VAI TRÒ CỦA GIÁO DÂN TRONG VIỆC THAM GIA VÀO SỨ MẠNG CHUNG CỦA HỘI THÁNH | Thư viện Học viện Công giáo Việt Nam

VAI TRÒ CỦA GIÁO DÂN TRONG VIỆC THAM GIA VÀO SỨ MẠNG CHUNG CỦA HỘI THÁNH

PIÔ PHAN VĂN TÌNH STL-K4

Nhiều người nghĩ rằng người giáo dân là tầng lớp thụ động, chẳng có vai trò riêng nào trong sứ mạng chung của Giáo Hội. Thế nhưng ngược lại, nhờ đặc tính trần thế và sứ vụ tông đồ đặc thù của mình, người giáo dân đóng một vai trò rất quan trọng trong việc tham gia vào sứ mạng chung của Hội Thánh (LG chương IV), tới mức nếu không có họ, thì Giáo Hội sẽ không trở thành muối của thế gian (LG 33).

1. Với đặc tính trần thế của giáo dân, nếu họ không dấn thân hoạt động tông đồ thì Giáo Hội khó lòng chu toàn được sứ mạng là men là muối giữa trần gian (x. LG 33). Tính cách “trần thế” này giúp phân biệt họ với những thành phần khác trong Giáo Hội. Công Đồng khẳng định: “tính cách trần thế là tính cách riêng biệt và đặc thù của Giáo dân…Vì ơn gọi riêng, Giáo dân có bổn phận tìm kiếm nước Thiên Chúa bằng cách làm các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa. Họ sống giữa trần gian, nghĩa là giữa tất cả cũng như từng công việc và bổn phận của trần thế, giữa những cảnh sống thường ngày trong gia đình và ngoài xã hội; tất cả những điều đó như dệt thành cuộc sống của họ. Đó là nơi Thiên Chúa gọi họ, để dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc Âm, như men từ bên trong, họ thánh hóa thế giới bằng việc thi hành những nhiệm vụ của mình.” (LG 31). Phạm vi mà người Giáo dân thi hành sứ mạng của mình chính là trần thế; ở đó, họ cộng tác với Thiên Chúa để đưa thế giới đi vào kế hoạch cứu độ của Ngài. Nói cách khác, họ làm cho kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa được hiện tỏ và được thực thi trong thế giới mà họ đang sống. Công Đồng xác quyết rằng: “Vì bản chất riêng biệt của người Giáo dân là sống giữa đời và làm việc đời nên chính họ được Thiên Chúa mời gọi để một khi tràn đầy tinh thần Kitô giáo, họ làm việc tông đồ giữa đời như men trong bột.” (AA 2).

2. Sau khi xác định tính cách trần thế như là đặc tính của người Giáo dân phân biệt với giáo sĩ và tu sĩ, Công Đồng Vatican II chỉ ra nền tảng đời sống tông đồ của họ: “Giáo dân có bổn phận và quyền làm tông đồ do chính việc kết hợp với Chúa Kitô là Đầu. Họ được chính Chúa chỉ định làm việc tông đồ, vì Phép Rửa Tội sát nhập họ vào Nhiệm Thể Chúa Kitô, Phép Thêm Sức làm cho họ nên mạnh mẽ nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Họ được thánh hiến vào chức vụ tư tế, ngôn sứ, vương giả (1Pr2,2-10). Đàng khác, đức ái như là linh hồn của tất cả việc tông đồ, được nuôi dưỡng nhờ Bí Tích Thánh Thể.” (AA 3) (LG 31). Nghĩa là, họ được tham dự và thi hành theo cách thức cụ thể sau đây:

Trong chức vụ tư tế, giáo dân được mời gọi dâng chính đời sống chứng tá của mình trong các môi trường hoạt động cùng niềm vui, nỗi buồn, việc bác ái, hy sinh, cầu nguyện lên Thiên Chúa trong tinh thần hiệp thông với Chúa Kitô một lần dâng hy tế trên thập giá năm xưa, và còn đang tiếp tục dâng hy tế ấy qua sứ vụ của Giáo Hội, cụ thể là qua sứ vụ của những vị được tấn phong làm tư tế thừa tác như Linh mục và Giám mục.

Nhờ Bí Tích Rửa Tội, người Giáo dân tham dự vào sứ vụ ngôn sứ của Chúa Kitô. Họ được mời gọi và có bổn phận làm tông đồ cho Chúa bằng cách chu toàn các bổn phận ở gia đình trong vai trò vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh chị em. Bên ngoài xã hội, họ làm tông đồ cho Chúa qua đời sống chứng tá, bằng cách nêu cao những giá trị của Tin Mừng trong khi sống và làm việc chung với những người không cùng tín ngưỡng với mình, để giúp họ nhận ra Chúa và tin yêu Người (x. Mt 5,16). Nhiệm vụ ngôn sứ của người Giáo dân được mong đợi cụ thể trong hai lãnh vực chính là xã hội trần thế và thi hành sứ vụ trong Giáo Hội.

Bí Tích Rửa Tội cho người tín hữu được tham dự vào địa vị vương đế của Chúa Kitô. Thật vậy, Chúa Giêsu đến để cứu chuộc và dẫn đưa nhân loại vào “Nước Thiên Chúa”, là “Vương Quốc” của bình an, thánh thiện, công bình, yêu thương và tha thứ. Do đó, người Giáo dân, qua Phép Rửa, đều được mời gọi và có bổn phận hoạt động tích cực để mở mang “Nước Thiên Chúa” khắp nơi trên gian. Nghĩa là họ tích cực hoạt động để đẩy lui bóng tối của sự dữ, sự tội, bằng ánh sáng Chúa Kitô. Với vai trò làm men, làm muối và ánh sáng, khi tham gia sinh hoạt và làm việc với người khác, họ nêu cao những giá trị và đặc tính của “Nước Thiên Chúa” trước những thách đố của thời đại, của xã hội hưởng thụ vật chất, của “văn hóa sự chết” đang chối bỏ Thiên Chúa để tôn thờ tiền bạc và vui thú bất chính, dửng dưng trước sự đau khổ, nghèo đói của đồng loại, đánh mất ý thức đúng đắn về tội lỗi.

 


THƯ MỤC

Congar, Yves. Lay People in the Church. London: Geoffrey Chapman, 1957.

----------------. “My Path-findings in the Theology of Laity and Ministries”, Jurist 2, (1972), pp.169-188.

----------------. “The Role of the Church in the Modern World”. Commentary on the Documents of Vatican II. Herbert Vorgrimler, ed. Vol. 5. New York: Herder & Herder, 1969.

Hagstrom, Aurelie. “Can the Laity Govern the Church?”. America, February 17, 1996.

----------------------. The Concepts of the Vocation and Mission of the Laity. San Francisco: Catholic Scholars Press, 1994.

----------------------. “Laity, Theology Of”, in the New Catholic Encyclopedia. Revised Edition. Volume 8. Berard Marthaler, editor. Washington, D.C.: Catholic University of America Press, 2002.

----------------------. “Lay Ecclesial Ministry and Questions of Authorization. Origins: CNS Documentary Service, June 28, 2007. Volume 37. Number 7.

----------------------. “The Secular Character of the Vocation and Mission of the Laity: Towards A Theology of Ecclesial Lay Ministry”, in Ordering the Baptismal Priesthood: Theologies of Lay and Ordained Ministry. Susan Wood, SCL, ed. Collegeville: Liturgical Press, 2003.

Gioan Phaolô II. Familiaris Consortio. Ban hành ngày 22 tháng 11 năm 1981.

-------------------. Christifideles Laici. Ban hành ngày 30 tháng 12 năm 1988.

Phanxicô, Evangelii Gaudium. Ban hành ngày 24 tháng 11 năm 2013.

Schillebeeckx, Edward. The Layman in the Church. New York: Alba House, 1963.

Vatican II. Lumen Gentium. Ban hành ngày 21 tháng 11 năm 1964.

------------. Ad Gentes. Ban hành ngày 18 tháng 11 năm 1965.

------------. Apostolicam Actuositatem. Ban hành ngày 18 tháng 11 năm 1965

------------. Gaudium et Spes. Ban hành ngày 07 tháng 12 năm 1965.

Von Balthasar, Hans Urs. The Laity and the Life of the Counsels: The Church's Mission in the World. San Francisco: Ignatius Press, 2003.


Giáo dân, Giáo hội, sứ mạng

Labels:
Thư viện Học viện Công giáo Việt Nam