MỤC LỤC
DẪN NHẬP
NỘI DUNG
1. Thể
chế chính trị pháp trị
1.1. Thể
chế chính trị pháp trị là gì?
1.2. Những đặc điểm của thể chế chính trị pháp trị:
1.3. Ba kiểu nhà nước pháp trị ở Tây Phương:
2. Tự
do dân chủ chân chính
2.1. Tự
do dân chủ chân chính là gì?
2.2. Những đặc điểm của tự
do dân chủ chân chính:
2.3. Các
hình thức dân chủ:
3. Tương
quan giữa thể chế chính trị pháp trị và tự do dân chủ chân chính
KẾT LUẬN
THƯ MỤC THAM KHẢO
DẪN NHẬP
Con người có đặc tính xã hội nên không thể sống riêng lẽ một mình nhưng là sống với, sống cùng. Chính đặc tính xã hội này khiến cho con người có những tương giao rất phong phú, làm nên ý nghĩa cuộc sống. Tuy nhiên, cũng chính vì đặc tính xã hội này mà con người cũng không ít lần va chạm với nhau gây nên những đổ vỡ đáng tiếc. Làm sao để mọi người có thể cùng chung sống với nhau cách tích cực nhất? Làm sao để dung hòa được cá nhân với tập thể? Làm sao để mọi người trong một đất nước có thể sống hài hòa, sống đúng phẩm giá và làm triển nở cuộc sống của mình? Để phần nào trả lời cho những câu hỏi trên, ta hãy cùng tìm hiểu về thể chế chính trị pháp trị và tự do dân chủ chân chính cũng như mối tương quan giữa chúng. Đây không phải là câu trả lời rốt ráo cho các câu hỏi trên nhưng phần nào giúp chúng ta hiểu và sống với nhau trong một đất nước cách tốt đẹp hơn.
NỘI DUNG
1.
Thể chế chính trị pháp trị
1.1.
Thể chế chính trị pháp trị là gì?
Pháp trị là “chế độ chính trị của một nước dựa vào pháp luật
để quản lý nhà nước và điều hành xã hội”[1]. Một đất nước có thể chế
chính trị pháp trị nghĩa là mọi người trong đất nước đều phải chịu sự chi phối,
ảnh hưởng của pháp luật chứ không phải con người có quyền
tối thượng. Luật pháp tuy không phải
là chủ thể cai trị nhưng là phương tiện để nhà nước thực hiện chức
năng cai trị, bảo vệ và củng cố
địa vị của nhà nước.
Nói
đến thể chế chính trị pháp trị, người ta không thể không nhắc đến cụm từ “pháp
quyền” là hệ thống pháp luật tiêu biểu cho quyền lực của một nhà nước, một chế
độ[2]. Pháp quyền diễn
tả mối quan hệ giữa quyền lực nhà nước và pháp luật: quyền lực nhà nước được pháp
luật điều chỉnh, kiểm soát; nhà nước không đứng trên hay đứng ngoài pháp luật nhưng chịu sự ảnh hưởng của pháp luật[3]. Vì thế, dựa vào
những điều trên, có thể nói rằng trong “pháp trị” có “pháp quyền”.
1.2.
Những
đặc điểm của thể
chế chính trị pháp trị:
Một trong những
người đầu tiên đưa ra ý tưởng về nhà nước pháp trị là Immanuel Kant[4], tiếp
đó Albert Venn Dicey – nhà tư tưởng Anh
đã tiếp nối và đưa ra ba nguyên tắc cơ bản của chế độ phân quyền là:
(1) Không ai có thể bị trừng phạt hoặc phải chịu đựng
một hình phạt trừ khi có hành vi trái pháp luật được chứng minh tại tòa án; (2)
Không ai đứng trên pháp luật và mọi người đều bình đẳng trước pháp luật bất kể
địa vị xã hội, kinh tế hay chính trị của họ; (3) Nguyên tắc pháp quyền bao gồm
những kết quả của các quyết định tư pháp xác định quyền của các cá nhân[5].
Những nguyên tắc đó đã làm nên ý nghĩa của pháp trị: là công cụ điều chỉnh quyền
lực của chính phủ, là sự bình đẳng trước pháp luật và là thẩm quyền tài phán phải
tuân theo thủ tục tố tụng đã được ấn định trước[6]. Pháp trị chính là
sự thể hiện thành định chế các tư tưởng tự do; và một hệ thống nhà nước tự do phải được bảo đảm bởi nhà nước pháp quyền.
Trong thể chế pháp
trị có sự phân chia quyền lực rạch ròi, bao gồm:
lập pháp, hành
pháp và tư pháp. J.
Locke - nhà triết học Anh, đã khởi thảo học thuyết phân quyền này và sau đó
Montesquieu đã phát triển nó một cách toàn diện. Theo Montesquieu, ba quyền lập pháp, hành pháp và
tư pháp phải phân lập, tách ra khỏi nhau và độc lập với nhau, không quyền
nào hơn quyền nào và được giao cho những cơ quan độc lập với nhau đó là: quốc hội
với quyền lập pháp, chính phủ với quyền hành pháp và toà án với quyền tư pháp.
1.3.
Ba kiểu nhà nước pháp trị ở Tây Phương:
Thể chế chính trị pháp trị đã được áp
dụng ở Liên Hiệp Âu Châu và ở Bắc Mỹ với hình thức đặc trưng là chế độ Đại nghị
và Dân chủ đại diện[7]. Có ba quan điểm đại diện cho ba hệ thống pháp lý lớn nhất đó
là: Rule of law (Anh), Due process of law (Mỹ), État de droit (Pháp) -
Rechtsstaat (Đức).
1.3.1.
Nhà nước pháp trị kiểu Anh: Rule of law
Nhà nước này phát sinh từ nhu cầu giới
hạn những đặc quyền của nhà vua và trao quyền cho Nghị viện. Theo kiểu nhà nước
pháp trị Anh thì luật pháp là cao cả tuyệt đối, tất cả mọi người đều phải tôn
trọng pháp luật. Trước pháp luật, tất cả mọi người đều bình đẳng. Rule of law còn hàm chứa những
tính chất căn bản trong nội dung như: chỉ nhắm đến tương lai mà quy định, rõ
ràng, phân minh, vững bền, có tính tiên liệu, tôn trọng quyền và tự do của công
dân[8]…
1.3.2.
Nhà nước pháp trị kiểu Mỹ: Due
process of law
Nhà nước Pháp trị Mỹ vẫn dựa vào hình
thức pháp trị của Anh nhưng có bổ sung bằng cách điều chỉnh lại ý niệm đại diện
trong chính trị, xây dựng Hiến pháp cứng rắn với tam quyền phân lập rõ rệt về mặt
nguyên tắc và kiểm sát hiến tính bằng đường lối tài phán[9]. Những bổ sung này làm cho nhà nước pháp trị Mỹ
có sự cải tiến hơn nhà nước pháp trị Anh, tòa án Mỹ có thể đi vào nội dung của
luật để kiểm sát hiến tính của nó về mặt hình thức và nội dung. Nhà nước pháp
trị Mỹ có tầm ảnh hưởng không chỉ trong phạm vi tòa án mà còn lan rộng, tạo nên
một nền văn hóa pháp lý đặc thù.
1.3.3. Nhà nước pháp trị kiểu Pháp và Đức: État de droit,
Rechtsstaat
Nếu như nhà nước pháp trị kiểu Mỹ có
nhiều tương đồng với nhà nước pháp trị kiểu Anh thì nhà nước pháp trị kiểu Pháp
và Đức lại có mạch tư tưởng pháp trị mang nhiều khác
biệt. Thế kỷ XX, Pháp và Đức đã có hai thay đổi cơ bản: Hiến pháp được đưa lên
hàng đầu của thứ bậc quy phạm và kiểm sát hiến tính của luật theo đường lối tài
phán hoặc bán tài phán (tài phán ở Đức và bán tài phán ở Pháp). Chính những điều
này đã đưa nhà nước pháp định ở Pháp và Đức lên thành nhà nước pháp trị.
2.
Tự do dân chủ chân chính
2.1.
Tự do
dân chủ chân chính là gì?
“Tự do” là quyền của cá nhân được sống và hoạt động xã hội
theo ý nguyện của mình, có cơ hội lựa chọn, quyết định và hành động theo đúng với
ý chí nguyện vọng bản thân mà không bị
cấm đoán, ép buộc hay xâm phạm[10].
Còn “dân chủ” nghĩa là chính quyền của nhân dân
hay sự cai trị của nhân dân[11]. Ngày nay, dân chủ được
dùng “để chỉ các hình thức quyền lực, trật tự chính trị hay các hệ thống chính
trị, trong đó quyền bính và chính phủ phát xuất từ nhân dân”[12].
Như thế, tự do thường đi liền với dân chủ và đôi khi người
ta còn hiểu tự do và dân chủ là một:
có tự do tức là có dân chủ, và có dân chủ nghĩa là có tự do, hai điều này không tách rời nhau. Aristotle khẳng định:
“Căn bản
của một nhà nước dân chủ là tự do, theo quan niệm thông thường, là một đặc tính
chỉ có được trong một nhà nước dân chủ. Đó cũng chính là điều mà người ta cho rằng
là cứu cánh cao cả của mọi nền dân chủ.”[13]
Thế nhưng, thực tế chính trị lại cho thấy tự do và dân chủ
không luôn đi đôi với nhau vì có những hệ thống chính trị dân chủ nhưng lại
không tự do[14].
Vì vậy, để phát huy ý nghĩa của “tự do” trong “tự do dân chủ” thì cần thêm vào
từ “chân chính”[15]
nhằm hiểu sự tự do dân chủ một cách tích cực, xứng đáng với tên gọi hơn. “Tự do
dân chủ chân chính” nói lên ý nghĩa của nền dân chủ đích thực như là một kiểu mẫu
mực, hoàn hảo, có đầy đủ sự tự do, mang lại những lợi ích tích cực nhất cho công
dân trong đất nước.
2.2.
Những đặc điểm của tự do
dân chủ chân chính:
Mục đích của thể chế dân chủ là thực
hiện ý chí và nguyện vọng của số đông dân chúng, phục vụ phúc lợi chung của
toàn dân[16]. Công dân của một đất nước tự do dân chủ chân
chính phải được hưởng các quyền cơ bản, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận, tự
do báo chí, tự do tổ chức và tự do tiếp cận các thông tin. Nhờ các quyền cơ bản
này mà mỗi cá nhân có thể sống triển nở nhân vị tính của mình hơn, có một chỗ đứng
độc lập, đủ tư cách để quyết định chính cuộc sống của mình, tự tổ chức cuộc sống
của mình và liên đới chặt chẽ với mọi người cùng tham gia vào việc phát triển
xã hội.[17]
Các đặc
điểm của một nhà nước dân chủ[18]:
§ Tập thể
dân chúng đưa ra quyết định chính trị (bầu cử, bỏ phiếu).
§ Nhân
dân có chủ quyền trên bộ máy công quyền nhà nước, được thể hiện thông qua hiến
pháp.
§ Có một
lãnh thổ quốc gia: có dân chúng cư trú, các quyết định được áp dụng mang tính
cách chính trị nội bộ.
§ Có một
quy trình ra quyết định cho các quy tắc chính trị hoạt động: hoặc trực tiếp
(qua các cuộc trưng cầu dân ý) hoặc gián tiếp (bầu cử chọn một quốc hội đại diện).
§ Có thể
thay đổi chính phủ thông qua các thủ tục có tính cách ràng buộc hay định kỳ mà
không cần phải cách mạng.
2.3.
Các hình
thức dân chủ:
Trong đất nước dân chủ, người dân có chủ
quyền thực sự trên quyền lực nhà nước. Dựa vào cách thức thực hiện chủ quyền
này mà người ta phân thành dân chủ trực tiếp hay dân chủ đại diện.
§ Dân chủ trực tiếp: ý muốn mang tính cách ràng buộc của người dân sẽ được thực hiện
cách trực tiếp qua chính người dân. Người dân trực tiếp lập pháp, trực tiếp bãi
nhiệm nhân viên chính phủ.
§ Dân chủ gián tiếp (dân chủ đại diện): ý muốn mang tính cách ràng
buộc của người dân sẽ được thực hiện qua các đại diện dân cử. Nhân dân tuyển cử
đại biểu, tổ chức nghị hội để thực hành quyền lập pháp và kiểm soát các việc
hành chính. Dân chủ gián tiếp gồm các hình thức: Nội các chế (Pháp, Hà Lan, Thụy
Điển, Đan Mạch, Na Uy…), Tổng thống chế (Mỹ, Philippines…) và Ủy viên chế (Thụy
Sỹ)[19].
3.
Tương quan giữa thể chế chính trị pháp trị và tự
do dân chủ chân chính
Giữa
thể chế chính trị pháp trị và tự do dân chủ chân chính có liên quan chặt chẽ với
nhau, đặc biệt là về ý niệm luật pháp và sự tự do. Một thể chế chính trị pháp
trị đúng nghĩa thì có tự do dân chủ chân chính; ngược lại, một nền tự do dân chủ
chân chính không thể không dùng thể chế chính trị pháp trị. Dân chủ thuộc lãnh
vực cơ chế chính trị còn pháp trị thuộc lãnh vực bản chất xã hội[20].
Điều
3 của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền có
viết: “Mọi người đều có quyền được sống, được hưởng tự do và an ninh cho bản
thân mình”[21].
Sự tự do liên quan đến dân chủ và thuộc lĩnh vực cơ chế chính trị, còn an ninh
liên quan đến pháp lý và thuộc lĩnh vực bản chất xã hội. Như thế, hai chức năng
chủ yếu để đạt được cũng như để duy trì sự tự do và an ninh là dân chủ và pháp
trị. Do vậy, tuyên bố trong Điều 3 của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền sẽ trở
nên rỗng tuếch và vô nghĩa nếu con người không được bảo vệ về mặt xã hội và
pháp lý.
Hệ thống nhà nước tự do được bảo đảm bởi nhà nước pháp quyền
và bởi nền dân chủ. Thực tế hiện nay cho thấy: không một hệ thống chính trị nào
là thuần túy một trong hai kiểu dân chủ hay pháp trị nhưng được tổ chức theo
hình thức nhà nước dân chủ liên kết với một hình thức nhất định của nhà nước
pháp quyền[22].
Phần lớn
các quốc gia tiên tiến Âu-Mỹ, Nhật Bản, Úc Đại Lợi
đã tiến lên được cấp độ chính trị dân chủ và xã hội pháp trị. Tiến
trình dân chủ hóa chính trị có thể nhanh chóng nhưng pháp trị hóa xã hội đòi hỏi
thời gian, ổn định chính trị, phát triển kinh tế, trưởng thành về tổ chức,
thăng tiến về văn hóa và dân trí.
KẾT LUẬN
“Con người là một sinh vật
chính trị”, tự bản chất, con người có đặc tính xã hội
nên không thể tách rời khỏi đời sống chính trị của cộng đồng mình đang sinh sống
như Aristotle đã từng nhận định[23]. Trong đời sống chính trị
này, con người luôn khát khao xây dựng cho mình một nhà nước lý tưởng. Tuy
nhiên, cũng với bản chất con người, con người không thể nào đạt được nhà nước
lý tưởng cách trọn vẹn. Thế nhưng, con người vẫn có thể
xây dựng cho mình một chế độ chính trị tốt nhất có thể được bằng những cố gắng,
ý thức, nỗ lực của bản thân. Một chế độ chính trị chân chính trước hết phải là
nỗ lực lo cho đất nước được bình an, hạnh phúc – đó cũng là đích đến, là khát
khao sống của con người. Bình an, hạnh phúc của con người cũng chứa đựng yếu tố
tự do dân chủ chân chính. Một nhà nước
tự do dân chủ chân chính lại được bảo đảm bởi chế độ chính trị pháp trị. Giữa chúng
có sự hỗ tương và nâng đỡ nhau. Chúng ta không thể đạt đến mẫu nhà nước lý tưởng
này một cách ngay tức khắc và hoàn hảo được nhưng là sự tiệm tiến mỗi ngày, mỗi
ngày một đến gần nó hơn
THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Nguyễn
Hữu Thy. Triết Học Chính Trị. Đan Viện Châu Sơn. 2019.
2. Nguyễn Như Ý. Đại Từ Điển
Tiếng Việt. Văn Hóa Thông Tin.
3. Trần Văn Hiến Minh. Từ
Điển và Danh Từ Triết Học. Phương Đông.
4. Aristotle.
Chính Trị Luận. Dịch giả Nông Duy Trường. Truy cập ngày 11
tháng 11, 2019. Https://Downloadsachmienphi.Com/Chinh-Tri-Luan.
5. John
Locke. Khảo luận thứ hai về chính quyền-
Chính quyền dân sự. Dịch giả Lê Tuấn Huy. Tri Thức. 2006.
6. N. M.
Voskresenskaia và N.B. Davletshina. Chế Độ
Dân Chủ: Nhà Nước Và Xã Hội. Dịch giả Phạm Nguyên Trường. Tri Thức. 2008.
7. Nguyễn
Hữu Liêm. Dân Chủ Pháp Trị - Luật Pháp,
Công Lý, Tự Do, và Trật Tự Xã Hội. Biển Mới. 2012. Truy cập ngày 11 tháng 11, 2019. https://nhatbook.com/2016/09/15/dan-chu-phap-tri/.
8. Minh
Anh, Vi Yên (Nhóm Tinh Thần Khai Minh). Luật,
Hiến Pháp, Pháp Quyền.
9. Tôn Nhật
Huy. Tìm Hiểu Chính Trị. Phong Trào
Cách Mạng Quốc Gia. 1956.
10.
Tuyên
Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền.
11.
Chuyên đề 3: Xây dựng nhà nước pháp quyền Xã
hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân (Tài liệu bồi dưỡng thi nâng ngạch
lên chuyên viên chính khối Đảng, đoàn thể năm 2018).
TRANG
WEB THAM KHẢO
1. http://hdll.vn/vi/thong-tin-ly-luan/mot-so-quan-niem-ve-phap-quyen-tren-the-gioi.html.
2.
http://triethoc.hcmussh.edu.vn/?ArticleId=a071c4cd-8cd3-47af-a3ca-60eb7092182a.
3.
http://www.vusta.vn/vi/news/Trao-doi-Thao-luan/Nha-nuoc-phap-quyen-21516.html.
4.
https://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BB%B1_do.
5. http://www.talawas.org/?p=4903
[1] Xem Nguyễn Như Ý, Đại Từ Điển Tiếng Việt, Văn Hóa Thông
Tin, 1319 & Trần Văn Hiến Minh, Từ Điển
và Danh Từ Triết Học, Phương Đông, 252.
[2] Ibid., 1320.
[3] Xem http://hdll.vn/vi/thong-tin-ly-luan/mot-so-quan-niem-ve-phap-quyen-tren-the-gioi.html, truy cập ngày
17/11/2019.
[4] Xem Nguyễn Hữu
Thy, Triết Học Chính Trị , Đan Viện
Châu Sơn, (2019), 243.
[5] Xem Chuyên đề 3: Xây dựng nhà nước pháp quyềnXã
hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân (Tài liệu bồi dưỡng thi nâng ngạch
lên chuyên viên chính khối Đảng, đoàn thể năm 2018), 2 & Xem http://triethoc.hcmussh.edu.vn/?ArticleId=a071c4cd-8cd3-47af-a3ca-60eb7092182a, truy cập ngày
16/11/2019.
[6] Xem Minh Anh,
Vi Yên (Nhóm Tinh Thần Khai Minh), Luật, Hiến
Pháp, Pháp Quyền, 29.
[7] Nguyễn Hữu Thy, Triết Học Chính Trị..., 35.
[8] Xem http://www.vusta.vn/vi/news/Trao-doi-Thao-luan/Nha-nuoc-phap-quyen-21516.html, truy vập ngày 16/11/2019.
[9] Xem Minh Anh, Vi Yên …, 110 – 115.
[10] Xem Nguyễn
Hữu Thy, Triết Học Chính Trị…, 149; Nguyễn Như Ý, Đại Từ Điển Tiếng Việt…, 1761 – 1762 và https://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BB%B1_do.
[11] Xem N. M.
Voskresenskaia và N.B. Davletshina, Chế Độ
Dân Chủ: Nhà Nước Và Xã Hội, Dịch giả Phạm Nguyên Trường, Tri Thức, (2008), 15.
[12] Nguyễn Hữu Thy…, 123.
[13] Aristotle, Chính Trị Luận, Dịch giả Nông Duy Trường, 156, truy cập ngày 11/11/2019, https://downloadsachmienphi.com/chinh-tri-luan.
[14] Xem http://www.talawas.org/?p=4903, truy cập ngày 18/11/2019.
[15] Theo Đại Từ Điển
Tiếng Việt của tác giả Nguyễn Như Ý, chân chính là hoàn toàn tốt đẹp, chính
đáng, xứng đáng với tên gọi.
[16] Xem Nguyễn Hữu Thy…, 116.
[17] Ibid., 169 – 170.
[18] Ibid., 128.
[19] Xem Tôn Nhật Huy, Tìm Hiểu Chính Trị, Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia, (1956), 54.
[20] Xem Nguyễn Hữu Thy …, 143.
[21] Tuyên Ngôn Quốc
Tế Nhân Quyền, 12.
[22] Nguyễn Hữu Thy…, 130.
[23] Xem Aristotle, Chính Trị Luận…, 3