SỨ ĐIỆP QUAN TRỌNG TRONG SÁCH NGÔN SỨ GIÔNA | Thư viện Học viện Công giáo Việt Nam

SỨ ĐIỆP QUAN TRỌNG TRONG SÁCH NGÔN SỨ GIÔNA



Maria Cao Thị Oanh STB-K3

Mục Lục

I. Dẫn nhập

II. Nội dung

1. Ngôn sứ Giôna là ai?

2. Tác phẩm

3. Phân tích bản văn

3.1.  Giôna – ngôn sứ bướng bỉnh chống lại lệnh của Thiên Chúa (Gn 1, 1-2)

3.2.  Giôna được cứu và cầu nguyện (Gn 2, 1-11)

3.3.                Ninivê – một dân biết vâng lời, sám hối và được tha thứ (Gn 3, 4-10)

3.4.                Giôna – ngôn sứ ích kỉ, bực mình khi Chúa tha tội cho người tội lỗi

III. Chút suy tư: Dung mạo Giôna ngày xưa và hôm nay

IV. Kết luận

 

 


I. Dẫn nhập

Mỗi ngôn sứ đều có vai trò quan trọng, là trung tâm và giữ nhịp cho những truyền thống tốt đẹp của Israel, cho Kitô giáo và cho cả nhân loại. Chính trong những giờ phút khó khăn nhất của Israel, các ngôn sứ đã khẳng khái lèo lái con thuyền dân tộc trên một dòng nước ngày càng tinh ròng hơn. Quả thật, sẽ không khoa trương khi có học giả đã từng coi các ngôn sứ như những bậc vĩ nhân đã gầy dựng một trong ba “nền văn minh thiên mệnh” của thế giới: Nếu Hy Lạp hãnh diện vì biết đề cao lý trí, Rôma tự hào vì đã sáng tạo nên nền pháp trị, thì Israel với các ngôn sứ đã khai nguyên ra ý thức về công lý.[1] Sự hấp dẫn đó càng khiến ngươi viết tìm hiểu sâu hơn về các ngôn sứ. Tuy nhiên, trong phạm vi của bài viết, người viết xin tìm hiểu chân dung vị ngôn sứ Giôna cứng đầu, bất tuân phục, ích kỷ và dễ giận dỗi. Để đi sâu vào chân dung vị ngôn sứ này, trước hết bài viết tìm hiểu đôi nét về tác giả, tác phẩm. Thứ đến, bài viết sẽ phân tích, chú giải một số câu trong bản văn. Sau cùng là một chút suy tư với phần áp dụng thần học trong đời sống Kitô giáo hiện nay.

II. Nội dung

1. Ngôn sứ Giôna là ai?

Trước tiên, người viết xin trình bày đôi nét về hạn từ “ngôn sứ.” Trong nguyên bản Thánh Kinh, danh xưng này được gọi là Nabi. Theo Lm. Inhaxiô Nguyễn Ngọc Rao, từ Nabi có nhiều nghĩa như: người phát ngôn, người được đề cử để nói, người được Chúa gọi,  “người nói thay Thiên Chúa” hay “người được nghe Thiên Chúa nói”. Danh từ nabi dịch sang tiếng Hy Lạp trong bản LXX là prophetes (προφήτης), nghĩa là người nói thay Thiên Chúa.[2] Trong Cựu ước, ngoài danh từ “nabi” còn các từ khác để chỉ những người như: người minh kiến, nghĩa là thông suốt bằng giác quan và linh cảm; người của Thiên Chúa.[3] Thật vậy, Ngôn sứ là một người nói, làm hay viết dưới tác động đặc biệt của Thiên Chúa, để mặc khải cho mọi người biết những ý định của Ngài.[4]

Giôna là tên một ngôn sứ con ông Amíttai, quê ở Gát Khêphe, quãng 5 cây số về phía Đông Bắc Nadarét, vùng ranh giới phía đông chi tộc Dơvulun (Gs 18,13). Ông sống vào thời vua Giarópam II (783-743 tCn) của vương quốc Israel[5], ông phụ giúp vua trong việc làm cho vương quốc miền Bắc trở nên hùng mạnh, thịnh vượng (2V 14,25). Giôna là một chính khách danh tiếng.

2. Tác phẩm

         Sách Giôna được xếp vào bộ “12 ngôn sứ nhỏ”.[6] Lời rao giảng của vị ngôn sứ được kể lại trong sách được xem là ngắn gọn nhất “Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá đổ” (Gn 3,4).[7] Ấy vậy, từ vua cho đến dân thành Ninivê đều hoán cải và Chúa đã tha thứ. Sách cũng cho thấy những tình tiết lạ thường, không có vị ngôn sứ nào lại cố tình đi “trốn khỏi nhan Đức Chúa” (Gn 1,3), cũng chẳng có vị ngôn sứ nào lại nổi giận khi Chúa tha thứ cho người tội lỗi (Gn 4,1) như ngôn sứ Giôna. Chính điều này làm nên nét độc đáo, thú vị và hấp dẫn cho tác phẩm.

         Giôna là một trình thuật thuộc ngôn sứ. Tất cả các trình thuật trong Kinh Thánh đều mang tính giáo huấn ở một mức độ nào đó, nhưng trong trường hợp của sách Giôna, tác giả đã cẩn thận định hình lại câu chuyện bằng cách chọn lọc, tóm tắt và thậm chí sắp xếp lại theo trình tự thời gian[8]. Truyện Giôna gồm bốn chương, được chia thành hai phần, mỗi phần đều bắt đầu bằng lệnh truyền của Thiên Chúa cho Giôna: (Gn 1, 1-3) và (Gn 3,1-4)[9].

         Chương 1: Thiên Chúa truyền cho Giôna đi đến Ninivê, báo cho dân chúng biết họ sắp bị tiêu diệt: “còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá đổ” (Gn 3,4). Giôna chỗi dậy, thay vì đi Ninivê, ông trốn đi Tácsít. Ngay khi Giôna bỏ trốn, Chúa liền tung ra một cơn gió và một trận bão lớn ngoài khơi. Sau khi đã kêu cầu Đức Chúa, người ta ném Giôna xuống biển tức thì sóng gió liền yên.

         Chương 2: Đức Chúa khiến một con cá voi nuốt sống ông, và ông nằm trong bụng cá ba ngày đêm, không ngớt cầu nguyện cùng Chúa. Vì thế ông được cá thả vào bờ bình an[10].

         Chương 3: Thiên Chúa nhắc lại lệnh truyền đi giảng tại Ninivê. Lần này ông vâng lời và thi hành lệnh của Chúa. Dân Ninivê nghe lời, sám hối, cải tà quy chính và được Thiên Chúa tha phạt.

         Chương 4: Giôna không vui vì sự việc này. Ông còn bực mình vì cây thầu dầu rợp bóng mát cho ông nghỉ ngơi bị héo đi. Thiên Chúa nhân dịp này đã giáo huấn ông, làm cho ông hiểu về lòng lân tuất của Chúa đối với mọi người nhất là người tội lỗi.

3. Phân tích bản văn

3.1. Giôna – ngôn sứ bướng bỉnh chống lại lệnh của Thiên Chúa (Gn 1, 1-2)

         Cuốn sách mở ra với lời trao sứ mạng của Thiên Chúa cho Giôna: “Hãy đứng dậy, đi đến Ninivê” (1,2), một thành đầy tội lỗi, gian ác (Gn 1,2b). Điều này cho thấy Giôna thực sự là một ngôn sứ.[11] Tại sao Thiên Chúa chọn thành này, bản văn không cho biết lí do cách minh nhiên, nhưng Átsua không chỉ là dân ngoại, mà còn là kẻ thù của Israen. Theo lẽ thường, Ninivê không thể được hưởng ơn cứu độ. Vậy mà Giôna được gởi đến thành này để kêu gọi người ta sám hối, hưởng ơn tha thứ, thật là một nghịch lí.[12] Thiên Chúa rất rõ ràng trong mệnh lệnh của Ngài. Ngài bảo Giôna đứng dậy và đi. Ông đứng dậy nhưng là để trốn đi Tácsít, tránh nhan Đức Chúa (1,3). Quyết định này cho thấy sự bất tuân, ngang bướng, cứng đầu của Giôna trước lệnh Chúa. “Tránh nhan Đức Chúa” có sự mâu thuẫn giữa lời tuyên xưng đức tin (x. c.9) và hành động của Giôna: ông kính sợ Đức Chúa nhưng lại tránh nhan Ngài; ông biết Thiên Chúa là Đấng làm ra biển khơi, đất liền mà ông lại trốn đi bằng đường biển. Nhưng hiệu quả gián tiếp ở đây là nhờ ông mà các thủy thủ biết về Đức Chúa. Họ trở nên sợ hãi hơn khi biết rõ nguồn gốc của cơn bão (c.10a). Lòng tin của họ tiến thêm một bước khi chứng kiến việc ném Giôna xuống biển (c.15), tức thì biển lặng yên (c.15b). Họ dâng hy lễ, khấn hứa với Người (c.16). Thật vậy, chỉ có Thiên Chúa mới cứu con người khỏi cơn nguy khốn, khỏi cái chết như Giôna đã hát lên: “Đức Chúa mới là Đấng ban ơn cứu độ” (Gn 2,10).

3.2.          Giôna được cứu và cầu nguyện (Gn 2, 1-11)

         Câu chuyện không kết thúc với cái chết của vị ngôn sứ. Thiên Chúa sai gió cản đường ông, bây giờ Ngài lại sai một con cá đến cứu ông: “Ông Giôna ở trong bụng cá ba ngày ba đêm” (Gn 2,1) rồi sau đó “Đức Chúa bảo con cá mửa ông ra trên đất liền” (Gn 2,11). Ba ngày ba đêm có nghĩa gì? Gn 3,3 cho biết ba ngày là khoảng thời gian cần để đi ngang qua thành phố Ninivê. Giuse giam giữ các anh mình ba ngày (x. St 42,17). Ba ngày là mô hình về cái chết, táng xác và sống lại của Chúa Giêsu (x. Mt 12,40). Vì thế “ba ngày ba đêm” được xem như khoảng thời gian cần thiết để làm một điều gì đó.[13] Tại sao Giôna lại được Chúa cứu?. Thật vậy, chỉ khi bị “vực thẳm bao bọc”, con người mới nhớ đến Đấng Tạo Hóa. Giôna lúc này cũng vậy, chỉ khi nằm trong cảnh ngặt nghèo, “mạng sống con nay hầu tàn”, ông mới nhớ đến Chúa. Ông van xin, cầu nguyện liên lỉ và Chúa đã đáp lời, lúc này ta mới thấy ông cầu nguyện (Gn 2,2). Quả thật, phận người thì hữu hạn, chỉ có Chúa mới làm chủ sự sống (Gn 2,7), là “Đấng ban ơn cứu độ” cho con người (Gn 2,10).

3.3.          Ninivê – một dân biết vâng lời, sám hối và được tha thứ (Gn 3, 4-10)

         Trái với lần trước, lần này Giôna vâng lời Chúa (Gn 3,1-2) và đi Ninivê. Có phải ông hoàn toàn hối cải và hết lòng với sứ vụ không? Chắc hẳn là không. Bởi vì ông biết rằng, ông không thể trốn khỏi nhan Chúa. Vì thế ông đã đi rao giảng,“Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá đổ”(c.4). Sứ điệp Chúa trao cho Giôna thật ngắn gọn, cho biết “kỳ hạn” là “bốn mươi ngày” và hình phạt là “phá đổ”, gợi lại chuyện Xơđôm và Gômôra (x.St 18,16-33; 19,24-25), tuy nhiên thái độ của ông không giống thái độ của Ápraham[14]. Giôna chỉ “hô” một lần duy nhất: Ninivê sẽ bị phá đổ trong bốn mươi ngày nữa. “Con người hối cải bỏ điều gian ác thì Thiên Chúa cũng hối tiếc về tai họa người đã ngăm đe” (c.10). Điều mà Ge 2,12-14 rao giảng như một niềm hy vọng thì ở đây thành sự thật, Thiên Chúa muốn phá đổ sự ác chứ không muốn phá đổ thành phố hay tiêu diệt con người[15]. Thật vậy, chính nhờ “đức tin” mà dân Ninivê được Chúa tha thứ. Thiết nghĩ, sống gian ác và nhận tai họa luôn đi liền với nhau. Nếu người ta từ bỏ sự gian ác thì tai họa sẽ không còn.

3.4.          Giôna – ngôn sứ ích kỉ, bực mình khi Chúa tha tội cho người tội lỗi

Thật là một nghịch lý, một vị ngôn sứ hoàn thành sứ mạng lẽ ra phải vui mừng, đàng này khi thấy dân Ninivê hối cải và được Chúa tha thứ thì ông lại bực tức: “Giôna bực mình, bực lắm và ông nổi giận” (c.1), muốn chết đi cho rồi (Gn 4,3), lời này của Giôna khiến chúng ta nhớ đến lời của Êlia đã thưa với Chúa (x.1V 18,20-40); Giôna còn giận dỗi, thanh minh cho việc ông bỏ trốn đi Tácsít (Gn 4,2). Chính vì lý do muốn kẻ tội lỗi hối cải để được sống mà Thiên Chúa mời gọi Giôna suy nghĩ về thái độ của ông: “Ngươi nổi giận như thế có lý không:”(c.4). Như thế, đối lập với thái độ “bực mình, nổi giận” của Giôna (c.1), Thiên Chúa tỏ ra nhẹ nhàng để giúp Giôna hối cải, bỏ ý riêng mà theo ý Chúa vì lúc này ông mang trong mình nhiều điều ngược với ý muốn và bản chất của Thiên Chúa[16]. Nếu Giôna biện hộ cho sự nổi giận là vì ông thương hại cây thầu dầu bị chết, tại sao ông không nhận ra Thiên Chúa, Đấng từ bi và nhân hậu và không phá hủy Ninivê, trong đó có bao nhiêu là người lớn, trẻ nhỏ và cả súc vật? Thực chất, sâu xa hơn, điều tác giả muốn nói đến chính là lòng thương xót và ơn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa được dành cho cả dân ngoại. Thiên Chúa muốn họ hối cải để được sống.

III. Chút suy tư: Dung mạo Giôna ngày xưa và hôm nay

  Câu chuyện về Giôna khi xưa tuy đã khép lại nhưng những bài học mà Giôna để lại vẫn luôn sống động trong tâm thức của con người thời nay. Tác giả sách Giôna mời gọi mỗi tín hữu nhìn lại vai trò ngôn sứ của mình. Bởi lẽ có nguy cơ chúng ta cũng đang là ngôn sứ giống như Giôna. Như Giôna hãnh diện vì là người Hípri khi giới thiệu với các thủy thủ (x.Gn 1,9), nhiều người cũng hãnh diện vì là Kitô hữu. Như Giôna biết rõ về Thiên Chúa (x.Gn 4,2), nhiều người cũng hãnh diện vì được học hỏi và biết nhiều về Ngài. Nhưng như Giôna ích kỉ, hẹp hòi, không mở lòng ra với dân ngoại, với kẻ thù; thì vẫn còn đó bóng dáng người Kitô hữu có nguy cơ sống khép kín, thiếu đối thoại, thiếu cảm thông với người xung quanh. Nếu chỉ cầu mong và lo sao cho bản thân mình được yên ổn mà không bận tâm đến việc truyền giáo, ra đi loan truyền lòng thương xót của Thiên Chúa, thì có lẽ người ta đang giống Giôna trốn tránh trách nhiệm Chúa trao. Bởi vì hôm nay cũng còn rất nhiều “thành Ninivê” đang cần được nghe Lời Chúa, được Chúa xót thương.

IV. Kết luận

Khi đọc sách Giôna, ai cũng nhận ra rằng, Thiên Chúa mong Giôna tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa, hoán cải, từ bỏ ý riêng mà theo ý Chúa. Là người Kitô hữu, tôi cũng mang sứ mạng trở thành ngôn sứ của Thiên Chúa cho thế giới hôm nay. Nhưng muốn đem Tin Mừng đến cho mọi người, trước hết tôi cần có lòng trắc ẩn, biết chạnh lòng thương, đồng cảm với anh chị em mình, đặc biệt là đối với những anh chị em ngoại giáo, biết nói lời đem lại niềm hy vọng. Bên cạnh đó, tôi cũng cần học sự khiêm nhường, tín thác, cậy dựa vào Chúa, vì chỉ có Chúa mới là chủ sự sống, là chân lý, là niềm hy vọng cho con người. Chắc hẳn ngày hôm nay, Đức Giêsu cũng luôn mong mỏi người Kitô hữu, tin và theo Ngài, cùng thực hiện sứ vụ của Ngài (Mt 9,13). Noi gương Chúa Giêsu, tôi cũng học theo Ngài, mang lấy bận tâm và nỗi ưu tư của Ngài. Hơn thế nữa, với Tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng”, Đức Thánh Cha mời gọi tôi cũng như mọi Kitô hữu, hãy “đi ra vùng ngoại biên”.  Những nơi đó, có thể sự gian ác chưa bằng dân Ninivê, nhưng chắc chắn, nơi đó không thiếu những con người đau khổ, nghèo đói, bất hạnh… đang rất cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa.

Những nơi đó, biết đâu dân ngoại cũng đang sẵn sàng hối cải và tin vào Chúa như dân thành Ninivê xưa, nếu Lời Chúa được đến với họ. Ước mong sao mỗi Kitô hữu biết can đảm ra khỏi sự quen thuộc, an toàn hằng ngày để đến những vùng ngoại biên để cho dung mạo Đức Kitô được tỏ lộ.



[1] x. Lm. Inhaxiô Nguyễn Ngọc Rao, O.P, Các sách ngôn sứ, (TPHCM: 2006), 6.

[2] x. Lm. Inhaxiô Nguyễn Ngọc Rao, O.P, Các sách ngôn sứ, 9-10.

[3] Trần Phúc Nhân, Tìm Hiểu Cựu ước ( 1995), tr.160.

[4] x. John A. Hardon, S.J, Từ điển Công giáo phổ thông (TPHCM: Phương Đông, 2008), 409.

[5] Lm. Inhaxiô Nguyễn Ngọc Rao, O.P, Các sách ngôn sứ, 307.

[6] Fx Vũ Phan Long OFM,  Các sách Ngôn sứ, (Đồng Nai: 2021), 203.

[7] Nguyễn Văn Hội, Giôna – vị Ngôn sứ khác người, (Tôn giáo: Hà Nội, 2021), 11.

[8] David A.Hubbard, Glenn W. barker, World Biblical Commentary, Hosea-Joanh, Publisher, Waco, Texas, p.583.

[9] Kinh Thánh, Bản dịch và chú thích do nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Hà Nội: Tôn Giáo, 2011.

[10] Theo sách GKPV, có hai xu hướng giải thích nguồn gốc ở chương này. Một xu hướng cho rằng một người khác đã góp nhặt lời các thánh vịnh đặt vào đây. Một xu hướng cho là của cùng một tác giả vì bản văn thật sự có giá trị thi ca và phù hợp với tình huống và với diễn biến của câu chuyện.

[11] Nguyễn Văn Hội, Giôna - Vị Ngôn Sứ Khác Người, (Hà Nội: Tôn Giáo, 2021), 35.

[12] Nguyễn Văn Hội, Giôna - Vị Ngôn Sứ Khác Người, 38.

[13] Nguyễn Văn Hội, Giôna - Vị Ngôn Sứ Khác Người, 63.

[14] Kinh Thánh, Bản dịch của CGKPV, (Hà Nội: Tôn Giáo, 2011).

[15] Kinh Thánh, Bản dịch của CGKPV, (Hà Nội: Tôn Giáo, 2011).

[16] Kinh Thánh, Bản dịch của CGKPV, (Hà Nội: Tôn Giáo, 2011).


SÁCH THAM KHẢO

 

1.     Kinh Thánh. Bản dịch và chú thích do nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Hà Nội: Tôn Giáo, 2011.

2.     Tông Huấn “Niềm Vui Tin Mừng” – Evangelii Gaudium (EG), 2013.

3.      World Biblical Commentary, Hosea-Joanh, David A.Hubbard, Glenn W. barker, p.431, 1987, Word Books, Publisher, Waco, Texas.

4.     Lm. Inhaxiô Nguyễn Ngọc Rao, O.P. Các sách ngôn sứ. Thành Phố Hồ Chí Minh, 2006.

5.     John A. Hardon, S.J. Từ điển Công giáo phổ thông. Tp. HCM: phương Đông, 2008.

6.     Fx Vũ Phan Long OFM. Các sách Ngôn sứ. Đồng Nai: 2021.

7.     Phạm Hữu Quang. Dẫn Nhập Thánh Kinh-Văn Bản, Địa Lý, Khảo Cổ, Thần Học. Hà Nội: Tôn Giáo, 2018.

8.     Nguyễn Văn Hội. Giôna – vị Ngôn sứ khác người. Tôn giáo: Hà Nội, 2021), 11.

9.     Trần Phúc Nhân. Tìm Hiểu Cựu ước. Lưu hành nội bộ: 1995.

10.  https://www.nguoitinhuu.org/chiase/NgHongGiao/gionabuongbinh.html. Truy cập ngày 28/4/2023.


Ngôn sứ Jonah, Ngôn sứ Giôna

Labels:
Thư viện Học viện Công giáo Việt Nam