Phêrô Minh Minh
Dẫn nhập
Trong Kinh Tin Kính, chúng ta đọc trong mỗi Thánh Lễ ngày
Chúa Nhật và Thánh Lễ Trọng tuyên xưng: Hội thánh Duy nhất, Thánh thiện, Công
giáo và Tông truyền. Đây chính là bốn đặc tính của Hội Thánh đã được công đồng
Nice - Constantinople (+325) nêu lên, và sau này các Công đồng Ephêsô (+ 431),
Chalcedonia (+451), cũng như Vatican I nhắc lại. Chúng ta có thể dễ dàng trình
bày về ba đặc tính: Duy nhất là chỉ có
một Hội Thánh duy nhất và là Hội Thánh của Chúa Kitô, Công giáo nói đến Hội Thánh mang tính phổ quát, Tông
truyền mang đặc tính được lưu truyền bởi
các tông đồ và những thế hệ sau các tông đồ. Tuy nhiên, đặc tính Thánh
thiện của Hội Thánh luôn bị đặt vấn đề, bởi nhiều người chỉ nhìn thấy những tì
vết hay những “scandal” của những thành viên trong Giáo Hội.
Để hiểu rõ đặc tính Thánh thiện của Hội Thánh, chúng ta
cùng đi tìm hiểu các khía cạnh liên quan như: Ý niệm về thánh thiện? Cách thức
diễn tả sự thánh thiện của Hội Thánh? Và lời mời gọi sống sự thánh thiện của Hội
Thánh như thế nào?
1.
Ý niệm
thánh thiện
1.1 Ý nghĩa “thánh” trong Kinh Thánh
Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã mạc khải cho dân Israel
biết chính Người là Đấng Thánh, Đấng tách ra khỏi phàm tục “hãy nói với toàn
thể cộng đồng con cái Israel và bảo chúng: Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức
Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh.” (Lv 19,2) hay trong sách
Hôsê viết: “vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm. Ở giữa ngươi, Ta
là Đấng Thánh” (Hs 11,9). Như thế, sự “thánh thiện” của Thiên Chúa vượt xa
trí hiểu của con người. Sự thánh thiện của Thiên Chúa không bị giới hạn trong sự
tách biệt hay tính siêu việt mà còn được biểu lộ nơi lòng nhân, không chỉ là một
phẩm tính dành cho Người nhưng còn là chính Thiên Chúa.[1]
Khi nhắc đến “Thánh Thiện” là nhắc
tới những điều được tách ra khỏi thế tục để chỉ dành riêng cho Thiên Chúa, và
vì thế được tham dự vào đặc tính “thánh thiện” của Thiên Chúa[2]. Israel là dân thánh, vì
được Thiên Chúa chọn làm dân riêng của Người (x. Đnl 7, 6; 14, 2; Is 62, 12). Đền
thờ thánh (Tv 5, 8), vật dụng thánh (Xh 30, 29), …
“Thiên Chúa là Đấng Thánh” (Lv 9,12), Ngài không giữ
cho riêng mình mà chia sẻ cho thụ tạo của Người. Ngài thông chuyển sự thánh thiện
này cho muôn loài đã được dựng nên. Việc lưu truyền sự thánh thiện của Thiên
Chúa qua việc thánh hiến, tách rời người và vật ra khỏi thế giới phàm tục để
dành riêng cho Người. Thiên Chúa đã chọn dân Israel làm dân riêng, dân chuyên
lo việc tế tự phụng thờ Thiên Chúa. Trong dân riêng, chi tộc Lêvi được cắt cử
là chi tộc dành riêng để lo công việc nhà Chúa. Trong phụng tự, một số đồ vật
được thánh hiến để dùng tế tự.[3]
Như vậy, những gì thuộc về Thiên Chúa đều là thánh.
Trong Tân Ước, sự thánh thiện của Đức Giêsu được diễn
tả trong hành trình rao giảng của Người. Trong các trang Tin Mừng, Đức Giêsu được
tuyên xưng là Con Thiên Chúa “đây là Con yêu dấu của Ta” (Mt 17,5), và
là Đấng Thánh của Thiên Chúa, như trong diễn từ Bánh Hằng Sống, thánh Phêrô đã
đại diện các môn đệ thưa lên niềm tin: “thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết
đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con,
chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa”
(Ga 6, 68-69). Trong thư thứ nhất của thánh Gioan viết: “Phần anh em, anh em
nhận được dầu, do tự Đấng Thánh, và tất cả anh em đều được ơn hiểu biết”
(1Ga 2,20). Chứng kiến sự
thánh thiện và quyền năng của Đức Giêsu trước mẻ cá lạ, thánh Phêrô nói: “Lạy
Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi” (Lc 5,8). Với những người
Pha-ri-sêu, Đức Giê-su nói: “Ai trong các ông chứng minh được là tôi có tội?”
(Ga 8,46). Trong cuộc khổ nạn, sau khi Đức Giêsu trả lời câu hỏi của thượng
tế Cai-pha, một tên trong nhóm thuộc hạ của thượng tế đánh Đức Giêsu, thì Người
nói: “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải,
sao anh lại đánh tôi?” (Ga 18,23). Tuy nhiên, không chỉ các môn đệ hay những
ai lắng nghe và tin tưởng vào Đức Giêsu mới nhận ra sự thánh thiện của Người,
nhưng ma quỉ cũng nhận ra điều đó. Chẳng hạn, khi Đức Giêsu giảng dạy tại Ca-phác-na-um,
ngày Sa-bát, Người vào hội đường, có kẻ bị thần ô uế nhập la lên: “Ông Giêsu
Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết
ông là ai rồi: Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” (Mc 1,24). Chứng kiến cái
chết của Đức Giêsu và những sự kiện lạ lùng, viên đại đội trưởng và những người
canh giữ ngôi mộ của Đức Giêsu thốt lên: “Quả thật, ông này là Con Thiên
Chúa” (Mt 27,54). Như vậy, Kinh Thánh đã cho chúng ta thấy khá rõ và đầy đủ
về sự thánh thiện của Đức Giêsu. Đồng thời, sự thánh thiện của Đức Giêsu là sự
thánh thiện siêu việt và trổi vượt trên tất cả các hình thức thánh thiện của thụ
tạo: muôn vật hữu hình và vô hình đều nhận biết, kính sợ và thành khẩn tuyên
xưng.[4]
1.2
Ý
nghĩa “thánh thiện” của Hội Thánh
Trong thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã chọn dân
Israel là dân riêng và đã được Ngài thánh hóa. Sang Tân Ước, Thiên Chúa thiết lập
một giao ước với dân bằng máu của Người Con chí ái, quy tụ mọi người thành một
Dân riêng hoàn toàn thuộc về Ngài là Dân mới của Thiên Chúa, cũng là Dân Thánh
(1Pr 2,9-10). Dân Thánh này được Thiên Chúa mời gọi trở nên thánh thiện, đẹp lòng
Thiên Chúa: “Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ,
để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của
Người” (Ep 1,4). Thánh Phaolô mời gọi mọi người trở nên thánh thiện bằng những
việc làm cụ thể và xa lánh tội lỗi là những thứ gây thương tổn làm xa lánh
Thiên Chúa. Thánh Phêrô viết rằng: “Anh em hãy sống thánh thiện trong cách
ăn nết ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em, vì có lời Kinh Thánh chép:
Hãy sống thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh” (1 Pr 1,15-16).[5]
Như vậy, Thiên Chúa mời gọi mọi người Kitô hữu nên giống Thiên Chúa, vì ở trong
Người mới có sự thành thiện trọn hảo.
Hội Thánh là gia đình của những ai “được
gọi là thánh” (Rm 1, 7; 1Cr 1, 2), nghĩa là được Thiên Chúa làm cho nên
thánh. Do đó, đời sống thánh thiện không dành riêng cho cá nhân, hay tập thể
nào riêng biệt. Hiến chế Lumen Gentium viết: “Mọi Ki-tô hữu, dù ở địa vị
nào, bậc sống nào, đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự trọn lành thánh thiện như
Chúa Cha trọn lành, tùy theo con đường của mỗi người” (LG 11). Như thế, Công
Đồng Vatican II đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của thánh thiện theo bậc sống của
mình và kêu gọi mọi người không ngừng hoán cải để trở nên thánh thiện mỗi ngày
theo mẫu gương thánh thiện trọn hảo là Đức Giêsu.[6]
Đức Kitô đã chọn Hội Thánh là hiền thê của
Người “xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố,
không vết nhăn, hoặc bất cứ khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền”
(Ep 5, 27). Cho nên, con người phải không ngừng trở về với chính mình và với
Thiên Chúa, vì trong mỗi người mang dấu vết của sự yếu đuối, luôn nghiêng về sự
dữ, nhưng phải không ngừng biến đổi để nhận diện căn tính của mình cách rõ ràng
hơn và luôn qui hướng về Thiên Chúa là Đấng Thánh duy nhất. Con người trở nên
thánh thiện nhờ đời sống hòa hợp giữa tâm hồn không ngừng hoán cải và ân sủng
nhưng không của Thiên Chúa. Nói cách khác, con người trở nên thánh thiện khi
chân thành đáp lại ân sủng của Thiên Chúa bằng trái tim không ngừng hoán cải của
mình.[7]
Do đó, Hội Thánh Thánh thiện vì được tham
dự vào sự thánh thiện của Chúa Kitô, như lời mời gọi của thánh Phaolô: “ý muốn
của Thiên Chúa là anh em trở nên thánh” (Ep 1,4) (LG 39)
2.
Cách
thức diễn tả sự thánh thiện của Hội Thánh
Thiên Chúa là Đấng
Thánh, ai liên kết với Thiên Chúa thì được thông phần sự thánh thiện của Người.
Giáo Hội là thánh vì Giáo Hội hằng liên kết với Chúa Kitô, mà những gì liên
quan tới Chúa Kitô đều có sức thánh hóa và đưa đến nguồn mạch sự thánh thiện.
2.1
Sự
thánh thiện trong khía cạnh nội tại và ngoại tại.
Trong khía cạnh nội tại, Giáo Hội là thánh do được
cơ cấu từ những yếu tố cấu thành Giáo Hội là thánh, vì ý định của Chúa Cha muốn
dành cho cơ cấu này một vai trò đặc thù ở trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa,
là thánh và đây là nguồn phát sinh của Giáo Hội; Đức Kitô, Đấng sáng lập Giáo Hội
là thánh; Chúa Thánh Thần, Đấng truyền sức sinh động cho Giáo Hội là thánh;
Thiên Chúa đặt kho tàng mạc khải của Người, tức là Lời Chúa, nhắm tới đức tin,
tức là đáp ứng của con người. Đức Kitô đã phác họa cho Giáo Hội những công cụ
thánh hóa là các bí tích; và Chúa Thánh Thần hằng ban xuống trên Giáo Hội tràn
đầy những đoàn sủng và những thừa tác vụ.[8]
Trong khía cạnh ngoại tại, Giáo
Hội là thánh, vì được hình thành từ những thành viên là thánh. Con người trở
nên chi thể Giáo Hội với bí tích Thánh Tẩy, tức là việc thánh hóa các tội nhân
và hiến thánh làm cho họ trở thành “tư tế vương giả” (LG 10). Hơn nữa, mọi Kitô
hữu được thông phần vào chức năng thánh hóa của vị thượng tế: những người lãnh
nhận phép rửa, nhờ ơn tái sinh và nhờ Thánh Thần xức dầu, được thánh hiến để trở
thành “nhà tạm” thiêng liêng và chức tư tế thánh, hầu qua mọi hoạt động của con
người Kitô, hiến dâng lễ vật thiêng liêng cùng rao truyền những kỳ công của
Chúa.[9]
Chân lý đức tin và lề luật mà Giáo Hội bảo vệ và rao
giảng chính là đạo lý của Chúa Kitô, là lề luật thánh. Giáo Hội vẫn tiếp tục sứ
mệnh cứu độ của Chúa Kitô qua sứ vụ loan báo Tin Mừng Cứu Độ. Ngoài ra, huấn
quyền của Giáo Hội có chức năng dạy dỗ những chân lý của đức tin, những giáo lý
tinh tuyền, những nguyên tắc luân lý phải theo cũng như giải thích Kinh Thánh
và mặc khải của Chúa về những gì người tín hữu phải tin và thực hành để nên
thánh.[10]
Hội Thánh được giao cho “đầy đủ các phương tiện cứu
độ”, trong Hội Thánh “chúng ta đạt đến sự thánh thiện nhờ ân sủng của Thiên
Chúa”. Các phương thế giúp người tín hữu nên thánh là Lời Chúa, các Bí tích và
Phụng vụ… tất cả đều có năng lực thánh hóa[11]. Giáo Hội hiến tặng cho tất
cả chúng ta khả năng theo đuổi con đường nên thánh, đưa chúng ta đến gặp gỡ Chúa
Giêsu Kitô trong các Bí tích, đặc biệt trong việc xưng tội và trong bí tích
Thánh Thể; chuyển thông Lời Chúa cho chúng ta, đưa chúng ta vào trong tình yêu
của Thiên Chúa và hướng đến tất cả mọi người. Do đó, Giáo Hội luôn luôn thắng
thế tội ác vì ơn tha thứ luôn luôn sẵn có. Công Đồng cũng không ngần ngại tuyên
tín cách không thể sai lầm rằng đây là “Giáo Hội thánh thiện” (LG 39)
và “tất cả các Kitô hữu, bất cứ theo bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi
tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô giáo và đến sự trọn lành của đức ái” (LG
40). Cho nên, không phải vì không thể phạm tội nhưng ơn tha tội, ơn thống hối
ban cho những người có tội một cách dồi dào và hữu hiệu. Sự thánh thiện này được
phát xuất từ máu rất thánh của Đức Kitô, và Giáo Hội không ngừng cử hành hy tế
của Ngài. Hơn nữa, Đức Kitô và hiền thê của Ngài không thể nào mà không khăng
khít với nhau, và sau cùng vì “Thần Khí của thánh thiện” (Rm 1,4) hằng ở
cùng và hằng tác động trong Giáo Hội. Nguồn mạch của sự thánh thiện hiện sinh là
lời hứa của Chúa: “quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18) và “Thầy
ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).[12]
2.2
Sự thánh thiện trong chiều kích cánh chung
Hội Thánh thánh thiện tự bản chất vì được Đức Kitô thiết
lập và Ngài không ngừng nâng đỡ Giáo Hội thành một cộng đoàn đầy niềm tin, cậy,
mến. Do đó, trong dòng lịch sử Giáo Hội
được đan xen bởi ánh sáng và bóng tối. Nếu Giáo Hội vẻ vang vì đã có những con
người thánh thiện, góp phần làm thay đổi thế giới, thì Giáo Hội cũng bị lu mờ
vì đã có nhiều lầm lỗi do con cái mình gây nên. Giáo Hội cũng thấy rõ bổn phận
của mình là phải sám hối và thanh tẩy, vì ôm ấp những tội nhân trong lòng, nên
vừa thánh thiện vừa phải luôn thanh tẩy mình. Do đó, Giáo Hội luôn thực hiện việc
sám hối và canh tân.[13] Đồng thời, ơn cứu chuộc của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi
người cho nên Người cũng “ôm ấp vào trong lòng mình cả những người tội lỗi” nên
Hội Thánh vừa thánh thiện, vừa phải không ngừng thanh luyện chính mình. (LG 8)
Cho nên, sự thánh thiện của mỗi người là vũ khí để đạt đến
niềm hạnh phúc trong cánh chung. Đời sống Kitô hữu luôn phải thánh hoá bản thân
bằng việc làm cho con người cũ trở nên con người mới, đất cũ trở nên đất mới, tạo
vật cũ trở nên tạo vật mới, và chỉ kết thúc khi được về với Chúa.[14]
Để khích lệ các tín hữu nỗ lực sống đời thánh thiện, Giáo
Hội đã tuyên dương những vị chứng nhân trong Giáo Hội, nhìn nhận quyền năng của
Chúa Thánh Thần đang ngự trong lòng Giáo Hội. Đồng thời, Giáo Hội cũng nâng đỡ
niềm hy vọng của các tín hữu khi đưa các thánh làm gương mẫu và làm người chuyển
cầu cho họ. Trong những hoàn cảnh khó khăn nhất suốt dòng lịch sử Hội Thánh,
các Thánh nam nữ luôn là nguồn mạch và là khởi điểm của sự canh tân. Quả thật,
sự thánh thiện của Hội Thánh là nguồn mạch bí ẩn và là thước đo không thể sai lầm
của hoạt động tông đồ và nhiệt tình truyền giáo của Hội Thánh[15]. Đặc biệt, Giáo Hội đã giới thiệu Đức Maria là mẫu gương
của sự thánh thiện cho mọi người noi theo, thành quả của ơn cứu độ của Thiên
Chúa. Thực vậy, khi Hội Thánh đã đạt tới sự trọn hảo không tì ố, không vết
nhăn, nơi Đức Trinh Nữ diễm phúc, thì các Kitô hữu vẫn còn phải cố gắng để chiến
thắng tội lỗi mà tiến tới trong sự thánh thiện; vì vậy họ ngước mắt nhìn lên Mẹ
Maria để bước tới, nơi Mẹ, Hội Thánh đã hoàn toàn thánh thiện[16].
3.
Lời mời gọi sống sự thánh thiện của Hội Thánh
Giáo Hội được phát triển nhờ những hoa trái thánh thiện nơi chính con cái mình. Sự thánh thiện được thể hiện trong đời sống cầu nguyện, thực thi lời Chúa dạy và làm tất cả vì tình yêu Chúa. Một đời sống hạnh phúc thật sự với Chúa sẽ chiếu tỏa hương thơm thánh thiện cho mọi người, và đó chính là sức thu hút mãnh liệt đang tiềm ẩn trong lòng Giáo Hội, là một Giáo Hội thánh thiện của Thiên Chúa. Mỗi chúng ta ở trong các thành phần của Giáo Hội đều có bổn phận xây dựng và phát triển Giáo Hội ngày càng thánh thiện hơn bằng chính việc sống ơn gọi nên thánh của mình.
3.1
Các
thành phần trong Hội Thánh.
Đối với
hàng giáo sĩ là những chủ chăn của đoàn chiên Chúa Kitô, nên phải là những người
đầu tiên chu toàn sứ vụ của mình một cách thánh thiện và hăng say, khiêm tốn và
can đảm, noi gương vị Thượng Tế Vĩnh Cửu là mục tử và là Đấng chăn giữ các linh
hồn. Như thế, các ngài sẽ tìm thấy nơi thừa tác vụ mình một phương thế tuyệt diệu
để thánh hóa. Ðược chọn để lãnh nhận chức thánh, các ngài hưởng nhờ ơn bí tích
để thi hành nhiệm vụ bác ái cao cả của vị chủ chăn, trong lời cầu nguyện, bằng
việc hy sinh, giảng dạy và bằng mọi hình thức chăm sóc và phục vụ khác thuộc bổn
phận; các ngài đừng ngại hy sinh mạng sống vì con chiên và trở nên mẫu mực cho
đoàn chiên (1P 5,3). Sau cùng, các ngài làm cho Giáo Hội ngày càng thánh thiện
hơn bằng gương lành của các ngài.[17]
Giáo dân
cũng được kêu mời được nên thánh và nên trọn lành theo bậc sống của mình. Bằng
cách học hỏi theo con đường Đức Giêsu, là con đường thánh thiện “vậy các con hãy trở nên trọn lành như Cha
các con ở trên trời” (Mt
5,48). Tuy nhiên, theo con đường thánh thiện này sẽ không tránh khỏi những
chông gai cạm bẫy của bóng tối sự dữ và những bão táp. Nhưng với ơn thiêng của
Chúa Thánh Thần, chúng ta có đủ khả năng để chống trả vượt qua, kiên định trên
con đường “Thánh”. Hoa trái của sự thánh thiện làm gia tăng niềm tin, tình yêu
thương, niềm hy vọng vào Thiên Chúa. Đồng thời, đây cũng là con đường dẫn ta tới
niềm hạnh phúc viên mãn mà Đấng Tình Yêu đang chờ đón.[18]
3.2
Đời sống
thánh hiến: biểu lộ sự thánh thiện của Hội Thánh.
Công đồng
Vatican II viết rằng: “Bậc sống tu trì bắt chước cách chính xác hơn và thực
hiện liên tục trong Giáo Hội nếp sống mà Con Thiên Chúa đã chấp nhận khi Người
xuống thế để thi hành thánh ý Chúa Cha và cũng là nếp sống mà Người đã đề ra
cho các môn đệ theo Người” (LG, 44). Như vậy, nhờ tự nguyện tuyên khấn và sống
ba lời khuyên Phúc Âm: khó nghèo, khiết tịnh, vâng lời, là một ân huệ của Thiên
Chúa và cũng được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô một cách rõ rệt và
trọn hảo hơn, là cách sống mà Chúa Kitô đã chọn để sống trên trần gian. Đó là
con đường đặc biệt đưa đến sự thánh thiện. Sự thánh thiện của tu sĩ khi sống ba
lời khuyên Phúc Âm có vai trò quan trọng cho đời sống thánh thiện của Giáo hội
và trong sứ vụ truyền giáo. Giáo hội có nhiệm vụ loan báo Đức Kitô cho nhân loại,
không phải chỉ thông truyền những lời giảng của Ngài mà thôi nhưng còn phải
thông truyền cả nếp sống của Ngài nữa. Khi xét sứ mạng của Giáo Hội là phải biểu
lộ sự thánh thiện, thì với cái nhìn khách quan, đời thánh hiến đứng ở một bình
diện ưu việt, bởi vì phản ánh chính lối sống của Ðức Kitô. Chính vì thế, đời
thánh hiến biểu lộ phong phú những giá trị của Tin Mừng và làm sáng tỏ trọn vẹn
hơn mục tiêu của Giáo Hội là thánh hoá nhân loại. Ðời thánh hiến loan báo và ra
như sống trước thời mai hậu, thời mà Nước Trời đang hiện diện ở dạng mầm mống
và trong mầu nhiệm, sẽ đạt mức viên mãn; thời mà các con cái của sự phục sinh sẽ
không cưới vợ lấy chồng nữa, nhưng sẽ nên như các thiên thần của Thiên Chúa (x.
Mt 22,30).[19]
Kết
luận
Như vậy,
sau khi tìm hiểu về đặc tính Thánh thiện của Giáo Hội giúp bản thân khám phá lại
bản chất và vẻ đẹp thánh thiêng của Giáo Hội, vì có Chúa Kitô là đầu, Giáo Hội
là thân mình, và mỗi người là chi thể của Người. Cho nên, mỗi người cần khám
phá vẻ đẹp của Giáo Hội từ chính bản thân là không ngừng hoàn thiện. Đồng thời,
Tất cả mọi Kitô hữu, những người được Chúa chọn gọi sống trong lòng Giáo Hội cần
ý thức ơn gọi chứng nhân của mình, nỗ lực tiến tới sự hoàn thiện trong từng
ngày, để Giáo Hội được phát triển bằng chính sự hấp dẫn của những con người
thánh thiện, một vẻ đẹp muôn đời có sức hấp dẫn nhân loại. Trong lịch sử truyền
giáo của Giáo Hội, biết bao những vị thánh có sức thu hút mãnh liệt bởi đời sống
hoàn thiện, làm nảy sinh những hạt giống đức tin khắp mọi nơi.
Trong
đời sống thánh hiến cần củng cố và nâng cao ý thức thuộc về một Dân Thánh, đồng
thời canh tân đời sống đức tin trong đời sống và sứ vụ để Thiên Chúa được diễn
tả cách rõ nét trên mỗi khuôn mặt của người tu sĩ có Chúa Kitô và truyền thông
Tin Mừng và nếp sống của Chúa cho mọi người.
Tài liệu tham khảo
1. Felipe Gómez, SJ. Giáo Hội Học toàn tập - Thần học
tín lý 3&4, dịch giả: Nguyễn Văn Lộc – Phạm
Văn Tú, SJ., lưu hành nội bộ, 2017.
2. D.P
Wright., Holiness” (OT) trong Anchor Bible Dictionary, III (1992)
3. HDGMVN,
Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Công Đồng Vaticano II, Hà Nội: Tôn giáo, 2012
4. Nhóm
Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Kinh Thánh 2011, Hà Nội: Tôn giáo,
2017.
5. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/duc-giesu-kito-duong-thanh-thien-40384
6. http://daminhvn.net/chuyen-de/su-thanh-thien-trong-kinh-thanh-20452.html
[1]
http://daminhvn.net/chuyen-de/su-thanh-thien-trong-kinh-thanh-20452.html
[2] D.P Wright., “Holiness” (OT) trong Anchor Bible
Dictionary, III (1992), 237-249.
[3]
http://daminhvn.net/chuyen-de/su-thanh-thien-trong-kinh-thanh-20452.html
[4] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/duc-giesu-kito-duong-thanh-thien-40384
[5]
https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/duc-giesu-kito-duong-thanh-thien-40384
[6]
https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/duc-giesu-kito-duong-thanh-thien-40384
[7]
https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/duc-giesu-kito-duong-thanh-thien-40384
[8] Felipe Gómez, SJ. Giáo Hội Học toàn tập - Thần học tín
lý 3&4, Tr. 211
[9] Felipe Gómez, SJ. Giáo
Hội Học toàn tập - Thần học tín lý 3&4, 212
[10] https://mancoichihoavn.com/giao-hoi-ve-dep-su-thanh-thien/
[11] GLHTCG 824; x. Mt 7,6; Ga 17,17;
1Tm 4,5
[12] Felipe Gómez, SJ. Giáo Hội Học
toàn tập - Thần học tín lý 3&4, 212-213
[13] GLHTCG, 825
[14] Felipe Gómez, SJ. Giáo
Hội Học toàn tập - Thần học tín lý 3&4, 213
[15] GLHTCG 828
[16] LG 65
[17] Lumen Gentium số 41
[18]
https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/duc-giesu-kito-duong-thanh-thien-40384
[19]
https://gphaiphong.org/tu-si/vai-tro-cua-su-hien-dien-va-su-vu-cua-tu-si-trong-cong-doan-giao-xu-tgp-ha-noi-8529.html