Tác phẩm: “Gặp Gỡ Chúa Trong Hành Trình Đời Sống Tâm Linh”[1]
Kính thưa quý vị quan khách,
Tôi cảm thấy rất hân hạnh và vui mừng khi được
cha Phêrô Trần Mạnh Hùng mời tôi chia sẻ cùng với quý vị quan khách đang hiện
diện ở đây trong buổi lễ ra mắt và giới thiệu tác phẩm: “Gặp Gỡ Chúa Trong Hành Trình Đời Sống Tâm
Linh – Encountering God in My Spiritual Journey,” mà chính cha Phêrô
Trần Mạnh Hùng là tác giả.[2]
Chúng ta hãy bắt đầu với tựa đề - một tựa đề
thực sự tuyệt vời: Gặp gỡ Chúa. Đó chẳng phải là điều mà chúng ta, với
tư cách là con người, đang không ngừng phấn đấu - toàn bộ niềm đam mê và giác
quan của chúng ta gắn liền với những cuộc gặp gỡ với người khác, với những trải
nghiệm và cuối cùng là với Thiên Chúa. Ở đây, bạn nhận được ưu đãi hai tặng một.
Qua kinh nghiệm sống, chúng ta nhận ra Thiên Chúa là ai, nhưng chúng ta cũng gặp
được Ngài nơi con người Chúa Giêsu Kitô, Đấng gắn bó với cuộc sống hằng ngày của
chúng ta. Đối với Cha Phêrô, đây là sự thật của ngài - cuộc tìm kiếm của ngài,
cuộc tìm kiếm Thiên Chúa, Đấng không ngừng mặc khải chính bản thân và thần tính
của Ngài cho cha Phêrô và cho cả mỗi chúng ta.
Đây cũng chính là phản ánh suy tư của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI trong thông điệp, “Thiên
Chúa là tình yêu - Deus Caritas Est.” Như Ngài đã viết:
“Kitô giáo không phải là một ý tưởng
cao cả hay một lựa chọn đạo đức nhưng là một cuộc gặp gỡ với một sự kiện, một
con người và ngang qua đó đã mang lại cho cuộc sống một chân trời mới và một hướng
đi quyết định”.
Mong muốn của Cha Phêrô đối với chúng ta thật
rõ ràng: cuốn sách của ngài là chứng tá cho lòng thương xót và tình yêu vô biên
của Thiên Chúa. Tôi chắc chắn rằng: Ngài viết nó với hy vọng rằng độc giả sẽ thấy
cuộc đời của chính họ được phản ánh trong những trang viết của Ngài, đầy những
khó khăn và những chiến thắng tương tự. Nhờ ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta
cũng có thể can đảm vượt qua những thử thách của cuộc sống.
Điều này làm tôi nhớ đến câu nói nổi tiếng và
bất hủ của Thánh
Augustinô:
“Tâm hồn chúng con luôn
khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa.”
Về sự thân mật và gặp gỡ
Khi tôi nghĩ về những cuộc gặp gỡ, đặc biệt là
những cuộc gặp gỡ sâu sắc nhất, tôi nghĩ ngay đến “từ thân mật”. Từ này có nguồn
gốc từ tiếng Latin, “intimare”, có nghĩa là “trở thành chính mình thực sự”. Nó
có đáng chú ý không? Khi chúng ta có một mối quan hệ chân thật – với người khác
hoặc với Thiên Chúa – chúng ta khám phá con người thật của mình. Thiên Chúa sự
sống và tình yêu tạo điều kiện thuận lợi cho sự thân mật sâu sắc này. Như Oscar Wilde đã nói một cách khôn ngoan: “Hãy là chính mình; những
người khác đã bị chiếm đoạt rồi”.
Hành trình ơn gọi làm linh mục và cái giá của nó
Cuộc đời của Cha Phêrô là bằng chứng tỏ tường cho
cái giá phải trả và phước lành của việc đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa. Tôi
không khỏi tưởng tượng những áp lực to lớn khi Cha Phêrô bị truy lùng như một
tên tội phạm, sống ngoài vòng pháp luật, chỉ vì dám theo đuổi chức linh mục. Rời
bỏ quê hương và mái ấm gia đình để quyết tâm tìm kiếm tự do và bước theo tiếng
gọi của Thiên Chúa và sứ mạng mà Ngài muốn trao phó.
Một người khác trong lịch sử đã làm điều này:
Mỗi năm vào ngày 17 tháng 3, chúng ta kỷ niệm ngày lễ mừng kính Thánh Patrick,
người bị bắt làm nô lệ nhưng đã để cho những thử thách rèn luyện ngài trở thành
một nhà truyền giáo nhiệt thành và can đảm.[3]
Khi bị bắt làm nô lệ, điều đó không ngăn cản ngài rao giảng Tin Mừng về cuộc đời
mình cho người khác. Tương tự như vậy, Cha Phêrô chấp nhận thử thách của mình,
tuyên xưng tình yêu Thiên Chúa bất chấp cái giá phải trả. Câu chuyện của cha
Phêrô là một lời nhắc nhở rằng, thông thường, những gì có vẻ giống như một sự rủi
ro, bế tắc và không lối thoát, nhưng cuối cùng đó lại là một sự chúc lành và được
an bài bởi Thiên Chúa trong sự quan phòng nhiệm mầu, như Cha Phêrô đã viết
trong cuốn sách của mình: “Trong cái rủi, có cái may,” một “phước lành trá
hình”.
Thiên Chúa là người thợ thêu tài ba
Một khía cạnh hấp dẫn khác trong cuốn sách của
Cha Phêrô là ngôn ngữ ẩn dụ của ngài. Cha Phêrô gọi Chúa là người “Thợ thêu” -
một hình ảnh đẹp đẽ về cách Chúa thêu dệt nên tấm thảm cuộc đời chúng ta bằng sự
hợp tác của mỗi người. Mặc dù chúng ta có thể cảm thấy mình là người làm chủ vận
mệnh của mình, nhưng cuối cùng thì chính Chúa mới là người thực sự điều khiển
và làm chủ vận mệnh của cuộc đời chúng ta. Thiên Chúa sử dụng tất cả những trải
nghiệm của mỗi người, dù là đau buồn hay hân hoan, thất bại hay thành công để tạo
ra điều gì đó phi thường.
Một điều rất rõ ràng đối với những gì mà Cha
Phêrô đã viết, từ trang này sang trang khác trong tác phẩm, chính là lòng biết
ơn và tri ân thẳm sâu đối với Thiên Chúa.[4]
Với tư cách là một vị linh mục, một vị giáo sư
và là một môn đệ của Chúa Giêsu, cuộc đời ngài như ngài đã viết: tất cả đều là hồng
ân từ nơi Thiên Chúa tình yêu.
Những ảnh hưởng phong phú về đời sống thiêng liêng
Cha Phêrô đã được ảnh hưởng rất lớn về mặt tinh
thần và đời sống thiêng liêng bởi các vị Thánh nổi bật trong giáo hội Công
Giáo, từ Thánh Charles de Foucauld đến Thánh Louis de Montfort và các vị Thánh ẩn
tu sống trong Sa mạc, họ đã truyền cho Cha
Phêrô những suy tư sâu sắc và khôn ngoan. Cho nên, Ngài viết như một nhà tiên
tri, lắng nghe Chúa và chia sẻ một cách chân thật về cuộc đời của mình.
Niềm xác tín vào tình yêu
Nhà văn Pháp Victor Hugo từng viết: “Hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời là tin rằng chúng ta được yêu - được
yêu vì chính mình, hay đúng hơn là được yêu bất chấp bản thân mình.”
Niềm tin này thấm sâu vào cuốn sách của Cha
Phêrô, bắt nguồn từ tình yêu của Thiên Chúa, và chính tình yêu ấy đã biến đổi mọi
thứ. Cuộc hành trình của ngài – từ trại tị nạn Pulau Bidong (nước Mã Lai) đến
vùng núi Colorado Springs, Tiểu Bang Denver (nước Hoa Kỳ) đến vùng nước đầy ân
sủng của dòng Sông Thiên Nga (Swan river tại Tp Perth) – thể hiện sự khôn ngoan
của Thánh Phanxicô de Sales: “Chúa trồng con ở đâu, con nở hoa ở đó.”
Hoàn toàn tín thác vào thánh ý Chúa
Có lẽ khía cạnh cảm động nhất trong câu chuyện
của Cha Phêrô là việc ngài phó thác cho ý muốn Thiên Chúa. Trong một bài viết,
ngài đã thuật lại chuyến hành trình vượt biên đầy cam go và nguy hiểm từ Việt
Nam đến Mã Lai, nơi Cha Phêrô và 50 người khác trên con tàu gỗ nhỏ bé phải đối
mặt với cái chết trên biển, bởi giông to bão lớn, muốn nhận chìm con tàu xuống
lòng đại dương. Suy ngẫm về trải nghiệm này, ngài đã viết trong nhật ký của
mình:
“Trong những ngày qua, tôi cảm thấy một
sự bình an đặc biệt trong tâm hồn, nhất là cảm giác sống một cuộc đời phó thác
hoàn toàn cho Chúa. Sau khi chấp nhận phó thác mọi sự cho kế hoạch và sự an bài
huyền nhiệm của Chúa, tôi cảm thấy bình an trong lòng và vui mừng trong tâm hồn.
Tôi nghĩ, nếu tôi luôn phó mình cho Chúa, tôi sẽ có được hạnh phúc và bình an.”
Cái nhìn sâu sắc này mời gọi chúng ta tin tưởng
vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Như tác giả của Thánh vịnh 139: 1-6, 13-14 đã
viết rất hay:
Lạy CHÚA, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ,
biết cả khi con đứng con ngồi.
Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa,
đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét,
mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả.
Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời,
thì lạy CHÚA, Ngài đã am tường hết.
Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước,
bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con.
Kỳ diệu thay, tri thức siêu phàm,
quá cao vời, con chẳng sao vươn tới!
Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo,
dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con.
Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng,
công trình Ngài xiết bao kỳ diệu!
Hồn con đây biết rõ mười mươi.
Cuộc đời của Cha Phêrô và những gì ngài đã viết
là minh chứng cho sự thật này. Qua tác phẩm Gặp gỡ Chúa trong hành trình đời sống
tâm linh, Cha Phêrô mời gọi chúng ta hãy có cùng một niềm tin tưởng như vậy, để
khám phá và nhìn thấy bàn tay của Thiên Chúa trong mọi biến cố diễn ra trong cuộc
sống thường ngày và trải nghiệm sự bình an đến từ việc biết phó thác mọi sự
trong bàn tay quan phòng diệu kỳ của Thiên Chúa.
Xin chân thành cảm ơn quý vị đã lắng nghe tôi
trình bày.
Cha Joseph Laundy
(Phó Giám đốc ĐCV – St. Charles Seminary, kiêm
Giám đốc ơn gọi của TGP Perth)
[1] . Tựa đề bằng tiếng Anh: Encountering God in My
Spiritual Journey in tại thành phố
Perth, Tiểu bang Tây Úc 2024. Tác giả linh mục Trần Mạnh Hùng. Tác phẩm này đã
được ra mắt tại Ký túc xá sinh viên Thánh Thomas More vào thứ 7, ngày 7 tháng
12 năm 2024 và cha Joseph Laundy đã được mời để chia sẻ cảm nghĩ của ngài về
tác phẩm này.
[2] . Linh
mục Phêrô Trần Mạnh Hùng hiện nay đang làm Tuyên Uý cho Đại học Tây Úc và cho
Ký túc xá sinh viên Thánh Thomas More, trực thuộc TGP Perth và đồng thời là
giáo sư thỉnh giảng cho bộ môn Thần Học Luân Lý tại Đại học Notre Dame,
Fremantle, WA (Úc).
[3] . Thánh Patrick khi mới có 16 tuổi thì bị bọn cướp người Ái Nhĩ Lan (Irish) bắt và bán làm nô lệ ở quận Antrim, nước Ái Nhĩ Lan (Ireland) . Ngài bị giam cầm ở đây sáu năm, và phải chăn cừu ở vùng núi Slemish. Theo truyền thuyết dân gian, Ngài coi thời gian này là cách Chúa thử thách đức tin của ngài và ngài nhanh chóng trở nên một tín đồ rất sùng đạo Công giáo.
[4] . Xem
bài viết của Lm Trần Mạnh Hùng, Ân tình Ngài, con mãi không quên. https://ymagazine.net/vn/bai-viet/an-tinh-ngai-con-mai-khong-quen (Truy
cập ngày 22 tháng 2 năm 2025).