CHÚ GIẢI GIOAN 17,3 | Thư viện Học viện Công giáo Việt Nam

CHÚ GIẢI GIOAN 17,3



Giuse Nguyễn Quang Bình STL-K8

MỤC LỤC

CHƯƠNG I...... DẪN NHẬP TỔNG QUÁT. 4

CHƯƠNG II..... CHÚ GIẢI Ga 17,3. 4

1. BỐI CẢNH BẢN VĂN.. 4

2. DỊCH SÁT BẢN VĂN.. 5

3. PHÊ BÌNH BẢN VĂN.. 5

4. CẤU TRÚC BẢN VĂN.. 6

5. ĐỌC SÁT BẢN VĂN VÀ CHÚ GIẢI 6

         5.1 Sự sống đời đời là điều đáng chú ý nghe (αὕτη) 6

         5.2 Sự sống đời đời là giây phút hiện tại (δέ) 7

         5.3 Sự sống đời đời là một chân lý, một thực tại không mơ hồ (ἐστιν) 7

         5.4 Sự sống đời đời (ἡ αἰώνιος ζωὴ) 7

         5.5 Điều kiện để có được sự sống đời đời (ἵνα) 10

         5.6 Họ biết (γινώσκωσιν) 10

         5.7 Cha (là) Thiên Chúa duy nhất chân thật (σὲ τὸν μόνον ἀληθινὸν θεὸν) 11

           5.7.1 Thần được con người tôn lên (θεός) 11

           5.7.2 Thiên Chúa (θεός) được mặc khải trong Cựu Ước. 12

           5.7.3 Thiên Chúa Đức Giêsu gọi là Cha là Thiên Chúa duy nhất chân thật (σὲ τὸν θεὸν μόνον ἀληθινὸν) 13

         5.8 Mối liên hệ độc nhất giữa Đức Giêsu và Thiên Chúa Cha “καί. 15

         5.9 Đấng Cha đã sai đến (là) Giêsu Kitô (ὃν ἀπέστειλας Ἰησοῦν Χριστόν) 15

           5.9.1 Đấng Cha sai đến (ὃν ἀπέστειλας) 15

           5.9.2 Đức Giêsu Ki-tô (Ἰησοῦν Χριστόν) 16

             5.9.2.1 Nhân loại tính của Đức Giêsu (Ἰησοῦς) 16

             5.9.2.2 Thiên tính của Đức Giêsu được thể hiện nơi danh xưng Kitô (Χριστός) 17

6. Ý NGHĨA THẦN HỌC VÀ ÁP DỤNG THỰC HÀNH.. 19



 

CHƯƠNG I   DẪN NHẬP TỔNG QUÁT

Tin vào Đức Giêsu Kitô đã sinh ơn ích cho người tin, và làm cho họ trở nên con cái Thiên Chúa, được thừa hưởng sự sống đời đời. Đây là điều xác tín của Giáo Hội Công Giáo được dựa trên lời mặc khải của Chúa Giêsu: “Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giê-su Ki-tô.” (Ga 17,3)[1]. Như vậy, câu trích dẫn này rất đặc biệt, nền tảng, mang đầy ý nghĩa mặc khải mà Giáo Hội Công Giáo đã chọn để đưa vào phụng vụ cho Bí tích Rửa Tội, Bí tích cửa ngõ này.

Chính vì thế, người viết được đánh động, có lẽ vì đây là một câu tóm tắt ý nghĩa cùng đích của đời người, của kiếp nhân sinh. Với người viết, câu 17, 3 trở nên thật hấp dẫn và là nguồn cảm hứng cần phải tìm biết sâu, cần làm chú giải. Qua phần chú giải này, người viết cũng hy vọng sẽ giúp bản thân và quý độc giả hiểu biết sâu về ý nghĩa nội dung và giá trị Tin Mừng về món quà sự sống đời đời mà Thiên Chúa đã dành ban cho con người. Bài viết sẽ được trình bày gồm ba chương:

Chương I: Phần Dẫn Nhập Tổng Quát như đã trình bày ở trên.

Chương II: Chú Giải Ga 17, 3

Chương III: Nhận định

CHƯƠNG II. CHÚ GIẢI Ga 17,3

1. BỐI CẢNH BẢN VĂN

Bối cảnh xa: câu Ga 17,3 nằm trong bối cảnh “Giờ của Đức Giêsu” hay “Giờ được tôn vinh[2]. Bối cảnh diễn tiến từ chương 13 đến chương 21 cụ thể như sau:

Bữa ăn cuối cùng của Đức Giêsu với các môn đệ (chương 13 – 16)

Lời nguyện của Đức Giêsu (chương 17)
Cuộc Thương Khó (chương 18 – 19)
Phục Sinh & Kết luận thứ nhất và thứ hai (chương 20-21)
Như vậy, bối cảnh gần nhất của câu 17,3 nằm trong “lời nguyện hiến tế”[3] của Đức Giêsu thân thưa với Thiên Chúa Cha (17,19) [4]. Đức Giêsu biết “giờ của Ngài đã đến”, giờ Ngài được Cha tôn vinh: “Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha. (17,1), giờ Ngài sắp về cùng Cha : Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian. Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha.” (16,28). Đức Giêsu đã nói câu 17,3 này nơi nhà Tiệc ly trong bầu khí của bữa ăn cuối cùng giữa Ngài và các môn đệ[5]. Theo NAB[6], câu này rõ ràng đã được thêm vào trong phần biên tập của Tin Mừng để phản ánh câu trước, và đặc biệt không nơi nào khác trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu tự nhận mình là Giê-su Ki-tô[7]. Và bối cảnh sau đó là giờ tôn vinh qua cuộc thương khó và phục sinh của Ngài.

2. DỊCH SÁT BẢN VĂN

Bản văn gốc Hy Lạp: “αὕτη δέ ἐστιν αἰώνιος ζωὴ ἵνα γινώσκωσιν σὲ τὸν μόνον ἀληθινὸν θεὸν καὶ ὃν ἀπέστειλας Ἰησοῦν Χριστόν.”  (Jn. 17:3 NA28).

Bản dịch của nhóm GKPV: “Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô.” (Ga 17, 3).

Bản dịch của HĐGM Hoa Kỳ: “Now this is eternal life, that they should know you, the only true God, and the one whom you sent, Jesus Christ.” (Jn. 17:3 NAB)[8].

Bản dịch sát bản văn sau khi chú giải: xin xem ở phần ý nghĩa thần học và áp dụng thực hành.

3. PHÊ BÌNH BẢN VĂN

Có ba biến thể trong bản văn gốc Hy Lạp theo Nestle Aland 28: “αὕτη δέ ἐστιν αἰώνιος ζωὴ ἵνα Ýγινώσκωσιν σὲ τὸν μόνον ἀληθινὸν θεὸν καὶ ὃν Ýἀπέστειλας Ἰησοῦν ΧριστόνÞ.”  (Jn. 17:3 NA28).

Biến thể thứ nhất ở động từ Ýγινώσκουσιν được thay thế trong một vài bản chép tay (the word is replaced in some manuscripts): A D L N W Δ 0109. 0301. 33.579. 1241. γινώσκουσιν là động tính từ hiện tại (verb participle present) từ động từ γινώσκω. Nestle Aland 28 chọn γινώσκωσιν[9] đúng về mặt văn phạm hơn.

Biến thể thứ hai ở động từ Ýἀπεπεμψας: từ được thay thế trong bản văn chép tay î66vid, Nestle Aland 28 chọn “ἀπέστειλας” động từ ngôi số hai số ít, indicative aorist active từ động từ ἀποστέλλω, đúng văn phạm hơn.

Biến thể thứ ba ở Ἰησοῦν ΧριστόνÞ có thêm (are inserted) cụm từ “εις τουτον τον κοσμον” (vào thế gian/ thế giới này) được tìm thấy ở bản văn D. Nếu thêm vô cụm từ này cũng không ảnh hưởng đến nội dung, ý nghĩa của bản văn: Giêsu Ki-tô (đi vào thế gian này)

4. CẤU TRÚC BẢN VĂN

Để thuận tiện cho việc chú giải, người viết phân chia bản văn 17, 3 thành ba câu:

Câu 17,3a: αὕτη δέ ἐστιν αἰώνιος ζωὴ

Câu 17,3b: ἵνα γινώσκωσιν σὲ τὸν μόνον ἀληθινὸν θεὸν

Câu 17,3c: καὶ ὃν ἀπέστειλας Ἰησοῦν Χριστόν

Như thế, « sự sống đời đời » sẽ liên hệ đến bộ ba : con người (họ), Chúa Cha, và Giêsu Ki-tô Đấng Cha sai đến. Ngoài ra có sự trùng hợp đặc biệt liên quan đến các « bộ ba » trong chương 17 này mà Raymond E. Brown[10] đã phát hiện ra: thứ nhất, bộ ba những ai mà Đức Giêsu muốn cầu nguyện cho : “cầu xin cho Con” (17,1), “cầu cho những kẻ Cha ban cho Con” (17,9), và và cầu xin “cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con” (17,20). Bộ ba thứ hai về chủ đề tôn vinh : “tôn vinh Con để tôn vinh Cha” (17,1-5), “Con được tôn vinh nơi họ” (17,10), và “Con ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho Con” (17,22). Bộ ba thứ ba liên hệ đến Cha : “Cha tôn vinh Con bên Cha” (17,5), “Con đến cùng Cha, để họ nên một như chúng ta” (17,11), và “Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (17,21). Bộ ba thứ tư những người được Cha ban cho Đức Giêsu : “tất cả những ai Cha đã ban cho Người” (17,2), “những kẻ Cha đã ban cho con, bởi vì họ thuộc về Cha” (17,9), và “những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con” (17,24). Cuối cùng, bộ ba về chủ đề mặc khải của Đức Giêsu về Cha : “danh Cha” (17,6), “lời của Cha” (17,14), và “danh Cha” (17,26).

Sự sống đời đời là đối tượng chính yếu có liên quan mật thiết tới « bộ ba » các nhân vật : Họ (con người), Cha, và Giêsu Ki-tô. Chúng ta cùng đi vào phần chú giải chi tiết các từ trong bản văn.

5. ĐỌC SÁT BẢN VĂN VÀ CHÚ GIẢI

5.1 Sự sống đời đời là điều đáng chú ý nghe (αὕτη)

Aὕτη[11] là đại từ chỉ định giống cái, dùng để chỉ người hoặc vật nhằm gây sự chú ý cho người nghe đến đối tượng mà người nói đang muốn nhắc đến. Vậy trong bối cảnh này, tác giả Tin Mừng Gioan muốn nhấn mạnh đến người nghe phải đặc biệt chú ý đến : “ αὕτη” (đây là). Có thể nói đây là điều quan trọng nói về hay bàn về sự sống đời đời, điều hệ trọng liên quan đến phận người, và cũng là Tin Mừng mà tác giả muốn loan báo, là chân lý được mặc khải từ Thiên Chúa[12].

5.2 Sự sống đời đời là giây phút hiện tại (δέ)

Δ” là một tiếp đầu ngữ thường dùng để nối kết các ý nghĩa đã triển khai trước đó với các ý tưởng sẽ triển khai kế tiếp. Δcó nhiều nghĩa, và thường được dịch tuỳ theo bối cảnh, có thể là tiếp theo, sau đó, rồi thì, bây giờ, giờ đây[13]. Tác giả Tin Mừng Gioan thường dùng liên từ δέ nhằm tường thuật để giới thiệu cho độc giả bối cảnh sự vật ngay tại thời điểm hiện tại này, hoặc không dịch[14]. Ngữ cảnh trong câu 17,3a, δέ đi chung với động từ εἰμί được chia ở thì hiện tại, điều đó cho thấy sự sống đời đời chính là những giây phút hiện tại, không xa vời ảo tưởng, có thể thụ cảm được ngay bây giờ, ngay giờ phút này.

5.3 Sự sống đời đời là một chân lý, một thực tại không mơ hồ (ἐστιν)

Động từ ἐστινđược chia ở thì hiện tại, chủ động, ngôi số ba số ít từ gốc động từ εἰμί[15], và chủ ngữ của nó là “ αἰώνιος ζωὴ”. ἐστιν diễn tả chủ thể sự sống đời đời (chủ ngữ của nó) « là ». Điều đó cho thấy đây là một thực tại không mơ hồ, là điều hiển nhiên có thật, và là một định nghĩa về sự sống đời đời. Khi kết hợp cả ba từ δὲ, αὕτηἐστιν lại với nhau, tác giả cho thấy đây là một câu định nghĩa rất quan trọng đáng phải nghe cho mọi người, mọi thời đại.

5.4 Sự sống đời đời ( αἰώνιος ζωὴ)

Sứ mạng của Đức Giêsu được Chúa Cha sai đến thế gian là để thi hành ý muốn của Thiên Chúa Cha (5,19.30 ; 6,38-40 ; 15,10). Và ý muốn của Chúa Cha là: « những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời », và chính người Con sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết (6,40). Như thế, Sự sống đời đời là ý muốn của Thiên Chúa Cha muốn ban tặng cho con người qua người Con là Đức Giêsu. Như đã nói, sự sống đời đời là nội dung chính yếu liên quan đến bộ ba:  Chúa Cha, Đức Giêsu Ki-tô, và chúng ta (họ). Có thể nói, định nghĩa (biết) về sự sống đời đời là định nghĩa (biết) về Thiên Chúa, và định nghĩa (biết) về chính mình một cách trọn vẹn và chân thật nhất. Con người chỉ có thể biết về mình và biết về Thiên Chúa là nhờ mặc khải từ Đức Giêsu, “Đấng tự trời xuống”. Thật vậy, chỉ duy nhất người từ trời xuống mới biết những sự trên trời, ngoài ra những người dưới đất chỉ có thể suy đoán những sự trên trời, điều mà lý trí của họ không thể biết tỏ tường được (6,38). Cho nên, sự sống đời đời chính là dấu chỉ để biết xác thực về Thiên Chúa, và biết về phẩm giá con người thật sự mình là ai.

Sự sống đời đời chỉ có thể là sự sống của chính Thiên Chúa. Tính từ αἰώνιος trong câu 17,3a được hợp giống, số, cách theo danh từ ζωὴ, để làm chức năng bổ nghĩa, định tính cho ζωὴ. αἰώνιος ζωὴ có nghĩa là sự sống đời đời, vĩnh viễn, mãi mãi, bất diệt, chẳng cùng, không có bắt đầu, không có kết thúc. Như vậy, sự sống đời đời không bao giờ kết thúc chỉ có thể là sự sống của chính Thiên Chúa, bởi duy một mình Ngài là Đấng Hằng Sống, là nguồn sự sống. Đức Giê-su xác nhận với người Do Thái: “Thật, tôi bảo thật các ông: trước khi có ông Áp-ra-ham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu!” (8,58). Ngài đã xác nhận Ngài là sự sống đời đời, và mệnh lệnh của Chúa Cha cũng là sứ mạng của Ngài được sai đến là đem sự sống ấy đến cho con người : καὶ οἶδα ὅτι ἡ ἐντολὴ αὐτοῦ ζωὴ αἰώνιός ἐστιν (và tôi biết: mệnh lệnh của Người là sự sống đời đời)” (12,50).

Để diễn đạt sự khác biệt về sự sống tự nhiên và sự sống siêu nhiên (sự sống của Thiên Chúa), các thánh sử Tân Ước sử dụng các danh từ khác nhau để truyền tải nội dung ý nghĩa thần học mà tác giả muốn diễn tả. Ba danh từ thường được dùng để diễn đạt về sự sống là : βίος, ψυχή, và ζωὴ.

Tác giả Tin Mừng Gioan không sử dụng danh từ βίος[16] để nói về sự sống[17]. Danh từ ψυχή diễn đạt sự sống tự nhiên, đời sống trần thế, linh hồn[18]. Tác giả Tin Mừng Gioan sử dụng danh từ ψυχή để diễn đạt về sự sống tự nhiên, về đời sống trần thế:Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống (ψυχήν) mình để rồi lấy lại.” (10,17), vàTôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống (ψυχὴν) mình cho đoàn chiên.” (10,11). Ngoài ra, tác giả Tin Mừng Gioan cũng sử dụng danh từ ψυχή để chỉ về linh hồn, tâm hồn như là cái bên trong: “Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến (ψυχή μου τετάρακται)! (12,27).

Riêng danh từ ζωὴ được các tác giả Tân Ước và tác giả Tin Mừng Gioan sử dụng đặc biệt để diễn đạt sự sống siêu nhiên, sự sống của Thiên Chúa. Tân Ước sử dụng danh từ ζωὴ 135 lần, truyền thống Gioan sử dụng 66 lần, và riêng Tin Mừng Gioan sử dụng đến 36 lần[19]. Vì thế có thể nói, Tin Mừng Gioan là « Tin Mừng về Sự Sống »[20]. Sự sống đời đời (ζωὴ) hay sự sống của chính Thiên Chúa là một trong những nội dung chính yếu của Tin Mừng Gioan rao giảng[21], là điều tâm huyết mà tác giả muốn loan báo để mọi người biết (tin) mà được sự sống đời đời (20,31). ζωὴ trong câu 17,3a cũng như trong toàn bộ Tin Mừng Gioan là minh chứng cho thấy ζωὴ là sự sống của chính Thiên Chúa:

Thứ nhất, Thiên Chúa có sự sống nơi chính mình, không do ai ban tặng, Ngài là nguồn phát sinh sự sống: “Quả thật, Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào (ὥσπερ γὰρ πατὴρ ἔχει ζωὴν ἐν ἑαυτῷ), thì cũng ban cho người Con được có sự sống nơi mình như vậy (οὕτως καὶ τῷ υἱῷ ἔδωκεν ζωὴν ἔχειν ἐν ἑαυτῷ)” (5,26).

Thứ hai, Ngài là Tạo Hoá. Qua Đức Giêsu chúng ta biết được Chúa Cha là Đấng Tạo Hoá (1,18). Đức Giêsu, Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha (1,18), là Ngôi Lời, là Con Một Thiên Chúa, và nhờ Ngài mà muôn vật được tạo thành (1,1-3). Cho nên, Thiên Chúa chưa một ai thấy cả, chúng ta chỉ có thể biết Thiên Chúa chân thật từ Đức Giêsu. Ngài là Thiên Chúa Con Một, và qua Ngài chúng ta biết muôn vật được tạo thành nhờ Ngài. Thiên Chúa mà Ngài gọi là Cha và chúng ta sau này cũng được gọi như thế là Tạo Hoá.

Thứ ba, vì Thiên Chúa là Tạo Hoá, là nguồn phát sinh sự sống, cho nên Ngài có quyền ban tặng và có quyền đòi hỏi nơi con người. Chúa Cha ban quyền sự sống của Cha (quyền của Thiên Chúa) cho Chúa Con trên mọi phàm nhân là để Người Con ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người Con (17,2).

Như vậy, ζωὴ được sử dụng trong bản văn Ga 17,3a không nhằm diễn đạt sự sống tự nhiên của con người phải chết, nhưng diễn đạt sự sống của chính Thiên Chúa muốn trao ban cho con người trong và qua Người Con, Đức Giê-su Kitô (5,26). ζωὴ là điều Thiên Chúa muốn thông ban sự sống của chính Mình cho con người để con người cũng được làm chúa qua Đức Giêsu Kitô. Chỉ qua Đức Giêsu (Đấng Cha sai đến) chúng ta mới lãnh nhận được sự sống đời đời (17,3). Đức Joseph Ratzinger nói[22]:

Ngay từ giờ phút này, nếu sống và liên kết với Đức Giêsu, thì ta có được sự sống lại rồi. Ở đâu có hiệp thông với Người, tức thời ở đó biên giới sự Chết đã được vượt qua. Ai ăn mình và uống lời của Đức Giêsu, hay đón nhận Người vào mình trong đức tin và qua bí tích, người đó được nuôi dưỡng bằng bánh trường sinh. Bất cứ ở đâu, khi con người bước vào cái Tôi của Đức Kitô, lúc đó họ đã ở trong không gian sự sống đời đời.

Thật vậy, Đức Giêsu đã định nghĩa về chính mình là “con đường, là sự thật và là sự sống” (14,6a). Ngài là Đấng Trung Gian Duy Nhất đưa nhân loại đến với Chúa Cha, vào trong Chúa Cha để được sự sống đời đời : Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.” (14,6b). Như thế, câu 17,3a đã giới thiệu cho chúng ta biết sự sống đời đời chính là sự sống của Thiên Chúa, và là một thực tại có thể thừa hưởng ngay giây phút hiện tại này. Vậy để có được sự sống đời đời cần phải có điều kiện.

5.5 Điều kiện để có được sự sống đời đời (ἵνα)

ἵνα là một từ nối, phần lớn được dùng với các động từ được chia ở thì hiện tại hoặc ở thể subjunctive[23], nhằm giới thiệu các mệnh đề và chỉ ra mục đích hay mục tiêu của các mệnh đề đó. ἵνα được phiên dịch là: “để mà” (that, in order that[24]). Ví dụ như: “Gioan đến để (ἵνα) làm chứng (1,7), hay “kẻ trộm đến để (ἵνα) ăn trộm, còn tôi đến để (ἵνα) cho chiên được sống và sống dồi dào” (10,10). ἵνα trong câu 17,3b cũng mang cùng ý nghĩa “để mà” (in order that). « Để » có được sự sống đời đời, điều kiện để có được sự sống đời đời đòi buộc những điều sẽ được liệt kê kế tiếp …. Như thế, tác giả Tin Mừng Gioan đã chỉ ra một con đường, đưa ra một định nghĩa, và ai biết và đi theo con đường đó sẽ có được sự sống đời đời.

5.6 Họ biết (γινώσκωσιν)

Động từ được chia γινώσκωσιν đến từ động từ γινώσκω, nghĩa là tới để biết, nhận ra, nhận thức.[25]. Γινώσκωσιν là ngôi số 3, số nhiều, thể subjunctive present active, có nghĩa là: « họ biết ». “Biết - γινώσκω” là một sự hiểu biết có liên quan mật thiết (nhận thức) giữa chủ thể “biết” và đối tượng “được biết”. Ví dụ: “ như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha (καθὼς γινώσκει με πατὴρ κἀγὼ γινώσκω τὸν πατέρα) (10,15). Như thế, “biết - γινώσκω” có thể hoán đổi, và có tính hỗ tương giữa chủ thể biết và đối tượng được biết.

“Biết - γινώσκω” mang chiều kích sâu đậm. Biết sâu đậm có thể so sánh như Đức Giêsu biết chiên của Ngài: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết (γινώσκω) chiên của tôi, và chiên của tôi biết (γινώσκουσίν) tôi (10,14), và tôi biết (γινώσκω) chúng và chúng theo tôi” (10,27).

“Biết - γινώσκω” mang sử tính, chứ không phải như biết sơ qua “Oἶδα[26]. Điển hình của biết mang sử tính, đưa đến một cái biết sâu đậm, biết nhận thức chắc chắn về nhau, chúng ta có thể thấy trong Tin Mừng Gioan qua chuyện theo Thầy của Phê-rô: Thầy biết (σὺ γινώσκεις) con (Phê-rô) yêu mến Thầy. Đây là một quá trình hiểu biết sau “ba” năm kể từ lúc Thầy gọi con (Phê-rô), trò đi theo Thầy, sống cùng với nhau, kể cả những lần tuyên xưng về Thầy và cả những lần từ chối Thầy. Một quá trình biết rõ về nhau, Phê-rô đã tiếp tục theo Thầy, gắn kết với Thầy, và cuối cùng chết cho Thầy[27].

Biết Thiên Chúa cách trực tiếp thì khác với biết Thiên Chúa cách gián tiếp. Raymond E. Brown nhận xét, duy chỉ một mình Đức Giêsu nói Ngài biết Cha một cách trực tiếp[28]: “như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha” (10,15). Phần chúng ta chỉ có thể biết Thiên Chúa chân thật một cách gián tiếp qua Đức Giêsu, Đấng đã nói : “Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người.” (14,7)[29].

Biết và Tin trong Tin Mừng thứ Tư có thể đồng nghĩa và hoán đổi với nhau[30] : “Vì con đã ban cho họ lời mà Cha đã ban cho con ; họ đã nhận những lời ấy, họ biết (ἔγνωσαν) thật rằng con đã từ Cha mà đến, và họ đã tin (ἐπίστευσαν) là Cha đã sai con” (17,8). Biết hay Tin vào Thiên Chúa có nghĩa là làm theo thánh ý của Ngài, mà việc Thiên Chúa muốn chúng ta làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến. (6,29).

Như vậy, chúng ta chỉ có thể biết về Thiên Chúa qua Đức Giêsu, Đấng trực tiếp biết Cha. Biết (γινώσκω) có thể hoán đổi, và mặt nào đó đồng nghĩa với tin (πιστεύω) (17,8). Biết hay tin như là một sự gắn kết (một giao ước) cả hai lại với nhau, bằng một mối dây liên kết chặc chẽ không thể tách rời giữa Thiên Chúa và từng cá nhân.

5.7 Cha (là) Thiên Chúa duy nhất chân thật (σὲ τὸν μόνον ἀληθινὸν θεὸν)

Một Thiên Chúa chân thật có nghĩa là không có nhiều thần, nhiều chúa, và đặc biệt Ngài là Thiên Chúa mà Đức Giêsu gọi là Cha, và con người nhờ được biết mà có được sự sống đời đời.

5.7.1 Thần (θεός) được con người tôn lên

θεόςthể để chỉ  một ngẫu tượng mà con người tôn lên thành thần. Như trường hợp đám đông sau khi thấy việc ông Phao-lô và ông Ba-na-ba đã làm thì họ hô lên bằng tiếng Lycaonia: “Thần linh (οἱ θεοὶ) mặc lốt người phàm  đã xuống với chúng ta !” (Cv 14,11), và họ đã “gọi ông Ba-na-ba là thần Dớt, ông Phao-lô là thần Héc-mê” (Cv 14,12). Điều đó cho thấy, thần (θεός) có thể được tạo ra từ con người. Con người có thể tôn mọi thứ, mọi vật, mọi người lên thành thần, cho nên sẽ có rất nhiều thầnοἱ θεοὶ, không biết đâu là thần thật hay thần giả, và điều này cũng minh chứng cho chúng ta biết về niềm tin đa thần nơi các dân tộc. Một khi con người tạo dựng nên thần, thì thần trở thành công cụ, thành phương tiện cho họ trục lợi (Cv 19,24-28)[31].

Ngoài đa thần ra (οἱ θεοὶ), θεός cũng có giống cái. Điều này cho thấy, trong nhiều vị thần (οἱ θεοὶ) sẽ có cả thần nam và thần nữ: “họ không phạm thánh cũng chẳng nói lộng ngôn chống nữ thần (τὴν θεὸν) của chúng ta.” (Cv 19,37).

Thần (θεός) không nhất thiết phải luôn luôn là tốt. θεός cũng mang nghĩa ác thần, thần xấu của đời này: “Họ không tin, vì tên ác thần của đời này ( θεὸς τοῦ αἰῶνος) đã làm cho tâm trí họ ra mù quáng” (2 Cr 4,4).

Như vậy, θεός cũng có nghĩa là ngẫu tượng do con người tôn lên là thần. Có thể thần nam, thần nữ, thần tốt hay thần xấu như Thánh Phao-lô nói: “Thật thế, mặc dầu người ta cho là có những thần (θεοὶ) ở trên trời hay dưới đất quả thực, thần cũng lắm (θεοὶ) mà chúa cũng nhiều (κύριοι) (1 Cor 8,5).

5.7.2 Thiên Chúa (θεός) được mặc khải trong Cựu Ước

Kinh Thánh Cựu Ước trình bày rất rõ ràng, đầy xác tín, Thiên Chúa là Đấng duy nhất: “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, là ĐỨC CHÚA duy nhất (אֶחָֽד) (Dnl 6,4), Ngài từ bi, và không có thần nào khác ngoài Ngài (Dnl 4,31-35; Is 45,5). Thiên Chúa Cựu Ước được biết đến là:

Đấng Tạo Hóa đã tạo dựng nên các tầng trời và đất: “ בְּרֵאשִׁ֖ית בָּרָ֣א אֱלֹהִ֑ים אֵ֥ת הַשָּׁמַ֖יִם וְאֵ֥ת הָאָֽרֶץ׃(St 1,1).

Ngài là Đấng Toàn Năng[32], Đấng Tối Cao khác với thần của các dân tộc xung quanh[33].

Ngài là Thiên Chúa của cha ông họ: Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp (Xh 3,6.16; 4,5; 6,3).

Ngài là Thiên Chúa của giao ước. Một Thiên Chúa có mối quan hệ cá vị với từng người[34], và với một dân tộc.

Ngài là Nguồn Sống nắm trong tay hồn (נֶפֶשׁ) của mọi sinh vật cũng như hơi thở (רוּחַ) của tất cả người phàm (בָּשָׂר).” (G 12,10)[35]. Ngài cũng là Đấng duy trì sự sống: “Sinh khí của Thiên Chúa (רֽוּחַ־אֵ֥ל) đã làm ra tôi, hơi thở của Đấng Toàn Năng đã cho tôi được sống” (G 33,4). Ngài là Đấng cầm quyền sinh tử (1 Sam 2,6; Tv 104,29; Gv 12,7), và là Đấng sẽ làm cho kẻ chết trỗi dậy (Đn 12,2; 2 Mac 7,22-23).

Ngài là Thiên Chúa chân thật đã ra tay uy quyền rẽ nước biển đỏ cho dân băng qua, thoát ra khỏi ách nô lệ ở Ai-cập (Xh 14,15-31), và Ngài cũng là Thiên Chúa đã cho lửa từ trời ập xuống, thiêu rụi của lễ, củi, đá và bụi, cả nước trong mương cũng hút cạn luôn khi đáp lời tiên tri I-sai-a cầu khẩn. Chứng kiến cảnh tượng đó, toàn dân đã phủ phục tuyên xưng Ngài là Thiên Chúa chân thật:

Lạy ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, I-xa-ác và Ít-ra-en! Ước chi hôm nay người ta biết rằng trong Ít-ra-en Ngài là Thiên Chúa và con là tôi tớ Ngài. Cũng vì lời Ngài phán mà con đã làm tất cả các việc này. Xin đáp lời con, lạy ĐỨC CHÚA, xin đáp lời con, để dân này nhận biết Ngài là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa thật, và Ngài đã khiến họ thay lòng đổi dạ.” Bấy giờ, lửa của ĐỨC CHÚA ập xuống, thiêu rụi của lễ, củi, đá và bụi, cả nước trong mương cũng hút cạn luôn. Toàn dân thấy vậy, liền phủ phục sát đất và nói: “ĐỨC CHÚA quả là Thiên Chúa! ĐỨC CHÚA quả là Thiên Chúa! (1V 18, 36-39).

5.7.3 Thiên Chúa Đức Giêsu gọi là Cha là Thiên Chúa duy nhất chân thật (σὲ τὸν θεὸν μόνον ἀληθινὸν)

Việc cần xác định trước hết là: Thiên Chúa mà Đức Giêsu đang rao giảng, Thiên Chúa mà Ngài gọi là Cha cũng là Thiên Chúa của Cựu Ước, Thiên Chúa của Israel, Thiên Chúa của cha ông họ. Đức Giêsu xác nhận: Cha của Ngài chính là Đấng đã nuôi sống dân bằng manna trong sa mạc, Người đã giải thoát dân ra khỏi ách nô lệ ở Ai-cập (6,32).

 Σ trong câu 17,3b được hiểu là “Cha của Đức Giêsu”, là đại từ nhân xưng thay thế cho “πάτερ” ở câu 17,1 khi Đức Giê-su ngước mắt lên trời và cầu nguyện rằng: “πάτερ (Cha ơi)”[36]. Cha là Thiên Chúa Hằng Sống, Người có quyền trên mọi phàm nhân, và là Người ban sự sống đời đời (17,1-2): “Nói thế xong, Đức Giê-su ngước mắt lên trời và cầu nguyện: “Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha. Thật vậy, Cha đã ban cho Người quyền trên mọi phàm nhân là để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người. (17,1-2).

Σtúc từ trực tiếp số ít của γινώσκωσιν (họ biết)[37], và đồng thời cũng là đồng vị ngữ của μόνον ἀληθινὸν θεὸν. Cho nên, ngữ nghĩa của σύ trong câu là Cha, Đấng sai Đức Giêsu. Ngài là Thiên Chúa chân thật duy nhất, là Người có quyền trên mọi phàm nhân, và là Người đã ban quyền (sự sống đời đời) cho Con.

Dựa theo câu 17,3b, chúng ta có thể biết Thiên Chúa Cha có hai đặc tính: duy nhất “μόνον” và chân thật ἀληθινὸν”. Đặc tính thứ nhất được biết qua tính từ μόνον[38], có nghĩa là duy nhất, chỉ có một: “Chỉ còn lại một mình (μόνος) Đức Giê-su” (8,9). Như vậy, μόνος trong câu này có nghĩa là duy nhất, độc nhất không có hai (17,3b). Đặc tính thứ hai được biết đến qua tính từ ἀληθινὸν[39]. Tính từ ἀληθινός xuất hiện chín lần trong Tin Mừng Gioan (1,9; 4,23. 37; 6,32; 7,28; 8,16; 15,1; 17,3; 19,35) mang ý nghĩa đích thực: “giờ những người thờ phượng đích thực” (4,23), xác thực: “Ngôi Lời là ánh sáng thật” (1,9), chính cống: “Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật”[40]. Ngoài ra, ἀληθινός mang nghĩa hợp lệ, có giá trị pháp lý, có hiệu lực, chắc chắn, đáng tin cậy. Như vậy, Tin Mừng Gioan xác tín chỉ duy nhất Cha là Thiên Chúa chân thật, không có chúa hay thần nào khác ngoài một mình Cha (σὲ τὸν θεὸν μόνον ἀληθινὸν) (17,3b). Và không dừng lại ở đó, Tin Mừng Gioan đã xác tín: Một Thiên Chúa duy nhất chân thật không đi ngược lại với niềm tin và mặc khải trong Cựu Ước, nhưng Tin Mừng mặc khải thêm Thiên Chúa duy nhất chân thật đó là Chúa Cha, và Chúa Con, (và Chúa Thánh Thần[41]). Chúa Con chính là Giêsu Ki-tô, Đấng được Chúa Cha sai vào trong thế gian (17,3c). Cho nên, lời của Đức Giêsu là sự thật: ἡ κρίσις ἡ ἐμὴ ἀληθινή ἐστιν (xét đoán của tôi là sự thật) (8,16)[42].

Câu 17,3b là một lời tuyên xưng, là một điều xác tín: Chúa Cha là Thiên Chúa duy nhất chân thật. Chính vì Ngài là Thiên Chúa thật, mới có thể giải thích được mầu nhiệm về sự sống đời đời mà con người muốn có được buộc phải biết, buộc phải liên kết gắn bó với Thiên Chúa Cha. Chỉ có một con đường, một cách duy nhất để gắn kết với Cha và để được trở nên con cái của Cha “τέκνα θεοῦ” là qua người Con, gắn kết với người Con, Giêsu Ki-tô (1.12).

        5.8 Mối liên hệ độc nhất giữa Đức Giêsu và Thiên Chúa Cha καί 

Kαί là một liên từ có tính ngang bằng hai vế, dùng để kết nối các từ, các mệnh đề, các câu lại với nhau. καί được chuyển ngữ là: “và”. Như vậy, để có được sự sống đời đời (17,3a), cần phải hội đủ hai điều kiện. Thứ nhất là họ biết Cha”, thứ hai làhọ biết Con”. Mầu nhiệm trong câu 17,3 này, chúng ta có thể xác nhập hai điều kiện thành một điều kiện khi Đức Giêsu nói:Tôi với Chúa Cha là một” (10,30)[43], và ai thấy Đức Giêsu là thấy Chúa Cha (14, 9b.10a). Vậy tại sao Tin Mừng không gộp lại một điều kiện nhưng vẫn buộc phải hai điều kiện như vậy? Bởi vì từ mối liên hệ độc nhất đặc biệt giữa Đức Giêsu và Cha của Ngài như đã trình bày ở trên ở trên. Điều kiện thứ nhất phải biết Chúa Cha có lẽ chỉ dừng lại ở Cựu Ước, chưa hoàn tất công trình cứu độ của Thiên Chúa. Dân Israel (và người dân Việt Nam) vẫn tin Thiên Chúa (ông Trời) chính là sự sống đời đời (Đấng Hằng Hữu). Nhưng, con người muốn có được sự sống ấy phải gắn kết được với sự sống của Thiên Chúa, ở trong Thiên Chúa. Nhưng một lần nữa, làm sao con người có thể vào trong Thiên Chúa Cha? Đây là mầu nhiệm, là tình yêu, là kế hoạch yêu thương mà Thiên Chúa Cha dành cho con người. Cha là sự sống đời đời, và Cha đã ban quyền đó cho Con (Con cũng Hằng Hữu như Cha). Nay qua Con, con người có thể gắn kết hay ở trong Con để có thể đến và ở trong Chúa Cha. Bởi vì, Con ở trong Cha và Cha ở trong Con. Cho nên, điều kiện thứ hai là tất yếu và là mặc khải trọn vẹn về kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa, như Đức Giêsu đã nói: “τετέλεσται - thế là đã hoàn tất” (19,30). Do đó, con người biết Đức Giêsu và gắn kết với Ngài thì có sự sống đời đời (17,2).

5.9 Đấng Cha đã sai đến (là) Giêsu Kitô (ὃν ἀπέστειλας Ἰησοῦν Χριστόν)

5.9.1 Đấng Cha sai đến (ὃν ἀπέστειλας)

Đại từ quan hệ ὃν được thay thế cho Ἰησοῦν Χριστόν hợp giống số cách với Ἰησοῦν mang nghĩa là: “Người, Đấng”.

Động từ ἀπέστειλας được chia ở thể indicative aorist active, ngôi số hai số ít từ gốc động từ “ἀποστέλλω”, diễn tả hành động đã xy ra, và hoàn toàn chấm dứt trong quá khứ có nghĩa là “Cha đã sai” [44]. Người được sai sẽ đi làm những việc của người sai giao phó, và ủy thác cho. Như vậy, nhiệm vụ của người được sai phái là thi hành đúng ý của người đã sai phái mình, và phải hoàn thành sứ mạng được giao. Đồng thời người được sai phái lại là người đại diện hợp pháp, có quyền được đón tiếp như chính vị đã sai phái người ấy (17,3)[45]. Trong Tin Mừng Gioan, động từ ἀπέστειλας được sử dụng bảy lần: một lần ở câu 11,42, và đặc biệt trong chương 17 tác giả lập đi lập lại đến sáu lần (17,3.8.18.21.23.25). Điều đó cho thấy, Cha là Đấng đã sai Con, đóng vai trò chủ động[46], còn Đức Giêsu là Đấng được Cha sai. Mối liên hệ giữa Người Sai (Chúa Cha) và Đấng Được Sai (Đức Giêsu) là duy nhất, khác biệt với những người được sai trước đó (1,6), và sứ mạng được sai của Đức Giêsu siêu vượt lên trên suy nghĩ và mong đợi của con người.

5.9.2 Đức Giêsu Ki-tô (Ἰησοῦν Χριστόν)

Ἰησοῦς là danh từ tên riêng, giống đực, vì thế thường là tên gọi của người nam, tên gọi phổ biến của người Do Thái. Ἰησοῦς được phiên dịch là Jesus (Giêsu) hay Joshua (Giôsuê), có nghĩa là Đức Chúa cứu[47]. Trong bối cảnh Tin Mừng Gioan, và trong câu 17,3, Ἰησοῦς tác giả đang rao giảng, đang đề cập đến là Đấng Kitô (Ἰησοῦν Χριστόν), Đấng đến từ Thiên Chúa. Như thế, qua danh Giêsu Ki-tô, Tin Mừng Gioan cho chúng ta biết về một con người đặc biệt có hai bản tính: bản tính con người (Giêsu) và bản tính Thiên Chúa (Ki-tô).

5.9.2.1 Nhân loại tính của Đức Giêsu (Ἰησοῦς)

Đức Giêsu là con người lịch sử. Đây là sự thật hiển nhiên và không thể chối cãi, bởi vì người phụ nữ xứ Samaria nói với mọi người tới xem người đàn ông có tên là Đức Giêsu: δεῦτε ἴδετε ἄνθρωπον” (4,29). Anh mù từ thuở mới sinh xác tín Đức Giêsu là một người đàn ông, người đã làm cho anh sáng mắt: ἄνθρωπος” (9,11). Những người Pharisêu cũng xác nhận “chúng tôi biết ông ấy (biết ông Giêsu) - οὗτος ἄνθρωπος” (9,24). Do đó, Đức Giêsu là một con người lịch sử, không phải là một nhân vật huyền thoại, hay là một nhân vật anh hùng trong truyền thuyết, Ngài là một người Do Thái sống trong một thời gian và nơi chốn cụ thể.[48]

Tên gọi đầy đủ của Ngài là Giêsu Nazarét “Ἰησοῦν τὸν Ναζωραῖον” (1,45; 18,5), bởi vì Ngài sống ở đó khá lâu, và ông Philatô tổng trấn La-mã lúc bấy giờ (18,29), người đã ra lệnh đóng đinh Đức Giêsu, và cho viết một tấm bảng treo trên thập giá ghi rằng: “Giêsu Nadarét, Vua dân Do Thái.” (19,16.19).

Đức Giêsu cũng giống như bao nhiêu người khác. Ngài cũng đi làm việc, công việc của Ngài là rao giảng về sự sống đời đời (6,59; 18,20). Ngài thông thạo chữ nghĩa, bởi vì người Do Thái lấy làm ngạc nhiên khi thấy: “Ông này không học hành gì, mà sao lại thông thạo chữ nghĩa thế!” (7,15). Ngài cũng có thân xác như chúng ta, cũng mang lấy bản tính nhân loại như chúng ta, nhưng siêu vượt lên trên chúng ta, vì trong thân xác Giêsu mang lấy bản tính Thiên Chúa; Καὶ λόγος σὰρξ ἐγένετο” (1,14). Ngài cũng biết mệt mỏi (4,6), biết khát và cần phải uống như bao nhiêu người khác (4,7; 19,28). Máu của Ngài cũng chảy ra như bao nhiêu người khác khi bị tên lính lấy ngọn giáo đâm vào cạnh sườn: “Tức thì, máu cùng nước chảy ra (ἐξῆλθεν εὐθὺς αἷμα καὶ ὕδωρ) (19,34).

Mang trong mình tính nhân loại, Đức Giêsu cũng có những tình cảm, những cảm xúc vui buồn. Đức Giêsu, Ngài cũng thổn thức trong lòng và xao xuyến khi đứng trước cái chết của người bạn thân Lazarô (11,33), Ngài cũng xao xuyến nơi cái chết của chính mình sắp đến gần (12,27), và Ngài xao xuyến khi biết Giuđa phản bội mình (13,21). Đức Giêsu cũng biết yêu như bao nhiêu người, thậm chí Ngài còn là biểu tượng của tình yêu (ἀγαπάω): Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương (ἀγαπήσας) những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng (τέλος ἠγάπησεν αὐτούς)” (13,1). Chính vì Ngài biết yêu, cho nên Ngài cũng đòi hỏi được yêu. Ngài đã hỏi Phê-rô: Σίμων Ἰωάννου, ἀγαπᾷς με πλέον τούτων (Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?)” (21,15). Không dừng lại ở đó, Ngài đòi hỏi các môn đệ của Ngài phải yêu thương nhau như chính Ngài đã yêu thương họ, yêu với một tình yêu hiến thân cho anh em: Εντολὴν καινὴν δίδωμι ὑμῖν, ἵνα ἀγαπᾶτε ἀλλήλους, καθὼς ἠγάπησα ὑμᾶς ἵνα καὶ ὑμεῖς ἀγαπᾶτε ἀλλήλους (Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em)” (13,34).

Đức Giêsu Nazarét cũng đã chết trên thập giá như một con người phải chết. Ngài đã được mai táng và đặt trong mồ, điều đó chứng thật Ngài thật sự đã chết (19,38-42). Nhưng, như đã trình bày, Đức Giêsu Nazarét khác biệt và siêu vượt lên trên chúng ta, Ngài đã được nâng dậy (đã được phục sinh), và được tôn vinh bên Thiên Chúa Cha (δόξασόν με σύ, πάτερ, παρὰ σεαυτῷ) (17,5). Đức Giê-su Nazarét người duy nhất “Phục Sinh”, điều đó chứng minh Ngài là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa. Phục sinh đã minh chứng về thiên tính của Ngài (17,3c).

5.9.2.2 Thiên tính của Đức Giêsu được thể hiện nơi danh xưng Kitô (Χριστός)

Nguồn gốc và ý nghĩa của danh xưng Ki-tô (Χριστός). Χριστόν là danh từ giống đực, số ít được chia ở thể accusative từ gốc danh từ Χριστός[49], tiếng Hipri có nghĩa là: “Đấng được xức dầu (מָשִׁיחַ)”. Xức dầu là dấu chỉ biểu tượng có từ thời Cựu Ước và vẫn được dùng cho đến ngày nay. Qua việc xức dầu, người xức dầu (người sai, người ủy thác) sẽ xức dầu chứng thực cho người được chọn (người được sai, người lãnh nhận sự ủy thác) vào một chức vụ cụ thể để họ thi hành sứ vụ cụ thể được ủy thác bởi người đã xức dầu tấn phong cho họ.

Lời hứa về Đấng Kitô (Χριστός) có ngay sau khi con người nguyên tổ phạm tội, Thiên Chúa hứa sẽ có một người xuất thân từ “dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi” (St 3,15), và chính Người đó sẽ cứu độ con người “אָדָם” sa ngã phạm tội, do tội không vâng theo lời của Thiên Chúa: “Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết.” (St 3,3). Từ lời hứa Mêsia (מָשִׁיחַ) ấy đã đưa đến hai hướng hành động[50]. Hướng hành động thứ nhất đến từ phía Thiên Chúa, Ngài thực hiện lời hứa của mình khi ban chính Con Một của mình là Đức Giêsu, người mà thiên hạ vẫn coi là con ông Giuse (Lc 3,23), và là người có dòng dõi xuất thân từ con của Adam, mà: “A-đam là con Thiên Chúa” (Lc 3,38). Điều đó cho thấy Đức Giêsu không phải là một hiện tượng bổng nhiên xuất hiện, nhưng là một biến cố nằm trong chương trình của Thiên Chúa. Hướng hành động thứ hai từ phía dân được nhận lời hứa. Họ luôn trông chờ về Đấng Kitô, và khi tới thời viên mãn, Đức Giêsu đã đến giống như hay ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà các ngôn sứ đã loan báo. Đồng thời Ngài đến cũng khác với niềm trông mong của dân Israel về một Đấng Mêsia (Ki-tô) sẽ đem lại vinh quang về mặt kinh tế, về mặt chính trị, vinh quang mang tính trần thế. Đây chính là điều họ không ngờ, là điều vượt quá sức mong đợi, vượt quá sự hiểu biết của họ: Thiên Chúa lại ban chính Con Một của mình không phải chỉ giải phóng một dân tộc Do Thái về mặt chính trị, về mặt kinh tế. Nhưng Con của Ngài đến là để cứu độ, để giải thoát cả thế giới khỏi sự tội, sự chết, và để mọi dân tộc được hưởng sự sống đời đời. Bản thân Đức Giêsu cũng tự xác quyết mình là Đấng Kitô được Cha sai đến (4,25-26; 17,3c), và dân chúng cũng chứng thực Ngài là Đấng Kitô qua những gì họ thấy các việc Ngài đã làm (7,41; 11,27). Như thế, dung mạo về Đấng Mêsia (Ki-tô) đích thật chúng ta thấy được nơi Đức Giêsu, Ngài được Thiên Chúa sai đến để thi hành thánh ý của Thiên Chúa, Ngài đến ứng nghiệm như những lời Môsê và các ngôn sứ đã loan báo (2,22; 4,26-47; 7,42; 13,18; 17,12; 19,24.28.36.37). Đấng Kitô (Χριστός) đến để chết thay (cứu độ) cho dân, và không chỉ chết thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi (không phải chỉ dân tộc Israel) về một mối (11,50-52).

Thiên tính của Đức Giêsu được thể hiện nơi danh xưng Kitô. Ngay lời tựa, Gioan đã giới thiệu về “Lời” hằng có từ lúc khởi đầu “Ἐν ἀρχῇ ἦν λόγος, và “Lời” là Thiên Chúa “καὶ θεὸς ἦν λόγος(1,1). “Lời” đó đã trở nên thịt (thành người) “ὁ λόγος σὰρξ ἐγένετο (1,14). Đức Giêsu Ki-tô chính là “Lời”, và là nguồn ân sủng và sự thật: “ἡ χάρις καὶ ἡ ἀλήθεια διὰ Ἰησοῦ Χριστοῦ ἐγένετο (1,17). Nơi danh Giêsu Ki-tô có đầy đủ phẩm tính của Thiên Chúa. Đức Giêsu là sự sống “ἐν αὐτῷ ζωὴ ἦν (1,4), là “Lời” hằng có từ đời đời, là Thiên Chúa, và là Đấng Hằng Hữu (1,1; 8,58). Nhờ Ngài mà muôn vật được tạo thành, và nhân loại nhờ Ngài mà được sống đời đời (1,3-4; 17,2-3). Thiên tính được thấy nơi danh Giêsu Ki-tô, bởi vì được thấy nơi danh Thiên Chúa Con Một, Ngài đến từ Cha: μονογενοῦς παρὰ πατρός” (1,14.18; 3,16.18; 20,30-31), Ngài hằng có từ đời đời cùng với Cha (1,1; 8,24.28.57). Cho nên, Đức Giêsu Ki-tô có quyền năng và sự sống đời đời như Cha:Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Người. Ai tin vào người Con thì được sự sống đời đời ; còn kẻ nào không chịu tin vào người Con thì không được sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên kẻ ấy. (3,34-36)

6. Ý NGHĨA THẦN HỌC VÀ ÁP DỤNG THỰC HÀNH

Sau khi chú giải ngữ nghĩa của câu 17,3, nay chúng ta có thể dịch lại như sau:

Giờ đây, ngay giây phút hiện tại này (δέ); Đây là điều quan trọng cần phải nghe, cần phải đặc biệt chú ý biết đến (αὕτη); Đây là chân lý cho mọi người và mọi thời (ἐστιν), và để được (ἵνα) sự sống đời đời, sự sống của Thiên Chúa ( αἰώνιος ζωὴ), họ (con người) phải biết (γινώσκωσιν) Cha là Thiên Chúa duy nhất chân thật (σὲ τὸν μόνον ἀληθινὸν θεὸν),biết Đấng Cha đã sai đến Giê-su Kitô (καὶ ὃν ἀπέστειλας Ἰησοῦν Χριστόν).

Như vậy, câu 17,3 là một câu định nghĩa, một mặc khải ngắn gọn đầy đủ về sự sống đời đời, về toàn bộ kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa dành cho con người[51]. Thiên Chúa yêu thương tạo dựng nên con người và Ngài muốn chia sẻ vinh quang của chính mình cho con người, thông chia chính sự sống của chính Ngài cho con người qua Đức Giêsu[52]. Đức Giêsu chính là quà tặng sự sống đời đời mà Thiên Chúa Cha đem đặt để giữa thế gian (15,1-8), chỉ cần biết (tin hay gắn kết) với Đức Giêsu thì con người sẽ hưởng được sự sống đời đời ngay từ đời này và mãi đời sau (17,3).

Nhờ món quà sự sống đời đời, chúng ta biết được Thiên Chúa duy nhất chân thật là Cha, là đối tượng yêu thương chúng ta, và đồng thời chúng ta cũng biết mình là đối tượng được Ngài yêu hết sức đặc biệt. Chính vì biết về Thiên Chúa mà con người biết về chính mình. Con người có chung một Cha là Tạo Hoá, như thế mọi người điều là anh chị em với nhau, phẩm giá cao quý như nhau, và phải yêu thương nhau. Sư sống đời đời vô cùng cao quý chúng ta cần phải trân trọng và loan báo để mọi người nhờ ‘biết” mà cũng được hưởng sự sống ấy.


 

DANH MỤC THAM KHẢO



Kinh Thánh

1. Nestle Aland 28. Novum Testamentum Graece. Germany: Deutsche Bibelgesellschaft, 1998.

2. Nova Vulgata. Novum Testamentum.

3. Nhóm CGKPV. Kinh Thánh Lời Chúa Cho Mọi Người. Hà Nội: Tôn Giáo, 2019.

4. The New American Bible. USA: Catholic Bible Press, 1987.

5. Vatican. The New American Bible.

Giáo trình và sách tham khảo

1. Arthur, Buttrick George. The Interpreter’s Dictionary of the Bible. Volume VII, VIII. New York: Abingdon Press, 1962.

2. Brown, Raymond E. The Gospel according to John I-XII. New York: Doubleday, 1970.

3. Brown, Raymond E. The Gospel according to John XIII-XXI. New York: Doubleday, 1970.

4. Gómez, Felipe. Ki-tô Học Toàn Tập. HCM: Antôn & Đuốc Sáng, 2017.

5. HĐGMVN. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo. Hà Nội: Tôn Giáo, 2012.

6. Nguyễn Cao Siêu. Giáo Trình Gioan. HCM: HVCG, 2021.

7. Phạm Cao Quý. Phương Pháp Đọc Kinh Thánh. HCM: HVCG, 2024.

8. Powell, Mark Allan. Introducing The New Testament. Michigan: Baker Academic, 1989.

9. Ratzinger, Joseph. Eschatology Death and Eternal Life. The Catholic University of America Press, 1988.

10. Ratzinger, Joseph. Chết và Sự Sống Đời Sau. Translated by Phạm Hồng Lam. Hà Nội: Tôn Giáo, 2023.

11. Swetnam, James. An Introduction to the Study of New Testament Greek. Roma: Editrice Pontificio Istituto Biblico, 1998.

12. Thompson, Marianna Meye. The God of the Gospel of John. USA: William B. Eerdmans Publishing, 2001.

13. Tuấn Hoàng Minh. Lời Nguyện Siêu Thời Gian. Hà Nội: Tôn Giáo, 2007.

Từ điển tra cứu

14. Duff, Jeremy. The Elements of New Testament Greek AΩ. USA: Cambridge, 2004.

15. Green, Joel B, Scot McKnight & I. Howard Marshall. Dictionary of Jesus and the Gospels. USA: A Compedium of Contemporary Biblical Scholarship, 1992.

16. Bill T. Arnold & H.G.M Williamson. Editors. Dictionary of the Old Testament Historical Books. IVP Academic.

17. Perschbacher, Wesley J. The New Analytical Greek Lexicon. USA: Hendrickson, 2006.

18. Quang Phạm Hữu. Giải Thích Thánh Kinh. Đồng Nai: 2020.

Đề tài nghiên cứu & trang mạng

19. Nguyễn Quang Bình. Thiên theo Quan Niệm của Tứ Thư. HCM: HVCGVN, 2020.

20. https://catholic-resources.org

21. https://biblicaltext.com/dictionary

22. https://biblehub.com

23. BibleWorks 10.

24. https://tgpsaigon.net


[1] “Aὕτη δέ ἐστιν αἰώνιος ζωὴ ἵνα γινώσκωσιν σὲ τὸν μόνον ἀληθινὸν θεὸν καὶ ὃν ἀπέστειλας Ἰησοῦν Χριστόν”.

[2] Tin mừng Gio-an được chia làm ba phần: lời tựa chương 1, phần các dấu chỉ “Book of Signs” từ chương 2-12, và phần được tôn vinh “Book of Glory/Exaltation” từ chương 13-21.

[3] Hoàng Minh Tuấn, Lời Nguyện Siêu Thời Gian (Hà Nội: Tôn Giáo, 2007), Trang bìa.

[4] “Since the sixteenth century, this chapter has been called the "high priestly prayer" of Jesus. He speaks as intercessor, with words addressed directly to the Father and not to the disciples, who supposedly only overhear. Yet the prayer is one of petition, for immediate (6-19) and future (20-21) disciples. Many phrases reminiscent of the Lord's Prayer occur.” (The New American Bible, 1214.)

[5] Từ Ga 13,1 đến 18,1 Đức Giêsu không còn tiếp xúc với dân chúng nữa, thời gian này Ngài dành cho và ở bên các môn đệ.

[6] New American Bible

[7] The New American Bible, 1214.

[8] The New American Bible (USA: Catholic Bible Press, 1987), 1214.

[9] Verb subjunctive present active 3rd person plural from γινώσκω

[10] Raymond E. Brown, The Gospel according to John I-XII (New York, Garden City: Doubleday, 1982), 750.

[11] οὗτος, αὕτη, τοῦτο, nom. sg. m. demonstrative pronoun; this, this person or thing.

Wesley J. Perschbacher, The New Analytical Greek Lexicon (USA: Hendrickson, 2006), 300.

[12]Καὶ αὕτη ἐστὶν ἡ μαρτυρία τοῦ Ἰωάννου” (Jn. 1:19 NA28); “αὕτη δέ ἐστιν ἡ κρίσις ὅτι τὸ φῶς ἐλήλυθεν εἰς τὸν κόσμον καὶ ἠγάπησαν οἱ ἄνθρωποι μᾶλλον τὸ σκότος ἢ τὸ φῶς· ἦν γὰρ αὐτῶν πονηρὰ τὰ ἔργα.” (Jn. 3:19 NA28)..

[13] δέ, a conjunctive particle, marking the super- addition of a clause, whether in opposition or in continuation, to what has preceded, and it may be variously rendered but, on the other hand, and, also, now, etc. (The New Analytical Greek Lexicon, 86.)

[14] “To introduce background material into a narrative now (with no temporal sense) or left untranslated (Jn 11.18; this use is especially characteristic of John's Gospel)”.

Friberg, Analytical Greek Lexicon (BibleWorks 10).

[15] Động từ “ἐστιν” (εἰμί) có nghĩa là, thì, và ngoài ra còn được dùng để diễn tả sự hiện hữu của Thiên Chúa (Thiên Chúa LÀ), hay nối chủ thể với Tính từ xem như là một vị ngữ.

[16] βίος, ου: life, means of living, sustenance, maintenance, substance, goods

[17] Danh từ βίος diễn đạt về sự sống, sinh mệnh, đời sống thường ngày, phương kế sinh nhai, hay sở hữu của cải, tài sản (xem. Lc 8,14 ; 1 Tm 2,2 ; Mc 12,44).

[18] ψυχή nghĩa ngữ giống nephesh trong Kinh Thánh Cựu Ước.

[19] Raymond E. Brown, The Gospel according to John I-XII (New York, Garden City: Doubleday, 1982), 505.

[20] Ibid, 505-506.

[21] Tin Mừng Nhất Lãm giới thiệu về Nước Thiên Chúa, hay Nước Trời chính là Đức Giêsu Kitô. Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu Kitô là sự sống đời đời.

[22] Joseph Ratzinger, 150.

[23] James Swetnam, An Introduction to the Study of New Testament Greek (Roma: Editrice Pontificio Istituto Biblico, 1998), 33-34.

[24] The New Analytical Greek Lexicon, 209.

[25]Γινώσκω: to know, whether the action be inceptive or complete and settled; to perceive, Matt. 22:18; Mark 5:29; 8:17; 12:12; Luke 8:46; to mark, discern, Matt. 25:24; Luke 19:44; to ascertain by examination, Mark 6:38; John 7:51; Acts 23:28; to understand, Mark 4:13; Luke 18:34; John 12:16; 13:7; Acts 8:30; 1 Cor. 14:7, 9; to acknowledge, Matt. 7:23; 2 Cor. 3:2; to resolve, conclude, Luke 16:4; John 7:26; 17:8; to be assured, Luke 21:20; John 6:69; 8:52; 2 Pet. 1:20; to be skilled, to be master of a thing, Matt. 16:3; Acts 21:37; to know carnally, Matt. 1:25; Luke 1:34; from the Hebrew, to view with favor, 1 Cor. 8:3; Gal. 4:9”. (The New Analytical Greek Lexicon, 80.)

[26]Anh em không hiểu (οἴδατε) dụ ngôn này” (Mc 4,13a).

[27] Lần thứ nhất và lần thứ hai, Phê-rô trả lời Chúa Giê-su “Thầy biết” bằng động từ “οἶδας”, lần thứ ba Phê-rô cũng trả lời “οἶδας” rồi buồn rầu nhấn mạnh thêm “biết-γινώσκεις”. (Ga 21,15-19).

[28] Raymond E. Brown, 514.

[29] Xem thêm 17,24-26

[30] Raymond E. Brown, The Gospel according to John I-XII (New York, Garden City: Doubleday, 1982), 513.

[31]Số là có một người thợ bạc tên là Đêmếtriô, chuyên làm mô hình đền nữ thần Áctêmi bằng bạc và nhờ đó đem lại cho các người thợ một nguồn lợi không nhỏ. Ông ta tập hợp họ và những người làm nghề tương tự và nói: “Thưa các bạn, các bạn thừa biết là nhờ việc làm ăn này mà chúng ta phát tài. Thế mà, như các bạn thấy và nghe biết: không những ở Êphêxô này, mà gần như trong khắp cả Axia, tên Phaolô ấy đã thuyết phục và làm cho một đám đông đáng kể thay lòng đổi dạ, khi hắn nói rằng thần linh do tay người làm ra không phải là thần. Như vậy, có nguy cơ là không những ngành nghề của chúng ta bị chê bai, mà cả đền thờ đại nữ thần Áctêmi cũng bị người ta coi chẳng ra gì và rốt cuộc vị nữ thần mà toàn Axia và cả thiên hạ tôn thờ cũng chẳng còn gì là vĩ đại nữa.” 

[32] “Theos often attracts a variety of qualifying and descriptive phrases and adjectives to it. Apparently the unadorned "God" simply does not say enough about the deity in question. As an example, we may cite the book of Sirach, where the absolute "God" is seldom used, and even "God" in various combined forms appears rarely. More common are Lord and the Most High. Other epithets are also found, such as Mighty One, Almighty, Maker, Master, and sometimes these terms are used in combination with Lord or Most High.” (Marianne, 29-30).

[33] “Thiên Chúa chúng ta ở trên trời, muốn làm gì là Chúa làm nên. Tượng thần chúng chỉ là vàng bạc, chỉ do tay người thế tạo thành. Có mắt có miệng, không nhìn không nói, có mũi có tai, không ngửi không nghe. Có hai tay, không sờ không mó có hai chân, không bước không đi, từ cổ họng, không thốt ra một tiếng.” (Tv 115,3-7).

[34] “There are numerous instances of texts that identify God in relationship to one human being. Thus, for example, we find "the Lord, the God of Joseph" (Jos. Asen. 3:4; 6:7; 21:4); "Lord God of my father Israel" (Jos. Asen, 8:9); "O Lord God and King, God of Abraham" (Add. Esth. 13:15; 14:18); "the Lord Almighty, God of Israel" (Bat. 3:1, 4); "Lord God of my ancestor Simeon" (Jdt. 9:2); "God of my ancestor, God of Israel's heritage" (Jdt. 9:12); "Lord God of Daniel" (Bel. 41); and "Lord God of Shem" (Jub. 8:18)”

(Marianna Meye Thompson, The God of the Gospel of John (USA: William B. Eerdmans Publishing, 2001), 26.)

[35] Trích dẫn thêm: Ngài quả là nguồn sống, nhờ ánh sáng của Ngài, chúng con được nhìn thấy ánh sáng” (Tv 36,10).

[36] “Father" about 120 times, more often than all the other Gospels combined. By comparison, "God" (θεός) appears in John 108 times.

(Marianne, 57.)

[37] σὲ pronoun personal accusative singular from σύ (The New Analytical Greek Lexicon, 367).

[38] Adjective normal accusative masculine singular no degree from μόνος, η, ον

[39] Adjective normal accusative masculine singular no degree from ἀληθινός, , όν

[40] Joel B. Green, Scot McKnight & I. Howard Marshall, Dictionary of Jesus and the Gospels (USA: A Compedium of Contemporary Biblical Scholarship, 1992), 860.

[41] Người viết giới hạn chú giải câu 17,3 cho nên không đề cập đến Chúa Thánh Thần.

[42] “The Father is both "true" and the one who sent Jesus into the world (7:28), and because Jesus comes only to reveal the Father, Jesus' teaching is "true" (8:16)”. (Ibid, 860.)

[43] (xem thêm 14,10; 17,21-23).

[44] James Swetnam, An Introduction to the Study of New Testament Greek (Roma: Editrice Pontificio Istituto Biblico, 1998), 34.

[45] Nguyễn Cao Siêu, Chia Sẻ Tin Mừng CNTN 13 A.

[46] Trong Tin Mừng Gioan, 6 lần tác giả dùng “Cha là Đấng đã sai phái Tôi”, và 20 lần “Đấng đã sai phái Tôi”.

[47] Kinh Thánh Cựu Ước có nhắc đến tên Giô-suê con ông Nun. Ông là phụ tá của ông Mô-sê (Gs 1,1), là người kế vị Mô-sê (Moses' successor) dẫn dắt dân vào đất hứa: “Lều ấy, cha ông chúng ta đã kế thừa và đã cùng với ông Giô-suê” (Cv 7.45). Nhưng ông không thật sự phải là người cứu dân (Kitô) để đưa dân vào chốn yên nghỉ như Thiên Chúa hứa: “Thật vậy, nếu ông Giô-suê (Ἰησοῦς) đã cho họ được yên nghỉ, thì sau đó, Thiên Chúa đã chẳng nói đến một ngày khác nữa” (Dt 4.8). Ngoài ra, Cựu Ước cũng có nhắc đến: “E con Giê-su, Giê-su con Ê-li-e-de” (Lc 3.29). Trong Tân Ước có nhắc đến “Anh Giê-su (Ἰησοῦς), gọi là Giút-tô” (Col 4.11). Trong ngữ cảnh này cả Giô-suê, Giê-su con Ê-li-e-de, và Giê-su Giút-tô không phải là đối tượng mà Ga 17,3 nói tới.

[48] Nguyễn Cao Siêu, The Humanity of Jesus in The Gospels (HCM: HVCG, 2022), 14.

[49] Noun accusative masculine singular proper from Χριστός.

[50] Phần viết về Χριστός (Ki-tô), người viết tham khảo dựa trên giáo trình: Felipe Gómez, Ki-tô Học Toàn Tập (Antôn & Đuốc Sáng), 2017.

[51] Thiên Chúa với ý định tự do, nhân lành và khôn ngoan của Mình, Ngài muốn chia sẻ sự sống thần linh (sự sống đời đời), muốn con người được sự sống đời đời trong Chúa Con là Giêsu (GS 40). Đấng Kitô được Cha sai đến “muốn mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý. Thật vậy, chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, một trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, đó là một con người, Chúa Kitô Giêsu, Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người” (1 Tm 2,4-6), “và không có ơn cứu độ nơi một người nào khác” (Cv 4,12; AG 7).

[52] “Trong Đức Ki-tô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giê-su Ki-tô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu. Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi theo lượng ân sủng rất phong phú của Người. Ân sủng này, Thiên Chúa đã rộng ban cho ta cùng với tất cả sự khôn ngoan thông hiểu. Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô.” (Ep 1,4-10).

Tin Mừng Gioan, Ga 17,3 Chú giải Tin Mừng Gioan

Labels:
Thư viện Học viện Công giáo Việt Nam