MỤC LỤC
DẪN NHẬP
NỘI DUNG
I. Tổng quan
1. Bối cảnh bản văn
2. Cấu trúc bản văn
II. Phân tích
bản văn
1. Dẫn nhập (cc.22-23)
2. Thiên Chúa – Đấng sáng tạo vũ trụ và sự sống (cc.24-25)
3. Thiên Chúa – Đấng tạo dựng con người (cc.26-27)
4. Con người thuộc về Thiên Chúa (cc.28-29)
6. Kết quả (cc.32-34)
III. Một vài suy tư nhận định cá nhân
1. Chiến lược truyền giáo
2. Mặc khải của Thiên Chúa
3. Thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất
KẾT LUẬN
TÀI LIỆU THAM KHẢO
DẪN NHẬP
Trong hành trình truyền giáo lần thứ II, khi dừng
chân tại Athens, Phaolô nắm bắt cơ hội đem Tin Mừng tiếp cận văn hóa triết học
Hy Lạp. Tại đây, khi chứng kiến những sai lạc của trào lưu đa nguyên tôn giáo, ngài
đã phải lên tiếng rao giảng giáo lý về Đức Kitô Phục sinh.
Bài viết này xin chọn bản văn Cv 17,22-34 để phân
tích những điểm căn bản và nêu lên một vài suy tư mục cụ ngang qua diễn từ của
Phaolô trước hội đồng Areogapus.
NỘI DUNG
Sau khi sứ vụ
truyền giáo tại Berea gặp khó khăn bởi những người Do thái ở Thessalonica quấy
nhiễu, Phaolô lên thuyền đi Athens. Đang khi đợi Silas và Timothy đến đây,
Phaolô đã có một cuộc đối thoại với các triết gia phái Khoái lạc và Khắc kỷ.
Athen[1] –
thủ phủ Hy Lạp, trung tâm văn hóa, nghệ thuật, triết học thời bấy giờ, là nơi các
triết gia tập trung để cùng nhau “bàn tán hay nghe những chuyện mới nhất.”
(c.21) Đúng vậy, lý do để họ nghe Phaolô nói chỉ vì giáo lý của ông là một điều
“mới mẻ καινότερον.” Lý trí con người
có một khả năng tuyệt với khao khát không ngừng học hỏi, tìm kiếm những điều mới
lạ. Tận dụng đặc điểm này, Phaolô đã trình bày cho họ về Đức Kitô Phục sinh khởi
đi từ vị thần Vô danh mà dân Athens đang thờ kính.
*cc.22-31: Diễn từ
ở hội đồng Areogapus (bài diễn văn thứ tư của Phaolô)
+ cc.22-23: Dẫn
nhập
+ cc. 24-29: Nội
dung
- cc.24-25: Thiên Chúa – Đấng tạo dựng vũ trụ và sự sống
- cc.26-27: Thiên
Chúa – Đấng tạo dựng con người
- cc.28-29: Con
người thuộc về Thiên Chúa
+ cc.30-31: Kết
luận
- c.30: Con người
tội lỗi phải ăn năn, sám hối
- c.31: Ngày phán
xét và sự sống lại
*cc.32-34: Kết quả
sau bài diễn từ
+ cc.32-33: Bị từ
chối
+ c.34: Tác động
hoán cải
Phaolô thật tế nhị dẫn
nhập cho bài diễn văn của mình. Mặc dù rất nổi giận trước tình trạng thờ cúng
tượng thần ở đây (c.16), nhưng Phaolô, trong thái độ hòa giải nhã nhặn, đã bắt
đầu từ thái độ được xem là tích cực đáng khen ngợi của dân Athens: “những người
cực kỳ sùng đạo hơn ai hết.” (tính từ “δεισιδαιμονεστέρους mê tín” được chia ở
dạng so sánh nhất).
Dẫn dắt từ lòng mộ đạo
của họ, Phaolô thu hút sự chú ý vào “[τὰ]
σεβάσματα đối tượng thờ phượng” của dân Athens là “ Αγνωστω Θεω vị thần Vô danh” được tôn kính. Ở đây, Phaolô không
đánh đồng “vị thần Vô danh” với Thiên Chúa mà ngài sẽ giới thiệu cho Athens,
nhưng ngang qua nhân vật này Phaolô khắc họa chân dung vị thần tối cao đích thực
mà bấy lâu họ chưa được biết đến, hay đúng hơn Phaolô muốn nói về sự sai lạc của
tôn giáo họ đang theo.
2.
Thiên Chúa – Đấng sáng tạo vũ trụ và sự sống
(cc.24-25)
Trước
hết, Thiên Chúa là “Đấng Sáng tạo thế giới” (động từ ποιήσας tạo thành), Người là “κύριος
οὐρανοῦ γῆς Chúa tể trời đất,”[2]
và do đó Ngài siêu việt vượt trên tất cả, không bị lệ thuộc vào trần gian này.[3]
Trái ngược quan điểm của Epicurus,[4] Thiên Chúa thực sự hoàn toàn khác biệt với thế giới thụ tạo. Thiên Chúa
lại càng không thể bị “nhốt” vào một ngôi đền do bàn tay con người làm nên.[5]
Phaolô đã trình bày sự vô biên, vĩ đại, lớn lao của Thiên Chúa Kitô giáo và
chính điều này đụng chạm đến quan niệm về một Thiên Chúa hữa hạn trong tư tưởng
triết học Athens.
Thiên
Chúa không phụ thuộc vào thụ tạo của mình,[6]
không cần đến việc được “θεραπέυεται phục
vụ” (thể present indicative passive)
như các thần mà họ đang thờ phượng. Vì Thiên Chúa là “ζωὴν sự sống”, và Người “thông ban διδοὺς” cho thế giới. Sự sống [sự tồn tại, sự hiện hữu] ấy qua “πνοὴν hơi thở” [hơi thở là sự tồn tại
tiếp tục] tràn ngập muôn loài thụ tạo.[7]
Quả thực, con người chẳng có gì để dâng lên Thiên Chúa, bởi tất cả mọi sự đều
phát xuất từ Thiên Chúa rồi.
3.
Thiên Chúa – Đấng tạo dựng con người
(cc.26-27)
Thiên
Chúa “ἐποίησέν làm nên” con người với
bản chất tro bụi được trở nên “ψυχὴν
ζῶσαν sinh vật sống.”[8]
Phaolô khẳng định tính toàn thể nhân loại: dù khác nhau về chủng tộc, ngôn
ngữ... nhưng có cùng một nguồn gốc từ một người mà thôi. Đó là sự hiệp nhất trong
cũng một Thiên Chúa duy nhất.
Hơn nữa,
Thiên Chúa cho con người sống hòa hợp với tự nhiên[9]
khi đặt con người vào vũ trụ trong “καιρῷ
thời gian”[10] và “τὰς ὁροθεσίας τῆς κατοικίας αὐτῶν lãnh thổ cư trú.”[11]
Động từ “ζητεῖν” hiểu theo cách lần tìm trong
bóng tối. Trong “thời gian và không gian lịch sử,” Thiên Chúa cho phép con
người “ψηλαφήσειαν cảm nhận” (động từ
này mang nghĩa chạm, cầm, nắm được khi phải mò mẫm khi không trông thấy rõ vì
tối) và “εὕροιεν tìm thấy” Ngài. Tuy
nhiên, Ngài “οὐ μακρὰν không xa”
nhưng thực sự “ ἀπὸ ἑνὸς ἑκάστου ἡμῶν
ὑπάρχοντα hiện diện nội tại trong mỗi người” bởi Thiên Chúa không chỉ thông
ban sự sống, hơi thở mà còn dẫn dắt con người đến với Ngài. Thiên Chúa không ở
trong một ngôi đền do bàn tay con người dựng nên, nhưng ngự trị tận sâu thẳm
lương tâm con người.[12]
Tuy
nhiên, mặc dù Thiên Chúa có ở đấy, gần gũi và thiết thân,[13]
nhưng sự mù quáng làm con người không nhận ra.[14]
Do đó, Ngài đã tự bày tỏ mình ra cho con người qua mặc khải.[15]
4.
Con người thuộc về Thiên Chúa (cc.28-29)
Phaolô dùng
tri thức Hy Lạp[16] để khẳng định con người
bắt nguồn từ Thiên Chúa. Vì con người “ζῶμεν
sống” (sự sống thể xác), “κινούμεθα chuyển
động” (hành động bên ngoài tác động làm thay đổi tâm trí và tinh thần) và “ἐσμέν
tồn tại” (yếu tố cấu thành hữu thể) chỉ khi nó gắn kết mật thiết với Nguyên lý
Sự sống là Thiên Chúa mà thôi. Chỉ sự sống mới sinh ra sự sống. Con người được
dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa nên mang trong mình sự sống của Thiên Chúa.[17]
Vì tất cả có chung nguồn gốc nên mọi người làm thành một loài người duy nhất và
có Thiên Chúa là Cha.[18]
Sâu xa hơn, Phaolô còn khẳng định con người trở nên nghĩa tử nhờ ơn tái sinh
trong Đức Kitô.[19]
Con
người được Thiên Chúa tạo nên, thiết lập tương quan với nó (γένος - con), vậy thì Thiên Chúa không
bao giờ là sản phẩm của con người được. Hơn nữa, tượng thần do bàn tay con
người làm ra bằng vật chất thì không sống động, không chuyển động.[20]
Đó chỉ là “χαράγματι hình ảnh” được
tạo nên bởi “τέχνης sự khéo léo” và “ἐνθυμήσεως tư duy” của con người.
Phaolô
cho thấy sự sai lầm và thiếu hiểu biết của dân Athens về Thiên Chúa – Vị thần
đích thực, Đấng Sáng tạo thế giới và con người và mời gọi một cuộc hoán cải, ăn
năn.
5. Con người hoán cải trở về với Thiên
Chúa (cc.30-31)
Thời kỳ
Giao ước Cũ đã qua và bây giờ là thời kỳ Giao ước Mới, được ký kết trong Đức
Kitô – Con Thiên Chúa, Đấng mặc lấy thân phận tôi tớ xác phàm. Thiên Chúa đã tỏ
lòng khoan dung đối với tội lỗi con người khi để cho họ được “đi theo được lối
riêng của họ”[21]. Ngài cũng bỏ qua lỗi lầm
“τῆς ἀγνοίας ὑπεριδὼν mê tín vì thiếu
hiểu biết” nhưng nay “παραγγέλλει truyền
lệnh” mọi người phải “μετανοεῖν sám
hối.”[22]
Mặc khải
đã nên trọn vẹn nơi Đức Kitô, thời kỳ viên mãn đã đến, không còn phải là thờ
phượng các thần, hay ở đây trong bối cảnh của dân thành Athens kính thần Vô
danh như trước nữa, nhưng con người phải thay đổi để trở về với Thiên Chúa là
Thiên Chúa Duy nhất, ngay cả trong nhận thức lẫn cách thức thực hành niềm tin
tôn giáo. Đức Kitô là Đấng Mesia của Lời hứa cứu độ, đã chết và đã phục sinh. Ơn
cứu độ đã sẵn sàng cho tất cả những ai đón nhận bằng lòng tin chân thật.[23]
Thiên
Chúa đã ấn định ngày phán xét chung được thực hiện bởi “ἀνδρὶ một người” - ám chỉ đến Người Con.[24]
Nhờ quyền năng Thánh Thần “ἀναστήσας phục
sinh” Đức Kitô từ “νεκρῶν cõi chết,”[25]
siêu tôn Người bên hữu ngai tòa,[26]
“ὥρισεν đặt để” Người trong vai trò
thẩm phán của Thiên Chúa.[27]
Quả thực, trong ngày phán xét, không phải Vị thần Vô danh nào đó, nhưng Thiên Chúa
– Đấng Tạo Dựng thế giới này là vị Thẩm phán tối cao sẽ phán xét toàn thể vũ
trụ.
6.
Kết quả (cc.32-34)
Sự mới mẻ trong giáo lý [phục sinh thân xác] này giờ
đây trở thành trò hề cho khán thính giả ở hội đồng Areopagus. Phản ứng của những
nhà “thông thái Hy Lạp” là thái độ chế giễu, cười nhạo “sự khôn ngoan” của Phaolô,
hay tế nhị hơn thì “để khi khác sẽ nghe về vấn đề ấy.” Dưới nhãn quan Hy Lạp cổ
đại, thân xác là ngục tù giam hãm linh hồn, nó chỉ được giải thoát nhờ cái chết,
ấy chính là lúc linh hồn bất tử lìa bỏ thân xác hư nát mà đi vào thế giới tự do.
Trái ngược với quan điểm này, niềm tin Kitô giáo nhìn nhận sự kết hợp mật thiết
giữa hồn và xác[28]
làm nên giá trị phẩm giá con người.[29] Do đó, ơn cứu độ ban cho
con người trong tính toàn thể của nó, nghĩa là thân xác được biến đổi, tràn đầy
thần khí, phục sinh để kết hợp cùng với linh hồn trong ngày Cánh Chung.[30]
Bỏ họ mà đi, Phaolô không áp đặt nhưng để họ lại
giữa tự do lựa chọn. Có lẽ Phaolô thất vọng chăng, những con người trên hành
trình khao khát tìm kiếm chân lý, được mang danh tri thức thông thái lại ngu dốt
từ chối đón nhận Chân Lý Cứu Độ?
Dù sao thì trong số những người lắng nghe Phaolô
trình bày, cũng có Diomysos – thành viên của hội đồng Areopagus và bà Damaris
cùng một số người khác đã “ἐπίστευσαν
tin.”
III.
Một vài suy tư nhận định cá nhân
1. Chiến lược truyền giáo
Sự kiện Athens lần
này có vẻ không nằm trong kế hoạch đã được định trước của Phaolô. Trong khi chờ
Silas và Timothy, Phaolô đã nóng
lòng trước cảnh tượng thờ các tượng thần ở đây và lòng nhiệt tâm đối với Tin Mừng
đã thôi thúc Phaolô.[31]
Chiến lược truyền giáo của Phaolô là bài học lớn. Ngài
tận dụng chính những chất liệu sẵn có để
phục vụ cho mục tiêu loan báo Tin Mừng. Thông thường, việc rao giảng trong các
hội đường là ưu tiên,[32] ở vào hoàn cảnh này, Phaolô
đã chọn cách trao đổi trực tiếp tại quảng trường – nơi diễn ra thói quen tụ tập để bàn về triết
học – với nhiều người qua lại. Athens là cái nôi của hai trường phái đối lập Khoái lạc và Khắc kỷ, và Phaolô
cũng khởi đi từ quan niệm, tri thức của họ để hướng đến nhận thức Nước trời.
Như một cách tiếp cận
văn hóa, Phaolô không công kích thái độ thờ phượng của dân Athens, nhưng trước
hết tìm đến điểm tương đồng. Tìm kiếm “hạt mầm Lời Chúa” trong các nền văn hóa,
phân định, canh tân, thích nghi, sáng tạo là những bước để dẫn đưa sứ điệp Kitô
giáo biến đổi sâu xa các giá trị văn hóa khác nhau của nhân loại.[33]
2. Mặc khải của Thiên Chúa
Thiên Chúa mặc
khải chính mình cho con người. Qua dòng lịch sử cứu độ, từng bước một, Thiên
Chúa đã tự ngỏ lời với con người, cho con người được bước vào sự hiệp thông sâu
xa trong tình yêu vô biên của Người.[34] Mặc
khải cuối cùng là chính Đức Kitô – Ngôi Hai Thiên Chúa mặc lấy xác phàm, trở
nên con người như chúng ta chỉ trừ tội lỗi. Nơi Người, Thiên Chúa đã tỏ hiện trọn
vẹn rồi, và không còn mặc khải nào khác nữa.[35]
Ánh Sáng đích
thực soi sáng cho con người nhận biết Thiên Chúa.[36]
Đồng thời, con người cũng được ban cho có khả năng nhận biết Thiên Chúa nhờ lý
trí tự nhiên[37] Có
thể dò dẫm tìm kiếm thiên Chúa không? Những triết gia Hy Lạp tự cho mình là
khôn ngoan đã không thể vượt qua được giới hạn lý trí mà chạm đến Sự Khôn Ngoan
đích thực. Tất nhiên lý trí là phương tiện hết sức hữu hiệu giúp con người tiếp
cận chân lý, nhưng cùng với đức tin, thái độ hoán cải không ngừng, lòng khiêm tốn
sâu thẳm sẽ dẫn dắt lý trí chúng ta đến với Ngài.
3.
Thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất
Chỉ có một
Thiên Chúa duy nhất, chân thật, hằng hữu và chỉ thờ lạy một mình Ngài mà thôi.[38]
Đây là thái độ thụ tạo hoàn toàn tôn kính và tuyệt đối quy phục Đấng Tạo Hóa,[39]
là giới răn thiên Chúa phán truyền: “Nghe đây, hỡi Israel! Đức Chúa, Thiên Chúa
chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em),
hết lòng, hết dạ, hết sức anh em.”[40]
Thiên Chúa cao
vời vĩ đại lại không ưa thích một ngôi đền vật chất do con người làm ra, cũng
không ưa của lễ vật chất. Ngài đã chọn lấy mỗi tâm hồn con người làm đền thờ ngự
trị.[41] Ngài
ưa thích tâm hồn tạ ơn, yêu mến Người cách chân thật, trong sạch, đơn sơ, khiêm
nhường, thi hành thành ý Thiên Chúa.[42] Đó
là cách thức thờ phượng đẹp nhất mà thiên Chúa muốn.
KẾT LUẬN
Mở đường cho những cuộc gặp gỡ giữa Tin Mừng với
các nền văn hóa khác, diễn từ của Phaolô gợi mở cho sứ vụ truyền giáo mà tất cả
Kitô hữu đón nhận từ Đức Kitô. Thiên Chúa không phải là vị thần xa lạ, nhưng
Ngài gần gũi, thiết thân và đi vào cuộc sống từng người. Ngài đến với con người
nơi Người Con, để nhờ cuộc tử nạn và phục sinh, nhân loại đón nhận sự sống vĩnh
cửu trong vinh quang thiên quốc. Điều cần thiết đòi hỏi mỗi chúng ta là mở lòng
cho Thánh Thần hướng dẫn con tim và trí óc, khiêm nhường trước mặc khải, hoán cải
nội tâm để Thiên Chúa có thể chạm đến.
TÀI LIỆU
THAM KHẢO
· Kinh Thánh. Bản
dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Thành phố Hồ Chí Minh, 2011.
·
Brown, Raymond E., S.S. The New Jerome Biblical Commentary. Prentice Hall, 1988.
·
Johnson, Luke Timothy, S.J. The Acts of The Apostles. Liturgical Press, 1992.
· Keck, Leander E. The New Interpreter’s Bible Commentary
Volume XI – Acts; Introduction to
Epistolary Literature; Romans; 1&2 Corinthians; Galatians.
Abingdon Press. 2015
·
Keener, Craig S. Acts. Cambridge University Press, 2020.
·
Kurz, William S., S.J. Acts of The Apostles. Baker Academic, 2023.
·
Martin, Fransic. Ancient Christian Commentary On Scripture New Testament V Acts.
InterVarsity Press, 2006.
·
Schnabel, Eckhard J. Acts - Exegetical Commentary on The New Testament. Zondervan, 2012.
CÁC CHỮ VIẾT TẮT
GS: Gaudium est Spes - Hiến chế Vui Mừng Và Hy Vọng
DV: Dei Verbum
- Hiến chế Tín Lý Về Mặc Khải
RM: Redemtoris Missio - Thông điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Thế
GLHTCG: Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo
[1]
Theseus lập thành phố Athens để vinh
danh nữ thần Athens. Đây từng là thành phố danh quan trọng trong chính trị,
kinh tế, nhất là văn hóa Hy Lạp. Nhưng khi Phaolô đến đây, Athens đã không còn
trong thời huy hoàng nữa mặc dù vẫn là một trung tâm trí tuệ nổi tiếng. Phaolô
không thể kiềm chế nổi trước sự lộn xộn của việc thờ cúng tượng thần ở đây.
[2] St 1.2; Xh 20,11; Nkm 9,6; Tv 8. 104.
146,6; Cn 8,22-31; Is 42,5; Cv 4,24. 14,15; Cl 1,15-17.
[3] Xh 3,13-15; G 26,36; Tv 8,2. 102,27-28.
145,3; Hc 43,30; Gc 1,17
[4] Epicurus quan niệm vũ trụ được tạo
thành bởi sự chuyển động của các nguyên tử. Ở điểm nào đó, khi chệch hướng bởi
xung đột, chúng tái lập sự phân bố theo cách khác, như vậy một tiến trình hình
thành mới được thành lập. Đó là một quá trình diễn ra hoàn toàn ngẫu nhiên của
vật chất. Do đó, Thượng đế và thế giới thần linh cũng chỉ là sản phẩm của thuyết
nguyên tử, họ không khác gì thế giới con người. Con người hạnh phúc khi đạt đến
tình trạng an tĩnh ataraxia.
[5] 1V 8,27; Tv 50,12; Is 66,1-2; 2Mcb 14,35;
Cv 7, 48.50; Dt 9,11.24.
[6] Tv 50,8-13; 1Sm 15,22; Tv 40,7; Is
1,11-15; Gr 6,20. 14,12. 7,21-23; Hs 9,4; Am 5,21-24; Mk 6,6-7; Dt 10,5-6.
[7] St 1,2. 2,7; G 12,10. 34,14-15; Tv 50,9.
104,29-30; Gv 3,21. 12,7; Kn 15,11.
[8] St 2,7; Is 42,5.
[9] Ở điểm này, phái Khắc kỷ quan niệm:
-
Khắc
kỷ thời sơ kỳ nhìn nhận thần thánh tồn tại ngang qua thời gian và địa lý, các
quy luật trong thiên nhiên. Con người – vũ trụ – thần linh có sự hòa điệu
thiêng liêng.
-
Khắc
kỷ thời trung kỳ với triết gia Posidonius cũng nhìn nhận cốt lõi bản thể luận
là một trật tự thế giới hài hòa với pneuma
sống động đan kết các phần tử.
-
Seneca
thời hậu kỳ quan niệm tinh thần hòa hợp giữa con người – tự nhiên và thần linh
là tự do.
[10] Thời gian tự nhiên: St 1,14; Hc 43,6.7; Kn
7,18; Is 40,26; Gr 31,35; Br 3,34-35; Cv 14,17.
Thời gian lịch
sử cứu độ: Is 65,17; Mt 24,36; Lc 21,24; Cv 1,7. 3,20; Rm 8,19; 2Pr 3,11-13; Kh
21,1.
[11] St 1,9-10; G 38,8-11; Tv 66,6. 74,7.
104,9; Cn 8,28-29; Gr 5,22.
[12] Rm 2,15. 10,8
[13] Tv 145,18.
[14] Rm 1, 21-22; 1Cr 1,19-20.
[15] Cv 26,18; Rm 1,19-20; Cl 1,12-13;
1Pr 2,9.
[16] Trích dẫn từ bài ca của Elomenides
of Crete về thần Zeus ( + 600 BC); bài thi thiên Phaenomena của Aratus of Soli ở Cilicia ( + 300 BC).
[17] St 1,27. 2,7. 5,1. 9,6; Kn 2,23; Hc 17,3;
1Cr 11,7; 2Pr 1,4.
[18] Đnl 1,31. 3,6; Kn 18,13; Is 63,16; Gr
31,9; Hs 11,3-4; Ml 2,10; Ep 4,6.
[19] Rm 8,15.23; Cl 4,5-7; Ep 1,5; Ga 1,12-13.
[20] Tv 115,4-8. 135,15-17; Kn 15,15; Is 31,7.
46,7; Ed 16,17; Hs 8,4.
[21] Cv 14,16.
[22] Mt 3,2; Lc 3,3. 24,47.
[23] Rm 6,3-11; Gl 2,16; Ep 2,4-8; Cl 2,12.
3,1-4.
[24] Ga 5,22.27-19; 2Cr 5,10; Dt 2,18.
[25] Lc 24,5-6.34; Ga 20,8; Cv 1,22. 2,24. 13,32-33; 1Cr 15,3-4; 1Tx 4,14.
[26] Mc 16,19; Ga 20,17; Dt 9,24.
[27] Mt 16,27. 25.31; Cv 10,42; Rm 14,9; Ep 1,20-22; Pl 2,5-11; 2Tm 4,1.14; 1Tx
1,10; Dt 5,8-11; 1 Pr 4,5
[28] Tv 16,9; GS 14; GLHTCG 362.382. 1146.
[29] GS 14; GLHTCG
27. 357. 1700...
[30] 2Mc 7,9.14; Ga 5,29. 6,39-40. 17,12.
18,9; Rm 8,11; 1Cr 15,12-14.20.44
[31] G 32,18-19; Tv 39,4. 69,10; Gr 20,9.
23,29; Ga 2,17; 2Cr 5,14.
[32] Cv 9,20. 13,5.14. 14,1. 17,1. 18,4.
19,8.
[33] GS 58; RM
53.
[34] DV 2; GLHTCG
51.
[35] Dt 1,1-2; DV 2; GLHTCG 65-67.73.
[36] Ga 1,9. 3,19. 8,12. 12,35.46.
[37] Rm 1,20; DV 5-6; GLHTCG 47.50.143.
[38] Đnl 6,13; Mt 4,10; Lc 4,8.
[39] Tv 95,1-6; Lc 1,46-49; GLHTCG 2096.2097.2628.
[40] Đnl 6,4-5.
[41] Rm 8,9; 1Cr 3,16.
[42] Tv 40, 8-9. 50,14; Hs 6,6; Mk 6,8; Mt 5, 3.8; Mc 10,14-15; Dt 10,7.