PHƯƠNG CÁCH HUẤN LUYỆN CÁC MÔN ĐỆ CỦA ĐỨC GIÊSU QUA ĐOẠN VĂN MATTHEW 14, 13-33 | Thư viện Học viện Công giáo Việt Nam

PHƯƠNG CÁCH HUẤN LUYỆN CÁC MÔN ĐỆ CỦA ĐỨC GIÊSU QUA ĐOẠN VĂN MATTHEW 14, 13-33

Piô Phan Văn Tình, OMI.

DẪN NHẬP

Đoạn văn Mt 14,13-33 mang một ý nghĩa đặc biệt trong phần ký thuật đi trước hoặc đi sau phần bài giảng thứ tư trong năm bài giảng của Tin Mừng Matthêu. Dù hai phép lạ này thoạt nhìn khó có mối liên hệ nào nhưng trong sự xuyên suốt, cả hai trở thành một thể thống nhất về đề tài phương cách huấn luyện của Đức Giêsu được tác giả quảng diễn trong đoạn văn này và có thể xem là điển hình cho cách giáo dục của Đức Giêsu và cũng là điển hình cho thái độ thụ huấn của người môn đệ: nghe (auditus) – hiểu (intellectus) – thực hành (praxis), bàng bạc trong toàn bộ Tin Mừng Matthêu.

Trong đoạn văn Mt14,13-33, hai phép lạ được đặt ở một không gian, thời gian, hoàn cảnh chi phối…đầy ẩn ý khả dĩ bộc lộ ra cả một tiến trình huấn luyện của Đức Giêsu và việc thụ huấn tiệm tiến của người môn đệ.

Trong khuôn khổ bài viết này và theo phương pháp phân tích thuật chuyện, người viết tìm hiểu, phân tích đoạn văn Mt 14,13-33 dựa trên bối cảnh văn chương, giới hạn đoạn văn và xây dựng cấu trúc để trả lời cho thắc mắc: “Đâu là phương cách huấn luyện của Đức Giêsu và thái độ thụ huấn của các môn đệ như một định hướng cho vấn đề giáo dục?” 

Chương 1. BỐI CẢNH VĂN CHƯƠNG, GIỚI HẠN VÀ CẤU TRÚC ĐOẠN VĂN[1]

1. Bối cảnh văn chương Mt 14, 13-33

Tìm hiểu Tin Mừng Matthêu, ta thấy rằng Tin Mừng này được xếp đặt rất có hệ thống và mạch lạc. Trước tiên, chủ đề chung là Nước Trời được trình bày thành Năm bài giảng. Tính cả trình thuật về thời thơ ấu (chương 1-2) và về cuộc Thương Khó và Phục Sinh (chương 26-28), nội dung Tin Mừng Matthêu gồm có bảy phần[2]: I. The Infancy Narrative (chapter 1:1-2:23). II. The Proclamation of the Kingdom (chapter 3:1-7:29). III. Ministry and Mission in Galilee (chapter 8:1-11:1). IV. Opposition from Israel (chapter 11:2-13:53). V. Jesus, the Kingdom, and the Church (chapter 13:54-18:35)[3]. VI. Ministry in Judea and Jerusalem (chapter 19:1-25:46). VII. The Passion and Resurrection (chapter 26:1-28:20).

Với bố cục này, tác giả muốn chuyển tải đạo lý về vai trò Messia của Đức Giêsu, về việc tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa và đặc biệt việc xác tín Đức Giêsu là THẦY (Didaskalos, Rabbi) và là Đấng sáng lập Hội Thánh.

Như vậy, đoạn văn (Mt 14, 13-33) được tách ra trong bối cảnh tác giả rất quan tâm tới việc trình bày Nước Trời, mà đối tượng ưu tiên là các môn đệ và việc huấn luyện các môn đệ, bằng chứng là số lần huấn dụ dành riêng cho các môn đệ xuất hiện nhiều nhất trong Tin Mừng Matthêu so với các Tin Mừng khác: Mt 9,37-11,1; 13,10-13; 16,24-28; 17,10-13.19-20; 18,1-35; 19,23-20,19; 21,21-22; 24,1-2; 24,3-25,46 và trọng tâm của mối bận tâm ấy là làm sao để các môn đệ và những người tin có thể “nghe – hiểu – thực hành lời giáo huấn của Đức Giêsu”[4].

2. Giới hạn đoạn văn Mt 14, 13-33

Trước khi tìm hiểu chính đoạn văn 14,13 - 33, người viết bài này sẽ tìm hiểu lý do tại sao lại giới hạn đoạn văn từ câu 13 và kết thúc ở câu 33? Những dấu hiệu văn chương nào cho phép chia đoạn văn như vậy?

Tin Mừng Matthêu trình bày Mầu nhiệm Nước Trời trong Năm bài giảng, mỗi bài giảng như vậy lại được minh họa bằng một phần ký thuật, phân biệt dễ dàng bằng một công thức chung đặt ở cuối mỗi bài. Kết thúc bốn bài đầu (7,28; 11,1; 13,53; 19,1) bằng câu: “Khi Đức Giêsu giảng dạy những điều ấy xong…” (ὅτε ἐτέλεσεν ὁ Ἰησοῦς τοὺς λόγους τούτους) và bài cuối cùng: “Khi Đức Giêsu giảng dạy tất cả những điều ấy xong…” (26,1). Dựa vào chi tiết kết thúc mỗi bài giảng này: “Khi Đức Giêsu giảng dạy những điều ấy xong…”, chúng ta có thể giới hạn đoạn văn như sau: (7,28): dấu báo hiệu kết thúc bài giảng thứ nhất và phần ký thuật từ chương 3 – chương 7; (11,1): điểm kết cho bài giảng thứ hai và phần ký thuật từ chương 8 – chương 11; (13,53): dấu hiệu kết thúc bài giảng thứ ba từ chương 11 – chương 13; (19,1): dấu hiệu kết bài giảng thứ tư từ chương 13,54 – chương 18; (26,1): dấu hiệu phân đoạn cho bài giảng thứ năm từ chương 19 – chương 25.

Như vậy, chúng ta nhận ra dấu hiệu phân đoạn của Năm bài giảng độc lập được tách ra để trình bày riêng biệt về Mầu nhiệm Nước Trời. Bài giảng thứ tư từ chương 13,54 – chương 18 làm thành một khối và được chia làm hai phần: ký thuật và bài giảng về Giáo hội. Phần ký thuật gồm các chương từ 14-17; phần bài giảng thuộc về chương 18. Đoạn văn 14,13-33 nằm trong phần ký thuật được trình bày như một sự lựa chọn trước lời giảng nhằm mục đích hướng về việc tuyên xưng ở Xêdarê (13,53-16,12). Việc giới hạn đoạn văn 14,13-33 là hợp lý. Bởi vì, (14,3-12) tác giả kể câu chuyện ông Gioan Tẩy Giả bị chém đầu và “Nghe tin ấy, Đức Giêsu lánh khỏi nơi đó” (Ἀκούσας δὲ ὁ Ἰησοῦς ἀνεχώρησεν ἐκεῖθεν) (14,13) là câu kết thúc của câu chuyện ông Gioan và mở ra một trình thuật khác (14,13-33), kế đó, ở 14,34-36, tác giả thuật lại việc Đức Giêsu chữa nhiều người đau ốm tại Ghenêxarét, việc này diễn ra sau “khi qua biển rồi” (Καὶ διαπεράσαντες) (14,34), tức là sau khi Đức Giêsu làm phép lạ đi trên biển hồ, dẹp yên gió biển và đưa các môn đệ vào bờ. Hơn nữa, có một chi tiết văn chương mà tác giả đã khéo dùng kỹ thuật văn chương để nối và cũng để tách hai đoạn văn, kỹ thuật dùng “từ -chìa- khóa” (mot-crochet)[5]. Thí dụ 13,1-3:

            “Ngày hôm ấy Đức Giêsu từ nhà ra đi (ἐξελθὼν)...

            Ngài nói: Kìa người gieo giống ra đi (ἐξῆλθεν)...”

Tương tự trong chương 14:

                           14,12 và 13: “Giêsu” (Ἰησοῦ, Ἰησοῦς).

                           14,22 và 24: “thuyền” (πλοῖον).

Vậy, đoạn văn ký thuật (Mt 14,13-33) được tách biệt khỏi các đoạn văn khác để trình bày riêng biệt về đề tài phương pháp huấn luyện các môn đệ của Đức Giêsu.

3. Cấu trúc đoạn văn Mt 14,13-33

Dựa vào các yếu tố trong nội dung của một cuộc huấn luyện linh động Thầy (Didaskalos) dành cho Trò (Maqhths), đoạn văn 14,13-33 có thể diễn tiến theo một tiến trình chặt chẽ của cấu trúc song song với hai phần: (I) (14,13-21) Phép lạ Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều với sáu yếu tố A, B, C, D, E, F và (II) (14,22-33) Phép lạ Đức Giêsu đi trên mặt biển với sáu yếu tố song song A’, B’, C’, D’, E’, F’ như sau:

 

CẤU TRÚC Mt 14,13-33

I. 14,13-21: Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều (Ban ngày: “chiều – Oyias”)

A) 14,13a: Đức Giêsu lánh khỏi nơi đó, đi thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt

     B) 14,13b: Đám đông dân chúng từ các thành đi bộ mà theo Người

 C) 14,14: Đức Giêsu chạnh lòng thương (esplagcnisqh)

              D) 14,15-17: Chiều đến…Chúng con chỉ có năm cái bánh và hai con cá

                   E) 14,18-19a: Đem lại đây cho Thầy…bẻ bánh ra

               F) 14,19b-21: Người trao cho môn đệ…no nê

II. 14,22-33: Đức Giêsu đi trên mặt nước (Ban đêm: “canh tư của đêm – Tetarth pulakh nuktos”)

A’) 14,22: Đức Giêsu bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia

    B’) 14,22b-23a: Người giải tán đám đông dân chúng

C’) 14,23: Người…cầu nguyện

    D’) 14,23b-24: Tối đến…bị sóng đánh vì ngược gió

               E’) 14,25-27: Người đi trên mặt biển…chính Thầy đây, đừng sợ!

                   F’) 14,28-33: xin truyền cho con đi trên mặt nước…

                                         Ngài thật là Con Thiên Chúa

 

Từ phần cấu trúc đoạn văn, ta thấy, Phần I: Phép lạ Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều song song với Phần II: Phép lạ Đức Giêsu đi trên mặt nước.

Yếu tố A//A’: A nói về việc Đức Giêsu lánh khỏi (anecwrhsen) nơi đó, Ngài đi thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt (erhmon topon) thì A’ cho biết lập tức (euqews) Đức Giêsu bắt (hnagkasen) các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia.

Yếu tố B//B’: B nói về việc dân chúng (oi ocloi) theo (hkolouqhsan) Đức Giêsu còn B’ thì cho biết dân chúng (tous oclous) được giải tán (apolush).

Yếu tố C//C’: Trong yếu tố C, người thuật chuyện cho biết Đức Giêsu chạnh lòng thương (esplagcnisqh) thì trong yếu tố C’, người thuật chuyện cho biết chi tiết Đức Giêsu cầu nguyện (proseuxasqai).

Yếu tố D//D’: D nhắc đến chi tiết thời gian buổi chiều (oyias), mà xế chiều và cái có đầy giới hạn của các môn đệ “chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá” (ouk ecomen wde, ei mh pente artous kai duo icquas) thì D’ cũng nhắc tới yếu tố thời gian ban đêm mà cụ thể là “canh tư” (Tetarth pulakh nuktos) và giới hạn bị động của các môn đệ “bị sóng đánh” 

(apeicen basanizomenon upo twn kumatwn hn).

Yếu tố E//E’: E mời gọi các môn đệ tới với Ngài để Ngài làm phép lạ từ cái “có” giới hạn thành cái “có” phong phú dồi dào, thì E’ lại cung cấp chi tiết Đức Giêsu chủ động đến làm phép lạ biến tình trạng “sợ” (Qarseite) thành bình an, tin tưởng với cấu trúc “ego eimi”. Hai yếu tố song song E//E’ là trọng tâm của hai phép lạ này.

F//F’: Hai yếu tố cuối cùng trong câu trúc Mt 14,13-33 đặt song song với ý nghĩa: F sự chia sẻ tác vụ phục vụ và F’ sự chia sẻ quyền năng của Đức Giêsu. Hai yếu tố song song này dẫn tới kết quả là tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa và chính Ngài qua bàn tay nối dài của các môn đệ đã làm cho dân chúng no thỏa. Nếu ta xét về mục đích trình bày hai phép lạ này của người thuật chuyện, thì chính hai yếu tố cuối cùng này F//F’ mới là trọng tâm của cấu trúc Mt 14,13-33. Bởi vì hai phép lạ song song này đưa tới việc tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa (‘Uios Qeou ei), Đấng có khả năng mang lại sự no thỏa “hơn những gì lòng người dám ước mong”[6].

Những quan sát, phân đoạn, bối cảnh và cấu trúc của đoạn văn 14,13-33 ở trên làm nổi bật lên những tình tiết của một tiến trình huấn luyện linh động trong mối tương quan giữa THẦY (Didaskalos) và TRÒ (Maqhths). Điều này cho phép ta đặt vấn đề để tìm hiểu ý nghĩa và phương pháp huấn luyện của Đức Giêsu, đâu là yếu tố khả dĩ làm cho phương pháp ấy trở thành kim chỉ nam cho vấn đề giáo dục? Chúng ta cùng phân tích đoạn văn để thấy rõ thêm những vấn đề trên.

Chương 2. VAI TRÒ THẦY DẠY VÀ HOẠT ĐỘNG HUẤN LUYỆN

1. Đức Giêsu là Thầy dạy (Didaskalos, Rabbi)

1.1. Đức Giêsu được gọi là Thầy

Trong số 40 tước hiệu gán cho Đức Giêsu của bốn sách Tin Mừng, “Thầy” (Didaskalos) là tước hiệu thông dụng nhất. Đặc biệt dưới lăng kính của Matthêu, Đức Giêsu là một Nhà giáo ưu việt mà nhiều người thuộc mọi tầng lớp xã hội, không chỉ bạn hữu và môn đệ, mà cả các Kinh sư, nhóm Pharisêu, và ngay cả những người chống đối Đức Giêsu đều gọi Ngài là Thầy dạy. Một số tham chiếu từ Tin Mừng Matthêu sau đây có thể chứng minh điều này: Mt 8,19; 2,38; 9,6; 22,16; 22,24; 22,36; ss 9,11; 17,24.

Danh hiệu tôn quý “Rabbi” (tiếng Hípri là vị tôn sư) là một thuật ngữ thể hiện sự kính trọng mà các môn đệ thường dùng để gọi Thầy mình. “An honorific title found in the New Testament. The Hebrew word ‘rabbi’ is transliterated just over a dozen times in the Greek text of the Gospels. In ten of these cases, the RSV retains the transliteration with the English equivalent ‘rabbi’. In five other instances Greek ‘rhabbi’ is translated ‘master’ (Mt 26,25.49)”[7]. Đây cũng là danh xưng mà các môn đệ đã gọi Đức Giêsu ngay cả khi các ông ở trong tình huống gần như bị khủng hoảng trên biển hồ lúc đêm khuya: “καὶ προσελθόντες ἤγειραν αὐτὸν λέγοντες Κύριε, σῶσον, ἀπολλύμεθα.” (Mt 8,25; 14,22-33). Vì thế, tác giả Matthêu đã hiểu đúng chức năng hay cách dùng của từ này khi dịch sang tiếng Hy lạp Didaskalos (Thầy): “καὶ τοὺς ἀσπασμοὺς ἐν ταῖς ἀγοραῖς καὶ καλεῖσθαι ὑπὸ τῶν ἀνθρώπων Ῥαββεί. ὑμεῖς δὲ μὴ κληθῆτε Ῥαββεί· εἷς γάρ ἐστιν ὑμῶν ὁ διδάσκαλος, πάντες δὲ ὑμεῖς ἀδελφοί ἐστε.” (Mt 23,7-8).

1.2. Đức Giêsu tự xưng là Thầy[8]

Đối với Tin Mừng Matthêu, không những người ta coi Đức Giêsu là Thầy dạy (Mt 9,11; 17,24) mà chính Ngài cũng nói về mình như thế: “Οὐκ ἔστιν μαθητὴς ὑπὲρ τὸν διδάσκαλον οὐδὲ δοῦλος ὑπὲρ τὸν κύριον αὐτοῦ. ἀρκετὸν τῷ μαθητῇ ἵνα γένηται ὡς ὁ διδάσκαλος αὐτοῦ, καὶ ὁ δοῦλος ὡς ὁ κύριος αὐτοῦ. εἰ τὸν οἰκοδεσπότην Βεελζεβοὺλ ἐπεκάλεσαν, πόσῳ μᾶλλον τοὺς οἰκιακοὺς αὐτοῦ.” (Mt 10,24-25; 23,8; 26,18). Như vậy tư cách là Thầy dạy của Đức Giêsu không hệ tại ở yếu tố ngoại tại như: dân chúng, môn đệ…phong tặng cho, mà chính bản thân Ngài vì là Đấng đến để truyền dạy chân lý, và Ngài cũng chính là chân lý, nên những lời Ngài nói, những việc Ngài làm chứng minh tư cách ấy.

Theo Tin Mừng Matthêu, với tư cách là Thầy dạy, Đức Giêsu huấn luyện từng bước cho các môn đệ để đưa họ đến Đức Tin. Thế nên, phần tường thuật này là “hành trình đi đến đức tin của người môn đệ”. Thực vậy trong đoạn văn Mt 14,13-33, ta thấy rõ cuộc hành trình đưa đến Đức Tin. Hai thuật ngữ được Matthêu dùng nhiều trong toàn bộ phần ký thuật đi trước bài giảng thứ tư là TIN (14,31; 16,8) và HIỂU (15,10; 15,16.). Tin và tuân phục giáo huấn của Đức Giêsu sẽ giúp người môn đệ hiểu kế hoạch của Thiên Chúa qua cách huấn luyện của Đức Giêsu (crede ut intelligas et intellige ut credas). Sự hiểu biết sẽ giúp người môn đệ yêu mến thi hành: “Knowledge follows love”[9].

2. Hoạt động huấn luyện của Đức Giêsu

2.1. Khung cảnh giảng dạy

Hiếm có thầy giáo nào di chuyển liên tục như Đức Giêsu đã làm trong suốt cuộc đời công khai của Ngài. Ngoài những khung cảnh đa dạng mà Đức Giêsu đã dùng làm nơi giảng dạy như thuyền (πλοῖον) (Mt 13,2), ngoài phố xá (πλατειαις) (Lc 13,26), trong các hội đường (συναγωγαῖς) (Mt 4,23; 9,35; 13,45; 26,55), trên sườn đồi (στόμα) (Mt 5,2), nhà riêng (oikos tou Νικόδημοu) (Ga 3,1-15), còn có khung cảnh ghi dấu ấn độc đáo cho việc huấn luyện trong đoạn văn Mt 14,13-33.

Với việc xây dựng cấu trúc song song A//A’, chúng ta thấy có một điểm chung về việc chọn khung cảnh cho nội dung huấn luyện của Đức Giêsu, cả hai đều là nơi hoang vắng (ἔρημον τόπον κατ’ ἰδίαν), vào thời khắc chiều tà (yias) và đêm tàn (nuktos). Trong phép lạ thứ nhất khung cảnh mà Đức Giêsu trưng dụng để chạnh lòng thương (esplagcnisqh) dân chúng (oclos) và để huấn luyện các môn đệ là một nơi hoang vắng riêng biệt (A: 14,13a). Còn trong phép lạ thứ hai, khung cảnh là trên chiếc thuyền (πλοῖον) đang bồng bềnh giữa biển hồ nổi song (βασανιζόμενον κυμάτων ἄνεμος) (A’: 14,22.24). Đức Giêsu chọn khung cảnh thứ nhất làm nơi để huấn luyện các môn đệ về sự phục vụ và lòng hiếu khách, là nơi chia sẻ sứ vụ của Đức Giêsu, còn trong khung cảnh thứ hai, là nơi huấn luyện đức tin và cũng là nơi chia sẻ quyền năng của Đức Giêsu.

2.2. Thính giả

Với cấu trúc song song B//B’: trong phép lạ thứ nhất và dẫn vào phép lạ thứ hai, đối tượng được nhắc tới là đám đông (oclos). Rất nhiều người trong số họ có lẽ đã được cuốn hút đến với Đức Giêsu nhờ nghe danh chữa bệnh của Ngài hơn là đã nghe những người khác nói lại những lời Ngài giảng dạy. Họ sớm nhận ra rằng Ngài quan tâm và yêu mến một cách đặc biệt những người dốt nát, nghèo khổ, tội lỗi và tất cả những ai sống bên lề xã hội[10]. Trọn bài tường thuật phép lạ hóa bánh ra nhiều (Mt 14,13-21) tập chú vào dân chúng và lòng thương xót của Đức Giêsu đối với dân chúng.

Tuy nhiên, đối với Matthêu, kể từ sau lần về thăm Nazaret (Mt 13,53-58), Đức Giêsu không còn giảng dạy nữa mà chỉ chuyên lo chữa các bệnh nhân. Ý nghĩa của chi tiết này, theo bố cục của Matthêu, nói lên rằng đã qua rồi giai đoạn Đức Giêsu giảng dạy để kêu mời người ta chọn lựa dứt khoát có tin theo Ngài hay không. Từ nay, Đức Giêsu chuyên tâm vào việc huấn luyện các môn đệ theo Ngài bằng cách dẫn họ trên cuộc hành trình tiến đến Đức Tin (Mt 14,13-16,20)[11].

Hai phép lạ có mục đích đào tạo lòng tin của các môn đệ (D, E, F // D’, E’, F’), các môn đệ cũng có vai trò quan trọng trong hai phép lạ này. Người thuật chuyện trong đoạn văn này quan tâm đến hai điều. Đức Giêsu nuôi dân (F), nhưng Người làm phép lạ vì để đào tạo môn đệ (D, F). Người tỏ ra cho họ thấy lòng thương xót của Người đối với dân chúng, như chiên không kẻ chăn (những lời nói đó Matthêu đặt trước trình thuật Đức Giêsu sai các môn đệ đi truyền giáo) (C), rồi cho họ tham dự vào việc dọn phép lạ. Họ nên như cộng tác viên đi tìm kiếm bánh (D), phân phát ra, rồi thu lấy những gì còn dư thừa (F). Kế đến, Đức Giêsu cố làm cho họ suy nghĩ đến ý nghĩa của phép lạ. Phép lạ này có giá trị giáo dục hơn bất cứ phép lạ nào[12]. 

Chương 3. PHƯƠNG CÁCH HUẤN LUYỆN

VÀ THÁI ĐỘ CỦA ĐỨC GIÊSU ĐỐI VỚI NGƯỜI MÔN ĐỆ

1. Phương cách huấn luyện của Đức Giêsu

1.1. Thích nghi hoàn cảnh

Giống như nhiều thầy dạy linh động khác, Đức Giêsu thường chớp lấy những cơ hội khách quan xảy đến cho Ngài để rút ra bài học cho người môn đệ. Một giáo huấn có thể được trình bày một cách ít cụ thể hơn trong những hoàn cảnh khác, nhưng Ngài đã sử dụng một cách có hiệu quả những “phương tiện trực quan” để làm cho nó trở nên rất ấn tượng, sinh động và vì vậy người ta dễ nhớ như câu chuyện nộp thuế cho hoàng đế hay không (Mt 22,15-22), chuyện các bà mẹ xin Ngài chúc lành cho con mình (Mt 19,13-15), chuyện thân mẫu Ngài xuất hiện (Mt 12,46-50)[13].

Đặc biệt trong câu chuyện phép lạ hóa bánh ra nhiều có thể chứng tỏ khả năng “giảng dạy, huấn luyện theo tình huống” của Đức Giêsu (Mt 14,13-21). Ga-li-lê rất đông người ở, nhất là miền dọc bờ hồ. Muốn tránh (“lánh đi”: anacorew (14,13)) dân chúng, Đức Giêsu và môn đệ xuống thuyền sang bên kia bờ hồ. Thầy trò tính toán chỉ cần vượt một quãng xa chừng ba bốn dặm, thuyền sẽ cập bờ tới một nơi hoang vắng. Nào ngờ, dân chúng từ Ga-li-lê theo đường bộ đã tới trước từ lúc nào và đang đợi Ngài. Có thể nói, chuyện xảy ra ngoài ý muốn. Trong tình huống này, Matthêu đã cho độc giả thấy cách đọc tình huống của Đức Giêsu chỉ bằng ba động từ: “nhìn thấy, chạnh lòng thương và chữa lành” (εἶδεν, ἐσπλαγχνίσθη, ἐθεράπευσεν). Động từ “chạnh lòng thương” (ἐσπλαγχνίσθη, splagcnizomai)[14] là kiểu nói mạnh, trong Cựu Ước, động từ này áp dụng cho Đức Chúa Thiên Chúa của Israel. “This phrase, ‘moved with compassion’, occurs elsewhere in the Gospels, for those who need physical and spiritual healing are never far from the heart of Jesus.”[15]

Kế đó, chiều đến, làm sao để giải quyết vấn đề lương thực cho dân chúng trong nơi heo hút ấy? Thậm chí trước tình huống bất ngờ và nan giải, các môn đệ còn đề nghị giải pháp giải tán dân chúng đi cho xong chuyện! Vấn đề đã khó lại càng khó hơn trước lời đề nghị và cũng là mệnh lệnh của Đức Giêsu: “Οὐ χρείαν ἔχουσιν ἀπελθεῖν· δότε αὐτοῖς ὑμεῖς φαγεῖν. - They do not need to go away. You give them something to eat.” (14,16). Như vậy, những vấn đề xung quanh phép lạ này là bài học về sự biến ứng trong mọi cảnh huống. Người môn đệ phải là người luôn sẵn sàng, luôn nỗ lực hết mình (dù giới hạn), đặc biệt là luôn tín thác vào Chúa, Đấng có thể làm được những điều con người không thể làm. Có Chúa, người môn đệ sẽ “cùng tắc bị, bị tắc biến, biến tắc thông” (Cf. Mt 19,26).

1.2. Hành động mang tính biểu tượng

Người ta thường cho rằng hành động thuyết phục hơn lời nói[16]. Các ngôn sứ Cựu Ước quả đã ý thức rõ điều này; bằng chứng là các ngài thường dùng hành vi biểu tượng. Một vài phép lạ của Đức Giêsu cũng mang giáo huấn tương tự, trong đó có phép lạ hóa bánh ra nhiều (Mt 14,13-21). Với những chi tiết mang tính biểu tượng như “…καὶ ἦραν τὸ περισσεῦον τῶν κλασμάτων δώδεκα κοφίνους πλήρεις. - and the disciples picked up twelve basketfuls of broken pieces that were left over. - thu lại những miếng còn thừa, được mười hai giỏ đầy”, tác giả John F. O’Grady đặt vấn đề liệu con số “mười hai giỏ đầy” có tương ứng với con số mười hai chi tộc Israel (“Tribes of Israel”) và con số mười hai tông đồ trong nghi thức lập Bí tích Thánh Thể (“Apostles at the Eucharist”)[17]. Tất cả những yếu tố này cho thấy rằng: lương thực Đức Giêsu ban phát quả là dồi dào. Người nuôi mười hai chi tộc Israel và muôn dân. Các môn đệ là những người được chia sẻ sứ vụ này.

Ngoài ra, theo các sách Tin Mừng thì khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, Đức Giêsu còn muốn chuẩn bị dân chúng đón nhận một phép lạ khác vĩ đại hơn, phép lạ ban phát lương thực cánh chung, nghĩa là Mình và Máu Thánh Ngài. Giáo hội sơ khai đã hiểu đúng như thế, và cũng vì thế mà khi trình bày đạo lý, các sách Tin Mừng, nhất là Tin Mừng Matthêu đã nhấn mạnh điều này. So sánh hai bản văn Mt 14,19 và Mt 26-26, chúng ta sẽ thấy ý nghĩa biểu tượng này[18]:

Mt 14,19: Hóa bánh ra nhiều

Mt 26,26: Lập Bí tích Thánh Thể

Người cầm lấy năm cái bánh và…

Đức Giêsu cầm lấy tấm bánh và

dâng lời chúc tụng

dâng lời chúng tụng

rồi

rồi

bẻ ra

bẻ ra

trao cho môn đệ

trao cho môn đệ

1.3. Nêu gương

Mặc dù bị dân chúng quấy nhiễu giữa lúc đang cần nghỉ ngơi, nhưng Đức Giêsu không những không thấy phiền hà mà còn quên mình lập tức phục vụ họ, nhất là những người đau yếu. Chiều tới, dù đã mệt mỏi, nhưng Ngài vẫn chưa nghỉ ngơi để rồi có thể thiết kế một bữa ăn nuôi hơn năm ngàn người. Tất cả đều nhận thực phẩm từ tay Ngài phát ra và đều được no nê. Xét nguyên một vụ này, người ta đủ thấy Ngài thương dân đến chừng nào, và Ngài đã thực hành đúng mức câu mà Ngài từng nói: “ὥσπερ ὁ Υἱὸς τοῦ ἀνθρώπου οὐκ ἦλθεν διακονηθῆναι, ἀλλὰ διακονῆσαι καὶ δοῦναι τὴν ψυχὴν αὐτοῦ λύτρον ἀντὶ πολλῶν.” (Mt 20,28).

Hành động “chạnh lòng thương” (esplagcnisqh) dân chúng là mẫu gương lớn nhất dành cho các môn đệ. Vì nhằm mục đích huấn luyện các môn đệ, nên việc “chạnh lòng thương” dân chúng là cơ hội để các môn đệ chạm tới lòng thương xót của Đức Giêsu và thấu hiểu sứ vụ của các ông sau này phải mặc lấy tâm tình như Đức Giêsu (cf. Pl 2,5). Điểm C: “chạnh lòng thương” trong phép lạ hóa bánh ra nhiều được đặt song song với C’: “Người cầu nguyện” tạo nên một điểm chung về nguồn gốc thần tính của Đức Giêsu. “Chạnh lòng thương”, trong Cựu Ước, được đặt vào trong cung lòng của Đức Chúa, nay tác giả Tin Mừng Matthêu đặt vào trong trái tim Đức Giêsu. “Người cầu nguyện” đặt trong mối tương quan thiêng liêng mật thiết với Chúa Cha, mối tương quan này diễn ra trước những vất vả chèo chống giữa phong ba bão táp của các môn đệ. Nghĩa là Đức Giêsu “chạnh lòng thương” dân chúng thế nào thì Ngài “chạnh lòng thương” các môn đệ gấp bội, bởi vì nếu Ngài đã “nhìn thấy” (Mt 14,14) dân chúng lầm than thế nào thì Ngài cũng nhìn thấy sự vất vả của các môn đệ (cf. Mc 6,48). Hành trình tiến về đức tin của các môn đệ được đặt tại trung tâm của lòng thương xót của Đức Giêsu và cũng được đặt ở trung tâm của mối tương quan giữa Chúa Cha và Đức Giêsu[19].

Mẫu gương này, ân tình này, các ông khắc cốt ghi tâm suốt cả cuộc đời. Vì các môn đệ đã thấy rõ điều này, nên các ông đã cộng tác cách đắc lực với Đức Giêsu, dù không hiểu. Mặc dù mệnh lệnh của Đức Giêsu rất phi lý, xét theo khả năng của con người: “chính anh em hãy cho họ ăn” (Mt 14,16), trong khi chẳng có gì ngoài “năm chiếc bánh và hai con cá” (Mt 14,17), nhưng các ông vẫn vâng phục. Nghe xong, dù chưa hiểu, nhưng vẫn thi hành[20]. Như vậy, điểm nhấn ở đây trở thành điểm quy chiếu, điểm tựa cho hành trình tiến về đức tin của các môn đệ: lòng thương xót của Đức Giêsu (Mt 14,14), sự cầu nguyện của Đức Giêsu (Mt 14,23).

2. Thái độ của Đức Giêsu đối với người môn đệ

2.1. Yêu thương

Chi tiết đáng chú ý trong đoạn văn này là động từ “chạnh lòng thương” tiếng Hy lạp là esplagcnisqh-(splagcnizomai). Đức Giêsu đã “chạnh lòng thương” dân chúng. Dù đối tượng trực tiếp của tình thương này là dân chúng, nhưng quả thật, Matthêu muốn đặt phép lạ này trong mục đích huấn luyện trường kỳ đối với các môn đệ. Nghĩa là hành động “chạnh lòng thương” dân chúng được thực hiện trước mắt các môn đệ. Đức Giêsu cố tình làm cho các môn đệ thấy, dĩ nhiên không phải làm bộ. Bởi động từ “chạnh lòng thương” trong tiếng Hy lạp là hành động diễn tả tình thương của một người mẹ thương con[21]. Đức Giêsu “chạnh lòng thương” dân chúng và Ngài đặc biệt “chạnh lòng thương” các môn đệ. Tình thương của Đức Giêsu đối với các môn đệ khác với dân chúng, Ngài đặt tình thương ấy trong một cuộc huấn luyện đức tin và chia sẻ sứ vụ. Là một người Thầy ưu việt, Đức Giêsu đã làm gương: “chạnh lòng thương”, chữa bệnh, dọn cho năm ngàn người ăn, để các môn đệ thấy và thấy rồi các ông được củng cố và biết mình được mời gọi chia sẻ, cộng tác với Ngài.

Nếu nối kết đoạn văn Mt 14,13-21 với đoạn văn Mt 14,22-33, chúng ta sẽ thấy cuộc huấn luyện này đi từng bước tiệm tiến từ nhẹ nhàng lên đến cao trào. Mới lúc đầu, ở phép lạ Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều, khó khăn chỉ là thiếu bánh ăn cho dân chúng, thì lúc sau, trong phép lạ Đức Giêsu đi trên mặt biển hồ, khó khăn như có thể đụng tới mạng sống của các môn đệ. Nhưng như người mẹ thương con, Đức Giêsu có lúc hiện diện làm hết tất cả cho các môn đệ thấy, có lúc lại vắng mặt để trong khó khăn cùng bị, những khiếm khuyết và yếu lòng tin nổi lên, thì niềm hy vọng lại trở về và đức tin được chữa lành khi Đức Giêsu xuất hiện. “Mẹ đây này!” là cách một bà mẹ trấn an đứa con trong lúc nó chơi vơi, thì Đức Giêsu cũng trấn an và đem lại bình an cho các môn đệ của mình bằng một kiểu nói tương tự: “Chính Thầy đây, đừng sợ” (Mt 14,27)[22].

Nét đẹp trong ý nghĩa giáo dục của đoạn văn này ở chỗ, sự hiện diện đầy đủ của Đức Giêsu trong phép lạ hóa bánh ra nhiều, rồi sự ẩn mình trong “cầu nguyện” của Đức Giêsu chứ không bỏ các môn đệ, Tin Mừng Maccô còn thêm chi tiết: “…một mình Người trên đất. Người thấy các ông phải vất vả chèo chống vì gió ngược, nên…” (Mc 6,47-48), kế đó lại hiện diện trọn vẹn trong phép lạ đi trên mặt biển hồ. Như vậy, tình thương của Đức Giêsu mang dáng dấc của sự phục vụ (14,13-33: cuộc huấn luyện này có ý nghĩa phục vụ), chịu đựng (E’&F’: 14,26.30-31), chia sẻ (F’: 14,28-29), nâng đỡ (E: 14,18//E’&F’: 14,27.31), đồng hành (D’,E’,F’: 14,23.25.29.31), cộng tác (E: 14,18-19a), đòi hỏi (A’: 14,22)[23].

2.2. Thách thức

Đoạn văn Mt 14,13-33 ghi nhận một sự thật là Đức Giêsu đã thách thức các môn đệ của Ngài. Trở lại với câu chuyện phép lạ hóa bánh ra nhiều, “δὲ γενομένης προσῆλθον αὐτῷ οἱ μαθηταὶ λέγοντες Ἔρημός ἐστιν ὁ τόπος καὶ ἡ ὥρα ἤδη παρῆλθεν· ἀπόλυσον οὖν τοὺς ὄχλους, ἵνα ἀπελθόντες εἰς τὰς κώμας ἀγοράσωσιν ἑαυτοῖς βρώματα. - các môn đệ lại gần Người và thưa: ‘Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi. Xin Thầy cho đám đông dân chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn’” (Mt 14,15). Với những điều kiện có trong tầm tay: “πέντε ἄρτους καὶ δύο ἰχθύας. - năm chiếc bánh và hai con cá” (Mt 14,17), hai người ăn chưa chắc đã đủ no huống hồ là năm ngàn người, thời gian lại chiều tối, không gian lại là nơi heo hút, lời đề nghị của các môn đệ quá hợp lý. Đức Giêsu không hề đề nghị các môn đệ đi mua thêm…mà lại đề nghị “chính anh em hãy cho họ ăn” (Mt 14,16). Thậm chí Tin Mừng Matthêu còn “…drops the sarcastic question of the disciples about going to buy bread”[24]: “Chúng con phải đi mua tới hai trăm quan tiền bánh mà cho họ ăn sao?” (Mc 6,37). Mấu chốt của việc thụ huấn ở đây là sự vâng phục; có vâng phục người môn đệ mới có thể chấp nhận thách thức của Thầy và cũng nhờ vâng phục, họ đi theo Thầy vào thành đô Thiên Quốc[25].

Đức Giêsu thách thức các môn đệ của Ngài chấp nhận một cách thức suy nghĩ và hành động mới mẻ. Chấp nhận cách thức mới là suy nghĩ và hành động theo ý muốn của Thiên Chúa, thế mà kế hoạch của Thiên Chúa thì mầu nhiệm. Nhưng đoạn văn 14,13-21 cho biết rằng các môn đệ đã chấp nhận suy nghĩ và hành động mới theo kiểu của Chúa[26]. Bằng chứng của sự chấp nhận này là các ông đã cộng tác hết khả năng của mình để tìm ra “năm chiếc bánh và hai con cá” dâng cho Đức Giêsu. Các môn đệ tiếp tục chấp nhận cách thức mới này bằng cách cộng tác để hoàn thành kế hoạch của Đức Giêsu: “…môn đệ trao cho đám đông dân chúng…thu lại những miếng còn thừa, được mười hai giỏ đầy” (14,19-20).

Trong phép lạ Đức Giêsu đi trên mặt biển hồ, đoạn văn 14,22-33 cho biết Đức Giêsu “ἠνάγκασεν - đòi hỏi, thách thức, bắt buộc” các môn đệ phải xuống thuyền ngay, để sang bờ bên kia trước, còn Ngài thì ở lại cho dân chúng đi về. Một sự khẩn trương, vội vả, có vẻ như đang đứng trước một nguy hiểm. Cũng như thách thức trong phép lạ Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều, thách thức này cũng không mấy hợp lý theo lẽ tự nhiên của con người. Thật vậy, Thiên Chúa thấu suốt mọi sự, Đức Giêsu Con Thiên Chúa biết rằng sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng đã quá hăng hái, một sự hăng hái trần tục vì thấy mình được hưởng thụ vật chất. Sự hăng hái này rõ ràng không hợp với sứ mạng Messia của Đức Giêsu. Hơn nữa, cám dỗ hiểu lầm Nước Trời là cuộc sống ăn sung mặc sướng, cám dỗ quên sứ mạng thừa sai mà chỉ lo hưởng thụ lòng biết ơn. Vì thế Ngài không muốn cho sự hăng hái lệch lạc này tác động lên các môn đệ, và vội vả “đòi hỏi” các ông đi ngay sang nơi khác[27].

Cũng trong phép lạ Đức Giêsu đi trên mặt biển hồ, người thuật chuyện cho hay rằng Đức Giêsu đã lên núi cầu nguyện[28] một mình trong khi thuyền của các môn đệ đã ra xa bờ đến cả một cây số, bị sóng đánh vì ngược gió. Các môn đệ phải chiến đấu, chèo chống từ chiều hôm trước tới sáu giờ sáng hôm sau[29]. Đêm tối, biển, sóng gió bão bùng là thách thức đối với các môn đệ nhưng việc vắng bóng Đức Giêsu trên thuyền mới là một thách thức đáng sợ nhất đối với các môn đệ. 

KẾT LUẬN

Từ những gì vừa được trình bày ở trên, chúng ta có thể nhận thấy rằng đoạn văn Mt 14,13-33 trước hết được bố cục chặt chẽ từ hai trình thuật về phép lạ Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều và phép lạ Đức Giêsu đi trên mặt biển hồ. Với vai trò là THẦY (Didaskalos, Rabbi), Đức Giêsu đã thực hiện một tiến trình huấn luyện các môn đệ của mình. Tiến trình này, Đức Giêsu đã khởi đi từ việc chọn khung cảnh và đặc biệt phương cách huấn luyện toàn diện. Trong suốt tiến trình này, độc giả được nếm cảm thái độ của Đức Giêsu đối với thính giả là các môn đệ và những người tin.

Ngang qua tiến trình huấn luyện này, chúng ta có thể rút ra những điểm chung mang tính giáo dục từ đoạn văn Mt 14,13-33. Thứ nhất, dù cách thức hiện diện của Đức Giêsu có khác nhau khiến cho các môn đệ có cảm tưởng Ngài không ở gần (Mt 14,23), nhưng chắc chắn, các môn đệ không lẻ loi (Mc 6,48), Đức Giêsu luôn ở cùng (Mt 28,20). Thứ hai, những thách đố là điều kiện cần cho tiến trình huấn luyện như trong trình thuật Đức Giêsu làm cho bánh hóa ra nhiều, các môn đệ bị bao vây bởi đám đông dân chúng đói khát (Mt 14,15-19), còn trong trình thuật Đức Giêsu đi trên mặt biển hồ, họ bị đe dọa bởi sóng nước chập chùng (Mt 14, 24). Thứ ba, trong nội dung huấn luyện như người thuật chuyện xác quyết, không thể nào thiếu vắng sự kiện Đức Giêsu đã can thiệp trong lúc nguy khốn bằng một hành vi quyền năng ((I): Mt 14,19-21 // (II): 14,25-32).  Thứ tư, ngang qua quá trình huấn luyện như được trình bày trong đoạn văn 14,13-33, người thuật chuyện cố tình cho độc giả thấy thân phận người môn đệ bị giằng co giữa nỗi sợ hãi và đức tin ((I): Mt 14,15-18 // (II): Mt 14,24.26.30). Như thế, người thuật chuyện kết luận đức tin của các môn đệ và cộng đoàn những người tin còn non kém ((I): Mt 14,16-17 // (II): Mt 14,31), cần phải được Đức Giêsu huấn luyện thêm, đồng thời, người thuật chuyện cũng ngụ ý rằng công việc huấn luyện môn đệ của Đức Giêsu vẫn còn tiếp diễn mãi cho đến ngày tận thế như Ngài đã hứa: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20), vấn đề là người tin có mở lòng để thụ huấn hay không?

BIBLIOGRAPHY

Primary Sources:

The New Greek – English Interlinear New Testament. Ed. J. D. Douglas. Wheaton: Tyndale House, 1990.

The New American Bible. Revised edition. N.J: Catholic Book, 2011.

Kinh Thánh Tân Ước. Bản dịch và chú thích có hiệu đính do Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Hà Nội: Tôn Giáo, 2008.

Secondary Sources:

Aquinas, Thomas. Summa Theologiae.

Augustine. Sermon 43.

------. Epist, 120.

------. De Trinitate, I. XV.

------. The City Of God. New York: Image Book, 1958.

Barclay, William. The Gospel of Matthew - Tin Mừng Theo Thánh Matthêu. Bản dịch của Dòng Phaolô Thiện Bản, tập 2. Hà Nội: Tôn Giáo, 2008.

Beare, F.W. The Gospel According To Matthew. Oxford: Basil Blackwell, 1981.

Benedict XVI. Spe Salvi. 30-11-2007.

Brown, R.E. An Introduction to The New Testament. New York: Doubleday, 1997.

Dumm, Demetrius. Flowers In The Desert – A Spirituality of the Bible. Pennsylvania: Saint Vincent Archabbey, 2001. Bản dịch Việt ngữ cuả Piô Phan Văn Tình, O.M.I. Đóa Hoa Sa Mạc.

Francis. Lumen Fidei. 29-6-2013.

Grenier, Brian. Jesus The Teacher. NSW: St. Pauls, 1994. Bản dịch Việt Ngữ của Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội. “Đức Giêsu Nhà Giáo Ưu Việt”. Hà Nội: Tôn Giáo, 2009.

Hoàng Đắc Ánh. Tin Mừng Theo Thánh Matthêu. Sài Gòn, 1997.

Hồ Bặc Xái. Tìm Hiểu Tin Mừng Theo Thánh Matthêu. ĐCV Thánh Quý Cần Thơ, 1996.

Lê Minh Thông. Phân Tích Thuật Chuyện và Cấu Trúc. Hồ Chí Minh: Đông Phương, 2010.

Nemeck, F.K & Marie Theresa Coombs. Called By God. Minnesota: the Liturgical Press, 1992.

Nguyễn Cao Siêu. Thần Học Kinh Thánh. Lưu hành nội bộ, 2017.

Nguyễn Thế Thuấn. Tin Mừng Nhất Lãm. Không rõ: Không rõ, Không rõ.

O’Grady, J.F. The Gospel of Matthew. New Jersey: Paulist Press, 2007.

Paul VI. Evangelii Nuntiandi. 8-12-1975.

Phan Văn Tình. Sự Vâng Phục Của Người Tu Sĩ Theo Bước Đức Kitô. Lưu hành nội bộ, 2015.

Talbert, C.H. Learning Through Suffering. Malila, Philippines: St. Paul, 1997.

The Anchor Bible Matthew. Translation and notes by W.F. Albright & C.S. Mann. Ny: Doubleday, 1971.

The Anchor Bible Dictionary. Vol 5. 1st edition by David Noel Freedman. New York: Doubleday, 1992.

The Jerome Biblical Commentary. Edited by Raymond E. Brown, Joseph A. Fitzmyer, Roland E. Murphy. New Jersey: Prentice-Hall, 1968.

Wright, A.F. Jesus The Evangelist. Cincinnati: Franciscan Media, 2013.



[1] Cf. Giuse Lê Minh Thông, Phân Tích Thuật Chuyện và Cấu Trúc, (Hồ Chí Minh: Đông Phương, 2010), p. 77-95.

[2] Cf. The New American Bible, revised edition, (N.J: Catholic Book, 2011), the introduction to the Gospel according to Matthew.

[3] Cf. The Jerome Biblical Commentary, Vol. II, edited by Raymond E. Brown, Joseph A. Fitzmyer, Roland E. Murphy, (New Jersey: Prentice-Hall, 1968), 43:100: “The formation of the disciples”.

[4] Cf. Kinh Thánh Tân Ước. Bản dịch và chú thích có hiệu đính do Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, (Hà Nội: Tôn Giáo, 2008), phần dẫn nhập Tin Mừng Matthêu.

[5] Cf. Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái, Tìm Hiểu Tin Mừng Theo Thánh Matthêu, (ĐCV Thánh Quý Cần Thơ, 1996), p. 11.

[6] Sách Lễ Rôma, Lời Tổng Nguyện Tuần XX Mùa Thường Niên.

[7] The Anchor Bible Dictionary, Vol 5, 1st edition by David Noel Freedman, (New York: Doubleday, 1992), the word “Rabbi”.

[8] Cf. Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu,S.J., Thần Học Kinh Thánh, (Lưu hành nội bộ, 2017), p. 97.

[9] Saint Thomas Aquinas, Summa Theologiae, 2nd part, q.27, a.3, o.2.

[10] Cf. Brian Grenier, Jesus The Teacher, (NSW: St. Pauls, 1994). Bản dịch Việt Ngữ của Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội, “Đức Giêsu Nhà Giáo Ưu Việt”, (Hà Nội: Tôn Giáo, 2009), p. 28-32.

[11] Cf. Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái, op.cit., p. 71.

[12] Cf. Lm. Giuse Nguyễn Thế Thuấn, Tin Mừng Nhất Lãm, p. 311.

[13] Cf. Brian Grenier, op.cit., p. 57.

[14] In Greek, the word splagcnizomai used is translated as “pity” or “compassion”. It is the same word used in the story of the Good Samaritan (Lk 10:30). The root of the word, “splacnon”, refers to the inner organs and is used to refer to inner yearnings and the heart which is the seat of feelings in antiquity (Bible Word).

[15] Allan F. Wright, Jesus The Evangelist, (Cincinnati: Franciscan Media, 2013), p. 120.

[16] Cf. Paul VI, Evangelii Nuntiandi, (1975), 41.

[17] Cf. John F. O’Grady, The Gospel of Matthew, (New Jersey: Paulist Press, 2007), p. 118-119.

[18] Cf. Tanila Hoàng Đắc Ánh, Op., Tin Mừng Theo Thánh Matthêu, (Sài Gòn, 1997), p. 120-121.

[19] Cf. Frances Kelly Nemeck, O.M.I and Marie Theresa Coombs, Hermit., Called By God, (Minnesota: the Liturgical Press, 1992), p. 19-20.

[20] X. Is 7,9; Augustine, Sermon 43,7,9, Epist, 120,1,3; Augustine, De Trinitate, I. XV, c.2, n.2; Pope Benedict, Spe Salvi 7; Pope Francis, Lumen Fidei, 20.23.26; .

[21] Cf. Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu,S.J., op.cit., p. 24: “Rakhamim là số nhiều của rakham hay rekhem (רֶ֖חֶם) có nghĩa là tử cung của người mẹ (cf. St 20,18). Rakhamim có nghĩa bóng là lòng trắc ẩn, lòng thương xót. Trong Tân Ước có một từ tương tự như rakhamim, đó là splagcna. Từ này cũng là từ số nhiều của splacnon, có nghĩa là ruột, lòng (cf. Cv 1,18). Splagcna có nghĩa là lòng thương xót (cf. Lc 1,78; Pl 2,1).”

[22] Cf. Frances Kelly Nemeck, O.M.I and Marie Theresa Coombs, Hermit., op.cit., p. 22-28.

[23] Cf. Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu,S.J., op.cit., p. 98-104.

[24] Raymond E. Brown, S.S., An Introduction to The New Testament, (New York: Doubleday, 1997), p. 187 (footnote).

[25] Cf. Saint Augustine, The City Of God, Book XIV, Chapter 4-5; 12-13.

[26] Cf. Piô Phan Văn Tình, O.M.I., Sự Vâng Phục Của Người Tu Sĩ Theo Bước Đức Kitô, p. 122-123.

[27] Cf. Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái, op.cit., p. 72-73.

[28] Cf. John F. O’Grady, op.cit., p. 119. “Việc Đức Giêsu cầu nguyện một mình” là chi tiết đặc biệt trong Tin Mừng Matthêu như để chuẩn bị cho phép lạ thứ hai: Đức Giêsu đi trên mặt biển hồ.

[29] Cf. William Barclay, The Gospel of Matthew, (Tin Mừng Theo Thánh Matthêu, bản dịch của Dòng Phaolô Thiện Bản, tập 2, Hà Nội: Tôn Giáo, 2008), p. 83: Người Do Thái chia đêm thành bốn canh: 6:00 p.m – 9:00 p.m, 9:00 p.m – 12:00 p.m, 12:00 p.m – 3:00 a.m, 3:00 a.m – 6:00 a.m, bắt đầu từ sáu giờ tối, mỗi canh kéo dài ba giờ, đến sáu giờ sáng. Tính ra, sang canh tư là khoảng 3:00 a.m. Cf. John F. O’Grady, op.cit., p. 119: “The fourth watch: Between 3:00 and 6:00 a.m, Jesus appears walking on the water.”

Kinh Thánh, Tin Mừng Matthêu, Môn đệ

Labels:
Thư viện Học viện Công giáo Việt Nam