Trước
khi Chúa Giêsu được rước lên trời, ngài đã sai các môn đệ: “Anh em hãy đi khắp
tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.” (Mc 16,15) Lời này
không chỉ là lệnh truyền cho sứ vụ truyền giáo mà chính Chúa Giêsu đã ủy thác
cho Giáo hội, nhưng còn đặt nền tảng thần học quan trọng cho mọi nghiên cứu về
lĩnh vực này, nhất là môn Truyền giáo học là môn học về truyền giáo và các hoạt
động truyền giáo. Thật vậy, Thần học và truyền giáo có mối tương quan chặt chẽ
với nhau. Trong giới hạn, bài làm sẽ tóm lược cách khái quát nền tảng thần học của
sứ vụ truyền giáo được xây dựng trên các nền tảng chính yếu: Ba Ngôi; Cứu Độ và
Kitô học; Thánh Linh học; và Giáo Hội học.
- Nền tảng
Ba Ngôi
Sứ mệnh truyền
giáo là công trình của chính Thiên Chúa Ba Ngôi (missio Dei). Nếu trước Vaticanô II, nền tảng thần học của sứ
vụ truyền giáo chỉ tập trung vào mệnh lệnh truyền giáo của Đức Kitô Phục Sinh
(Mt 28, 19-20); thì sau Vaticanô II, Giáo hội tập trung vào mầu nhiệm Ba
Ngôi – Thiên Chúa Ba Ngôi nơi nhiệm cục cứu độ.
Như vậy, nền tảng
Ba Ngôi của truyền giáo được hiểu là truyền giáo được đặt nền tảng trên những sứ
mạng thuộc về Thiên Chúa ngoại tại và trên Chúa Ba Ngôi như một sự hiệp thông của
các Ngôi vị. Nói cách khác, sứ mạng truyền giáo của
Giáo Hội, tự bản chất và chính yếu, xuất phát từ Ba Ngôi và mang một cấu trúc
có tính Ba Ngôi: “Giáo Hội phổ quát xuất hiện như một dân tộc được hiệp nhất nhờ
sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.” (x. LG 4). Chính từ
Ba Ngôi mà sứ mạng được khởi sự và kết thúc. (x. Eph 1, 3-14; 2,18; LG 4, 48;
AG 2). Ba Ngôi là nền tảng đầu tiên và cuối cùng của bản chất truyền giáo của
Giáo Hội. (EA 31)
Một số tác giả
Kitô giáo ngoài Công giáo cũng có những quan điểm bảo vệ cho nền tảng Ba Ngôi của
sứ vụ truyền giáo. Đối với Giáo Hội Chính Thống, nền thần học này nhấn mạnh:
“Chiều kích Ba Ngôi và Kitô không thể tách lìa nhau trong nền giáo hội học
Chính Thống, bởi vì Giáo Hội càng là Giáo Hội của Chúa Kitô bao nhiêu thì càng là
Giáo Hội của Chúa Ba Ngôi bấy nhiêu, và ngược lại.” Vicedom, trong quyển sách Missio Dei trứ danh đã viết: “Công cuộc
truyền giáo mà chúng ta đang góp phần bắt nguồn từ chính Thiên Chúa Duy Nhất và
Ba Ngôi”. Phía Tin Lành, nhà thần học Braaten thì nhận xét: Ba Ngôi không chỉ
là cội nguồn mà còn là cùng đích của sứ mạng thừa sai của Giáo Hội. Giám mục
Anh giáo Leslie Newbigin, cũng xác định rằng, chỉ trong cái khung của đức tin
và tín điều về Ba Ngôi thì ta mới hiểu đúng đắn sứ mạng của Chúa Kitô và Chúa Thánh
Thần. Tác giả này xác tín rằng tín điều về Ba Ngôi giúp cho Giáo Hội hiểu được
và thực thi sứ mạng thừa sai của mình.
Như vậy, chính
Thiên Chúa Ba Ngôi là nguồn mạch và cội rễ cho sự hiện hữu và sứ mạng thừa sai
của Giáo hội (x. AG 2). Theo chiều hướng này, ta có thể nói rằng giữa Giáo Hội
và Thiên Chúa Ba Ngôi có một mối liên hệ về bản thể, hay Giáo Hội là hình ảnh của
Ba Ngôi. Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II trong RM 35 nói: mục đích cơ bản của
truyền giáo là có thể làm cho người ta thông dự trong sự hiệp thông giữa Chúa
Cha và Chúa Con; sự sai phái thuộc Ba Ngôi Thiên Chúa của Hội Thánh ở trong sự
liên hệ trực tiếp với bí tích thanh tẩy.
- Nền tảng
Cứu Độ và Kitô học
Nội dung và cách
thức của truyền giáo Kitô giáo được đặt nền trên sự am hiểu của Hội Thánh về Đức
Giêsu Kitô và về giá trị cứu độ sự chết và phục sinh của Ngài. Do đó, Kitô học
và cứu độ học xác định việc truyền giáo của Kitô giáo và là nền tảng của sứ vụ
Kitô giáo.
Tuy nhiên, trong
lịch sử Giáo hội, nền tảng này từng gặp khó khăn bởi thuyết đa nguyên cơ bản
trong Kitô học. Thuyết này chủ trương rằng, mọi tôn giáo chỉ là những biến thể
văn hóa thông thường hay là những kinh nghiệm bí ẩn của Đấng Siêu Việt. Tương tự,
lời khẳng định truyền thống về tính duy nhất, tính phổ quát, tính tuyệt đối và tính
chuẩn mực của sự mạc khải cứu rỗi trong Chúa Giêsu Kitô là kết quả của điều kiện
văn hóa. Điều này nên bỏ đi, vì nó cũng là kinh nghiệm đã xảy ra nơi các tôn
giáo khác.
Trước các giáo
thuyết ấy, Giáo hội luôn xác tín tính duy nhất mạc khải cứu độ của Đức Giêsu
Kitô không phải là chuyện bịa đặt. Nhưng vì yêu và để cứu độ con người, Thiên
Chúa đã tự tỏ lộ mình nơi Đức Giêsu Kitô. Các môn đệ và hết thảy những ai tin
vào Ngài đều chân nhận rằng: Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ
muôn dân. Đây là tính duy nhất đích thực của biến cố Giêsu, nên chắc chắn phổ
quát và có tính cách quy chuẩn cho hết mọi người. Đồng thời, niềm tin vào sự
duy nhất và phổ quát của ơn cứu độ và đặc tính chuẩn mực của nó không dựa trên
những nguyên nhân chủ quan, nhưng nó dựa trên sự chết và sự phục sinh của Đức
Giêsu Kitô. Với kinh nghiệm phục sinh của Đức Giêsu Kitô, Giáo hội hoán cải để
được cứu độ và không ngần ngại loan báo cách chắc chắn về ơn cứu độ cho mọi người.
(LG 9, AG 2) Từ đây, mở ra nẻo đường sứ vụ của Giáo hội, sứ vụ loan báo Tin Mừng
về Đức Giêsu Kitô, về cái chết và sự phục sinh của Người.
Chân lý và sứ vụ
của Giáo hội tuôn chảy từ mầu nhiệm Phục Sinh. Vì thế, sứ vụ Kitô giáo dựa vào
niềm tin nơi Đức Giêsu Kitô. Vì niềm tin vào Đức Giêsu Kitô như là Đấng cứu độ
phổ quát là nền tảng của Giáo hội. Niềm tin và chân lý này thúc đẩy sứ mạng
truyền giáo của Giáo hội, thúc đẩy những Kitô hữu đầu tiên trở thành những nhà
truyền giáo. Có thể nói, không thể có sứ vụ Kitô Giáo nào mà lại không có sự
loan báo về Đức Giêsu Kitô.
Sâu xa hơn, tính duy
nhất của sự cứu chuộc Kitô giáo luôn tin tưởng cách chắc chắn rằng: Chỉ có “một
Thiên Chúa duy nhất”, “một gia đình nhân loại” và “một Đấng Cứu Độ”. Và ơn cứu
độ ấy đã được tỏ lộ nơi Đức Kitô và trải rộng cho hết mọi dân tộc. Vì, Thiên
Chúa muốn thánh hóa và cứu độ con người không như những cá nhân riêng
rẽ, nhưng là những nhân vị liên đới với nhau, để họ thành một dân để phụng sự
Ngài trong chân lý và thánh thiện (x. LG 9).
Tóm lại, Giáo hội
sẽ không bao giờ có một sứ vụ Kitô giáo để phúc âm hóa mà không có sự loan báo
về Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh, đã sống lại và ngự bên hữu Chúa Cha. Bởi vì,
“Đức Giêsu Kitô là con đường chính yếu cho Giáo hội. Tự chính Người là con đường
dẫn tới nhà Chúa Cha” (RH 38). Như thế, lịch sử
nhân loại và cứu độ không đối lập nhau. Sự khôi phục muôn loài sẽ xảy ra
trong Đức Kitô phục sinh, khi nhân loại và toàn thể thế giới được thành toàn
cách trọn hảo trong Ngài.
- Nền tảng
Thánh Linh học
Chúa Thánh Thần
là tác nhân chính trong sứ vụ truyền giáo của Hội Thánh. Ngài dẫn dắt, thúc đẩy
những định hướng của Hội Thánh theo ý định của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Công đồng
Vaticanô II gọi hoạt động của Thần Khí trong lòng các dân tộc là “hạt giống của
Lời”, ngay cả trong các hoạt động tôn giáo, trong cố gắng của nhân loại hướng về
chân lý, hướng về điều thiện và hướng về Thiên Chúa. “Chúa Thánh Thần ban cho tất
cả mọi người khả năng tham dự vào mầu nhiệm Vượt qua, theo cách thức chỉ có
Thiên Chúa biết” (GS 22). Thánh Thần khơi dậy niềm thao thức của con người liên
quan đến đời sống và tôn giáo, những thao thức này không chỉ phát sinh từ những
hoàn cảnh ngẫu nhiên, nhưng còn từ chính cấu trúc của con người (x. RM 28).
Ngày nay, Chúa
Thánh Thần vẫn đang hoạt động trong tâm hồn con người, trong lịch sử các dân tộc,
trong các nền văn hóa và trong các tôn giáo. “Ngài điều khiển những chuyển biến
của thời gian và canh tân bộ mặt của trần gian với sự quan phòng kỳ diệu, đang
hiện diện trong cuộc tiến hóa này.” Hoạt động này được hiểu trong sự qui chiếu
về Chúa Kitô (x. RM 29).
Thật vậy, sứ mạng
của Chúa Con và Chúa Thánh Thần không phải là hai sứ mạng riêng rẽ. Vì chỉ có một
sứ mạng cứu độ từ Thiên Chúa đối với trần gian, mục đích của Người là con người
được thông phần vào sự sống đời đời của Thiên Chúa: “Mục đích cuối cùng của sứ
vụ là làm cho người ta chia sẻ trong sự hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con”
(RM 23). Vì thế, không có hai con đường cứu rỗi song song: “Thánh Thần, Đấng đã
hoạt động trong biến cổ nhập thể, trong đời sống, cuộc khổ nạn, sự chết và cuộc
Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô, nay đang hoạt động trong Giáo Hội… Quả thật,
chính Thánh Thần luôn luôn hoạt động, cả khi làm cho Giáo Hội được sống động
hay thúc đẩy Giáo Hội loan báo Đức Kitô, cũng như khi tuôn đổ và làm tăng triển
các hồng ân của Người nơi tất cả mọi người và mọi dân tộc. Người dẫn dắt Giáo Hội
khám phá, cổ võ và đón nhận các hồng ân đó nhờ đối thoại.” (x. RM 29).
Trong việc truyền
giáo của Hội Thánh, Chúa Thánh Thần hằng đi trước, đồng hành và đi theo Hội
Thánh. Ngài thúc bách các môn đệ sống chứng tá mở rộng ơn cứu độ đã được hoàn
thành nơi Đức Kitô, để các ngài trở nên các nhà truyền giáo, những nhân chứng của
sự phục sinh của Chúa Kitô. Đồng thời, Chúa Thánh Thần còn là người chủ xướng về
sự truyền giáo của các tông đồ và của Hội Thánh.
- Nền tảng
Giáo hội học
Nền tảng Giáo hội
học của truyền giáo cần lưu ý hai điểm: Đức Kitô đã khai mạc Vương Quốc Nước Trời
và Ngài sai Hội Thánh ra đi tiếp tục loan báo sứ mạng ấy. Có thể nói, Chúa
Giêsu luôn tóm tắt toàn bộ sứ vụ của Ngài trong một cụm từ “Nước Trời”, mà Hội
Thánh là hạt giống, dấu chỉ và là khí cụ để phục vụ cho việc loan báo đó.
Ý thức rõ vai trò
của mình, công đồng Vaticanô II nhấn mạnh: việc truyền giáo là bản chất tự
nhiên của Giáo hội (AG 2). Định nghĩa này có nguồn gốc Kinh Thánh: “Anh em là
giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của
Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người”. (x.1 Pr 2, 9) Như vậy,
truyền giáo là ý định của Thiên Chúa, không phải của Giáo hội. Hội thánh đã được
thiết lập và sai đi như là khí cụ để loan báo và phục vụ kế hoạch tình yêu của
Thiên Chúa đã thực hiện nơi đức Kitô.
Trong vai trò là
bí tích của Nước Thiên Chúa, Hội Thánh ý thức mình là hạt giống, dấu hiệu và dụng
cụ của Vương Quốc Nước Trời. Hội Thánh biết trước Nước Trời một cách giới hạn
(“đã rồi, nhưng chưa”). Do đó, Hội Thánh loan báo Nước Trời và mời tất cả mọi
người chấp nhận Nước ấy. Hội Thánh cũng làm chứng cho những giá trị của Nước Trời
như vui mừng, bình an và công bình. Thật vậy, Hội Thánh thời ban đầu đã hiểu
chính mình như một hoạt động truyền giáo – đó là đang đi theo Đường Đức Giêsu
(x. Cv). Các tín hữu tin tưởng rằng họ là một dân đã được sai đi: “Như Chúa Cha
đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20, 21). Sự sai đi của Hội Thánh tiếp
nối sự sai đi của chính Đức Giêsu.
Như vậy, việc
loan báo Tin Mừng là ơn gọi nguyên thủy và là đặc tính của Hội Thánh. Hội Thánh
không ngừng làm cho mình được tăng triển trong sự hiệp thông khi có sự phát triển
cơ cấu và sự lớn mạnh nội tại: sự lớn mạnh trong thân phận của người môn đệ Đức
Kitô; sự lớn mạnh trong niềm tin, hy vọng và bác ái. Hơn nữa, Hội Thánh luôn hướng đến sự hợp nhất trong các bí tích, nhất
là bí tích thanh tẩy và bí tích Thánh Thể. Đặc biệt, Hội Thánh có vai
trò hiện diện trong môi trường văn hóa xung quanh của mình và làm cho mầu nhiệm
của Đức Kitô hiện diện trong bối cảnh hội nhập văn hóa.
Nhận định và kết luận
Điểm lại vài nét về nền tảng thần học của sứ vụ truyền
giáo, chúng ta có thể khẳng định: “Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải
truyền giáo, vì chính Giáo Hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh
Thần theo ý định của Thiên Chúa Cha” (AG 2). Giáo hội được sai đi loan
báo Tin Mừng là để mang ơn cứu độ đến cho hết mọi dân tộc, để tất cả mọi người
được nên một với nhau trong ‘Vương quốc Thiên Chúa.’ Sứ vụ đó không gì khác
chính là loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Suốt chiều dài lịch sử của
mình, Giáo Hội luôn ý thức về nhiệm vụ này để rồi đã, đang và sẽ tiếp tục “ra
đi” trên mọi nẻo đường, vượt nhiều gian khổ, tìm nhiều phương thế, để Tin Mừng
được loan báo đến tận cùng trái đất. (x. Cv 1,8)
Đức Thánh Cha Phanxicô trong sứ điệp ngày thế giới
truyền giáo 2022 đã nói lên “giấc mơ truyền giáo” của ngài khi chia sẻ: “Tôi tiếp
tục mơ về một Hội Thánh hoàn toàn truyền giáo, và một kỷ nguyên mới của hoạt động
truyền giáo giữa các cộng đoàn Kitô hữu. Tôi lặp lại nguyện ước vĩ đại của ông
Môsê cho dân Thiên Chúa trong hành trình của họ: “Ước gì toàn dân của Chúa đều
là những ngôn sứ!” (Ds 11, 29). Ước gì, điều mà chúng ta hằng xác tín: “Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ
có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và
trong mọi người.” (Ep 4,5), trở thành chân lý cứu độ và nguồn động lực cho
mọi dấn thân của người Kitô hữu trong sứ vụ truyền giáo. Ước gì, với phép rửa
đã được lãnh nhận, chúng ta sẽ ý thức rõ về vai trò và trách nhiệm của người
Kitô hữu là ngôn sứ, chứng nhân, người truyền giáo của Chúa. Chúng ta sẽ tiến
bước trong Thần Khí để Tin Mừng của Thiên Chúa được loan báo đến tận cùng trái
đất cho muôn người được hưởng ơn cứu
độ.
Anna Thúy Hồng
STB-K2