Bài
viết được trích từ luận đề của Piô Phan Văn Tình, omi., “Con đường vươn tới Thiên
Chúa với thánh Augustinô và ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận”
Đọc các tác phẩm của
thánh Augustinô, chúng ta nhận thấy một kinh nghiệm nội tâm sâu sắc, nhất là
qua cuốn Tự Thuật (Confessions) của ngài. Jaspers đã mô tả tính chất độc
đáo của kinh nghiệm hiện sinh ấy như sau: trong tư tưởng của Augustinô có một
tính chất nền tảng làm cho nó trở thành phong phú vô tận là vì nó đã linh động
hoá được những kinh nghiệm nguyên thuỷ nhất của tâm hồn. Trong khi mô tả
con người, Augustinô luôn bị chi phối bởi một kinh nghiệm riêng tư quyết liệt,
đó là kinh nghiệm quy hồi Kitô giáo của mình. Theo nhận xét rất chí lý của
triết sử gia W. Windelband thì triết lý của Augustinô ở đây là một siêu
hình học về kinh nghiệm nội tâm[1].
Do đó tư tưởng ấy mới mang một bản sắc cá tính riêng tư và thâm trầm nội tại
như một thẳm cung, đến nỗi có thể gây bỡ ngỡ, bàng hoàng cho những ai đã thường
làm quen với những lý thuyết trừu tượng, khô khan, lạnh lùng của những triết
thuyết Thượng cổ Hy lạp.
Một cách linh hoạt hơn
cả Socrates, Augustinô hô hào con người đừng hướng ngoại mà hãy hướng
nội như sau: Phần đông người ta thường hướng ngoại đi tìm thưởng lãm những
núi đồi cao, những làn sóng vỗ mạnh của đại dương, hay dòng sông bao la, bát
ngát của biển cả và sự xoay vần của các vì tinh tú; còn về chính họ thì họ lại
không màng chi tới.[2] Ngược
lại, Augustinô chỉ có một chủ hướng duy nhất đúc kết trong mấy tiếng sau đây: “Thiên
Chúa và linh hồn” - đó là điều tôi tha thiết am tường nhất (Deum et
animam seire cupio), hay: “Xin Thiên Chúa hãy giúp tôi am hiểu được
Ngài, am hiểu được tôi” (Noverim te, noverim me).[3]
Một cách mãnh liệt, sâu
xa hơn nữa, Augustinô còn xông pha tới những giới tuyến xa xăm nhất để một khi
đụng chạm tới chúng rồi, ngài mới được trả về với chính mình và trung thành
khám phá thấy một Người khác ở trong thẳm cung của tâm hồn mình, vì
chỉ có con đường nội tâm mới là con đường vắn tắt nhất dẫn đến Thiên Chúa được:
“Nhà ngươi đừng có hướng ra ngoại tại, hãy trở lùi về với chính mình, vì chính
trong thẳm cung của con người mới có chân lý cư ngụ; để một khi bắt gặp được
bản tính bấp bênh của nhà ngươi rồi thì hãy cố Siêu Việt lên trên chính mình”.[4]
Từ ngàn xưa đến nay chưa bao giờ con người lại tỏ thái độ kinh ngạc đến như thế
đối với thân phận của chính mình: “Thực là sâu thẳm bao la, ôi con người!”
(Grande profundem est ipse homo). Mọi thắc mắc ưu tư đã được ngài tóm tắt
trong mấy chữ: Chính tôi lại trở thành thắc mắc cho tôi (Quaestio mihi factus
sum).[5]
Từ
kinh nghiệm nền tảng nội tâm hiện sinh ấy, Augustinô còn khai triển một ý niệm
khác rất độc đáo và thời danh: Đó là về nền tảng vững chắc của Ngã. Theo thánh
Augustinô thì mỗi chúng ta đều là một Ngã suy tư và sự hiện hữu của Ngã suy tư ấy
lập tức được thiết lập trên sự hiện hữu vững chắc của tư tưởng. Để quét
sạch mọi tàn tích hoài nghi trong đầu óc mình và trong đầu óc mọi người tín hữu,
Augustinô muốn chứng minh rằng: có một chân lý bất khả nghi hoặc. Đó là sự hiện
hữu của Ngã chúng ta - nơi chứa đựng sự khải thị những chân lý thường hằng, hiển
nhiên, vững chắc đầu tiên ấy - là con đường dẫn tới chứng lý về sự hiện hữu
của Thiên Chúa. Ta thấy rằng Thiên Chúa không phải là đối tượng của tri
giác trực tiếp. Nhưng trí khôn có thể vươn lên tới Thiên Chúa bằng những nấc
thang, là những chứng lý về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Người ta có thể cảm
nghiệm được Người trong những chân lý vĩnh hằng. Kinh nghiệm của Augustinô cho
thấy: ngay trong chính con người bất toàn đã có tiềm ẩn một cái gì Siêu Việt;
trong con người tương đối có tiềm ẩn lòng khao khát tuyệt đối. Ngài nói: “Như
thế, không còn gì đáng khả nghi rằng bản tính bất khả chuyển đảo ấy, là bản chất
vượt trên linh hồn suy lý, lại không phải là Thiên Chúa; và ở đâu có sự sáng suốt
nguồn suối thì ở đó cũng có sức sống đầu tiên và yếu tính đầu tiên.”[6]
Hoặc: “Thiên Chúa của ngươi cũng là sức sống cho sự sống của chính ngươi.”[7]
Tuy
nhiên, kinh nghiệm nội tâm nơi Augustinô không phải luôn luôn là một sự an
bình nghỉ ngơi, trái lại, nói theo kiểu của các triết gia hiện sinh, đó là một
kinh nghiệm giằng co, xâu xé, bất thoả…Với kinh nghiệm bản thân, Augustinô
nhận thấy trong chính mình vừa có ý muốn tốt lành lại vừa đồng thời có một
khuynh hướng chống lại ý muốn đó. Thế lực đối nghịch ấy khi thì biểu hiện trong
một sự lừa dối tinh vi, khi thì lấy sự tò mò làm sự hiểu biết, khi thì tỏ ra
hài lòng vì điều thiện mình làm, nhưng đồng thời lại lấy đó làm hãnh diện với
người khác v.v. Hoặc ghê gớm hơn, Augustinô cảm thấy thế lực đó giằng xé trong
tâm hồn, khiến cho con người sống trong một tình trạng “bị xé.” Nhiều
khi tinh thần hé nhìn thấy sự huy hoàng của sự thiện tuyệt đối và rất ham muốn,
nhưng lại vẫn không quyết định nổi. Tại sao lại có sự xâu xé đến mức này? Tại
sao lại có tình trạng kỳ quái như thế này? Tinh thần ra lệnh cho thể xác thì lập
tức nó được tuân lệnh ngay; nhưng có khi tinh thần ra lệnh, nó lại gặp sức
kháng cự. Tại sao vậy? Vì nó không muốn một cách cương nghị, thành thử nó cũng
không ra lệnh một cách cương nghị…Muốn một nửa, rồi không muốn một nửa, đó
không còn là một sự kiện kỳ quái, mà đó là một căn bệnh của linh hồn rồi.[8]
Đó là
nỗi lo âu xao xuyến kinh khủng của Augustinô trước khi được ơn hoán cải. Tình
trạng xao xuyến này, một cách nào đó, là bản chất của con người, một “căn bệnh
của linh hồn.” Quả thực, lần đầu tiên trong lịch sử triết học Tây Phương, có một
con người đã mô tả một cách rất thực và rất sống động nỗi bi đát của con người
như thế. Để diễn tả tình trạng này, Augustinô đã không ngần ngại kể lại những yếu
hèn của chính mình: ngài mô tả cuộc vật lộn gay go giữa ý muốn của con người với
chính mình; những mô tả đó còn cho thấy huyền nhiệm con người còn sâu xa hơn
cả các triết gia hiện sinh sau này quảng diễn.
Thế
nhưng, chính khi bất lực trong việc hiểu biết chính mình, thì Augustinô lại tìm
thấy một nguồn ánh sáng khác soi tỏ bản chất của con người, vì nếu như trong
con người có những điều mà chính tinh thần cũng không hiểu nổi, thì chỉ có
Thiên Chúa mới biết được con người cách tường tận, bởi vì: “Thiên Chúa còn
sâu thẳm hơn chính thẳm cung của lòng tôi” (Deus intimior intimo meo!).[9]
Chính khi bất lực trước ước vọng hoàn thành vận mạng đời mình, thì Augustinô lại
có thể tìm thấy sức mạnh cứu độ của Thiên Chúa nơi thẳm cung của lòng mình: “Thật
vậy, con vừa đọc xong câu đó, thì như có một luồng ánh sáng bình an chan hoà
vào trực giác tâm hồn con, làm tan biến mọi tối tăm của sự nghi nan”.[10]
Khi đó, con người có được một sự chắc chắn không gì lay chuyển nổi. Chúng ta biết
rằng sự chắc chắn, nguồn nghị lực vô song ấy không phải do khả năng hay nỗ lực
riêng của Augustinô, nhưng do từ một nguồn mạch khác: “Ngươi có được gì mà
đã không đón nhận từ bên ngoài” (Quid
habes quod non accepisti?) và chính sức mạnh đó đã trợ lực cho ước muốn của
Augustinô: “Tôi không thể muốn điều đó như thể chính tôi muốn, nhưng bằng
chính nguồn nghị lực vô song kia mà tôi muốn.”
Tội nguyên
tổ đã đảo lộn trật tự trong bản thân con người: thể xác chống cự với linh hồn,
linh hồn bị thể xác và cảm giác chi phối. Trong tình trạng đó, linh hồn trở nên
yếu đuối, sa đọa, lệ thuộc thân xác. Kinh nghiệm về cuộc đời trụy lạc làm
Augustinô thấm thía sức mạnh của tội lỗi và sự bất lực của con người. Nhưng nhờ
thế, kinh nghiệm của cuộc hoán cải cũng giúp Augustinô xác tín sức mạnh của
Thiên Chúa, tầm quan trọng thiết yếu của ân sủng trong hành trình tìm về với
Thiên Chúa. Những giao động tâm hồn ấy sau cùng đã kết thúc bằng việc Augustinô
chịu phép Thánh tẩy như được kể lại trong quyển Tự Thuật. Và lập tức sau
khi quy hồi Kitô giáo, trong những giờ phút trầm mặc giữa các bạn bè ở
Cassiacum, vấn đề chân lý được đặt ra một cách cấp thiết. Ở đây tưởng như còn
khám phá ra trong tư tưởng Augustinô một vài vết tích sâu đậm của suy tư triết
lý Thượng Cổ, ví dụ như vấn đề từ đam mê xác thịt đến sự thanh tẩy cho linh hồn,
tương tự chủ đề nền tảng trong triết lý Plotin. Nhưng một sự biến đổi đã hiện
lên rõ rệt. Những gì được nhìn và diễn tả qua những ý tưởng của triết học Thượng
Cổ hầu như đã trở thành những công thức trống rỗng, vô nghĩa không thể gây nổi
cảm hứng cho một tư tưởng mới mẻ và độc sáng.
Từ nền
tảng bất di dịch của sự quy hồi Kitô giáo, Augustinô đã suy diễn những tư tưởng
mới, về những vấn đề quan trọng. Đó là những điều được “Triết học Kitô giáo”
chú trọng nhiều hơn, vì tuy rằng các triết gia ngoại đạo đã khám phá được rất
nhiều chân lý trong Kitô giáo nhưng những suy tư trừu tượng của họ đã không đạt
tới và không thể đạt tới được trọng tâm của niềm tin Kitô giáo. Trọng tâm này
là sự tin tưởng vào những sự kiện lịch sử có thực về công cuộc cứu thế như Tin
Mừng kể lại về cuộc sống trần thế, sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Thánh
Thomas Aquinas đã toát lược tư tưởng của Augustinô bằng một câu cô đọng rằng: “Một
cố gắng để theo dõi các triết gia theo khuynh hướng Platon, đến mức độ mà đức
tin Công giáo còn chấp nhận được”. Truyền thống ghi nhớ đặc biệt về ngài
qua một bức họa trên tường đền Latran, trên đó có mấy dòng chữ: “Nhiều giáo
phụ đã bàn đến những vấn đề phức tạp, nhưng thánh nhân đây đã dùng La-ngữ để
bàn đến mọi vấn đề, trình bày các mầu nhiệm với giọng oai hùng như sấm sét.”[11]
Tóm lại,
trong số các giáo phụ, thánh Augustinô là người trổi vượt hẳn. Đọc các sáng tác
của ngài là nhìn được toàn diện triết lý Kitô giáo. Ở đây, chúng ta được suy
chiêm muôn vàn kiểu nói bất hủ về đời sống tâm linh; ra như những gì thuộc tâm
linh sâu kín đã được diễn tả thành ngôn ngữ linh động. Thực vậy, đây là một con
đường nội tâm được suy tư rất sâu xa và được trải nghiệm một cách sống động
trên con đường tìm về với Thiên Chúa. Cuối cùng ta có thể nói rằng: "thánh
Augustinô là nguồn suối mà các nhà tư tưởng ngày nay muốn mạo hiểm vào những miền
sâu của tâm hồn vẫn còn phải khai thác".[12]
[1]
X. Lê Tôn Nghiêm, Lịch
sử triết học Tây Phương, tập II, (Trung tâm sản xuất học liệu bộ Văn
hóa Giáo dục và Thanh niên xuất bản 1974), tr. 549-552.
[2] X. St. Augustin, Les
Confessions Tự Thuật, X, 8.
[3] St. Augustin, Soliloquia (Tự Niệm), I,7; II,1.
[4] St. Augustin, De vera religion (về tôn giáo chính thống), XXXIX,72.
[5] X. St. Augustin, Les
Confessions Tự Thuật, IV, 14.
[6] St. Augustin, De Vera Religion, 31-35.
[7] St. Augustin, De Lib. Arb. Vitae, 6,20.
[8] X. St. Augustin, Les
Confessions Tự Thuật, VIII, 9.
[9] Ibid, III, 6.
[10] Ibid, VIII, 12.
[11] X. Tư Cù, Lịch sử triết
học Tây Phương, tập II, (lưu hành nội bộ), tr. 65-66.
[12] Karl Jaspers, Nhập môn
triết học, Lê Tôn Nghiêm dịch, (Bộ Giáo dục và Thanh niên Trung tâm Học
liệu xuất bản 1969), tr. 178.