Contents
A. Dẫn nhập
B. Hôn
nhân theo Ngũ Thư
I. Hôn
nhân chỉ có nơi con người
1. Con người là một thụ tạo siêu việt
2. Hôn nhân chỉ có nơi
con người
II. Hôn nhân theo Ngũ Thư và tiến trình hôn nhân
1. Hôn nhân do Thiên
Chúa xếp đặt
2. Hôn nhân được xếp đặt
bởi người cha
3. Hôn nhân một vợ một
chồng
4. Từ một vợ một chồng
đến đa thê
5. Các bước diễn tiến của
hôn nhân
5.1 Chọn vợ
5.1.1 Ưu tiên trong dòng tộc
5.1.2 Chọn vợ khác dòng tộc, khác
tôn giáo
5.2 Hỏi vợ
5.3 Đính hôn
5.4 Cưới vợ
III. Luật hôn nhân
1. Người thừa tự (heir)
1.1 Tầm quan trọng của người thừa
tự
1.2 Quyền thừa tự của trưởng nam
1.3 Con gái có được thừa tự
1.4 Thừa tự của những người con cùng cha khác mẹ
2. Ly dị & Bà góa
2.1 Ly dị
2.2 Bà góa
3. Luật theo hôn nhân
theo Ngũ Thư
C. Hôn
nhân theo Ngũ Thư liên hệ đến mặc khải của Chúa Giêsu.
1. Mặc khải của Chúa
Giêsu về hôn nhân
2. Giáo lý hôn nhân của
Hội Thánh Công Giáo
3. Kết luận
A.
Dẫn nhập
Con người một khi suy tư về chính mình,
càng thấy mình thật kỳ lạ, một trong những điều kỳ lạ chỉ có nơi con người đó
là hôn nhân. Hôn nhân liên kết người nam và người nữ để hai người họ thành vợ
thành chồng, kỳ lạ trong khi các loài thụ tạo khác không có hay không cần biết
đến hôn nhân. Kỳ lạ nữa, hôn nhân này là một giao ước mang tính pháp lý được
Pháp luật và Giáo luật bảo vệ (đối với người Công giáo). Chính những điều kỳ lạ
của hôn nhân đã làm cho con người siêu vượt lên trên các loài thụ tạo khác. Ngũ
Thư[1] là năm cuốn sách đầu tiên
của bộ Kinh Thánh Do Thái Giáo, cũng như của Công Giáo đã vén mở cho chúng ta
cái nhìn gì về Hôn Nhân thời Cựu Ước, hay nói đúng hơn cho chúng ta cái nhìn gì
về hôn nhân mà Đấng Tạo Hóa muốn khi Ngài thiết lập hôn nhân cho con người. Dựa
trên các bản văn Kinh Thánh theo Ngũ Thư, người viết trình bày cấu trúc bài viết
của mình thành ba phần:
1.
Phần một: Phần dẫn nhập như đã trình bày ở
trên.
2.
Phần hai: Trình bày hôn nhân theo Ngũ Thư.
Trong phần này, trước hết sẽ khảo cứu do đâu mà hôn nhân chỉ có nơi con người.
Thứ đến, sẽ tìm hiểu hôn nhân theo Ngũ Thư, và tìm hiểu các bước diễn tiến của
hôn nhân. Cuối cùng, chúng ta tìm hiểu về luật hôn nhân thời bấy giờ.
3.
Phần ba: Hôn nhân
theo Ngũ Thư có liên hệ gì đến hôn nhân được Chúa Giêsu mặc khải.
B.
Hôn nhân theo Ngũ
Thư
I. Hôn nhân chỉ có nơi con người
1.
Con người là một thụ tạo siêu việt
Mọi sự tạo dựng điều tốt đẹp. Đó là đức
tin và là cái nhìn của Cựu Ước về vũ trụ quan và nhân sinh quan. Sách Sáng Thế
trong những chương đầu tiên cho biết: Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa, chính Người
đã tạo dựng nên vũ trụ cùng muôn vật muôn loài trong đó có con người, và Người
đã tạo dựng nên tất cả điều tốt đẹp đúng theo ý muốn của Ngài (St
1,4.10.12.18.21.25.31).
Con người là một thụ tạo đặc biệt, siêu việt
trên muôn loài thụ tạo. Sách Sáng Thế trình thuật, con người được chính Thiên
Chúa nắn đúc tạo dựng nên bằng chính đôi tay của Ngài sau cùng vào ngày thứ Sáu
(St 1,31). Thứ hai, với ngôn ngữ biểu trưng “ĐỨC
CHÚA là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Ê-đen, về phía đông, và đặt vào đó con
người do chính mình nặn ra” (St 2,8), cho thấy mọi tạo vật Thiên Chúa tạo dựng
trước đó đều nhằm mục đích chuẩn bị để chào đón thụ tạo đặc biệt, thụ tạo được
tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Thụ tạo đó có tên gọi là con người, và nhân
vật đặc biệt đó sẽ làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất
và mọi giống vật bò dưới đất (St 1,26). Ngũ Thư cho biết, con người là người quản
lý mọi tài sản của Thiên Chúa, được Thiên Chúa trao phó trách nhiệm quản lý
chăm sóc tất cả các loài thụ tạo. Chính vì điều đó mà con người vượt lên trên
các loài thụ tạo khác. Thứ ba, phẩm giá con người trở nên cao quý bởi vì được dựng
lên giống hình ảnh Thiên Chúa, và được sống bởi chính sinh khí của Thiên Chúa
(St 1,27; 2,7). Kế tiếp, cả người nam và người nữ đều có phẩm giá ngang nhau
(bình đẳng giới), cả hai đều được nhận lời chúc phúc vì cả hai đều được dựng
nên theo hình ảnh Thiên Chúa (St 1,28). Cuối cùng, chỉ nơi con người mới có hôn
nhân. Hôn nhân của họ được Thiên Chúa liên kết thành một xương một thịt, cho
nên giao kết hôn nhân của họ là hôn nhân một vợ một chồng và bất khả phân ly:
“Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một
xương một thịt” (St 2,28).
2.
Hôn nhân chỉ có nơi con người
Thiên Chúa thiết lập hôn
nhân duy chỉ nơi con người. Hôn nhân là ý muốn tốt lành của Thiên Chúa. Ngài
thiết lập liên kết một người nam và một người nữ thành một xương một thịt, nhờ
đó họ thành vợ thành chồng. Như vậy, ý định ban đầu của một hôn nhân đúng ý
Thiên Chúa là:
·
Sự kết hợp giữa một người
nam (chồng) và một người nữ (vợ).
·
Đây là “đơn hôn” và “vĩnh
hôn”, bởi vì người nam và người nữ kết hợp thành một xương một thịt duy nhất,
cho nên không thể chia sẻ thêm với người khác và không thể tách rời nhau trừ
khi một trong hai người qua đời cách tự nhiên.
Các thụ tạo khác không một
thụ tạo nào có được sự liên kết hôn nhân đặc biệt này. Tất cả thụ tạo khác cũng
đảm nhận sứ mạng sinh sản tùy theo loài của mình theo quy luật Thiên Chúa đã tạo
dựng (theo quy luật tự nhiên), Ngũ Thư cho biết điều khác biệt đó:
Thiên
Chúa phán: “Đất phải sinh thảo mộc xanh tươi, cỏ mang hạt giống, và cây trên mặt
đất có trái, ra trái tùy theo loại, trong có hạt giống.” Thiên Chúa
phán: “Đất phải sinh ra các sinh vật tùy theo loại: gia súc, loài bò sát và dã
thú tùy theo loại.” Liền có như vậy. Thiên Chúa phán: “Nước phải sinh ra đầy
dẫy những sinh vật lúc nhúc, và loài chim phải bay lượn trên mặt đất, dưới vòm
trời.” (St 1,11.24.20)
Khách quan mà nói, không một loài thụ tạo nào được Thiên Chúa đặc biệt
liên kết nên một thành vợ thành chồng như con người. Ngũ Thư cho biết: “người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn
bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt. Hai người đã nên một, chính
vì thế “con người và vợ mình, cả hai đều trần truồng mà không xấu hổ trước mặt
nhau” (St 2,24-25). Từ “vợ” xuất hiện ngay sau khi họ được liên kết nên một với
người nam, và được người phối ngẫu gọi là “vợ” để thay thế cho danh xưng người
đàn bà. Như thế qua liên kết hôn nhân, người đàn
bà mà xương bởi xương tôi nay được gọi bằng một từ rất yêu thương là “vợ”. Sách
Sáng Thế nhắc đến 128 lần từ vợ, còn từ “chồng” cũng được nhắc đến và xuất hiện
15 lần, và tương tự được người vợ gọi để thay thế cho danh xưng người đàn ông:
Người đàn bà thấy trái cây đó: Ăn thì phải ngon, trông thì
đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà
ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn” …. Với người đàn bà, Chúa phán: “Ta sẽ làm cho ngươi phải
cực nhọc thật nhiều khi thai nghén; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con. Ngươi
sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi (St 3,6.16).
Hôn nhân liên kết người
nam và người nữ trở thành vợ thành chồng, thành một gia đình mới. Hai con người
xa lạ nay trở nên một và bổ túc cho nhau, yêu thương nhau, cùng nhau cộng tác với
Thiên Chúa trong công cuộc truyền sinh, thành một gia đình mới, một cộng đoàn mới
(St 2,28). Vậy, quan niệm hôn nhân theo Ngũ Thư ra sao, và tiến trình diễn ra như
thế nào? Dựa theo các bản văn Kinh Thánh theo Ngũ Thư và văn hóa cùng thời,
chúng ta cùng tìm hiểu về Hôn Nhân theo Ngũ Thư.
II. Hôn nhân theo Ngũ Thư và tiến trình hôn nhân
1.
Hôn nhân do Thiên Chúa xếp đặt
Ngay từ đầu, Ngũ Thư xác tín hôn nhân là do Thiên Chúa xếp
đặt. Thật vậy qua lối diễn tả của Ngũ Thư, chúng ta có thể hình dung Thiên Chúa
như là một người mai mối xe duyên. Ngài cầm tay cô dâu, người đàn bà vừa được Ngài
tạo dựng từ xương sườn của người đàn ông (St 2,21), và trao tay nàng vào tay
người đàn ông (St 2,22), để họ thành vợ thành chồng như trong các lễ cưới ngày
nay mà chúng ta thường thấy người cha trao con gái mình vào tay chú rể (St
2,23-25). Sau này, niềm tin Thiên Chúa chính là người liên kết hôn nhân được
bắt gặp trong trường hợp chọn vợ cho I-xa-ác. Số là, lão bộc của ông Áp-ra-ham đã
theo lệnh của chủ đi chọn vợ cho I-xa-ác, ông đã xin Thiên Chúa một dấu chỉ như
là ý Chúa đã xe duyên, xếp đặt cho hôn nhân:
Cô nào con nói: “Cô làm ơn nghiêng vò
cho tôi uống”, mà cô ấy trả lời: “Xin mời ông, con sẽ cho cả lạc đà của ông
uống nữa”, thì đó là người Chúa đã xe duyên cho tôi tớ Chúa là I-xa-ác; cứ đó,
con sẽ biết rằng Chúa đã tỏ tình thương đối với chủ con.” (St 24,14)
Niềm tin này không chỉ ở đất Ca-na-an nhưng ở
các vùng khác họ cũng tin như vậy. Cụ thể là ông La-ban thì ở đất Ca-na-an, còn
ông Bơ-thu-ên thì ở miền A-ram Na-ha-ra-gim, hai ông này biểu trưng cho hai
vùng miền khác nhau, nhưng cùng chung một niềm tin hôn nhân là do Đức Chúa xe
định. Cả hai ông đều tuyên xưng: “Việc này ĐỨC CHÚA đã xe định, chúng tôi không
thể nói thuận hay nghịch nữa. (St 24,50).
2.
Hôn nhân được xếp đặt bởi người cha[2]
Hôn nhân là do Thiên Chúa xe duyên mang yếu tố siêu nhiên,
nhưng hôn sự dưới đất là do người cha sắp đặt. Điều này được dựa trên tường
thuật về việc ông Áp-ra-ham khi đã già nua căn
dặn người lão bộc sống lâu năm, và cũng là người quản lý mọi tài sản của ông.
Áp-ra-ham đã bắt ông lão bộc thề nhân danh ĐỨC CHÚA là Chúa trời đất, sẽ không
cưới cho con trai Áp-ra-ham một người vợ trong số con gái xứ Ca-na-an. Nhưng
phải cưới người trong họ hàng của ông, cho đứa con là I-xa-ác (St 24,1-4). Bối
cảnh cho thấy, hôn nhân của I-xa-ác được cha ông xếp đặt. Bên cạnh đó, người
phối ngẫu luôn ưu tiên là những người trong họ hàng của mình (endogamy)[3]. Lý do ưu tiên “nội
giao – endogamy” rất có thể là để duy trì dòng dõi mà ĐỨC CHÚA là Chúa
Trời đã hứa với Áp-ha-ham: Đấng đã đưa ông Áp-ra-ham ra khỏi nhà cha ông, khỏi
quê hương ông, Đấng đã phán với ông và thề với ông: “Ta sẽ ban cho dòng dõi
ngươi đất này” (St 24,7).
Khi so sánh với truyền thống văn hóa Á Đông,
hôn nhân thời xưa cũng do cha mẹ đặt đâu thì con ngồi đó. Hai nền văn hóa cũng
có những nét tương đồng với nhau, cụ thể như trường hợp của I-xa-ác. Ngoài ra,
một điểm khác cũng cho thấy hai nền văn hóa tương tự nhau, đó là vợ chồng trước
khi về chung sống thường không biết mặt nhau, chỉ có người mai mối mới biết mặt
cô dâu và chú rể như trường hợp của I-xa-ác và Rê-bê-ca:
Cậu I-xa-ác ra ngoài đồng dạo mát lúc chiều
tà. Ngước mắt lên, cậu thấy một bầy lạc đà đang tiến đến. Ngước mắt lên,
cô Rê-bê-ca thấy cậu I-xa-ác, cô bèn từ trên lưng lạc đà nhảy xuống và hỏi
người lão bộc: “Người đang đi ngoài đồng tiến về phía chúng ta là ai đó?” Người
lão bộc trả lời: “Chủ tôi đấy!” Cô bèn lấy chiếc khăn che mặt. Người lão bộc
thưa lại với cậu I-xa-ác tất cả những gì ông đã làm. Cậu I-xa-ác đưa cô
Rê-bê-ca vào lều của bà Xa-ra mẹ cậu; cậu lấy cô làm vợ, cậu yêu thương cô và
khuây khỏa được nỗi buồn mất mẹ (St 24, 63-66).
Thông thường, con cái luôn vâng theo sự xếp đặt của cha mẹ,
đặc biệt nơi người con gái. Trường hợp Rê-bê-ca là một ví dụ điển hình:
“Chúng ta hãy gọi con bé ra và hỏi
xem ý nó thế nào.” Họ gọi cô Rê-bê-ca ra và hỏi: “Rê-bê-ca, có muốn đi với
ông này không?” Cô trả lời: “Có.” Thế rồi họ tiễn cô Rê-bê-ca, người em
của họ, đi cùng với người vú nuôi của cô, người lão bộc của ông Áp-ra-ham và
những người đi theo ông. (St 24,57-59).
3.
Hôn nhân một vợ một chồng
Ý định ngay từ ban đầu của hôn nhân tự nhiên
được Thiên Chúa thiết lập và chúc phúc là một vợ một chồng. Thứ nhất, dựa trên nền
tảng người nam và người nữ đều bình đẳng, không phân biệt giới tính, cả hai đều
có phẩm giá cao quý như nhau vì họ đều được tạo dựng nên theo hình ảnh của
Thiên Chúa:
Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo
hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim
trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.”
Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con
người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. (St 1,26-27).
Thứ hai, con người ở một mình không tốt, vì
thế Thiên Chúa đã làm cho con người một trợ tá tương xứng, hai người bổ túc cho
nhau, chứ không phải để thống trị nhau (St 2,18). Cuối cùng, cả hai liên kết
thành một xương một thịt (St 2,24). Chính vì thế, không thể liên kết thêm hay
tách rời được (đơn hôn), và chung thủy với nhau đến trọn đời (vĩnh hôn). Nhưng
do đâu sau này lại xuất hiện tình trạng đa hôn, và đa hôn ngày càng phổ biến?
4.
Từ một vợ một chồng đến đa thê
Kinh Thánh ghi nhận trường hợp đa thê chính
thức ở chương 4 sách Sáng Thế, nghĩa là ngay sau khi con người nguyên tổ phạm
tội không vâng nghe theo lời Thiên Chúa ở chương 3. Ông La-méc đã lấy hai vợ,
một bà tên là A-đa, bà thứ hai tên
là Xi-la (St 4,19). Trước đó
La-méc, các tộc trưởng của dòng dõi ông Sết vẫn tuân thủ chế độ một vợ một
chồng, cụ thể như ông Nô-e (St 7,7)[4]. Vậy đâu là nguyên nhân xuất hiện tình trạng đa thê? Kinh Thánh tường
thuật, lúc chưa phạm tội, người nam (chồng) nói với người nữ (vợ): “Phen này,
đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì
đã được rút từ đàn ông ra.” (St 2,23). Nhưng sau khi đã bất tuân với lời của
Thiên Chúa, con người và vợ mình đã ăn trái cây mà Thiên Chúa đã cấm không được
ăn, thì mọi sự đã đảo lộn, trật tự cũng thay đổi (St 3,11). Các mối tương
quan giờ đây đã thay đổi: từ yêu thương tôn trọng phẩm giá lẫn nhau, vợ chồng
bình đẳng … Nay do tội, mối tương quan trở nên thống trị và thèm muốn lẫn nhau.
Người nữ trở nên thua kém người nam, hay nói cách nặng nề hơn là tương quan
giữa họ xem như chủ và nô lệ, người nữ mất hết quyền lợi: “ngươi (vợ) sẽ thèm
muốn chồng ngươi, và nó (người chồng) sẽ thống trị ngươi (vợ).” (St 3,16).
Tình trạng đa thê ngày
càng trở nên phổ biến. Ngũ Thư ghi nhận trường hợp hôn nhân của Gia-cóp, người
sau này được Thiên Chúa đổi tên là Is-ra-el và là tổ phụ của 12 chi tộc mang
tên ông. Hôn nhân đa thê của Gia-cóp được tóm tắc như sau:
Ông
I-xa-ác sai ông Gia-cóp đi đến nhà ông La-ban là con trai ông Bơ-thu-ên, người
A-ram, và là anh bà Rê-bê-ca (St 28,5). Ông La-ban có hai con gái,
cô chị tên là Lê-a, cô em tên là Ra-khen. Gia-cóp yêu cô Ra-khen vì cô
duyên dáng và có nhan sắc, cho nên ông sẵn sàng phục vụ ông La-ban bảy năm để
được cưới Ra-khen, người con gái út. Ông La-ban đồng ý thỏa thuận
đó. Vì cô Ra-khen, Gia-cóp đã phục vụ bảy năm, và đến hạn ông nói với ông
La-ban : “Xin bác giao vợ cháu cho cháu, vì cháu đã mãn hạn, và cháu muốn lui
tới với nàng.” Nhưng ông La-ban lại đánh lừa Gia-cóp dẫn cô Lê-a, con gái
lớn của ông, đến và cho ăn nằm với ông. Vì yêu Ra-khen và để cưới cô, Gia-cóp đã
phục vụ ở nhà ông La-ban thêm bảy năm nữa. (St 29,16-30)
Theo luật Hammurabi
(ca. 1750 BC) : đàn ông không được lấy người đàn bà thứ hai làm vợ trừ khi
người vợ thứ nhất không thể sinh con thừa tự cho chồng. Trong trường hợp ấy,
chồng được phép lấy thêm vợ, hoặc vợ cả tự chọn người vợ lẽ với mục đích để
sinh con nối dõi tông đường cho chồng (St 16,1-6 ; 21,10-12). Luật này
được nới rộng vào thời Gia-cóp, ông đã cưới hai bà vợ là hai chị em ruột, và
mỗi người đã cho thêm hai nữ tỳ của mình đi lại ăn ở với ông (St 26,34 ;
28,9 ; 36,1-5)[5].
5.
Các bước diễn tiến của
hôn nhân
5.1 Chọn vợ
5.1.1 Ưu tiên trong dòng tộc
Hôn nhân theo Ngũ Thư
là do cha mẹ xếp đặt. Chính vì thế, chọn vợ cho con là một điều quan trọng và
cũng là trách nhiệm của người làm cha. Ông Áp-ra-ham đã bắt ông lão bộc đặt tay
dưới đùi mình, và bắt ông thề nhân danh ĐỨC CHÚA là Chúa trời đất sẽ không
cưới cho con trai ông một người vợ trong số con gái xứ Ca-na-an, nơi ông đang
sống. Nhưng phải về quê, đến với họ hàng ông Áp-ra-ham để tìm và cưới vợ
cho con ông Áp-ra-ham là I-xa-ác.” (St 24,3-5). Tương tự như vậy, Gia-cóp cưới
hai cô con gái của La-ban, ông là anh của mẹ Gia-cóp, hai nhà có cốt nhục với
nhau (St 29,10-14).
Đâu là lý do ưu tiên phải
chọn vợ trong dòng tộc (endogamy)? Như đã trình bày ở trên, có thể là để duy
trì dòng dõi mà ĐỨC CHÚA đã phán và thề với ông Áp-ra-ham: “Ta sẽ ban cho
dòng dõi ngươi đất này” (St 24,7). Để tiếp tục duy trì dòng dõi “Giao Ước, để
thật là một dân thánh hiến cho ĐỨC CHÚA, dân được ĐỨC CHÚA đã chọn từ giữa muôn
dân trên mặt đất, làm một dân thuộc quyền sở hữu của Người” (Dnl 7,6). Do đó,
sau này việc chọn vợ trong dòng tộc được xiết chặt hơn và đưa lên thành luật:
Anh (em)
không được kết nghĩa thông gia với chúng: Không được gả con gái anh (em) cho
con trai chúng và cưới con gái chúng cho con trai anh (em), vì điều đó sẽ
khiến con trai anh (em) không còn theo ĐỨC CHÚA nữa, nó sẽ thờ những thần khác;
bấy giờ, ĐỨC CHÚA sẽ nổi cơn thịnh nộ với anh (em) và sẽ mau chóng tiêu diệt
anh (em). (Dnl 7,3-4)
Người dân ở vùng
Mê-sô-pô-ta-ni-a lúc bấy giờ theo tín ngưỡng đa thần. Ngay cả ông Áp-ram trước
khi được Thiên Chúa gọi “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới
đất Ta sẽ chỉ cho ngươi” thì có lẽ ông cũng có thần của nhà cha ông rồi (St
12,1). Chính vì thế, một khi cưới người không phải trong bộ tộc hay họ hàng sẽ
có nguy cơ mang thần lạ hay ngẫu tượng về tôn thờ, điển hình như trường hợp của
vua Sa-lô-môn sau này. Đức Chúa, mang danh là Đấng ghen tương, cho nên Ngài
không chấp nhận việc dân của Ngài lại quy phục và thờ các ngẫu tượng khác để trở
nên đàng điếm:
Hãy giữ kỹ điều Ta truyền
cho ngươi hôm nay. Này Ta sắp đuổi cho khuất mắt ngươi những người E-mô-ri,
Ca-na-an, Khết, Pơ-rít-di, Khi-vi, Giơ-vút. Hãy ý tứ, đừng lập giao ước
với dân cư trong xứ nơi ngươi sắp vào, kẻo chúng trở thành một cạm bẫy ở giữa
ngươi. Trái lại, bàn thờ của chúng, phải phá hủy, trụ đá của chúng, phải
đập tan, cột thờ của chúng, phải chặt đi. Vậy ngươi không được phủ phục
trước một thần nào khác, vì ĐỨC CHÚA mang danh là Đấng ghen tương, Người là một
Vị Thần ghen tương. Ngươi không được lập giao ước với dân cư trong xứ, kẻo khi
chúng đàng điếm với các thần của chúng và tế họ, chúng sẽ mời ngươi và ngươi sẽ
ăn đồ cúng của chúng, ngươi sẽ kén vợ cho con trai ngươi trong số con gái
chúng, con gái chúng sẽ đàng điếm với các thần của chúng và làm cho con trai
ngươi đàng điếm với các thần đó. (Xh 34,11-16)
Riêng với chi tộc Lê-vi, ngoài những
điều kiện trên, tiêu chuẩn chọn vợ phải nghiêm khắc hơn vì đây là dòng dõi tư
tế được thánh hiến để tiến dâng của lễ lên Đức Chúa:
Nó sẽ
cưới một người nữ còn trinh. Đàn bà góa hay bị chồng bỏ, người bị làm nhục
hay làm điếm, những người đó nó không được lấy, mà chỉ được lấy một trinh nữ
trong gia tộc mình làm vợ; như vậy, nó sẽ không làm nhục dòng dõi nó trong
gia tộc nó, vì Ta là ĐỨC CHÚA, Đấng thánh hóa nó.” (Lv 21,13-15)
5.1.2 Chọn vợ khác dòng tộc, khác tôn
giáo
Phải chăng tất cả con
cháu Áp-ra-ham, con cái Is-ra-el chỉ cưới nhưng người trong dòng tộc cùng tôn
giáo với mình? Áp-ram tới với cô hầu Ha-ga người Ai-cập vì Xa-rai hiếm muộn
chưa có con, và theo luật thời bấy giờ con của người hầu sanh ra sẽ là con của
bà chủ. Do đó, trường hợp của Áp-ram không phải là hôn nhân khác dòng tộc hay
khác đạo. Trường hợp hôn nhân khác dòng tộc, khác tôn giáo đầu tiên được ghi
nhận có thể là của Ê-xau, cháu của Áp-ra-ham, con của I-xa-ác: “Khi Ê-xau được
bốn mươi tuổi thì lấy hai người vợ là Giu-đi-tha, con gái ông Bơ-ê-ri người
Khết, và Ba-xơ-mát, con gái ông Ê-lôn người Khết” (St 26,34). Chính vì hôn nhân
khác dòng tộc này mà làm cho “ông I-xa-ác và bà Rê-bê-ca phải cay đắng trong
lòng” (St 26,35). Bà Rê-bê-ca nói với ông I-xa-ác: “Tôi chán không muốn sống
nữa, vì các con gái ông Khết. Nếu Gia-cóp cưới ai trong số con gái ông Khết như
những cô này, đám con gái xứ này, thì tôi còn sống làm gì nữa?” (St 27,46). Hôn
nhân ngoại đạo của Ê-xau rất có thể là một trong những lý do mà ông không được
hưởng quyền thừa tự lời giao ước của Đức Chúa mặc dù ông là trưởng nam, và
quyền thừa tự này đã thuộc về Gia-cóp em của ông. Gia-cóp đã vâng lời cha mẹ mà
đi Pát-đan A-ram, và không cưới ai trong số con gái Ca-na-an theo lời cha mẹ
dặn (St 28,1-9).
Hôn nhân khác dòng tộc
có thể giải quyết với điều kiện người ấy phải cắt bì. Đây là trường hợp đặc
biệt được ghi nhận, và được đưa ra hướng giải quyết.
Cô Đi-na,
người con gái bà Lê-a đã sinh cho ông Gia-cóp, đi ra xem các con gái xứ
ấy. Si-khem, con trai ông Kha-mo, người Khi-vi, đầu mục xứ ấy, trông thấy
thì bắt cô, rồi cưỡng ép cô ăn nằm với mình. Rồi lòng cậu quyến luyến
Đi-na, con gái ông Gia-cóp; cậu yêu cô gái và âu yếm dỗ dành cô. Si-khem
thưa với ông Kha-mo, cha cậu, rằng: “Xin cha cưới cô bé ấy cho con.” Ông
Gia-cóp nghe biết Si-khem đã xâm phạm tiết hạnh của Đi-na, con gái ông, nhưng
vì các con trai ông còn đang ở ngoài đồng với đàn vật của ông, nên ông làm
thinh cho đến lúc họ về. Ông Kha-mo, cha của Si-khem, ra gặp ông Gia-cóp để
nói chuyện với ông. Các con trai ông Gia-cóp ở ngoài đồng về. Vừa nghe
biết chuyện, những người này bực tức và giận dữ lắm, vì Si-khem đã làm điều đồi
bại trong Ít-ra-en, khi ăn nằm với con gái ông Gia-cóp, một điều không được
phép làm. Ông Kha-mo nói với họ rằng: “Si-khem, con trai tôi, phải lòng
con gái các ông, xin các ông gả cô ấy cho nó. Các ông hãy kết nghĩa thông
gia với chúng tôi: các ông sẽ gả các con gái của các ông cho chúng tôi và sẽ
cưới các con gái của chúng tôi về. Các ông sẽ ở với chúng tôi, và xứ này
sẽ mở ra trước mặt các ông: các ông cứ ở đây, đi lại buôn bán ở đây và tậu đất
đai ở đây làm sở hữu.” Si-khem nói với cha và anh em cô gái: “Cháu chỉ
mong được đẹp lòng bác và các anh, rồi bác và các anh đòi gì, cháu cũng xin
nộp. Bác và các anh thách sính lễ quà cáp bao nhiêu, cháu cũng xin nộp như
bác và các anh đòi, chỉ xin gả cô gái cho cháu.” Khi trả lời cho Si-khem và ông
Kha-mo, cha cậu, các con trai ông Gia-cóp đã dùng mưu mà nói, vì cậu đã xâm
phạm tiết hạnh của Đi-na, em gái họ. Họ nói với những người kia: “Chúng
tôi không thể làm điều này là gả em gái chúng tôi cho một người không được cắt
bì, vì đối với chúng tôi, đó là một điều sỉ nhục. Chúng tôi chỉ đồng ý với
điều kiện là các ông trở nên như chúng tôi, nghĩa là cắt bì mọi đàn ông con
trai. Bấy giờ, chúng tôi sẽ gả các con gái của chúng tôi cho các ông và sẽ
cưới các con gái của các ông về, chúng tôi sẽ ở với các ông và chúng ta sẽ
thành một dân duy nhất. Còn nếu các ông không nghe chúng tôi mà chịu cắt
bì, thì chúng tôi sẽ bắt con gái chúng tôi về, và chúng tôi sẽ ra đi.” Lời
lẽ của họ vừa lòng ông Kha-mo và Si-khem, con ông Kha-mo. Chàng trai làm
ngay điều đó, không chậm trễ, vì cậu mê con gái ông Gia-cóp; cậu lại là người
có uy tín nhất trong gia đình. Ông Kha-mo và ông Si-khem, con ông, ra cửa
thành nói với dân rằng: “Những người ấy hiền hòa với chúng ta. Cứ để họ ở
trong xứ, đi lại buôn bán ở đây; xứ này có đủ chỗ cho họ. Chúng ta sẽ cưới các
con gái của họ về, và sẽ gả các con gái của chúng ta cho họ. Nhưng những
người ấy chỉ đồng ý ở với chúng ta để thành một dân duy nhất, với điều kiện là
mọi đàn ông con trai của chúng ta phải chịu cắt bì như họ. Các đàn vật của
họ, tài sản của họ, gia súc của họ sẽ chẳng thuộc về chúng ta sao? Chúng ta chỉ
cần đồng ý với họ là họ sẽ ở với chúng ta.” Tất cả những người ra họp ở
cửa thành ông Kha-mo đều nghe lời ông và Si-khem, con trai ông; mọi đàn ông con
trai, mọi người ra họp ở cửa thành đều chịu cắt bì. (St 34,1-24)
Cắt bì là dấu chỉ giao ước giữa Thiên
Chúa và dòng dõi Áp-ra-ham:
“Đây là giao ước của Ta mà các ngươi phải giữ, giao ước giữa Ta với các
ngươi, với dòng dõi ngươi sau này: mọi đàn ông con trai của các ngươi sẽ phải
chịu cắt bì. Các ngươi phải chịu cắt bì nơi bao quy đầu: đó sẽ là dấu hiệu
giao ước giữa Ta với các ngươi” (St 17,10-11).
Hôn nhân khác chi tộc, khác tôn giáo phát
triển theo qui luật tự nhiên đối với dân du mục. Qua trình thuật trên, hôn nhân
ngoài dòng tộc cũng đem lại nhiều lợi ích cho đôi bên, đặc biệt về kinh tế và
mọi người có thể chung sống an hòa với nhau, cùng nhau an cư lập nghiệp.
Nhưng bên cạnh những ích lợi đó, một số
người nhân danh dòng tộc, nhân danh tôn giáo lấy cớ đó mà giết hại, cướp đoạt
tài sản, và dẫn đến thảm họa với những cuộc chiến trả thù:
Sang ngày thứ ba, khi họ
còn đang đau, thì hai con trai ông Gia-cóp là Si-mê-ôn và Lê-vi, anh
của Đi-na, mỗi người xách
một thanh gươm, vào thành lúc không ai ngờ, và giết mọi đàn ông
con trai. Các cậu đã
dùng gươm giết ông Kha-mo và Si-khem, con trai ông Kha-mo, đem Đi-
na ra khỏi nhà Si-khem,
rồi đi. Các con trai ông Gia-cóp còn đạp lên các xác chết và cướp phá
thành, bởi vì người ta đã
xâm phạm tiết hạnh em gái các cậu[6]. Chiên dê, bò lừa
của họ, những
gì ở trong thành và ngoài
đồng, các cậu đều lấy đi. Các cậu mang theo mọi tài sản cũng như
mọi đàn bà con trẻ của
họ, và cướp phá mọi thứ trong nhà. (St 34,25-29)
Ông Gia-cóp nói với Si-mê-ôn và Lê-vi:
“Các con đã mang họa đến cho cha, làm cho cha trở nên đáng ghét đối với dân cư
xứ này, tức là người Ca-na-an và người Pơ-rít-di. Cha chỉ có một dúm người,
chúng sẽ hợp nhau lại chống cha và sẽ đánh cha, cha và gia đình sẽ bị tiêu
diệt.” (St 34,30). Sau này Kinh Thánh cho thấy thêm nhiều cuộc hôn nhân
ngoài dòng tộc như hôn nhân của Giuse và một người Ai-cập (St 41,45), hôn nhân
của Mô-sê và một người con gái Ma-đi-an (Xh 2,21).
5.2 Hỏi vợ
Trường hợp bình thường, sau khi cha mẹ của
chàng trai đã xác định được đối tượng con gái nhà ai để làm vợ cho con mình thì
họ tiến hành sai người đến hỏi cưới. Người đi hỏi cưới được gọi là người cầu hôn (suitor). Người ấy sẽ mang tiền
thách cưới (מֹ֣הַר)[7], hoặc làm công tương ứng với số tiền thách cưới như trường
hợp của Gia-cóp làm công cho nhà vợ trong bảy năm. Cụ thể như trường hợp nô bộc của ông Áp-ra-ham là La-ban, người
cầu hôn (suitor) đi hỏi cưới cho I-xa-ác (St 24).
Ông mang theo quà hỏi cưới (מֹ֣הַר) là “những đồ bạc, đồ vàng và quần
áo tặng cô Rê-bê-ca, và biếu anh và mẹ cô những món quà quý giá” (St 24,53).
Sau các nghi thức đó, đoàn đi cầu hôn bên nhà trai và gia đình nhà gái cùng ăn
uống chung vui với nhau (St 24,54).
Đôi khi, với những đứa
con bất mãn, không còn tôn trọng cha mẹ nữa thì nó có thể tìm và cưới trực tiếp
người nó thích, như trường hợp của Ê-xau:
Ê-xau
thấy rằng những người con gái Ca-na-an không vừa ý ông I-xa-ác, cha
cậu. Vậy Ê-xau đến nhà ông Ít-ma-ên, và ngoài những người vợ đã có, cậu
lại cưới thêm cô Ma-kha-lát là con gái ông Ít-ma-ên, con ông Áp-ra-ham, và là
em gái ông Nơ-va-giốt (St 28,8-9).
Trường hợp bất thường được thấy nơi Gia-cóp, ông nghe theo lời căn dặn cha
mẹ không lấy những con gái Ca-na-an, và vì lưu vong chạy trốn ông Gia-cóp đã cầu
hôn trực tiếp con gái của ông La-ban, anh của mẹ ông không cần qua mai mối hay
hỏi ý kiến bố mẹ ông (St 29). Giá trị quà cưới của Gia-cóp là bảy năm làm việc
không công cho nhà vợ.
Nhà trai đưa
sính lễ hỏi cưới cho nhà gái, nhưng ngược lại nhà gái cũng có của hồi môn dành
cho con gái mang về nhà chồng (dowry). Đây là một thỏa thuận hay hợp đồng thường
bằng tiền hay tài sản mà nhà gái cho con của mình và chàng rể. Của hồi môn nhiều
hay ít nói lên giá trị, đẳng cấp của cô dâu và gia đình cô dâu. Hồi môn có thể là
các tớ gái (đầy tớ được xem như là tài sản) như trường hợp của Rê-bê-ca (St
24,61).
5.3 Đính
hôn[8]
Sau khi hai bên
gia đình đã gặp mặt, thương lượng và thỏa thuận xong, ông đại diện đi cầu hôn của
nhà trai sẽ gửi quà đính hôn, quà hỏi cưới (מֹ֣הַר) cho nhà gái: “rồi người lão bộc
đưa ra những đồ bạc, đồ vàng và quần áo tặng cô Rê-bê-ca, và biếu anh và mẹ cô
những món quà quý giá” (St 24,53). Vật đính hôn có thể là những vật trang sức,
như trường hợp: “lão bộc của Áp-ra-ham đã xỏ khuyên vào mũi và đeo xuyến vào
tay cô Rê-bê-ca” (St 24,47). Trong một vài trường hợp, người nam trao
cho người nữ một đồng tiền tượng trưng cho tính pháp lý và nói những lời “be
thou consecrated to me”. Trải qua nhiều năm, đồng tiền dần được thay thế bằng
chiếc nhẫn như ngày nay[9].
Việc đính hôn (אִ֛ישׁ) được thừa nhận như là thành hôn
và được luật bảo vệ và răn đe:
Nếu một người đàn ông bị
bắt gặp đang nằm với một người đàn bà có chồng, thì cả hai sẽ phải chết: người
đàn ông đã nằm với người đàn bà, và cả người đàn bà. Anh (em) phải khử trừ sự
gian ác, không cho tồn tại ở Ít-ra-en. Khi một cô gái còn trinh đã đính hôn với
một người đàn ông, mà một người đàn ông khác gặp cô trong thành và nằm với
cô, thì anh (em) sẽ lôi cả hai ra cửa thành ấy và ném đá, và chúng sẽ phải
chết: cô gái, vì lý do ở trong thành mà đã không kêu cứu, và người đàn ông, vì
lý do đã cưỡng bức vợ người đồng loại. Anh (em) phải khử trừ sự gian ác, không
cho tồn tại giữa anh (em). Nhưng nếu người đàn ông gặp ở ngoài đồng cô gái
đã đính hôn, bắt lấy nàng và nằm với nàng, thì chỉ một mình người đàn ông đã
nằm với nàng sẽ phải chết; còn cô gái, thì anh (em) đừng làm gì nàng, nàng
không có tội đáng chết. Trường hợp cũng như một người xông vào người đồng loại
để giết người ấy: vì người đàn ông kia đã gặp cô ngoài đồng; cô gái đính
hôn đã kêu mà không ai cứu. (Dnl 22,22-27)
Do đó, đính hôn
cũng có giá trị buộc hai người sau đó phải tiến tới hôn nhân. Thời gian đính
hôn kéo dài khoảng một năm. Trong thời gian đính hôn, người con gái vẫn ở nhà
cha mẹ mình. cô dâu tương lai chuẩn bị đồ đạc để mang về nhà chồng và lên kế hoạch
cho tiệc thành hôn. Theo luật Hammurabi, nếu đàng gái phá vỡ cam kết đính hôn,
họ phải hoàn trả cho đàng trai gấp đôi những gì đã nhận được.
5.4
Cưới vợ
Sau khi đã hoàn
tất các thủ tục hỏi vợ (x. 5.2), thủ tục đính hôn (x. 5.3), người con gái đã trở
thành vợ và nhà trai có thể đón về (St 24,51), thời gian rước dâu tùy thuộc vào
thương lượng của hai bên: “Xin cho con bé ở lại
với chúng tôi ít bữa, khoảng mươi ngày thôi, sau đó nó sẽ đi.” (St
24,55). Phong tục người Is-ra-el cổ và theo Ngũ Thư, người con gái sẽ về và
sinh sống với gia đình nhà chồng như trường hợp của cô Rê-bê-ca và cô Ta-ma.
Trường hợp ở rể,
Ngũ Thư ghi nhận trường hợp đặc biệt của ông Gia-cóp khi ông phải sống lưu vong
ở nhà ông La-ban (St 29, 15-30).
Đối với những cuộc
hôn nhân có cưới hỏi hẳn hoi thường được nhận những lời chúc phúc từ gia đình.
Lời chúc phúc được người dân Is-ra-el rất coi trọng, vì họ xem những lời cầu
chúc này là sự kế thừa lời chúc phúc của Thiên Chúa và của cha ông họ truyền lại,
là đảm bảo cho tương lai tốt đẹp sau này (St 24,60).
Cuối cùng. Khi
đoàn rước cô dâu về đến nhà, người mai mối bàn giao lại cho chú rể, và chú rể
đón nhận lấy tân nương của mình và dẫn vào trình diện cha mẹ và gia tộc mình
(St 24,66-67).
III. Luật hôn nhân
1. Người thừa tự (heir)
1.1 Tầm quan trọng của người thừa tự
Người thừa tự có lẽ
quan trọng là do lời Thiên Chúa hứa với Áp-ram (tên của Áp-ra-ham trước khi
được Thiên Chúa đổi xem St 17,4) sẽ làm cho ông thành một dân lớn (St 12,1).
Làm sao trở thành một dân lớn nếu không có người thừa tự ? Chính vì lý do
đó, Áp-ram cũng như mọi người khác đều quan tâm đến người thừa tự của
mình :
Ông
Áp-ram thưa : “Chúa coi, Chúa không ban cho con một dòng dõi, và một gia nhân
của con sẽ thừa kế con.” Và đây có lời ĐỨC CHÚA phán với ông rằng : “Kẻ đó
sẽ không thừa kế ngươi, nhưng một kẻ do chính ngươi sinh ra mới thừa kế
ngươi.” (St 15,3-5)
Chính vì thế, sau này
I-xa-ác con ông cũng khẩn cầu ĐỨC CHÚA cho vợ ông là bà Rê-bê-ca có thai để có
người thừa tự, vì bà hiếm hoi (St 25,21).
Vì đặt nặng vấn đề con
thừa tự, cho nên áp lực, gánh nặng và tủi nhục đè lên vai người phụ nữ. Như
trường hợp bà Xa-ra, vợ chính thức của ông Áp-ram, bà đã không sinh được cho
ông một người con nào. Bà đành phải cho người nữ tỳ Ai-cập, tên là Ha-ga đi lại
với ông để may ra nhờ người con của nữ tỳ mà bà sẽ xem như là có con. (St
16,1-2). Tương tự như vậy đối với bà Ra-khen vợ được Gia-cóp yêu, bà không sinh
con cho ông Gia-cóp, thì ghen với chị, và đòi có con đi, không thì tôi chết mất
! (St 30,1). Bà Ra-khen cũng bắt chước bà Xa-ra hiến nữ tỳ của mình là Bin-ha
cho ông, để nàng làm vợ và nhờ nó mà cả tôi nữa, cũng có con (St 30,1.3). Ở
trình thuật này cho thấy, con cái là do Chúa ban khi ông Gia-cóp nổi nóng với
bà Ra-khen và nói : “Tôi đâu có thay quyền Thiên Chúa là Đấng đã không cho bà
sinh đẻ !” (St 30,2).
Con thừa tự là một
trong những lý do đưa đến đa thê. Hậu quả ghen tuôn, tranh dành sủng ái của
chồng và quyền thừa kế của các người con khác mẹ đã xảy ra. Nổi bật nhất là
trường hợp của Ha-ga nữ tỳ của bà Xa-ra : “Ha-ga ở trong tay bà đấy ; đối
với nó, cái gì tốt cho bà thì bà cứ làm ! Bà Xa-ra hành hạ Ha-ga khiến nàng
phải trốn bà” (St 16,6). Sau này khi bà Xa-ra sanh được I-xa-ác thì lập tức nói
chồng đuổi hai mẹ con Ha-ga đi cũng vì lý do thừa tự : “Ông hãy đuổi hai
mẹ con đứa nữ tỳ này đi, vì con trai đứa nữ tỳ không được thừa kế cùng với
I-xa-ác, con trai tôi.” (St 21,10)
1.2 Quyền thừa tự của trưởng nam
Quyền trưởng nam có ích
gì ? Đây là câu nói của Ê-xau nói với Gia-cóp để đánh đổi quyền trưởng nam
của mình bằng một bát cháo đậu (St 25,29-34). Như vậy, đâu là giá trị thật sự
của quyền trưởng nam ? Chỉ người con trưởng được thừa tự lời chúc phúc của
người cha. Lời chúc phúc này giống như sự chuyển giao những gì người cha đã
lãnh nhận được từ Đức Chúa, từ tổ tiên truyền lại, nay trao lại cho người thừa
kế hợp pháp kế tiếp. Sau đây là lời chúc của I-xa-ác cho Gia-cóp :
Xin Thiên Chúa ban cho
con, sương trời với đất đai màu mỡ, và lúa mì rượu mới dồi dào. Các dân phải
làm tôi con, các nước phải sụp xuống lạy con. Con hãy làm chủ các anh em con,
và các con của mẹ con phải sụp xuống lạy con. Kẻ nguyền rủa con sẽ bị nguyền
rủa, kẻ chúc phúc cho con sẽ được chúc phúc.” (St 27,28-29)
Như thế, quyền trưởng
nam là quyền thừa kế có giá trị cao nhất trong một gia đình. Người trưởng nam
sẽ làm chủ trên các anh em và trên cả mẹ ruột mình (phu tử quy tử). Những người
con khác hầu như không được thừa kế gì và phải tuân phục người trưởng
nam :
Ông
I-xa-ác đáp lại Ê-xau : “Con xem, cha đã đặt nó làm chủ con và đã khiến tất cả
các anh em nó làm tôi nó. Cha đã liệu cho nó có lúa mì rượu mới. Vậy cha làm gì
được cho con, con ơi !” Ê-xau thưa với cha : “Cha chỉ có một lời chúc phúc
ấy thôi sao ? Xin cha cũng chúc phúc cho cả con nữa, cha ơi !” Rồi Ê-xau òa lên
khóc. (St 27, 37-38)
1.3 Con gái có được thừa tự
Như đã trình bày ở
trên, chồng sẽ thống trị trên vợ, điều đó dẫn đến vấn đề trọng nam khinh nữ, và
người phụ nữ phụ thuộc vào chồng và nếu chồng có mất đi thì phải lệ thuộc vào
con trai, người thừa tự. Hủ tục này có một chút gì đó giống tư tưởng Á Đông
« tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử » như trường
hợp của bà Ra-khen và Lê-a :
Nào
chúng tôi còn được chung phần và hưởng cơ nghiệp trong nhà cha chúng tôi nữa
đâu ? Chúng tôi chẳng bị cha coi là người xa lạ đó sao? Vì cha đã bán
chúng tôi đi, lại còn nuốt ngon tiền bạc của chúng tôi. (St 31,14-15)
Bất công bình đẳng giới
xảy ra thời bấy giờ đã đem lại rất nhiều thiệt thòi cho người nữ. Chính vì thế
mà một số phụ nữ đã đứng lên đòi hỏi sự công bằng cho bản thân mình, và điển
hình là trường hợp của các con gái của ông Xơ-lóp-khát.
Ông Xơ-lóp-khát là con
ông Khê-phe, cháu ông Ga-la-át, chắt ông Ma-khia, chít ông Mơ-na-se, thuộc chi
tộc ông Giu-se. Các cô con gái đến và đứng trước mặt ông Mô-sê, trước mặt tư tế
E-la-da, trước mặt các thủ lãnh và toàn thể cộng đồng, ở cửa Lều Hội Ngộ, và
nói : “Cha chúng tôi đã mất trong sa mạc. Người đã không có chân trong
nhóm những kẻ toa rập với nhau chống lại Ðức Chúa, tức là nhóm Cô-rắc. Chỉ vì
tội riêng mình mà người đã mất đi, khi chưa có con trai. Vậy, tại sao cha
chúng tôi lại bị xóa tên khỏi thị tộc của người, vì người không có con trai ?
Xin cho chúng tôi một phần đất giữa các anh em của cha chúng tôi.” (Ds 27,1-4)
Bất bình đẳng giới, đây
có phải chăng là ý của Thiên Chúa tạo nên hay là ý của con người do tội mà
ra ? Vấn đề này đã được ông Mô-sê trình lên Ðức Chúa, và Ðức
Chúa phán với ông Mô-sê:
“Các con gái của
Xơ-lóp-khát nói có lý. Ngươi phải cho chúng một phần đất làm gia nghiệp giữa các
anh em của cha chúng ; ngươi sẽ chuyển cho chúng gia nghiệp của cha
chúng. Và ngươi sẽ nói với con cái Ít-ra-en : “Khi một người nào chết
mà không có trai, thì anh em sẽ chuyển gia nghiệp của người đó cho con gái
người đó. Nếu người đó không có con gái, anh em sẽ trao gia nghiệp cho anh
em của người đó. Nếu người đó không có anh em, thì sẽ trao gia nghiệp cho
anh em của cha người đó. Còn nếu cha người đó không có anh em, thì sẽ trao
gia nghiệp cho thân nhân gần nhất trong thị tộc ; người này sẽ làm chủ gia
nghiệp đó. Ðối với con cái Ít-ra-en, đó sẽ là một quy tắc pháp lý, như Ðức Chúa
đã truyền cho ông Mô-sê.” (Ds 27,5-11)
Như vậy ngay từ ban
đầu, Thiên Chúa sáng tạo nên người nam và người nữ đều mang hình ảnh Ngài, và
cả hai đều bình đẳng, phẩm giá và quyền lợi như nhau. Một lần nữa, Thiên Chúa
xác nhận với Mô-sê về quyền thừa kế của con gái cũng là xác nhận lại phẩm giá
của người nữ ngang bằng như người nam.
1.4 Thừa
tự của những người con cùng cha khác mẹ
“Hãy sinh sôi nảy nở
thật nhiều” là lời chúc phúc của Thiên Chúa (St 1,28), chính vì thế không con
con coi như là không được Thiên Chúa chúc phúc và thường bị người đời sỉ nhục
đàm tiếu :
Bà Xa-ra
nói với ông Áp-ram : “Tôi bị sỉ nhục là tại ông đấy ! Chính tôi đã đặt nữ tỳ
của tôi vào lòng ông. Thế mà từ khi nó thấy mình có thai, nó coi khinh tôi. Xin
ĐỨC CHÚA phân xử giữa ông và tôi.” (St 16,5) … Còn bà Ra-khen nói nói với
Gia-cóp : “Cho tôi có con đi, không thì tôi chết mất !” (St 30,1)
Có con trai nối dõi
được xem là người được Thiên Chúa chúc phúc : bà Xa-ra vui mừng khi có
I-xa-ác “Thiên Chúa đã làm cho tôi cười ; tất cả những ai nghe biết sẽ cười
tôi.” (St 21,6), còn bà Ra-khen sau khi có Giuse thì nói “Thiên Chúa đã cất nỗi
hổ nhục của tôi” (St 30,23). Có con họ được người đời khen tặng, nếu sanh được
con trai thì có được chỗ đứng trong gia đình, được chồng yêu hơn. Phức tạp hơn
thế, một khi các bà vợ đều có con trai, cạnh tranh quyền thừa kế trở nên khốc
liệt. Bà Xa-ra đã yêu cầu chồng “hãy đuổi hai mẹ con đứa nữ tỳ này đi, vì con
trai đứa nữ tỳ không được thừa kế cùng với I-xa-ác, con trai tôi.” (St 21,10).
Đa hôn nhiều vợ, nhiều
con dẫn đến ghen tuông tranh giành quyền lợi, tranh giành được yêu. Chính vì
thế dẫn đến tội ác, anh em giết hại nhau như trường hợp Giuse bị các anh em
cùng cha khác mẹ bán sang Ai-cập (St 37,12-28). Người chồng có nhiều vợ, người
cha có nhiều con sẽ như thế nào ? Kinh Thánh ghi nhận ông Áp-ra-ham rất
bực mình (St 21,11) ; còn về ông I-xa-ác sau khi biết Gia-cóp lừa ông cướp
quyền trưởng nam của Ê-xau thì run lên, run bắn người lên (St 27,33). Đức Chúa,
Thiên Chúa nghĩ gì về các con cùng cha khác mẹ ? Ý định hôn nhân ban đầu
là một xương một thịt, là đơn hôn. Nhưng vì tội không nghe lời Thiên Chúa, cho
nên ai mạnh sẽ có quyền trên người khác, và người chồng đã thống trị vợ, tự cho
mình cái quyền đa thê. Hậu quả của đa thê là nhiều con từ những người vợ khác
nhau. Kinh Thánh cho thấy, Thiên Chúa vẫn yêu thương hết tất cả những người con
ấy khi Ngài nói với Áp-ra-ham “còn con trai của người nữ tỳ, Ta cũng
sẽ làm cho nó thành một dân tộc lớn, vì nó là dòng dõi ngươi.” (St 21,13). Thứ
hai, Thiên Chúa cho thấy Ngài không đồng tình với đa hôn. Qua việc Ngài công
nhận người thừa kế của hôn nhân, của giao ước : “Kẻ đó sẽ không thừa kế ngươi,
nhưng một kẻ do chính ngươi sinh ra mới thừa kế ngươi …. Tất cả những gì Xa-ra
nói với ngươi, cứ nghe, bởi vì chính nhờ I-xa-ác mà ngươi sẽ có một dòng dõi
mang tên ngươi.” (St 15,4 ; 21,12)
2. Ly dị & Bà góa
2.1 Ly dị
Thuở ban đầu không có ly dị (St 1,27). Nhưng sau này, ly dị có lẽ trở nên
phổ biến cho nên đã được đưa vào trong Đệ Nhị Luật, và người đàn ông muốn rẫy vợ
phải viết đơn ly dị hẳn hoi:
Nếu một người đàn ông đã lấy vợ và đã ăn ở với nàng rồi,
mà sau đó nàng không đẹp lòng người ấy nữa, vì người ấy thấy nơi nàng có điều
gì chướng, thì sẽ viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi
nhà. Ra khỏi nhà người ấy, nếu nàng đi lấy chồng khác, mà người chồng
sau lại ghét bỏ nàng, viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi
ra khỏi nhà, hoặc nếu người chồng sau đã lấy nàng làm vợ mà chết, thì người
chồng đầu tiên đã đuổi nàng đi không thể lấy nàng làm vợ một lần nữa, sau khi
nàng đã ra ô uế. Đó là điều ghê tởm trước nhan ĐỨC CHÚA; anh (em) không được
làm cho miền đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), ban cho anh (em) làm gia
nghiệp, phải mang tội. (Dnl 24,1-4)
Cô gái bị chồng bỏ rất thiệt thòi, đôi khi có thể bị xem là ô uế. Đối với
chi tộc Lê-vi, một người đàn bà bị chồng bỏ có thể bị xem ngang bằng với một
gái điếm hay một người đàn bà bị làm nhục, họ không được lấy, vì họ là tư tế được
thánh hiến cho Thiên Chúa (Lv 21,7).
Bên cạnh đó, luật cũng bảo vệ cho phụ nữ, chỉ cho phép ly dị trong những
trường hợp có lý do chính đáng. Nhưng bên cạnh đó, nếu người chồng có lý do
chính đáng rẫy vợ vì lý do ngoại tình thì người vợ phải chịu hình phạt thật ghê
sợ:
Khi một người đàn ông lấy vợ và ăn nằm với nàng, rồi ghét
bỏ nàng, vu khống và bôi xấu danh dự nàng mà nói: “Tôi đã lấy người đàn bà
này, đã gần gũi với cô ấy và không thấy dấu nào chứng tỏ cô ấy còn
trinh”, thì cha mẹ cô gái sẽ lấy những dấu chứng tỏ cô gái còn trinh và
đưa ra cửa thành cho các kỳ mục thành ấy. Người cha cô gái sẽ nói với các
kỳ mục: “Tôi đã gả con gái cho người đàn ông này, nhưng anh ta ghét bỏ
nó; bây giờ, anh ta vu khống nó và nói: “Tôi không thấy những dấu chứng tỏ
con gái ông còn trinh. Vậy đây là những dấu chứng tỏ con gái tôi còn trinh.” Họ
sẽ mở chiếc áo choàng ra trước mặt các kỳ mục trong thành. Các kỳ mục
trong thành sẽ bắt người chồng và sửa phạt: họ sẽ bắt người ấy nộp phạt một
trăm thỏi bạc, và sẽ trao số bạc đó cho người cha cô gái, vì người ấy đã bôi xấu
danh dự của một trinh nữ Ít-ra-en. Nàng sẽ là vợ người ấy và suốt đời người ấy
không thể rẫy nàng. Nhưng nếu điều đó có thật, nếu người ta không tìm thấy
nơi cô gái những dấu chứng tỏ cô còn trinh, thì họ sẽ lôi cô gái ra cửa
nhà cha nàng; người trong thành của nàng sẽ ném đá nàng cho chết và nàng sẽ phải
chết, vì nàng đã làm điều đồi bại trong Ít-ra-en, khi làm điếm trong nhà cha
mình. Anh (em) phải khử trừ sự gian ác, không cho tồn tại giữa anh (em). (Dnl
22,13-21).
Luật cũng bảo vệ cho những nữ nô lệ khi bị chủ không muốn giữ lại vì lý do
không vừa ý, thì chủ phải cho chuộc, chứ không có quyền bán cho dân nước ngoài,
vì như vậy là phản bội người con gái đó (Xh 21,8).
2.2 Bà góa
Như đã trình bày ở trên, ý định ban đầu con
người và vợ có phẩm giá như nhau, người vợ là trợ tá cho chồng, và sự bình đẳng
giới này không còn quân bình nữa từ khi con người quay lưng lại với lời của
Thiên Chúa. Bất bình đẳng nam nữ trong xã hội Is-ra-el cổ và trong Ngũ Thư được
thấy rõ qua việc trọng nam khinh nữ, qua quyền thừa tự chỉ dành cho người con
trai. Sự bất bình đẳng giới đã biến chồng trở thành chủ của vợ, có quyền trên
vợ, nhưng vợ không phải là nô lệ của chồng. Chồng được phép rẫy vợ, nhưng không
được bán nàng như bán một nô lệ (Xh 21,7; Dnl 21,10-14)[10]. Hoàn
cảnh của bà góa cũng giống như phụ nữ bị ly dị, rất thiệt thòi và đôi khi còn
thiệt thòi hơn cả phụ nữ bị ly dị. Lý do bà góa bị luật bỏ qua và không được
hưởng thừa kế gì có thể là do quan niệm và niềm tin của người Do Thái bấy giờ.
Người chồng nếu chết trước tuổi già là một tai họa, một sự trừng phạt bị lên án
do tội, và có thể liên quan do tội của người vợ[11].
Người phụ nữ góa chồng có thể tiếp tục ở
lại nhà chồng như trường hợp của cô Ta-ma (St 38,11). Riêng con gái của tư tế nếu góa chồng hay bị chồng bỏ, mà không có con, có
thể trở về nhà cha mình như khi còn trẻ, và được ăn thức ăn của cha, mặc dầu
không một người ngoài nào được ăn (Lv 22,13). Đàn ông chi tộc Lê-vi không được
cưới đàn bà góa, họ chỉ được lấy một trinh nữ trong chi tộc của mình làm vợ mà
thôi (Lv 21,14).
Cô nhi quả phụ tuy
không có chỗ đứng trong xã hội và trong gia đình, nhưng luật của Thiên Chúa vẫn
đứng ra bảo vệ họ. Trong Đệ Nhị Luật, Thiên Chúa đưa ra các điều luật để bảo vệ
cho cô nhi quả phụ
Đức Chúa
là Đấng xử công minh cho cô nhi quả phụ, và yêu thương ngoại kiều, cho họ bánh
ăn áo mặc…. Bấy giờ, thầy Lê-vi -là người không được chung phần và hưởng gia
nghiệp với anh (em)- người ngoại kiều và cô nhi quả phụ ở trong các thành của
anh (em), sẽ đến, họ sẽ ăn và được no nê, để ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em),
chúc phúc cho mọi công việc tay anh (em) làm…. Anh (em) không được làm
thiệt hại đến quyền lợi của ngoại kiều và cô nhi, không được giữ áo của người
góa bụa làm đồ cầm …. Khi anh (em) gặt lúa trong ruộng mình, mà bỏ sót một bó
lúa trong ruộng, thì không được quay lại mà lấy; bó lúa ấy dành cho ngoại kiều
và cô nhi quả phụ; như vậy, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), sẽ chúc phúc cho
anh (em) trong mọi việc tay anh (em) làm. Khi hái ô-liu, thì anh (em) không
được trở lại tìm trái sót; những trái đó dành cho ngoại kiều và cô nhi quả
phụ. Khi hái nho, thì anh (em) không được mót lại; những trái còn sót dành
cho ngoại kiều và cô nhi quả phụ …. Đáng nguyền
rủa thay kẻ làm thiệt hại đến quyền lợi của ngoại kiều, cô nhi quả phụ! Toàn dân sẽ thưa: A-men! (Dnl 10,18; 14,29; 24,17.19-21; 27,19)
3.
Luật theo hôn nhân theo Ngũ Thư
Hôn nhân tự nhiên (hôn nhân theo ý định của
Thiên Chúa) được liên kết bởi một người nam và một người nữ, một vợ một chồng,
và bất khả phân ly: “người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai
thành một xương một thịt.” (St 2,24). Sau khi con người phạm tội, chính nghĩa nay
nằm trong tay kẻ mạnh. Cho nên, chuyện cướp vợ, chiếm đoạt vợ người khác là
điều phổ biến trong Is-ra-el cổ và trong Ngũ Thư. Trường hợp Áp-ra-ham là một
điển hình: “khi gần vào Ai-cập, ông nói với vợ là bà Xa-ra: “Bà coi, tôi biết
bà là một người phụ nữ có nhan sắc. Khi người Ai-cập thấy bà, họ sẽ nói:
“Vợ hắn đấy!”, họ sẽ giết tôi và để cho bà sống.” (St 12,11-12). Qua câu chuyện
trên và trích dẫn dưới đây cho thấy Thiên Chúa bảo vệ người phụ nữ đã có chồng,
và qua đó cho thấy ham muốn, chiếm đoạt vợ người khác là mắc tội với Thiên
Chúa, là một trọng tội, tội đáng chết:
Nhưng ban đêm Thiên Chúa đến báo mộng
cho vua A-vi-me-léc rằng: “Này ngươi sắp phải chết vì người đàn bà mà ngươi đã
bắt, bởi người ấy có chồng.” Vua A-vi-me-léc đã không gần gũi bà ấy, vua
thưa: “Lạy Chúa, một dân công chính mà Ngài cũng giết sao? Ông ấy đã chẳng
bảo tôi rằng: “Nàng là em tôi” đó sao? Và ngay cả bà ấy cũng đã nói rằng: “Ông
ấy là anh tôi. Tôi đã làm điều đó với tấm lòng thuần khiết và bàn tay vô
tội.” Thiên Chúa báo mộng cho vua rằng: “Ta cũng biết là ngươi đã làm điều
đó với tấm lòng thuần khiết, và cũng chính Ta đã ngăn cản ngươi khỏi mắc tội
đối với Ta. Vì thế, Ta đã không để cho ngươi động đến người ấy. Bây giờ,
hãy trả vợ của người ấy về, vì người ấy là một ngôn sứ: người ấy sẽ cầu nguyện
cho ngươi và ngươi sẽ được sống. Còn nếu ngươi không trả về, thì hãy biết rằng
chắc chắn ngươi phải chết, ngươi cũng như mọi kẻ thuộc về ngươi.” (St 20,3-7).
Ngoại tình được xem là trọng tội, tội chết.
Cộng đồng hay người chủ trong gia đình có thể phán quyết và ra lệnh giết người
phạm tội này: “Khoảng ba tháng sau, người ta báo cho ông Giu-đa rằng: “Ta-ma,
con dâu ông, đã đi làm điếm; nó còn có thai vì làm điếm nữa!” Ông Giu-đa nói:
“Lôi nó ra mà thiêu sống!” (St 38,24). Ở sách Sáng Thế chưa thấy đề cập đến
việc xét xử người nam ngoại tình, có thể do người nam họ tự cho họ có cái quyền
có nhiều vợ, cho nên họ không bị xét xử?
Người vợ chính có quyền trên người vợ thứ.
Như trường hợp bà Xa-ra đối xử với Ha-ga, người nữ tỳ đã mang thai thay cho bà,
để nhờ đó mà bà được mang tiếng là có con “Ông Áp-ram nói với bà Xa-ra: “Nữ tỳ
của bà ở trong tay bà đấy; đối với nó, cái gì tốt cho bà thì bà cứ làm!” Bà
Xa-ra hành hạ Ha-ga khiến nàng phải trốn bà” (St 16,6).
Đệ Nhị Luật sau này cho phép ly dị: “Nếu một
người đàn ông đã lấy vợ và đã ăn ở với nàng rồi, mà sau đó nàng không đẹp lòng
người ấy nữa, vì người ấy thấy nơi nàng có điều gì chướng, thì sẽ viết cho nàng
một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà.” (Dnl 24,1)
Luật Levirate, duy trì tên của người anh em đã chết. Duy trì
tên hay con thừa tự, con nối dõi[12] tông đường cũng được đưa vào luật
nhằm bảo đảm cho tên hay dòng dõi của người anh được tiếp tục duy trì. Bên cạnh
đó cũng bảo đảm cho người phụ nữ góa chồng có chỗ đứng trong nhà chồng và có sự
tựa nương nơi người con sau này:
“Khi có những anh em ở chung với
nhau, và một trong những người đó chết mà không có con trai, thì vợ của người
chết không được lấy một người xa lạ, ngoài gia đình; một người anh em chồng sẽ
đến với nàng, lấy nàng làm vợ và chu toàn bổn phận của một người anh em chồng
đối với nàng. Đứa con đầu lòng nàng sinh ra sẽ duy trì tên của người anh
em đã chết; như vậy tên của người chết sẽ không bị xóa khỏi Ít-ra-en.” (Dnl 25,5-6)
Luật Mô-sê hay đúng hơn là luật của Thiên Chúa đưa ra cho
cộng đồng để bảo vệ hôn nhân gia đình, và bảo vệ người nữ và trẻ em[13]: “Ngươi không được ngoại tình.
Ngươi không được ham muốn nhà người ta, ngươi không được ham muốn vợ người ta,
tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta.” (Xh 20,14).
Tóm kết lại, theo Ngũ Thư luật hôn nhân ban đầu của Thiên
Chúa là để bảo vệ hôn nhân gia đình đơn hôn và vĩnh hôn qua các điều răn cụ thể
“ngươi không được ngoại tình và ngươi không được ham muốn vợ người ta”. Tội ham
muốn vợ người khác là tội chết như Thiên Chúa đã nói với vua A-vi-me-léc (St 20,3-7). Nhưng sau này, nghĩa là sau
khi con người phạm tội, luật hôn nhân đã cho phép rẫy vợ như đã trình bày ở
trên (Dnl 24,1)
C. Hôn nhân theo Ngũ Thư liên hệ đến mặc khải của Chúa Giêsu.
1.
Mặc khải của Chúa Giêsu về hôn nhân
Tin Mừng theo thánh Mát-thêu tường thuật
việc có mấy người Pha-ri-sêu đến hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, có được phép rẫy
vợ mình vì bất cứ lý do nào không?” (Mt 19,3). Đức Giêsu đáp lại với họ
bằng những câu trích dẫn trong Ngũ Thư, cụ thể là trong sách Sáng Thế Ký: “Các
ông không đọc thấy điều này sao: “Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hóa đã làm ra con
người có nam có nữ”, và Người đã phán: “Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà
gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.” (Mt 19,4-5). Và Đức
Giêsu giải thích và xác nhận lại đặc tính của hôn nhân giữa hai người nam và người
nữ với đặc tính đơn hôn và vĩnh hôn do chính Thiên Chúa liên kết xe duyên: “Như
vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên
Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” (Mt 19,6). Như thế, ý định hôn
nhân theo Ngũ Thư với hôn nhân được Chúa Giêsu mặc khải hầu như là một. Đức
Giêsu đã kiện toàn hôn nhân đó bằng việc cho biết “sự gì Thiên Chúa đã phối hợp”
sự gì Thiên Chúa đã xe duyên thì “loài người không được phân ly.” Nhưng tại sao
luật Mô-sê lại cho phép ly dị: “Thế sao ông Mô-sê lại truyền dạy cấp giấy ly dị
mà rẫy vợ?” (Mt 19,7; Dnl 24,1). Đây là điều Cựu Ước không thể trả lời và giải
quyết được vì không có ai lớn hơn và cao trọng hơn Mô-sê để có thể kiện toàn
luật. Đức Giêsu bảo họ: “Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê đã cho phép
các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu.” Và Ngài nhấn mạnh thêm: “Tôi
nói cho các ông biết: Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà
cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình.” (Mt 19,8-9). Tội ngoại tình thì đồng
nghĩa với tội phải chết. Như thế, luật hôn nhân ban đầu theo ý định của Thiên
Chúa qua Ngũ Thư với mặc khải của Chúa Giêsu là một. Nhưng vì tội lỗi của con
người đã phá vỡ đi luật hôn nhân thánh thiêng đó. Hôn nhân giữa hai người nam
là một giao ước vĩnh viễn như giao ước Đức Giêsu đã ký với hiền thê của mình là
Hội Thánh. Một hôn nhân thánh thiện, duy nhất và mãi mãi.
2.
Giáo lý hôn nhân của Hội Thánh Công Giáo
Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo số 1601 nói:
Do
giao ước hôn nhân, một người nam và một người nữ tạo thành một sự hiệp thông trọn
cả cuộc sống; tự bản chất, giao ước ấy hướng về lợi ích của đôi bạn, cũng như đến
việc sinh sản và giáo dục con cái; Chúa Ki-tô đã nâng giao ước hôn nhân giữa
hai người đã được Rửa Tội lên hàng bí tích.
Như vậy dựa trên mặc khải
của Kinh Thánh và từ Chúa Giêsu, hôn nhân Công Giáo là một bí tích, là một mầu
nhiệm, đã được Đấng Tạo hóa thiết lập và quy định những luật lệ cho nó. Chính
Thiên Chúa là tác giả của hôn nhân. (GLHTCG 1602; 1603). Hôn nhân không phải là
định chế của phàm nhân, “Ơn gọi hôn nhân đã được khắc ghi trong chính bản tính
của người nam và người nữ, như chính họ phát xuất từ bàn tay Đấng Tạo Hóa”
(GLHTCG 1603). Người nam và người nữ được tạo dựng cho nhau, giao ước hôn nhân
của người nam và người nữ là giao ước vĩnh cữu được so sánh giống như giao ước
của Thiên Chúa với dân của Ngài (GLHTCG 1612). Cho nên, hôn nhân Công Giáo là
“sự kết hợp hôn nhân giữa người nam và người nữ là bất khả phân ly” (GLHTCG 1614).
Sau này, thánh Phao-lô chỉ ra điều cao trọng của hôn nhân Công giáo giống như
hôn nhân giữa Đức Giêsu và Hội Thánh của Người (GLHTCG 1616).
Như vậy, hôn nhân Công
giáo cũng mang các đặc tính giống hôn nhân theo Ngũ Thư (hôn nhân tự nhiên): Là
sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ; đơn hôn và bất khả phân ly. Nhưng
siêu vượt lên trên Ngũ Thư, hôn nhân Công Giáo là một mầu nhiệm, là một bí tích
được Chúa Giêsu kiện toàn, và hôn nhân mang lấy một ý nghĩa thánh thiêng, hôn
nhân mang lấy một sứ mạng:
Thiên
Chúa, Đấng đã tạo dựng con người vì tình yêu, cũng đã kêu gọi họ đến tình yêu,
đó là ơn gọi nền tảng và bẩm sinh của mọi nhân vị. Thật vậy, con người được tạo
dựng theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa, Đấng chính “là Tình Yêu” (1 Ga
4,8.16). Vì Thiên Chúa đã dựng họ có nam có nữ, nên tình yêu hỗ tương của họ là
một hình ảnh của tình yêu tuyệt đối và bất diệt Thiên Chúa dành để yêu con người.
Dưới mắt Đấng Tạo Hóa, tình yêu này là tốt, là rất tốt. Và tình yêu này,
được Thiên Chúa chúc phúc, được nhắm đến việc sinh sôi nảy nở và trong công
trình chung, nhắm đến việc bảo tồn công trình tạo dựng: “Thiên Chúa ban phúc
lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: ‘Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy
mặt đất, và thống trị mặt đất’” (St 1,28). (GLHTCG 1604)
Sự hiện diện của Chúa
Giêsu trong tiệc cưới ở Ca-na, cũng như trong các cử hành bí tích hôn nhân ngày
nay, “Hội Thánh coi đó là sự xác nhận tính thiện hảo của hôn nhân và là lời
loan báo rằng hôn nhân từ đây về sau là dấu chỉ hữu hiệu về sự hiện diện của Đức
Ki-tô.” (GLHTCG 1613).
3.
Kết luận
Liên kết thành một xương một thịt giữa A-đam và E-và có thể
nói là hôn nhân đầu tiên được xếp đặt bởi Thiên Chúa. Điều đó cho thấy đặc tính
của hôn nhân tự nhiên, hôn nhân theo Ngũ Thư đều mang các đặc tính như nhau:
đơn hôn và vĩnh hôn giữa hai người nam và nữ. Giao ước hôn nhân này là luật của
Thiên Chúa (luật của Ông Trời). Giao ước hôn nhân này đã được Chúa Giêsu xác
nhận “sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người
không được phân ly” (Mt 19,6).
Hôn nhân chỉ có nơi con người, các loài thụ
tạo khác không có kết hôn. Thực tế ngày nay đã cho thấy những đôi nam nữ có kết
hôn hợp pháp tỉ lệ ly dị sẽ thấp hơn những cặp sống chung với nhau mà không có
đăng ký kết hôn. Hôn nhân là một quà tặng của Thiên Chúa, là một mầu nhiệm chỉ
có nơi con người.
DANH MỤC THAM KHẢO
1. Buttrick,
Goerge Arthur. The Interpreter’s Dictionary of the Bible-Volume 4. New
York: Abingdon Press, 1962.
2. HĐGMVN. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo. Hà Nội: Tôn Giáo, 2012.
3. HĐGMVN. Từ Điển Công Giáo. Hà Nội: Tôn Giáo, 2019.
4. Matthews,
H Victor. The Cultural World of the Bible. USA: Baker Academic, 2015.
5. Nhóm CGKPV. Kinh Thánh Lời Chúa Cho Mọi Người. Hà Nội: Tôn Giáo, 2019.
6. Nguyễn
Thị Kim Oanh. Biblical Culture. HCM: HVCGVN, 2024.
7. Tischler,
Nancy Marie. All Things in the Bible. USA: Greenwood Press, 2006.
[1] Sáng Thế, Xuất Hành, Dân Số,
Lê-vi, Đệ Nhị Luật.
[2] Victor H. Matthews, The
Cultural World of the Bible (USA: Baker Academic, 2015), 33.
[3] Victor H. Matthews, The
Cultural World of the Bible (USA: Baker Academic, 2015), 37.
[4] Nguyễn Thị Kim Oanh, Biblical
Culture (HCM: HVCGVN, 2024), 47.
[5] Ibid, 47-48.
[6] Họ đáp: “Chẳng lẽ nó được
phép xử với em gái chúng con như với một gái điếm sao?” (St 34,31)
[7] Bridal money paid to the bride’s family
[8] Nancy Marie Tischler, All
Things in the Bible (USA: Greenwood Press, 2006), 66.
[9] Ibid, 67.
[10] Nguyễn Thị Kim Oanh, Biblical
Culture (HCM: HVCGVN, 2024), 58.
[11] Goerge Arthur Buttrick, The
Interpreter’s Dictionary of the Bible-Volume 4 (New York: Abingdon Press,
1962), 842.
[12] Ông
Giu-đa bảo Ô-nan: “Con hãy ăn ở với chị dâu con, hãy chu toàn nhiệm vụ của một
người em chồng, và làm cho anh con có người nối dõi.” (St 38,8)
[13] All Things in the Bible,
365.