Mở quyển sách Tin Mừng, tôi tìm tới dụ ngôn “người con hoang đàng” hay còn gọi là dụ ngôn “người cha nhân hậu” của Tin Mừng Luca chương 15. Tôi dừng lại chiêm ngắm cách mà người con thứ đối xử với người cha. Ngang qua đó, tôi tìm thấy cách thức mà con người đối xử với Thiên Chúa suốt chiều dài “sống, động và hiện hữu” của nhân loại.
Suy tư về những trang nói về dụ ngôn này, tôi
nhớ tới văn hóa Việt Nam về việc chia tài sản cho con cái trong các gia đình.
Thoáng qua một nét văn hóa đẹp, tôi thấy người Việt Nam, nhất là người cha
trong một gia đình thường viết tờ giấy di chúc khi sắp lìa đời. Tất cả gia sản
người cha sẽ chia cụ thể cho con cái. Liên hệ tới việc chia tài sản của người
cha nhân hậu trong dụ ngôn mà Chúa Giêsu kể. Việc chia tài sản của người cha
trong dụ ngôn là do lời đề nghị của người con thứ và cũng có thể hiểu là của
người con cả. Đó là một nghịch lý. Người con thứ xin chia tài sản khi cha còn sống.
Điều này khai mở một ý nghĩa mới rằng khi đòi chia tài sản cho mình, người con
muốn cha mình chết đi hoặc ra khỏi cuộc đời của nó để nó được toàn quyền tự do
trên cuộc đời của nó.
Xưa nay, tôi đã đọc đi đọc lại dụ ngôn này rất
nhiều lần. Ý nghĩa mà xưa nay tôi vẫn hiểu là việc người con thứ đòi chia tài sản
cho mình rồi bỏ nhà ra đi. Ở nơi xa xôi, nó ăn chơi tráng tác khi hết tiền hết
của, hết tất cả…và có nguy cơ mất luôn cả mạng sống thì nó mới ăn năn trở lại,
về với cha mình. Có lẽ ý nghĩa luân lý này vẫn thường được lưu truyền cho mọi
người.
Tuy nhiên khi tìm về bản văn Hy Lạp, tôi đọc thấy
một ý nghĩa tín lý về những gì người con đã làm với cha mình. Dựa vào bản dịch
tiếng Việt, xưa nay tôi vẫn hiểu điều người con thứ xin cha mình như sau: “xin cho con phần tài sản con được hưởng”.
So với bản văn Hy Lạp: “dos moi to
epiballon meros ten ousias”, tôi thấy điều người con thứ xin cha mình không
đơn giản chỉ là “tài sản”. Từ “ousias” trong tiếng Hy Lạp còn có ý
nghĩa thâm thúy hơn nhiều. “Ousias” chính là “cái là”.
Điều người con thứ xin là “cái là”.
Như vậy câu mà người con thứ nói với cha mình là: “xin cho con ‘cái là’”. Vấn đề đặt ra ở đây: người con thứ xin “cái là” của ai? Nếu nói người con thứ
xin “cái là” của mình thì không đúng
vì lẽ khi đối diện với người cha, người con vốn đã có “cái là” rồi. Hẳn là người con thứ muốn xin “cái là” của cha mình: “xin
cho con cái là của cha”. Nghĩa là “xin
cha cho con được làm cha của chính con”, đồng nghĩa với việc “xin cha hãy chết đi hoặc là xin cha hãy ra
khỏi cuộc đời của con để con được làm cha, làm chủ của chính con”.
Ở trong nhà cha,
con cảm thấy không được tự do, mọi việc con làm đều phải xin phép cha, mọi sự
con muốn đều phải được sự đồng ý của cha, tất cả đều dưới sự quan sát của cha.
Con đã chán ngấy nhiều năm rồi, con đã ức chế nhiều năm rồi mà không nói được,
nay con mới nói được. Sự toan tính và công bố của người con là có chủ đích từ
lâu, rõ ràng thánh Luca dùng những kiểu nói rất ý nghĩa: “ít ngày sau, người con thứ thu gom tất cả”. Nếu nói rằng việc đối
xử của người con thứ là bồng bột nhất thời thì ít ngày sau hẳn nó phải có chút
áy náy, hối hận, đàng này không những không hối hận, nó còn gom tất cả. Điều thâm
thúy ở chỗ tại sao khi đã được chia cho tài sản rồi nó không chịu đi ngay mà
còn ở lại thu gom tất cả. Bạn thử nghĩ mà xem? Nếu người cha chia tài sản là một
tỷ đồng thì nó cần gì những thứ đồ đạc cũ kỹ, những thứ dẻ rách kia. Số tiền mà
người cha cho nó còn đủ để ăn chơi đàng điếm cơ mà. Số tiền ấy hẳn là dư sức
mua đồ đạc đủ dùng chứ cần gì vơ vét mấy thứ vớ vẩn. Ẩn ý mà thánh Luca muốn
đào đạt chính là việc người con muốn xóa sạch vết tích ở nhà cha mình. Nó muốn
nói với người cha rằng: tôi đã chết rồi ông ơi. Ông đừng mong tôi về, ông hãy
coi tôi đã chết rồi. Nếu ông không coi tôi chết rồi thì tôi cũng coi ông không
còn trên đời nữa. Câu kế tiếp cho phép ta hiểu ý nghĩa này: “rồi trẩy đi phương xa”. Tại sao thánh Luca
không nói “phương gần” mà lại nói “phương xa”. Có nghĩa là người con thứ
muốn đi thật xa khỏi tầm kiểm soát của người cha. Ở nơi ấy, khi nó mở điện thoại
di động lên sẽ không có sóng của cha nó nữa.
Quay trở lại với
nhân vật người cha: “xin cho con phần tài
sản con được hưởng. Và người cha đã chia của cải cho hai con”. Bản văn tiếng
Hy Lạp cho phép hiểu rằng điều người con thứ xin không hề tương thích với điều
người cha chia cho nó. Điều người con thứ xin cha mình là “ousias – cái là”, nhưng điều người cha chia cho con thứ là “bion – cái có”. Như vậy có nghĩa là người
cha không đáp ứng điều người con xin. Người con xin một thứ nhưng người cha lại
cho một thứ khác. Tại sao vậy? Phải chăng người cha sợ rằng cho nó “cái là” thì nó sẽ hơn mình nên ông cho
nó “cái có” thay vì cho “cái là”? Vấn
đề này được đặt ra suốt cả chiều dài lịch sử suy tư thần học đặc biệt đối với
các nhà thần bí. Vấn đề không thuộc về người cha nhưng thuộc về người con. Điều
người con xin là bất khả thi, vì sự thật muôn thuở: người cha vẫn là người cha,
người con vẫn là người con, không thể nào đảo lộn trật tự này được. Dù người
con có chối bỏ, loại trừ người cha thì sự thật về tình phụ tử vẫn tồn tại không
thể nào mất hay thay đổi được. Đó là lý do người cha không thể cho chứ không phải
người cha không muốn cho. Ngoài “cái là”
ra, người cha đã chia cho nó tất cả “cái
có”.
Người con thứ đã
mang theo “cái là” của nó và “cái có” của người cha đi đến một phương
trời rất xa xôi, ở đó là thế giới của riêng nó. Nó đoạn tuyệt với cha nó nhưng
thực ra nó đang mang theo “cái là – tức
là tư cách làm con của nó” cùng với “cái
có” mà cha nó chia cho.
Trước hết nó đến một
vùng đất xa xôi thuộc dân ngoại, thế mà đối với người Do Thái, bước vào vùng đất
dân ngoại là bị ô uế. Nó nghĩ rằng đi vào vùng đất dân ngoại để đánh mất tư
cách làm con, để khỏi vương vấn với người cha khi nó tìm đến làm bạn với dân
ngoại. Thứ hai, trong vùng đất dân ngoại, nó tìm đến với thành phần bất hảo nhất
của dân ngoại là bọn gái điếm, đầu trộm đuôi cướp, một thành phần mà người dân
ngoại còn ghê tởm phương chi người Do Thái. Lần thứ hai nó biến mình thành kẻ mất
tư cách làm con của cha nó khi trở thành bạn của những người bất hảo trong dân
ngoại. Thứ ba, nó ăn chơi và khi bị cháy túi thì nó quay ra đi làm thuê cho người
ta. Khi còn tiền bạc của cha nó thì nó sai khiến người ta phục vụ nó, khi nó nhẵn
túi thì nó quay ra phục vụ người ta. Nhưng điều nó phục vụ là điều mà dân ngoại
ghê tởm nhất và thuộc loại súc vật tệ hại nhất: nó chăn heo cho người ta. Nó
đánh mất tư cách là con khi biến mình thành kẻ chăn heo. Thứ tư, trong khi chăn
heo, nó đói quá, nó ao ước được ăn cám của heo. Nó đánh mất tư cách là con khi
biến mình thành ngang hàng với con heo, bạn của con heo. Thứ năm, ngay cả khi
nó ước ao ăn cám heo mà cũng không được ăn. Nó đã đánh mất tư cách là con khi
biến mình thành kẻ còn thấp hơn cả con heo. Nó cố tình tiêu hủy hết những vết
tích của cha nó. “Cái có” của cha nó,
nó đã phung phá hết, đến “cái là”, tức
là tư cách là con của cha nó, nó cũng thiêu hủy hết.
Đến khi đụng tới
sinh mạng của nó, đụng tới bước đường cùng thì nó mới bắt đầu nghĩ tới chuyện
làm sao để cứu chính nó. Nó nghĩ về cha nó là vì chính nó chứ không phải vì cha
nó. Giả định rằng nếu người ta cho nó ăn cám heo như nó ước ao thì chắc hẳn nó
sẽ không trở về với cha nó. Sự ngoan cố bất cần ơn cứu trợ của cha nó thể hiện
rõ nơi những toan tính trở về của nó. Tôi lại thích giả định rằng nếu nó biết
được sự thật cha nó vẫn yêu thương nó và dù nó có làm gì thì tư cách là con của
nó không bao giờ mất. Nếu nó biết được sự thật này thì hẳn thật nó sẽ về nhà
đòi cha nó chia cả “cái có” và “cái là” của cha nó. Nhưng vì nó không
biết điều ấy, nó vẫn nghĩ rằng nó đã thiêu hủy hết tư cách là con, giờ về chỉ để
cứu lấy mạng sống và xin làm tôi tớ là may mắn rồi. Nó không hề sám hối.
Hình tượng người
con thứ làm tôi liên tưởng tới hình ảnh con người trong tương quan với Thiên
Chúa. Con người, ngay từ nguyên tổ loài người, Ađam và Eva, đã đến ra mắt Thiên
Chúa và luôn muốn xin chia “cái là” của
Thiên Chúa. Con người không muốn xin cái này cái kia mà xin “cái là” của Thiên Chúa. Con người luôn
muốn được làm Chúa của chính mình để “biết
lành biết dữ”. Con người luôn muốn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời của
mình. Con người muốn được tự do tuyệt đối. Con người cảm thấy mình bị nô lệ
hóa. Con người cảm thấy mình phải sống dưới con mắt của Thiên Chúa. Họ muốn Thiên
Chúa chết đi để họ được làm Chúa của mình nên không lạ gì chuyện con người đến
xin chia, không phải “tài sản” mà là “cái là” của Thiên Chúa.
Sự kiện tháp Babel
sụp đổ cũng mang một ý nghĩa về điều con người muốn và điều con người không thể
có được. Con người muốn bằng Thiên Chúa, muốn Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời con
người nhưng không thể được. Sự kiện tháp Babel bị sụp đổ không phải vì Thiên
Chúa muốn phá hủy điều con người dự tính mà điều này cho thấy rằng Thiên Chúa
không thể ban điều con người muốn mà không thể được. Khả năng của con người
không cho phép con người làm điều con người không hiểu và bất khả thể.
Sự kiện dân Israel
đi trong sa mạc cùng với sự phản loạn của mình cho thấy lòng con người đã toan
tính từ lâu để rồi bất cứ lúc nào con người cũng có thể lồ lộ ra. Con người muốn
được thoải mái, được tự chủ, được tự do, được quyền năng để có thể nắm bắt vận
mệnh của mình với những toan tính bất phàm nằm ngoài hoạch định của Thiên Chúa Đấng
quan phòng tất cả. Dân Israel đòi chia tài sản, đòi chia “cái là” của Thiên Chúa không thành, dân quay ra đòi “cái có”. Sử dụng “cái có” và tiêu xài “cái là”
của chính mình trong sự phản loạn…
Chính Chúa Giêsu
cũng bị cám dỗ đòi chia “cái là” của Thiên
Chúa đang khi sống kiếp phàm nhân, dù người là Thiên Chúa. Đó là cái nghịch lý
mà Con Thiên Chúa cũng phải đối diện. Nhưng Người đã đi con đường khác. Người
cho con người thấy sự thật về một Thiên Chúa và sự thật về con người. Về một Thiên
Chúa là Cha và về con người là con. Sự thật về việc con người cần đến ơn cứu độ
của Thiên Chúa. Tất cả sự sa đọa của con người đều bắt nguồn từ toan tính muốn
chia “cái là” của Thiên Chúa. Từ điểm
này kéo theo biết bao nhiêu sự hủy diệt tư cách là con của con người và tư cách
là thụ tạo của con người. Dù vậy, sự thật về tư cách là con cái Thiên Chúa của
con người cũng không bao giờ thay đổi hay mất đi.
Nhiều lúc tôi nghĩ
đơn giản nhưng quả thật, nghĩ cho tới rốt cùng vấn đề, tôi thấy con người đã đối
xử với Thiên Chúa tệ đến chừng nào. Khi tôi phạm tội, khi tôi làm điều gì đó
trái với lẽ luân thường khiến cho lương tâm tôi áy náy…thì chính là lúc tôi muốn
gạt Thiên Chúa qua một bên để làm chuyện của tôi. Tôi muốn Thiên Chúa chết đi để
mọi việc lớn nhỏ trong đời tôi không phải suy nghĩ áy náy gì cả. Đi đến rốt
cùng vấn đề, tôi là con người, nhưng tôi muốn “cái là” của Thiên Chúa là muốn bằng Thiên Chúa. Muốn “biết lành biết dữ”, đặc biệt tự ra luật
cho mình. Tôi là ai? Sự thật tôi là thụ tạo không thay đổi được, không xóa nhòa
được. Sự thật về Thiên Chúa không tài nào biến mất khỏi xã hội loài người,
không thể biến mất khỏi sự hiện hữu. “Cái
là” của Thiên Chúa không thể hiện hữu thay thế nơi “cái là” của con người được. Ấy thế mà con người đã muốn như thế.
Thiên Chúa không cho điều con người xin không phải vì Thiên Chúa không muốn cho
nhưng vì khả năng của con người không tài nào đón nhận được. Nếu Thiên Chúa ban
cho con người “cái là” của Người thì
cũng đồng nghĩa với việc hủy diệt con người.
Con người muốn phản
loạn, muốn Thiên Chúa chết đi để được làm Chúa của chính mình, nhưng con người
không thể xóa nhòa sự thật về tình phụ tử tuyệt đối của Thiên Chúa. Con người
không thể xóa nhòa đôi mắt thương xót và tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa. Đơn
giản vì con người là con cái của Người. Tư cách là con muôn thuở muôn đời không
phai dù con người có như thế nào.
Con người bày vẽ đủ
thứ triết thuyết để như muốn hủy diệt Thiên Chúa hoặc xem Thiên Chúa đã chết. Trong
một luồng tư tưởng hiện sinh vô thần vẫn được thượng tôn trong xã hội hôm nay,
muốn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi xã hội loài người để được sống cho ra người, để
được hưởng tự do đích thực. Tất cả những chủ trương như thế không phải một sớm
một chiều, cũng giống như người con thứ, mọi sự đã được toan tính từ lâu và rồi
khi đến lúc, con người tuyên chiến với Thiên Chúa. Điều này càng cho thấy con
người đã đối xử với Thiên Chúa như thế nào. Dù vậy, tư cách là con vẫn luôn là
điểm mấu chốt khả dĩ khơi nguồn thương xót của Thiên Chúa.
Thiên Chúa không tiếc
gì đối với con người, ngay như Con Một mà Người còn ban cho con người thì còn
gì mà Thiên Chúa không ban. Chỉ có “cái
là” của Thiên Chúa tuyệt nhiên không thể được. Các nhà thần bí vẫn thường
hay dùng hình ảnh loại suy để nói về thực tại này. Con người và khả năng của
con người cũng tựa như chén nước nhỏ không thể nào chứa được mặt trời, cũng vậy,
con người không thể nào đón nhận “cái là”
của Thiên Chúa.
Từ hình tượng về
người con thứ trong Tin Mừng Luca chương 15, về cách đối xử của người con đối với
cha mình, gián tiếp cho thấy cách mà con người đối xử với Thiên Chúa. Điều này
cho phép tôi suy nghĩ về cách thức mà tôi đã đối xử với Thiên Chúa. Vấn đề
không còn phải là luân lý nữa mà là tín lý. Không còn phải là những tội luân lý
con người phạm mà chính là việc con người cố chấp không cần ơn cứu độ của Thiên
Chúa. Bài học về người con thứ mở ra viễn cảnh đời sống con người và mở ra đời
sống riêng của từng cá nhân trong cách mà con người đối xử với Thiên Chúa. Bài
học này giúp tôi suy xét về công cuộc “sống,
động và hiện hữu” của tôi bao nhiêu năm nay với việc tự chất vấn mình: “Tôi phải làm gì để sống “cái là” của tôi
trong sự thần phục, chiêm ngưỡng “cái là” của Thiên Chúa?”