CÂY NHO VÀ HÌNH ẢNH GIÁO HỘI | Thư viện Học viện Công giáo Việt Nam

CÂY NHO VÀ HÌNH ẢNH GIÁO HỘI



Joseph Quang Bình STB-K2

A.   DẪN NHẬP

Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Thánh Gioan, ngài đã định nghĩa “Thiên Chúa là Tình Yêu”, khi đọc sách Tin Mừng của ngài, đâu đâu ta cũng bắt gặp được tình thương yêu của Thiên Chúa dành tặng ban cho con người. Đoạn ẩn dụ “cây nho và ngành” trong Ga 15, 1-8 là một ví dụ, qua hình ảnh biểu trưng này ta có thể thấy tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người và con người là đối tượng Ngài bận tâm yêu quí nhất. Đồng thời trong đoạn ẩn dụ này ta cũng thấy được mối tương giao hay giao ước gắn kết mật thiết và bắt buộc như thế nào giữa Đức Giêsu là “cây” và các môn đệ hay từng Ki-tô hữu chúng ta là “ngành". Bài viết này tác giả muốn trình bày dưới góc nhìn về Giáo hội học, biểu tượng “cây nho và ngành” cho chúng ta thấy được sự huyền nhiệm của Giáo hội, huyền nhiệm của các con người ở trong Giáo hội và đặc biệt qua đó cho mỗi người chúng ta thấy giá trị (ân sủng) và tầm quan trọng khi được “ở trong cây” (cánh chung) như thế nào, để từ đó sống tâm tình tạ ơn cho xứng hợp và thôi thúc buộc mỗi người chúng ta phải truyền giáo (sinh hoa trái).

B.   GIÁO HỘI HỌC QUA BIỂU TƯỢNG “CÂY VÀ CÀNH”

I.                Bản văn Tin Mừng theo thánh Gioan 15, 1-8

Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.  Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.” (Nhóm GKPV)

II.              Bối cảnh bản văn

Nằm trong bối cảnh bữa ăn cuối cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ, cùng với diễn từ ly biệt của Ngài: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14, 1-3). Có rất nhiều thứ (xao xuyến) ta có thể bắt gặp trong bối cảnh từ biệt này, nhưng ở đây với góc nhìn về Giáo hội học người viết chỉ muốn bắt lấy cụm từ “τῇ οἰκίᾳ τοῦ πατρός - nhà Cha thầy[1]. Nơi mà Cha muốn “quy tụ những ai tin[2]” vào ở với Ngài qua Chúa Giêsu Ki-tô trong cùng một Thánh Thần (x Ep 2,18; LG 4). Ngôi nhà này chúng ta “không phải lo lắng về chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14, 17), ngôi nhà đó ở trong chính thân mình của Chúa Giêsu Ki-tô, một ngôi nhà bền vững vĩnh viễn, ngôi nhà Đức Giêsu ở đâu thì chúng ta cũng ở đó với Ngài. Ngôi nhà sẽ được Chúa Giêsu nói đến trong Ga 15, 1-8.

III.            Phân tích bản văn theo góc nhìn Giáo hội học

1.    Giáo hội là một huyền nhiệm

1.1. Giáo hội được khởi đi từ Chúa Cha: Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho” (Ga 15,1). Chúa Cha chính là chủ đầu tư đồng thời cũng là nhà thiết kế và xây dựng. “Cây nho thật” như chính Chúa Giêsu khẳng định đó chính là Ngài và đó cũng chính là hình ảnh biểu trưng cho Giáo hội của Thiên Chúa (x LG 6). Vậy rất rõ ràng giúp ta xác tín Chúa Cha chính là Người trồng nho, là Người khởi xướng, Người thiết lập (trồng) qua Con, Đức Giêsu.

Bản dịch của Nhóm GKPV dịch sát với bản dịch tiếng Anh của Vatican: “my Father is the vine grower.[3]Nhưng bản văn Hy-lạp và La-tin có lối dịch khác một chút: “Cha Thầy là người làm vườn - πατήρ μου γεωργός ἐστιν - (Jn. 15:1 BGT) Pater meus agricola est (Jn. 15:1 VUL).” Điều này giúp gợi về một ý nghĩa thần học khác: “người làm vườn” dẫn chúng ta đến “vườn địa đàng”, mà ngay từ tạo dựng Thiên Chúa đã tạo nên, thiết lập nên một khu vườn với tất cả mọi thứ và đặt để con người vào đó, để con người làm chủ khu vườn đó, nơi được mô tả rất đẹp, hài hoà và hạnh phúc, nơi mỗi chiều về trong làn gió nhẹ Thiên Chúa đi dạo và trò chuyện với con người (x St 3,8).

1.2. Sa ngã của nguyên tổ đến lời hứa cứu độ: Sa ngã nơi nguyên tổ A-đam đã đánh mất mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa và tương quan giữa con người với nhau, đồng thời cũng đánh mất đi niềm mơ ước của Thiên Chúa chiều chiều đi dạo với con người. Lịch sử ơn cứu độ cho thấy Thiên Chúa không màng chi đến tội lỗi của con người, Người chỉ quan tâm đến lòng thương xót trước sau như một của mình dành cho con người, muốn chia sẻ tình yêu thương của mình, muốn quy tụ con người ở lại bên mình (x. LG 2). Và để chuẩn bị xa cho cuộc tập họp dân Thiên Chúa, Người đã bắt đầu bằng ơn gọi của ông Áp-ra-ham. Khởi đi từ một người rồi hình thành lên một gia đình (Isaac), rồi tiến đến thành một chi tộc Giacop với 12 chi tộc, cuối cùng tiến đến thành một dân tộc, một quốc gia, được gọi là Israel, dân riêng của Thiên Chúa. Và khi thời gian đến hồi viên mãn, Người đã sai Con Một của mình đến cắm lều và ở giữa chúng ta hay nói theo Ga 15, 1 Người đã “trồng” Con Một của mình vào mảnh đất trần gian này, trong Giáo hội phổ quát (x. LG 3).

1.3. Giáo hội Công Giáo được thiết lập: Chúa Cha là người khởi xướng xây dựng Giáo hội hay “Nước Thiên Chúa”. Người kêu gọi mọi người tới đời sống đó trong Con của Ngài. “Ngài đã quyết định tập họp những người tin vào Đức Ki-tô thành Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, phổ quát cho hết thảy mọi người” (x. LG 2). “Gia đình này của Thiên Chúa được thiết lập và từng bước được hình thành qua các giai đoạn của lịch sử nhân loại theo sự an bài của Chúa Cha”[4]. Và “Chúa Giêsu, Chúa con là người thiết lập (triển khai Thánh Ý của Cha) và Ngài đã khởi đầu Hội Thánh của Cha bằng việc rao giảng Tin Mừng, nghĩa là rao giảng Nước Thiên Chúa ngự đến, Nước đã được hứa trong Thánh Kinh từ nhiều thế kỷ. Để chu toàn ý Chúa Cha, Đức Ki-tô đã khai mạc Nước Trời nơi trần thế”[5]. Ngài chính là Cây, là đầu của Giáo hội và các môn đệ và những người tin vào Ngài là cành, là nhánh, là thân mình của Giáo hội. Các Ki-tô hữu gồm những người được Đức Giê-su đến triệu tập quanh Ngài và chính Ngài là cây nho đích thực[6], Đấng trung gian duy nhất, “ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12). Những người được quy tụ, được chọn hợp thành gia đình đích thực của Chúa Cha, được tham dự vào đời sống thần linh của Người.

1.4. Tính tiệm tiến đến sự hình thành Giáo hội phổ quát: Ngôi nhà Giáo hội, cây nho Giêsu này hay ekklesia[7] này có mối liên hệ gì với Israel? Dụ ngôn về những người tá điền (x. Mt 21, 43) cho thấy vương quốc Thiên Chúa bị cất khỏi họ và giao cho một dân tộc biết sinh hoa trái. Do đó, “Matthêu nghĩ rằng Giáo hội vừa khác biệt vừa tiếp nối, Israel lịch sử. Tiếp nối với Israel bởi vì Đấng Mêsia sáng lập Giáo hội và khác biệt bởi vì Giáo hội bao gồm tất cả mọi dân tộc, mà không loại trừ Israel.[8]

1.5 Giáo hội là thân mình Đức Giêsu Ki-tô. Thầy là cây nho thật và các con là cành là nhánh, hợp nhất trong cùng một chi thể nhưng có sự đa dạng và phận vụ khác nhau. Dù là thân hay cành đều phải mang lại lợi ích chung cho toàn bộ “cây Giêsu” hay Giáo hội mà Chúa Cha đã “trồng”. Vì cùng trong một nhiệm thể Đức Ki-tô “làm phát sinh và cổ võ đức mến giữa các tín hữu. Từ đó, nếu một chi thể đau khổ, thì tất cả các chi thể đều đau khổ; còn nếu một chi thể được vinh dự, thì tất cả các chi thể đều chung vui.” (GLHTCG số 791). Từ đó cho thấy tội chia rẽ trong Hội thánh được xem như trọng tội.

2.    Giáo hội duy nhất

Chúa Cha « trồng » duy nhất một « cây nho thật » chính là con yêu dấu của Ngài là Đức Giêsu Ki-tô. Có cây nho thật thì cũng sẽ có các cây nho giả khác. Chúa Giêsu cũng dùng những hình ảnh khác để nói về sự thật giả này như : « Cửa chuồng chiên » (x. Ga 10, 1-21). Cũng chỉ có một cửa ra vào duy nhất và những ai leo qua rào mà vào là những kẻ giả chỉ làm hại chiên. Ngôi Lời nhập thể, chỉ có một Đấng trung gian duy nhất, một Danh duy nhất như đã trình bày ở trên. Việc Ngôi Lời nhập thể mang lại cho Giáo hội hai bản tính : bản tính hữu hình (tính nhân loại) và vô hình (tính thần linh). Do đó với tính thần linh Giáo hội là một huyền nhiệm và với tính nhân loại Giáo hội có cơ cấu phẩm trật, ban giao với xã hội.

Sách GLHTCG số 813 dạy : « Hội Thánh là duy nhất vì nguồn mạch của mình: “Khuôn mẫu mực tối cao và nguyên lý của mầu nhiệm này, là sự hợp nhất trong Ba Ngôi của Thiên Chúa duy nhất là Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần.” Hội Thánh là duy nhất vì Đấng Sáng Lập của mình: “Quả thật, chính Chúa Con nhập thể… đã nhờ cây thập giá của mình mà giao hòa mọi người với Thiên Chúa… tái lập sự hợp nhất mọi người trong một dân tộc và một thân thể.” Hội Thánh là duy nhất vì “linh hồn” của mình: “Chúa Thánh Thần, Đấng ngự trong các tín hữu, đầy tràn và điều khiển toàn Hội Thánh, làm cho các tín hữu hiệp thông với nhau cách kỳ diệu và kết hợp tất cả trong Đức Ki-tô cách rất mật thiết, cho nên Ngài là nguyên lý của sự hợp nhất của Hội Thánh.” Vì vậy, theo bản chất, Hội Thánh là duy nhất: “Ôi mầu nhiệm lạ lùng thay! Có Chúa Cha duy nhất của vũ trụ, có Ngôi Lời duy nhất của vũ trụ, và Chúa Thánh Thần duy nhất, và chính Ngài ở khắp nơi. Cũng có một người Mẹ Đồng Trinh duy nhất; mà tôi thích gọi người mẹ đó là Hội Thánh.[9]

3.    Giáo hội là Thánh Thiện

Đức Giêsu là cây nho thật Ἐγώ εἰμι ἄμπελος ἀληθινὴ (Jn. 15:1 BGT). Ngài đích thực là con yêu dấu của Cha (x. Mc 9,7). Ngài ở trong cung lòng của Cha (x. Ga 1,18) và Ngài đến từ Cha, lúc khởi đầu đã có Ngài và Ngài là Thiên Chúa (x. Ga 1,1).  Chính vì Đức Giêsu là Thiên Chúa, Đấng ba lần Thánh cho nên Giáo hội là Thánh và các thành phần trong Giáo hội cũng là thánh. Thánh Phao-lô khi viết thư cho các giáo đoàn, ngài luôn bắt đầu lời chào chúc của mình bằng lời chào các thánh « Tôi là Phao-lô, bởi ý Thiên Chúa được làm Tông Đồ của Đức Ki-tô Giê-su, kính gửi dân thánh tại Ê-phê-xô. Những ân sủng có nơi Đức Giêsu như thế nào thì các thành phần gắn kết μείνατε (Jn. 15:4 BGT) trong Ngài như cành, nhánh, hoa trái cũng đều được hưởng như vậy. Trong kinh Tin Kính, Giáo hội tuyên xưng một Giáo hội thánh thiện, nhưng Giáo hội đó vẫn mang trong mình đầy rẫy những tội nhân, và không vì đó mà Giáo hội không thuộc về Thiên Chúa và không vì đó mà đánh mất đi tính thánh thiện của mình. (x. LG, 8)

Cành và nhánh được gắn kết vào Cây Giêsu Ki-tô không nhờ sự sinh ra theo thể lý, nhưng nhờ sự sinh ra “bởi ơn trên”, “bởi nước và Thần Khí” (x. Ga 3,3-5). Nghĩa là, nhờ tin vào Đức Giêsu Ki-tô và qua Bí tích Rửa Tội[10] các Ki-tô hữu được tháp nhập vào thân thể của Đức Ki-tô, được trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài. « Cành và các nhánh » được thừa hưởng những ân sủng đã có nơi Đức Giêsu Ki-tô. Qua phép Rửa ta được trở thành con yêu dấu của Chúa Cha, thành đền thờ của Chúa Thánh Thần, được «ở trong» Giáo hội nơi Chúa Giêsu là Cây và người trồng chính là Chúa Cha. Nói như thánh Phê-rô chúng ta “là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh” (1 Pr 2,9). Một “dân có phẩm giá và sự tự do của các con cái Thiên Chúa. Dân này có Luật là giới răn mới của yêu thương như chính Đức Ki-tô đã yêu thương chúng ta.[11]

4.    Giáo hội được thánh hoá bởi « Lời Chúa »

« Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em.” Giáo hội Thánh Thiện tự bản chất thánh thiện như đã trình bày ở trên. Nhưng Giáo hội cũng mang trong mình tính nhân loại bất toàn, tương đối, mang trong mình đầy những tội nhân. Giáo hội trần thế đang trên đường lữ hành, đang trở nên hoàn thiện. Xưa kia các tông đồ đã được Chúa Giêsu thanh tẩy bằng lời hằng sống của Ngài. Ngày nay Lời của Đức Giêsu được Thánh Thần hiện thực hoá vẫn tiếp tục thanh tẩy Giáo hội và các Ki-tô hữu. “Thánh Kinh” là kim chỉ nam cho toàn thể đời sống hoạt động của Giáo hội và là nguồn thánh hoá Giáo Hội và mỗi Ki-tô hữu qua sự tác động hướng dẫn soi sáng của Chúa Thánh Thần “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26). Bàn tiệc “Lời Chúa” và bàn tiệc “Thánh Thể” được xem trọng ngang nhau, tuy hai nhưng cũng xem như là một như nhựa sống cung cấp cho tất cả cho các thành phần bám vào cây.

5.    Bản chất Giáo hội là truyền giáo « sinh hoa trái »

          Các tá điền Israel xưa đã không làm sinh hoa trái và đã bị Thiên Chúa cất đi giao cho người khác canh tác để sinh hoa lợi. Bản chất hay ý định của Người trồng nho là muốn các cành phải sinh hoa trái: “Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn” (Ga 15,2). Đức Giêsu được Cha “trồng” hay “sai” đến và như Ngài đã nói: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Từ đó cho thấy bản chất của Giáo hội hay bản chất của mỗi Ki-tô hữu đều phải sinh hoa trái, điều đó có nghĩa là phải tiếp tục làm công việc như Chúa Giêsu đã làm. “Giáo hội tự bản chất phải truyền giáo, rộng mở trước dân ngoại, những người Samari, những người Do thái và với tất cả những ai tin rằng Đức Giêsu từ Cha đến.[12]

          Đức Giêsu đến triệu tập[13], quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối (x. Ga 11, 52) “để mọi người đến với ơn cứu độ, nên tự bản chất của mình, Hội Thánh có tính chất thừa sai, được Đức Ki-tô sai đến với mọi dân tộc để làm cho họ thành môn đệ.[14]” Đó cũng là ý nghĩa của từ “môn đệ” nơi thánh Gioan thường dùng, đó chính là “người đi theo sau Chúa Giêsu”. Thầy Giêsu đã đi trước làm gương mẫu, các Ki-tô hữu buộc cũng phải làm như vậy. hạt lúa mì nếu không mục nát đi thì không sinh được bông hạt, người Ki-tô hữu nếu không bị cắt tỉa thì sẽ không sinh được hoa trái, đồng nghĩa với việc phải bị cắt bỏ đi ý muốn của riêng mình để thi hành ý muốn của Cha và “ý muốn của Cha là anh em sinh nhiều hoa trái”. Một ngày nào đó khi về trình diện Cha, Người sẽ hỏi nén bạc sinh lời của con đâu (x. Mt 25, 14-30)? Đây cũng là điều cần đánh thức mọi Ki-tô hữu và đặc biệt đánh thức gã khổng lồ (giáo dân) đang ngủ yên dậy.

6.    Giáo hội mang tính phẩm trật

Hình ảnh biểu tượng “Cây, cành, nhánh” cho ta thấy tất cả đều ở trong cùng một Cây và do một người trồng chính là Chúa Cha. Như vậy phẩm giá của mỗi người trong Cây Giêsu Ki-tô sẽ được quí trọng ngang nhau nhưng lại mang những chức năng vai trò khác nhau. Cây đỡ nâng cho toàn bộ các cành, cành đỡ nâng các nhánh… nhưng tất cả đều cùng hút lấy một nhựa sống nơi cây (Thánh Thể và Lời Chúa). Cành gần với thân nhất sẽ đỡ nâng và chuyển cấp nhựa sống từ cây cho các nhánh nhỏ khác. Các nhánh nhỏ khác phải sinh hoa trái và việc sinh hoa trái tuỳ thuộc nhiều vào mức độ “ở trong” cây hay đón nhận, hút lấy nhựa sống từ Cây. Chúa Giêsu thiết lập nhóm 12 mà Ngài gọi là tông đồ và nhóm 72 môn đệ khác. Ngài đã sai các ông đi như bản chất của Giáo hội là. Tiếp nối truyền thống các tông đồ ngày nay có các hàng Giám mục qua việc đặt tay truyền lại từ các tông đồ. Xưa kia trong tông đồ đoàn có Phê-rô làm tông đồ trưởng, tương tự ngày nay trong Giám mục đoàn có Giám mục Roma (Giáo hoàng), người kế vị Phê-rô làm trưởng trong Giám mục đoàn. Hàng giáo sĩ có các linh mục và phó tế phụ giúp các ngài trong việc phục vụ dân Thiên Chúa. Qua Bí tích Rửa tội và Thêm Sức xác tín phẩm giá mỗi Ki-tô hữu ngang nhau và mỗi người đều có chức linh mục phổ quát. Qua Bí tích Truyền Chức Thánh, chức linh mục thừa tác được truyền cho một số Ki-tô hữu chọn đời sống thánh hiến dấn thân vì Nước Trời, phục vụ cho Tin Mừng. Như trong một thân thể có nhiều chi thể, bộ phận khác nhau giống như hàng giáo dân hay hàng giáo sĩ, tất cả đều để phục vụ chung cho cùng một thân thể, đó là phục vụ Đức Ki-tô, phục vụ Hội thánh và phục vụ lẫn nhau.

Mặt khác, trong cây Giêsu (trong Giáo Hội phổ quát) có nhiều cành (nhiều Giáo hội địa phương) cho thấy tính đa dạng của Giáo hội nhưng không mất đi tính duy nhất của mình (x. LG 22).

5. Ở lại trong Giáo hội và ở ngoài Giáo hội

5.1. Chiều kích Ân sủng

Một ẩn dụ rất gần với cuộc sống con người: một cây nho và các cành gắn kết vào đó. Một ẩn dụ đơn giản nhưng khi được Đức Giêsu mạc khải cho thì ta thấy cả một huyền nhiệm nếu nhìn theo góc độ ân sủng. Con người được sinh ra hiện hữu làm người đã là một hồng ân. Hồng ân lớn hơn nữa khi được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa siêu vượt trên muôn loài thụ tạo. Sa ngã phạm tội được thứ tha lại là một hồng ân lớn hơn nữa. Và hồng ân to nhất là được “ở trong Ba Ngôi Thiên Chúa” qua việc ở trong “cây Giêsu”. Không còn gì để diễn tả ân sủng cao quý này từ Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng Vô Biên, Đấng Hằng Hữu, Đấng Hoàn Bị, không một điều gì thêm bớt được vào trong Ngài. Nhưng nay qua Giáo hội là chính Đức Giêsu Ki-tô, con người được “ở trong” ba Ngôi. Giá trị cao quý này mỗi Ki-tô nên trân quý và tại sao phải chia sẻ với những anh em khác chưa được biết về ân sủng đặc biệt này.

5.2. Thiên Chúa thực hiện Giao ước vĩnh cửu trong Đức Giêsu

Đức Chúa, Thiên Chúa hứa sẽ ban một Đấng Cứu Độ, Đấng Messia sau khi ông bà phạm tội nguyên tổ (x. St 3,15), và hôm nay đến thời đến buổi Ngài thực hiện lời hứa và đã “trồng cây Giêsu” vào thế gian. Ngài cũng thực hiện lời hứa với Abraham xưa kia “sẽ làm cha của vô số dân tộc... sẽ cho ngươi sinh ra nhiều, thật nhiều… Đây sẽ là giao ước vĩnh cửu, do đó Ta sẽ là Thiên Chúa của ngươi và của dòng dõi ngươi sau này” (x. St 17, 4-7) với cây nho Giêsu xum x cành nhánh trái. Cắt bì là dấu hiệu ký kết giao ước Thiên Chúa với dân riêng của Ngài. Nhờ đó, họ sẽ được Thiên Chúa chúc phúc (x. St 17,10.13-14). Ngày nay dấu chỉ đó được thay bằng phép rửa và ấn tín của Chúa Thánh Thần, qua đó họ được “ở trong cây Giêsu”, họ nhận được hết mọi ơn phúc như Đức Giêsu có. Ngoài ra, ẩn dụ Ga 15, 1-8 cho thấy Thiên Chúa đã kiện toàn giao ước Sinai Giao Ước Sinai, giao ước Thiên Chúa ký kết chính thức nhận Ít-ra-en làm dân riêng của Ngài và Israel nhận Ngài là Thiên Chúa độc nhất, chỉ tôn thờ và tùng phục một mình Ngài (x. Xh 19,3-8). Giao ước lúc đó được ký kết bằng máu bò (x. Xh 24,6-8). Giao ước Sinai cho thấy một mối liên hệ ràng buộc bằng những hành động cụ thể như dân buộc tuân giữ “mười lời của Đức Chúa”. Thịnh suy của đất nước, của dân tộc hay từng cá nhân phụ thuộc vào mức độ của việc tuân giữ các mệnh lệnh của Đức Chúa. Ẩn dụ Ga 15, 1-8 cho thấy một giao ước mới và vĩnh cửu được Thiên Chúa ký với dân Ngài qua việc Ngài “trồng cây Giêsu” vào trần gian và chính Đức Giêsu bằng chính giá máu của mình ký kết một giao ước vĩnh cửu để mọi người được cứu, được sát nhập vào Ngài. Giao ước ký bằng chính máu châu báu của Ngài chứ không phải bằng máu chiên bò (Mt 26,26-29; Mc 14,22-24; Lc 22,19-20; 1Cr 11,23-26)Nhờ đó mối liên hệ ràng buộc ngày càng chặt ch hơn không thể tách rời như cành dính với cây, con người ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa bao bọc con người. Từ đó đòi buộc một hành động cụ thể cho Giáo hội (như đất nước, dân tộc Israel xưa), cho từng Ki-tô hữu (dân Thiên Chúa) phải ở trong cây, ngoài cây sẽ khô héo và sẽ chết, đồng thời đòi buộc Giáo hội và mọi thành phần trong Giáo hội phải sinh hoa trái. Sinh hoa trái chính là dấu chỉ của việc tuân giữ và thực thi thánh ý Chúa.

5.3. Chiều kích cánh chung

5.3.1. Ở lại trong Giáo hội

Trong một đoạn rất ngắn chỉ với 213 chữ mà thánh Gioan nhắc đi nhắc lại đến 8 lần câu “ở lại”, điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc “ở lại trong” Thầy, trong Giáo hội như thế nào. Nét đặc trưng của Tin mừng Gioan là “Ở và Yêu”. Thiên Chúa yêu con người và muốn con người ở trong mình “Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy” anh em “hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em,” và “Thầy ở đâu thì anh em cũng ở đó với Thầy”. Đây cũng là điều xác tín cùng đích của Ki-tô giáo “Chúa ở đâu thì con ở đó”. Tình yêu đòi hỏi hai chiều: Thiên Chúa là chủ thể yêu và con người là đối tượng được yêu. Chủ thể yêu thì luôn luôn tín trung, chiều Thiên Chúa yêu con người không hề thay đổi vì “Thiên Chúa là tình yêu”. Chỉ còn chiều ngược lại của đối tượng yêu, nơi con người có tự do đáp trả tình yêu dành cho Chúa hay không. Nếu con người nhận ra còn gì hạnh phúc và vinh dự hơn nữa khi được ở trong Thiên Chúa, Đấng là suối nguồn của Tình Yêu thì chắc chắn sẽ đáp trả lại tình yêu của mình dành cho Thiên Chúa. Con đường duy nhất đi vào cung lòng của Chúa Cha buộc mọi tín hữu phải tháp nhập vào Đức Giêsu Ki-tô. Đức Giêsu, Ngài vừa là Thiên Chúa thật và là người thật. Với quyền năng của Chúa Thánh Thần qua Bí tích Rửa Tội dìm chúng ta vào trong thân mình của Đức Giêsu Ki-tô để từ đó chúng ta được dìm sâu vào trong cung lòng của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Thiên đàng vĩnh phúc, sự sống đời đời chính là chúng ta được ở trong cung lòng Cha vĩnh viễn. Ở trong cùng một cây là Đức Giêsu Ki-tô, là Hội thánh của Cha. Mọi người[15] ở trong cùng một cây, mọi chi thể được hiệp thông với nhau. Đây cũng là tín điều mà Giáo hội Công giáo tuyên xưng trong Kinh Tin Kính “tôi tin các thánh thông công”. Mối tương quan chính là bản chất của Giáo hội, do đó một khi đánh mất đi các mối tương quan là Giáo hội đánh mất đi chính bản chất của mình. Mối dây liên kết và cũng là nguồn sống của Giáo hội chính là nhựa sống từ cây Giêsu cung cấp cho toàn bộ thân cành nhánh lá, là chất kết dính mọi thành phần trong Giáo hội lại với nhau, đó chính là Bí tích Thánh Thể, chính là thịt và máu của Đức Giêsu Ki-tô “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,56). Bí tích Thánh Thể là trung tâm của đời sống Giáo hội, là mối dây liên kết hiệp thông các bộ phận với nhau, là nguồn sung mãn để mọi người sinh hoa trái “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Ki-tô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10, 16-17). Chính vì thế, bàn tiệc Thánh Thể luôn là trung tâm và không thể thiếu trong Giáo hội.

          5.3.2. Ở ngoài Giáo hội

Chúa Giêsu nói: “Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi.” Câu hỏi được đặt ra đối với những người ở ngoài Giáo hội liệu có được cứu độ không? Sách GLHTCG số 846-848 dạy: “Ngoài Hội Thánh không có ơn cứu độ”: “Dựa vào Thánh Kinh và Thánh Truyền, Công đồng dạy rằng: Hội Thánh lữ hành này là cần thiết để được cứu độ. Quả vậy, chỉ một mình Đức Ki-tô là trung gian và là con đường của ơn cứu độ, Người hiện diện giữa chúng ta trong Thân Thể Người là Hội Thánh; qua việc minh nhiên công bố sự cần thiết của đức tin và Phép Rửa, chính Người đã đồng thời xác nhận sự cần thiết của Hội Thánh, mà người ta bước vào đó nhờ Phép Rửa như qua một cái cửa. Vì vậy, những ai không phải là không biết rằng Hội Thánh Công Giáo được Thiên Chúa thiết lập nhờ Chúa Giê-su Ki-tô như phương tiện cứu rỗi cần thiết, mà vẫn không muốn gia nhập, hoặc không muốn kiên trì sống trong Hội Thánh này, thì không thể được cứu độ.[16]” Và “lời khẳng định này không nhắm tới những người không biết Đức Ki-tô và Hội Thánh của Người mà không do lỗi của họ.[17]

Cánh cửa hy vọng khác dành cho những anh em nằm ngoài “Cây Giêsu” khi Giáo hội suy tư từ mạc khải và cũng chỉ biết phó thác cho lòng thương xót Chúa: thứ nhất căn cứ vào định nghĩa “Thiên Chúa là tình yêu”. Như vậy, suy từ bản chất của Thiên Chúa là tình yêu, vậy những ai sống yêu thương là đang sống trong Thiên Chúa, hay nói theo thánh Justino mỗi người đều có hạt giống “seed” của Ngôi Lời trong mình, chính vì thế một cánh cửa phụ mở ra cho những người không biết đến Đức Giêsu Ki-tô (x. Mt 25, 31-46). Cánh cửa phụ khác mở ra cho những anh em ngoài “Cây Giêsu” khi Chúa Giêsu nói đến vương quốc của Ngài là vương quốc sự thật (x. Ga 18,37), và bản chất của Thiên Chúa là sự thật (x. Ga 14,6), như vậy những ai sống trong sự thật theo tiếng lương tâm họ vẫn có đó niềm hy vọng được cứu[18].

Tầm quan trọng của việc ở trong “Cây Giêsu” là một điều đảm bảo chắc chắn hơn cho mọi người, điều đó buộc Hội thánh và mỗi Ki-tô hữu phải có bổn phận rao giảng Tin mừng[19], buộc phải đi ra ngoài mình, đi ra ngoại biên, đi đến những vùng nước sâu… đó chính là bản chất truyền giáo của Giáo hội.

6.    Giáo hội là Bí tích

Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái”. Xem quả thì biết cây. Đức Giêsu là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình “ai thấy Thầy là thấy Cha” (x. Ga 14,9). Đặc biệt là xem quả thì biết cây và xem cây biết người trồng, người chăm sóc. Tương tự như vậy Giáo hội cũng mang tính Bí tích[20], vừa hữu hình vừa thiêng liêng[21]. Qua đời sống của Giáo hội và đời sống của mỗi Ki-tô hữu mà người ta nhận biết Thiên Chúa là Cha, là Tình Yêu. Trong “cây Giêsu”, Hội thánh là dấu chỉ và là dụng cụ của sự kết hợp mật thiết giữa cây và cành. Giữa Thiên Chúa và con người kết hiệp mật thiết với nhau[22].

GLHTCG số 776 nói: “với tính cách là bí tích, Hội Thánh là dụng cụ của Đức Ki-tô.” Mọi thành phần trong Hội thánh phải sinh hoa trái, và việc sinh hoa trái là điều Cha được tôn vinh, nghĩa là “kế hoạch hữu hình của tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại”, quy tụ mọi thành phần thành một Dân duy nhất của Thiên Chúa trong Thân thể duy nhất của Đức Ki-tô.

7. Thánh Thể và Thánh Thần là nguồn sống và là linh hồn của Giáo hội

Chúa Cha “triệu tập” con cái Ngài tản mác khắp mọi nơi (x. Ga 11,52) để hợp thành dân Thiên Chúa, và dưỡng nuôi con cái mình bằng Mình Máu Thánh Đức Ki-tô, chính họ trở thành Thân Thể Đức Ki-tô. Trong ẩn dụ Ga 15, 1-8 tuy không nói về Chúa Thánh Thần, nhưng ẩn trong đoạn Tin Mừng đó ta thấy vai trò của Chúa Thánh Thần mà theo sách GLHTCG số 798 mô tả Ngài là: “nguyên lý của mọi hành động tác sinh và thật sự có giá trị cứu độ trong mỗi phần của Thân Thể.” Ngài hoạt động bằng nhiều cách để xây dựng toàn thân trong đức mến: bằng Lời Thiên Chúa là “Lời có sức xây dựng” (Cv 20,32); bằng bí tích Rửa Tội nhờ đó Ngài làm nên Thân Thể Đức Ki-tô; bằng các bí tích giúp cho các chi thể của Đức Ki-tô được tăng trưởng và được chữa lành; bằng ân sủng của các Tông Đồ, là điều trỗi vượt trong các hồng ân của Ngài; bằng các nhân đức, giúp các tín hữu hành động theo sự lành, và cuối cùng bằng nhiều ân sủng đặc biệt (được gọi là “các đặc sủng”) giúp các tín hữu “có đủ khả năng và sẵn lòng đảm nhận các công việc và phận vụ khác nhau, để mưu ích cho việc canh tân, xây dựng và phát triển Hội Thánh.

 

C.   KẾT LUẬN

Nếu ta lập một bản so sánh giữa Ga 15, 1-8 theo góc nhìn Giáo hội học và Lumen Gentium sẽ thấy đâu đó sự tương đồng:

Giáo hội là một mầu nhiệm được khởi xướng từ Chúa Cha qua Con trong Thánh Thần như trong chương I của Lumen Gentium.

Mọi thành phần trong cây Giêsu chính là dân Thiên Chúa không phân biệt thân, cành… đều có phẩm giá như nhau, phẩm giá của một Ki-tô hữu được thừa hưởng nhờ Bí tích Rửa tội và Thêm Sức. Phẩm giá như nhau nhưng mỗi người có các đặc sủng khác nhau, đảm đương các vai trò vị trí khác nhau, để phục vụ lẫn nhau như Lumen Gentium các chương II, III & IV trình bày.

Thiên Chúa là Đấng Thánh, Ngài quy tụ và mời gọi mọi người nên thánh trong cây Giêsu, trong Con Một duy nhất của Ngài, trong Giáo hội Công Giáo mà chính Ngài đã thiết lập như trong Lumen Gentium các chương 5 & 6 nói tới.

Ở trong Chúa đó chính là chiều kích cánh chung như chương VII Lumen Gentium đề cập đến “Vì nếu luôn liên kết với nhau trong tình yêu thương và nhất tâm ca ngợi Thiên Chúa Ba ngôi chí thánh, thì tất cả chúng ta, những người con của Thiên Chúa và thành viên của cùng một gia đình trong Đức Ki-tô” (LG 51). Ở trong cùng một gia đình Thiên Chúa đó chính là niềm hy vọng của Ki-tô giáo. Đức Giêsu chính là món quà ân sủng quý giá nhất mà Thiên Chúa đã trao ban cho con người, “để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người” (Ga 20,31).

Suy tư “Cây và cành” theo Ga 15, 1-8 một lần nữa nhắc chúng ta về chức năng “sinh hoa trái”. Giáo hội hay mỗi Ki-tô buộc phải đi ra ngoài, buộc phải rao giảng Tin Mừng, buộc phải sinh lợi. Giáo hội hay Ki-tô hữu mà “vô sinh” không sinh trái thì cũng giống như nén bạc bị chôn vùi dưới đất hay như cây “vả” xanh đầy lá nhưng không có trái nào (x. Lc 13, 6-9).

CÁC SÁCH THAM KHẢO

 

Phụng vụ giờ kinh, Thánh Kinh, Hà Nội: Tôn Giáo 2011.

Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin, Công Đồng Vaticanô II, Hà Nội: Tôn Giáo 2019.



[1] Jn. 14:2 BGT

[2] Lumen Gentium 4.

[3] https://www.vatican.va/archive/ENG0839/__PXN.HTM

[4] GLHTCG, số 759.

[5] GLHTCG, số 763.

[6] “Hội Thánh được Nhà Làm Vườn thiên quốc trồng như một cây nho được tuyển chọn. Đức Ki-tô là cây nho thật, ban sức sống và sự sinh sôi nảy nở các ngành, tức là chúng ta, những kẻ được ở trong Người nhờ Hội Thánh, và không có Người, chúng ta không thể làm gì được.” (GLHTCG 755)

[7] “Hội Thánh” trong tiếng La-tinh là Ecclesia (tiếng Hy-lạp là Ekklèsia, Ek-kalein, “gọi ra, triệu tập”) có nghĩa là “một cuộc triệu tập.” Danh từ này được dùng để chỉ một cuộc tập họp dân chúng, thông thường mang tính chất tôn giáo. Từ này thường được bản Cựu Ước bằng tiếng Hy Lạp sử dụng để chỉ việc tập họp dân Chúa chọn trước mặt Thiên Chúa, nhất là cuộc tập họp ở núi Xi-nai khi Ít-ra-en lãnh nhận Lề luật và được Thiên Chúa thiết lập làm dân thánh của Ngài. (GLHTCG 751)

[8] Giáo Trình Giáo Hội Học.

[9] Trích nguyên văn GLHTCG số 813.

[10] GLHTCG, số 782.

[11] GLHTCG, số 782.

[12] https://catechesis.net/nhung-nen-than-hoc-ve-giao-hoi-trong-tan-uoc/

[13] “Thiên Chúa đã tạo dựng trần gian để trần gian được hiệp thông vào đời sống thần linh của Ngài, sự hiệp thông này được thực hiện qua việc “triệu tập” người ta trong Đức Ki-tô, và “sự triệu tập” này là Hội Thánh.” (GLHTCG 760)

[14] GLHTCG, số 767.

[15] Bao gồm cả Hội thánh thiên quốc, Hội thánh lữ hành và Hội thánh thanh luyện.

[16] GLHTCG số 846.

[17] “Quả vậy, những người không biết đến Tin Mừng của Đức Ki-tô và Hội Thánh Người mà không do lỗi của họ, nhưng thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và dưới tác động của ân sủng, cố gắng chu toàn thánh ý của Ngài bằng các công việc theo sự hướng dẫn của lương tâm, thì họ có thể đạt được ơn cứu độ muôn đời.” (GLHTCG 847).

[18]  “Hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Ngài tiếp nhận” (Cv 10,35)

[19] GLHTCG số 848.

[20] Hội Thánh chứa đựng và truyền thông ân sủng vô hình mà mình là dấu chỉ. Trong ý nghĩa loại suy này, chính Hội Thánh được gọi là một “bí tích.” (GLHTCG số 774)

[21] “Hội Thánh có đặc điểm là vừa mang tính nhân loại vừa mang tính thần linh, vừa hữu hình vừa hàm chứa những thực tại vô hình, vừa nhiệt thành trong hành động vừa siêu thoát trong chiêm niệm, vừa hiện diện trong trần gian vừa xa lạ với trần gian; tuy nhiên, trong Hội Thánh, yếu tố nhân loại quy hướng về yếu tố thần linh và tùy thuộc vào đó; yếu tố hữu hình quy hướng về yếu tố vô hình; yếu tố hoạt động quy hướng về yếu tố chiêm niệm, và hiện tại quy hướng về thành đô tương lai mà chúng ta đang tìm kiếm.” (GLHTCG số 771)

[22] “Trong Đức Ki-tô, Hội Thánh là bí tích, nghĩa là dấu chỉ và dụng cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hợp nhất của toàn thể nhân loại”: là bí tích của sự kết hợp mật thiết con người với Thiên Chúa: đó là mục đích đầu tiên của Hội Thánh. Bởi vì sự hiệp thông giữa con người bắt rễ trong sự kết hợp với Thiên Chúa, nên Hội Thánh cũng là bí tích của sự hợp nhất của nhân loại. Trong Hội Thánh, sự hợp nhất đó đã bắt đầu, bởi vì Hội Thánh quy tụ những người “thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ” (Kh 7,9); đồng thời, Hội Thánh là “dấu chỉ và dụng cụ” để thực hiện trọn vẹn sự hợp nhất này mà cho đến nay vẫn còn phải đạt tới. (GLHTCG số 775).

Cây nho, Giáo hội

Labels:
Thư viện Học viện Công giáo Việt Nam