DẪN NHẬP
NỘI DUNG
Sơ lược về tiểu sử
của Augustinô
1. Hành
trình trở về của Augustinô
1.1. Cuộc trở
về với triết học
1.1.1. Từ bỏ những bận tâm phù phiếm và tham vọng trần tục................
1.1.2. Dấn thân trong việc tìm kiếm khôn ngoan.....................................
1.1.3. Bị lôi cuốn bởi giáo phái Manikê và việc từ bỏ giáo phái này..........
1.2. Cuộc trở
về với Platon
1.2.1. Tiếp xúc với học thuyết Tân Platon..............................................
1.2.2. Mối tương đồng sâu xa giữa Kitô Giáo và triết học
Platon.............
1.3. Cuộc trở
về với Kitô Giáo – cuộc trở về đúng thời
1.3.1. Tiếng kêu gọi: “Hãy cầm lên và hãy đọc”......................................
1.3.2. Lãnh nhận bí tích Rửa tội............................................................
2. Ảnh hưởng
cuộc hoán cải của Augustinô
2.1. Ảnh hưởng
đến nền triết học Tây Phương
2.2. Ảnh hưởng
đến tư duy thần học Tây Phương
3. Nhận định
KẾT LUẬN
TÀI LIỆU
THAM KHẢO
DẪN NHẬP
Khi nói đến “hành trình”, người ta nghĩ
ngay đến việc trải qua một thời gian dài với những khó khăn, gian khổ để đạt được
một kết quả nào đó chứ không là sự thành công ngay tức khắc hay diễn ra một
cách êm xuôi, trôi chảy. Sự trở về của Augustinô quả thật là một hành trình.
Hành trình này đã không xảy ra một sớm một chiều, không xảy ra cách đột xuất,
cũng không đạt đến đỉnh điểm ngay từ đầu; nhưng là một cuộc chiến đấu, giằn co
thật khó khăn, vất vả. Sự trở về này diễn ra trong khoảng thời gian dài với nhiều
gian nan nhưng tiệm tiến dần đến đỉnh điểm. Sự tiệm tiến này không dẫn Augustinô
đến chân trời xa xôi nào cả mà là đưa Augustinô quay trở về với cái nôi thân
thương của mình, trở về với đức tin Kitô Giáo của người mẹ là Mônica. Chính nhờ
sự trở về này mà sau đó Augustinô trở nên một vị thánh giáo phụ lẫy lừng...
Như một cách để cảm nghiệm sự trở về của
Augustinô, bài viết dưới đây xin được trình bày hành trình ấy qua ba giai đoạn:
trở về với triết học, trở về với Platon và trở về với Kitô giáo; đồng thời, người
viết cũng muốn tìm hiểu tầm ảnh hưởng của hành trình trở về này đối với chính
Augustinô và với triết học Tây Phương cũng như với Kitô giáo.
NỘI DUNG
Sơ lược về tiểu sử của Augustinô
Augustinô sinh
ngày 13 tháng 11 năm 354 tại Tagaste, vùng Numidia thuộc Châu Phi. Thân phụ của
Augustinô là Patricius - một người ngoại giáo, còn thân mẫu là Mônica – một
Kitô hữu đức hạnh. Gia đình Augustinô thuộc loại tiểu trưởng giả: có ít tài sản
nhưng nhiều tham vọng nơi con cái. Khi còn nhỏ, Augustinô là một đứa trẻ thông
minh lanh lợi, hưởng thụ một nền giáo dục rất tốt từ người mẹ nhưng cũng rất
phóng khoáng của người cha nên Augustinô không luôn là một học trò gương mẫu.
Có đi xa hay đi lạc thì mới có sự trở về. Để có thể hiểu được sự trở về của Augustinô thì cần tìm hiểu Augustinô đã đi sai, đi lạc như thế nào. Từ lúc còn niên thiếu, Augustinô chỉ say mê những thú vui trần tục và thành công vật chất. Không dừng lại ở đó, Augustinô còn từ bỏ đức tin Công Giáo đã được thụ hưởng từ mẹ vì không nhận ra được tính hữu lý trong đức tin Công Giáo cũng như không chấp nhận một thứ tôn giáo mà theo Augustinô là không có sự tương hợp với lý trí con người, không có chân lý. Mười ba tuổi, Augustinô học ở Madaura. Tại đây, Augustinô được làm quen với văn chương Latin và bị ảnh hưởng của lối sống cũng như tín ngưỡng ngoại giáo nhưng rất phong phú của Rôma. Augustinô học rất chăm chỉ và rất có khiếu về ngôn ngữ. Tuy nhiên học được vài năm, Augustinô trở lại quê nhà Tagaste vì không có tiền học tiếp. “Sự nhàn rỗi và những bản năng của tuổi dậy thì đã khiến tinh thần ông bị rối loạn và là cơ hội cho những bản năng thấp kém trỗi dậy”[1]. Mười bảy tuổi, Augustinô được đến Carthage để học về hùng biện vì thân phụ đã lo được tiền. Carthage là một thiên đường khoái lạc đã đem lại cho Augustinô những thỏa mãn xác thịt, những thú vui thô tục cùng với những cám dỗ sa ngã. Trong sự sa đọa đó, Augustinô quyết định sống chung với một cô gái tên là Melania và có một con trai. Augustinô kết thúc việc học và chuyển sang dạy môn tu từ học. Khi đã có bằng hùng biện để giảng dạy thì Augustinô bị cuốn vào danh vọng và tiền bạc.
1. Hành trình trở về của Augustinô
Tuy là người phóng túng và trụy lạc nhưng Augustinô cũng lại có một tâm hồn bén nhạy: “Giữa lúc Augustinô còn vướng trong nhục dục, tham lam và hư danh như thế, chàng đã có lần cảm thấy bị thúc bách phải kiểm tra lại mình”[2]. Với trí thông minh vốn có và khao khát tìm kiếm chân lý, Augustinô đã dùng tri thức của mình để làm cuộc trở về. Đây là cả một hành trình dài và hoàn toàn không có dự tính trước mà phát xuất từ việc nhận ra những cái không thỏa đáng của các giá trị mà Augustinô đang bám víu, những giá trị không làm thỏa mãn một tâm hồn khát khao tri thức, khát khao chân lý Tuyệt Đối. Cuộc hành trình trở về đó bao gồm ba chặng đường: trở về với triết học, trở về với Platon và trở về với Kitô giáo.
1.1. Cuộc trở về
với triết học
1.1.1. Từ bỏ những
bận tâm phù phiếm và tham vọng trần tục
“Cuộc đời
của Augustinô là một cuộc đời tìm kiếm: tìm kiếm bằng chính kinh nghiệm bản
thân của mình cũng như tìm kiếm qua sách vở suy tư”[3]. Là
người phóng túng nhưng cũng là người yêu thích sự khôn ngoan và có tâm hồm bén
nhạy nên Augustinô thường xuyên xét duyệt lại mọi sự khi tiếp xúc với cái mới,
xét duyệt để dung nạp hay không dung nạp. Khi ở Carthage vào năm 19 tuổi,
Augustinô đã tiếp xúc với quyển Hortensius
- một khảo luận về triết học của Ciceron. Nội dung của khảo luận này nói rằng
triết học hay sự say mê khôn ngoan đưa con người vượt lên trên cuộc sống tầm
thường và đem lại cho con người một sự cao cả và hạnh phúc không thể sánh được[4]. Khảo
luận này có văn phong thật chải chuốt và lý luận rất thuyết phục. Tác giả Ciceron
là nhà hùng biện vĩ đại của La Mã, có khả năng làm chủ ngôn ngữ Latinh cách phi
thường và văn phong của ông đã đạt đến trình độ kỹ xảo ít ai sánh bằng[5]. Quyển
Hortensius “nhắc lại cho ngài ‘sự bất
tử của đức khôn ngoan’ và đánh thức trong ngài niềm khắc khoải về Thiên Chúa”[6].
Quyển sách này đã làm cháy lên trong Augustinô lòng yêu mến và khát khao tìm kiếm
sự khôn ngoan, làm thay đổi thái độ sống của Augustinô: “Tôi phải nói không
phóng đại là cuốn sách đã thay đổi toàn thể thái độ của tôi về cuộc sống”[7]. Đây
là sự khởi đầu cho hành trình trở về của Augustinô vì nó đánh thức lòng yêu mến
sự khôn ngoan của ngài. Augustinô nhận ra rằng sự cuồng nhiệt của xác thịt bấy
lâu nay đã làm Augustinô sao nhãng lòng yêu mến và khát khao tìm kiếm này, những
gì trước đây Augustinô cho là vẻ vang thì giờ đã trở nên hão huyền. Tác phẩm
này đã để lại cho Augustinô một kết quả vượt ngoài mong đợi:
“Cicero
đã cho tôi lòng khao khát mạnh mẽ bỏ đi những sự vật vật chất hay thế tục để
theo đuổi sự khôn ngoan... Mẹ tôi mua cho tôi tài hùng biện nhưng Cicero thuyết
phục tôi có điều còn quan trọng hơn văn thể. Lúc đó tôi bắt đầu vươn lên ra khỏi
vực thẳm tôi đã rớt xuống.”[8]
Lúc đó Augustinô
cảm thấy như bị chia đôi, bị giằn xé, giày vò giữa những dục vọng bản năng và
khát vọng tâm linh, giữa ham muốn thể xác và khát vọng tìm kiếm sự khôn
ngoan... Thế nhưng sự khao khát đó, những giằn xé trong lúc cao trào đó cũng chỉ
mang tính nhất thời, chỉ là một ước muốn tốt. Nó đã sớm bị chôn vùi vì những
lôi cuốn của hư danh trần tục... Tuy nhiên, sự nảy sinh tâm trạng bất an, không
thỏa mãn do cuốn Hortensius của
Cicero mang lại chính là bước khởi đầu chuẩn bị cho Augustinô ăn năn hoán cải
sau này.[9]
1.1.2. Dấn thân trong việc tìm kiếm khôn ngoan
Tuy vui
thích vì đã nhận ra điều thú vị từ Hortensius
của Ciceron nhưng dòng sữa Kitô Giáo của người mẹ đã ăn vào trong máu thịt
Augustinô, khiến cho Augustinô phải tìm đến Thánh Kinh để xem sách này nói gì, có
thể giúp Augustinô tìm ra khôn ngoan hay không, có thể so sánh với sự khôn
ngoan trong Hortensius của Ciceron
hay không. Trong quyển Tự thuật, Augustino
viết: “Hậu quả của việc đọc sách người không Công giáo này làm tôi quyết định đọc
Thánh Kinh để xem sách này như thế nào và có thể giúp cho tôi tìm ra sự khôn
ngoan hay không?”[10]. Tuy
nhiên, lúc này Augustinô chưa đủ khiêm tốn để đón nhận Thánh Kinh mà chỉ thấy
văn phong Latinh của Thánh Kinh chẳng mấy cuốn hút; nội dung thì chỉ toàn những
khuyên răn phải sống trong sạch, hy sinh, khiêm tốn... Những điều này lúc ấy
còn quá xa vời viễn vông với Augustinô nên Augustinô đã kết luận rằng Thánh
Kinh không thể so sánh với Cicero về ngôn ngữ hay ý tưởng siêu việt.
1.1.3. Bị lôi cuốn bởi giáo phái Manikê và việc từ bỏ giáo phái này
Vừa khát vọng
tìm kiếm kiếm sự khôn ngoan nhưng lại vừa muốn sống theo những đam mê của một tâm
hồn trẻ đầy cuồng nhiệt, làm sao Augustinô có thể dung hòa? Augustinô đã tìm được
một nơi “náu thân an toàn” là thuyết nhị nguyên của giáo phái Manikê. Giáo phái
này cho rằng sự hiện hữu của thiện và ác, ánh sáng và bóng tối, là hai nguyên
lý cùng tồn tại trong trần gian và cuộc đấu tranh giữa chúng đã có từ thuở ban
đầu, thế giới ánh sáng do Thiên Chúa điều khiển và thế giới tối tăm do Satan cai
trị. Thế nên khi con người có những khát vọng cao thượng thì đó chẳng qua là vì
yếu tố ánh sáng đang hiện diện trong linh hồn, còn khi bị bản năng xác thịt lôi
xuống đất thì đó chỉ là do bóng tối đang thắng thế trong mình. Phái này tự miễn
cho bản thân mỗi người khỏi gánh lấy những trách nhiệm về những yếu đuối và tội
lỗi của mình mà quy nó cho một sức mạnh xa lạ nào đó trong mình. Khi “nương
náu” ở phái này Augustinô thấy “an tâm” hơn về những đam mê xác thịt của mình. Augustinô
tự miễn cho mình trách nhiệm về những tội lỗi của bản thân vì cho rằng sự ác
cũng được coi là một nguyên lý căn bản như sự thiện, nó cũng có đủ sức mạnh khuất
phục con người như nguyên lý Thiện. Song song với việc đó, Augustinô còn coi việc
nhập thể, việc Thiên Chúa mang lấy thân xác con người là một chuyện hoàn toàn
không thể chấp nhận được[11].
Bè rối này cũng mang đến cho Augustinô cơ hội làm nên sự nghiệp vì lúc bấy giờ nó
thu hút được nhiều nhân vật có tầm ảnh hưởng to lớn tham gia. Có bằng hùng biện
trong tay, trở thành đồ đệ của thuyết Manikê, Augustinô cho rằng mình đã nắm được
chân lý dưới mọi hình thức nên càng cao ngạo.
Tuy nhiên,
khi những đau khổ, mất mát lớn lao trong cuộc đời xảy ra thì cũng làm thức tỉnh
con người rất nhiều. Đối với Augustinô cũng vậy. Cuộc đời của Augustinô gắn liền
với những người bạn, vì thế khi một người bạn vốn rất thân thiết, gắn bó với
Augustinô từ trung học đến lớn (ngay cả cùng theo Augustinô trong lạc thuyết
Manikê) giờ đây không còn trong cuộc đời trần thế này nữa thì Augustinô hoàn
toàn bị suy sụp, thấy lòng mình trở nên tăm tối và trống rỗng vô cùng, giờ đây Augustinô
mới nghiệm được thế nào là đau khổ, mất mát. Augustinô không muốn ở lại Tagaste
vì đâu đâu cũng đầy ấp kỷ niệm với người bạn quá cố nên quyết định chuyển đến
Carthage để tìm quên trong những trò tiêu khiển nhưng vẫn không thể quên được. Miên
man suy ngẫm về sự kiện này, Augustinô bỗng nghiệm ra một chân lý: “nơi con người
có một cái tôi vô thức mạnh mẽ đến nỗi chỉ cần một cú thôi là nó có thể đốn ngã
tất cả những kết luận của lý trí, những cao vọng cũng như những an toàn mà con
người đã dày công tạo dựng”[12].
Với những trăn trở trên, Augustinô đi tìm câu trả lời trong thuyết Manikê nhưng hoàn toàn thất vọng. Thuyết này đã “không giải thích được mầu nhiệm của cái tôi và cái ngã, không an ủi được nỗi đau đớn khôn tả của một kẻ bị mất người bạn thân tình”[13]. Augustinô lao vào nghiên cứu, tìm kiếm nơi các hệ thống tư tưởng có sẵn nhưng vẫn hoài công mà còn bắt gặp những điều khiến Augustinô lung lay niềm tin vào thuyết Manikê. Nản lòng về sự tìm kiếm vô vọng đó, Augustinô quay trở về với chính bản thân mình, tự phân tích chính mình. “Và khi càng phân tích chính mình, chàng càng khám phá thấy mình là nguồn gốc đẻ ra tốt lẫn xấu, một điều mà chàng đã cất công tìm kiếm bấy lâu nay”[14]. Nhờ phân tích chính mình mà Augustinô nhận biết được nguồn gốc của điều tốt hay xấu đều nằm ngay trong linh hồn mình và mỗi người phải chịu trách nhiệm về những tội lỗi của mình. Ngoài ra, Augustinô còn nghiệm ra một chân lý rằng bản tính của thụ tạo là sự chóng qua, không có sự vĩnh cửu. Từ những thất bại, yếu đuối của bản thân, Augustinô càng thêm khao khát sự thật, một sự thật nội tại. Chính những nhận biết và cảm nghiệm này đã làm Augustinô xa rời giáo thuyết Manikê, dọn đường cho cuộc trở về với Platon sau này.
1.2.
Cuộc trở về với Platon
1.2.1. Tiếp xúc với
học thuyết Tân Platon
Khi đến
Milano, Augustinô thường xuyên nghe những bài giảng của giám mục Ambrôsiô. Tuy
lúc đầu chỉ nghe cách tò mò, nhưng sau đó những bài giảng này đã lôi cuốn Augustinô
tự lúc nào. Augustinô đã gặp lại kinh nghiệm rất giống như kinh nghiệm Augustinô
đã có khi đọc quyển Hortensius của
Cicero. Nhờ những bài giảng này, Augustinô thông hiểu Kinh Thánh không chỉ theo
nghĩa đen mà còn theo nghĩa ẩn dụ sâu xa nữa – điều mà trước đây Augustinô
không tài nào hiểu và do đó không tài nào chấp nhận được. Chính sự khéo léo giải
thích Kinh Thánh theo lối ẩn dụ và cách vận dụng triết học tân Platon của
Ambrôsiô đã cuốn hút Augustinô một cách lạ kì. Ngoài ra, Augustinô còn tiếp xúc
với học thuyết tân Platon qua bộ sách chín quyển của Plotin - một triết
gia quan trọng của thuyết tân Platon thông qua bản dịch của dịch giả nổi
tiếng Marius Victorinus. Đặc biệt, tác phẩm
Enneades “đã vén mở cho ngài một thứ
thần học về Ngôi Lời cùng với tính chất thuần túy tiêu cực của sự dữ, và thế giới
bên kia là những điều mà các dữ kiện của mạc khải Kitô giáo sẽ bổ túc và thăng
hoa”[15].
Từ các tác phẩm của Plotin, Augustinô khám phá ra một thế giới khác, thế giới xuất phát từ Đơn Nhất, là nguồn của mọi sự hiện hữu. Từ học thuyết ý niệm của Platon, Plotin đã xây dựng nên học thuyết Đơn Nhất.. Nếu như trong học thuyết ý niệm, Platon đã tách thế giới ra làm hai là thế giới khả giác và thế giới khả niệm mà đỉnh cao là cái Thiện, thì Plotin lại gộp thế giới đó lại thành thế giới Đơn Nhất, cho rằng vạn vật đều bắt nguồn từ sự Đơn Nhất, sự Đơn Nhất này cũng đồng nghĩa với cái Thiện. Đơn Nhất là cái hoàn toàn tuyệt đối, tự túc, tự tồn tại nên nó không cần đến một cái gì ngoài mình và nó là nguyên lý tối hậu cho vạn vật. Theo lẽ đó, sự ác chỉ là cái khiếm khuyết sự thiện, là một sự thiếu hữu thể hay còn gọi là vô thể chứ sự ác không xuất phát từ Nhất thể[16].
Tóm lại, nhờ
thuyết đơn nhất của Plotin mà Augustinô đã “thoát khỏi xiềng xích của chủ nghĩa
duy vật”[17], thoát ra khỏi sự phân biệt
nhị nguyên của phái Manique. Augustinô nhận ra rằng sự thật không nhập thể
trong vật chất, hiểu thêm được bản tính thiêng liêng của mọi thụ tạo, đồng thời
nhận ra rằng nguồn gốc tốt xấu không phải là sự hiện hữu tự nó, cũng không phải
là một sức mạnh độc lập nhưng nó là sự sai lầm trong chính ý chí.
1.2.2. Mối tương đồng sâu xa giữa Kitô Giáo và triết học Tân Platon
Augustinô nhận
thấy rằng quan niệm về Thiên Chúa và vũ trụ, về cuộc tạo dựng vũ trụ, quan niệm
về sự hiện diện của ánh sáng thần linh trong trần gian này và trong tâm hồn con
người trong thuyết Tân Platon đã có sẵn trong lý thuyết của Kitô giáo. Augustinô
đã gặp thấy những quan niệm này trong thuyết Tân Platon trước khi đọc được
chúng trong Kinh Thánh[18]. Quan niệm thần linh như sự Thiện tuyệt đối
tinh tuyền trong thuyết Plotin cũng giống như quan niệm về Thiên Chúa – Đấng là
Sự Thiện Tuyệt Đối trong Kitô giáo. Và ý tưởng linh hồn phải đi sâu vào chính
mình mới gặp được chân lý cũng giống quan niệm con người đi sâu vào tâm hồn thì
sẽ gặp gỡ được Thiên Chúa trong Kitô giáo. Như thế, có những lúc Augustinô nhận
ra rằng giữa quan niệm của Kitô Giáo và tư tưởng của thuyết tân Platon không
cách xa nhau mấy, “những gì thuyết Tân Plato chỉ trình bày như một lý thuyết
cao đẹp thì trong Kitô Giáo chúng trở thành một thực tại sống động, linh hoạt”[19]. Chính
khi nghe những bài giảng của giám mục Ambrôsiô và đọc những tác phẩm của
Plotin, Augustinô hiểu ra rằng cách diễn giải các bản văn Cựu Ước theo lối tân
Platon có thể giúp giải quyết những vấn nạn tri thức mà trước đó Augustinô
không thể khắc phục được: “Điều tôi học được nơi Ambrose là đức tin Công giáo
có thể binh vực bằng lý trí. Nó không vô lý như trước đây tôi nghĩ, là vô lý từ
nội tại”[20]. Lý thuyết của phái tân
Platon đã giúp Augustinô tìm thấy một số chân lý Kitô Giáo trước khi đọc Kinh
Thánh và chuẩn bị cho Augustinô trở về với niềm tin Kitô giáo, niềm tin của người
mẹ Monica.
1.3. Cuộc trở về với Kitô Giáo – cuộc trở về đúng thời
1.3.1. Tiếng kêu gọi: “Hãy cầm lên và hãy đọc”
Tuy đã tìm
thấy một nguồn sáng lóe lên nơi triết học tân Platon nhưng nguồn sáng đó vẫn
chưa kéo được Augustinô khỏi những đam mê xấu. Augustinô vẫn còn bị giằn co giữa
lý trí và ý chí, vì thế có lần Augustinô đã cầu nguyện: "Lạy Chúa xin làm
cho con nên thánh...nhưng xin đừng làm ngay"[21]. Augustinô
còn phải chiến đấu với các dục vọng, giằn co với bản thân thật nhiều. Augustinô
cảm phục trước gương trở về của nhà hùng biện đại tài Victorinus –người đã dịch
bộ sách Plotin sang tiếng Latinh và cũng là một học giả danh tiếng, là thầy của
nhiều nghị sĩ; cảm phục trước gương trở về của hai người công chức sau khi đọc truyện
Thánh Antôn và chứng kiến các Kitô hữu sống hoàn toàn từ bỏ[22]
nhưng Augustinô vẫn còn chần chừ, do dự. Cho đến một ngày Augustinô đã bị khuất
phục...
Ngày đó, khi đang ngồi trong vườn với những suy tư miên man và những giằn xé vì tội lỗi đã phạm thì Augustinô nghe tiếng như tiếng của đứa trẻ nhà bên cạnh cứ lập đi lập cách du dương: “Tolle, lege. Tolle, lege - Hãy cầm lấy và hãy đọc. Hãy cầm lấy và hãy đọc”[23]. Như một sức mạnh thúc bách, Augustinô cầm quyển sách thư của Thánh Phaolô đang có trên bàn lên và giở ra đúng ngay câu: "Anh em hãy mặc lấy Đức Giêsu Kitô và đừng lo toan về xác thịt cho no thỏa các đam mê."[24] Những lời nhắn nhủ từ bỏ những việc làm của xác thịt để mặc lấy con người mới là Đức Kitô năm xưa của Thánh Phaolô đối với giáo đoàn Rôma thì giờ đây cũng chính là lời nhắc nhở riêng cho Augustinô. Cảm nghiệm được đoạn Lời Chúa này, mọi bóng tối nghi ngờ bao phủ lòng Augustinô bỗng tan biến hết, nhường chỗ cho ánh sáng của Đức Kitô chiếm ngự. Niềm tin vào Đức Kitô, Đấng vừa tuyệt đối, cao cả lại vừa gần gũi, không ngại chung chia thân phận con người đã làm cho hành trình tìm kiếm chân lý của Augustinô đạt đến mức trọn vẹn. Một quyết tâm mới và mãnh liệt đã bùng cháy trong lòng Augustinô: quyết tâm gia nhập Kitô giáo.
1.3.2. Lãnh nhận bí tích Rửa tội
Sau cảm
nghiệm mãnh liệt có được lúc ở trong vườn của nhà trọ tại Milano, Augustinô đã
biến đổi cách triệt để. Mùa hè sau khi kết thúc năm học đó, Augustinô trở về sống
với mẹ, con và một số người bạn tại miền quê Cassiciacum. Ở đây, Augustinô
không sống như một hối nhân “mà đúng hơn như một triết gia đã quay lưng với thế
gian để hưởng niềm vui thuần khiết do tư duy mang lại”[25],
một niềm vui vì đã tìm được chân lý. Lúc này Augustinô cảm thấy siêu thoát với
những vướng bận danh vọng và nhục dục, chẳng còn màng chi những thứ chóng qua
mà trước kia Augustinô hằng theo đuổi. Trong khoảng thời gian này, Augustinô
cùng bạn bè thảo luận những gì đã trải qua, bàn luận về mọi vấn đề của triết học,
khoa học, văn chương... cách thấu đáo. Sau một thời gian đủ để tĩnh lặng, suy
nghĩ và cảm nghiệm thực sự, Augustinô đã viết thư xin giám mục Ambrôsiô cho trở
lại đạo. Và trong buổi tối lễ Phục Sinh tháng tư năm 387, Augustinô đã lãnh nhận
Phép Rửa do giám mục Ambrôsiô cử hành.
Sau chặng
đường rong ruổi kiếm tìm chân lý, cuối cùng Augustinô cũng đã tìm thấy nó trong
niềm tin thuần khiết, đơn sơ của mẹ mình - người mẹ đã bao lần héo hắt vì con.
Hành trình tìm kiếm này giống như những nấc thang cứ lên dần, lên dần mà đỉnh
cao là niềm tin Kitô giáo; nơi đây, Augustinô đã có được câu trả lời cho nỗi khắc
khoải của mình. Augustinô đã khám phá ra rằng Thiên Chúa của Kitô Giáo là Đấng
Tuyệt Đối, là Sự Thiện Đích Thực, nguồn gốc của mọi sự thiện hảo trên trần
gian.
Với những
khám phá đó, sau khi lãnh nhận Phép Rửa, Augustinô cùng với một số người bạn trở
về lại quê hương Bắc Phi, tổ chức thành một nhóm sống chung theo kiểu tu viện
và nghiên cứu, suy niệm triết lý cũng như thần học, tìm vui trong triết học và
tôn giáo. Năm 391, Augustinô được thụ phong linh mục và sau đó được tấn phong
giám mục giáo phận Hippo (năm 395). Tuy việc tấn phong này trái ngược với mong
muốn chỉ hoạt động tri thức và sống cuộc sống thanh vắng, nhưng Augustinô cũng
đã từ bỏ ý muốn của mình để một lần nữa đáp lại tiếng Chúa gọi mời, hoàn toàn
hiến thân vào việc tông đồ, tận tâm tận lực cho đoàn chiên trong chức vụ giám mục
của mình[26].
Thời gian sau khi trở về với Kitô
giáo, Augustinô đã viết rất nhiều tác phẩm triết học và thần học để lại cho hậu
thế. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt các tác phẩm này là kinh nghiệm trở về của mình và sự
cảm nếm được ân sủng của Thiên Chúa.
2. Ảnh hưởng cuộc hoán cải của Augustinô
Có thể tạm phân chia sự ảnh hưởng cuộc
hoán cải của Augustinô trong hai lãnh vực triết học và thần học. Thật ra trong
thời đại của Augustinô, triết học và thần học đan xen với nhau và chưa
có sự phân biệt rõ ràng. Ranh giới giữa triết học và thần học vì thế còn có sự
mập mờ, khó phân chia rạch ròi. Sự phân chia sự ảnh hưởng cuộc hoán cải của Augustinô
đối với triết học hay thần học Tây Phương chỉ là một sự phân chia tương đối,
phân chia để nghiên cứu và nhận định mà thôi.
2.1. Ảnh hưởng đến nền triết học Tây Phương
Từ việc tìm hiểu hành trình trở về của Augustinô, chúng ta có thể nhận thấy rằng “một chuỗi
kinh nghiệm bản thân đã dẫn Thánh Augustinô đạt tới phương pháp triết học độc
đáo”[27] và từ
đó có nhiều ảnh hưởng đến nền triết học Tây Phương.
Ảnh hưởng đầu tiên từ cuộc hoán cải của
Augustinô đến nền triết học Tây Phương có
thể kể đến là qua niệm về sự tương xứng
giữa tri thức và khôn ngoan: Triết học là yêu mến, là say mê tìm kiếm sự khôn
ngoan. Sự khôn ngoan đó cũng là hạnh phúc tối hậu cho con người. Trong sự say
mê tìm kiếm đó, lý trí đóng vai trò quan trọng để biện phân. Vì thế, muốn biện
phân tốt, Augustinô cho rằng cần phải có sự tương xứng giữa tri thức và khôn
ngoan, cả hai điều này phải đi đôi với nhau. Từ quan điểm của Augustinô, Triết học
Tây Phương đã đạt đến đỉnh cao trong thời Kinh Viện khi thiết lập được sự hài
hòa giữa tri thức và khôn ngoan mà hai tác giả nổi tiếng là Tôma Aquinô và
Bonaventura.
Điều
ảnh hưởng thứ hai là ý tưởng đi sâu
vào trong lòng mình, phân tích chính bản thân của mình: Trong khi
các nhà triết học cổ đại còn có sự ngần ngại khi nói về bản thân vì cho rằng thể
xác là nguồn gốc của những dục vọng, là trại giam của linh hồn thì Augustinô lại nhận ra rằng con người gặp
gỡ với chân lý không qua giác quan cũng không qua thế giới bên ngoài nhưng là
khi đi sâu vào cái tôi của bản thân mình. Chính vì thế, khi trở về với triết học, Augustinô đã không ngại đi vào sâu trong lòng
mình, nhận thức mình cách rõ ràng để từ đó tìm đến chân lý: đây là bước đột phá mạnh mẽ
của Augustinô. Bước đột phá này như là một bàn đạp để những triết gia thế hệ sau tiếp tục
tìm kiếm tri thức, tìm kiếm chân lý khởi đi từ chính bản thân, khởi đi từ chính
nội tâm phong phú của bản thân chứ không khởi đi từ vũ trụ chẳng hạn như triết
gia Descartes với câu nói nổi tiếng: “Tôi suy tư nên tôi hiện hữu”.
Điều
ảnh hưởng thứ ba là quan niệm về sự Đơn Nhất: Khi quay về với Thuyết Đơn Nhất
của Plotin, Augustinô chân nhận rằng toàn thể lịch sử con người là một hành
trình với xuất phát từ Đơn Nhất và cũng là hành trình trở về với cái Đơn Nhất ấy.
Sau này, các thần học gia Kitô Giáo như Gregory thành Nyssa, Pseudo - Dionysius
và Scotus Erigena đã tận dụng để giải thích vũ trụ là do sự phát sinh từ cái
Đơn Nhất ấy[28].
Ảnh hưởng thứ tư có thể kể đến từ cuộc hoán cải của Augustinô là sự phản tỉnh: Cuộc trở về của Augustinô đã mang lại cho triết học Tây Phương một cái nhìn phản tỉnh, từ đó triế học Tây Phương thường xuyên nhìn lại chặng đường tri thức đã qua để xem xét lại những gì đã bị tha hóa đang tiềm tàng trong chính mình để chỉnh đốn lại cho thích hợp.
2.2. Ảnh hưởng đến tư duy thần học Tây Phương
Ngoài những
ảnh hưởng đến nền triết học Tây Phương như đã kể trên, cuộc hoán cải của
Augustinô còn ảnh hưởng đến nền thần học của Tây Phương, nhất là thần học Kitô
giáo.
Ảnh hưởng đầu tiên cần phải đề cập đến là việc
làm cho đức tin Kitô giáo phát triển một cách khoa học và mạch lạc hơn: “Qua
sự tiếp xúc với triết học ngoại giáo và dựa trên truyền thống Latinh, đồng thời
nhờ trí tuệ và một đời sống tinh thần phong phú, ngài (Augustinô) đã xây dựng
nên một nền thần học của riêng mình, một nền thần học phong phú nhất mà Tây
Phương chưa từng biết đến”[29]:
Đây là một nhận định rất sâu sắc và ý nghĩa mà Michel Spanneut đã dành cho Augustinô.
Quả thật, từ cuộc trở về này, Augustinô đã cho ra đời những học thuyết rất
phong phú, mới mẻ và mang tính triết lý Kitô giáo, trong đó nổi bật là các cuốn
Về Chúa Ba Ngôi, Tự Thuật và
Thành Đô Thiên Chúa. Augustinô đã làm cho chân lý đức tin Kitô giáo phát
triển một cách khoa học, rõ ràng hơn bằng việc hội nhập những phương pháp suy
tư triết học Hy Lạp. Nhờ đó, Augustinô đã đào sâu đức tin Kitô giáo, củng cố,
bênh vực Hội Thánh trước những học thuyết và bè rối sai lạc, giữ vững và làm phát
triển đức tin của Hội Thánh tông truyền.
Ảnh hưởng thứ hai là quan niệm về sự tương
hợp giữa đức tin và lí trí. Nếu như trước kia, trên con đường tìm kiếm chân
lý, Augustinô đã bị lôi cuốn bởi lạc giáo Maniquê; thì giờ đây sau khi suy xét
rõ ngọn nguồn, Augustinô kịch liệt phản đối giáo phái này khi họ nhấn mạnh đến
lý trí mà không tin vào Đức Giêsu Kitô và không chấp nhận đức tin[30].
Augustinô xác quyết sự tương hợp giữa đức tin và lí trí, cả hai soi sáng và hỗ
tương cho nhau: tin để hiểu và hiểu để tin. Chính tư tưởng này đã ảnh hưởng sâu
sắc đến nền thần học Kitô giáo.
Ảnh
hưởng thứ ba là về con đường tâm linh: Tư tưởng của Augustinô xoay quanh
hai chủ đề chính là về Thiên Chúa và thân phận con người. Từ cuộc hoán cải,
Augustinô đã gợi mở con đường tâm linh với hai hướng chính là đào sâu đời sống
tâm linh và đào sâu ý nghĩa đời sống cộng đoàn. Augustinô đề cập đến hai hướng
này trong chính kinh nghiệm cuộc sống cá nhân của mình và kinh nghiệm về sự
khám phá Thiên Chúa. Việc đào sâu đời sống tâm linh thông qua sự tĩnh lặng nội
tâm không phải là một sự im lặng trốn tránh hay lo âu sợ hãi nhưng là sự tĩnh lặng
tròn đầy để nhận diện chính mình và để khám phá ra tình yêu của Thiên Chúa. Lý
tưởng đời sống cộng đoàn để cùng nhau tìm kiếm và chia sẻ sự khôn ngoan, cùng
nhau hướng về Thiên Chúa giúp củng cố và phát triển đời sống tu trì. Ngày nay,
con đường tâm linh với hai hướng chính của Augustinô vẫn là nền móng cho đời sống
Kitô Giáo và cho những người sống đời dâng hiến nói riêng.
Ảnh hưởng thứ tư là về lòng khao khát
Thiên Chúa nơi con người: Sau khi trở về, Augustinô cảm nghiệm một điều thật sâu sắc
và mãnh liệt rằng con người là loài thụ tạo luôn hướng về Thiên Chúa và chỉ tìm
thấy hạnh phúc ở nơi Thiên Chúa: “vì Ngài đã tạo dựng chúng con cho Ngài và
trái tim chúng con chưa nghỉ ngơi được chừng nào chưa an nghỉ trong Ngài”[31].
Cảm nghiệm này vẫn mãi là một sự khát khao của con người mọi thời đối với Thiên
Chúa.
Ảnh hưởng thứ năm là nền thần học nhấn mạnh
vai trò của ân sủng: Vì có kinh nghiệm ê chề về xác thịt nên khi trở về,
Augustinô có thái độ hơi e dè với thân xác: cảnh giác về xác thịt, hơi bi quan
về tình trạng con người trong thân xác. Augustinô hơi bi quan khi cho rằng con
người vừa bị xâu xé bởi những đam mê dục vọng lại vừa bị đè nặng bởi tội nguyên
tổ nên khả năng tự do của con người bị hạn chế. Nền nhân học bi quan này cũng ảnh
hưởng đến Kitô Giáo cho đến công đồng Vaticanô II. Tuy nhiên, Augustinô không dừng
lại ở sự bi quan đó nhưng nhấn mạnh sự cần thiết của ân sủng. Khi tội lỗi càng
nặng nề, càng có sức hủy hoại con người thì ta thấy ảnh hưởng của ân sủng lại
càng nổi bật, càng ngời sáng. Chính ân sủng tái tạo con người, giúp con người sống
đúng nhân tính của mình.
Ảnh hưởng thứ sáu là việc vận dụng lý trí để
tìm kiếm Thiên Chúa- sự Khôn Ngoan đích thực: Không chấp nhận một niềm tin áp đặt hay thụ
động, Augustinô đã dùng trí thông minh của mình để tìm kiếm chân lý đích thực.
Việc vận dụng những tinh hoa của triết học một cách có chọn lọc kết hợp với trí
thông minh, Augustinô đã đạt được những kết quả đích thực trong việc truy tầm
chân lý. Đây là một mẫu gương sống động và cụ thể cho các Kitô hữu. Người Kitô
hữu không tin một cách mù quáng nhưng niềm tin đó phải luôn được trau dồi và củng
cố bởi tri thức đích thực.
Ảnh hưởng thứ bảy là việc tạo nên truyền thống Platon – Kitô giáo: Từ cuộc hoán cải, Augustinô đã tận dụng hết những tinh túy nơi triết học Palton để làm thành một con đường đến cùng Thiên Chúa, tạo nên một truyền thống Platon – Kitô giáo trong giáo hội Kitô giáo. Augustinô đã khám phá ra những điều kỳ diệu nơi con người theo hướng từ trên xuống, đối lại với việc đi từ cuộc sống con người trong đời thường đến thế giới huyền nhiệm và siêu nhiên theo cách của Tôma Aquinô. Từ Augustinô, tất cả tư tưởng Tây Phương quay về với tư tưởng và khôn ngoan của Kitô giáo.
3. Nhận định
Cuộc đời của
Augustinô là một cuộc đời tìm kiếm nhưng cũng là một hành trình trở về. Niềm
khao khát đi tìm chân lý rất triệt để khiến Augustinô không bằng lòng với cái
có sẵn, nhưng chính nó cũng làm Augustinô không thể thỏa mãn với các triết thuyết
vốn tự chúng không thể đưa đến chân lý. Vì thế, sau khi trải qua những tìm tòi,
khám phá bằng cách dùng tài trí, dùng năng lực nhận thức của bản thân, và có thể
nói rằng với nhiều bước “thử và sai”, cuối cùng Augustinô đã khám phá ra chân
lý nơi chính niềm tin của mẹ mình – một sự trở về đầy tự do sau khi đã nhận thức
được một cách đầy đủ và xác đáng.
Khi đã tìm
ra được chân lý cao cả này thì mỗi ngày trong cuộc đời của Augustinô không ngừng
là một sự trở về. Ngay cả sau này khi đã chịu phép rửa, làm linh mục và làm
giám mục nhưng Augustinô vẫn ý thức những yếu đuối
bất toàn của mình để luôn hoán cải trở về. Cuộc trở về này thật khiêm hạ
và âm thầm diễn ra liên tục cho đến những ngày cuối đời của Augustinô. Tinh thần đó thật đẹp và ý nghã biết bao! Những
kinh nghiệm nội tâm mà Augustinô có được từ sự trở về này đã biến đổi Augustinô,
làm cho Augustinô trở thành một trong những hối nhân vĩ đại nhất của lịch sử
Kitô giáo.
Sự trở về của Augustinô là một minh chứng rằng tôn giáo, cụ thể là Kitô giáo như là câu trả lời cho triết học. Triết học tìm kiếm sự khôn ngoan, tìm kiếm hạnh phúc. Sự khôn ngoan, hạnh phúc đó đã được Augustinô lùng sục, tìm kiếm ở khắp và cuối cùng tìm thấy nó trong chính Kitô giáo.Từ cuộc trở về này mà Augustinô đã gây nhiều ảnh hưởng sâu sắc đến lịch sử nhân loại mà đặc biệt là lịch sử Tây Phương. Từ Augustinô, tất cả Tây Phương quay về với tư tưởng và khôn ngoan của Kitô giáo. Ngày nay, những tư tưởng về triết học và thần học của Augustinô vẫn còn được nghiên cứu, khám phá và vận dụng, và nó là một trong những nguồn chính của giáo lý Kitô giáo.
KẾT LUẬN
Câu nói “Không
có một thánh nhân nào mà không có quá khứ. Và không có một tội nhân nào lại
không có tương lai.” của O.Wide thật chí lý vô cùng: vì điều khiến Augustinô trở
thành một trong những giáo phụ La tinh tiêu biểu nhất và có tầm ảnh hưởng lớn ở
phương Tây không phải vì trí thông minh xuất chúng cũng không phải vì tài hùng
biện thu hút nhưng trên hết đó chính là hành trình trở về của Augustinô. Từ những
suy tư rất sâu xa và được trải nghiệm một cách sống động trên con đường tìm về
với Thiên Chúa mà Augustinô trở nên trổi vượt hẳn trong số các giáo phụ. Nơi
Augustinô - một người có tâm hồn tôn giáo thật sâu xa thì đối tượng nghiên cứu
thường được trở thành đối tượng để chiêm ngắm[32],
điều này thật ý nghĩa cho những người thật sự khát khao tìm kiếm chân lý đích thực. Cuộc đời của Augustinô vẫn luôn là mẫu gương và là
bài học kinh nghiệm cho mỗi chúng ta trên hành trình tìm kiếm tri thức, tìm kiếm
chân lý, tìm kiếm Thiên Chúa. Và chúng ta không ngần ngại khi nói rằng:
"Augustin là nguồn suối mà các nhà tư tưởng ngày nay muốn mạo hiểm vào những
miền sâu của tâm hồn vẫn còn phải khai thác"[33].
TÀI LIỆU THAM KHẢO
v Lê Văn
Chính. Giáo Trình Giáo Phụ Học. Đại
Chủng Viện Thánh Giuse, 2009.
v Sách Tự Thú của Thánh Augustinô. Bản dịch của Lm
Ngô Tường Dzũng. Tôn Giáo.
v Tự Thuật của Thánh Augustinô. Bản dịch của Vân
Thúy. Tôn Giáo. Hà Nội, 2010.
v Đức Giáo
Hoàng Bênêdictô XVI. 36 Thánh Tiến Sĩ. Phương
Đông.
v Phan Văn
Tình, Triết Học Thượng Cổ Tây Phương ảnh
hưởng trên Kitô Giáo, Phương Đông.
v René Fulop
Miller. Những vị thánh làm đảo lộn thế giới-
Thánh Augustinô vị thánh của trí tuệ. Chuyển ngữ: Đặng Xuân Thành. Phương
Đông.
v Jorathe Nắng
Tím, Augustinô vị thánh của người trẻ, Tôn
Giáo.
v Nguyễn Trọng
Viễn. Lịch sử triết học Tây Phương Tập
II- Thời Trung Cổ.
v Lê Tôn
Nghiêm. Lịch sử triết học Tây Phương –
Quyển 2: Thời Thượng và Trung Cổ. Bộ văn hóa và giáo dục thanh niên. 1975.
v David E.
Cooper. Các trường phái triết học trên thế
giới. Lưu Văn Hy và nhóm Trí Tri dịch. Văn Hóa Thông Tin.
v Michel
Spanneut. Giáo Phụ, tập II. Đại Chủng
Viện Thánh Giuse.
v Samuel
Enoch Stumpf. Lịch Sử Trết Học Và Các Luận
Đề. Đỗ Văn Thuấn- Lưu Văn Hy biên dịch. Lao Động, 2004.
TRANG WEB
THAM KHẢO
v http://tinmung.net/CACTHANH/_CacThanh/_Thang08/Augustino/TimHieu/ThanhAutinh.htm
v https://cadoanaugustinecuuthanhvien.wordpress.com/tieu-su-thanh-augustino/
v https://dongten.net/2015/03/09/noi-khac-khoai-cua-thanh-au-tinh-trong-tac-pham-tu-thuat/
v https://en.calameo.com/read/0002351544d9e7346dcba
v https://thanhcavietnam.net/forum/printthread.php?t=40686&pp=40&page=1
v http://mfvietnam.org/triet-hoc-kito-giao-cua-thanh-augustine.html
v http://repository.vnu.edu.vn/bitstream/VNU_123/33598/1/02050004807%281%29.pdf
v http://www.simonhoadalat.com/giaoducgd/TuDuc/181TuTuongThanhAugustino.htm
v http://thanhlinh.net/node/76678#_ftnref2
[1] Lê Tuấn Dũng, Bản
thể luận của Augustino - Luận văn thạc sĩ triết học, Hà Nội, (2016), 48.
[2] René Fulop Miller, Những
vị thánh làm đảo lộn thế giới- Thánh Augustinô vị thánh của trí tuệ, Chuyển
ngữ: Đặng Xuân Thành, Phương Đông, 19.
[3] Nguyễn Trọng Viễn, Lịch
sử triết học Tây Phương Tập II- Thời Trung Cổ,1998, 37.
[4] Xem René Fulop Miller, Những
vị thánh làm đảo lộn thế giới.., 19.
[5] Xem https://vi.wikipedia.org/wiki/Cicero, truy cập ngày 27/04/2019.
[6] Michel Spanneut, Giáo
Phụ, Tập II, Đại Chủng Viện Thánh Giuse, 323.
[7] Sách Tự Thú của Thánh
Augustinô, Bản dịch của Lm Ngô Tường Dzũng, Tôn Giáo,
13.
[8] Sách Tự Thú của Thánh
Augustinô..., 13-14.
[9] René Fulop Miller, Những
vị thánh làm đảo lộn thế giới..., 20.
[10] Sách Tự Thú của Thánh
Augustinô..., 14.
[11] Xem Sách Tự Thú của
Thánh Augustinô..., 12.
[12] René Fulop Miller, Những
vị thánh làm đảo lộn thế giới..., 29.
[13] René Fulop Miller, Những
vị thánh làm đảo lộn thế giới..., 29.
[14] René Fulop Miller, Những
vị thánh làm đảo lộn thế giới..., 31.
[15] Michel Spanneut, Giáo
Phụ, Tập II, Đại Chủng Viện Thánh Giuse, 324.
[16] David E. Cooper, Các
trường phái triết học trên thế giới, Lưu Văn Hy và nhóm Trí Tri dịch, Văn
Hóa Thông Tin, 160
[17] René Fulop Miller, Những
vị thánh làm đảo lộn thế giới ..,. 51.
[18] Xem Lê Tôn Nghiêm, Lịch
sử triết học Tây Phương – Quyển 2: Thời Thượng và Trung Cổ, (Bộ văn hóa và
giáo dục thanh niên, 1975), 531.
[19] René Fulop Miller, Những
vị thánh làm đảo lộn thế giới.., 52.
[20] Sách Tự Thú của Thánh
Augustinô..., 26.
[21] Sách Tự Thú của Thánh
Augustinô..., 57.
[22] Xem Sách Tự Thú của
Thánh Augustinô..., 52 & 56.
[23] Xem Sách Tự Thú của
Thánh Augustinô..., 60.
[24] Rm 13, 13 -14.
[25] René Fulop Miller, Những
vị thánh làm đảo lộn thế giới..., 72.
[26] Xem https://catechesis.net/thoi-but-chien-ve-mau-nhiem-ba-ngoi-thanh-augustin-vi-chu-chan-va-tien-si-354-430-2/#ftnref10, truy cập ngày 16/04/2019.
[27] Samuel Enoch Stumpf, Lịch
Sử Trết Học Và Các Luận Đề, Đỗ Văn Thuấn- Lưu Văn Hy biên dịch, (Lao Động, 2004),
112.
[28] Xem http://dcvphanxicoxavie.com/vn/Triet-Hoc/Moi-Tuong-Quan-Giua-Triet-Hoc-Va-Than-Hoc.html.
[29] Michel Spanneut, Giáo
Phụ, Tập II, Đại Chủng Viện Thánh Giuse, 322-323.
[30] Xem Phan Văn Tình, Triết
Học Thượng Cổ Tây Phương ảnh hưởng trên Kitô Giáo, Phương Đông, 43.
[31] Tự Thuật của Thánh
Augustinô, Bản dịch của Vân Thúy, Tôn Giáo (Hà Nội,
2010), 32.
[32] Xem Michel Spanneut, Giáo
Phụ, Tập II, Đại Chủng Viện Thánh Giuse, 385.
[33] Lê Tôn Nghiêm, Lịch sử
triết học Tây Phương – Quyển 2: Thời Thượng và Trung Cổ, (Bộ văn hóa và
giáo dục thanh niên, 1975), 529.