Maria Phạm Hoài Thanh Trúc STBK3
Dẫn nhập
Ngay từ khi tạo dựng, Thiên Chúa đã ghi khắc trong trái tim
con người niềm khao khát hướng về Ngài như là cùng đích và hạnh phúc trọn vẹn1.
Chính Ngài qua dòng lịch sử đã không ngừng tự tỏ lộ hầu đưa con người vào trong
tương quan tình mến với Ngài; đó là một hồng ân lớn lao mà tất cả chúng ta được
mời gọi mở lòng ra đón nhận. Sự đáp trả của con người chính là niềm tin đặt để
nơi Thiên Chúa và kế hoạch cứu độ của Ngài. Quả thực, nếu mặc khải là hành động
đi xuống của Thiên Chúa đến với con người thì chiều hướng đi lên của con người
tới Thiên Chúa chính là việc con người đáp trả bằng “đức tin”2, bước
vào tương quan nghĩa tử với Người. Thánh Phao-lô trong lá thư mục vụ gửi ông
Ti- mô-thê đã xác quyết “Tôi biết tôi tin
vào ai” (2Tm 1,12). Đây là lời tuyên xưng cho thấy một niềm xác tín mạnh mẽ
vào Đấng mà ngài đã được giáp mặt, Đấng ngài hằng tin tưởng và yêu mến. Lời
tuyên xưng đó của thánh Phao-lô cũng diễn tả đầy đủ những khía cạnh đích thực
của niềm tin Ki-tô giáo, đón nhận ánh sáng mặc khải của Thiên Chúa.
Nội dung
Trong mô hình đối thoại Thiên Chúa – con người (Đấng mặc
khải và kẻ đón nhận mặc khải), đức tin mang hai chiều kích, thứ nhất tin là
hành vi đáp trả của con người trước tình yêu cao vời của Thiên Chúa3,
nghĩa là con người phải bày tỏ “sự vâng phục bằng đức tin” với Thiên Chúa Đấng
mặc khải4. Nhưng không chỉ thế, ở chiều kích thứ hai, tin hơn hết là
tác động của Thiên Chúa soi sáng, lôi kéo con người; hay nói cách khác, tin
chính là ơn Chúa khởi hứng nơi con người nhờ Thần Khí (x. 1Cr 12,3). Chính Thần
Khí thúc giục, mời gọi, khai mở tâm trí mỗi người đón nhận mặc khải như ân huệ
nhưng không của Thiên Chúa. Sự tác động này là một chuyển động nội tâm của mỗi
người, như một cảm nghiệm cá nhân đầy sống động trong tương quan với Thiên
Chúa. Do đó, đức tin Ki-tô giáo, đức tin mà thánh tông đồ Phao-lô đã cảm nghiệm
không đơn thuần là đón nhận những đạo lý đức
tin nhưng còn là đi sâu vào tương quan đầy cá vị với Thiên Chúa.
·
“Tôi biết” – Một
đức tin không mù quáng
Trong thời đại hiện nay, khi mà khoa học thực nghiệm chiếm
vị trí thượng tôn, chủ nghĩa nhân bản vô thần không ngừng kêu gọi tìm kiếm tự
do đích thực của con người và phải loại trừ Thiên Chúa ra khỏi thế giới này,
đức tin Ki-tô giáo đứng trước nguy cơ rơi vào nhận định là mù quáng, mê tín và
không tiến bộ. Cho dầu đức tin Ki-tô giáo là một sự quy phục trước mặc khải của
Thiên Chúa nhưng sự quy phục đó luôn luôn phù hợp với lý trí con người. Trước
hết, chính Thiên Chúa – Đấng mặc khải những chân lý cao siêu của Ngài, đã cung
cấp những bằng chứng bên ngoài của mặc khải cùng với sự trợ giúp bên trong của
Thánh Thần để đức tin của chúng ta được đảm bảo phù hợp với lý trí. Những bằng
chứng ấy là các phép lạ, lời của các tiên tri hay là sự vững bền của Hội
Thánh,… đã chứng tỏ sự ưng thuận của đức tin là hoàn toàn không mù quáng5.
Thứ hai, đức tin Ki-tô giáo là một hành vi nhân linh, tức một hành vi có đầy đủ
lý trí và ý chí đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa6. Thứ ba, xã hội
ngày nay đắm chìm vào các tri thức thực dụng, là tri thức nghiên cứu những sự
vật, sự việc cụ thể, những gì có thể đo lường, tính toán và người ta chỉ quan
tâm đến tính hữu dụng, sự chính xác của nó, gạt qua vấn đề sự thật và suy tư về
chính hữu thể. Ngược lại, đức tin Ki-tô tự căn bản bao hàm niềm xác tín vào Sự
thật là nền tảng cho đời sống. Đức tin không thể là tri thức thực dụng, nhưng
đức tin cũng không phải là sự gom góp những điều nghịch lý không thể hiểu nối7.
Đức tin Ki-tô giáo đặt nền tảng trên mặc khải, tức là Lời Thiên Chúa tỏ lộ qua Kinh
Thánh và Truyền Thống. Lời ấy được mặc khải cách trọn vẹn nơi Đức Giê-su Ki-tô,
Con Thiên Chúa làm người. Đức tin của chúng ta dựa trên uy tín của Đấng là sự
mặc khải viên mãn ấy. Vì thế, đức tin ấy là một hành vi tự do và hợp lý. Trong
Đức Kitô, những kẻ tin Ngài “được ơn hiểu
biết các mầu nhiệm Nước Trời” (Mt 13, 11). Đó là sự hiểu biết vượt trên mọi
hiểu biết, đưa con người đến với hạnh phúc muôn đời. Đức tin bao hàm sự hiểu
biết về điều mình tín thác và chỉ khi ta tín thác ta mới thực sự hiểu, như lời thánh Augustino
nói “Tin để hiểu và hiểu để tin” (intellige ut credas, crede
ut intelligas). Hiểu biết điều mình tin tưởng giúp củng cố niềm tin ấy và để ta sống đức tin cách sung mãn, trọn vẹn hơn.
Như thế, lời tuyên xưng của thánh Phao-lô diễn tả một niềm
tin không hề mù quáng cũng không mê tín, ấu trĩ. Ở đây hàm chứa một sự ý thức
đủ cho đối tượng của niềm tin (“tôi
biết”) và hơn nữa còn là một đức tin tìm kiếm sự hiểu biết. Hay nói cách
khác, đức tin không thể không bao hàm sự hiểu biết (tính khả tín).
· “Tôi tin” – Lời tuyên xưng cá nhân xuất phát từ niềm tin cộng đoàn
Khi tuyên xưng “tôi
tin” (credo) người ta dễ dừng lại ở chiều kích cá nhân của đức tin, tức là
một niềm tin chỉ dành cho cá nhân mình, tôi chỉ sống đức tin cho riêng mình
tôi. Mặc dù, hành động “tin” là sự đáp trả mang tính cá vị, riêng tư của mỗi
người, và là hồng ân của Thiên Chúa diễn tả mức độ mở lòng của mỗi người đối
với Thần Khí; nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì quả là một thiếu xót nghiêm
trọng. Đức tin không là một hành vi đơn độc vì không ai tin một mình8.
Niềm tin mà chúng ta có được hiện nay là hoa trái của cả một truyền thống lâu
dài của các tông đồ trong nỗ lực lưu truyền và rao giảng cho mọi dân nước, mà
chúng ta gọi là Thánh Truyền. Chính các tông đồ là những người được cùng sống,
cùng đồng hành với Chúa Giê-su trên bước đường sứ mạng của Ngài, tận mắt chứng
kiến mọi phép lạ, tận tai nghe mọi lời giáo huấn,… Cho đến ngày lễ Ngũ Tuần, khi đón nhận Thánh
Thần của Đức Ki-tô phục sinh, các ngài can đảm ra đi làm
chứng cho niềm tin của mình đồng thời chuyển trao niềm tin ấy cho mọi dân tộc
hầu tất cả được ơn cứu độ. Vì vậy mà ngay từ đầu Giáo Hội đã là lãnh địa của
đức tin, là nơi của việc loan truyền đức tin, và chúng ta sống đức tin giữa
lòng Hội thánh. Trong hành trình rao giảng của mình, thánh Phao-lô cũng nhấn
mạnh rằng ngài đã truyền lại cho họ chính Tin Mừng mà ngài đã được nhận lãnh
(x. 1 Cr 15,3). Như thế, đức tin hẳn nhiên không phải là kết quả suy tư hay là
sản phẩm của cá nhân riêng lẻ, nhưng hơn hết lời tuyên xưng mang tính cá nhân
có nguồn gốc từ niềm tin vững chắc của cộng đoàn (credimus). Thánh Cypriano
từng nói “Không thể có Thiên Chúa là Cha
nếu không nhận Hội Thánh là Mẹ”. Món quà đức tin được Thiên Chúa ban cho
mỗi người ngang cộng đoàn sống đức tin – một cộng đoàn biểu lộ sự hiệp thông và
tình yêu vĩnh cửu của Ba Ngôi Thiên Chúa.
·
“Tin vào ai” - Tin
là bước vào một cuộc gặp gỡ
Tính liên ngôi vị được coi là nết đặc trưng nhất của đức
tin Ki-tô giáo. Lời tuyên xưng đức tin của thánh Phao-lô đã thể hiện mối tương
quan ngôi vị này. Thật vậy, yếu tố nền tảng của đức tin không phải là “Tôi tin điều gì” nhưng là “Tôi tin vào ai”9. Như thế,
tin nghĩa là bước vào một cuộc gặp gỡ giữa hai ngôi vị trong ân sủng và tình
yêu. Nếu mặc khải là sự tự tỏ lộ của Thiên Chúa đối với con người thì việc con
người đáp trả bằng đức tin là bước vào cuộc gặp gỡ với Người. Trong cuộc gặp gỡ
ấy, đức tin của con người mở ra với hai khía cạnh, nội dung tin (fides quae) và
hành vi tin (fides qua): Nhờ sự vâng phục bằng đức tin đối với Thiên Chúa mặc
khải, con người phó thác đời mình cho Thiên Chúa, dâng lên Thiên Chúa mặc khải
sự quy phục hoàn toàn của lý trí và ý chí, đồng thời sẵn lòng chấp nhận mọi mặc
khải của Người10.
Nội dung đức tin (fides quae) của chúng ta là tin chính
Thiên Chúa, tin lời của Ngài, về kế hoạch cứu độ và về chính Đấng Cứu Độ là Đức
Giê-su Ki-tô, tin Thánh Thần – Đấng mặc khải cho ta về Đức Giê-su11.
Quả thế, “ai” mà Phaolô nhắc đến không phải là một nhân vật huyền thoại hay xa
vời nhưng đó là vị Thiên Chúa gần gũi, một Đấng cụ thể đến với nhân loại. Vị
Thiên Chúa ấy là Thiên Chúa của Abraham, của Isaac, của Gia-cóp – Đấng đã can
thiệp trong lịch sử dân Israel và giải thoát dân. Đó cũng là vị Thiên Chúa làm
người, đã từ bỏ ngai tòa của mình xuống thế mặc lấy thân phận loài người hầu
cứu độ mọi người. Thiên Chúa đã trao ban món quà độc nhất là chính Con Một của
mình, là Đức Giê-su Ki-tô cho chúng ta. Đức Giê-su chính là mặc khải trọn vẹn
của Thiên Chúa, Người hoàn tất mọi mặc khải của Thiên Chúa Cha; tin tưởng vào
Người là đón nhận mọi mặc khải của Thiên Chúa từ khởi thủy. Thật vậy, nếu trong
Cựu Ước, tin là sự đáp trả lại mặc khải của Thiên Chúa qua các trung gian lịch sử (con người, biến cố) thì giờ đây, mặc khải đó được hoàn tất trọn vẹn nơi chính con người
Giêsu Nazarét, Đấng Kitô. Với Đức Giê-su Ki-tô, mối tương
quan giữa Thiên Chúa và con người được xác định. Đức tin của chúng ta mở ra
trong cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu; và qua cuộc gặp gỡ này, chúng ta có thể nhận biết Thiên Chúa, sờ chạm vào Người và cảm
nhận sự hiện diện của một
Thiên Chúa vừa gần bên vừa cao xa, khôn tả. Như thế, đức tin của chúng ta quy
hướng về Đức Giêsu như là “Đấng phải đến”, tin Ngài đích thực là Đấng Kitô Đức
Chúa (Kyrios)12. Thánh
Phaolô ở một nơi khác cũng đã diễn tả niềm tin này của mình: “Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm
tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20).
Niềm tin vào Đức Giê-su là tin vào mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Người, đó
là Tin mừng mà thánh Phao-lô đã dùng cả cuộc đời mà loan báo và làm chứng (x.
1Cr 15,3-5). Trọng tâm của việc tuyên xưng đức tin Ki-tô giáo cũng chính là mầu
nhiệm về cái chết và phục sinh của Đức Giê-su (x. Rm 10,9).
Nội dung của đức tin (fides quae) sẽ không thể nảy sinh và
thường vô nghĩa nếu không có hành vi “tin vào”13. Hành vi tin (fides
qua) của chúng ta được kể là sự tín thác, cậy trông vào Thiên Chúa và từ lòng
tin tưởng ấy chúng ta đi vào tương quan tình yêu với Ngài. Lời tuyên xưng “Tôi biết tôi tin vào ai” của thánh
Phao-lô được viết trong giai đoạn ngài đang ở trong chốn lao tù, khi mà nỗi cô
đơn và thất vọng tràn ngập tâm hồn. Điều này chứng tỏ nơi ngài có một niềm tin
kiên vững, một sự phó thác mãnh liệt vào Đấng mà ngài tin tưởng. Niềm tin đó
còn được khẳng định thêm rằng “Người có
đủ quyền năng bảo toàn giáo lý đã được giao phó cho tôi, mãi cho tới Ngày đó” (2Tm
1,12b); đồng thời thánh nhân khuyên nhủ Ti-mô-thê hãy gìn giữ giáo lý ngài đã
giao phó cho anh, với đức tin và đức mến của người được kết hợp với Đức Ki-tô
(x. 2Tm 1,13). Biết được đức tin có vững vàng hay không là khi nó đối diện với
gian nan, thử thách. Do đó, dầu là ân ban của Thiên Chúa, mỗi người luôn phải
kiên trì giữ vững đức tin của mình để có thể sống mãi trong tương quan yêu
thương với Người. Nhờ đó, chúng ta cũng được ngập tràn hy vọng vào một đời sống
mới.
Kết luận
“Tôi biết tôi tin vào
ai” là lời tuyên xưng phát xuất từ cảm nghiệm thiêng
liêng mang tính cá vị của thánh Phao-lô; song, thiết tưởng mỗi người môn đệ của
Đức Giê-su cũng phải có một niềm xác tín mạnh mẽ như thế để tỏ lộ đức tin kiên
vững, sáng suốt và đầy lòng tín thác của mình. Đối diện với những tư tưởng hiện
đại hôm nay, người Ki-tô hữu cần đào sâu đức tin của mình, làm cho nó triển nở
và trở nên vững vàng hơn. Đức tin không dừng ở một mớ đạo lý đòi buộc phải tin,
cũng như người Ki-tô hữu không sống trên những công thức đức tin; nhưng hơn hết
là đi vào một cuộc gặp gỡ, gắn kết trong mối tương quan liên vị giữa Thiên Chúa
và con người. Chính niềm tin ấy làm nên ý nghĩa đức thực cho đức tin Ki-tô giáo
và mở ra viễn cảnh của một đời sống viễn mãn mai hậu.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Gerard O’Collins, S.J. Lm. Nguyễn Đức Thông chuyển ngữ. Thần học căn bản. Hà Nội: Tôn giáo. 2011.
2. Giuse Phan Tấn Thành. Thần học Mặc khải. Học viện Đa Minh. 2011.
3. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. CĐ Vaticano II. Hiến Chế Tín lý về Mặc khải của Thiên Chúa. Hà Nội: Tôn Giáo, 2012.
4. Hội đồng Giám Mục Việt Nam. Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo Việt Nam. Hà Nội: Tôn Giáo, 1992.
5. Joseph Ratzinger. Chuyển ngữ: Lm. Athanasiô Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng Lam. Đức Tin Kitô Giáo hôm qua và hôm nay. Đà Lạt: Random House. 2009.
6.
Heinrich Fries. Athanase nql. Thần học căn bản – Tin và Mặc khải. Verlag Styria. 1985.
![]() |
1 Hội đồng Giám Mục Việt Nam.
Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo Việt
Nam, số 27.
2 Ibid, số 142.
3 x. Ibid, số 142
4 Công Đồng Vaticano II. Hiến Chế Tín lý về Mặc khải của Thiên Chúa,
số 5.
5 Hội đồng Giám Mục Việt Nam.
Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo Việt
Nam, số 156.
6 Công Đồng Vaticano II. Hiến Chế Tín lý về Mặc khải của Thiên Chúa, số 5.
7 Joseph Ratzinger. Chuyển
ngữ: Lm. Athanasiô Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng Lam. Đức Tin Kitô Giáo hôm qua và hôm nay. Trang 74.
8 Hội đồng Giám Mục
Việt Nam. Sách Giáo lý của Hội Thánh Công
Giáo Việt Nam, số 166.
9 Joseph Ratzinger. Chuyển
ngữ: Lm. Athanasiô Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng Lam. Đức Tin Kitô Giáo hôm qua và hôm nay. Trang 77.
10 Công Đồng Vaticano II. Hiến Chế Tín lý về Mặc khải của Thiên Chúa, số 5.
11 Giuse Phan Tấn Thành. Thần học Mặc khải. Học viện Đa Minh. Trang 249.
12 Heinrich Fries. Thần học căn bản – Tin và Mặc khải. Verlag Styria. Tr. 49.