I.
DẪN NHẬP
Con người
luôn khao khát, nỗ lực nhiều cách để hiểu biết về chính mình. Nhưng họ mãi
không thỏa và không gì lắp đầy những thao thức đó của họ. Một mặt, con người thấy
mình là trung tâm, đỉnh cao và là thước đo của vạn vật, nhưng đàng khác họ cũng
thấy mình nhỏ bé, khinh bỉ đến độ tuyệt vọng. Họ luôn phải sống trong tình trạng
mâu thuẫn, giằng co giữa lo âu và hy vọng. Cảm thấu cho những nỗi khó khăn, bấp
bênh mà con người phải đối diện, dưới ánh sáng mạc khải của Thiên Chúa, Giáo hội
đem lại những lời giải đáp có thể trả lời cho những nghi vấn của con người để
giúp họ nhận thức sự cao quý của phẩm giá con người và giúp họ sống đúng ơn gọi
làm người, hầu tìm được nguồn cứu cánh vĩnh phúc cho đời mình.
Phẩm giá con
người được Giáo hội bàn luận dưới nhiều chiều kích khác nhau như tín lý, luân
lý, Kinh Thánh, hay dưới các môn triết học, thần học… Tuy nhiên, trong giới hạn,
bài viết chỉ trình bày phẩm giá con người và huấn quyền của Giáo hội cách khái
quát qua hai phần: phần thứ nhất là nền tảng phẩm giá con người; phần thứ hai
là phẩm giá con người và huấn quyền của Giáo Hội, trong đó sẽ khái
quát chung về huấn quyền của Hội Thánh, cách riêng trong hiến chế mục vụ
Gaudium et Spes.
II. NỘI DUNG
CHÍNH
1.
Nền tảng phẩm
giá con người
Dưới ánh sáng
mạc khải, chúng ta nhận biết phẩm giá con người được bắt nguồn từ Thiên Chúa.
Trong Cựu Ước, trình thuật St 1,27 vén mở Thiên Chúa tạo tác con người giống
hình ảnh của Thiên Chúa. Chính điều này làm cho con người có một giá trị cao
quý, hơn cả những thụ tạo thần thiêng. Nhưng tội lỗi đã làm cho phẩm giá vốn
cao quý ấy bị hư hao, thương tổn và gãy đổ. Cho đến thời Tân Ước, qua Người Con
Chí Ái là Đức Giêsu Kitô, Ngài đã chuộc trả và phục hoàn phẩm giá ấy cho con
người bằng chính giá máu của Ngài đổ ra trên thập giá.
Hơn nữa,
chính Ngài còn đồng hóa mình với những người đói khát, trần truồng, khách lạ,
đau yếu, tù tội (x. Mt 25,31-46). Từ đó, cho ta thấy phẩm giá con người là cao
quý và bất khả xâm phạm. Đồng thời, qua sứ mạng và những giáo huấn của Đức
Giêsu, chúng ta phải chân nhận rằng, con người dù ở bất cứ địa vị, giới tính,
tuổi tác, trình độ, hoàn cảnh nào chăng nữa cũng đều có một phẩm giá như nhau. Vì
mỗi người là độc đáo và duy nhất trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa.
Ý thức rõ điều
này, Giáo hội hôm qua cũng như hôm nay đã không ngừng lên tiếng, nỗ lực bằng
nhiều phương thế để loan báo cho thế giới biết chân lý về phẩm giá con người.
Phẩm giá ấy cần được bảo vệ bằng mọi giá, nhất là những phận người nghèo khổ, những
thai nhi, trẻ em mồ côi, những người già yếu, bệnh tật, những người di dân, tị
nạn… họ là những kiếp người cùng khốn, bị gạt ra bên lề xã hội, phải sống dưới
đáy xã hội, bị bỏ rơi, bị khinh thường và bị xem là gánh nặng của xã hội.
2. Phẩm giá con người và huấn quyền của Giáo Hội
2.1.
Phẩm giá
con người và huấn quyền của Giáo Hội
Trong dòng lịch
sử, phẩm giá con người luôn là mối bận tâm sâu xa của Giáo hội. Vì thế, trong
các văn kiện của Tòa thánh, việc bảo vệ và đề cao phẩm giá con người luôn được
nhắc đến cách phổ biến. Điển hình, trong thông điệp Rerum Novarum (1891), Đức Lêô XIII không ngừng nói lên tiếng nói
bênh vực cho giai cấp công nhân, những người lao động nghèo khổ đang bị bóc lột.
Đồng thời, ngài cũng tỏ rõ lập trường bảo vệ và nâng cao phẩm giá của người
nghèo. Hay trong thông điệp Quadra Gesimo
(1931) của Đức Piô XI bàn về trật tự trong xã hội; thông điệp Mater et Magistra (1961) của Đức Gioan
XXIII bàn về những tiến bộ xã hội. Đặc biệt, trong hiến chế Gaudium et Spes (1965) của Công đồng
Vatican II đã đánh dấu một bước ngoặt lớn của Giáo hội trong vai trò bảo vệ và
nâng cao phẩm giá con người. Sau này, trong thông điệp Redemptor Hominis (1979) Đức Gioan Phaolô II cũng nói nhiều về mầu
nhiệm cứu chuộc và phẩm giá con người; và trong thông điệp Evangelium Vitae (1995) nói về việc tôn trọng và bảo vệ sự sống, phẩm
giá con người.
Cho đến hôm
nay, tiếp nối đường hướng và tư tưởng của các vị tiền nhiệm, Đức Phanxicô cũng
không ngừng lên tiếng bênh vực và bảo vệ phẩm giá con người. Cụ thể, trong
thông điệp Fratelli Tutti (2020),
ngài mời gọi mọi người hướng đến một tình yêu không biên giới trong sự tôn trọng
và yêu mến tha nhân, vượt qua mọi rào cản xuất xứ, quốc tịch, màu gia hay tôn
giáo… vì tất cả là anh chị em, con một Cha trên trời.
Lược qua đôi
nét về những huấn quyền của Hội Thánh, chúng ta thấy Giáo hội đã nỗ lực rất nhiều
trong các đường hướng mục vụ về việc bảo vệ phẩm giá con người. Nhưng để nói về
phẩm giá con người, không thể không nhắc đến những đóng góp quan trọng của Công
đồng Vatican II, đặc biệt trong hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, đã dành ra nhiều
số để nói về vấn đề này. Qua đó, Giáo Hội muốn đem lại câu trả lời đích thực về
thân phận con người trong cái nhìn toàn diện. Con người tuy yếu hèn, tội lỗi,
nhưng đồng thời cũng mang một phẩm giá cao quý, siêu việt vì đã được chính Con
Thiên Chúa đảm nhận và nâng cao qua mầu nhiệm Nhập Thể. (x. GS 12.22)
2.2.
Phẩm giá con người trong Gaudium et Spes
2.2.1. Quan điểm của Giáo hội trình bày về phẩm giá
con người
Để đối thoại với thế giới, hiến chế khởi đi từ ngôn ngữ chung của loài người,
đó là ngôn ngữ của pháp luật quốc tế và nhân quyền. Trong đó, phẩm giá con người
được khẳng định dựa trên các tài năng tinh thần: trí tuệ, lương tâm, tự do (số
15-17), trước khi nói tới phẩm tính cao quý vì đã được kết hợp với Chúa Kitô –
con người mới (số 22). Qua đó, Giáo hội không chỉ trình bày về phẩm giá con người,
mà còn giúp con người hiểu rõ về nguồn gốc, ý nghĩa, cùng đích tối hậu của con
người.
Hiến chế đã nêu rõ lập trường và quan điểm của Giáo hội rằng: Phẩm giá con
người rất cao cả vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa, được biểu lộ một cách
trọn vẹn nơi Chúa Kitô. (x. GS 12.22) Vì vậy, phải gìn giữ, bảo vệ, và thăng tiến
phẩm giá con người trong mọi hoàn cảnh. Do đó, Giáo hội lên án mọi hành vi chà
đạp, xúc phạm đến phẩm giá con người.
GS số 27 trình bày những hình thức xúc phạm phẩm giá con người. Đó là những
gì đi ngược lại với sự sống, những hành vi giết người dưới bất kỳ hình thức nào:
diệt chủng, phá thai, giết người cách êm dịu, hoặc trợ tử; hay tất cả những
hình thức xâm phạm sự toàn vẹn của nhân vị con người, như cắt bỏ một phần thân
xác, hành hạ về mặt thể lý hay tinh thần; và cả những hình thức xúc phạm đến
nhân phẩm, không đảm bảo cho họ những mức độ sống tối thiểu của một con người;
hiến chế cũng lên án mạnh mẽ những kẻ dùng
người khác như là phương tiện, một món đồ để trục lợi dưới nhiều hình thức:
giam cầm vô cớ, lưu đày, nô lệ, mại dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em;... Tất cả
những hành động ấy và những hành động tương tự đều là những hành động đáng xấu
hổ. Nó không chỉ xâm phạm đến sự sống, làm băng hoại, thối nát nền văn minh
nhân loại, mà còn là một sự phạm thánh vì đã xúc phạm nặng nề đến danh dự của Đấng
Tạo Hóa.
2.3.
Sứ mạng của Giáo hội trong việc bảo vệ và nâng cao phẩm giá con người
Nhận thức rõ vai trò và sứ mệnh của mình giữa
lòng thế giới trong việc bảo vệ phẩm giá con người, Giáo hội kêu gọi con cái
mình là các Kitô hữu và cộng đồng nhân loại hãy sống bác ái, yêu thương, hiệp
nhất (GS 24). Giáo Hội cũng mời gọi mọi người hãy tôn trọng nhân vị và các quyền
con người, phải xem anh chị em đồng loại như “bản thân thứ hai” của mình, và giúp họ đảm bảo một đời sống
xứng hợp với nhân phẩm. (x. GS 27)
Cách cụ thể, Giáo hội không chỉ kêu gọi mọi người, nhất là các cường quốc
đang thâu tóm quyền lực và sức mạnh về kinh tế, chính trị, xã hội… cần chấm dứt
những hành vi chiến tranh, xung đột, khủng bố, bạo lực, bóc lột…; mà còn cổ võ và
thúc đẩy xây dựng nền công lý và hòa bình trên thế giới, mời gọi con người sống,
công bằng (28), bình đẳng (29), liên đới (32), hòa bình (77), xây dựng công ích
xã hội (26; 77), có trách nhiệm trên nhau và cộng tác với nhau (71), để làm cho
thế giới này nên nhân bản hơn, văn minh hơn và thiện hảo hơn.
Giáo Hội không những khuyến khích con cái mình và cộng đồng nhân loại quảng
đại dấn thân cho con người và phẩm giá con người; mà còn hướng dẫn và chỉ ra
con đường tiến tới sự hoàn thiện phẩm giá con người, đó là đưa phẩm giá con người
đến chỗ thành toàn trong Đức Kitô, trong Thiên Chúa. Để cuối cùng, phẩm giá con
người và chính con người đạt đến cùng đích thật là chính Thiên Chúa hằng sống
(x. GS số 45.93).
Tóm lại, trong các giáo huấn xã hội, Giáo hội rất chú trọng và nhấn mạnh đến
giá trị bất khả tương nhượng của nhân phẩm con người. Việc tranh đấu để bảo vệ
và phát triển nhân vị được coi là trái tim và linh hồn trong các Giáo huấn xã hội
của Giáo Hội. Tất cả mọi tổ chức và cơ cấu của xã hội phải nhằm phục vụ con người,
hướng tới con người và cho con người, trong trật tự giá trị: con người là mục
đích, không là phương tiện.
III.
KẾT LUẬN
Giữa một thế giới đang bị khủng hoảng và gãy đổ về nhiều mặt. Tiêu chuẩn
chân thực của phẩm giá con người – là tiêu chuẩn về sự tôn trọng, tặng trao và
phục vụ – bị thay thế bằng tiêu chuẩn của hiệu quả tính, chức năng tính và duy
ích tính: người ta được quý trọng không vì họ là ai, mà vì họ có gì, làm gì và
đưa lại được gì… Nhưng dưới ánh sáng Tin Mừng, chúng ta biết rằng Thiên Chúa nhìn
con người trong một cách thức hoàn toàn khác. Con người là những nhân vị được
yêu thương, được kêu gọi tới kết hiệp với Thiên Chúa. Phẩm
giá con người giá trị nơi “cái
là”/being, không phải nơi “cái có”/having.
Như vậy, qua Công đồng Vatican II, đặc biệt là qua
hiến chế Gaudium et Spes, Giáo Hội như muốn khẳng định: con người có thiên chức
và phẩm giá cao cả. Phẩm giá này xuất phát từ Thiên Chúa và phải được quy hướng
về Thiên Chúa là nguyên ủy, cùng đích và tối hậu của mọi loài. Đồng thời, Giáo
hội cũng nhận ra ơn gọi và sứ mạng của mình trong lời kêu mời dấn thân cho
Thiên Chúa, với sứ mạng cao cả là: bảo vệ, nâng cao, thăng tiến phẩm giá con
người hầu đạt tới cùng đích; và dẫn đưa con người về với Thiên Chúa, Đấng là
nguồn của phẩm giá, nguồn vĩnh phúc, nguồn sự sống và nguồn ơn cứu độ của con
người.
Ước gì, Giáo Hội không bao giờ mệt mỏi khi phải dấn thân trong sứ mạng bảo
vệ, đề cao và loan báo chân lý về phẩm giá con người. Bởi vì, đó là ý định là lệnh
truyền của Thiên Chúa, Đấng đã đến để cứu độ và nâng cao phẩm giá con người. Ước
gì, người với người luôn biết tôn trọng phẩm giá của tha nhân như “bản thân thứ
hai” của mình, để mỗi người luôn được sống xứng với nhân phẩm của mình. Và ước
gì, lời Chúa trong dụ ngôn người Samari nhân hậu luôn mãi vọng vang trong tâm hồn
chúng ta, thúc bách chúng ta quảng đại trong việc tôn trọng và bảo vệ phẩm giá
con người: “Hãy đi và hãy làm như vậy.”
(Lc 10,37)