Phêrô Minh Minh
DẪN NHẬP
Tự do là khả năng, bắt nguồn từ lý trí và ý chí, có thể hành động hay không
hành động, có thể làm việc này hoặc việc kia, và tự mình làm những hành động có
ý thức.[1] Vì thế, con người dù ở trong thời kỳ nào,
và trong mọi lãnh vực cuộc sống như: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, … và
cả tôn giáo, tự do luôn được đề cao, và được đem ra bàn luận. Chủ đề tự do luôn
phức tạp, nó áp dụng cho những thực tế rất đa dạng và đem tới những điều mới mẻ.
Tự do mở ra cho con người một chân trời mới với những khoảng trời vô biên, là
nhận thức hồn nhiên nhưng cũng thâm sâu diệu vời trên đời sống tinh thần.
Người Kitô hữu tin rằng, Thiên Chúa thông chia sự tự do cho con người, và con
người cần sử dụng tự do để quy hướng đời mình về Thiên Chúa. Do đó, người Kitô
hữu luôn sống trong sự giằng co, bơi ngược dòng trong các bối cảnh của xã hội
hôm nay. Đứng trước những lời mời gọi và cám dỗ làm đức tin người Kitô hữu bị sao
lãng, luôn phải chiến đấu để có thể sống theo Lời Chúa dạy. Nhưng người Kitô hữu
hoàn toàn tự do để lựa chọn sống không theo niềm tin của mình, buông theo những
ước muốn dục vọng riêng, như khi xưa Adam và Eva đã sử dụng tự do mà quay lưng
lại với Thiên Chúa.[2]
Tự do là một trong những chủ đề chính trong thư của Thánh Phaolô gửi cho
các giáo đoàn, đặc biệt là thư gửi tín hữu Galát. Dựa vào kinh nghiệm của bản
thân, thánh nhân đã khuyên nhủ các tín hữu hãy sống tự do, một sự tự do đích thực
của con cái Chúa. Sau kinh nghiệm gặp gỡ Đức Kitô trên đường Đamát, ngài hiểu
thế nào là giải thoát để có được tự do. Thế nên, thánh nhân đã kêu gọi mọi người
tin vào Đức Kitô và giải phóng khỏi những cản trở trên bước đường đến với ơn cứu
độ, nơi đây con người mới tìm được tự do đích thực, nơi đây làm cho con người
được thanh thoát và đắm chìm trong dòng suối dịu mát mà Thiên Chúa tuân đổ cho
nhân loại qua Đức Giêsu Kitô.
Đây là lý do mà người viết muốn tìm hiểu về vấn đề tự do. Một sự tự do được
Thánh Phaolô viết trong thư gửi tín hữu Galát.
Tự do là đề tài lớn và phức tạp được nhiều học giả nghiên cứu. Do đó, người
viết không tham vọng đi sâu hay bàn luận một lý thuyết mới nào về đề tài. Người
viết chỉ đọc tài liệu của tác giả viết về tự do và một số sách có liên quan đến
đề tài tự do, rồi từ đó suy tư và đối chiếu giữa các tư tưởng với nhau và rút
ra bài học cho bản thân. Ngoài ra, bằng phương pháp chú giải và phân tích bản
văn, người viết tìm hiểu ý nghĩa của sự tự do trong thư Galát.
Trong bài viết này, ngoài phần dẫn nhập và kết luận, kết cấu của bài viết gồm
bốn chương với nội dung chính như sau:
Chương I: Khái niệm về tự do.
Chương II: Tự do trong Kinh Thánh.
Chương III: Tự do trong thư Galát.
Chương IV: Ý nghĩa tự do trong thư Galát.
CHƯƠNG
I: KHÁI NIỆM VỀ TỰ DO
1.
Hạn từ “tự do”
Tự do là một danh từ quen thuộc
trong đời sống hằng ngày của con người. Theo tác giả Hoàng Phê và nhóm tác giả
định nghĩa: “Tự do là cái tất yếu được nhận thức, khả năng để biểu hiện ý chí,
làm theo ý muốn của mình trên cơ sở nhận thức được quy luật phát triển của tự
nhiên và xã hội”. Theo nghĩa rộng thì “tự do là trạng thái của một đất nước, một
xã hội và các thành viên không bị cấm đoán, hạn chế vô lí trong các hoạt động
xã hội – chính trị.”[3]
“Tự do” là một từ Hán Việt, “tự”
có nghĩa là chính mình; “do” có nghĩa là nguồn gốc căn nguyên bởi đâu mà ra. Như
vậy, tự do có nghĩa là cái gì xuất phát từ chính mình: cái gì đó tôi làm ra,
căn do bởi mình chứ không bởi ai khác, nó mang tính cách tích cực.[4]
Tự do (eleuthería) là danh từ bắt nguồn từ eleútheros: thuộc về công dân, không hiểu theo nghĩa người dân của
xã hội học, nhưng đối lại với những người nô lệ và ngoại kiều. Do đó, eleútheros có nghĩa là tự do xét theo
nghĩa tự mình quyết định, không lệ thuộc vào người khác. Khái niệm này được
phát triển trước hết nhằm đối lại với tình trạng thiếu tự do của những người nô
lệ.[5] Như
vậy, tự do là một điều gì đó xuất phát từ tôi. Điều này có nghĩa là tôi tự do để
làm một điều gì đó. Tôi không bị áp lực hay ràng buộc từ bên ngoài. Theo quan
niệm Kitô giáo, tự do là món quà quý giá mà Thiên Chúa ban cho con người; là khả
năng tự quyết định, hướng cuộc đời mình về hạnh phúc. Tự do đạt tới mức hoàn hảo
khi con người quy hướng về Thiên Chúa là chính nguồn hạnh phúc của mình.[6]
2.
Lịch sử hình thành và phát triển về khái niệm tự do.
Ý niệm về tự do, qua dòng thời
gian ý nghĩa của nó được biến đổi để phù hợp với bối cảnh sống của thời đại,
tôn giáo, thể chế chính trị, … theo từng lớp nghĩa riêng. Sau đây, chúng ta sẽ
lược qua tư tưởng tự do qua dòng lịch sử.
Trước Kitô giáo xuất hiện, tự do
không phải là vấn đề đáng quan tâm, một phần do khung cảnh tôn giáo thời đó.
Con người nhận ra thân phận mình quá mong manh, và nghĩ mọi cái đều do trời định,
hay số mệnh, hay tiền kiếp. Đối với người Hylạp và Rôma, vấn đề tự do được đặt
ra trong khung cảnh pháp luật xã hội: duy các công dân ở đó mới hưởng được quyền
tự do; các nô lệ hoàn toàn tùy thuộc vào ông chủ. Điều này cũng có thể áp dụng
cho mối tương quan giữa đế quốc và các dân tộc bị chinh phục.[7]
Thời Kitô giáo xuất hiện mở ra một
chân trời mới trong mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa; con người
không phải là con quay bị ràng buộc bởi định mệnh, nhưng có tự do, trách nhiệm
trước mặt Thiên Chúa. Công phúc và tội lỗi là hệ quả quyết định của con người.[8]
Thời kinh viện, những cuộc tranh
luận sang thế giới thần linh kéo dài: Thiên Chúa có toàn quyền tự do hay không?
Phải chăng Thiên Chúa muốn làm gì cũng được? Một câu hỏi tương tự cũng được đặt
ra cho các thiên thần: các thiên thần có phạm tội không? Nếu các ngài không có
khả năng phạm tội thì các ngài có tự do không? Bản chất của tự do là gì?[9]
Thời cận đại, các triết gia không
bận tâm đến mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa, nhưng họ chỉ chú trọng
đến con người. Tự do được bàn trong viễn tượng của nhân học: con người có thực
sự tự do không, có thể kiểm soát làm chủ các khuynh hướng và đam mê không? Các
chuyên gia chính trị và pháp luật tranh luận về tự do dưới bình diện: phải
chăng con người bẩm sinh được tự do, muốn làm gì cũng được? hay con người chỉ
là một bộ phận của xã hội?[10]
3.
Phân loại.
Sau khi trình bày sơ nét về lịch sử
phát triển của tự do, chúng ta cần phân loại tự do bởi lẽ có nhiều cách hiểu về
tự do. Trong mỗi ngành học lại hiểu tự do theo những cách riêng, nên chúng ta
chỉ dựa vào tiêu chí của mình để phân loại là: “quyết định” và “hành động”.[11]
Tự do chọn lựa và quyết định. Nó
mang tính nội tại, ở bên trong chủ thể. Sự lựa chọn này mang hai dạng:
Thực hiện là điều muốn làm hay
không muốn làm.
Định loại là muốn làm cái này hay
cái kia.
Tự do hành động là hành động xảy ra
bên ngoài chủ thể. Nó đòi hỏi sự thong dong, không bị cưỡng bách. Tự do bên
ngoài gồm có nhiều loại:
Tự do thể lý: có thể di chuyển và
hành động, không bị trói buộc hay ngăn chặn.
Tự do công dân: tự do của một người
nào đó có thể hành động mà không bị chế tài.
Tự do xã hội: không bị rành buộc bởi
luật lệ hay phong tục xã hội.
Tự do luân lý: không bị ràng buộc
bởi nghĩa vụ bổn phận, không bị áp lực của đe dọa, hình phạt, phần thưởng.
Như vậy, tự do nảy sinh trong tương quan giữa con người với nhau, và có thể nói là lịch sử các tư tưởng về tự do được chín muồi từ những hoàn cảnh “mất tự do” hoặc của cá nhân hoặc của tập thể, rồi từ đó nảy ra những khát vọng và tranh đấu để “giành tự do”. Ngoài khía cạnh tương quan xã hội, con người còn cảm thấy “thiếu tự do” dưới một khía cạnh khác mà ta tạm gọi là hiện sinh: nhiều lần con người cảm thấy bất lực, không có khả năng thi hành điều mình muốn. Con người chịu nhiều rào cản không chỉ do đồng loại gây ra mà còn do thiên nhiên, hoặc bên ngoài mình hoặc bên trong mình, khiến phải thốt lên: “lực bất tòng tâm”! Xét dưới khía cạnh này, chúng ta phải chấp nhận rằng con người không hoàn toàn tự do, bởi vì nó chỉ là thụ tạo chứ đâu phải là Đấng Tạo hóa toàn năng. Do đó, con người có được tự do chỉ khi nào gắn kết với Thiên Chúa. Tự do của Thiên Chúa được Kinh Thánh đề cập như thế nào?
CHƯƠNG
II: TỰ DO TRONG KINH THÁNH
Tự do trong Kinh Thánh được hiểu là tự do của
Thiên Chúa và của con người. Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng và
làm bất cứ điều gì Ngài muốn. Con người được chia sẻ tự do của Thiên Chúa, Ngài
để cho con người tự do chọn lựa giữa điều tốt và điều xấu, giữa sống và chết.
“Có nhiều thứ tự do nhưng Kinh Thánh không đưa ra định nghĩa nào về tự do. Kinh
Thánh ngầm quả quyết rằng con người có quyền tự do lựa chọn và đáp lại ý muốn của
Thiên Chúa về mình. Nhất là Kinh Thánh vạch rõ con đường tự do đích thực: trong
Cựu Ước, Giavê can thiệp để đảm bảo cuộc giải phóng dân Ngài; trong Tân Ước, ân
sủng của Đức Kitô đem lại cho mọi người sự tự do của con cái Thiên Chúa”[12]
1.
Tự do trong Cựu Ước.[13]
Trong những trang đầu tiên Sách
Sáng Thế đã để lại một trình thuật về cuộc thử thách con người từ việc sử dụng
tự do của mình để định đoạt “làm điều lành tránh dữ”, hoặc dựa theo quyết định
của Thiên Chúa hay chiều theo sự xúi giục của con rắn. Tuy nhiên, con người đã
sử dụng tự do đó để đi ngươc lại với tình yêu của Thiên Chúa. Theo các nhà chú
giải, những trang sách này được viết sau khi dân Ítraen đi lưu đày trở về, họ
muốn tìm cách giải thích lý do của những thăng trầm này, bằng cách đi ngượi lại
dòng lịch sử, không chỉ kể từ khi dân tộc được khai sinh mà còn đi đến thời
nguyên thủy của nhân loại.
Dưới khía cạnh lịch sử, Thiên Chúa
đã giải thoát dân Ítraen từ cảnh nô lệ Aicập đến hưởng tự do. Tuy nhiên, dân Ítraen
không nhìn nhận một thứ tự do dưới khía cạnh của chính trị, nhưng họ còn nhận
ra có nhiều thứ tự do cao quý hơn và đắt giá hơn. Cuộc hành trình của dân Ítraen
từ lúc rời khỏi Aicập đi tới miền đất hứa là một hành trình về ý thức của tự
do. Khi ở đất nước Aicập, dân Ítraen đã nếm cảnh nô lệ, họ khao khát mong đợi
thấy cảnh tự do và Thiên Chúa đã đến giải thoát họ. Sau đó, trên núi Sinai,
Thiên Chúa đã lập với họ một giao ước, được ghi chép trong Thập điều trên hai
bia đá (Xh 20,1-21). Qua giao ước này, Thiên Chúa muốn con cái Ítraen trung
thành với những điều mình đã ký kết, chớ rơi vào một hình thức nô lệ mới, đó là
nô lệ cho dục vọng. Vì thế, “Thập giới” xem ra như là sự ràng buộc, nhưng kỳ thực
là phương tiện giúp cho ta sống tự do thực sự trong sự tôn trọng những quyền lợi
của Thiên Chúa và tha nhân.
Lịch sử của cuộc hành trình trong
sa mạc cho thấy đòi hỏi con cái Ítraen nhiều hy sinh. Dân Ítraen nhiều lần than
trách: họ ước mơ muốn quay trở về Aicập, hơn là mạo hiểm tiến về Đất Hứa (Xh
16,3; 17,2). Họ muốn thờ lạy các vị thần nằm trong tầm tay (chẳng hạn Thần Bò
Vàng) (Xh 32,1-5), hơn là đi theo một Thiên Chúa của lời hứa. Như thế, dân Ítraen
đã không đáp ứng sự đòi hỏi ấy, và hậu quả là họ đã phải rơi vào cảnh mất nước,
nhà tan. Giao ước mà Thiên Chúa lập ra với dân trở nên chìa khóa, biến mối
tương giao giữa Thiên Chúa và con người trở nên hạnh phúc, và sống trong cảnh tự
do bất diệt. Nhưng con cái Ítraen làm trái với giao ước, hậu quả là họ hứng chịu
những tai họa. Đàng sau những trình thuật này, Kinh thánh đề cao tự do của con
người: con người có phần trách nhiệm đối với vận mệnh của mình, nên hãy sử sụng
đúng đắn tự do của mình.
2.
Tự do trong Tân Ước.
Qua các bản văn Tin Mừng, chúng ta
nhận thấy rằng vào thời Đức Giêsu dân tộc Ítraen bị Đế Quốc Rôma cai trị, họ
đang chờ đợi một Đấng Thiên Sai đến để giải thoát họ. Nhiều người đã đi theo Đức
Giêsu cùng với một ý tưởng, đó là chia sẻ quyền bính với Người (Mc 10,35-37),
nhưng Ngài đã nói rõ mục tiêu hoạt động không mang tính chất chính trị (Ga
18,36). Dù vậy, thánh Luca đã gắn liền sứ vụ của Người với tư tưởng giải phóng,
tuy dưới khía cạnh khác. Tại hội đường Nazaret, Đức Giêsu đã giải thích mục
tiêu hoạt động của Người là thực hiện điều đã được ông Isaia tiên báo, đó là: “Loan
báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, … công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha,
cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức” (Lc
4,18-19). Bằng lời nói và việc làm, Người đã tỏ ra là một nhà giải phóng, qua
việc chữa lành những người bệnh, giải thoát những người bị ma quỷ và tội lỗi
hành hạ, thậm chí còn cho kẻ chết sống lại.
Trong Tin Mừng Nhất Lãm, chúng ta
nhận thấy rằng công cuộc giải thoát của Đức Giêsu không chỉ giới hạn vào việc
chữa lành con người khỏi những ràng buộc của thể xác, mà còn mở rộng đến nhiều
lãnh vực khác. Một thí dụ có thể thấy, qua những cuộc tranh luận với người
Pharisêu liên quan đến việc giải thích những quy định của luật pháp liên quan đến
ngày Sabat. Vào lúc đầu, ngày Sabat được thiết lập để giải thoát con người khỏi
lao nhọc thể xác, nhưng vô tình việc giải thích hẹp hòi của người Pharisêu đã
biến thể thành cái ách trói buộc con người (Lc 6,1-5.6-9; 13,10-16). Chính
trong khung cảnh tranh luận này, mà thánh Mátthêu mời gọi tìm hiểu ý nghĩa của
luật Chúa, luật của nội tâm, luật của tự do, chứ không dừng lại ở những chữ viết
bên ngoài (Mt 5,17-48). Tuy nhiên, ý nghĩa đích thực của tự do được tìm thấy
nơi việc đi theo Đức Giêsu, trở thành môn đệ của Người, và điều này đòi hỏi nhiều
hy sinh (Lc 9,57-62).[14]
Trong Tin Mừng của thánh Gioan và
các thư của Thánh Phaolô là hai tác giả đã để lại nhiều suy tư về tự do. Tư do
nhìn trong tương quan với Thiên Chúa: tự do của con cái Thiên Chúa, đối lại với
nô lệ của tội lỗi. Đức Kitô đã đến để mang lại cho nhân loại sự tự do đích thực.
Trong Đức Kitô, người tin đã lãnh nhận quyền từ đây sống thân mật với Chúa Cha
mà không bị xiêng xích của tội lỗi, sự chết và lề luật ràng buộc.[15] Tự
do làm con Thiên Chúa nghĩa là người Kitô hữu sống trước nhan Thiên Chúa như những
con người chứ không sống trong nô lệ. Điều này không giả thiết tự do là vô kỷ
luật sống phóng túng, nhưng “Anh em được gọi sống tự do, ước gì anh em đừng
dùng tự do như một chiêu bài để buông xuôi theo xác thịt” (Gl 5,13). Chúng ta
biết rằng Đức Giêsu đã dùng cái chết của mình để giải thoát họ khỏi nô lệ của tội
lỗi mà đưa trở về với Thiên Chúa. Đồng thời, Ngài cũng mời gọi mọi người lãnh
nhận ân sủng cứu độ trong tư cách là con cái Thiên Chúa.
3. Ý
nghĩa tự do trong Kinh Thánh
3.1.
Tự do chọn lựa
con người
Với những câu chuyện kể trong sách
Sáng Thế, chúng ta nhận thấy con người được Thiên Chúa trao ban sự tự do để chọn
lựa đi theo hay quay lưng với Thiên Chúa. Ngài tôn trọng sự tự do của con người.
Những lời Người phán ra nhằm dạy dỗ các bậc tổ tiên cũng như các tổ phụ nhằm
giúp họ đi đúng hướng và tiến về cùng đích cứu cánh.
Trong chương trình cứu độ, Thiên
Chúa luôn chờ đợi sự cộng tác của con người. Người mời gọi con người cộng tác
trong chương trình cứu độ và luôn lắng nghe sự đáp trả từ phía con người. Thiên
Chúa không dùng bạo lực hay sức mạnh để cưỡng ép bất kỳ ai phải thực thi đường
lối cũng như vâng phục chương trình cứu độ. Đây là một sự tôn trọng của một ngã
vị tự do với một ngã vị khác mà Thiên Chúa mặc khải cho con người.
3.2.
Thiên Chúa giải
phóng
Sự tự do trong Kinh Thánh còn được
hiểu là sự giải phóng của Thiên Chúa. Người đưa dân ra khỏi Aicập, vượt qua biển
đỏ (Xh 14,21-22) và đưa vào Đất Hứa để hưởng sự tự do. Thiên Chúa là Đấng đã giải
phóng họ khỏi những áp bức bên ngoài, khỏi những quyền lực đè nặng để được tự
do làm con cái Thiên Chúa.
Để thực sự là con Thiên Chúa, dân
riêng của Thiên Chúa cần được giải phóng nhiều thứ bên ngoài. Sau khi đưa dân
ra khỏi Aicập, Thiên Chúa dẫn đưa họ vào trong sa mạc để huấn luyện, hướng dẫn,
và giúp họ gạt bỏ những thứ làm cản đường tôn thờ Thiên Chúa. Người ban cho họ
giới luật để họ sống theo nẻo chính đường ngay, sống xứng đáng với con cái
Thiên Chúa. Mặc dù, dân Ítraen đã thoát khỏi những thế lực bên ngoài nhưng thực
chất con người vẫn chưa được giải phóng khỏi những mối nguy được nói đến trong
sách Sáng Thế là tội lỗi và hậu quả của nó để lại. Chính vì thế, con người cần
đến ơn cứu chuộc từ Đấng Thiên Sai.
3.3.
Trở nên con cái
Thiên Chúa trong tự do.
Sang thời Tân Ước, con người mới
thực sự là con cái Thiên Chúa, khi sống trong sự tự do của Thần Khí được ban
qua Đức Kitô. Qua cái chết và phục sinh, Đức Kitô được Chúa Cha sai đến giải
phóng thế gian khỏi tội lỗi và sự chết. Cuộc giải phóng của Đức Kitô hoàn trọn
cuộc giải phóng của dân trong Cựu Ước.
Trong Đức Kitô, người tín hữu được lãnh nhận ơn làm nghĩa tử của Thiên Chúa. Họ không còn bị xiêng xích tội lỗi và sự chết đeo bám, mà từ đây nhân loại bước vào một đời sống mới là hoàn toàn tự do làm con cái Thiên Chúa. Nhờ việc kết hiệp với mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô “Thiên Chúa đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái; trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được thư tha tội lỗi” (Cl 1,13-14).
CHƯƠNG
III: TỰ DO TRONG THƯ GALÁT
Tự do là một trong những tư tưởng
của thánh Phaolô. Đề tài này được thánh nhân nói đến trong thư gửi các giáo
đoàn Galát.[16]
Khác với quan điểm tự do triết học hay cách hiểu “muốn làm gì thì làm,” tự do
theo thánh Phaolô là tự do trong Đức Kitô, và “ở đâu có Thần Khí của Chúa thì ở
đó có tự do” (2Cr 3,17).
1.
Tổng quan về thư Galát.
1.1. Tác giả
1.1.1. Sinh trưởng và sự trở lại.[17]
Các thư Phaolô và sách Công Vụ
Tông Đồ là hai nguồn chính cho biết cuộc đời và sự nghiệp của thánh Phaolô. Tuy
là hai nguồn văn này độc lập nhưng xác nhận và bổ túc cho nhau. Sự khác biệt của
hai nguồn văn này không làm cản trở việc tìm hiểu cuộc đời và sứ mạng của
Phaolô.
Thời Dothái, cộng đồng hải ngoại
(sống ngoài Palestine), thường có hai tên, ngoài tên Dothái còn có tên Rôma hay
Hylạp. Phaolô (Paulus) là tên Rôma; vì vị tông đồ mô tả mình thuộc chi tộc
Bengiamin (Rm 11,1; 3,5), nên tên Dothái của ngài là Saulô.
Thánh Phaolô sinh vào khoảng năm
5-10 sau Chúa Giêsu giáng sinh (AD), dưới triều hoàng đế Augustô, tại Tácxô.
Đây là một thành phố danh tiếng trong thời Thượng Cổ, là thủ phủ của Đế quốc
Rôma với khoảng 300 000 dân cư, nằm giữa Địa Trung Hải (phía nam) và núi Taurus
(phía bắc). Thành phố này nằm ở ngã ba trục giao
thông đi từ thành Babylon về thành Êphêxô và từ Aicập qua biển đen, nên rất thuận
lợi cho việc sản xuất nông nghiệp và thương mại. Thánh Phaolô sinh ra trong một
gia đình tiểu thương khá giả. Có lẽ, đây là nơi ngài học nghề dệt lều (Cv
18,3). Với nghề này, ngài tự kiếm sống bằng sức lao động của mình (1Cr 4,12),
và đó là niềm tự hào cho Phaolô trong sứ vụ truyền giáo sau này.
Tácxô còn là trung tâm của nền
giáo dục Hylạp, nơi có các trường học xuất sắc về văn học, triết học, và hùng
biện. Tuy sống trong văn hóa Hylạp nhưng Thánh Phaolô không được giáo dục tại
các trường của Tácxô, nhưng ngài nói và viết tiếng Hylạp thành thạo. Ngài có khả
năng hùng biện và trích dẫn Kinh Thánh bằng tiếng Hylạp. Bên cạnh đó, Thánh Phaolô
còn nói tiếng Aram và đọc Cựu Ước bằng nguyên bản (Cv 21,37-40; 22,2). Ngài có
quốc tịch của Rôma, quyền ưu tiên này dành cho Phaolô nhiều quyền lợi trong sứ
mạng truyền giáo (Cv 16,37-38; 22,25-29; 23,27). Có lẽ nhờ giáo dục Hylạp mà
ngài cởi mở với dân ngoại và với Kitô hữu thuộc văn hóa Hylạp.
Thánh Phaolô đã từng đi bách hại đạo
do lòng nhiệt thành của ngài đối với Dothái giáo (Gl 1,13; 1Cr 15,9; Pl 3,6). Nhưng
khoảng năm 36 AD, ngài đã được một thị kiến trên đường đến Đamát đi bách hại đạo,
và đã gặp được Đức Kitô phục sinh. Từ đây, ngài đã được ơn hoán cải và thay đổi
quan điểm, lối sống và cách hành xử. Sách Công Vụ Tông Đồ có ba trình thuật
trình bày cuộc trở lại của Phaolô: (1) trình thuật của Luca về biến cố Đamát
(Cv 9,1-19); (2) lời lẽ của Phaolô nói với dân chúng ở Giêrusalem, khi người bị
bắt (năm 58-59); (3) Diễn văn của Phaolô tại tòa án của Festô, trước mặt vua
Acrippa (Cv 26,4-23). Quý hơn cả là chính những chứng từ mà ngài nói trong các
thư của ngài (Gl 1,11-16; 1Cr 15,8-10; 15,8; Pl 3,4-12; 1Tm 1,12-16). Ngài ý thức
rằng Đức Kitô đã chụp lấy người (Pl 3,12), đã đưa ngài tới đức tin, đã cho ngài
hiểu rằng “sự công chính theo lề luật” mà ngài tìm kiếm lâu nay trong Dothái
giáo chỉ là ảo tưởng (Pl 3,7-11).
1.1.2. Các cuộc
hành trình truyền giáo.[18]
Sách Công Vụ bàn về hoạt động của
Phaolô theo các hành trình cuộc truyền giáo. Cụ thể: hành trình truyền giáo thứ
I (năm 46-49) ở Kíprô và Tiểu Á (Cv 13,1-14,28), chuyến truyền giáo này Phaolô
đi cùng với Banaba khởi đi từ Antiôkhia đi đảo Syp, các ngài đã rao giảng cho
người Dothái tại các hội đường với sự trợ giúp của Gioan Máccô; hành trình truyền
giáo thứ II (năm 50-52) ở Makêđônia và Akhaia với trung tâm là Côrintô (Cv
15,36-18,22). Hành trình truyền giáo lần thứ hai này Phaolô đã viếng thăm và củng
cố các giáo đoàn trước đây ngài đã thiết lập, đồng thời cũng lập thêm các giáo
đoàn mới; hành trình truyền giáo thứ III (năm 53-58) ngài tiếp tục truyền giáo ở
vùng Tiểu Á và bên Hylạp, thành lập nhiều cộng đoàn Kitô địa phương. Đặc biệt
trong giai đoạn này, thánh Phaolô trở thành một nhân vật rất có uy tín trong
các giáo đoàn nói tiếng Hylạp, và hoàn toàn độc lập đối với truyền thống văn
hóa và tôn giáo Dothái.
Năm 58, ngài bị bắt tại Giêrusalem,
năm 60 được giải về Rôma, rồi sau đó được thả ra. Năm 67, thánh Phaolô đã chịu
án trảm quyết dưới thời bắt đạo Nêrô. Ngôi thánh đường Phaolô Ba Suối (St. Paul
de Trois Fontaines) còn ghi nhớ chổ tử đạo của vị tông đồ dân ngoài.
1.2. Thư Galát
1.2.1. Bối cảnh,
nơi chốn và thời gian biên soan
Trong các thư của Thánh Phaolô,
thư Galát là thư duy nhất mà địa chỉ người nhận không phải là một giáo đoàn
riêng lẻ, hoặc một cá nhân, nhưng cho nhiều giáo đoàn, cụ thể là các giáo đoàn:
Galát thượng (miền bắc) và Galát hạ (miền nam). Câu hỏi được đặt ra: đâu là địa
danh mà thánh Phaolô muốn gửi thư tới? Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không thể
xác định địa danh Galát cách dứt khoát và mỗi giả thuyết có một số người ủng hộ
trong một thời gian dài.[19]
Thông tin về nơi chốn và thời gian
viết thư, tuỳ thuộc vào việc chấp nhận giả thuyết nào của thư Galát.[20] Nếu
Phaolô viết cho Galát hạ (miền nam) theo hành chính của Rôma, các cộng đoàn ở
đây được thánh Phaolô thành lập trong hành trình truyền giáo I (Cv 13,14.51;
14,6) và đến thăm trong hành trình truyền giáo II (Cv 16, 1-2), thì thư Galát
được viết vào khoảng năm 49 AD. Trong trường hợp này, thư Galát là lá thư đầu
tiên của bộ sưu tầm Tân Ước. Nếu Phaolô viết cho những người thuộc miền Galát
thượng (miền bắc), thì ngài viết thư này trong lúc lưu lại ở Êphêxô vào khoảng
năm 55-57 AD.
Ngày nay dựa vào mối tương quan về
nội dung và tư tưởng của thư Galát với 2Cr và Rm, phần đông các nhà nghiên cứu
cho rằng thánh Phaolô đã gửi thư này cho người Galát theo sắc dân ở phía bắc. Cho
nên, Phaolô đã viết thư Galát vào khoảng 55-57 AD tại Êphêxô.
1.2.2. Nội
dung
Thư Galát được đặt ngang hàng với
các thư quan trọng khác của Phaolô như Rôma, 1 & 2 Côrintô. Mặc dù thư Galát
ngắn hơn nhiều so với ba thư kia, nhưng tầm quan trọng của thư Galát được thể
hiện trên nhiều phương diện. Nội dung của thư Galát, thánh Phaolô nhắc tới hai
vấn đề chính: ơn được nên công chính nhờ tin vào Đức Kitô, và tự do của người
tín hữu.[21]
Con người được nên công chính nhờ
tin vào Đức Kitô. Người Dothái thường quan niệm, họ chu toàn mọi lề luật mà
Thiên Chúa đã ban cho họ qua ông Môsê như thế là được nên công chính. Nhưng,
thánh Phaolô tuyên bố rằng, vai trò giám hộ của luật đã lỗi thời (Gl 3,25). Luật
không có khả năng để ban ơn công chính (Gl 2,16), nhưng chính Đức Giêsu đến giải
thoát ta khỏi ách tội lỗi và cho ta được làm con Thiên Chúa (Gl 4,5-7). Cho
nên, con người được nên công chính không phải từ những điều lề luật dạy, nhưng
nhờ lòng tin vào Đức Giêsu Kitô.
Tự do của người tín hữu được Thánh
Phaolô nói nhiều trong thư Galát. Trong văn hoá thời ấy giờ, người Do thái đề
cao việc tuân giữ lề luật Môsê, nên thánh nhân đã trình bày giáo lý về tự do của
người tín hữu. Trước hết, người tín hữu là người được kêu gọ i để hưởng tự do (Gl
5,13). Tự do không theo nghĩa triết học, xã hội hay chính trị, nhưng theo nghĩa
tôn giáo. Có tự do này là nhờ Đức Kitô, Đấng đã chết và sống lại ban cho chúng
ta (Gl 5,1). Đó là ý muốn của Đức Kitô. Người giải thoát chúng ta khỏi ách Lề
Luật (Gl 3,19), cứu chuộc chúng ta khỏi tình trạng tội lỗi. Tự do của người tín
hữu biểu thị đời sống làm con Thiên Chúa (Gl 4,4-7). Vì thế, người tín hữu phải
loại bỏ mọi ý niệm sai lầm về Thiên Chúa, để nhận biết Thiên Chúa là Cha của Đức
Giêsu. Nhờ Người, chúng ta dám kêu lên: “Ápba: Cha ơi!” (Gl 4,6). Người tín hữu
chiêm ngắm tình yêu “mâu thuẫn” của Thiên Chúa, được mặc khải qua thập giá của
Đức Kitô. Nhờ Người, chúng ta chiến đấu chống lại tội ác. Nhờ kết hợp với Đức
Kitô, tín hữu có thể chống lại những dục vọng và đam mê (Gl 5,24).
1.2.3. Bố cục
Thư Galát là lá thư tự bản chất
mang tính chất bút chiến, và còn có hình thức hùng biện.[22] Nên,
các nhà nghiên cứu không dễ dàng để phân chia bố cục của lá thư. Lá thứ này có
nhiều cách phân chia khác nhau. Trong bài viết này, người viết dựa vào giáo
trình của Soeur Maria Nguyễn Thị Kim Oanh, OP. có thể phân chia bố cục của thư Galát
như sau:[23]
(1)
Mở đầu (1,1-5): Lời chào, cầu chúc ân sủng, bình an và chúc tụng.
(2)
Lời cảnh cáo (1,6-10): Thay cho phần tạ ơn, Thánh Phaolô đã đề cập
đến sứ điệp Tin Mừng mà thánh Phaolô loan báo là độc nhất; cảnh cáo người Galát
không được đón nhận Tin Mừng khác.
(3) Thân
thư (1,11-6,10)
- Bảo vệ Tin Mừng và sứ vụ tông đồ
của mình (1,11-2,21)
- Minh chứng: được nên công chính
nhờ tin vào Đức Kitô (3,1-4,31)
- Khuyên nhủ: tự do trong Đức Kitô
và trong Thần Khí (5,1-6,10)
(4)
Kết thư (6,11-18): Chào và cầu chúc.
2.
Tự do trong thư Galát
Trong phần này, chúng ta sẽ không
chú giải toàn bộ bức thư mà chỉ tìm hiểu những chổ có hạn từ “tự do”. Hạn từ
này được đọc thấy trong: Gl 2,4; 3,28; 4,22,23,26,30,31 và 5,1,13. Để có thể hiểu
được tư tưởng của tác giả, hạn từ “tự do” cần được đọc trong bối cảnh của đoạn
văn. Vậy nên, chúng ta chỉ xem xét những đoạn văn sử dụng hạn từ này: Gl 2,1-10
(2,4); 3,23-29 (3,28); 4,21-31 (4,22,23,26,30,31); 5,1 -12 (5,1); 5,13-26
(5,13).
2.1. Đại hội Công Đồng Giêrusalem
(Gl 2,1-10)
Tại Công đồng Giêrusalem, Thánh Phaolô
đã biện hộ về sự thật của Tin Mừng mà ngài đã rao giảng trước mặt các tông đồ. Thời
gian này là mười bốn năm kể từ sau biến cố Đamát (Gl 1,18), Phaolô đã lên đó một
lần nữa cùng với hai người bạn đồng hành Banaba và Titô. Ngài đã trình bày Tin
Mừng ngài rao giảng cho dân ngoại và đưa ra vấn nạn “dân ngoại gia nhập Kitô
giáo và phép cắt bì”. Thánh Phaolô đã
không nhượng bộ, và các tông đồ cũng chấp nhận những điểm sau: Thứ nhất, dân
ngoại gia nhập Kitô giáo mà không phải chịu cắt bì; thứ hai, là chấp thuận cho Thánh
Phaolô và Banaba nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cho dân ngoại; cuối cùng, yêu cầu
hai ông quan tâm đến những Kitô hữu sống trong nghèo khó, điều mà họ vẫn cố gắng
thực hiện.[24]
Ta có thể thấy, hạn từ “tự do” được
tìm thấy trong Gl 2,4: “Sở dĩ vì có những tên xâm nhập, những kẻ giả danh giả
nghĩa anh em, đã len lỏi vào dò xét sự tự do của chúng ta, sự tự do chúng ta có
được trong Đức Kitô Giêsu; họ làm như vậy là để bắt chúng ta trở thành nô lệ” (διὰ δὲ τοὺς παρεισάκτους ψευδαδέλφους,
οἵτινες παρεισῆλθον κατασκοπῆσαι τὴν ἐλευθερίαν ἡμῶν ἣν ἔχομεν ἐν Χριστῷ Ἰησοῦ,
ἵνα ἡμᾶς καταδουλώσουσιν). Tự do là một trong các chủ đề quan trọng của
thư Phaolô. Đây là lần đầu tiên ngài đề
cập đến vấn đề tự do mà người Kitô hữu đã nhận được khi đón nhận đức tin. Nhờ đức
tin, họ được ở trong Đức Kitô nên họ được tự do và đoạt tuyệt với lối sống cũ.
Như vậy,
Thánh Phaolô cho thấy rằng Tin Mừng mà ngài đã rao giảng hoàn toàn do Thiên
Chúa, chứ không do bởi bất kỳ một người phàm nào, kể cả các tông đồ ở
Giêrusalem. Tin Mừng này đã được Giáo hội mẹ chấp thuận và Thánh Phaolô đã hết
lòng trung tín, nhưng giờ đây các tín hữu Galát lại muốn đoạt tuyệt với Tin Mừng
đó.[25]
2.2. Ơn công chính nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô (Gl 3,23-29)
Trong
chương 3 và 4, thánh Phaolô đưa ra hai nhân vật là Ápraham và Đức Kitô để lập
luận về việc trở nên công chính nhờ đức tin. Thánh Phaolô dựa vào Kinh Thánh để
chống lại Do thái giáo. Người làm nổi bật đề tài đức tin. Tổ phụ Ápraham như mẫu
gương cho những ai nên công chính nhờ tin vào Thiên Chúa (x. Gl 3,6-9; Rm 4). Nhờ
đức tin, tổ phụ Ápraham được gọi là người công chính, chứ không phải nhờ luật.
Người Dothái cho rằng, bất cứ ai muốn được cứu độ thì phải chịu phép cắt bì để
trở nên con cháu tổ phụ Ápraham, mới có thể cùng với ông lãnh nhận ân huệ từ lời
hứa. Trước khi chịu phép cắt bì, Ápraham đã được Chúa ban ân sủng. Thiên Chúa hứa
với Ápraham và hậu duệ của ông sẽ được chúc lành. Đồng thời, Người cũng thiết lập
giao ước và làm cho ông nên công chính nhờ lòng tin cũng như những ai tin vào
Người.
Thật vậy,
Luật Môsê được Thiên Chúa ban cho dân Ítraen như là chuẩn bị cho con người đến
với ơn cứu độ. Lề luật được ban để bảo vệ sự sống chứ không phải để dẫn người
ta đến chỗ chết. Thế nên, luật không phải chỉ trừng phạt nhưng còn tích cực xây
dựng đời sống con người.
Qua Ápraham,
Thiên Chúa ban phúc lành cho loài người. Phúc lành được thể hiện nơi Đức Giêsu
Kitô. Thánh Phaolô đã cố gắng lý giải nhờ tin vào Đức Giêsu chúng ta mới được
nên công chính, chứ không phải nhờ vào việc tuân giữ lề luật, bắt đầu bằng việc
cho thấy Ápraham nên công chính nhờ lòng tin chứ không phải bởi lề luật. Đức
Giêsu, Ngài đến kiện toàn lề luật. Người tuân thủ lề luật chứ không lên án nó
nhưng cuối cùng “chính Đức Kitô chịu chết vì bị luật lên án, trở nên kẻ bị nguyền
rủa. Nhờ vậy, Người ban phúc lành cho những ai tin vào Người.”[26]
Hạn từ
“tự do” được đề cập trong câu 28: “Không còn chuyện phân biệt Dothái hay Hylạp,
nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức
Kitô” (οὐκ ἔνι Ἰουδαῖος οὐδὲ Ἕλλην, οὐκ ἔνι δοῦλος οὐδὲ ἐλεύθερος, οὐκ ἔνι ἄρσεν
καὶ θῆλυ· πάντες γὰρ ὑμεῖς εἷς ἐστε ἐν Χριστῷ Ἰησοῦ) (Gl 3,28). “Tự do” ở đây
được hiểu như là một giai cấp đối lập với nô lệ. Nhờ Phép Rửa, nhân loại được
nên tự do không còn làm nô lệ cho tội lỗi, được trở nên công chính và được nên
một với Đức Kitô, được chia sẻ với sứ mệnh cứu độ của Người. Mỗi người được kết
hợp với Người và hợp nhất với nhau trong Hội Thánh, không còn phân biệt chủng tộc,
văn hoá, giai cấp và tôn giáo. Tất cả những ai ở trong Đức Giêsu Kitô đều là
con cái Thiên Chúa, là dòng dõi Apraham và được quyền “thừa kế theo lời hứa”
(Gl 3,28-29).[27]
Theo xã
hội thời bấy giờ, việc phân biệt người này người kia là việc quan trọng. Việc
xác định danh tính cũng như căn tính của một ai đó là việc hệ trọng trong xã hội.
Bởi lẽ, người tự do thì khác với người nô lệ. Tuy nhiên, trong trật tự siêu
nhiên, nhờ thông dự vào cái chết và phục sinh của Đức Kitô, không còn chuyện
phân biệt giàu sang hay đói rách, nô lệ hay ông chủ, .... tất cả mọi người đều
bình đẳng với nhau và ngang hàng trước mặt Thiên Chúa.[28]
2.3. Hai giao ước Haga và Xara (Gl 4,21-31)
Trong đoạn này, tự do được nhắc đến trong các câu:
“Thật vậy, có lời chép rằng: ông Ápraham có hai người con, mẹ của một người
là nô lệ, mẹ của người kia là tự do”. (γέγραπται γὰρ ὅτι Ἀβραὰμ δύο υἱοὺς ἔσχεν,
ἕνα ἐκ τῆς παιδίσκης καὶ ἕνα ἐκ τῆς ἐλευθέρας.) (Gl 4,22).
“Nhưng con của người mẹ nô lệ thì sinh ra theo luật tự nhiên; còn con của
người mẹ tự do thì sinh ra nhờ lời hứa” (ἀλλ᾽ ὁ μὲν ἐκ τῆς παιδίσκης κατὰ σάρκα
γεγέννηται, ὁ δὲ ἐκ τῆς ἐλευθέρας δι᾽ ἐπαγγελίας.)
(Gl 4,23).
“Còn Giêrusalem thượng giới thì tự do: đó là mẹ chúng ta.” (ἡ δὲ ἄνω Ἰερουσαλὴμ ἐλευθέρα ἐστίν, ἥτις ἐστὶν μήτηρ ἡμῶν·) (Gl 4,26).
“Thế nhưng Kinh Thánh nói gì? Kinh Thánh nói: ‘Tống cổ người nô lệ và con của
nó đi, vì con của nô lệ không đời nào được thừa kế gia tài cùng với con của người
tự do’” (ἀλλὰ τί λέγει ἡ γραφή; ἔκβαλε τὴν παιδίσκην καὶ τὸν υἱὸν αὐτῆς· οὐ γὰρ μὴ κληρονομήσει ὁ υἱὸς τῆς παιδίσκης μετὰ τοῦ υἱοῦ τῆς ἐλευθέρας) (Gl 4,30).
“Ấy vậy, thưa anh em, chúng ta không phải là con của một người nô lệ, nhưng
là con của người tự do.” (διό, ἀδελφοί, οὐκ ἐσμὲν παιδίσκης τέκνα ἀλλὰ τῆς ἐλευθέρας) (Gl 4,31).
Tiếp tục lập luận của mình, thánh Phaolô đã nhìn về Cựu Ước như những biểu
tượng. Ápraham, người nhận lời chúc lành và lời hứa của Thiên Chúa, đã già
nhưng vẫn chưa có con nối dõi. Người vợ của ông là Xara đã cho đầy tớ của mình
Haga đến ăn ở với ông và sinh ra Ítmaên (St 16,1-16). Nhưng Thiên Chúa đã lập
giao ước với Ápraham (St 17, 4-14), phép lạ đã xảy đến với Ápraham là Xara đã
có thai với ông và sinh ra Ixaác (St 21,1-7). Hai người mẹ, hai người con thừa
kế, hai thành trì và hai giao ước.
Như thế, thánh Phaolô đã dùng câu chuyện Cựu Ước này để minh chứng cho các
tín hữu được sinh ra trong Thần Khí không ở dưới lề luật. Hai người con của hai
người phụ nữ đã sinh ra cho Ápraham. Ítmaên sinh ra bởi người nữ tỳ (Haga) là
người con của xác thịt. Ixaác, con của người vợ tự do (Xara) là người con do lời
Chúa hứa (Gl 4,21-23).[29] Như vậy, Phaolô đã dùng hình ảnh người con Ixaác sinh ra
trong tự do để chỉ về các tín hữu Galát cũng là con theo dõng dõi Ixaác. Đây là
người con của người nữ tự do, hay nói cách khác, người con của tự do và lời hứa,
còn Hipri là người con của người nô lệ, tức là con của nộ lệ giao ước núi Sinai
(Gl 4,21-24). Từ đây, dẫn tới hình ảnh: người mẹ nộ lệ (Haga) chính là
Giêrusalem hạ giới, còn người mẹ tự do (Xara) chính là Giêrusalem thượng giới
(Gl 4,25-27).[30]
Thánh Phaolô mời gọi các tín hữu Galát đừng để cho mình mang ách nô lệ một
lần nữa. Nếu họ muốn tìm một cách dung hợp: vừa là con của tự do nhờ tin vào Đức
Kitô, vừa là con của nô lệ dựa vào việc tuân giữ lề luật, thì họ không thể thực
hiện được vì không thể có sự hoà hợp giữa tình trạng nô lệ và tự do.[31]
2.4. Tự do của người tín hữu (Gl 5,1-12)
Sự tự do là đặc tính của con cái Thiên Chúa. Sau khi trình bày cho các Hội
Thánh Galát về sự công chính nhờ đức tin, Thánh Phaolô đã khuyên nhủ “đừng mang
lấy nô lệ một lần nữa” (Gl 5,1), nghĩa là đừng trở về giữ các nghi thức và tập
tục của đạo Dothái, mà nay hãy sống tinh thần của những người được Đức Kitô giải
thoát và hưởng sự tự do.
“Chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta. Vậy, anh
em hãy đứng vững, đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa.” (Τῇ ἐλευθερίᾳ ἡμᾶς
Χριστὸς ἠλευθέρωσεν· στήκετε οὖν καὶ μὴ πάλιν ζυγῷ δουλείας ἐνέχεσθε) (Gl 5,1).
Thánh Phaolô đã đưa ra lời khuyên nhủ cho các tín hữu Galát hãy sống tự do bằng
cách không tùng phục luật Môsê. Theo thánh Phaolô, nếu tín hữu chịu phép cắt bì
thì Đức Kitô sẽ không lợi ích gì cho họ. Tùng phục lề luật là sống dưới sự thống
trị của lề luật và không sống dưới ân sủng của Đức Kitô, mà con người được nên
công chính nhờ tin vào Đức Kitô (Gl 5,2-5).[32]
Đây cũng là hình ảnh của những người nô lệ trong thời đế quốc Lamã thời bấy
giờ, người nô lệ luôn phải lệ thuộc vào ông chủ. Họ không tự ý hành động bất cứ
điều gì mà luôn phải làm theo ý muốn của chủ. Họ không được sở hữu bất cứ thứ
gì, và họ bị xem như những tài sản của ông chủ. Đưa ra hình ảnh người nô lệ,
thánh Phaolô muốn ám chỉ đến việc các tín hữu đang phải sống nô lệ dưới ách của
lề luật, và mời gọi họ hãy sống như con cái tự do.
Sự tự do mà chúng ta có được là do Đức Kitô thiết lập. Thánh Phaolô đã cho
rằng, qua cái chết và sự phục sinh, Đức Kitô đã đem lại sự tự do cho chúng ta.
Người đã giải phóng chúng ta khỏi “ách nô lệ”. Hay nói cách khác, đó là ách của
lề luật.[33]
Vì vậy, ngài kêu gọi các tín hữu Galát hãy mạnh dạn và cản đảm buông bỏ đi những
ách không mang lại sự cứu độ mà hãy vững tin vào Tin Mừng.
2.5. Tự do để sống theo lòng mến
(Gl 5,13-15)
“Quả thế, thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do. Có điều
là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục
vụ lẫn nhau” (Ὑμεῖς γὰρ ἐπ᾽ ἐλευθερίᾳ ἐκλήθητε, ἀδελφοί·
μόνον μὴ τὴν ἐλευθερίαν εἰς ἀφορμὴν τῇ σαρκί, ἀλλὰ διὰ τῆς ἀγάπης δουλεύετε ἀλλήλοις)
(Gl 5,13).
Sự tự do của người Kitô hữu là do
nhận được chứ không phải thủ đắc.[34] Họ
được kêu gọi để thoát khỏi nô lệ của luật Môsê và hưởng tự do, sự tự do mà chính
Đức Kitô đã thiết lập. Nhưng không phải tất cả đều nhận được tự do này, nhưng
chỉ những người nhận được ân sủng qua việc tin vào Tin Mừng do các tông đồ rao
truyền mới hưởng được. Khi nhận được tự do, người Kitô hữu không còn sống dưới
ách nô lệ của luật nữa mà sống tự do và làm những gì mình muốn.
Tuy nhiên, Thánh Phaolô cảnh báo
cho mọi Kitô hữu sống tự do không có nghĩa là để phóng đãng hay để lộng hành,
nhưng nhằm xây dựng trên nền tảng là lòng mến và để phục vụ lẫn nhau, đó là tóm
lược nội dung của lề luật. Lề luật tuy có giới hạn trong bản chất, vì không thể
làm cho người ta sống, nhưng không phải vì thế mà lề luật không có giá trị tích
cực, vì chính trong lòng mến, tức thực thi việc bác ái, lề luật được nên trọn vẹn
(Gl 5,13-14). Nói cách khác, “tin” khiến người ta “yêu”, và vì “yêu” nên “tuân
giữ lề luật”, vì “lề luật” qui tóm về “đức ái”.[35]
Thánh Phaolô cho biết thêm, vì sống theo nô lệ khi chỉ chú trọng làm những điều lề luật dạy, mà các tín hữu Galát đã phân rẽ trầm trọng “cắn xé và tiêu diệt nhau” (Gl 5,15) nên thánh nhân đã mời gọi mọi người sống theo Thần Khí là yêu thương và phục vụ lẫn nhau như thế mới làm cho lề luật nên trọn vẹn.[36]
CHƯƠNG
IV: Ý NGHĨA TỰ DO TRONG THƯ GALÁT.
Đối với Thánh Phaolô, thoát khỏi mọi
qui ước xã hội, những quan điểm để kéo con người sống theo Đức Kitô. Bằng kinh
nghiệm của mình, thánh nhân đã chỉ cho các tín hữu thấy con đường đến với ơn cứu
độ từ việc tin vào Đức Kitô Giêsu. Đó là dám từ bỏ cái cũ để mặc lấy nếp sống mới
là sống theo Thần Khí.
1.
Ơn công chính hóa và tự do
Trước đây, thánh Phaolô băn khoăn
về ơn công chính hoá, qua việc tìm kiếm những gì luật dạy và ngài đã trung
thành với luật đó. Thế nhưng, khi ngài đã gặp được Đức Giêsu trên đường đi
Đamát bắt bớ đạo, ngài đã được biến đổi và nhận ra ơn cứu độ không phải chỉ
tuân theo những gì luật Môsê dạy, nhưng nhờ vào lòng thương xót của Thiên Chúa
“không phàm nhân nào sẽ được nên công chính vì làm những gì luật dạy” (Gl
2,16).
Do đó, để hiểu được ơn công chính
hoá và tự do theo quan điểm của thánh Phaolô, trước tiên chúng ta đi tìm hiểu
khái niệm về ơn công chính hoá theo những chỉ dẫn của Giáo hội. Theo từ điển
Công giáo, công chính hoá là việc Thiên Chúa tha thứ tội lỗi và làm cho con người
nên thánh thiện nhờ lòng nhân từ vô điều kiện và tình yêu vô biên của Ngài. Mục
đích của ơn công chính hoá là làm vinh danh Thiên Chúa và sự sống vĩnh cửu của
con người.[37]
Trong Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo
trình bày về ơn công chính hoá như một cái nhìn chung cuộc:
Sự công chính hóa là công trạng nhờ cuộc
khổ nạn của Đức Kitô cho chúng ta. Nó được ban cho chúng ta nhờ Phép Rửa. Nó
làm cho chúng ta nên phù hợp với sự công chính của Thiên Chúa, Đấng làm cho
chúng ta nên công chính. Sự công chính hóa có mục tiêu là vinh quang của Thiên
Chúa và của Đức Kitô, và hồng ân của đời sống vĩnh cửu. Nó là công trình hết sức
tuyệt vời của lòng thương xót của Thiên Chúa.[38]
Đối với thánh Phaolô, ơn công
chính là một trong những chủ đề quan trọng của thư Galát, và được thánh nhân
trình bày cách hệ thống và đào sâu trong thư gửi tín hữu Rôma (Rm 5,17-21). Việc
kết hợp với Đức Kitô và tham dự vào kinh nghiệm về cái chết và đời sống của Người
được diễn tả qua thuật ngữ “tin”, như ngài nói trong thư Galát: “Quả thế, tại
vì Lề Luật mà tôi đã chết đối với Lề Luật, để sống cho Thiên Chúa. Tôi cùng chịu
đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá. Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà
là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào
Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi.” (Gl 2,19-20). Như vậy,
đức tin không phải là một sản phẩm do con người tạo ra, cũng không hệ tại vào
việc thuận theo lý trí, mà phải là một sự mở ra triệt để toàn thể con người đối
với chương trình cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện nơi Đức Kitô.[39]
Qua công cuộc Cứu Độ của Đức Kitô trên thập
giá mà con người được nên công chính. “Thật vậy, mọi người đã phạm tội và bị tước
mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên
Chúa ban nhưng không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Kitô Giêsu. Thiên
Chúa đã đặt Người làm nơi xá tội nhờ máu của Người cho những ai có lòng tin.
Như vậy, Thiên Chúa cho thấy Người là Đấng Công Chính.” (Rm 3,23-25). Nhờ đó,
nhân loại được giải thoát khỏi sự vậy hãm của tội và hậu quả của nó là sự chết.
Nhờ công cuộc giải thoát của Đức Kitô, con người mới được hưởng tự do, được làm
con cái Thiên Chúa và sống trong Thần Khí.
2.
Tự do khỏi luật cũ.
Theo Thánh Phaolô, chúng ta được tự
do khỏi luật. Luật ban cho con người để trợ giúp con người đi đến với ơn cứu độ,
chứ nó không có sức làm cho con người nên công chính. Thánh Phaolô đã khẳng định:
“Lề luật đã thành người quản giáo dẫn chúng ta đến tới Đức Kitô, để chúng ta
nên công chính nhờ đức tin”. Vì thế, chúng ta thoát khỏi ách nô lệ của lề luật
để trở nên công chính hoá là nhờ tin vào Đức Kitô, Đấng đã chịu đóng đinh và cứu
chuộc nhân loại khỏi tội lỗi. “Nhưng khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa
đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để
chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl
4,4-5). Đức Giêsu Kitô đã từ cõi chết sống lại (Gl 1,1) và “để cứu chúng ta
thoát khỏi cõi đời xấu xa hiện tại, Đức Giêsu Kitô đã tự hiến vì tội lỗi chúng
ta, theo ý muốn của Thiên Chúa là Cha chúng ta” (Gl 1,4). Trong Đức Kitô, các
Kitô hữu sẽ trở nên những con người tự do, thoát khỏi những ràng buộc luật cũ.
“Nhưng nay, chúng ta không còn bị Lề Luật ràng buộc nữa, vì chúng ta đã chết đối
với cái vẫn giam hãm chúng ta. Như vậy, chúng ta phục vụ Thiên Chúa theo tinh
thần mới, chứ không theo bản văn cũ của Lề Luật” (Rm 7,6). Từ đây, người Kitô hữu
sống trong tự do đích thực mà Đức Kitô đã mang lại, sự tự do làm cho người Kitô
hữu thoát khỏi những kẻ đã len lỏi vào cộng đoàn để dò xét nhằm biến họ thành
nô lệ thêm một lần nữa (Gl 2,4-5; 4,7.9). Sự tự do đó giúp họ thoát khỏi nô lệ
của lề luật và cắt bì, bởi vì “Đức Kitô đã chuộc chúng ta cho khỏi bị nguyền rủa
vì lề luật, khi vì chúng ta chính Người trở nên đồ bị nguyền rủa, vì có lời
chép: Đáng nguyền rủa thay mọi kẻ bị treo trên cây gỗ” (Gl 3,13).[40]
3.
Trở nên con Thiên Chúa trong tự do.
Theo quan niệm của người Dothái,
ai muốn gia nhập đạo thì phải cắt bì và sẽ được xem là con cái của tổ phụ
Abraham. Thế nhưng, Thánh Phaolô quả quyết rằng: “Trong Đức Kitô Giêsu, cắt bì
hay không cắt bì đều không có giá trị, chỉ có đức tin hành động nhờ đức ái” (Gl
5,6). Trong Đức Kitô, chúng ta được trở nên một con người mới. Người đã vâng phục
Chúa Cha mà chết trên cây thập tử để giải thoát chúng ta khỏi tội, và cho chúng
ta được làm con Thiên Chúa. “Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai
Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: ‘Ápba, Cha ơi!’” (Gl
4,6).
Mỗi chúng ta được tái sinh nhờ Phép Rửa Tội và được thuộc về Đức Kitô. Từ đây “Không còn chuyện phân biệt Dothái hay Hylạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô” (Gl 3,28). Cũng từ đây, Thiên Chúa tập hợp các tín hữu vào Giáo Hội, đó chính là Ítraen của Thiên Chúa (Gl 6,16), là dân đươc tuyển chọn trong thời cánh chung. Hội Thánh chính là Giêrusalem trên trời, là người mẹ sinh ra con cái tự do, là một cộng đoàn được ghi dấu không bằng việc tuân giữ lề luật, mà ghi dấu ấn bằng một đời sống đức tin và đức mến. Giáo hội mang tính phổ quát, không chỉ Giáo hội mở ra cho tất cả mọi người, mà còn cho trong Giáo hội, qua việc kết hiệp với Đức Kitô, tất cả tìm được sự hiệp nhất với nhau: “Không còn chuyện phân biệt Dothái hay Hylạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô” (Gl 3,28), làm nên một Hội Thánh duy nhất, thánh thiện và tông truyền.[41]
KẾT
LUẬN
Về khía
cạnh lịch sử, khái niệm về tự do cho chúng ta thấy có nhiều quan điểm khác
nhau. Trong từng lãnh vực, từng ngành nghề, tự do được hiểu theo nghĩa khác
nhau. Triết học, tâm lý học, xã hội học, chính trị, tôn giáo, … hiểu tự do theo
từng lĩnh vực khác nhau. Do đó, khi bàn về tự do, chúng ta cần giới hạn trong lãnh
vực mà ta đang nghiên cứu
Tự do mà
mỗi người có được không thể hiểu là muốn làm gì thì làm. Nhưng chúng ta cũng cần
có thước chuẩn của cuộc sống trên từng người để sống tốt và làm nảy sinh nhiều
bông hạt tốt lành cho xã hội. Như khi sinh ra, chúng ta không có quyền được chọn
cha mẹ, giới tính, sắc tộc, … tất cả những điều đó đã được định sẵn mà không
tham khảo ý kiến của chúng ta. Điều này cũng có thể nói, tự do của chúng ta
cũng đã bị giới hạn trong một thế giới quan là vũ trụ này và nhân sinh quan
chính là bản thân của mỗi chúng ta.
Tuy
nhiên, dù chúng ta không được tham khảo trước những định hình mà chúng ta đã có
làm nên con người chúng ta. Nhưng chúng ta vẫn có thể có quyền tự do chọn làm
điều này điều kia, chấp nhận làm việc này hay việc kia… Đây chính là tự do mà Thánh
Phaolô nói đến trong thư gửi tín hữu Galát. Đứng trước vấn đề công chính hoá,
thánh nhân đã chỉ cho chúng ta rằng con người được nên công chính không phải bởi
những gì lề luật dạy, nhưng bởi tin vào Đức Kitô Giêsu. Cho nên, người tín hữu Kitô
có thể chọn tin vào Thiên Chúa và sống tự do làm con cái của Ngài chứ không chọn
sống theo lối sống của lề luật của người Dothái.
Đứng trước viễn cảnh này, đòi buộc chúng ta phải tự do chọn lựa giữa điều tốt trong muôn vàn điều xấu. Khi đã chọn lựa, chúng ta phải đánh đổi và đi ngược lại với dòng chảy của thế gian, đồng thời cần có trách nhiệm với những gì đã lựa chọn. Bởi hành vi của chúng ta là hành vi của một người trưởng thành, có ý chí và lý trí. Nhờ đó, chúng ta biểu lộ chính bản thân qua những hành động mà mình đã nắm phần chủ động để thực hiện.
THƯ
MỤC THAM KHẢO
1.
Thánh Kinh
Kinh Thánh Ấn Bản 2011. Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch
CGKPV. Hà Nội: Tôn Giáo, 2011.
Greek-English New Testament, Nestle-Aland, Deutsche Bibelgesellschaft, 2008.
Thánh Kinh. dịch giả Nguyễn Thế Thuấn, Dòng Chúa Cứu Thế. 1976.
2.
Tài liệu
huấn giáo
Công đồng Vatican II. Bản
dịch của UBGLĐT – HĐGMVN. Hà Nội: Tôn Giáo, 2012.
Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công
Giáo (1992). Bản dịch của UBGLĐT – HĐGMVN. Hà Nội: Tôn Giáo, 2010.
3.
Từ Điển
Từ điển Công giáo. Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin - HĐGMVN.
Hà Nội: Tôn giáo, 2016.
Từ Điển Tiếng Việt, Bs. Hoàng Phê và tgk.. Hà Nội: Đà
Nặng, 2009.
Điển Ngữ Thần Học Kinh Thánh, Bd. Phân khoa thần học Giáo Hoàng học viện Piô X, Hà Nội: Tôn Giáo,
2016.
4.
Sách
Phan Tấn
Thành. Nhân Sinh
Quan Kitô Giáo, Đời Sống Tâm Linh VIII. HCM: Phương
Đông, 2017.
Daniel J. Harrington S.J, Galátians, Sacra Pagina Series, Vol 9,
The Liturgical Press, Collegeville Minnesota, 2005.
Fx. Vũ Phan Long, Tím Hiểu Các Thư Của Thánh Phaolô, Hà
Nôi: Văn hóa thông tin, 2008.
Cardinal Albert Vanhoye and Peter
S. Williamson, Galátians, (the United States of America, 2019).
Norberto Nguyễn Văn Khanh, Thánh
Phaolô Cuộc Đời Và Tư Tưởng, Lưu hành nội bộ, 2008.
Maria Nguyễn Thị Kim Oanh, OP., Giáo Trình Các Thư Phaolô, Lưu hành nội
bộ, 2022.
Giuse Ngô Ngọc Khanh, Thư
Phaolô Văn Chương Và Nội Dung, lưu hành nội bộ, 2017.
5.
Tài liệu khác
Jurgen Blunk. “Khái niệm về tự do trong Kinh Thánh,” Thời Sự Thần
Học. Số 94. Năm 2021: 73-89
Không có tác giả. “Bài 39: Tự Do Của
Con Người” Giáo Phận Vĩnh Long. Truy cập ngày 25 tháng Mười, 2022. https://giaophanvinhlong.net/Bai-39-Tu-Do-Cua-Con-Nguoi.html
Bình Hoà. “Quan Niệm Về Tự Do Theo
Kinh Thánh.” Đại Chủng Viện Thánh Phanxicô Xaviê. Truy cập ngày 25 tháng
Mười, 2022. https://dcvphanxicoxavie.com/vn/Kinh-Thanh-Phung-Vu/Quan-Niem-Ve-Tu-Do-Theo-Kinh-Thanh.html
MỤC LỤC
DẪN NHẬP
CHƯƠNG I:
KHÁI NIỆM VỀ TỰ DO
1. Hạn từ “tự do”
2. Lịch sử hình thành và phát triển về khái niệm tự do.
3. Phân loại.
CHƯƠNG II:
TỰ DO TRONG KINH THÁNH
1. Tự do trong Cựu Ước.
2. Tự do trong Tân Ước.
3. Ý nghĩa tự do trong Kinh Thánh
3.1. Tự do chọn
lựa con người
3.2. Thiên
Chúa giải phóng
3.3. Trở nên
con cái Thiên Chúa trong tự do.
CHƯƠNG
III: TỰ DO TRONG THƯ GALÁT
1. Tổng quan về thư Galát.
1.1. Tác
giả
1.2. Thư
Galát
2. Tự do trong thư Galát
2.1. Đại hội
Công Đồng Giêrusalem (Gl 2,1-10)
2.2. Ơn công chính nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô (Gl
3,23-29)
2.3. Hai giao ước Haga và Xara (Gl 4,21-31)
2.4. Tự do
của người tín hữu (Gl 5,1-12)
2.5. Tự do
để sống theo lòng mến (Gl 5,13-15)
CHƯƠNG IV:
Ý NGHĨA TỰ DO TRONG THƯ GALÁT.
1. Ơn công chính hóa và tự do
2. Tự do khỏi luật cũ.
3. Trở nên con Thiên Chúa trong tự do.
KẾT LUẬN
[1]Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo. Bản dịch của Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin, HĐGMVN. (Hà Nội:
Tôn Giáo, 2010), số 1731
[4] Phan Tấn Thành, Đời Sống
Tâm Linh VIII – Nhân Sinh Quan Kitô Giáo, (HCM: Phương Đông, 2017), 156-167
[7] Phan Tấn Thành, Đời Sống
Tâm Linh VIII – Nhân Sinh Quan Kitô Giáo, (HCM: Phương Đông, 2017), 158
[12] L. Roy, “Giải phóng/ Tự do”, Điển
Ngữ Thần Học Thánh Kinh, Bd. Phân khoa thần học Giáo Hoàng học viện Piô X
(Hà Nội: Tôn Giáo, 2016), 488-496.
[21] Dẫn
nhập, Kinh Thánh ấn bản 2011, Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV, (Hà Nội:
Tôn Giáo, 2017), 2574-2576
[22] Giuse Ngô Ngọc Khanh, Thư Phaolô Văn Chương Và Nội Dung, (lưu
hành nội bộ, 2017), 175
[23] Maria Nguyễn Thị Kim Oanh, OP., Giáo Trình Các Thư Phaolô, (Lưu
hành nội bộ, 2022), 29
[24] Ibid., 31
[25] Ibid., 185
[26] Chú thích k và l, Kinh Thánh ấn bản 2011, Bản dịch
của Nhóm Phiên Dịch CGKPV, (Hà Nội: Tôn Giáo, 2017), tr. 2582
[27] Maria Nguyễn Thị Kim Oanh, OP., Giáo Trình Các Thư Phaolô, (Lưu
hành nội bộ, 2022), 35
[28] Cardinal Albert Vanhoye and Peter S. Williamson, Galátians,
(the United States of America, 2019), 128-129
[33] Cardinal Albert Vanhoye and Peter
S. Williamson, Galátians, (the United States of America, 2019), 172-173
[34] Không có tác giả, “Bài 39: Tự
Do Của Con Người” https://giaophanvinhlong.net/Bai-39-Tu-Do-Cua-Con-Nguoi.html
[37] Uy Ban Giáo Lý Đức Tin – Hội
Đồng Giám Mục Việt Nam, Từ Điển Công Giáo, (Hà Nội: Tôn Giáo, 2016), 169