THẦY BIẾT CON YÊU MẾN THẦY | Thư viện Học viện Công giáo Việt Nam

THẦY BIẾT CON YÊU MẾN THẦY

 

GIỚI THIỆU

Thánh Phê-rô,[1] người đứng đầu nhóm 12 môn đệ của Đức Giêsu Ki-tô. Tên thật của ngài là Simeon (tên theo Hebrew) hay Simon (tên theo Greek) con ông Gioan (son of John, Ἰωάννου) (x. Ga 21,15-17; Mt 16, 17) là người đã có gia đình (x. Mt 8,14) và anh em với Andrew, cùng quê với Philip ở Bethsaida – Galilee (x. Ga 1,44). Câu chuyện tình thầy trò[2] giữa ông và thầy Giêsu là một trong những chuyện tình đẹp và đầy lãng mạn. Chỉ với ba năm quen biết đi chung một con đường, có lúc đói cùng bứt bông lúa ăn dọc đường (x. Mt 12,1), thề liều mạng chết vì thầy (x. Ga 13,37; Mc 14,31) … nhưng cũng có lúc được ví như Satan (x. Mt 16, 23) và điểm đen của đời ông là đã từng ba lần không do dự chối bỏ không quen biết thầy (x. Mt 26, 69-75; Mc 14, 66-72; Lc 22, 54-61). Từ khi bắt gặp (nhận ra) ánh mắt đầy yêu thương của thầy Giêsu (x. Lc 22, 61), chứng kiến cuộc khổ nạn, Phục Sinh và nhận lãnh Thánh Thần mà thầy đã hứa ban. Tình yêu của Phê-rô đã được phục sinh. Phê-rô đã đứng dậy, đã bật tung cửa, can đảm bước đi theo con đường của thầy mình đã đi. Và cuối cùng, ông cũng nói lên tình yêu và lòng trung thành của mình dành cho thầy Giêsu bằng chính hành động và giá máu của mình.

Cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu Ki-tô và thánh Phê-rô trong đoạn Tin Mừng Ga 21, 17 cho thấy con người thật của Phê-rô, “tình yêu phục sinh” của ông dành cho Đức Ki-tô như thế nào, ông dè chừng khi thổ lộ tình cảm của mình dành cho Đức Ki-tô ra sao? “Thầy biết con yêu mến thầy” đã được Phê-rô trả lời thầy Giêsu lần thứ tư bằng chính hành động huỷ mình chăm sóc và dẫn dắt đàn chiên của Thầy. Phê-rô đã hy sinh tính mạng của mình để bảo vệ đàn chiên như Thầy đã làm. “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13), Phê-rô là mẫu gương cho mỗi Ki-tô hữu ngày nay, đặc biệt là các Giám mục, linh mục và tu sĩ. Giúp mọi người Ki-tô hữu nhìn lại tình yêu của mình dành cho Đức Giêsu Ki-tô như thế nào, để từ đó viết tiếp câu chuyện tình cho riêng mình.

TỔNG QUAN

1.              1. Bản Văn Gioan 21, 17

Bản văn tiếng Hy-lạp[3]: “λέγει αὐτῷ τὸ τρίτον· Σίμων Ἰωάννου, φιλεῖς με; ἐλυπήθη Πέτρος ὅτι εἶπεν αὐτῷ τὸ τρίτον· φιλεῖς με; καὶ λέγει αὐτῷ· κύριε, πάντα σὺ οἶδας, σὺ γινώσκεις ὅτι φιλῶ σε. λέγει αὐτῷ [ Ἰησοῦςβόσκε τὰ πρόβατά μου.

Bản dịch tiếng Việt[4]: “Người hỏi lần thứ ba: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không?” Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giê-su bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy.”

Bản văn tiếng Anh[5]: “He said to him the third time, "Simon, son of John, do you love me?" Peter was distressed that he had said to him a third time, "Do you love me?" and he said to him, "Lord, you know everything; you know that I love you." (Jesus) said to him, "Feed my sheep.”

2.              2. Bối cảnh bản văn

Bối cảnh đoạn văn này rất đặc biệt nơi Tin Mừng Gioan. Ở chương 20 trước đó, thánh Gioan đã khép lại Tin Mừng của mình, vì theo ngài nếu viết lại từng điều một thì cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra về Đức Giêsu Ki-tô, Con Thiên Chúa (x. Ga 21, 25), Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta (x. Ga 1,14). Như vậy chương 21 được xem như một phụ chương được thêm vào, và xem ra có ý nghĩa nhất định nào đó. Chương 21 tường thuật lại giống như một thước phim được chia thành các cảnh quay (tường thuật) rõ rệt:

Cảnh một: Đức Giêsu phục sinh hiện ra với các môn đệ của Ngài tại Galilee (x. Ga 21, 1-14).

Cảnh hai: Câu chuyện giữa Đức Giêsu phục sinh với Phê-rô (x. Ga 21, 15-19) và câu 17 nằm trong bối cảnh hấp dẫn này.

Cảnh ba: Phê-rô quan tâm đến “phần” anh em mình (x. Ga 21, 20-23).

Cảnh cuối kết phim: kết luận lần thứ hai (x. Ga 21, 24-25).

Giới hạn của bài viết tác giả chỉ muốn đi sâu vào chú giải câu Ga 21, 17 hầu thấy được tình yêu tuyệt đẹp của Phê-rô dành cho Thầy của mình và cho đàn chiên của Thầy.

3.              3. Cấu trúc và sức năng động của bản văn

Như đã trình bày, câu Ga 21, 17 năm trong câu chuyện tình rất đẹp giữa thầy Giêsu sau khi phục sinh và trò là Phê-rô bên bờ hồ Galilee. Chuyện hay và có cái kết đẹp mà tác giả Tin Mừng muốn thêm vào phụ chương Tin Mừng của mình như một niềm tự hào về một vị tông đồ trưởng, một “đá tảng” nâng đỡ đức tin của anh em và để mọi người biết đến một Phê-rô đã yêu và đáp trả tình yêu như thế nào. Chúng ta lượt sơ qua cấu trúc của toàn bộ câu chuyện Ga 21, 15-19[6]:

Người tường thuật: Khi các môn đệ ăn xong (c 15).

Đức Giêsu hỏi lần thứ nhất: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” (c 15). Thánh Phê rô: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Đức Giê-su: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.” (c 15).

Đức Giêsu hỏi lần thứ hai: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy không? (c 16). Thánh Phê rô: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” (c 16). Đức Giêsu: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy.” (c 16).

Đức Giêsu hỏi lần thứ ba: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không?” (c 17). Thánh Phê-rô: buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy.” (c 17). Đức Giê-su bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy. (c 17).

Người tường thuật: tiên báo cái chết của Phê-rô như thế nào (c 18, 19).

Đức Giêsu: “Hãy theo Thầy.” (c 19)

4.              4. Những điểm nhấn quan trọng

Điểm nhấn quan trọng trong câu chuyện này là lời bộc bạch của Phê-rô “Thầy biết con yêu mến Thầy”. Và “biết” như thế nào, “yêu” ra sao làm cho câu chuyện trở nên hay, đẹp và kết hậu. Bên cạnh đó cũng có các chi tiết khác giúp tăng thêm tình tiết cho câu chuyện như “ba” lần Đức Giêsu hỏi “tên riêng” của Phê-rô và giao toàn bộ gia sản “chiên của Thầy” cho ông chăm sóc và dẫn dắt.

II. PHÂN TÍCH VÀ CHÚ GIẢI

1.             1. So sánh tính đồng đại và biến thể của bản văn

Tính đồng đại: đây là trình thuật độc quyền của Tin Mừng Gioan không có trong Nhất Lãm.

Biến thể: bản văn theo Nestle Aland 28 chọn có một số biến thể: “λέγει αὐτῷ τὸ τρίτον· Σίμων Ý Ἰωάννου, φιλεῖς με; ἐλυπήθη Πέτρος ὅτι εἶπεν αὐτῷ τὸ τρίτον· φιλεῖς με; καὶ Ý λέγει αὐτῷ· κύριε, πάντα σὺ οἶδας, σὺ γινώσκεις ὅτι φιλῶ σε. λέγει αὐτῷ ä [ Ἰησοῦς] å · βόσκε τὰ πρόβατά μου.” (Jn. 21:17 NA28).

Ý Ἰωάννου có trong các bản văn ¥ B C D W lat, được NA28 chọn thay thế cho Ιωνα.  Ιωνα có trong bản văn A C2 K N Θ ψ Γ Δ. Khác biệt đôi chút về văn phạm: Ἰωάννου chia ở genitive. Ý λέγει được NA28 chọn sử dụng vì có trong các bản văn ¥ A D N W Θ ψ lat; còn ειπεν thì tìm thấy trong các bản văn B C K Γ Δ. λέγει (present indicative) và ειπεν (imperfect indicative) cùng chung gốc một động từ λέγω. ä [ Ἰησοῦς] å: Ιησους không có mạo từ được tìm thấy trong các bản văn B C ¥ D W. Còn [ Ἰησοῦς] chọn dùng trong bản văn NA28 có trong A K N Θ ψ Γ Δ. Nhìn chung không có thay đổi quan trọng về nội dung ý nghĩa của bản văn.

2. Con số “Ba”: Con số “ba” shelosh [f.], sheloshah [m.] xuất hiện trong Kinh Thánh 467 lần, mang ý nghĩa hài hoà, cuộc sống mới, đầy đủ cả, trọn vẹn cả[7][8]. Trong Kinh Thánh, “ba” lần Thiên Chúa gọi Samuel (x. 1Sm 3, 8); “ba” lần đề cập đến Đức Giêsu cầu nguyện trong vườn Gethsemane (x. Mt 26, 4); và đặc biệt trong bản văn Ga 21, 15-17, “ba” lần Đức Giêsu Ki-tô hỏi Phê-rô và sau “ba” lần Phê-rô trả lời con yêu mến thầy, Đức Ki-tô đã “ba” lần giao phó toàn bộ chiên của Ngài cho Phê-rô chăm sóc và dẫn dắt. Như vậy, Phê-rô đã trả lời Đức Giêsu Ki-tô “ba” lần trong đoạn văn này mang tính xác quyết (completeness) và cũng nhờ đó chính thức đem lại cho ông một cuộc đời mới (new life) với sứ vụ mới, hài hoà (harmony) tự tin lại với các anh em tông đồ.

3. Chúa gọi tên riêng của một ai đó: Mối quan hệ cá nhân giữa Thiên Chúa và từng người là nét độc đáo của Ki-tô giáo. Khi Chúa gọi tên riêng một ai đó thì đối với Ngài người đó là của riêng Ngài:hỡi Gia-cóp, lời của Đấng nắn ra ngươi, hỡi Ít-ra-en: Đừng sợ, vì Ta đã chuộc ngươi về, đã gọi ngươi bằng chính tên ngươi: ngươi là của riêng Ta!” (x. Is 31, 1). Và đặc biệt trong Kinh Thánh khi Chúa gọi tên ai đó “hai lần” có nghĩa Chúa muốn nhấn mạnh, đề cao vai trò và phẩm giá (elevation) của người đó lên.[9] Ví như Chúa gọi “Abraham! Abraham!” (x. St 22, 11), gọi “Moses! Moses!” (x. Xh 3,4), gọi “Jacob! Jacob!” (x. St 46,2), goi “Martha! Martha!” (x. Lc 10, 38-42) và gọi Phê-rô “Si-môn, Si-môn ơi, kìa Xa-tan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh.” (x. Lc 22, 31-32)[10]. Đoạn Ga 21, 17 Đức Giêsu Ki-tô gọi Phê-rô bằng tên gọi riêng và cả nguồn gốc của ông: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an”. Kinh Thánh khi nhắc đến Simon thường liên quan đến cuộc sống đời thường, rất con người của Phê-rô (natural being), không chút gì liên quan đến một Phê-rô đầy Thánh Thần: nhà ông Simon (x. Mc 1, 29; Lc 4, 38; Cv 10,17), mẹ vợ ông Simon (x. Mc 1, 30; Lc 4, 38), Đức Giêsu lên thuyền của ông Simon là một người đánh cá (x. Lc 5, 3), bạn bè ông Simon là James và John (x. Lc 5, 10) [11]. Như vậy trong ngữ cảnh này, Đức Giêsu Ki-tô đang nói với một Phê-rô rất con người (nature being). Và đây cũng là lần cuối cùng Đức Giêsu Ki-tô gọi Phê-rô là Simon. Vào ngày lễ Ngũ Tuần, Phê-rô và các tông đồ khác được đầy Thánh Thần. Simon nay trở thành Phê-rô (new life), thành “đá tảng” nâng đỡ đức tin của toàn bộ anh em và đã “biết yêu” Đức Giêsu Ki-tô bằng tình yêu cao đẹp nhất “tình yêu tự hiến cho người mình yêu (agape)”.

4. “Yêu”: Bản văn Ga 21, 15-17 tiếng Việt và tiếng Anh dùng từ “yêu” và ‘love” chung chung cho toàn bộ cuộc trò chuyện không cho thấy điều khác biệt, điểm nổi bậc, nét hay đẹp độc đáo của câu chuyện “tình thầy trò” này: Lần thứ nhất Đức Giêsu hỏi con có “yêu-love” thầy không, nơi bản văn Hy-lạp dùng từ “ἀγαπᾷς με” (Jn. 21:15 NA28), và Phê-rô trả lời “yêu-love” là “φιλῶ σε” (Jn. 21:15 NA28). Lần thứ hai Đức Giêsu hỏi giống như lần thứ nhất con có “yêu-love” thầy không, nơi bản văn Hy-lạp dùng từ “ἀγαπᾷς με” (Jn. 21:16 NA28), và Phê-rô trả lời “yêu-love” cũng là “φιλῶ σε” (Jn. 21:16 NA28). Nhưng lần thứ ba Đức Giêsu hỏi con có “yêu-love” thầy không bằng chính tình yêu mà Phê-rô đã thổ lộ trước đó “φιλεῖς με” (Jn. 21:17 NA28), và Phê-rô vẫn trả lời “yêu-love” là “φιλῶ σε” (Jn. 21:17 NA28). Trong ngôn ngữ Hy-lạp có bốn hạn từ diễn tả tình yêu (love) là: Phileo, Agape, Storge và Eros. Storge: tình thương mến, tồn tại tự nhiên giữa các thành viên trong gia đình, bạn bè như: Mary, Martha và Lazarus[12]. Eros: mang tính dục (sexual) tình yêu đam mê (passionate love), quan hệ vợ chồng (marriage relationship)[13]. Phileo[14]: tình huynh đệ (brotherly love) như tình huynh đệ giữa David và Jonathan “tâm hồn ông Giô-na-than gắn bó với tâm hồn ông Ða-vít, và ông Giô-na-than yêu mến ông như chính mình (x. 1Sm 18, 1-3). Phileo không dành cho kẻ thù, và những người mình ghét. Agape: tình yêu tự hiến, tình yêu hiến dâng (sacrificial love). Đây là tình yêu cao quí nhất (most noble), công hiệu nhất bởi vì nó mang theo cả hành động và ước muốn. Đức Giêsu Ki-tô là mẫu gương cho loại tình yêu tự hiến này “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (x. Ga 15,13). Hai lần đầu Đức Giêsu Ki-tô yêu cầu nơi Phê-rô một tình yêu Agape. Nhưng Phê-rô chỉ có thể đáp trả bằng tình yêu Phileo. Nét đẹp của câu chuyện nơi câu hỏi thứ ba của Đức Ki-tô, Ngài đã hạ yêu cầu đòi hỏi của mình xuống bằng với sự đáp trả của Phê-rô, và Phê-rô cũng trả lời Phileo một cách xác quyết như hai lần trước như con người thật của mình. Điều làm cho câu chuyện trở nên đẹp là ở câu trả lời thứ tư (mặc dù không có câu hỏi thứ tư, nhưng chỉ có lời mời gọi “hãy theo Thầy” thôi) bằng chính hành động của thánh Phê-rô sau này.

5. “Biết”: Nếu chỉ đọc bản văn tiếng Việt và tiếng Anh sẽ không thấy gì khác biệt giữa động từ “biết” hay “know”: “Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy” hay “you know everything; you know that I love you.” Nhưng ở bản văn Hy-lạp tác giả sách Tin Mừng sử dụng hai động từ khác nhau để diễn tả mức độ “biết” mà Phê-rô buồn rầu bày tỏ làοἶδας” và “γινώσκεις”. Động từ Oἶδα, οἶδας[15]: có nghĩa là biết (know), nhớ đến (remember). Còn động từ Γινώσκω, γινώσκεις[16]: tới để biết (to come to know), nhận ra (recognize), nhận thức (perceive). Các tác giả Nhất Lãm đều sử dụng từ “οἶδας” và “γινώσκεις” mang ý nghĩa như trên: Tin Mừng Mac-cô viết: “Anh em không hiểu (know) dụ ngôn này, thì làm sao hiểu (perceive, recognize) được tất cả các dụ ngôn? οὐκ οἴδατε τὴν παραβολὴν ταύτην, καὶ πῶς πάσας τὰς παραβολὰς γνώσεσθε (Mk. 4:13 NA28). Thánh Luca diễn tả ý nghĩa của từ “biết - γινώσκω” mạnh, biết rõ, sâu đậm như quan hệ giữa vợ với chồng: “Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết (perceive, recognize) đến việc vợ chồng! εἶπεν δὲ Μαριὰμ πρὸς τὸν ἄγγελον· πῶς ἔσται τοῦτο, ἐπεὶ ἄνδρα οὐ γινώσκω” (Lk. 1:34 NA28). Và nơi khác thánh Luca dùng từ “biết - γινώσκω” để cho thấy một sự nhận biết tỏ tường như quỷ đã thấy Thiên Chúa: “ἀποκριθὲν δὲ τὸ πνεῦμα τὸ πονηρὸν εἶπεν αὐτοῖς· τὸν [μὲν] Ἰησοῦν γινώσκω καὶ τὸν Παῦλον ἐπίσταμαι, ὑμεῖς δὲ τίνες ἐστέ - Nhưng tà thần đáp: “Đức Giê-su, tao biết; ông Phao-lô, tao cũng tường; còn bay, bay là ai?” (Acts 19:15 NA28). Thánh Mat-thêu, ngài cũng sử dụng từ “biết - γινώσκω” như Luca và Mac-cô: “καὶ οὐκ ἐγίνωσκεν αὐτὴν ἕως οὗ ἔτεκεν υἱόν· καὶ ἐκάλεσεν τὸ ὄνομα αὐτοῦ Ἰησοῦν - Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giê-su (Matt. 1:25 NA28). “σοῦ δὲ ποιοῦντος ἐλεημοσύνην μὴ γνώτω ἀριστερά σου τί ποιεῖ δεξιά σου - Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm (Matt. 6:3 NA28). Tin Mừng Gioan sử dụng và phân biệt từ “biết - γινώσκω” khác với “biết - oἶδα” một cách rõ rệt và cũng giống với các tác giả Nhất Lãm hầu cho thấy “biết - γινώσκω” là một sự hiểu biết có liên quan đến mối quan hệ giữa hai chủ thể “biết” và “được biết” (lịch sử mối quan hệ): “Ἐγώ εἰμι ποιμὴν καλὸς καὶ γινώσκω τὰ ἐμὰ καὶ γινώσκουσίν με τὰ ἐμά - Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi (Jn. 10:14 NA28) καθὼς γινώσκει με πατὴρ κἀγὼ γινώσκω τὸν πατέρα - như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha (Jn. 10:15 NA28). “τὰ πρόβατα τὰ ἐμὰ τῆς φωνῆς μου ἀκούουσιν, κἀγὼ γινώσκω αὐτὰ καὶ ἀκολουθοῦσίν μοι - Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi (Jn. 10:27 NA28). Như vậy, Thầy biết (σὺ γινώσκεις) con yêu mến Thầy là một sự hiểu biết quá rõ mang sử tính “ba” năm kể từ lúc Thầy gọi lần thứ nhất cho tới giây phút này. Hai lần trước Phê-rô trả lời “Thầy biết - οἶδας”, và lần thứ ba cũng trả lời “οἶδας” rồi buồn rầu nhấn mạnh thêm “γινώσκεις”. Chính vì thế Phê-rô dè chừng và chỉ có thể đáp trả được Phileo với Thầy mà thôi, không dám (nổ) như trước đây (x. Ga 13,37; Mc 14,31).

6. Chăm sóc và dẫn dắt chiên của Thầy: chăm sóc chiên con (lamb) và cừu (sheep) của Chúa mang ý nghĩa phổ quát và đồng thời phục hồi chính thức vai trò “đá tảng” của Phê-rô trước mặt các tông đồ. Nhắc nhở mọi thành phần trong Giáo hội rằng: mọi Ki-tô hữu là chiên của Chúa chứ không phải của Phê-rô hay của một ai khác (x. Ga 10, 14, 27; Ga 21, 15-17). Phê-rô nhận uỷ thác từ chính Đức Giêsu Ki-tô nhiệm vụ chăm sóc (Feed - βόσκε) và chăn dắt (Tend - ποίμαινε) hay quyền chìa khoá (rule) toàn bộ đàn chiên của Chúa (x. Mt 13, 16-19).

III. SUY TƯ THẦN HỌC

     “Thầy biết (γινώσκεις) con yêu mến Thầy”. Với “ba” năm đi theo Thầy (lịch sử biết nhau ba năm, cũng là con số “ba” đủ để hiểu biết nhau trọn vẹn rồi), Thầy biết rõ một Simon con ông Gioan nhiệt thành như thế nào. Khi Thầy gọi “hãy theo Thầy” là lập tức bỏ hết mọi sự đi theo liền (x. Lc 5, 1-11; Mt 4,18-22; Mc 1,16-20). Đã từng nói yêu thầy với một tình yêu agape: “con sẽ thí mạng vì Thầy” (x. Ga 13, 37), và “bỏ thầy con biết theo ai” (x. Ga 6, 67-70). Nhưng Phê-rô không làm được “ tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối” (Mc 14, 38). Hành động của Phê-rô đi ngược lại với lời tuyên xưng của mình, ông đã chối không biết Thầy đến “ba” lần. Ở bản văn Ga 21,17, ta bắt gặp một Simon con ông Gioan khác hẳn, ăn nói dè chừng không còn ba hoa hay nổ như trước đây. Phê-rô nhìn nhận yếu đuối, giới hạn của bản thân mình, con người thật của mình (natural being), và thánh nhân chỉ có thể đáp trả tình yêu phileo dành cho Đức Giêsu Ki-tô thôi. Kết thúc hành trình đức tin của mình nơi dương thế, Phê-rô đã trả lời agape với Thầy bằng chính giá máu của mình như Thầy đã agape cho Phê-rô và cho chúng ta.

KẾT LUẬN

     Lời mời gọi “hãy theo Thầy” của Đức Giêsu Ki-tô lần thứ hai là lời mời gọi tuyệt vời đối với Phê-rô và đối với mỗi người Ki-tô hữu mọi thời. Thiên Chúa mời gọi mỗi Ki-tô hữu nên thánh bằng cách sống tình yêu Agape dành cho Ngài và cho tha nhân. Đối với bản chất con người (natural being) sống tinh thần phileo đã là khó. Nhưng với tình yêu, ân sủng của Thiên Chúa và qua gương mẫu nơi thánh Phê-rô: cảm nhận tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, đặc biệt với ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần mới có thể làm cho con người đạt tới được tình yêu agape. “Thầy biết Phê-rô yêu mến Thầy”, đó là câu chuyện tình thầy trò, chuyện tình của một hối nhân mang trong mình đầy yếu đuối trong phận người “Lạy Chúa, xin Chúa tránh xa con vì con là kẻ tội lỗi” (x. Lc 5, 1-11) với một Thiên Chúa Tình Yêu làm lay động và nâng đỡ đức tin biết bao nhiêu người. Chuyện tình giữa tôi và thầy Giêsu đang viết thế nào, tiến triển ra sao? Nhìn vào gương thánh Phê-rô, dưới dự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, tin cậy vào lòng thương xót của Thiên Chúa mà can đảm viết tiếp câu chuyện cho riêng mình.

Joseph Quang Bình STB-K2

 

SÁCH & TÀI LIỆU THAM KHẢO

Phụng vụ giờ kinh, Thánh Kinh, Hà Nội: Tôn Giáo 2011.

Nestle Aland 28

BilbeWords 10

https://www.vatican.va/archive/ENG0839/__PXT.HTM

https://www.britannica.com/biography/Saint-Peter-the-Apostle

https://catholic-resources.org/John/Outline-John21.html

https://www.crosswalk.com/faith/bible-study/what-does-the-number-3-signify-in-the-bible.html

https://www.fayobserver.com/story/lifestyle/faith/2018/12/12/ron-godbolt-when-god-calls-your-name-twice/6695735007/

https://www.gty.org/library/blog/B170724/peter-whats-in-a-name

https://www.compellingtruth.org/phileo-love.html

https://www.biblestudytools.com/bible-study/topical-studies/why-we-all-need-more-phileo-love-this-year.html

https://biblicaltext.com/dictionary/%CE%BF%E1%BC%B6%CE%B4%CE%B1

https://biblehub.com/greek/1097.htm

 

 



[1] Phêrô dịch từ tiếng Hy-lạp Kēphas, từ Latin là Cephas, và từ Aramaic là Kepa nghĩa là “Đá”.

https://www.britannica.com/biography/Saint-Peter-the-Apostle

[2]κύριους” dùng cho Đức Giêsu Ki-tô, Ngài là Đức Chúa, nhưng bản dịch tiếng Việt dịch là Thầy.

[3] (Jn. 21:17 NA28)

[4] Phụng vụ giờ kinh, Thánh Kinh, Hà Nội: Tôn Giáo 2011.

[5] https://www.vatican.va/archive/ENG0839/__PXT.HTM

[6] Dựa theo https://catholic-resources.org/John/Outline-John21.html

[7] https://www.crosswalk.com/faith/bible-study/what-does-the-number-3-signify-in-the-bible.html

[8] Con số “ba” là một trong bốn con số mang ý nghĩa “hoàn hảo” (những con số mang ý nghĩa hoàn hảo khác là 7, 10 và 12)[8]. Con số “ba” mang nặng ý nghĩa đầy đủ, trọn hảo (completeness) như tiên tri Isaia diễn tả Thiên Chúa là Đấng “Trọn Thánh” (Is 6,3)[8].

[9] https://www.fayobserver.com/story/lifestyle/faith/2018/12/12/ron-godbolt-when-god-calls-your-name-twice/6695735007/

[10] Ibid.

[11] https://www.gty.org/library/blog/B170724/peter-whats-in-a-name

[12] https://www.compellingtruth.org/phileo-love.html

https://www.biblestudytools.com/bible-study/topical-studies/why-we-all-need-more-phileo-love-this-year.html

[13] Ibid.

[14] Ibid.

[15] https://biblicaltext.com/dictionary/%CE%BF%E1%BC%B6%CE%B4%CE%B1

[16] https://biblehub.com/greek/1097.htm

Thánh Phêrô

Labels:
Thư viện Học viện Công giáo Việt Nam