THA NHÂN LÀ QUÀ TẶNG | Thư viện Học viện Công giáo Việt Nam

THA NHÂN LÀ QUÀ TẶNG



Gioan Baotixita Nguyễn Duy Thái STB-K1

Tha nhân là ai? Đó là câu hỏi mà nhiều triết gia đã vất vả để đi tìm câu trả lời và mỗi người lại tìm thấy cho mình những quan điểm, lập trường khác nhau và thậm chí là đối chọi nhau. Trong số các triết gia hiện sinh, Emmanuel Levinas nổi lên như là người đầu tiên nhìn lại và phê bình lịch sử triết học phương Tây để đưa ra lập trường triết học cho riêng mình. Thay vì đề cao cái tôi như triết học phương Tây, Levinas lại đề cao cái tha để bước vào cuộc gặp gỡ với tha nhân. Cuộc gặp gỡ đó giúp ta nhận ra tha nhân là quà tặng và là sự phong phú cho mọi người bởi sự khác biệt của tha nhân là cơ hội để ta được lớn lên trong sự tôn trọng lẫn nhau.[1] Trong mối tương quan với tha nhân và sự liên đới với nhân loại, quan niệm này của Levinas có thực sự là điểm chung cho tất cả mọi người trong việc xây dựng một thế giới yêu thương và huynh đệ?

Nếu như nhiều triết gia triết học phương Tây đã quá đề cao cái tôi dẫn đến việc xem nhẹ sự độc đáo trong vai trò của tha nhân: coi tha nhân chỉ là một cá thể, một đồ vật, một đối tượng nhận thức của mình; có khi còn cảm thấy tha nhân như là địa ngục (J.P. Sartre) thì Emmanuel Levinas lại đề cao tính khác biệt triệt để của tha nhân với sự siêu vượt, vô biên, không thể nhận thức, chiếm hữu, sử dụng hay thống trị.[2] Do đó, mối tương quan của tôi với tha nhân luôn là mối tương quan liên chủ thể, một cuộc gặp gỡ của hai chủ thể. Tha nhân xuất hiện trước mắt tôi vượt trên mọi tư tưởng và nắm bắt của tôi, vì nó thuộc về Vô biên.

Để tránh nhìn tha nhân cách chung chung nhưng xem trọng họ trong tính riêng biệt của từng cá thể, Levinas đã nói đến Gương Mặt như một yếu tố đặc thù của người khác. Gương Mặt của tha nhân biểu lộ một chủ thể không thể nắm bắt và chiếm giữ bởi sự siêu việt, vô biên của nó; phô bày tất cả mà không che đậy hay giấu giếm nỗi cùng khốn, sự nghèo nàn của tha nhân. Như thế, gương mặt cho ta khám phá đồng thời tầm cao và tầm thấp của tha nhân, và từ khám phá đó, ta đi vào mối tương quan luân lý với tha nhân và là lời mời gọi ta nhận lấy trách nhiệm. Trách nhiệm đòi buộc ta không chỉ phải từ bỏ mọi tương quan bạo lực, để bước vào mối tương quan đối thoại “Diện đối Diện” với tha nhân mà còn phải bảo vệ, chở che; phải thực hiện những hành động bằng lòng tốt và không thể dửng dưng.[3]

Tuy nhiên, người viết tự hỏi: khuôn mặt của tha nhân có thực sự có sức mạnh biến đổi thái độ của con người khi đứng trước nỗi khốn cùng, nỗi nghèo nàn của người đối diện? Nhân loại đã phải trải qua biết bao cuộc chiến tranh thảm khốc, thế giới đã quá kinh hoàng với hai cuộc thế chiến đau thương. Tại sao lại có chủ nghĩa Phát Xít, coi sự ưu tú của dân tộc mình là đệ nhất để rồi tiêu diệt, thủ tiêu những người không thuộc chủng tộc của mình? Nếu nhìn khuôn mặt của tha nhân mà có thể nhận ra sự yếu đuối của người khác và nhận thấy lời mời gọi bảo vệ, chở che bằng việc thực hiện những điều tốt… thì tại sao lại có giết người, cướp của trong xã hội này? Tự hỏi như vậy để thấy rằng khuôn mặt của tha nhân trong quan niệm triết học của Levinas chưa đủ để đòi buộc con người tôn trọng và thực hiện trách nhiệm của mình như là một ràng buộc đạo đức. Do đó, mối tương quan tôi-tha nhân cần phải hướng tới một Đấng khác, một nhân vật thứ ba đó là Thiên Chúa. Sự hiện diện này của Thiên Chúa làm nên điều khác biệt.[4]

Dựa trên truyền thống ngôn sứ, thánh Phaolô khẳng định chất lượng của mối tương quan giữa Kitô hữu với Thiên Chúa được thể hiện qua mối tương quan với tha nhân, như tiên tri Isaia khẳng định: sống theo Thần Khí của Thiên Chúa chính là yêu thương và phục vụ tha nhân.[5] Bởi vì, đời sống trong Thần Khí của con người cốt tại đức mến thần linh và sự liên đới nhân loại (GLCG 1699). Hơn nữa, con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, được Chúa Giêsu Kitô cứu chuộc và nên cao trọng nhờ ân sủng của Thiên Chúa (GLCG 1701), cho nên mọi xúc phạm đến nhân phẩm con người đều bị báo oán trước mặt Thiên Chúa và là sự xúc phạm đến Đấng Tạo Hoá đã dựng nên con người.[6]

Nhờ sự ý thức phẩm giá tha nhân, con người xây dựng bản thân với người khác qua những chọn lựa tự do của mình; nhờ ý thức phẩm giá bản thân, con người đồng thời cũng nhận ra phẩm giá của tha nhân. Tự do của con người sẽ triển nở trong sự tôn trọng tự do của tha nhân. Như thế, một đời sống tự do và triển nở; các mối tương quan giữa những con người biết kính trọng phẩm giá của mình và của tha nhân; những định chế tập thể được xây dựng trên nền tảng công bằng, đó là những mục đích thật sự của mọi luân lý.[7]

Mười Giới Răn không chỉ dạy chúng ta sự cần thiết phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự (ba Giới Răn đầu) mà còn đòi hỏi thái độ kính trọng và yêu mến tha nhân trong cả suy nghĩ lẫn hành động (bảy Giới Răn sau). Theo đó, mỗi người phải biết hiếu thảo với cha mẹ là những người cho ta sự sống đồng thời kính trọng sự sống của người khác, kính trọng mọi tương quan giới tính, tài sản của tha nhân và luôn nói sự thật về tha nhân.[8]

Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, tha nhân là một quà tặng và là sự phong phú cho mọi người, bởi sự khác biệt thể hiện khả năng lớn lên: “chúng ta cần truyền thông với nhau, khám phá những quà tặng của mỗi người, cổ võ những gì giúp hiệp nhất chúng ta, và xem những khác biệt của chúng ta như một cơ hội để lớn lên trong sự tôn trọng lẫn nhau”.[9] Một nền văn hoá lành mạnh là nền văn hoá biết đón nhận và biết mở ra với người khác, đồng thời không phủ nhận chính mình, mà trao tặng cho người khác những gì là chân thật nhất. Nhờ có tha nhân mà “cái tôi” có thể khám phá ra “cái chúng ta”. Cái Vô biên của tha nhân là quà tặng để tôi thoát khỏi cái Toàn thể, cái tôi độc hữu, để bước vào cái tôi liên đới trách nhiệm. Nhưng chỉ khi nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa, một Đấng thứ ba, thì tôi mới nhận ra sự hiện hữu của tha nhân, chính là hình ảnh của Thiên Chúa.[10]

Như thế, tha nhân là quà tặng Thiên Chúa trao ban cho tôi và tôi cũng là quà tặng mà Thiên Chúa dành cho tha nhân. Chỉ khi biết đón nhận hình ảnh của Thiên Chúa nơi tha nhân và tôn trọng phẩm giá của họ như Thiên Chúa muốn, con người mới thực sự làm triển nở ơn gọi làm người của mình. Bởi vì, tôi là tha nhân và tha nhân cũng là tôi và tôi chỉ thực sự triển nở và có một nhận biết rõ ràng và trọn vẹn ngay cả về chính mình trong sự gặp gỡ và liên hệ với những người khác.[11]



[1] x. ĐGH Phanxicô, Thông điệp Fratelli Tutti, Số 133.

[2] x. Nguyễn Thành Sang, Tha Nhân Là Quà Tặng, 4-5.

[3] x. Nguyễn Thành Sang, Tha Nhân Là Quà Tặng, 8-10.

[4] x. Nguyễn Thành Sang, Tha Nhân Là Quà Tặng, 18.

[5] x. Nguyễn Thành Sang, Luân Lý Kitô Giáo: Sống Trong Yêu Thương, Lưu hành nội bộ, 13-14.

[6] x. Đức thánh cha Gioan-Phaolô II, Tông huấn Christifideles Laici, 37.

[7] x. Nguyễn Thành Sang, Tổng Quan Thần Học Luân Lý, Học Viện Công Giáo Việt Nam, 26-27.

[8] x. Nguyễn Thành Sang, Mười Giới Răn, Học Viện Công Giáo Việt Nam, 31.

[9] ĐGH Phanxicô, Thông điệp Fratelli Tutti, 134.

[10] X. Nguyễn Thành Sang, Tha Nhân Là Quà Tặng, 18-19.

[11] x. ĐGH Phanxicô, Thông điệp Fratelli Tutti, 147.

Luân lý Kitô giáo, Tha nhân

Labels:
Thư viện Học viện Công giáo Việt Nam