PHỤC SINH LÀ BIẾN CỐ CỦA ĐỨC GIÊSU VÀ CŨNG LÀ BIẾN CỐ CỦA CÁC MÔN ĐỆ | Thư viện Học viện Công giáo Việt Nam

PHỤC SINH LÀ BIẾN CỐ CỦA ĐỨC GIÊSU VÀ CŨNG LÀ BIẾN CỐ CỦA CÁC MÔN ĐỆ


Piô Phan Văn Tình STL-K3

Khi bàn về sự Phục sinh, một vấn đề khá thời sự đang được đặt ra: “Phục sinh là biến cố của Đức Giêsu-Kitô hay biến cố của các môn đệ?” Nhìn từ nhiệm cục cứu độ, thì Phục sinh là biến cố của Đức Giêsu-Kitô, vì đó là sự can thiệp của Thiên Chúa để khẳng định con người và sứ vụ cứu thế của Ngài. Nhìn từ hiệu quả của việc Thiên Chúa thực hiện kế hoạch cứu độ trong lịch sử, thì Phục sinh là biến cố của các môn đệ, vì đó là kinh nghiệm đức tin độc đáo của những chứng nhân “được Thiên Chúa tuyển chọn từ trước” (Cv10,41), điều đó có nghĩa là chính Thiên Chúa làm chứng về Đấng Phục sinh qua các chứng nhân. Như vậy, Phục sinh là một biến cố duy nhất, không thể phân cách, đó là biến cố của Đức Giêsu và cũng là biến cố của các môn đệ.

1. Vấn đề thứ nhất lệ thuộc vào Nhiệm Cục Cứu Độ của Thiên Chúa trong biến cố Đức Kitô Giêsu cho con người. Thực chất của vấn đề này đã được sách Công vụ Tông đồ trả lời cách minh bạch rằng: “Chính Ðức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng. Ðức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Ðức Chúa và làm Ðấng Kitô” (Cv 2,32.36; 1Tx 1,10; Rm 4,24). Giáo lý Hội thánh Công giáo minh định: Phục sinh là biến cố của Đức Kitô Giêsu, vì là một sự can thiệp siêu việt của Thiên Chúa vào trong tạo dựng và lịch sử. Nơi biến cố Phục sinh, có sự can thiệp của Ba Ngôi. Sự Phục sinh được thể hiện bởi quyền năng của Chúa Cha, Đấng đã làm cho Đức Kitô, Con của Người sống lại. Chúa Cha đã đưa con người Đức Kitô với thân xác vào trong Ba Ngôi cách tuyệt hảo. Đức Kitô Giêsu được mạc khải cách dứt khoát là Con Thiên Chúa được quyền năng Thánh Thần Phục sinh từ cõi chết (x. Rm 1,4).[1] Còn Chúa Con cũng hoàn tất sự Phục sinh của mình bằng quyền năng thần linh. Ngài đã loan báo rằng Con Người sẽ phải đau khổ, phải chết và sống lại. Đàng khác, Ngài cũng đã minh định: “Tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại” (Ga 10,17-18). Chúng ta tin rằng Đức Kitô đã chết và sống lại thật (x. 1 Tx 4,14).[2]

2. Vấn đề thứ hai lệ thuộc vào kinh nghiệm gặp gỡ Đấng Phục sinh của các môn đệ. Theo nghĩa này, Phục sinh là biến cố của các môn đệ. Bởi vì một cách minh nhiên, các sách Tân Ước chứng minh về hai tình trạng hoàn toàn khác biệt của các môn đệ: trước khi Chúa Giêsu Phục sinh, họ được nhắc tới với tình trạng con người chẳng ra gì: nhát đảm, sợ sệt, phản bội, chối Thầy, bỏ Thầy, trốn trong các phòng kín[3], thế nhưng sau khi gặp gỡ Chúa Kitô Phục sinh, họ được ân sủng và lòng thương xót cảm hóa, được chính kinh nghiệm gặp gỡ ấy đổi đời hoàn toàn (Sách Công vụ Tông đồ ghi lại những kinh nghiệm đức tin của các ngài). Niềm hy vọng của họ được cứu sống.

3. Thần học gia Schillebeeckx còn đi xa hơn khi cho rằng Phục sinh là biến cố của chính các môn đệ. Việc Đức Giêsu có Phục sinh hay không, không quan trọng cho bằng chính kinh nghiệm được hoán cải của các môn đệ, kinh nghiệm chạm tới lòng thương xót của các ngài trong một tương quan hiện sinh với Đức Giêsu. Những gì được ghi lại về câu chuyện Phục sinh của Đức Giêsu trong các sách Tân Ước đều là kinh nghiệm Phục sinh thiêng liêng của các môn đệ[4]. Có thể nói vấn đề Schillebeeckx đặt ra đáp ứng thị hiếu của con người ngày nay về một thứ kinh nghiệm hiện sinh siêu việt: nhấn mạnh tương quan cá vị với Đức Giêsu, điều này có vẻ hợp lý. Tác giả Heinrich Paulus, trong cuốn “Cuộc đời Đức Giêsu” (1828) còn mạnh mẽ cho rằng sự kiện Đức Giêsu sống lại chỉ là màn kịch vụng về của nhóm phụ nữ và đám môn đệ thất học dựng nên. Về lập trường này, tác giả Moule đã đặt một dấu chấm hỏi khá độc đáo rằng: “Thật khó mà lý giải làm sao mà câu chuyện về sự phục sinh của Đức Giêsu lại được thêu dệt sau này, để phục vụ cho mục đích minh giáo, mà chủ yếu chỉ dựa trên những lời chứng của các người phụ nữ, vì theo quan niệm của người Do thái, lời chứng của phụ nữ không được công nhận là lời chứng đáng tin cậy và có giá trị pháp lý?”[5]

4. Đi cho tới tận cùng, dẫu cho có những tranh luận khác nhau thì việc tuyên tín vào Đức Giêsu phục sinh là nền tảng đức tin của Kitô giáo. Nếu phủ nhận sự kiện Phục sinh của Đức Giêsu cũng có nghĩa là phủ nhận toàn bộ nền tín lý Kitô giáo. Giáo lý Hội thánh Công giáo đã minh định: “Đức tin vào sự phục sinh có đối tượng là một biến cố, vừa được xác nhận theo lịch sử bằng lời chứng của các môn đệ, những người đã thật sự gặp Đấng Phục Sinh, đồng thời vừa có tính siêu việt một cách bí nhiệm, xét như là việc nhân tính của Đức Kitô tiến vào trong vinh quang của Thiên Chúa”[6]. Như vậy, “không thể giải thích rằng sự phục sinh của Đức Kitô nằm bên ngoài trật tự thể lý, và không thể không công nhận sự phục sinh đó có tính cách là một sự kiện lịch sử…Vì vậy, giả thuyết cho rằng sự Phục Sinh là ‘sản phẩm’ của lòng tin của các Tông Đồ, là không có cơ sở. Hoàn toàn trái lại, đức tin của các ông vào sự Phục Sinh phát xuất từ kinh nghiệm trực tiếp về thực tại Chúa Giêsu sống lại, dưới tác động của ân sủng của Thiên Chúa”[7].

THƯ MỤC

Durrwell, F.X. Đức Kitô Cuộc Vượt Qua Của Ta, Phục Sinh, Vai Trò Không Thể Thiếu Trong Ơn Cứu Độ Của Ta. Trans. Nguyễn Đức Thông. Biên Hòa: Đồng Nai, 2016.

Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo. Bản dịch Việt ngữ của HĐGMVN. Hà Nội: Tôn Giáo, 2011.

Kasper, Walter. The God of Jesus Christ. Matthew J. O’Connell (trans.). New York: Crossroad, 1984.

Kereszty, R.A. Đức Giêsu Kitô, Những Nguyên Tắc Căn Bản Của Kitô Học. Hà Nội: Tôn Giáo, 2014.

Kinh Thánh Cựu và Tân Ước. Bản dịch do Nhóm CGKPV. Hà Nội: Tôn Giáo, 2011.

Leon Dufour, Xavier. Resurrection and the message of Easter. New York: Holt, Rinehart and Winston, 1975.

Nguyễn Hai Tính. Giáo Trình Dẫn Nhập Kitô Học. Hà Nội: Tôn Giáo, 2021.

Nguyễn Văn Khanh. Cuộc Vượt Qua Của Đức Giêsu Kitô. 2012.

Ratzinger, Joseph. Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay. Lm. Athanasiô Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng Lam chuyển ngữ. Hà Nội: Tôn giáo, 2009.

---------------------. Đức Giêsu Thành Nazareth. Trans. Aug. Nguyễn Văn Trinh. Hà Nội: Tôn Giáo, 2011.

Rausch, Thomas P. Systematic Theology: A Roman Catholic Approach. Liturgical Press, 2016.

Schillebeeckx, Edward. Jesus: An Experiment in Christology. New York: Seabury Press, 1979.

---------------------------. Interim Report on the Books Jesus & Christ. New York: Crossroad, 1982.



[1] X. GLHTCG, số 648.

[2] X. GLHTCG, số 649.655; Trong tác phẩm “Resurrection and the message of Easter”, tác giả Xavier Leon Dufour đã dành một chương để quảng diễn sự Phục sinh của Đức Giêsu theo hai nghĩa chủ động và bị động: tức là Thiên Chúa làm cho Đức Giêsu Phục sinh và Đức Giêsu Phục sinh, x. Xavier Leon Dufour, Resurrection and the message of Easter, (New York: Holt, Rinehart and Winston, 1975), p. 5-22.

[3] X. Mt 26,56.69-75; Mc 14,50-52.66-72; 16,12-14; Lc 22,54-62; 24,8-11.37; Ga 20,19.

[4] X. Edward Schillebeeckx, Jesus: An Experiment in Christology. (New York: Seabury Press, 1979), p. 381; x. Edward Schillebeeckx, Interim Report on the Books Jesus & Christ (New York: Crossroad, 1982), p. 7; x. Thomas P. Rausch, Systematic Theology: A Roman Catholic Approach, (Liturgical Press, 2016), “chapter 4 - Jesus Christ: ‘The Resurrection’”, p. 69-89.

[5] Moule, the Significance of the Message of the Resurrection for Faith in Jesus Christ, 1968, p. 9.

[6] GLHTCG, số 656.

[7] GLHTCG, số 644.

Phục sinh của Chúa Giêsu

Labels:
Thư viện Học viện Công giáo Việt Nam