định
phẩm nhân chủng học và luân lý tròn đầy. Bởi thế, phôi người, từ ban đầu, có một phẩm giá riêng của nhân vị.[7]
KẾT LUẬN:
Nói tóm lại, chủ trương và
lập trường của Giáo hội Công Giáo hiện nay là không cho phép việc sử dụng các phôi người như
thể là một vật-liệu để nghiên cứu, điển hình là việc tạo các phôi bằng phương
pháp thụ tinh trong ống nghiệm hay nhân bản phôi vô tính. Sau đó, tách các tế
bào gốc ra từ các phôi này rồi hủy chúng đi, làm như vậy theo quan điểm của
Giáo Hội là không thể chấp nhận được, xét về mặt luân lý. Vì Giáo hội xác tín
rằng: ngay từ giây phút trứng thụ tinh, thì đã có xuất hiện sự sống con người
(xem Huấn Thị Donum vitae và Thông điệp Evangelicum vitae). Điều này không
ngừng được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II lập
đi lập lại, trích từ Huấn thị “Qùa Tặng
Sự Sống - Donum vitae” và “Tuyên Ngôn
về Việc Chủ Ý Phá Thai - Declaration
on Procured Abortion”:
“Ngay từ khi trứng được thụ tinh, một sự sống
mới được bắt đầu, mà sự sống ấy không phải là của cha cũng chẳng phải của mẹ,
nhưng đúng hơn đó là sự sống của một con người mới và nó có thể tự mình phát
triển.”
Bởi lẽ đó, khi còn đương
kim là Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã liên tuc mời gọi các cộng
đồng và hiệp hội các khoa học gia trên thế giới:
“Hãy tôn
trọng tuyệt đối sự sống con người từ giây phút mới bắt đầu cho đến hơi thở cuối
cùng.”
Và lời khẳng định này của Thánh Giáo Hoàng
Gioan Phaolô II đã được ghi lại rõ rệt bằng những lời lẽ đầy xác tín trong
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo:
“Sự sống con người, ngay từ lúc tượng thai,
phải được tôn trọng và bảo vệ cách tuyệt đối. Ngay từ giây phút bắt đầu hiện
hữu, các thụ tạo nhân linh phải được nhìn nhận có các quyền lợi của một nhân
vị, trong đó có quyền được sống là quyền bất khả xâm phậm của mọi thụ tạo vô
tội.” (số 2270).
Tiếp
nối lập trường và sự khẳng định xác quyết của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Giáo hội Công Giáo mạnh mẽ phản đối việc các chuyên
gia và bác sĩ sử dụng phôi để thâu hoạch tế bào gốc cho các công trình nghiên
cứu hay cho y khoa trị liệu, vì theo
quan điểm của Giáo hội Công Giáo cho rằng: việc tạo nên các phôi rồi sau đó sử
dụng như vật liệu để thâu hoạch các tế bào gốc phôi cho việc nghiên cứu, làm
như thế là vi phạm nguyên tắc tôn trọng sự sống con người.
“Việc sử dụng phôi thai người cho các mục đích nghiên cứu và điều trị là
vi phạm phẩm giá con người và nguyên tắc tôn trọng sự sống. Chúng ta phải tìm
kiếm các phương pháp thay thế mà không xâm phạm đến sự sống của phôi thai”[8]
Lm
Tiến sĩ Phêrô Trần Mạnh Hùng
Copyright© 2025 by Trần
Mạnh Hùng
[1] . Nhật Báo The Australian hôm 29 tháng 5 năm 2009 đã loan tin cho biết là các chuyên gia
nghiên cứu tại Đại Học New South Wales, Úc Đại Lợi đã thành công chữa trị 3
bệnh nhân mù lòa bằng việc sử dụng tế bào gốc trưởng thành. Dẫn đầu nhóm nghiên
cứu này là Dr. Nick Di Girolamo, ông và các cộng sự viên đã thành công chữa trị
cho ba bệnh nhân bị mù lòa vì màng sững mắt (giác mạc) của họ không còn hoạt
động. Các chyên gia này đã sử dụng tế bào gốc lấy từ mắt của bệnh nhân rồi cho
sản sinh ở các dĩa thí nghiệm, sau đó bỏ các tế bào gốc này vào các “contact
lenses” và rồi họ ghép nó vào mắt của các bệnh nhân này. Khoảng 10-14 ngày sau,
các tế bào gốc đã bám vào màng sửng mắt và bắt đầu thay thế các tế bào đã bị
thoái hóa hoặc hư hỏng, nhờ đó họ đã có nhìn thấy và có thể đọc sách trở lại.
Có thể nói đây là một thành công khá rực rỡ trong việc sử dụng tế bào gốc
trưởng thành trong y khoa trị liệu.
[2] . Xem Woman receives windpipe built from her stem cells. By Andy
Coghlan, Published on 19
November 2008
https://www.newscientist.com/article/dn16072-woman-receives-windpipe-built-from-her-stem-cells/ (Accessed on Saturday, 22 March 2025)
[3] . Ibid.
[4] . Xem Đức Thánh Cha Biển Đức 16 cổ võ nghiên cứu tế bào gốc từ mô trưởng thành. Do Giuse Trần Đức Anh, OP. https://tgpsaigon.net/bai-viet/duc-thanh-cha-co-vo-nghien-cuu-te-bao-goc-tu-mo-truong-thanh-38328 (Truy cập ngày 22/03/2025).
[5] . Xem Congregation for the Doctrine
of the Faith: Instruction on Respect for Human Life in Its Origin and on the
Dignity of Procreation: Replies to Certain Questions of the Day, Vatican City
1987. https://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/documents/rc_con_cfaith_doc_19870222_respect-for-human-life_en.html (Accessed on 22 March 2025).
[6] . Xem Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn Thị Donum vitae, I, 1: AAS 80 (1988), 79.
[7] . See Instruction Dignitas
Personae On Certain Bioethical Questions. Issued by
Congregation For The Doctrine of The Faith on the 8 September 2008. http://www.vatican.edu/roman_curia/congregations/cfaith/documents/rc_con_cfaith_doc_20081208_dignitas-personae_en.html (Accessed 19.11.2015).
It is appropriate to recall the fundamental
ethical criterion expressed in the Instruction Donum vitae in order to evaluate all moral questions
which relate to procedures involving the human embryo: “Thus the fruit of human
generation, from the first moment of its existence, that is to say, from the
moment the zygote has formed, demands the
unconditional respect that is morally due to the human being in his bodily and
spiritual totality. The human being is to be
respected and treated as a person from the moment of conception; and
therefore from that same moment his rights as a person
must be recognized, among which in the first place is the inviolable right of every innocent human being to life”.
If Donum vitae, in order to avoid a statement of
an explicitly philosophical nature, did not define the
embryo as a person, it nonetheless did indicate that there is an
intrinsic connection between the ontological dimension and the specific value
of every human life. Although the presence of the
spiritual soul cannot be observed experimentally, the conclusions of
science regarding the human embryo give “a valuable indication for discerning
by the use of reason a personal presence at the moment of the first appearance
of a human life: how could a human individual not
be a human person?”.
Indeed, the reality of the human being for the entire span of life, both before
and after birth, does not allow us to posit either a change in nature or a
gradation in moral value, since it possesses full anthropological and
ethical status. The human embryo has, therefore, from the very
beginning, the dignity proper to a person.
[8] . Xem Huấn Thị Dignitas Personae (Phẩm Giá Con
Người) Và Một Số Vấn Đề Về Đạo Đức Sinh Học, số 34. Bản
dịch của Ủy ban Giáo lý Đức tin – Hội đồng Giám mục Việt Nam. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/huan-thi-dignitas-personae-pham-gia-con-nguoi-ve-mot-so-van-de-dao-duc-sinh-hoc-17696 (Truy cập, ngày
22.03.2025).