“MẠC KHẢI” THEO QUAN NIỆM CỦA KARL RAHNER | Thư viện Học viện Công giáo Việt Nam

“MẠC KHẢI” THEO QUAN NIỆM CỦA KARL RAHNER



PIÔ PHAN VĂN TÌNH STL-K3

Mạc khải, theo Karl Rahner, là tiến trình qua đó Thiên Chúa tự diễn tả và thông ban chính mình dưới ba hình thức: trước hết, Thiên Chúa ban Lời quyền năng, Lời sáng tạo, Lời sự sống cho con người (lời tự diễn tả chính mình); thứ đến, nhờ ân sủng của Thiên Chúa mà con người có khả năng nhận thức và đón nhận Người (điều kiện khả thể); sau cùng, Thiên Chúa ra khỏi chính mình đi vào thế giới, trở thành con người trong Chúa Giêsu Kitô. (sự kiện = kinh nghiệm phạm trù)

1. Phương thức thứ nhất, lịch sử Mặc Khải của Thiên Chúa có thể được xem là một tường thuật về sự “Tự diễn tả chính mình” của Thiên Chúa nơi dân tộc được Chúa chọn, là Israel[1]. Thiên Chúa ‘nói’ Lời của Người với con người, Người truyền đạt Lời của Người cho con người trong lịch sử cụ thể của họ. Lời ấy trước hết được ấp ủ trong tâm tư của Thiên Chúa, sau đó được biểu lộ, truyền đạt cho con người. Lời của Đức Chúa (“The Word ‘God’”)[2] khi truyền đạt cho con người mang ba chiều kích:

Thứ nhất, con người có thể hiểu được (cognitive);

Thứ hai, mang tính sáng tạo với ý nghĩa là mang sự sống mới cho con người (creative);

Thứ ba, làm biến đổi con người (transformative).

Ý nghĩa này bàng bạc xuyên suốt quá trình Mặc Khải của Thiên Chúa cho dân Israel. Khi truyền đạt Lời cho con người, Thiên Chúa tạo điều kiện cho họ bước vào một tương quan đặc biệt với Ngài: có khi giống như tương quan giữa chủ và tớ, cha và con, bạn với bạn, chồng với vợ, hay như một người cố vấn…Qua đó, Lời của Đức Chúa cho con người một căn tính mới[3]. (bố mẹ bày tỏ tình thương)

2. Phương thức thứ hai, sau khi hoàn tất công trình sáng tạo, Sách Sáng Thế cho biết: “Thiên Chúa thấy mọi sự Người làm ra quả là rất tốt đẹp” (St 1,31). Từ sự tốt đẹp này, Rahner nhận thấy: nơi thụ tạo, có một thứ ân sủng, mà ngài gọi là “sự Tự-Thông-Truyền chính mình của Thiên Chúa cho thụ tạo” (“the free self-communication of God to his creature”)[4]; nhờ ân sủng này, thụ tạo có thể minh chứng về sự tốt lành của Thiên Chúa. Ân sủng này, không phải như một thứ ngoại lai (extrinsic, mere superstructure) thêm vào cho bản chất con người, nhưng nằm trong cấu trúc hữu thể của con người[5]. Cũng giống như đôi tai có cấu trúc tương thích để nghe được âm thanh, con người cũng được ban cho khả năng đón nhận mạc khải từ Thiên Chúa.

Qua đó, Rahner cho thấy tính phổ quát siêu nghiệm của mặc khải, nghĩa là ơn cứu độ của Thiên Chúa được dành cho tất cả mọi người[6]. Sự khác biệt giữa trong và ngoài Kitô giáo đã được giải quyết theo nghĩa siêu vượt (transcended). Nghĩa là nhờ vào mặc khải siêu nghiệm, được hiểu như là phương thức tự thông tri của Thiên Chúa đến với tất cả mọi người là những hữu thể siêu vượt (transcendent beings) mang trong mình phẩm tính siêu nghiệm. Trong kinh nghiệm về Đức Tin Kitô giáo, chúng ta nhận biết ơn cứu độ đến từ Thiên Chúa với công trình của Chúa Giêsu Kitô. Lẽ dĩ nhiên, ơn cứu độ phổ quát với lòng thương xót vô hạn của Người không thể bị giới hạn ở những ai được gọi là Kitô hữu chính thức qua việc thuộc về Giáo hội, qua Bí tích Rửa tội, mà còn lan rộng đến các “Kitô hữu vô danh” (hoặc Kitô hữu ẩn danh)[7] vốn được nhìn nhận từ trong thực tế hiện hữu nội tâm của họ[8]. Bởi lẽ, mỗi hữu thể tồn tại đều có tự do dùng lời “xin vâng” để đáp lại Lời Chúa qua mặc khải và đức tin một cách công khai hay âm thầm. (Bố mẹ cho quà)

3. Phương thức thứ ba của sự Tự-Thông-Ban của Thiên Chúa chính là Thiên Chúa trở nên con người trong Chúa Giêsu Kitô. Rahner mượn khái niệm Nhập Thể của Ngôi Lời để nói về con người như là sự hiện thể của Thiên Chúa nhờ sự Tự-Thông-Ban. Khi Thiên Chúa Tự-Thông-Ban chính Người cho con người cũng chính là lúc Thiên Chúa trở nên con người, biến cố Đức Kitô: mặc khải công, chính thức và cuối cùng cho con người[9]. Nói cách khác, con người, tinh thần (viết thường), là hiện thể của Tinh Thần (viết hoa), là Thiên Chúa, Giêsu: Chúa-Người. Do đó, “con người là cái diễn ra khi Thiên Chúa diễn tả và cởi bỏ chính mình”[10]. Và vì con người là điều mà Thiên Chúa trở nên, nên con người chỉ là chính mình khi họ đặt mình vào trong mầu nhiệm khôn dò của Thiên Chúa. Bởi vậy, hiện thể hoá tròn đầy nhất của con người là để cho Thiên Chúa trở nên con người trong sự Tự-Thông-Ban chính Ngài. Với nền tảng là sự Tự-Thông-Ban này, từ trong những chiều sâu hữu thể con người, Thiên Chúa đã hiện diện thật sự, đã trao ban ân sủng và đã mạc khải chính mình cho con người. Vì bản chất tinh thần của con người là sự Tự-Thông-Ban chính Thiên Chúa cho con người qua ân sủng và Nhập Thể, cho nên, khi con người kinh nghiệm về sự siêu việt, sự khao khát tuyệt đối, sự mở ra vô tận của mình, bất kể họ có được ý thức hay không, thì họ cũng đã kinh nghiệm về Thiên Chúa rồi.[11] (và chính bố mẹ đến thăm).

 

THƯ MỤC

Eilers, Franz J. Communicating in Ministry and Mision. Manila: Logos [Divine Word] Publications, Inc., 2009.

Giáo lý Hội Thánh Công giáo. Bản dịch của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Hà Nội: Tôn Giáo, 2012.

Grütering, Michael. “The Conception on Self-Communication of God in Karl Rahner’s Theology”. Wrocławski Przegląd Teologiczny, 2016.

Rahner, Karl. Theological Investigation. London: Darton, Longman & Todd, 1961-1992.

---------------. Hearers of the Word. Translated by Michael Richards. New York: Herder and Herder, 1969.

---------------. Foundations of Christian Faith. Translated by William V. Dych. New York: Crossroad, 1987.

---------------. The Content of Faith. Edited by Kark Lehman, Albert Raffelt, and Harvey D. Egan. New York: CrossRoad, 2006.

Rahner, Karl & Wilhelm Thiising. A New Christology. New York: The Seabury Press, 1980.

Vatican II. Dei Verbum. Ban hành ngày 18-11-1965.

------------. Lumen Gentium. Ban hành ngày 21-11-1964.

Vieira, Julie A. Karl Rahner's Understanding of the Dynamic of Continuity and Change. Toronto: The University of St. Michael's College, 1998.



[1] Cf. Franz-Josef Eilers, Communicating in Ministry and Mision, (Manila: Logos [Divine Word] Publications, Inc., 2009), p. 27.

[2] Cf. Karl Rahner, Foundations of Christian Faith, p. 44-51.

[3] Cf. Karl Rahner, Suy Niệm Đầu Năm, quoted at http://xuanbichvietnam.net/trangchu/suy-niem-dau-nam-karl-rahner/; cf. Vatican II, Dei Verbum, số 2-6. 14-16.

[4] Cf. Karl Rahner, Theological Investigation VI, (London: Darton, Longman & Todd, 1961-1992), p. 391-392; cf. Vital Luke Nguyễn Hữu Quang, Nhân Học Thần Học, Chương III, Phổ Thần Học, Karl Rahner: con người như là mầu nhiệm được bao bọc bởi ân sủng.

[5] “Cấu trúc siêu nghiệm” hay “tính siêu nghiệm” hiểu như là nền tảng và có đặc điểm vượt qua giới hạn tri thức bình thường của con người, cũng thế tính siêu nghiệm của Thiên Chúa cũng trỗi vượt hơn lý trí của con người nên cần nhờ đến ân sủng để nâng cấp trí khôn thì con người mới có khả năng tri nhận mặc khải siêu nhiên, cf. Karl Rahner, Foundations of Christian Faith, translated by William V. Dych, (New York: Crossroad, 1987), p. 123-124; cf. Karl Rahner, “Anonymous Christian”, Theological Investigation VI, p. 393.

[6] Cf. Karl Rahner. The Content of Faith. Edited by Kark Lehman, Albert Raffelt, and Harvey D. Egan. (New York CrossRoad, 2006), p. 592.

[7] “Kitô hữu vô danh” là một khái niệm được gán cho Karl Rahner. Thuật ngữ này xuất hiện lần đầu tiên trong khảo luận Poetry and the Christian (1960), và được Karl Rahner triển khai trong các khảo luận Christian and Non-Christian (1962), Anonymous Christian (1965), Annnymous Christianity and the Missionary Task of the Church, và Observations on the Problem of the ‘Anonymous Christian’ của tác phẩm đồ sộ Theological Investigation. Ngoài ra, khái niệm này còn được bàn tản mát trong nhiều tác phẩm khác của Rahner. Suy tư này vừa là một đóng góp quan trọng, đặc biệt là chất liệu cho hiến chế Lumen Gentium của công đồng Vatican II (LG 16), cf. Karl Rahner, “Poety and the Christian”, Theological Investigation 4, (London: Darton, Longman & Todd, 1961-1992), p. 366; cf. K. Rahner, “Anonymous Christian”, TI 6, p. 397.

[8] Cf. Karl Rahner, op.sit., p. 593.

[9] Cf. Karl Rahner & Wilhelm Thiising, A New Christology, (New York: The Seabury, 1980), p. 32-41.

[10] Karl Rahner, Theological Investigation VI, (London: Darton, Longman & Todd, 1961-1992), p. 392.

[11] Ibid., p. 393-394.


Mạc khải, Rahner

Labels:
Thư viện Học viện Công giáo Việt Nam