PHẨM GIÁ NHÂN VỊ, HƯỚNG ĐẾN MỘT SỰ PHÁT TRIỂN NHÂN BẢN TOÀN DIỆN | Thư viện Học viện Công giáo Việt Nam

PHẨM GIÁ NHÂN VỊ, HƯỚNG ĐẾN MỘT SỰ PHÁT TRIỂN NHÂN BẢN TOÀN DIỆN


Maria Thanh Trúc STBK3

Tồn tại trong một vũ trụ rộng lớn, con người dẫu nhỏ bé nhưng lại luôn khao khát khám phá cái bao la quanh mình. Tri thức nhân loại trong những thế kỷ đầu đặt vũ trụ là trung tâm của sự hiểu biết. Song, theo dòng lịch sử, bước khám phá ấy dần chuyển mình, hướng đến đặt con người làm trung tâm và không ngừng nỗ lực nâng cao phẩm giá người, tìm kiếm hạnh phúc đời người. Cùng với sự quy hướng ấy, nhân vị như một yếu tố cốt lõi luôn được đề cao. Trong triết học, con người chính là nhân vị; có lý trí, ý chí và trách nhiệm đối với bản thân, tha nhân và vũ trụ. Nhân vị ấy phải được tôn trọng như cứu cánh tự tại.[i] Dưới nhãn quan Ki-tô giáo, nhân vị bước lên cảnh giới siêu việt và mở đường cho sự phát triển con người toàn diện: “Chính khái niệm nhân vị, khởi nguồn và phát triển trong Kitô giáo, nuôi dưỡng khát vọng tìm kiếm một sự phát triển nhân bản toàn diện. Nhân vị luôn mang nghĩa tương quan, chứ không phải chủ nghĩa cá nhân; nhân vị khẳng định sự liên kết chứ không phải loại trừ, phẩm giá độc nhất và bất khả xâm phạm chứ không phải sự khai thác”.[ii]

Giữa những chủ thuyết nhân bản rộ lên trong xã hội hiện đại, Ki-tô giáo đã cung cấp một lộ trình, ngang qua cái nhìn về nhân vị, để đạt được khát vọng phát triển một nền nhân bản toàn diện. Nhân vị là yếu tố làm nên phẩm giá hợp nhất của con người cùng với hai yếu tố khác là nhân sinh và nhân thần. Một cái nhìn đúng đắn và đầy đủ về nhân vị sẽ giúp ta xây dựng một đời sống triển nở và đầy tràn ý nghĩa. Con người là nhân vị được hiểu là một phẩm giá độc đáo, bất khả xâm phạm; bởi con người là thụ tạo duy nhất có lý trí, ý chí, lương tâm và tự do – điều làm cho con người trở nên cao quý và độc nhất. Cùng với quan điểm này, Giáo hội ngày nay chống lại những chủ trương coi con người như đồ vật, bị sử dụng như những phương tiện để khai thác và hưởng lợi. Một trong những vấn đề nhức nhối là việc sử dụng con người hay thai nhi làm vật thí nghiệm.[iii] Con người có tính chủ thể và phải được mọi người nhìn nhận. Khi nhắc đến nhân vị, nhiều người dễ ngầm định một yếu tố nào đó mang tính cá nhân, quy kỷ. Nhưng giữa lòng tạo thành, phẩm giá nhân vị được thể hiện trong các mối tương quan, khởi đi từ việc con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa (St 1,27). Vì được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, con người luôn quy hướng về Người như Hữu thể nguồn cội và tương quan của mình. Thiên Chúa tự bản thể là Hữu thể tương quan giữa ba ngôi vị; do đó, con người khi thông dự vào Hữu thể thần linh ấy, cũng phải là một hữu thể tương quan, chỉ có thể tồn tại nhờ tương quan với Thiên Chúa, với bản thân, tha nhân và tạo thành.[iv]

Trong mối tương quan với Thiên Chúa, phẩm giá con người xuất phát từ ân huệ sáng tạo của Thiên Chúa,[v] được thông phần vào sự sống của Người. Do đó, con người là hữu thể duy nhất có khả năng nhận biết Thiên Chúa, yêu mến Thiên Chúa và hành động vì Thiên Chúa như là cùng đích đời mình. Đức Piô XII diễn tả như sau: “Con người là hình ảnh của Thiên Chúa, duy nhất và ba ngôi, và bởi đó là nhân vị, anh em của Con Người-Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô, rồi với Ngài và nhờ Ngài, là người thừa kế đời sống vĩnh cửu: đó là phẩm giá đích thực của con người”.[vi]

Nhân vị con người thứ đến luôn hướng về những nhân vị khác hay nói cách khác, chúng ta chỉ thực sự trở nên chính mình qua việc liên đới và tiếp xúc với người khác. Nhân vị mang chiều kích xã hội và sự thăng tiến của nhân vị lệ thuộc vào sự phát triển của xã hội; do đó, xã hội phải đặt nhân vị làm nguyên lý, là cứu cánh cho mọi định chế của mình. Nhờ đó, con người qua đối thoại, trao đổi và phục vụ lẫn nhau được thăng tiến mọi khả năng của mình.[vii] Chúng ta không thể xây dựng một nền đạo đức học cá nhân chủ nghĩa được, bổn phận của mỗi người phải vượt trên cái gì là riêng rẽ mà lan rộng đến toàn thế giới.[viii] Mối tương quan liên vị còn nói lên sự nhìn nhận, tôn trọng những nhân vị khác với cả con người họ, với lý trí, ý chí, tình cảm và thân xác họ.[ix] Mỗi người phải coi người thân cận như “cái tôi thứ hai” của mình, quan tâm đến sự sống và tìm những phương tiện để giúp họ sống một cuộc sống xứng đáng.[x] Đặc biệt, trong thời đại hôm nay, chúng ta lại càng lưu tâm hơn nữa trước tất cả những hình thức chống lại hay hủy hoại sự sống con người như phá thai, an tử, bạo lực, nô lệ, buôn người, …[xi] Con đường của Ki-tô giáo mở ra một tương lai nhân bản đích thực và toàn diện cho con người. Như Thiên Chúa là một cộng đoàn Ba ngôi yêu thương và hiệp nhất, con người cũng được thiết lập để trở nên một cộng đoàn gồm những nhân vị sống cho nhau và vì nhau.

Cùng với lý trí, ý chí và tự do, con người mang tương quan với chính mình, tự nhận thức chính mình, tự làm chủ bản thân, tự tạo tác để thành toàn đời mình và tự yêu thương mình.[xii] Ngoài ra, tương quan với tạo thành cũng làm nên phẩm giá của nhân vị, vì nhân vị là chủ thể có thân xác, sống trong thế giới vật chất này và sử dụng chúng theo nhu cầu của mình. Vì thế, đối với tạo thành, con người nhận thức, cai quản, cải tạo vũ trụ nên tốt đẹp hơn và con người trở nên thân thiện với vũ trụ này. Tạo thành liên đới với ta như một phần của thân thể và chúng ta có thể thương tiếc sự tuyệt chủng của một loài vật như mình bị mất tay chân vậy.[xiii] Thế giới hôm nay đang đối diện với sự khủng hoảng của môi sinh mà nguyên nhân chủ yếu lại xuất phát từ chính con người, con người  đã đẩy tương quan giữa mình và tạo thành vào thế đối lập. Vì thế, cần có một bước nhìn nhận mới về tạo thành và xây dựng lại tương quan này hầu nhân vị thực sự được triển nở cùng với tạo thành.

Nhân vị, khởi nguồn và phát triển trong Ki-tô giáo, được hiểu một cách đầy đủ, đã thực sự mở ra khát vọng về một nền nhân bản toàn diện cho con người. Một nhân vị có nguồn gốc thần linh đảm bảo cho hạnh phúc vĩnh cửu. Một nhân vị bình đẳng nhưng vẫn luôn độc đáo. Một nhân vị chấp nhận “liên lụy” với các nhân vị khác để hoàn thiện cho nhau. Một nhân vị hướng về tạo thành như ngôi nhà chung cần gìn giữ, bảo vệ. Con người khi sống đúng trong những mối tương quan ấy sẽ làm nên phẩm giá cao quý của mình.


 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1.    Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Từ điển Công giáo. Hà Nội: Tôn Giáo, 2016.

2.    Lm Phaolô Nguyễn Thành Sang. Giáo trình Thần học luân lý cơ bản. Năm 2021.

3.    Hội đồng Giám Mục Việt Nam. Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo Việt Nam. Hà Nội: Tôn Giáo, 2012.

4.    Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. CĐ Vaticano II - Hiến Chế Vui mừng và Hy vọng. Hà Nội: Tôn Giáo, 2012.

5.    Lm Phêrô Trần Mạnh Hùng. Thần học luân lý – Một cái nhìn mới. Hà Nội: Tôn Giáo, 2012.



[i] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Từ điển Công giáo, trang 643.

[ii] ĐGH. PHANXICÔ, Sứ điệp ngày hòa bình thế giới, 01.01.2021, số 6.

[iii] Lm Phêrô Trần Mạnh Hùng. Thần học luân lý – Một cái nhìn mới, trang 58

[iv] Lm Phaolô Nguyễn Thành Sang. Giáo trình Thần học luân lý cơ bản, trang 16.

[v] Hội đồng Giám Mục Việt Nam. Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo Việt Nam, số 1700.

[vi] Lm Phaolô Nguyễn Thành Sang. Giáo trình Thần học luân lý cơ bản, trang 15.

[vii] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. CĐ Vaticano II - Hiến Chế Vui mừng và Hy vọng, số 25.

[viii] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. CĐ Vaticano II -  Hiến Chế Vui mừng và Hy vọng, số 30.

[ix] Lm Phêrô Trần Mạnh Hùng. Thần học luân lý – Một cái nhìn mới, trang 59.

[x] Hội đồng Giám Mục Việt Nam. Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo Việt Nam, số 1931.

[xi] CĐ Vaticano II. Hiến Chế Vui mừng và Hy vọng, số 27.

[xii] Lm Phaolô Nguyễn Thành Sang. Giáo trình Thần học luân lý cơ bản, trang 29.

[xiii] Lm Phaolô Nguyễn Thành Sang. Giáo trình Thần học luân lý cơ bản, trang 31.

Luân lý Kitô giáo, Nhân vị, Phẩm giá con người

Labels:
Thư viện Học viện Công giáo Việt Nam