PHẨM CHẤT CON NGƯỜI VÀ ƠN GỌI CỦA ĐAVÍT TRONG SÁCH 1, 2 SAMUEL | Thư viện Học viện Công giáo Việt Nam

PHẨM CHẤT CON NGƯỜI VÀ ƠN GỌI CỦA ĐAVÍT TRONG SÁCH 1, 2 SAMUEL



Maria Cao Thị Oanh STB-K3 

I. Dẫn nhập

        Ơn gọi và cuộc đời của mỗi người là một huyền nhiệm. Nó khởi nguồn từ Thiên Chúa, và được thực hiện nơi những con người cụ thể. Đọc lại lịch sử Thánh Kinh, ta thấy Thiên Chúa chọn gọi mỗi người mỗi cách, rất cá vị và độc đáo: với Abraham, Chúa gọi ông lên đường, ông đã phó thác và tin vào Chúa. Ông được gọi là tổ phụ của những người tin Chúa (x. Xh 12,1-5). Với Môisê, Chúa gọi ông khi ông đi chăn cừu, để làm người lãnh đạo Dân Do Thái thoát ách nô lệ Ai Cập tiến về Đất Hứa (x. Xh 3,1-12). Còn với các môn đệ đầu tiên: Simon, Gioan… là những người quê mùa, chất phác, nhưng Chúa biến đổi thành những ngư phủ lưới người (x. Mc 1,16-20), cách riêng là với ơn gọi của vua Đavít:“Đức Chúa đã tìm cho mình một kẻ như lòng Ngài mong muốn, và Đức Chúa đã đặt kẻ ấy làm người lãnh đạo dân Ngài” (1Sm 13,14). Thật vậy, Thiên Chúa chọn và gọi không phải họ tài giỏi nhưng vì họ là những người đã sống “như lòng Ngài mong muốn”. Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua con người và ơn gọi của vua Đavít. Vậy, đâu là những đặc tính làm hài lòng Thiên Chúa nơi Đavít? Bài viết này, người viết xin trình bày ngắn gọn những hình ảnh đẹp nơi con người vua Đavít đã làm hài lòng Thiên Chúa trong trình thuật 1,2 Samuel.

II. Nội dung

1.     Bối cảnh của Israel khi chuyển trao chế độ

        Sách Samuel cho biết con cái Israel thời bấy giờ chạy theo các thần ngoại bang và chịu ách thống trị của người Philitin, đó là một nỗi nhục lớn cho một dân tộc được gọi là dân riêng của Thiên Chúa vì họ không đi theo đường lối của Ngài (1Sm 7,2-17). Từ sự ô nhục này, dân đã thảm thiết kêu cầu Thiên Chúa ban cho họ một vị lãnh đạo để dẫn dắt và giải thoát dân tộc khỏi ngoại bang, đây là một sai lầm lớn của dân vì họ đã từ chối một Thiên Chúa quyền năng đã dẫn dắt, bảo vệ, chăm sóc và hướng dẫn họ. Để đáp lại yêu cầu của dân, Thiên Chúa tỏ lòng xót thương đã chấp nhận, nhưng Thiên Chúa sẽ cho họ thấy kế hoạch của Ngài trái ngược với những gì lòng họ ước mong. Vì thế một trang sử mới được mở ra, chế độ quân chủ thay thế cho thời kỳ thẩm phán.

2.     Khái lược đôi nét về cuộc đời Đavít

        Đavít/[1]דוד (1035 - 970 tr.CN) tiếng Do Thái có nghĩa là “người được yêu mến”. Đavít là con út trong tám người con của Iessê, thuộc chi tộc Giuđa.[2] Ông là vị vua thứ hai của Israel sau thời vua Saul. Đavít không chỉ đẹp về ngoại hình mà còn đẹp về nội tâm. Ông là vị vua tài ba, tốt lành, biết tin tưởng và dám lãnh trách nhiệm, sẵn sàng nhận lỗi lầm và hết lòng kính sợ Thiên Chúa.[3]

        Trong trình thuật 1,2 Samuel, chúng ta biết Đavít được Thiên Chúa tuyển chọn, được ngôn sứ Samuel xức dầu tấn phong cách trực tiếp và công khai (1Sm 16,12b-13). Từ đây, danh tính của Đavít bắt đầu bước vào lịch sử của dân Do Thái. Sự xuất hiện của Đavít cũng đồng nghĩa với việc rút lui của Saul.[4] Từ một người chăn chiên không danh tiếng, không địa vị đã được Thiên Chúa chọn gọi làm người lãnh đạo và chăn dắt cả một dân tộc. Thật vậy, Thiên Chúa chọn người lãnh đạo Israel không theo tiêu chuẩn trần thế nhưng theo tiêu chuẩn của Ngài[5], “những gì thế gian cho là yếu kém thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh” (1Cr 1,27) nhằm thể hiện quyền năng của Ngài. Qua đó, ta thấy Đavít được Thiên Chúa chọn gọi không theo sắc vẻ bên ngoài, nhưng chỉ vì nơi ông chất chứa những phẩm chất tốt lành như lòng Ngài muốn: “Người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng” (1Sm 16,7).

3.      Những đặc tính làm hài lòng Thiên Chúa nơi con người Đavít

        Trong sách Samuel, dung mạo Đavít xuất hiện với nhiều phẩm chất cao quý, tốt lành. Trong các Thánh vịnh, Đavít như biểu tượng tình yêu của Thiên Chúa đối với Israel[6] mặc dù vẫn còn đó nơi ông sự bất toàn, khiếm khuyết, yếu đuối và đầy tội lỗi. Vẻ đẹp nội tâm và phong thái tốt lành của Đavít được tỏ lộ ngay trong chính con người và cuộc đời của ông.

3.1.                    Đavít – con người của lòng kính sợ, vâng phục thánh ý Thiên Chúa

        Kính sợ Thiên Chúa, đây là điểm nổi bật nhất nơi con người Đavít vì “kính sợ Đức Chúa là bước đầu của khôn ngoan” (Kn 9,10). Khác với Saul luôn bất tuân trước mệnh lệnh của Thiên Chúa (1Sm 13,11-12; 1Sm 28,35), nơi Đavít ta bắt gặp một thái độ tùng phục, một tấm lòng thành kính đối với Thiên Chúa. Thật vậy, đứng trước mọi nghịch cảnh, mọi biến cố, mọi trận chiến và cả những hoạch định trong đời mình, Đavít luôn thỉnh ý, bàn hỏi và tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa (1Sm 23,1-28; 2Sm 1,1). Và Thiên Chúa đã đoái thương, dẫn đường chỉ lối cho ông. Qua đó, Đavít nhận ra tấm lòng yêu thương của Thiên Chúa trong cuộc đời mình (2 Sm 5,12). Hơn nữa, qua hành động vâng phục của Đavít cho chúng ta thấy Thiên Chúa cần những tấm lòng khiêm cung và sẵn sàng để Người hướng dẫn hơn là những hy lễ. “Này, vâng phục thì tốt hơn là dâng hy lễ, lắng nghe thì tốt hơn là dâng mỡ cừu” (1Sm 15, 22; Mt 12,7; Lc 11,28). Quả thật, sự bất tuân và kiêu ngạo sẽ không có chỗ đứng trong chương trình của Ngài.[7]

3.2.                    Đavít – con người của niềm tin và cầu nguyện

        Cốt tủy vàng son duy nhất dọc dài suốt cuộc đời Đavít đó là việc cầu nguyện, thái độ đặt trọn niềm tin tưởng, phó thác nơi Chúa, dám để thánh ý Thiên Chúa hành động trên cuộc đời mình (1Sm 17,37.45-47; 2Sm 2,1-7). Do đó, Đavít luôn tìm được sức mạnh nơi Chúa. Vì Thiên Chúa ở với Đavít nên Đavít đã thành công trong mọi công việc của mình (1Sm 16,18), trong cuộc đấu chống lại Gôliát (1Sm 7,45), trong các trận chiến mà Saul sai đi (1Sm 18,14) và trong các trận chiến mà Đavít chỉ huy để giải phóng Israel: “Đavít đi đến đâu, Thiên Chúa cho ông thắng đến đó” (2 Sm 8,14). Nếu Saul là người thiếu kiên nhẫn, thiếu lòng tin vào Thiên Chúa, luôn tự làm theo ý mình (1Sm 13,7b-15), thường phủ nhận sự hiện diện của Ngài (1Sm 15,15.21), lạm dụng và loại bỏ Thiên Chúa để “quy tôi” trong sự tìm kiếm vinh quang, thì khuôn mặt Đavít lại trở nên tươi sáng cho một niềm tin kiên định, một đời sống cầu nguyện liên lỉ vào Thiên Chúa (1Sm 30,6). Với Đavít, ông luôn để cho Thiên Chúa quyết định chứ không tự làm theo ý mình. Vì thế, Đavít luôn được Thiên Chúa chúc phúc (1Sm 18,12), bảo vệ, hướng dẫn hành trình đời ông (1Sm 17,26.37).

3.3.                    Đavít – một con người có trách nhiệm, không bào chữa

        Phẩm chất của Đavít càng được tỏ lộ khi ông sống có trách nhiệm, dám lãnh trách nhiệm. Đavít là người sống đầy tình Chúa và tình người, ông trung tín trong những việc nhỏ, đã sống chết để bảo vệ đàn vật của mình (1Sm 17,34-36). Trong những lần lâm nguy, ông vẫn luôn có trách nhiệm, lo lắng, bảo vệ những người giúp đỡ mình được bình an (1Sm 22,22-23). Ngoài ra, Đavít còn sống có trách nhiệm qua việc ông giữ lời hứa với Gionatan (2Sm 9,1), với Abigail (1Sm 25,39), ông biệt đãi tốt đối với những người đã giúp đỡ mình, sống có tình có nghĩa với mọi người (2Sm 1,11-12.17; 2Sm 3,31-35). Ông cho cải tang Saul và Giônthan cũng như cho an táng những người con cháu Saul phải đền nợ máu. Hay khi đứng trước cái chết của Gionatan, Abner, hay chính con trai mình… Đavít đã gào khóc, thảm thiết ca vãn, xé áo, ăn chay. Thật vậy, vua Đavít càng trung nghĩa, hiếu thuận, nghĩa tình trước thiên nhan Chúa bao nhiêu, thì Saul lại trở nên mờ nhạt bấy nhiêu. Saul ích kỷ, gian trá, hay phỉnh gạt Đavít, chỉ biết nghĩ cho mình và sống vô trách nhiệm (1Sm 14,24). Trước những khó khăn, thất thế, Saul luôn luôn đổ lỗi cho người khác (1Sm 15,15.21), thậm chí dùng người khác như là công cụ để phục vụ cho mưu đồ chính trị. Để bảo vệ ngai vàng, Saul sẵn sàng triệt hạ những “kỳ đà” cản lối ông ta (1Sm 22,12-19).

3.4.                    Đavít – con người của khiêm nhường và sẵn sàng nhận lỗi

        Mặc dù Đavít là con người hoàn hảo, tốt lành và can đảm (1Sm 17,32), công chính và thanh liêm (1Sm 24,1-23), khôn ngoan và bén nhạy (1Sm 18,11;19,10). Nhưng bên cạnh đó cũng đã không ít lần ông lạc xa thánh ý Thiên Chúa.[8] Có lúc, Đavít tôn thờ Thiên Chúa một cách thực dụng để lấp đầy tham vọng chính trị (2Sm 6,9.12). Đỉnh điểm của sự sa ngã là câu chuyện ngoại tình với Bathsheba và giết Uriah (2Sm 11,1-27). Chính hành động bất chính này của Đavít, đã làm trái mắt Đức Chúa. Mặc dầu vậy, Đavít không ở lì trong tội. Khi nghe Tiên Tri Nathan nói cho biết lỗi lầm của mình, Đavít không quanh co, không đổ lỗi, nhưng rất thành tâm, khiêm tốn thú nhận tội: “Tôi đắc tội với Chúa” (2Sm 12,13); “Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm. Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt Ngài” (Tv 50,5-6).

        Đavít không hề hoàn hảo, nhưng chính thái độ chân thành, khiêm tốn, mau mắn nhận lỗi mà ông được Thiên Chúa thứ tha. Chúa đón nhận, dạy dỗ và huấn luyện Đavít một cách tiệm tiến. Chúa thương Đavít không bằng sự yêu chiều, dung túng nhưng Ngài sẵn sàng sửa dạy, uốn nắn, đánh phạt vì tội của ông. Chính vì tội lỗi mà Đavít đã phạm kéo theo một loạt những hậu quả: Đứa con với Bátseva phải chết (2Sm 12,12-14), Amnôn loạn luân với Tama, huynh đệ tương tàn giữa Ápsalôm và Amnôn, Ápsalôm cưỡng ngôi cha…trong tất cả những điều đó Đavít không dám trách Chúa, bởi ông ý thức tội lỗi của chính mình. Cũng vì thế mà Chúa thương Đavít và tình thương đó càng trở nên cao đẹp, tuyệt vời hơn khi Ngài hứa sẽ ban cho Đavít một vương triều vững bền.

III. Bài học được rút ra từ chân dung của Vua Đavít

        Hành trình ơn gọi của Đavít tựa như tấm gương để chúng ta soi vào. Là những người được Thiên Chúa “tuyển chọn, hiến thánh và yêu thương” (Cl 3,12), chúng ta được mời gọi cần phải có những phẩm tính tốt lành như Đavít. Sự tín trung, vâng phục, tín thác vào Thiên Chúa; sự can đảm dám nhận lãnh trách nhiệm về việc mình làm; sự khiêm nhường biết mình, chân thành cúi xuống nhìn vào những yếu đuối, lỗi tội, sẽ giúp ta luôn bước đi cách vững vàng trong đường lối của Thiên Chúa. Thế nhưng, để lối sống có tình có nghĩa của Đavít ăn sâu trong cuộc đời chúng ta thật không dễ thực hiện. Thật vậy, thiết lập và xây dựng một lối sống nhẹ nhàng thanh thoát giữa một thế giới đam mê bạc tiền; một cuộc sống chân thật, trung tín, thanh liêm giữa một xã hội đầy lọc lừa dối trá; một lối sống khiêm nhường, dám nhận lãnh trách nhiệm, dám sẻ chia yêu thương và hy vọng giữa một thế giới đầy thù hận, dửng dưng, vô cảm là điều rất cần thiết cho tất cả mọi người. Bên cạnh đó, bài học về sự sa ngã của Đavít như một tiếng chuông thức tỉnh người viết: Nếu có vấp ngã hay phạm lỗi, thì can đảm đứng lên, nhận lỗi và xin lỗi Chúa cùng những người mà mình đã làm họ tổn thương, vì “một tấm lòng tan nát dày vò, Chúa sẽ chẳng khinh chê”. (Tv 50,19).

IV. Kết luận

        Nhìn vào Đavít, nghĩ về Đavít. Thánh thiện và tội lỗi, bị bách hại và bách hại, nạn nhân và sát nhân, những gì là phản khắc. Nhưng trên hết, cốt tủy vàng son duy nhất dọc suốt cuộc đời của Đavít đó là việc cầu nguyện, thái độ đặt trọn niềm tin nơi Chúa, dám để thánh ý Thiên Chúa hành động trên cuộc đời mình. Sống như thế, Đavít dạy chúng ta hãy để cho hết mọi sự tham phần vào việc đối thoại với Thiên Chúa: niềm vui cũng như lỗi tội, yêu thương cũng như sầu khổ, thân tình cũng như yếu bệnh. Đavít là như thế, tất cả những thứ ấy hợp lại làm nên dung mạo của một Thánh vương Đavít. Ước gì, qua con người và ơn gọi của Đavít, chúng ta cũng sống chiều kích hy vọng, tin yêu trong ơn gọi của mình. Ước gì, lời ca khen, chúc tụng của Đavít cũng là lời tán dương, tạ ơn và xác tín mỗi ngày của chúng ta: “Chính Người là khiên che thuẫn đỡ cho những ai ẩn náu bên Người. Chính Thiên Chúa là nơi trú ẩn vững chắc của tôi, mở ra cho tôi đường lối thiện toàn” (2 Sm 22,31-33).

MỤC LỤC

I. DẪN NHẬP

II. NỘI DUNG

1.     Bối cảnh của Israel khi chuyển trao chế độ

2.     Khái lược đôi nét về cuộc đời Đavít

3.     Những đặc tính làm hài lòng Thiên Chúa nơi con người Đavít

3.1.          Đavít – con người của lòng kính sợ, vâng phục thánh ý Thiên Chúa

3.2.          Đavít – con người của niềm tin và cầu nguyện

3.3.          Đavít – một con người có trách nhiệm, không bào chữa

3.4.          Đavít – con người của khiêm nhường và sẵn sàng nhận lỗi

III. BÀI HỌC ĐƯỢC RÚT RA TỪ CHÂN DUNG CỦA VUA ĐAVÍT

IV. KẾT LUẬN

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Kinh Thánh 2011, 2015.

3. Linh mục Giuse Nguyễn Ngọc Vinh, SDB. Các Sách Sử Trong Kinh Thánh. Giáo trình lưu hành nội bộ, 2022.

4. Linh mục Giuse Nguyễn Ngọc Vinh, SDB. Linh Hồn Con Khao Khát Thuộc Về Ngài. Hà Nội: Tôn Giáo, 2021.

5. Lawrence Boadt. Dẫn vào Cựu Ước. Chuyển ngữ: Lm.Simon Nguyễn Phú Cường & J.B.Phạm Đức Sử. TP.HCM: Tôn giáo, 2022.

WEB

1. https://biblehub.com/.

2. https://bible.usccb.org/bible .

3. https://pastorunlikely.com/why-was-david-chosen-to-be-king-trust-in-the-lord-is-everything/.

4. https://www.crosswalk.com/faith/bible-study/david-in-the-bible-who-was-he-why-is-he- important.html.

5. http://conggiao.info/vua-david-d-40423.



[1] 1 Sam.16:19 BHS.

[2] Lm. Giuse Nguyễn Ngọc Vinh, Các sách sử trong Kinh Thánh, (Học Viện Thần Học Don Bosco, 2022), 214.

[3] x. Lm. Giuse Nguyễn Ngọc Vinh, Các sách sử trong Kinh Thánh, 208.

[4] Lm. Giuse Nguyễn Ngọc Vinh, Các sách sử trong Kinh Thánh, 209.

[5] Lm. Giuse Nguyễn Ngọc Vinh, Các sách sử trong Kinh Thánh, 209.

[6] Lawrence Boadt, Dẫn vào Cựu Ước, chuyển ngữ: Lm.Simon Nguyễn Phú Cường & J.B.Phạm Đức Sử, (TP.HCM: Tôn giáo, 2022), 286.

[7] Lm. Giuse Nguyễn Ngọc Vinh, Các sách sử trong Kinh Thánh, (Học Viện Thần Học Don Bosco, 2022), 200.

[8] Linh mục Giuse Nguyễn Ngọc Vinh, SDB, Linh Hồn Con Khao Khát Thuộc Về Ngài, (Hà Nội: Tôn Giáo, 2021), 7.

Vua Đavít, Sách Samuel

Labels:
Thư viện Học viện Công giáo Việt Nam