CON NGƯỜI VÀ ƠN GỌI CỦA ĐAVÍT TRONG SÁCH SAMUEL | Thư viện Học viện Công giáo Việt Nam

CON NGƯỜI VÀ ƠN GỌI CỦA ĐAVÍT TRONG SÁCH SAMUEL

 


Anna Thúy Hồng STB-K2


I.            DẪN NHẬP

Ơn gọi Thiên Chúa dành cho mỗi người là một ơn gọi rất riêng, hoàn toàn cá vị. Ơn gọi đó, khởi đi từ ý định muôn thuở của Thiên Chúa, và được thực hiện nơi những con người cụ thể. Đọc lại lịch sử Thánh Kinh, ta thấy Thiên Chúa chọn gọi mỗi người mỗi cách, ơn gọi của tổ phụ Abraham, của Isaac, của Giacop, ơn gọi của Samuel, của các ngôn sứ, hay ơn gọi của Đavít…tất cả đều được Chúa chọn và gọi cách đặc biệt. Chúa chọn họ, chẳng phải vì họ tài giỏi, lỗi lạc, hay là bậc hào kiệt xuất chúng, tướng mạo cao to, vạm vỡ. Thiên Chúa chọn họ đơn giản chỉ vì họ là những người được như lòng Ngài muốn. Có thể thấy rõ điều đó qua con người và ơn gọi của Đavít trong trình thuật 1,2 Samuel.

Đọc lại trình thuật 1,2 Samuel, ta nhận ra ơn gọi của Đavít đến từ kế hoạch của Thiên Chúa. Trước sự bội phản, bất trung của Saul, nhiều lần ngôn sứ Samuel đã cảnh báo Saul về sự tồn vong của vương triều, nhưng với bản chất và tính cách con người Saul, ông gạt bỏ ngoài tai những sứ điệp đó. Lời hứa về việc Thiên Chúa sẽ giật lấy vương quyền của Saul để trao cho người xứng đáng hơn để lãnh đạo dân Ngài đã được thực hiện nơi con người Đavít: Đức Chúa đã tìm cho mình một kẻ như lòng Ngài mong muốn, và Đức Chúa đã đặt kẻ ấy làm người lãnh đạo dân Ngài” (1Sm 13,14). Vậy, phải chăng Đavít là một con người toàn hảo? Và đâu là những đặc tính làm hài lòng Thiên Chúa nơi con người Đavít?

II.          NỘI DUNG

1.    Khái lược đôi nét về Đavít

Đavít/דָּוִד (1035 - 970 tr.CN) tiếng Do Thái có nghĩa là “người được yêu mến”. Đavít là con út trong tám người con của Iessê, thuộc chi tộc Giuđa. Ông là vị vua thứ hai của Israel sau thời vua Saul, và trị vì vương quốc này khoảng 40 năm. Có thể nói, đây là thời hoàng kim của vương quốc Israel và Đavít được biết đến không chỉ là vị vua tài ba, diện mạo điển trai, mà còn là một vị vua tốt lành, đạo đức, hết lòng kính sợ Thiên Chúa.

Trong trình thuật 1,2 Samuel, chúng ta biết được chính Đavít là người được Thiên Chúa chọn và đã sai ngôn sứ Samuel xức dầu tấn phong cách trực tiếp và công khai (1Sm 16, 12b-13), để kế vị vua Saul. Từ vị thế một người chăn chiên cừu, Đavít đã được Thiên Chúa cất nhắc lên làm vua toàn cõi Israel. Bề ngoài, Đavít có vẻ điển trai, tuấn tú (1 Sm 16,12a) nhưng tướng mạo cậu lại nhỏ bé và không cao lớn, vạm vỡ như các anh (1 Sm 16,6). Qua đó, ta thấy Thiên Chúa tuyển chọn Đavít không theo sắc vóc bên ngoài: “Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn ĐỨC CHÚA thì thấy tận đáy lòng.” (1 Sm 16,7). Chúa chọn Đavít, đơn giản chỉ vì nhìn thấy nơi ông có những phẩm chất tốt lành như lòng Ngài muốn.

2.    Những đặc tính làm hài lòng Thiên Chúa nơi con người Đavít

Từ chương 16 của sách 1 Samuel đến 2 Samuel, gương mặt Đavít dần xuất hiện với nhiều nét ưu việt. Đavít không chỉ đặc biệt trong tính cách mà còn nổi bật với nhiều phẩm chất tốt lành. Điều đó không có nghĩa là Đavít hoàn hảo, không có khiếm khuyết, yếu đuối hay sai lầm, nhưng là dám nhận lãnh trách nhiệm về hành vi mình làm. Bên cạnh đó, chính vẻ đẹp bên ngoài của Đavít phần nào cũng phản chiếu nét đẹp bên trong tâm hồn ông (1 Sm 16,12a). Vẻ đẹp nội tâm và phong thái tốt lành của Đavít được tỏ lộ qua thái độ:

2.1.    Đavít hằng vâng phục thánh ý Thiên Chúa trong mọi việc

Đứng trước mọi hoàn cảnh, trước những trận chiến, hay những hoạch định dù lớn hay nhỏ của đời mình, Đavít luôn thỉnh ý Thiên Chúa để biết mình cần phải làm gì, điều gì nên làm và điều gì không nên làm (1 Sm 23, 1-28; 2 Sm 1,1; 2 Sm 5, 17-19.22-25…). Và Thiên Chúa đã dẫn đường chỉ lối cho Đavít, qua đó, Đavít nhận ra bàn tay quan phòng của Thiên Chúa trong cuộc đời mình (2 Sm 5,12). Khác với Saul, ông luôn tỏ ra bất phục tùng thánh ý của Thiên Chúa và thường bất nhẫn trước những ý định của Thiên Chúa trong mọi việc (1 Sm 13, 11-12; 1 Sm 15,11.14.15.20-21; 1 Sm 28,35).

Từ sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa của Đavít, chúng ta nhận ra rằng, sự bất tuân sẽ không bao giờ có chỗ trong chương trình của Thiên Chúa. Thiên Chúa cần sự “lắng nghe” và “vâng phục” nơi những con người, những dụng cụ thật sự khiêm nhường và sẵn sàng để Người hướng dẫn hơn là những hy lễ, vì chính Ngài đã phán qua ngôn sứ Samuel: “ĐỨC CHÚA có ưa thích các lễ toàn thiêu và hy lễ như ưa thích người ta vâng lời ĐỨC CHÚA không? Này, vâng phục thì tốt hơn là dâng hy lễ, lắng nghe thì tốt hơn là dâng mỡ cừu”. (1 Sm 15, 22) // Hs 6,6; Gs 1,7; Mt 12,7; Lc 11,28.

2.2.    Đavít luôn đặt trọn niềm tin tưởng, phó thác nơi Chúa

Đavít không chỉ biết tuân phục thánh ý Thiên Chúa, mà còn là người hằng đặt trọn niềm tin tưởng, phó thác nơi Chúa (1Sm 17,37.45-47; 1Sm 30,1-10; 2 Sm 2,1-7; 2 Sm 4, 9-11), và dám để thánh ý Thiên Chúa hành động trên cuộc đời mình. Vì thế, Đavít luôn tìm được sức mạnh nơi Thiên Chúa. Điều đó, được thể hiện rõ qua trận chiến giữa Đavít với gã khổng lồ Goliat của quân đội Philitin. Khi được Saul trao thanh gươm cùng những y phục chiến đấu là biểu tượng của quyền lực, sức mạnh và sự bảo vệ an toàn, nhưng Đavít đã từ chối. Ông chỉ ra trận với dây phóng đá và gậy mục tử, cùng lòng tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa (1 Sm 17,40). Qua đó cho thấy, Đavít đã không đặt niềm tin vào phẩm phục, quyền lực thế gian, nhưng đặt trọn vào Thiên Chúa. (1 Sm 17, 45-47; 1 Sm 30,6).

Trước thánh ý Thiên Chúa, dầu không được tỏ lộ cách nhanh chóng, rõ ràng và như ý ông muốn, nhưng Đavít luôn kiên nhẫn. Khác với Saul, ông thường thiếu kiên nhẫn và lòng tin vào Thiên Chúa, luôn tự làm theo ý mình (1 Sm 13, 7b-15). Đặc biệt, Saul thường phủ nhận sự hiện diện của Thiên Chúa, ít là hai lần trong cuộc đối thoại với Samuel: “Thiên Chúa của ông” chứ không phải “Thiên Chúa của tôi” (1 Sm 15, 15.21); họa chăng, nếu có tuyên xưng thì chỉ là chót lưỡi đâu môi, nhưng thực chất ông chỉ lạm dụng Thiên Chúa và tôn giáo như là công cụ để thực hiện cho những mưu lược chính trị hay những tham vọng của ông. Sự loại bỏ Thiên Chúa để “quy tôi” trong sự tìm kiếm vinh quang, danh dự của Saul, đã khiến ông bất chấp mọi thủ đoạn, không từ khước một hành động gian ác nào, và cứ thế trượt dài trên những nẻo đường của sự bất hảo và lầm lạc.

Đavít thì khác, ông luôn đặt niềm tin vào Thiên Chúa ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn, khốn cùng nhất, thậm chí khi mạng sống bị đe dọa, Đavít vẫn đủ sáng suốt để kiên định lòng tin vào Thiên Chúa (1 Sm 30,6). Đavít luôn đặt cuộc sống, tương lai vào sự quyết định của Thiên Chúa mà không tự làm theo ý riêng mình. Vì thế, Đavít luôn được Thiên Chúa ở cùng (1Sm 18,12), bảo vệ và hướng dẫn hành trình đời ông (1Sm 17, 26.37; 1 Sm 23, 1-28; 1 Sm 30, 7-8; 2 Sm 2,1).

2.3.    Đavít sống có trách nhiệm, dám lãnh trách nhiệm về việc mình làm

Phẩm chất của Đavít càng trở nên tốt hơn khi ông sống có trách nhiệm và dám lãnh trách nhiệm trong việc mình làm. Đavít trung tín trong những việc nhỏ, khi còn là người chăn chiên dê, Đavít đã sống chết để bảo vệ đàn vật của mình (1 Sm 17, 34-36). Ngay cả sau này, trong những lần Đavít lâm nguy và chạy trốn sự truy lùng của Saul, ông vẫn luôn tỏ ra là người có trách nhiệm, lo lắng, bảo vệ cho những người giúp đỡ mình được bình an (1 Sm 22, 22-23), hay những người chiến binh đi theo mình khi chạy trốn có lương thực, nơi ẩn trú (1 Sm 21,1-10) … Chính điều này, làm cho Đavít trở nên tốt hơn Saul, vì Saul ích kỷ, chỉ biết nghĩ cho mình và sống vô trách nhiệm (1 Sm 14,24). Trước những khó khăn, thất thế, Saul luôn luôn đổ lỗi cho người khác (1 Sm 15,15.21), thậm chí ông sẵn sàng sử dụng người khác như là công cụ để phục vụ cho những mưu đồ chính trị. Để bảo vệ cho ngai vàng, Saul sẵn sàng triệt hạ những “kỳ đà” cản lối ông ta (1 Sm 22, 12-19).  

Tinh thần sống có trách nhiệm của Đavít còn thể hiện qua việc ông luôn giữ lời hứa và biệt đãi tốt đối với những người đã từng giúp đỡ mình. Đavít giữ lời hứa với Gionatan (2 Sm 9,1), hay với Abigail (1 Sm 25,39), khác với Saul luôn thề thốt nhưng lại bội thề và hành xử cách gian trá. Saul hết lần này đến lần khác phỉnh gạt Đavít, từ chuyện hôn nhân (1 Sm 18,19), đến chuyện hứa với Giônatan sẽ không giết Đavít (1 Sm 19,6) và lời sám hối, cùng lời thề sẽ không giết Đavít khi được Đavít tha cho (1 Sm 26,21).

Đavít còn là một người sống có tình có nghĩa với mọi người (2 Sm 1, 11-12.17; 2 Sm 3, 31-35; 2 Sm 9, 3-5.7; 10, 1-2a). Đứng trước cái chết của Gionatan, Abner, hay chính con trai mình… Đavít đã không ngại gào khóc, thảm thiết ca vãn, xé áo, ăn chay. Thậm chí, Đavít còn đau xót khóc thương Saul, là người năm lần bảy lượt tìm cách sát hại và truy lùng Đavít mọi ngày (1 Sm 23,14).

2.4.    Khiêm nhường và sẵn sàng cúi đầu sám hối trước những lỗi lầm của mình.

Ngỡ tưởng, Đavít là con người hoàn hảo và tốt lành, một người dũng cảm, can đảm (1 Sm 17, 32), công chính và thanh liêm (1Sm 24,1-23), khôn ngoan và bén nhạy (1 Sm 18, 11;19,10; 21,14). Ngỡ tưởng, Đavít sẽ không bao giờ đổ máu người vô tội (2 Sm 3,26.28), vì ông rất tôn trọng sự sống (1 Sm 24, 5-6), nhất là sự sống của những người được Thiên Chúa xức dầu (1 Sm 24,7; 26,9-11). Khi bị Saul truy lùng, tìm mọi cách sát hại Đavít, nhưng khi cơ hội đến thì ông lại không làm điều đó, mà tin rằng, quyền xét xử là ở Thiên Chúa, chính Thiên Chúa sẽ là người xét xử những hành vi của Saul (1 Sm 26,12). Thiên Chúa đã giữ cho Đavít không bao giờ đi con đường bạo lực nhưng dùng tình thương, đức ái, để cảm hóa người khác. Đavít cũng không bao giờ dùng những lời lẽ tục tĩu để thóa mạ, nguyền rủa, miệt thị Saul hay bất cứ ai: “…Hôm nay đây, chính mắt cha thấy ĐỨC CHÚA đã trao cha vào tay con, hôm nay, trong hang; người ta nói đến chuyện giết cha, nhưng con đã thương hại cha và nói: ‘Tôi sẽ không tra tay hại chúa thượng tôi, vì người là đấng ĐỨC CHÚA đã xức dầu tấn phong’.” (1 Sm 24, 10-11)

Dầu vậy, với sự dòn mỏng, yếu đuối của phận người, Đavít không tránh khỏi những phút giây lầm lạc, lỗi tội. Có lúc, Đavít tôn thờ Thiên Chúa một cách thực dụng để lấp đầy những tham vọng chính trị, (2 Sm 6, 9.12). Đỉnh điểm sự sa ngã của Đavít là câu chuyện ngoại tình với Bathsheba và giết Uriah (2 Sm 11, 1-27). Chính hành động bất chính này của Đavít, đã làm trái mắt Đức Chúa.

Câu chuyện ngoại tình và giết người của Đavít đã để lại vết ô nhơ cho chính đời ông. Tuy nhiên, đứng trước tội lỗi và sai phạm của mình, Đavít không ngần ngại thú nhận và khiêm nhường cúi đầu trước nhan Chúa. Khi Nathan được Thiên Chúa phái đến với Đavít để nói những lời của Thiên Chúa về tội ngoại tình và giết người của Đavít, Đavít không quanh co, chối cãi hay đổ lỗi, nhưng rất thành tâm và khiêm tốn nhận tội đã phạm: “tôi đã đắc tội với Ngài” (2 Sm 12, 13). Hành động thống hối ấy cảng trở nên chân thành và cảm động hơn khi Đavít thốt lên những lời thống thiết trong thánh vịnh 50: “Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm. Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt Ngài… Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh, đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài… Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát, một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê.” Sự khiêm tốn, cùng trực giác bén nhạy về những sai lỗi của chính mình còn được thể hiện qua lần Đavít cắt vạt áo Saul, ông đã cảm thấy áy náy (1 Sm 24,6); hay lần kiểm tra dân số, Đavít cũng cảm thấy hối hận và chân thành xin lỗi Chúa khi nhận ra hành động không phải của mình (2 Sm 24,10).

Chính thái độ chân thành, khiêm tốn và mau mắn nhận lỗi, Đavít đã được Thiên Chúa thứ tha. Chúa đón nhận ông với tất cả con người thật của ông. Để rồi qua những sai lầm đó, Chúa dạy dỗ và huấn luyện Đavít cách tiệm tiến. Chúa thương Đavít không bằng sự yêu chiều, hay dung túng cho những lỗi tội của ông, nhưng Ngài sẵn sàng sửa dạy, uốn nắn và đánh phạt khi Đavít làm điều sai trái: “Về phía ĐỨC CHÚA, Người đã bỏ qua tội của ngài; ngài sẽ không phải chết. Thế nhưng vì trong việc này ngài đã cả gan khinh thị ĐỨC CHÚA, nên đứa trẻ ngài sinh được, chắc chắn sẽ phải chết.” (2 Sm 12, 12-14). Điều quan trọng là Đavít biết ngoan ngùy, khiêm tốn để cho Chúa huấn luyện và dạy bảo. Chính điều đó, càng làm cho Đavít trở nên “đáng yêu” trước nhan Thiên Chúa. Chúa thương Đavít và tình thương đó càng trở nên cao đẹp, tuyệt vời hơn khi Ngài hứa sẽ ban cho Đavít một vương triều vững bền.

3.    Đavít - hình ảnh tiên trưng của Đấng Messiah

Đỉnh điểm của 2 Sm 7, 5-16: Thiên Chúa phán qua Nathan về ơn gọi và giao ước dành cho Đavít và miêu duệ ông, điều này làm cho cuộc đời và vương triều của Đavít đạt đến đỉnh cao. Đavít trở nên vĩ đại không bởi vì những chiến công hiển hách, lẫy lừng mà ông đã làm, nhưng bởi kế hoạch đầy yêu thương của Thiên Chúa dành cho ông và cho toàn thể nhà Israel. Từ đó, mở ra một niềm tin yêu và hy vọng về chiều kích cánh chung và lời hứa về Đấng Messiah: “Từ gốc tổ Iessê sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non” (Is 11,1). Lời hứa đó đã được thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất. Nơi Người, mọi lời hứa và phúc lành của Thiên Chúa đã được thực hiện cách viên mãn và trọn vẹn.

III.        SUY TƯ VÀ KẾT LUẬN

Trong niềm tin yêu và phó thác, nhìn lại hành trình và ơn gọi của Đavít, chúng ta càng xác tín hơn về ơn gọi của chính mình. Chúng ta cũng là những người được Thiên Chúa “tuyển chọn, hiến thánh và yêu thương” (Cl 3,12). Vì thế, những phẩm tính tốt lành của Đavít làm hài lòng Thiên Chúa cũng phải là những phẩm tính mà chúng ta, nhất là các nhà lãnh đạo, đáng ngưỡng vọng và học hỏi. Sự tín trung, vâng phục và tín thác vào thánh ý Thiên Chúa, sự can đảm dám nhận lãnh trách nhiệm về việc mình làm, cùng sự khiêm nhường, biết mình, chân thành cúi xuống nhìn vào những yếu đuối, hèn mọn, lỗi tội và bất xứng của chính mình, sẽ giúp ta luôn bước đi cách vững vàng trong đường lối của Thiên Chúa.

Điều đó, không có nghĩa là chúng ta sẽ không gặp khổ đau và thử thách, nhưng chắc chắn một điều, Thiên Chúa sẽ luôn ở với ta mọi ngày như Ngài đã từng ở với Đavít, cùng lời hứa: “Ngươi đi đâu, Ta cũng đã ở với ngươi … Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con. Khi nó phạm lỗi, Ta sẽ sửa phạt nó bằng roi của người phàm, bằng đòn của con người. Tình thương của Ta sẽ không rời khỏi nó…” (2 Sm 7, 9.14-15). Điều cần thiết là ta sống vâng phục và tín thác vào Chúa.

Bên cạnh đó, lối sống có ân có nghĩa của Đavít, cũng sẽ là nguồn cảm hứng để ta có thể sống yêu thương cách quảng đại và chân thành trong chính môi trường mà mình hiện diện, hay trong chính đời sống cộng đoàn. Sự ghanh ghét, xét đoán, dèm pha hay bất hòa cần được nhường bước cho tha thứ, yêu thương, bao dung và tự hiến, biết dừng lại đúng lúc trước những sự dữ. Song, bài học về sự sa ngã của Đavít cũng là lời nhắc nhở cho mỗi người chúng ta. Là những người thuộc về Chúa và là con cái Thiên Chúa, chúng ta cần giữ lòng thanh, tâm sáng, đôi tay sạch trước những cám dỗ hay sự dữ. Nếu có vấp ngã hay trót lỗi phạm, thì can đảm đứng lên, nhận lỗi và xin lỗi Chúa cùng những người mình đã làm tổn thương đến họ, vì “một tấm lòng tan nát dày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê”. (Tv 50,19).

Đavít không phải là một con người toàn hảo, nơi ông ta thấy tính hiện sinh của phận mệnh con người. Đó là một cuộc đời luôn bị đong đưa, chênh vênh, giằng co và mâu thuẫn giữa “lúa tốt” và “cỏ lùng”, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa thánh thiện và tội lỗi, giữa hạnh phúc và khổ đau, giữa thành công và thất bại, giữa tiếng cười và những giọt nước mắt… Có lúc, Đavít trở nên cao quý với danh hiệu “thánh vương” nhưng cũng có lúc trở nên vô cùng thấp hèn, thế nhưng, Thiên Chúa vẫn đón nhận Đavít với trọn vẹn con người như thế đó. Chúa chọn Đavít chỉ vì Chúa thương và chính Đavít cũng đặt trọn niềm tín thác vào Chúa, dám để cho Chúa thực hiện kế hoạch của Ngài trên cuộc đời mình. Qua đó, ta thấy với quyền năng và lòng thương xót của Thiên Chúa, Ngài có thể sử dụng cả những con người khiếm khuyết, bất hảo và tội lỗi để thực thi thánh ý Ngài. Thiên Chúa có thể vẽ đường thẳng trên những nét cong.

Ước gì, qua con người và ơn gọi của Đavít chúng ta cũng sống chiều kích hy vọng và tin yêu trong ơn gọi của chính mình. Vì xưa, Thiên Chúa đã tìm kiếm, đã chọn và đón nhận Đavít với con người như thế nào, thì hôm nay, Ngài cũng tìm, cũng chọn và đón nhận mỗi người chúng ta như vậy. Ước gì, lời ca khen, chúc tụng của Đavít cũng là lời tán dương, tạ ơn và xác tín mỗi ngày chúng ta dâng lên Thiên Chúa: “Chính Người là khiên che thuẫn đỡ cho những ai ẩn náu bên Người. Ngoài ĐỨC CHÚA, hỏi ai là Thiên Chúa? Ai là núi đá độ trì, ngoài Thiên Chúa của ta? Chính Thiên Chúa là nơi trú ẩn vững chắc của tôi, mở ra cho tôi đường lối thiện toàn.” (2 Sm 22, 31-33)

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.  Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Kinh Thánh 2011. Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội. 2015.

2.  ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm. Đường Về Emmaus. Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội. 2012.

3.  Linh mục. Giuse Nguyễn Ngọc Vinh, SDB. Các Sách Sử Trong Kinh Thánh. Giáo trình lưu hành nội bộ. 2022.

4.  Linh mục. Giuse Nguyễn Ngọc Vinh, SDB. Linh Hồn Con Khao Khát Thuộc Về Ngài. Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội. 2021.

WEB

1.  https://biblehub.com/

2.  https://bible.usccb.org/bible 

3.  https://pastorunlikely.com/why-was-david-chosen-to-be-king-trust-in-the-lord-is-everything/

4. https://www.crosswalk.com/faith/bible-study/david-in-the-bible-who-was-he-why-is-he-important.html

5.  http://conggiao.info/vua-david-d-40423





Đavít, Samuel

Labels:
Thư viện Học viện Công giáo Việt Nam