Matta Vân Anh STBK2
MỤC LỤC
DẪN NHẬP
NỘI DUNG
1. Tự tử
là gì?
1.1..................................................................................... Định nghĩa
1.2................................................. Các hình thức tự tử xét về luân lý
1.3.......................................................... Nguyên nhân của việc tự
tử
2. Nhóm ủng
hộ việc tự tử
2.1.................................................. Nhóm ủng hộ việc tự tử
thời xưa
2.2.................................................. Nhóm ủng hộ việc tự tử
hiện nay
3. Nhóm
chống đối việc tự tử
3.1............................................. Nhóm chống đối việc tự tử
thời xưa
3.2............................................. Nhóm chống đối việc tự tử
hiện nay
4. Quan
điểm của người viết
4.1...................................... Sự sống con người là cao
quý và vô giá
4.2.... Giúp loại bỏ ý định tự tử và bảo vệ mạng sống của con người
KẾT LUẬN
THƯ MỤC THAM KHẢO
DẪN NHẬP
Là
con người, ai cũng khao khát sống và sống một cuộc sống hạnh phúc. Con người với
bản năng sống rất mãnh liệt, luôn tìm cách duy trì và phát triển cuộc sống của
mình để sống dồi dào hết sức có thể. Sống là điều căn bản
để con người có thể thực hiện mọi thứ khác. Tuy nhiên, trong thực tế, có nhiều
người cảm thấy chán nản với cuộc sống, với chính sự hiện diện của mình trên cõi
đời này. Họ không còn một chút nào gọi là khát khao sự sống vì đối với họ nó chẳng
còn ý nghĩa gì cả, họ muốn chấm dứt sự hiện diện của mình trong cuộc đời bằng
cách tự tử. Tự tử là giải pháp mà nhiều người tìm đến. Trường hợp tự tử xảy ra ở
nhiều nơi, thuộc nhiều đối tượng khác nhau và trở thành một báo động cho thế giới.
Đặc biệt, ở các nước công nghiệp phát triển như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Canada,
tỷ lệ tự tử và số người có ý định tự tử ngày càng gia tăng... Vấn đề tự tử đụng
chạm đến chính cuộc sống của con người, khiến con người phải bàng hoàng, trăn
trở và không ngừng đặt ra các câu hỏi: Có được phép tự tử hay không? Những ai ủng
hộ tự tử? Những ai chống đối việc tự tử? Phải làm gì để giúp loại
bỏ ý định tự tử và bảo vệ mạng sống của con người?
Sự
sống là điều đáng quý và đáng trân trọng, vì thế, bài viết này chính là câu trả
lời dứt khoát của người viết cho vấn đề trên và là một gợi mở cho việc bảo vệ sự sống của con người.
Với những ý định đó, bài viết gồm bốn phần chính như sau:
§ Tự tử
là gì?
§ Nhóm ủng
hộ việc tự tử
§ Nhóm chống
lại việc tự tử
§ Quan điểm của người viết
NỘI DUNG
Tự
tử chính là nguyên nhân thứ 13 gây ra cái chết của con người trên toàn thế giới
và cũng là nguyên nhân tử vong lớn nhất ở thanh thiếu niên và người trưởng
thành.[1] Nó đã và đang là vấn đề
gây nhức nhối cho toàn xã hội, đụng chạm đến chính sự sống của con người, gây
cho gia đình và xã hội những mất mát, đớn đau, giày vò. Vì thế, để có thể trả lời
câu hỏi “Có được phép tự tử hay không?” thì thiết nghĩ, việc đầu tiên cần làm
là phải hiểu rõ tự tử là gì.
1.
Tự tử là gì?
1.1.
Định nghĩa
Tự tử (suicide) hay tự sát là hành động của
một người cố ý gây ra cái chết cho mình bằng cách giết đi sự sống của mình.[2] Có thể nói một cách nôm na rằng tự tử là tự
mình gây ra cái chết cho mình cách có ý thức vì một lí
do nào. Như vậy, nói đến tự tử là nói đến quyết định của một con người có lí
trí, có khả năng để suy nghĩ. Định nghĩa này gồm hai yếu tố chính là: (1) chủ
thể có ý định chết và (2) chính hành động nhắm đến cái chết của chủ thể.[3] Để hiểu rõ hơn về tự tử,
ta cần phân biệt giữa tự tử với an tử và trợ tử.
Phân biệt với an tử: An tử (euthanasia) nguyên nghĩa Hy Lạp là làm
chết êm, ngày nay nó có nghĩa là một cái chết để thoát khỏi đau đớn dịu cho bệnh
nhân, thường là nhờ vào sự can thiệp của y khoa.[4] An tử gồm có: an tử tự
nguyện, an tử phi tự nguyện và an
tử không tự nguyện. An tử là tự nguyện khi chính bệnh
nhân có sự đồng ý rõ ràng. An tử là phi tự nguyện khi bệnh nhân không có khả
năng bày tỏ sự ưng thuận cách tự do và không hiểu những gì sẽ xảy ra cho mình.
An tử không tự nguyện khi bệnh nhân vẫn còn tỉnh táo và không đồng ý để cho
mình bị giết chết.[5]
An tử và tự tử khác nhau ở chỗ trong an tử, người khác thực hiện hành động giết
người chứ không phải chủ thể là chính bệnh nhân.
Còn trợ tử (assisted suicide): chỉ việc tự sát với sự
trợ giúp của người khác. Trợ tử và tự tử khác nhau ở mức độ, thể hiện ở các
khía cạnh: lập tức, trực tiếp và có ý thức.[6]
Ta thấy rằng có sự phân biệt
giữa tự tử với an tử và trợ tử trong chính hành động giết người và một số khía
cạnh khác. Tuy nhiên, nếu dựa vào hai yếu tố trong định nghĩa về tự tử là (1)
có ý định chết và (2) hành động nhắm đến cái chết, thì trong an tử tự nguyện và
trợ tử đều có cả hai yếu tố này. Do vậy, an tử tự nguyện và trợ tử cũng là một
hình thức của tự tử.
1.2.
Các hình thức tự tử xét về
luân lý
Về luân lý, tự tử được chia
thành hai hình thức là tự tử trực tiếp và tự tử gián tiếp.[7] Tự tử
là trực tiếp khi chủ thể có ý định gây ra cái chết cho mình như mục đích hoặc
như phương tiện để đạt được mục đích, chẳng hạn vì thất tình mà uống thuốc
tự tử, hay tự lấy dao giết mình để khỏi bị truy tố trước pháp luật vì tội giết
người cướp của. Còn tự tử là gián tiếp khi chủ thể không có ý định gây ra cái
chết cho mình, không trực tiếp tìm đến cái chết nhưng cái chết chỉ là hậu quả
kéo theo của một hành động trực tiếp nhắm đến giá trị cao hơn, chẳng hạn như lính
cứu hỏa xông vào nơi hỏa hoạn để tìm cách cứu người đang mắc kẹt trong lửa và
biết mình có thể chết vì đám lửa đó.
Trong hai hình thức tự tử nêu
trên, ta thấy rằng tự tử gián tiếp không phải là tự tử thật vì chủ thể không có
ý định chết, không có ý định gây ra cái chết cho mình như mục đích hoặc như
phương tiện để đạt được mục đích mà nhắm đến giá trị cao hơn, còn cái chết chỉ
là một hậu quả kéo theo mà thôi. Do vậy, khi nói đến tự tử, ta nghĩ đến hình thức
tự tử trực tiếp về mặt luân lý mà thôi.
1.3.
Nguyên nhân của việc tự tử
Xét việc tự tử (bao gồm cả an
tử chủ động và trợ tử) dưới hình thức trực tiếp về mặt luân lý thì thường có những
nguyên nhân chính là do: trầm cảm, đau khổ, tự tử như một cuộc trốn chạy, tự tử
của người khôn ngoan và tự tử vì phản kháng. [8]
Tự tử vì trầm cảm: Chủ thể có
những nỗi buồn sâu xa, những khó khăn không thể giải quyết được rồi cảm thấy bất
lực, chán sống, đóng kín lòng mình trong sự buồn phiền, tuyệt vọng không lối
thoát. Đến một mức độ nào đó, chủ thể không thể chịu đựng được tình trạng này nữa
và tìm đến cái chết như là lối thoát cho những buồn phiền, tuyệt vọng này. Trầm
cảm cũng có thể xảy ra đối với những người nghiện rượu, ma túy và các chất kích
thích.
Tự tử vì đau khổ: Chủ thể thường
là những người bị hao mòn về sức khỏe thể xác và tinh thần. Ngoài sự đau đớn về
thể xác từng ngày từng giờ, chủ thể còn cảm thấy mình cô đơn, mất hết hy vọng, trở
nên gánh nặng cho người khác, sống cuộc đời vô nghĩa, không còn hữu ích nữa nên
tìm đến cái chết như là sự giải thoát duy nhất.
Tự tử như một cuộc chạy trốn: Chủ
thể cảm thấy khó khăn trong việc hội nhập xã hội, khó đáp ứng các đòi hỏi của
người khác (như phải đạt học sinh giỏi trong kì thi tốt nghiệp, phải thi đậu
vào trường đại học theo sự ép buộc hay kỳ vọng quá đáng của cha mẹ…), không kiểm
soát được những tình huống bất ngờ hay những thay đổi có tính chất quyết định
(như: phá sản, nghỉ hưu không còn đi làm và không còn có các mối quan hệ như
trước kia..). Giải pháp của họ là trốn chạy để khỏi phải đối mặt với những điều
tệ hại đó và tự tử là cách tốt nhất.
Tự tử của người khôn ngoan: Sống
trong sự ô nhục, bẻ mặt hay nô lệ chính trị là những điều hết sức tồi tệ đối với
một người thanh cao, không chịu luồn cúi, cầu cạnh hay bị mất danh dự. Vì thế,
khi lâm vào những trường hợp đó họ dễ dàng từ bỏ mọi sự cách dứt khoát, không
do dự để can đảm chọn cái chết cho mình hầu không chứng kiến hay không phải sống
với những điều tồi tệ đó.
Tự tử vì phản kháng: Chủ
thể trong trường hợp này thì rất minh mẫn nhưng đang bị sống trong những điều
kiện hạn chế và không có đời sống tâm linh nên chọn cách tự tử “như một sự khước
từ sự sống, như tiếng kêu phản kháng và tố giác sự bất công xã hội.”[9]
Trên đây là những nguyên nhân chính yếu nhất gây nên việc tự tử, thật ra còn có những nguyên nhân khác nữa... Tuy nhiên, những nguyên nhân trên cũng đủ để cho thấy rằng chủ thể đã gặp những bế tắc trong tâm thức mà không giải gỡ được. Những gì họ có thể nghĩ ra lúc này là tự tử - đó là lối thoát duy nhất cho tình trạng hiện thời của họ. Chủ thể có lẽ đã không có sự chia sẻ, cảm thông, an ủi, nâng đỡ, khích lệ của những người xung quanh để thêm động lực tiếp tục sống hay tìm ra cách giải quyết thỏa đáng cho tình trạng hiện tại của mình. Có thể nhận thấy rằng “Một cố gắng tự sát đôi khi như là một ‘tiếng cầu cứu’ và kêu gọi sự quan tâm, hoặc để bày tỏ nỗi thất vọng và muốn giải thoát, chứ không phải là ý định thật sự muốn chết.”[10]
Tự tử là vấn đề khiến mọi người ở mọi nơi và mọi thời đều quan tâm. Có hai luồng tư tưởng trái ngược nhau là ủng hộ và chống đối. Dưới đây là phần tìm hiểu cụ thể về hai luồng tư tưởng này.
2.
Nhóm ủng hộ việc tự tử
2.1.
Nhóm ủng hộ việc tự tử thời xưa
Ta thấy ngay từ thời cổ đại, Hy
Lạp và La Mã đã có xu hướng ủng hộ việc tự tử. Họ không nhắm đến hành vi làm
cho cái chết đến nhanh cho bằng việc nhắm đến cách thức chết của một người.[11] Cụ thể, nhiều người thời
đó thích chọn cái chết tự nguyện hơn là phải chịu những cơn đau kéo dài nên họ
đã xin thầy thuốc độc dược để làm mình được chết nhanh hơn. Các phán quan của
thành Athens cổ cũng có thể cung cấp độc dược cho người muốn chết. Ngoài ra, đa
số các trường phái triết học Hy Lạp lớn thời đó như Plato, Khắc kỷ, Khuyển nho
cũng đồng ý với việc trợ tử để chủ thể khỏi phải chịu các cơn đau đớn của bệnh
tật, hay khỏi bị sỉ nhục công khai, hoặc những điều khác tương tự thế. [12] Chính
Seneca - một triết gia La Mã thuộc trường phái Khắc kỷ cũng đã mạnh mẽ ủng
hộ quan điểm này:
Chống
lại tất cả đau thương của cuộc đời, tôi có nơi trú ẩn là cái chết. Nếu tôi có
thể chọn giữa một cái chết đau đớn và một cái chết dễ dàng, tại sao tôi không
chọn cái chết sau? Tại sao tôi phải chịu những đau đớn cùng cực của bệnh tật
khi tôi có thể tự giải thoát mình khỏi mọi nỗi khốn khổ?[13]
Người Hin-đu trong quá khứ cũng
đã ủng hộ tự tử khi họ nhìn nhận tự tử như là một hành động mộ đạo. Cụ thể, sau
khi người chồng qua đời thì người vợ góa cũng tự kết liễu đời mình bằng cách nhảy
vào giàn hỏa thiêu. Họ tin rằng khi người góa phụ làm điều này thì chính người
nhà của cô sẽ gặp may mắn đến bảy thế hệ sau.[14]
Còn ở Nhật Bản, vào thế kỷ
XII, tự tử bằng cách mổ bụng của các Samurai được xem là một hành động anh
hùng, dũng cảm và được ủng hộ. Các Samurai với tinh thần
trọng danh dự và lòng trung thành đã tuẫn tiết bằng cách mổ bụng để bảo vệ danh
dự của mình khi không chịu đầu hàng kẻ địch hay khi phải sống trong ô nhục. Tự
tử bằng nghi lễ mổ bụng cũng được xem là một cách để lấy lại danh dự cho bản
thân.[15]
Vào thời cận đại, David Hume – triết gia duy nghiệm Anh đã có cả một khảo luận
bàn về tự tử (Of Suicide), trong đó ông
cho rằng nếu để tuổi tác, bệnh tật, bất hạnh khiến cuộc đời trở thành gánh nặng
thì điều này tồi tệ hơn là việc tự hủy diệt chính sự sống của con người. Ông
cũng cho rằng nếu một người bị đau khổ đến mức cùng cực, không còn hữu ích cho
xã hội thì không bắt buộc phải kéo dài sự sống.[16]
2.2.
Nhóm ủng hộ việc tự tử hiện nay
Thời
xưa là thế, ngày nay cũng có nhiều người đã dựa trên quyền tự quyết để biện hộ
cho hành vi tự tử. Quyền tự quyết nghĩa là quyền tự do thực hiện hay định đoạt về
cuộc sống và thân thể của mình mà không có sự ép buộc bên ngoài.[17] Margaret Pabst Battin - một triết gia người Mỹ,
đồng thời cũng là nhà đạo đức y học và Giáo sư nổi tiếng tại Đại học Utah đã dựa
trên quyền tự quyết để ủng hộ việc chết được hỗ trợ và cô còn đi xa hơn nữa khi
cho rằng quyền được tự sát gắn chặt với nhân phẩm đến độ đây là một quyền cơ bản
không thể bỏ qua.[18]
Trên thế giới hiện nay, người ta thường cho rằng “quyền tự quyết của một người có thể cho phép người đó chọn lựa tiếp tục sống hay chết và thầy thuốc có bổn phận tôn trọng và giúp đỡ bệnh nhân thực hiện quyết định này.”[19] Dưới áp lực của xã hội, một số nước đã cho phép trợ tử bệnh nhân như: Bỉ, Luxembourg, Hà Lan và năm bang của Mỹ.[20]
3.
Nhóm chống đối việc tự tử
3.1.
Nhóm chống đối việc tự tử thời xưa
Bên cạnh những người đồng ý với
việc tự tử thì vẫn có rất nhiều người phản đối điều này. Các triết gia cổ đại đồng
ý với việc tự tử nhưng không phải tất cả, bằng chứng là vẫn có trường phái chống
đối. Chẳng hạn, trường phái Pythagore tin rằng các thần linh coi trọng từng
linh hồn con người, và tự tử chính là không tôn trọng sự sống ấy. Ngoài ra, họ
còn xem con người có mặt trên cõi đời là một hình phạt do tội lỗi trong quá khứ,
vì thế việc chấm dứt sớm cuộc sống của mình được xem là vi phạm lệnh truyền của
thần linh.[21]
Nổi
bật trong việc chống đối này là trường phái y khoa Hippocrates với lời thề mà
ngày nay vẫn còn là một hướng dẫn đạo đức cho các bác sĩ: “Tôi sẽ kê toa vì lợi
ích của bệnh nhân, tùy theo khả năng và thẩm định của tôi và không bao giờ làm
hại ai. Tôi không bao giờ đưa thuốc giết người cho bất kỳ ai hỏi tôi và sẽ
không tư vấn một kế hoạch như vậy.”[22]
Socrate đã chống đối việc tự tử với
quan điểm rằng không ai được phép lấy đi mạng sống cho đến khi Thiên Chúa muốn
lấy lại.[23]
Aristote
thì cho rằng tự tử là hành vi phạm tội chống lại nhà nước, chống lại cộng đồng
nhân loại.
Kant thì không bao giờ ủng hộ
tự tử vì nó đi ngược lại với đạo đức học bổn phận của ông. Cụ thể, Kant cho rằng
con người phải có nghĩa vụ bảo vệ mạng sống của chính mình.
Vì thế, nếu một người bị đau khổ, tuyệt vọng đến mức không còn muốn sống nhưng
“vẫn giữ vững ý chí bảo vệ mạng sống của mình, không vì ý muốn mà từ bỏ nghĩa vụ”[24] thì hành động của anh ta mới
thực sự là một hành động có giá trị đạo đức.
3.2.
Nhóm chống đối việc tự tử hiện nay
Phật Giáo từ xưa cho đến nay vẫn
quan niệm tự sát là một tội lỗi to lớn, thậm chí nặng hơn tội giết người khác, và
với luật nhân quả thì sẽ phải trả một quả khổ rất nặng, khó có thể siêu thoát để
tiếp tục đầu thai.[25]
Ngày nay, nhiều người cũng dựa
trên tính thánh thiêng của sự sống để phản đối việc tự tử. Tính thánh thiêng của
sự sống vừa có nguồn gốc từ bên trong lẫn bên ngoài tôn giáo. Đối với Công
Giáo, chính Thiên Chúa mới là nguồn gốc và là chủ cuộc sống con người, con người
chỉ có nhiệm vụ quản lý sự sống của mình chứ không có quyền định đoạt cất đi sự
sống ấy, do vậy tự tử là một trọng tội và vi phạm điều răn thứ năm của Thiên
Chúa.[26]
Cũng phản đối việc tự tử dựa
trên tính thánh thiêng của sự sống, Albert Schweitzer – một nhà thần học, đồng
thời cũng là nhà triết học và là một bác sĩ đã biểu lộ việc tôn trọng sự sống với
câu nói nổi tiếng: “Đạo đức không gì hơn là lòng tôn kính cuộc sống” (Ethics is nothing else than reverence for
life.)[27]
Ngày nay, để chống đối việc tự tử, người ta còn thành lập một Hiệp hội Quốc tế về Phòng chống Tự sát, viết tắt là IASP (International Association for Suicide Prevention). Hiệp hội này có nhiệm vụ nghiên cứu, phòng ngừa, ngăn chặn tự sát… và lấy ngày 10 tháng 9 hàng năm là ngày thế giới hành động để ngăn chặn hành vi tự sát. [28]
Trên đây là những lập trường ủng hộ và chống đối việc tự sát. Bản thân người viết cũng có những quan điểm riêng của mình…
4.
Quan điểm của người viết
Bên cạnh lập
trường đồng ý với việc tự tử thì cũng có lập trường chống đối rõ ràng. Riêng đối
với người viết, người viết không đồng ý việc tự tử dưới bất cứ hình thức nào vì
sự sống con người luôn là điều cao quý và vô giá.
4.1.
Sự sống con người là cao quý và vô giá
Quả thế, sự sống con người
luôn là điều cao quý dù con người đang ở trong bất kì tình trạng nào: khi con
người hạnh phúc, thành công hay khi con người thất bại, đau khổ tư bề và cả khi
con người không còn có ý thức về mình nữa. Con người có giá trị và được nâng
cao giá trị của mình nhờ các hoạt động, nhờ những đóng góp và sự hữu ích đối với
xã hội, điều đó đúng, nhưng chưa đủ. Trên tất cả, sự hiện hữu của con người vốn
là một thiện hảo rồi. Con người được sinh ra trong cõi đời, được hiện hữu vốn
là một điều cao quý và đáng phải trân trọng hơn bất cứ thứ gì và hơn bất cứ hoạt
động nào khác của con người. Chính vì thế, người viết kịch liệt phản đối việc tự
tử dưới bất cứ hình thức nào.
Hơn nữa, là một người Công Giáo,
người viết còn ý thức rằng sự sống là điều cao quý vì hồng ân sự sống là một ân
ban nhưng không của Thiên Chúa, và chính Thiên Chúa là nguồn gốc đồng thời là
chủ tể của sự sống con người. Con người với tư cách là người quản lý sự sống có
nhiệm vụ phải làm cho sự sống đó được triển nở dồi dào, phong phú chứ không phải
là hủy diệt sự sống đó. Trước mặt Thiên Chúa thì mỗi một người đều là quý giá,
đều có giá trị riêng biệt và được Thiên Chúa yêu thương. Ngoài ra, chính Chúa
Giêsu cũng đã cho chúng ta thấy sự sống con người quý trọng biết bao khi Ngài
nhận lấy bản tính con người, sống như con người và dùng chính máu của mình mà
chuộc lại sự sống cho con người.[29]
Ngoài ra, sự sống là điều vô
giá, chỉ khi mất rồi ta mới thấy rõ giá trị của nó. Vũ Thành Vinh là một nghệ
sĩ ưu tú, đạo diễn, nhà sản xuất chương trình nổi tiếng và cũng là người sáng lập
hàng loạt trò chơi có định dạng thuần Việt,[30] sau khi trở về từ căn bệnh
thập tử nhất sinh đã có những cảm nghiệm rất thiết thực về sự sống: sự sống đó
là điều vô giá và là một phép màu, hãy trân trọng sự sống. Quả thật, sự sống là
điều vô giá, là một phép màu, nhờ sự sống, nhờ hiện hữu trong cuộc đời mà con
người mới làm được mọi sự. Sống là
điều căn bản để con người có thể thực hiện mọi thứ khác, mất đi sự sống con người mất đi mọi khả năng để trở
thành.
Không
những thế, con người còn có giá trị và được tăng thêm giá trị nhờ sức chịu đựng
với những đau khổ, những thử thách trong cuộc sống. Khó khăn, đau khổ tột cùng thế
nào thì cuối cùng nó cũng sẽ qua đi, sau cơn mưa trời lại sáng, đau khổ không
thể kéo dài mãi được. Tự tử chỉ là sự lựa chọn trong lúc quẫn trí, không sáng
suốt, cần có thời gian để bình tâm suy xét, nhìn nhận mọi việc cách sáng suốt…
Với những lí do trên, người viết thêm một lần nữa khẳng định quan điểm của mình là không được phép tự tử dưới bất cứ hình thức nào!
4.2.
Giúp loại
bỏ ý định tự tử và bảo vệ mạng sống của con người
Sự
sống là điều vô cùng cao quý và vô giá, đáng trân trọng, nhưng không phải tất cả
mọi người trong mọi trường hợp đều có thể ý thức được điều này. Với quan điểm
là không được phép tự tử dưới bất cứ hình thức nào, người viết thiết nghĩ, để
giúp mọi người có thể loại bỏ được ý định tự tử thì việc cần làm là giúp hiểu
rõ, tôn trọng, và quyết tâm bảo vệ sự sống của mọi người cũng như của chính mình.
Cụ thể:
Thứ
nhất, bằng giáo dục và tuyên truyền. Giáo dục và tuyên truyền có một vai trò rất
quan trọng trong việc giúp hiểu rõ và hình thành ý thức này. Giáo dục từ chính
trong gia đình, nơi nhà trường và các hình thức tuyên truyền của xã hội sẽ hình
thành nơi mỗi con người ngay từ nhỏ ý thức tôn trọng, bảo vệ sự sống nhất là sự
sống của mình. Nếu có được nền tảng này, khi gặp những vấn đề đau khổ, khó vượt
qua trong cuộc sống, con người sẽ thêm ý chí và nghị lực để vượt qua chứ không
nghĩ đến tự tử như là một lối giải thoát.
Thứ
hai, chính niềm tin vào một tôn giáo hay tin vào một điều gì đó tốt đẹp cũng là
một yếu tố quan trọng giúp con người nói không với việc tự tử. Trong những lúc
tăm tối nhất, chính niềm tin sẽ soi sáng và giúp mở lối thoát cho ta. Vì thế, Vũ
Thành Vinh đã cho mọi người một lời khuyên ý nghĩa: “Nếu không tin bất cứ tôn
giáo nào, hãy tin vào những điều tốt đẹp. Nó sẽ giúp chúng ta hạnh phúc hơn.”[31]
Thứ
ba chính là thái độ sống. Nếu mỗi người ý thức sống cách nhiệt tình, hăm hở, thiết
tha với cuộc sống và luôn hướng đến những điều tốt đẹp thì sẽ không bao giờ
nghĩ đến việc tự kết thúc cuộc sống như là một giải pháp cho sự cùng quẫn của
mình. Thiết nghĩ cũng cần thay đổi những thói quen xấu, tạo lập một lối sống
lành mạnh, chuẩn bị cho một tâm lý thật vững vàng để có thể đối diện được với
những thử thách, khó khăn trong cuộc sống.
Thứ
tư là cần cởi mở lòng mình với người tín nhiệm. Trước một người mình tín nhiệm
và khôn ngoan, nếu ta chân thình chia sẻ tâm sự, bàn hỏi thì trong mọi sự thế
nào cũng có cách giải quyết chứ không phải là dùng cái chết như phương pháp tối
ưu để giải quyết. Vì thế, cần phải tìm cho mình một người mình tín nhiệm để
chia sẻ, bàn hỏi.
Thứ
năm là cần có lòng thương cảm với tha nhân. Vì thực chất sâu xa trong những cố
gắng tự tử đôi khi chính là tiếng kêu cứu, mong được sự quan tâm, mong xoa dịu
những đau đớn thể xác hay tinh thần mà họ đang phảo chịu, mong giúp họ thoát khỏi
hố sâu của tuyệt vọng mà bản thân họ không thể tự thực hiện được chứ không phải
là ý định thật sự muốn chết.[32] Lòng cảm thương chân thực của con người sẽ khiến ta liên
đới với nỗi đau của người khác, nhạy bén trước những nhu cầu của họ. Chính khi
có sự nhạy bén và thương cảm đó, ta sẽ chủ động an ủi, chia sẻ, giúp đỡ, đồng
hành với người khác để họ được tiếp thêm sức mạnh và động lực đối diện với cuộc
sống.
Tóm lại, sự sống con người là điều cao quý và vô giá. Vì thế, để giúp loại bỏ ý định tự tử và bảo vệ mạng sống của con người thì chính bản thân mỗi người phải ý thức tập luyện mình, sống tích cực, siêu nhiên và đồng thời cũng cần mở ra với người khác nữa.
KẾT LUẬN
Như
Vũ Thành Vinh đã cảm nghiệm sau cơn bạo bệnh: “Tôi đã
chạm đến cái chết để nhận ra vẻ đẹp lộng lẫy của sự sống;”[33] quả thật, sự sống có một vẻ đẹp rất lộng lẫy
và thu hút con người. Chúng ta được hiện hữu trong cõi đời này là một điều kỳ
diệu và rất đáng trân quý. Với bản năng, chúng ta có khuynh hướng bảo tồn và
kéo dài sự sống của mình, đây là một điều chính đáng. Tự tử chính là hành động
đi nghịch lại với tình yêu chính đáng với bản thân mà trong một giây phút bế tắc
không lối thoát con người đã dùng đến nó, đây là điều hết sức tồi tệ. Ta chỉ
nghiệm thấy sự quý giá, đáng trân trọng của một điều khi để nó mất đi, đừng để điều
đó xảy ra với chính sự sống của mình! Tại sao? Vì hơn tất cả, sự sống một khi mất
đi thì sẽ không bao giờ tìm hay lấy lại được; và một khi mất đi sự sống thì ta
không thể làm được bất cứ điều gì nữa. Chúng ta có nghĩa vụ bảo vệ sự sống của
người khác và cả sự sống của chính mình. Hãy sống làm sao cho có ý nghĩa nhất, trọn
vẹn nhất và sung mãn nhất để mỗi giây phút trôi qua ta không bị hối tiếc. Mỗi ngày
sống của chúng ta là điều quý giá và đáng được trân trọng, nâng niu.
THƯ MỤC
THAM KHẢO
1. Dionigi
Tettamanzi. Tân đạo đức sinh học Kitô.
Nguyễn Văn Tuyến biên soạn. Đại Chủng Viện Huế, 2003.
2. Agneta
Sutton. Đạo Đức Sinh Học Kitô Giáo. Tạ
Quang Hùng, Phạm Ngọc Thành biên dịch. Thanh
Niên, 2012.
3. Trần
Quốc Dũng. Đạo Đức Sinh Học, Tập 2B. Phương Đông, 2017.
4. Thần Học Luân Lý Chuyên Biệt, tập II. Tủ
sách chuyên đề.
5. Trần Mạnh
Hùng. Đạo Đức Sinh Học và Những Thách Đố
Hiện Nay. Phương Đông.
6. Phạm
Văn Tú. Thực Hành Y Khoa và Vấn Đề An Tử
- Trợ Tử Dưới Nhãn Quan Kitô Giáo. Antôn & Đuốc Sáng.
7. Michael
Sandel. Phải Trái Đúng Sai. Dịch giả
Hồ Đắc Phương. Trẻ.
8. Vũ Thành Vinh. Sự Sống Đáng Giá Bao Nhiêu?. Văn
Hóa-Văn Nghệ.
9. Sách Giáo Lý của Hội Thánh
Công Giáo. Bản
dịch của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin. Hà Nội: Tôn Giáo, 2009.
10. Lời Thề
Hippocrates. Truy cập ngày 10 tháng
6, 2020. http://www.bvctch.vn/vn/loi-the-hippocrates.
11. Phương Quyên. CEO
Vũ Thành Vinh: Sự sống đáng giá bao nhiêu?. Truy cập ngày 11 tháng 6,
2020. https://nhipcaudautu.vn/song/ceo-vu-thanh-vinh-su-song-dang-gia-bao-nhieu-3327005/
12. Hồng Duy. Mổ Bụng Tự
Sát, Cách Chết Vì Danh Dự Của Võ Sĩ Đạo Nhật Bản. Truy cập ngày 11 tháng 6, 2020. https://zingnews.vn/mo-bung-tu-sat-cach-chet-vi-danh-du-cua-vo-si-dao-nhat-ban-post528091.html
13. Thi Trân. 'Cái Chết Nhân Đạo' Gây Nhiều Tranh Cãi Ở Các Nước. Truy cập ngày 11 tháng 6, 2020. https://vnexpress.net/cai-chet-nhan-dao-gay-nhieu-tranh-cai-o-cac-nuoc-3204264.html
14. Thúy Quỳnh. Bác Sĩ Đầu Tiên Trên Thế Giới và Lời Thề Hippocrates. Truy
cập ngày 10 tháng 6, 2020. https://vnexpress.net/bac-si-dau-tien-tren-the-gioi-va-loi-the-hippocrates-3826762.html
15. Thanh Tâm. Tự Tử Dưới
Góc Nhìn Phật Giáo, truy cập ngày 11 tháng 6, 2020. https://phatgiao.org.vn/tu-tu-duoi-goc-nhin-phat-giao-d32741.html
16. Albert
Schweitzer. Truy cập ngày 11 tháng
6, 2020. https://www.tudiendanhngon.vn/danhnhan/dnct/itemid/304/search/albert-schweitzer
[1] x.Tự Sát, truy cập ngày 9 tháng 6, 2020, https://vi.wikipedia.org/wiki/Tự_sát
[2] Trần Quốc Dũng, Đạo Đức Sinh
Học, tập 2B, (Phương Đông, 2017), 407 & Tự sát, truy cập ngày 9 tháng 6,
2020, https://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BB%B1_s%C3%A1t
[3] x. Phạm Văn Tú, Thực
Hành Y Khoa và Vấn Đề An Tử - Trợ Tử Dưới Nhãn Quan Kitô Giáo, (Antôn &
Đuốc Sáng), 32.
[4] x. Phạm Văn Tú, Thực Hành…, 14.
[5] x. Phạm Văn Tú, 14-16.
[6] x. Trần Quốc Dũng, Đạo Đức Sinh Học, tập 2B, 413-414.
[7] x. Trần Quốc Dũng, Đạo Đức Sinh Học, tập 2B, 740.
[8] x. Trần Quốc Dũng, Đạo Đức Sinh Học, tập 2B, 733 - 736.
[9] Trần Quốc Dũng, Đạo Đức Sinh Học, tập 2B, 736.
[10] Tự sát, truy cập ngày 9 tháng 6,
2020, https://vi.wikipedia.org/wiki/Tự_sát#Các_khía_cạnh_xã_hội
[11] x. Phạm Văn Tú, Thực Hành…, 20-21.
[13] x. Emanuel Ezekiel J., Why Now?, 177, được trích dẫn trong Phạm Văn
Tú, Thực Hành Y Khoa và Vấn Đề An Tử - Trợ
Tử Dưới Nhãn Quan Kitô Giáo, 21.
[14] x. Sati (tập tục), truy cập ngày 11 tháng
6, 20202. https://vi.wikipedia.org/wiki/Sati_(tập_tục)
[15] x. Hồng Duy, Mổ Bụng Tự Sát, Cách Chết Vì Danh Dự Của Võ
Sĩ Đạo Nhật Bản, truy cập ngày 11
tháng 6, 2020, https://zingnews.vn/mo-bung-tu-sat-cach-chet-vi-danh-du-cua-vo-si-dao-nhat-ban-post528091.html
[16] x. Phạm Văn Tú, Thực Hành …, 25.
[17] x. Phạm Văn Tú, Thực Hành…, 45 & Quyền
tự quyết, truy cập ngày 11 tháng 6, 2020, https://vi.wikipedia.org/wiki/Quy%E1%BB%81n_t%E1%BB%B1_quy%E1%BA%BFt
[18] x. Phạm Văn Tú, Thực Hành…, 45 – 46.
[19] Trần Quốc Dũng, Đạo Đức Sinh Học, tập 2B, 734.
[20] x. Thi Trân. 'Cái Chết Nhân Đạo' Gây Nhiều Tranh Cãi Ở Các Nước,
truy cập ngày 11 tháng 6, 2020, https://vnexpress.net/cai-chet-nhan-dao-gay-nhieu-tranh-cai-o-cac-nuoc-3204264.html
[21] x. Phạm Văn Tú, Thực Hành…, 22.
[22] Thúy Quỳnh, Bác
Sĩ Đầu Tiên Trên Thế Giới và Lời Thề
Hippocrates, truy cập ngày 10 tháng 6, 2020, https://vnexpress.net/bac-si-dau-tien-tren-the-gioi-va-loi-the-hippocrates-3826762.html
[23] x. Trần Quốc Dũng, Đạo Đức Sinh Học, tập 2B, 729.
[24] x. Michael Sandel, Phải Trái Đúng Sai, Dịch giả Hồ Đắc
Phương, (Trẻ). 101.
[25] Thanh Tâm, Tự Tử Dưới
Góc Nhìn Phật Giáo, truy cập ngày 11 tháng 6, 2020, https://phatgiao.org.vn/tu-tu-duoi-goc-nhin-phat-giao-d32741.html
[26] x. Sách Giáo Lý của
Hội Thánh Công Giáo, Bản dịch của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin. (Hà Nội:
Tôn Giáo, 2009), các số 2258,
2270, 2280.
[27]x. Albert Schweitzer, truy cập ngày 11 tháng 6, 2020, https://www.tudiendanhngon.vn/danhnhan/dnct/itemid/304/search/albert-schweitzer
[28] x.
Hiệp hội Quốc tế về Phòng chống Tự sát, truy cập ngày 11 tháng 6, 2020, https://vi.wikipedia.org/wiki/Hiệp_hội_Quốc_tế_về_Phòng_chống_Tự_sát
[29] x. Trần Quốc Dũng, Đạo Đức Sinh Học, Tập 2B, 737-740.
[30] x. Vũ Thành
Vinh, truy cập ngày 12 tháng 6, 2020 https://vi.wikipedia.org/wiki/V%C5%A9_Th%C3%A0nh_Vinh
[31] Phương Quyên, CEO Vũ Thành
Vinh: Sự sống đáng giá bao nhiêu?, truy
cập ngày 11 tháng 6, 2020, https://nhipcaudautu.vn/song/ceo-vu-thanh-vinh-su-song-dang-gia-bao-nhieu-3327005/
[32] x. Tự Sát, truy cập ngày 11 tháng 6, 2020, https://vi.wikipedia.org/wiki/Tự_sát#Các_khía_cạnh_xã_hội
[33] Vũ Thành Vinh, Sự Sống Đáng Giá Bao Nhiêu?, Văn Hóa-Văn
Nghệ, 204.