I. Dẫn nhập
“Hãy thảo kính cha mẹ: các ngài đã cho ta sự sống! Nếu bạn đang còn xa
cách cha mẹ thì hãy
cố gắng quay về, trở về với họ; có lẽ họ đang già đi mất rồi…”
Lời nhắn nhủ rất tha thiết và đầy yêu thương này nằm
trong Lời Thứ Tư của tập sách Mười Lời do Đức Phanxicô
viết, để lại trong lòng người viết rất nhiều
suy tư. Thật vậy, sau bổn
phận đối với Thiên Chúa thì thái độ thảo hiếu đối với cha mẹ được coi là yếu tố
căn bản của nhân vị (Ep 6,1). Thiết nghĩ, chúng ta có mặt trên thế gian này
không phải tự nhiên mà có nhưng do tình yêu quan phòng của Thiên Chúa (Gr 31,3)
dành cho ta ngang qua các bậc sinh thành. Thụ
ơn ắt phải báo đền (Tv 117), cha mẹ không chỉ là người đại diện cho Thiên Chúa
nhưng còn là người sinh thành, dưỡng dục, chăm sóc và che chở cho chúng ta. Từ lời nhắn nhủ thiết tha trên, người viết cũng xin
được trải lòng với một số cảm nhận về việc “thảo kính cha mẹ.”
II. Nội dung
Thật vậy, sau ba Lời đầu
hướng về Thiên Chúa, Lời Thứ Tư nằm trong phần thứ hai của bảng Thập Giới nêu
lên trật tự đức mến nghĩa là “Thiên Chúa muốn rằng, sau Ngài, chúng ta phải
tôn kính cha mẹ là những vị chúng ta chịu ơn về sự sống”, và nhìn nhận tầm quan
trọng của các ngài, nhờ đó được hưởng cuộc sống hạnh phúc, trường thọ (Ep
6,1-3) như Lời Chúa đã hứa: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ để được sống lâu trên
đất nước mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi” (Xh 20,12). Các sách Cựu Ước đều coi trọng lời dạy này (Xh 20,12; Đnl 5,16). Thậm
chí một người con có thể bị xử tử bằng cách ném đá nếu không vâng lời hay
nguyền rủa cha mẹ (Xh 21,17; Lv 20,9). Thảo kính cha mẹ là “lời”, là “điều
răn”của Thiên Chúa (Mt 15,3.6).
Với Lời Thứ Tư này, Đức Phanxicô muốn nhấn mạnh
đến tầm quan trọng của việc tôn kính cha mẹ
(Ep 6,3). Thảo kính cha mẹ là kính trọng, yêu
mến, biết ơn các ngài được biểu hiện qua việc biết ơn công đức dưỡng dục, sinh
thành của cha mẹ (Hc 7,27-28); vâng phục các ngài trong mọi sự (Cn 6,2-22);
lắng nghe và hỏi ý kiến các ngài trong những
lúc cần thiết (Cn 13,1); chăm sóc khi cha mẹ yếu đau, bệnh tật, cô đơn[1]. Thảo
kính cha mẹ cũng là làm cho cha mẹ được vinh danh. Nhờ con cháu mà “danh thơm
mãi lưu truyền hậu thế” (Hc 44,14). Đức Giêsu, trong thân phận con người, đã
thể hiện lòng hiếu thảo cách toàn vẹn. Trước tiên, Ngài hiếu thảo với Cha trên
trời, hoàn toàn vâng theo thánh ý Chúa Cha trong mọi sự (Ga 4,34). Sau nữa,
Ngài cũng là một người con hiếu thảo của thánh Giuse và Mẹ Maria (Lc 2,51). Và
Ngài cũng nhắc nhở chúng ta: “Người hãy thờ cha kính mẹ, và kẻ nào nguyền
rủa cha mẹ thì phải bị xử tử” (Mc 7,10).
Theo sách Giáo lý Công Giáo,
tôn kính cha mẹ là một yếu tố nền tảng của lòng hiếu thảo, phát xuất từ lòng biết ơn đối với cha mẹ[2]. Tri ân cha mẹ là chúng ta tri ân Thiên
Chúa, Nguồn Cội của mọi nguồn cội. Bên cạnh đó, theo thuật ngữ Do thái, “tôn kính”
hay rộng hơn là “thảo kính” có một giá trị linh thánh vốn được dành riêng cho Thiên Chúa. Khi áp dụng chữ này cho cha mẹ, Thánh Kinh muốn đưa cha mẹ vào lãnh vực thánh thiêng, trong mối tương quan với Thiên
Chúa[3]. Hiểu như thế, việc tôn kính cha mẹ có nghĩa là nhìn nhận tầm quan trọng của các ngài bằng những hành động thực tiễn[4]. Phận
làm con phải thảo hiếu kính nhường, trân trọng công đức của các bậc sinh thành
bởi các ngài chính là bậc thầy truyền lại cho người trẻ kinh nghiệm sống, các
giá trị và tính liên tục giữa các thế hệ.[5] Chính
các ngài đã để lại cho chúng ta gia tài đức tin, đức tính, sự phúc hậu trong
gia đình.
Hoa trái của lòng hiếu thảo đối với cha mẹ sẽ
làm cho ta trở nên công chính; cuộc đời ta có ý nghĩa và giá trị hơn trước mặt
Thiên Chúa và con người. Sách Huấn ca dạy rằng: “Của dâng cho cha sẽ không
rơi vào quên lãng. Của biếu cho mẹ sẽ đền bù tội lỗi, và xây dựng đức công
chính của ngươi” (Hc 3,14-15). Chính Đức Giêsu đã hứa ban hạnh phúc và
hưởng thọ trên mặt đất cho những ai sống thảo kính mẹ cha (Ep 6,3). Thật vậy, cha
mẹ là nguồn thứ hai đem lại cho ta sự sống, sự phát triển và giáo dục[6],
vì thế việc sống hiếu thảo và tôn kính cha mẹ là hành vi cần phải làm vì sự tôn
kính này bắt nguồn từ sự kính sợ Thiên Chúa, một trong bảy ơn của Chúa Thánh
Thần.[7]
Thiết nghĩ, khi ta sống trọn tình thảo hiếu với các bậc sinh thành cũng đồng
thời ta đáp lại lời mời gọi của Tin mừng trong thái độ yêu mến, tôn phục Thiên
Chúa. Tuy nhiên, Thiên Chúa không muốn chúng ta chỉ dừng lại ở việc yêu cha yêu
mẹ nhưng Ngài muốn chúng ta yêu mến Thiên Chúa nhiều hơn (x. Mt 10,37-42). Xét
tận căn, Thiên Chúa là Thiên Chúa, con người là con người. Chỉ trong và nhờ
Thiên Chúa, chúng ta mới được tái sinh, được tạo thành, được trở nên con Thiên
Chúa và hưởng sự sống vĩnh cửu trong Đức Giêsu, nhờ Chúa Thánh Thần (x. Ga
1,11-13).
III. Một chút suy tư
Nhìn vào xã hội ngày nay, khi người ta đề cao
chủ nghĩa duy vật thì các giá trị đạo đức xuống cấp. Chúng ta không khỏi đau
lòng khi chứng kiến nghịch cảnh có nhiều các bậc cha mẹ bị hắt hủi, đối xử tệ
bạc, bị bỏ rơi, cô đơn, không được chăm sóc phụng dưỡng khi tuổi già, sức yếu. Cuộc
sống ngày nay, đáng lẽ phận làm con phải hiếu thảo, giúp đỡ, nuôi dưỡng cha mẹ
mình thì đã có rất nhiều người con đưa ra đủ mọi lí do để chối từ cha mẹ, xem
cha mẹ như là gánh nặng, có một số người chọn cách đưa cha mẹ vào viện dưỡng
lão để không mất thời gian chăm sóc…thật là chua xót biết bao khi cha mẹ thương
con không tính toán còn con thương cha mẹ kể tháng kể ngày.
Bên cạnh đó chúng ta cũng không khỏi bùi
ngùi, xót xa trước những số phận bị cha mẹ bỏ đi khi còn là bào thai, bị bỏ rơi
khi vừa mới chào đời. Chúng ta cũng phải nghẹn lòng trước những mảnh đời sinh
ra bị cha mẹ lạm dụng buôn bán, chà đạp nhân phẩm, đánh đập, chửi bới…Thiết
nghĩ, bổn phận của cha mẹ là đồng hành, trong gia đình cha mẹ sống thế nào để
con cái được hít thở bầu khí thánh thiện, đạo đức. Chính trong gia đình mà con
cái học được tinh thần cầu nguyện, yêu thương, hy sinh, phục vụ, con cái biết
mở rộng ra để sống các mối tương quan tốt đẹp hơn. Chính vì thế, bậc làm cha mẹ
phải sống làm sao để trở thành “lò đúc các đức tính tốt” cho con cái.
IV. Kết luận
Tóm lại, Lời nhắn nhủ của Đức Phanxicô
đã chia sẻ: “Hãy thảo kính cha mẹ: các ngài đã cho ta sự sống! Nếu bạn đang
còn xa cách cha mẹ thì hãy cố gắng quay về, trở về với họ” như một tiếng
chuông vang lên đánh thức phận làm con “hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần
của Chúa, vì đó là điều phải đạo (Ep 6,1-3). Dẫu rằng, không phải
mọi
cha mẹ đều tốt lành, cũng như mọi trẻ thơ đều sống trong thanh bình, nhưng
việc
đạt được một cuộc sống viên mãn, hạnh phúc tùy thuộc vào sự nhìn nhận thích đáng của những ai đã mang ta đến
thế giới này.[8] Thật vậy, nhớ
về công ơn và thảo kính cha mẹ, luôn là lời mời gọi chúng ta hướng về nguồn cội
của sự sống, của tình yêu, của mọi ân phúc trong đời ta là chính Chúa để chúng
ta tỏ lòng yêu mến, biết ơn trước hết với Chúa là nguồn cội mọi ân phúc và với
mẹ cha là những người sinh thành dưỡng dục ta nên người.
THƯ MỤC THAM KHẢO
1.
GKPV.
Thánh Kinh (Hà Nội: Tôn Giáo, 2011).
2.
GLHTCG.
(Hà
Nội: Tôn Giáo, 1992).
3.
Ðức Thánh Cha
Phanxicô. Tông huấn Amoris Laetitia, 2016.
4.
ĐTC Phanxico, Mười
Lời:
giáo lý về Mười Điều răn, (Tp.HCM: Tôn Giáo, 2022).
5. ĐGM Matthêu Nguyễn Văn Khôi, Luân Lý Kitô Giáo qua Mười Điều Răn –
tập 2, (Hà Nội: Tôn Giáo, 2012).
6. Đạo Đức Học Kitô Giáo, Thần
Học Luân Lý Chuyên Biệt 2, Tủ sách chuyên đề.
[1] GLHTCG,
số 2218.
[2] GLHTCG, số
2215.
[3] ĐGM Matthêu Nguyễn Văn Khôi, Luân Lý Kitô Giáo qua Mười
Điều Răn – tập 2, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội,
2012, tr. 36.
[4] Đức
Thánh Cha Phanxicô, Mười Lời: giáo Lý về Mười Điều Răn, Lm. Phaolô
Nguyễn Thành Sang chuyển ngữ
Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, năm 2022, tr. 72.
[5] Ðức
Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn Amoris Laetitia, 2016, số 191-193.
[6] Đạo Đức Học Kitô Giáo, Thần Học Luân Lý Chuyên Biệt 2,
Tủ sách chuyên đề, tr. 139.
[7] GLHTCG, số 2217.
[8] Đức
Thánh Cha Phanxicô, Mười Lời: giáo Lý về
Mười Điều Răn, tr. 74.