Một Thiên Chúa siêu việt có thực sự chịu đau khổ không? Thiên
Chúa vừa siêu việt, cao cả (x. Tv 145,3) vừa hiện diện nơi thâm sâu nhất của
loài thụ tạo: “Nơi Ngài chúng ta sống, cử động và hiện hữu” (Cv 17,28).
Thiên Chúa được gọi là “Cha”, vì là nguồn gốc đầu tiên của mọi sự, có uy
quyền siêu việt, đồng thời là Đấng nhân hậu yêu thương mọi con cái như cha mẹ
(x. GLHTCG 239). Trong mối thâm tình ấy, Thiên Chúa thật sự đau khổ khi gặp gỡ
con người trong những kinh nghiệm về đau khổ của họ, Ngài đã đau khổ thật sự
khi đi vào trong lịch sử con người qua chính Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm
người. Tính siêu việt của Thiên Chúa không hề mâu thuẫn với mối thâm tình giữa
Ngài và loài thụ tạo.
1.1. Thiên
Chúa là Đấng vượt trên con người và không bị tác động bởi những yếu tố con người.
Nghĩa là, Thiên Chúa siêu việt bất biến bên trong tương quan của Ngài, điều đó
thuộc về bản chất[1]. Thế nhưng, Thiên Chúa đã
chịu đau khổ khi đi vào trong lịch sử con người. Ngài chịu đau khổ mà vẫn siêu việt
bất biến giống như khái niệm vô cực dù thêm một giá trị số nào vẫn là vô cực.
Phép toán vô cực cộng với vô cực cũng chỉ có một kết quả là vô cực. Thiên Chúa
là Đấng siêu việt bất biến khi dấn thân vào trong lịch sử nhân loại, và biết đến
đau khổ. Thiên Chúa siêu việt bất biến trong bản chất của Ngài và Ngài siêu
việt quyền năng trong khả năng tự để mình liên lụy tới con người trong những đau
khổ của họ (quyền năng trong việc thể hiện mối thâm tình).
1.2. Nếu
Thiên Chúa không đau khổ thì Ngài không đi vào thực tại nhân sinh và cũng không
thể hiện tương quan tình yêu trong chính Ngài như thần học gia J. Moltmann quả
quyết: “Một Thiên Chúa không thể đau khổ thì còn nghèo nàn hơn cả con người.
Vì một Thiên Chúa không có khả năng đau khổ là một hữu thể không thể có bất cứ
dính líu tương quan nào. Đau khổ không thể ảnh hưởng đến Ngài…Nhưng Đấng không
thể đau khổ thì cũng không thể yêu. Thế là Ngài là một hữu thể không tình yêu”[2]. Thế nhưng thực tế,
Thiên Chúa siêu việt biết đau khổ khi đi vào tương quan với những con người chịu
đau khổ. Thật vậy, Thiên Chúa từ bi nhân hậu không chỉ nhận biết con người đang
gánh chịu đau khổ, nhưng trong sự liên đới, Thiên Chúa còn đi vào trong đau khổ
như con người. Thiên Chúa đã đau khổ khi thấy người Do Thái đau khổ trong đất Ai
Cập. Ngài đã hành động dấn thân vào lịch sử cứu độ khi kêu gọi Môsê giải thoát
dân (x. Xh 3,7-10). Thiên Chúa cũng tỏ lộ chính mình, đặc biệt cho các ngôn sứ,
là một Thiên Chúa đau khổ khi biết “thổn thức, bồi hồi” vì tội lỗi của dân Ngài
đã chọn (Hs 11,8-9). Thiên Chúa đã thực sự đau khổ khi gặp gỡ và tỏ lộ nơi biến
cố Thập giá.
1.3. Sự thật,
Thiên Chúa đã chịu đau khổ trong mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu Kitô. Bởi
vì, Thiên Chúa đồng cảm với những ai Ngài thương yêu đang chịu đau khổ nên đã
ban Con Thiên Chúa xuống thế làm người (x. Ga 3,16). Trên Thánh Giá, không chỉ
có Chúa Giêsu trải nghiệm sự vắng bóng của Thiên Chúa mà chính Thiên Chúa cũng
đã chịu đau khổ khi mất đi người con yêu dấu nhất của Ngài. Dấu chỉ này cho thấy
sự đau khổ đã hiện diện trong tương quan nội tại của Ba Ngôi, thần học gia
Balthasar giải thích rằng sự chia cách (separation) và hợp nhất (union) của sự
Kiện Vượt Qua (paschal event) được đặt nền trong sự chia cách và hợp nhất trong
đời sống nội tại Ba Ngôi, mà nơi đó Cha, trong sự sinh ra Con, đã không bám lấy
thần tính của Ngài nhưng trong một siêu tự hủy ‘supra-Kenosis’ vĩnh cửu đã làm
cho chính mình trở nên “nghèo khó tận căn”
- cho đi tất cả - bị bỏ rơi hoàn toàn những gì Ngài là, và thế là có thể
sinh ra một sự đồng bản tính Thiên Chúa, Chúa Con. Trong sự “chia cách”
(separation) khuôn mẫu đầu tiên này của Thiên Chúa từ Thiên Chúa thì đã có đó từ
đời đời một “không gian” (space) cho tất cả các “ngẫu sinh” của sự tự do con người.
Khuôn mẫu này làm nền cho tất cả mọi mẫu thức tình yêu, cảm xúc, và ngay cả sự đau
khổ, ‘chia cách’ xảy ra bởi tình yêu[3].
THƯ
MỤC
Allen
Dinsmore, Charles. Atonement in Literature and Life. Boston and New
York: Houghton, Mifflin & Company, 1906.
Anna
Trần Thị Nguyệt. Thập Giá Đức Kitô. Biên Hòa: Đồng Nai, 2020.
Aquinas,
Thomas. Of God and His Creatures. Trans. Joseph Rickaby. London: Grand
Rapids, 2000.
Balthasar,
Hans Urs Von. The Mystery of Easter. Trans. Aidan Nichols. USA: Ignatius
Press, 2005.
Bauckham,
Richard. “‘Only the Suffering God Can Help’. Divine Passibility in Modern
Theology”, Themelios, vol. 9, issue 3 (April 1984).
Hanson,
A.T. The Paradox of the Cross in the Thought of St. Paul. Sheffield,
1987.
Heschel,
Abraham. The Prophets, vol. 1. New York: Harper Row, 1962, 1st paperback
edition, 1969.
Kasper,
Walter. The God of Jesus Christ. Trans. Matthew J. O’Connell. New York:
Crossroad, 1988.
Kitamori,
Kazoh. Theology of the Pain of God. Richmond, VI, John Knox Press, 1965.
Moltmann,
Jürgen. The Crucified God: The Cross of Christ as the Foundation and
Criticism of Christian Theology. Trans. RA Wilson
and John Bowden. SCM Press, 1974.
Morgan,
G. Campbell. The Bible and the Cross. New York: Fleming H Revell,
c.1909. Reissued London and Edinburgh: Oliphants, 1941.
[1] X.
Phan Tấn Thành, Mầu Nhiệm Thiên Chúa, (Học Viện Đa Minh, 2012), tr.
120-121.
[2] Moltmann,
Crucified God, trans. RA Wilson and John Bowden. (SCM Press, 1974), tr. 222.
[3]X. Hans Urs von Balthasar, Theo-Drama,
Vol. 3:Dramatis Personae:Persons in Christ. (Ignatius
Press, 1993), 338-345.