PIÔ PHAN VĂN TÌNH STL-K4
Nếu việc
loan báo Tin Mừng là bổn phận và trách nhiệm của Giáo hội thì đây chỉ là yếu tố
ngoại tại thêm vào, có hay không có chẳng ảnh hưởng gì tới Giáo hội. Thế nhưng,
không chỉ là bổn phận và trách nhiệm, mà cùng với quyền năng của Thần Khí, việc
loan báo Tin Mừng còn là bản chất và lý do hiện hữu của cả Giáo hội hoàn vũ lẫn
Giáo hội địa phương[1]. Là động lực trong công
tác loan báo Lời, Thần Khí giữ vai trò nguyên lý của hiệp nhất cũng như của dị
biệt, và do đó, làm cho Giáo hội Hoàn Vũ có khả năng đón nhận mọi hình thái văn
hóa vào trong mối hiệp nhất của mình mà không hề xóa bỏ các dị biệt của chúng,
và đồng thời có khả năng giữ cho tính chất hoàn vũ của mình được luôn luôn cụ
thể.
1. Ngay từ lời mở đầu của
sách Công vụ Tông đồ (Cv 1,6-8), thánh Luca đã phác họa cho thấy việc làm chứng
về Đức Kitô cho đến tận cùng trái đất là sứ mệnh của cộng đoàn các môn đệ do
các tông đồ dẫn dắt và được sức mạnh của Thánh Thần nâng đỡ trong khi làm chứng.
Vì vậy, Hội thánh là một cộng đoàn môn đệ làm chứng cho Chúa Phục Sinh và cho
Tin Mừng của Ngài[2]. Cho nên, tiến trình loan báo
Tin Mừng là lý do hiện hữu của Hội thánh. “Loan truyền Tin Mừng thật sự là
ân sủng, là ơn gọi riêng và là bản sắc sâu thẳm nhất của Hội Thánh. Hội Thánh
có hiện hữu, thì chính là để loan báo Tin Mừng.”[3]
2. Trong tất cả các Tin Mừng,
mệnh lệnh đi truyền giáo được gắn liền với các trình thuật kể lại những lần
nhóm Mười Hai gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh (x. Mt 28,18-20; Mc 16,14-16; Lc
24,47-49; Ga 20,19-23). Như thế, yếu tố quan trọng nhất mang tính quyết định
trong tiến trình thành hình của một Giáo hội Địa phương, là sự việc được dự phần
vào kinh nghiệm của các tông đồ về Đức Kitô, qua trung gian tác vụ tuyên bố Lời
(1Ga 1,1tt). Ngay sau khi được ban cho đầy Thần Khí, các tông đồ đã tức tốc bắt
đầu loan báo Tin Mừng Đức Kitô (Cv 2,4). Những người đón nhận Lời các ngài công
bố cũng chính là những người đã được rửa tội và làm nên Giáo hội Địa phương tại
Giêrusalem (Cv 2,41). Vai trò số một của các tông đồ là tiếp tục phục vụ Lời
(Cv 6,2-4). Hễ có cơ hội là thành viên nào của Giáo hội cũng cố nắm lấy để công
bố Lời (Cv 4,34; 8,4). Từ đó, Hội thánh sống nhờ Lời và nhận ra bản sắc của
mình nơi công tác phục vụ Lời.
3. Theo Ga 20,21-22, thì lúc
phái gửi các tông đồ đi, Đức Kitô đã ban Thần Khí cho họ. Còn Lc 24,49 thì nhắc
lại sự việc Đức Giêsu khuyên dặn các môn đệ ở lại trong thành Giêrusalem cho đến
khi nhận được quyền năng từ trời ban xuống. Cũng vậy, chính hiện tượng tuôn đổ
tràn đầy Thần Khí trong ngày lễ Ngũ tuần đã đánh dấu biến cố khánh thành Hội thánh (Cv 2,1-47). Tất cả những ai đã được sinh ra bởi nước và Thần Khí (Ga
3,5), đều là phần tử của Hội thánh[4]. Vậy,
Thần Khí chính là trụ cột của Hội thánh, và là Đấng truyền sức năng động cho Hội thánh.
4. Thần Khí là nguyên lý
làm cho Hội thánh hiệp nhất và cũng làm cho các Giáo hội Địa phương hiệp nhất
trong khác biệt. Kinh nghiệm Hiện xuống đã tiên báo về bản chất đích thực của Hội thánh đang lớn lên, trong đó Thần Khí giữ vai trò nguyên lý của hiệp nhất và của
dị biệt.) Trong Hội thánh, có thể gặp thấy “người đến từ mọi dân nước trong
thiên hạ” dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì Tin Mừng mà “mỗi người nghe được trong
tiếng mẹ đẻ của mình” (Cv 2,5-12). Lời được loan báo mời gọi mọi người đón nhận
mọi tiếng nói và mọi hình thái văn hóa vào trong niềm hiệp nhất của Ngài, mà
không hề tước mất những nét riêng của chúng[5]. Lời
ấy tiếp tục vang lên, cũng như được đáp ứng suốt dòng lịch sử Hội thánh, và đã
làm nảy sinh các Giáo hội Địa phương. Như thế nghĩa là Thần Khí không ngừng ban
cho Hội thánh một mối hiệp nhất có khả năng hấp thu những khác biệt mà không
tiêu hủy chúng đi, và một tính phổ quát luôn luôn cụ thể. Do đó, đà phát triển
đích thực của Hội thánh là một đà sinh trưởng được phối hợp hài hòa với những lối
diễn đạt đức tin bằng nhiều cách thức cá biệt mà mỗi Giáo hội Địa phương thừa kế
được từ các thế hệ tiền bối[6].
THƯ MỤC
Bộ
Giáo Lý Đức Tin. Dominus Jesus. Ban hành ngày 16 tháng 06 năm 2000.
Dulles,
Every. Models of the Church. New York: Doubleday, 2002.
-----------------.
A Church to Believe in: Discipleship and Dynamics of Freedom. New York:
Crossroad, 1982.
Fahey,
Michael. “Church.” Trong Systematic Theology: Roman Catholic Perspective.
Vol. II, edited by Francis Schussler Fiorenza & John P. Galvin, 1 – 74.
Minneapolis: Fortress Press, 1991.
Ferguson,
Everett. The Church of Christ: A Biblical Ecclesiology for Today. Grand
Rapids: B. Eerdmans Publishing Company, 1996.
Gaillardetz,
Richard. Ecclesiology for a Global Church: A People Called and Sent. New
York: Orbis Books, 2008.
Gelger
Craig Van. The Essence of the Church. Grand Rapids: Bakerbooks, 2000.
Gómez,
Felipe. Giáo hội Học. Antôn và Đuốc Sáng, 2006.
------------.
Truyền Giáo Học. Antôn và Đuốc Sáng, 2006.
Green,
Matthew. Understanding the Fivefold Ministry. Florida: Charisma House,
2005.
Halton,
Thomas. The Church: Message of the Fathers of the Church. Wilmington:
Michael Glazier, 1985.
Komonchak,
Joseph. Foundations in Ecclesiology. Boston: Boston College, 1995.
Nguyễn
Quốc Lâm. Kinh nghiệm về Thần Khí theo dòng lịch sử. Phỏng theo Yves Congar. Je Crois en l’Esprit.
Saint Cerf, Paris 1979 2è partie. Truy cập ngày 05-05-2008;
http://assomption.org.
Nguyễn Văn Dũng. Giáo Hội học. Học Viện Thánh
Anphongsô, 2017.
Paul VI. Evangelii Nuntiandi. Ban hành ngày 08
tháng 12 năm 1975.
Phan,
C. Peter, The Gift of the Church: A Textbook on Ecclesiology.
Collegeville: Liturgical Press, 2000.
Phanxicô.
Evangelii Gaudium. Ban hành ngày 24 tháng 11 năm 2013.
Schillebeeckx,
Edward. Church: The Human Story of God. New York: Crossroad, 1994.
Tihon,
Pierre. Giáo Hội Học. Lưu hành nội bộ.
Tillard,
Roger. J.M. Giáo Hội Của Các Giáo Hội. Lưu hành nội bộ.
Vatican
II. Unitatis Redintegratio. Ban hành ngày 21 tháng 11 năm 1964.
------------.
Ad Gentes. Ban hành ngày 18 tháng 11 năm 1965.
------------.
Gaudium et Spes. Ban hành ngày 07 tháng 12 năm 1965.
[1] X.
Vatican II, Ad Gentes, số 2.
[2] X. Đức
Phanxicô, Evangelii Gaudium, số 24.
[3] Đức Paul
VI, Evangelii Nuntiandi, số 14.
[4] X. Gioan
Phaolô II, Dominus Jesus, số 17; Vatican II, Unitatis Redintegratio,
số 3.
[5] X.
Athanasiô Nguyễn Quốc Lâm, Kinh nghiệm về Thần Khí theo dòng lịch sử,
tr. 1.
[6] X.
Vatican II, Gaudium et Spes, số 53.