Piô Phan Văn Tình, omi.
Văn
hóa là nét đẹp riêng của con người trong kho tàng huyền nhiệm của đời sống xã hội
loài người. Nét đẹp phong phú ấy được tài bồi qua dòng lịch sử. Đứng trước nét
đẹp văn hóa, những người tin theo Đức Kitô tự hỏi: đâu là chỗ đứng của mình trong
dòng chảy văn hóa?
Cách
riêng, nét đẹp văn hóa quang tỏa trong từng nhịp sống của con người tạo nên từng
tập thể riêng biệt và góp chung kho tàng nhân văn của nhân loại. Trong từng lớp
sóng chung ấy, con người đức tin được ngụp lặn. Tuy nhiên, cách nhập thế của những
người tin ở từng dân tộc, từng đất nước sẽ khác vì đức tin họ đã lãnh nhận triển
nở trong môi trường văn hóa đặc trưng. Vậy để khám phá nét khác trong cách nhập
thế của người tin, đặc biệt là người Công Giáo Việt Nam hôm nay, chúng ta tìm hiểu
việc “truyền
giáo trong bối cảnh văn hóa Việt Nam hôm nay”.
1.
Người sống đức tin trước viễn tượng văn hóa
Đức
tin đi sâu vào các hoàn cảnh lịch sử, các môi trường văn hóa xã hội. Những người
sống đức tin chăm chú lắng nghe những tiếng nói khác nhau, sự hài hòa, và các
ngôn ngữ địa phương về kinh nghiệm đức tin trong từng nhịp sống của văn hóa. Nếu
không người sống đức tin dễ dàng rơi vào những hình thức hạn hẹp, thiên kiến và
thấp kém của việc ý thức văn hóa hiện đại của mình. Cho nên việc dìm mình vào nền tảng đức tin không chỉ để nghiền
ngẫm quá khứ mà còn để học cách mở rộng tâm hồn trong hiện tại và tương lai, hầu
hứng lấy được chan chứa nhất sức mạnh tác sinh, Luồng Gió đổi mới, Ngọn Lửa
thanh tẩy và tác thành, và cũng là Hồng Ân tuyệt hảo mà Thiên Chúa ban cho
chúng ta qua Đức Giêsu Kitô trong từng môi trường văn hóa[1].
Cho nên, lời mời gọi của Đức Giêsu "hãy ra đi loan báo Tin Mừng cho muôn
dân" vẫn là một mệnh lệnh khẩn thiết cho mọi Kitô hữu, đặc biệt là các
tu sĩ. Họ được mời gọi lên đường đem đức tin của mình đến với các nền văn hóa,
đón nhận văn hóa như là phần thiết yếu của việc Phúc Âm hóa. Nhờ đó, tất cả mọi
người cùng nhau tìm kiếm những con đường để đạt tới chân lý đích thực, bởi lẽ "con người chỉ có thể thực hiện được
nhân tính đích thực và trọn vẹn của mình nhờ văn hóa"[2].
Nhờ vậy, thế giới trở nên tốt đẹp hơn.
2. Định hướng mục vụ truyền giáo trong môi
trường văn hóa Việt Nam
Tại Việt
Nam, Tin Mừng đã được các thừa sai đến rao giảng từ giữa thế kỷ 16, tới nay đã
được hơn 450 năm. Các thừa sai, nhất là các cha Dòng Tên, đã cố gắng truyền bá
sứ điệp Kitô giáo một cách thích nghi với bối cảnh văn hóa của dân tộc Việt Nam
nên đã thành công tốt đẹp. Để tiếp nối công trình của các thừa sai, chúng ta được
mời gọi tiếp tục truyền giáo trong bối cảnh văn hóa hiện tại của dân tộc mình,
đúng như Công Đồng Vatican II chủ trương.
Thật vậy,
tỷ lệ người Công giáo so với dân số hiện nay đang sút giảm và sẽ còn sút giảm.
Đó là tình trạng báo động khiến người Kitô hữu Việt Nam phải suy nghĩ lại về
cách sống và cách truyền giáo của mình.
2.1.
Thay đổi cách sống và truyền giáo
Xã hội
Việt Nam cũng như thế giới hiện nay thay đổi thật nhanh chóng, nên não trạng,
quan niệm, lề lối suy nghĩ, cách sống của thế hệ sau khác với thế hệ trước khá
nhiều. Vì thế, việc truyền giáo từ thế hệ trước sang thế hệ sau đòi hỏi phải có
sự thích nghi, hội nhập văn hóa: một thứ hội nhập văn hóa mang tính sáng tạo và
được thời đại hóa. Nếu không hội nhập văn hóa như thế, việc truyền giáo sẽ
không đem lại kết quả tốt đẹp. Vì thế, những người có sứ mạng truyền giáo cần
tìm hiểu văn hóa của người thời đại, nhất là của những thế hệ sắp tới.
Cần phải
thay đổi cách nhìn cũng như cách trình bày Tin Mừng và sứ điệp Kitô giáo để
chúng phù hợp hơn với thế hệ trẻ (với những ưu tư, khát vọng, thao thức, não trạng,
tâm lý, khuynh hướng, quan niệm, cách suy nghĩ...). Người Kitô hữu Việt Nam
cũng cần thay đổi cung cách sống đạo của mình để có sức thu hút anh em ngoài
Kitô giáo và làm phát triển Giáo Hội Việt Nam hơn.
2.2.
Làm chứng bằng sự bình an và vui tươi
Tinh
thần của người thời đại và thế hệ trẻ là đầu óc khoa học thực nghiệm, một cách
thức vô thần mới: Chỉ tin sau khi đã chứng minh, nghĩa là chỉ chấp nhận sau khi
đã kiểm chứng bằng thực tế. Do đó, sứ điệp Kitô giáo chỉ được họ chấp nhận là
hay nhất, tốt nhất khi họ thấy những người Kitô hữu chung quanh họ thường xuyên
sống trong bình an và vui tươi bất chấp nghịch cảnh, đồng thời sống yêu thương
nhau và yêu thương mọi người. Phản chứng nhất của Tin Mừng là sự lo lắng, nỗi
buồn phiền và cách cư xử thiếu tình thương của người Kitô hữu.
2.3.
Trình bày một Đức Kitô sống động
Để rao
giảng và trở nên nhân chứng sống động của Tin Mừng Đức Kitô, thì phải có Ngài
hiện diện cách sống động trong mình. Có như thế, những lời rao giảng của mình mới
có sức thu hút mãnh liệt. Nhưng rất tiếc trong quá khứ và hiện tại cách đào tạo
tu sĩ, chủng sinh, cũng như cách giảng dạy của các linh mục, giáo lý viên đối với
giáo dân đang làm cho người ta khó mà cảm nhận được Đức Giêsu sống động trong
mình (...), một Đức Giêsu đang yêu, đang chết và sống lại trong chính con người
mình.
Người
thời đại hay thế hệ trẻ ngày nay không chịu nổi những lý thuyết mơ hồ trong một
cuộc sống đầy những vấn đề thiết thực phải lo toan (...). Chúng ta đã biến Giêsu
thành một nhân vật trong quá khứ mà quên đi một Giêsu sống động ở hiện tại, một
Thiên Chúa hằng sống đang ở giữa chúng ta (x. Ga 1,14) và ở trong chúng ta (x.
Gl 2,20). Việc rao giảng phải được thực hiện làm sao để người dạy cũng như người
học đều cảm nghiệm được Đức Giêsu sống động trong đời mình, một sự hiện diện đầy
sức mạnh, quyền năng và tình yêu chan hòa trên đời sống họ.
3. Định hướng đối thoại truyền giáo cho
người vô thần
3.1. Đối thoại bằng cuộc sống và hành động với
người cộng sản
“Cuộc đối thoại cơ bản nhất là cuộc đối thoại của con tim
và linh hồn. Cuộc đối thoại này đưa tới đối thoại về cuộc sống và hành động để
cùng nhau khắc phục những thảm họa xã hội”[3].
Tại Việt Nam
hôm nay, con đường thích hợp để đối thoại với người Cộng Sản là Đối Thoại bằng
Cuộc Sống và Đối Thoại bằng Hành Động:
·
Đối thoại bằng cuộc sống xảy ra ở nơi
con người phấn đấu sống trong tinh thần cởi mở và thân thiện, chia sẻ niềm vui
và nỗi buồn, những vấn đề nhân sinh và những mối bận tâm của mình[4].
·
Đối thoại bằng hành động được thực hiện
ở nơi mà người Kitô hữu và người Cộng Sản hợp tác vì sự phát triển toàn diện.
Dựa trên các giáo huấn Tin Mừng, của Công Đồng Vaticanô II, với tinh thần cởi
mở, đối thoại, hoà giải và chấp nhận những khác biệt, các Giám Mục Việt Nam đã
nói trong Thư Mục Vụ 1980: “Là Hội Thánh
trong lòng Dân tộc Việt Nam, chúng ta quyết tâm gắn bó với vận mạng Quê hương,
noi theo truyền thống Dân tộc, hoà mình vào cuộc sống
hiện tại của Đất Nước”[5].
Và trong Thư Mục Vụ 2001, các ngài viết: “Để
yêu thương và phục vụ, trước hết ta phải tiếp tục đường hướng đồng hành với dân
tộc, đồng cảm, chia sẻ hy vọng và lo âu của dân tộc, trong tiến trình phát
triển xã hội và thăng tiến con người”[6].
3.2. Đối thoại bằng cách làm chứng cho
tình yêu Thiên Chúa
Đặc biệt, ở
phạm vi cá nhân cũng như tập thể, mọi thành phần Giáo Hội Việt Nam phải làm
chứng cho tình yêu Thiên Chúa đối với người cộng sản và thật lòng yêu thương
họ. Thái độ thù địch là một sức mạnh phá hủy khủng khiếp, nhưng Tình Yêu lại
còn mạnh mẽ hơn: “Đức mến không nóng
giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy
điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu
đựng tất cả” (1 Cr 13,5-7). Quả thực, “một
tình yêu mạnh hơn vượt thắng một tình yêu yếu hơn và sự gắn bó đi liền với tình
yêu ấy … Nếu đức tin của chúng ta đủ mạnh, chúng ta sẽ không bị sức lôi cuốn của ý thức hệ áp đảo”[7]. Tình yêu sẽ biến đổi mọi sự trong thế giới này, và hy
vọng sự biến đổi ngay trong lòng Chủ Nghĩa Cộng Sản và giữa những người Cộng
Sản.
4. Một vài suy
tư cá nhân
Sự hiểu biết
tốt nhất về đức tin được phát sinh từ kinh nghiệm sống thực. Thánh Phaolô là
mẫu gương trong việc đào sâu các kinh nghiệm của mình, đào sâu gia tài và các
truyền thống của Giáo hội, nhưng luôn tìm cách tổng hợp nhuần nhuyễn các kinh
nghiệm. Để có thể công bố Tin Mừng, thánh nhân đã du hành qua nhiều lãnh thổ và
nền văn hóa khác nhau, luôn thích ứng việc công bố của mình vào hoàn cảnh khác
nhau của người nghe, để mình trở nên “mọi sự cho mọi người…vì Tin Mừng” (1Cr
9,22-23) .
Từ mẫu gương của
thánh Phaolô, bậc thầy về truyền giáo và cùng với các bậc cha anh đi trước đã mở
đường đi đến với các dân tộc, các nền văn hóa…, người viết bài đơn sơ này xin chia
sẻ bốn thao thức, định hướng cá nhân như sau:
Thứ nhất, cần
có một đời sống cầu nguyện khả dĩ có thể giới thiệu một Đức Giêsu và một Tin Mừng
mang tính cá vị hiện sinh cho người Việt Nam, nhất là anh chị em xưng mình là vô
thần: Tôi đã gặp Ngài (x. Ga 20,18) và “chúng tôi đã gặp Ngài” (Ga 20,24-29; Ga
1,39-51).
Thứ hai, cần
trở về với truyền thống, với kinh nghiệm của Giáo hội trong việc Phúc Âm hóa. Có
những giới hạn trong việc trình bày Tin Mừng của thế hệ đi trước. Có những lối
sống gây ra hiểu lầm. Có những tiếp cận văn hóa, tôn giáo và anh chị em vô thần
theo hướng đối tượng hóa…Tất cả đều cần được rút tỉa như một bài học thiết thực.
Thứ ba, cần có
một sự đổi mới, phương cách sống, cách thức giới thiệu, hình thức chia sẻ và đối
thoại mới, một tầm nhìn mới theo định hướng của Giáo Hội cho việc rao giảng Tin
Mừng.
Thứ tư, cùng với Giáo Hội, chúng ta được mời gọi khám phá ra những phương cách mới thích hợp với tính bén nhạy của thời đại như Công đồng Vatican II trong hiến chế Gaudium et Spes số 4 dạy: cần hiểu tường tận những dấu chỉ thời đại, giải thích những dấu chỉ ấy dưới ánh sáng Tin Mừng.
Tóm lại, tầm quan trọng của văn hóa gắn liền với sự hiện
hữu của con người. Sự triển nở của đức tin gắn liền với môi trường văn hóa. Đó
là mảnh đất mà Lời được gieo vào. Nhưng mảnh đất văn hóa có giá trị thực sự là
nhờ vào nền tảng đức tin. Những giá trị trong đạo lý đức tin mà người tín hữu
quang tỏa trong đời sống của mình góp vào kho tàng nhân văn. Một mặt những người
tin được mời gọi ôm ấp, xây dựng những giá trị con người đúng nghĩa. Mặt khác,
hơn cả việc xây dựng con người, những người tin có nhiệm vụ cao cả là Phúc Âm
hóa thực tại con người như Đức Kitô đã làm: “Ngôi
Lời đã làm người và ở giữa chúng ta” và “người
đã nên giống chúng ta mọi sự, ngoại trừ tội lỗi”. Đó là một lời mời gọi
dành cho cá nhân cũng như tập thể thuộc Giáo hội hoàn vũ.
Đặc biệt một cách tiếp cận mới của việc truyền giáo được
dành riêng cho môi trường đa tôn giáo nhưng vẫn được coi là đất nước vô thần
như Việt Nam. Lời mời gọi dành cho Giáo Hội Việt Nam khám phá liên tục những dữ
kiện xây dựng nền tảng đức tin theo “điệu
nhảy” của Chúa Thánh Thần trong môi trường văn hóa phức tạp như hiện nay, hầu
thực hiện sứ mệnh của Chúa Kitô như lời xác quyết của thánh giáo hoàng Gioan
Phaolô II: “đức tin mà chưa biến thành
văn hóa, là đức tin chưa được đón nhận trọn vẹn, chưa thực sự suy tư, chưa sống
một cách chân thành”.
Tài liệu tham khảo
Kinh Thánh trọn bộ Cựu và Tấn Ước. Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Thành
Phố Hồ Chí Minh, 2011.
Công Đồng Vaticanô II. Bản dịch của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin thuộc Hội Đồng Giám
Mục Việt Nam. Hà Nội: Tôn Giáo, 2012.
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo. Bản dịch của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin thuộc Hội Đồng Giám
Mục Việt Nam. Hà Nội: Tôn Giáo, 2012.
Liên Hiệp Hội Đồng Giám Mục Á Châu, Thư Chung năm 1980 và Thư Chung
năm 2010 gửi toàn thể dân Chúa
Đỗ Cao Cương. Triple Prophetic Dialogue as
a New Approach to Evangelization: The Mission of the Society of the Divine Word
in Viet Nam Today. Philippines: University of Santo Tomas, 2016.
Đỗ Trung Thành. Dòng Chảy Văn Hóa Công Giáo Trên
Nền Đất Việt. Giáo Phận Sài Gòn, 2011.
Đường Thi. Thiên Chúa Giáo và Tam Giáo. Không
rõ Nxb, Không rõ Nơi Xuất bản, 2000.
Nguyễn Hữu Quang, FSC. Nhân Học Triết Học, 2013-2014.
Nguyễn Quốc Lâm. Kinh nghiệm về Thần Khí theo dòng
lịch sử. Phỏng theo Yves Congar. Je Crois en l’Esprit. Saint Cerf, Paris
1979 2è partie. Truy cập ngày 05-05-2008; http://assomption.org.
Nguyễn Văn Trí. Nhãn quan xã hội học đối với việc rao giảng
Tin Mừng ngày nay. Trình bày ngày 22-7-1997 trong đại hội mục vụ kỳ III
do văn phòng mục vụ và liên đoàn Công giáo Việt Nam tại Hoa Kì tổ chức tại
Houston, Texas.
Peter C. Phan. In Our Own Tongues. Orbis
Books: New York, 2003.
Phan Tấn Thành. Mầu Nhiệm Thiên Chúa. Học
Viện Đa Minh Gò Vấp, 2012.
Trần Trọng Kim. Việt Nam Sử Lược. Hà Nội:
Văn Hóa Thông Tin, 1999.
Viện Văn Học. Truyền Thuyết Văn Hóa Dân Tộc Việt
Nam. Đà Nẵng: Giáo Dục, 1997.
Vương Thuật. Thần Học Mục Vụ Tổng Quát. Lưu hành nội bộ, 2011.
[1] X. Athanasiô Nguyễn Quốc Lâm, Kinh nghiệm về Thần Khí theo dòng lịch sử,
tr. 1.
[2] Vatican II, Gaudium et Spes, 53.
[3] “Dialogue between Faith and Cultures in
Asia” in For All the Peoples of Asia 2 (Quezon City: The
Claretian Publications, 1997), tr.25.
[4] Gioan Phaolô II, Ecclesia in Asia: Apostolic Exhortation on Jesus Christ
the Savior and His Mission of Love and Service in Asia (6 November, 1999), số1.
[5] HĐGMVN, Thư Mục Vụ 1980, số 9.
[6] HĐGMVN, Thư Mục Vụ 2001, số 9.
[7] Antonio B. Lambino, “The Faith Dimension in
Social-Political Involvement,” in For Faith and Service
(Philippines, 1973-1982), tr. 103.